Tuỳ bút: Đưa cháu ra đảo Hòn Đỏ lễ Phật chùa Từ Tôn
Xưa kia, người ta gọi là Hòn Đỏ, vì đứng trong đất liền nhìn ra đảo, chỉ thấy toàn là đá, loại đá tảng đá hòn có màu nâu đỏ, không hề có bóng cây xanh.
Vài mươi năm sau, khi chùa Từ Tôn hiển hiện an vị trên đảo, màu đỏ của đá đã được che khuất bởi những cây xanh cao lớn, những cội bồ đề xan um tán rộng, những khóm trúc bụi tre kẽo kẹt đêm ngày, và rất nhiều nhiều chậu kiểng bồn hoa với đủ sắc màu tươi sáng…
Chùa Từ Tôn trên Hòn Đỏ do Hòa thượng Thích Viên Mãn khai sơn, phá đảo lập tự, từ hơn 40 năm về trước thuộc tổ Sơn Hải, phường Vĩnh Thọ, thành phố Nha Trang.
Hoà thượng Thích Viên Mãn? Không hề lạ! Trước năm 1975, lũ trẻ chúng tôi tuổi niên thiếu học tiểu học thường hay lên “Chùa Núi Sinh Trung” (tức Kỳ Viên Trung Nghĩa Tự ngày này) chơi đùa, quậy phá… lần nào cũng bị một người giữ chùa quở trách, rượt đuổi chạy xuống núi. Người đó là Chú Ngộ, hồi đó chỉ mới là Sa Di, vóc dáng nhỏ thó, dung mạo hao hao như Tề Thiên Đại Thánh. Chính là Ôn Viên Mãn về sau!
Lặng lẽ mình ên, ngày mấy chục chuyến từ đất liền ra đảo bằng chiếc thúng chai, mang từng viên đá chẻ, từng can nước ngọt, từng chậu cây, hạt giống… ròng rã 40 năm mưa nắng khổ nhọc, tạo dựng nên một chốn thanh tịnh tu hành, chẳng ai biết, chẳng ai màng...
Hòa thượng đã an nhiên viên tịch vào lúc 12 giờ 00, ngày 04/02/ 2019 (nhằm ngày 30 tháng 12 năm Mậu Tuất) tại chùa Từ Tôn.
Từ khi ngôi chùa hình thành, hiển hiện trên đảo vắng, thập phương bá tánh khắp nơi kéo về, ra đảo chiêm bái, cúng dường ngôi Tam Bảo, phương danh của Từ Tôn Tự đã loang xa…
Nay chùa Từ Tôn trên Hòn Đỏ đã trở thành “danh lam thắng tích” của thành phố biển Nha Trang xinh đẹp.
Những ngày lễ lớn, khi bạn muốn qua thăm Hòn Đỏ, vào chùa lễ Phật, sẽ có những chuyến ghe máy mau mắn sốt sắng đưa bạn đi, không thu một đồng phí nào. Nếu có xe máy để gửi vào bãi trên bờ thì mất 10.000 đồng.
Rằm tháng Giêng, khách thập phương lũ lượt ra chùa lễ Phật, có 3 chiếc ghe máy trang bị đầy đủ áo phao, chạy qua chạy lại liên tục để đưa đón khách, mỗi chuyến một ghe chở 8 người lớn, trẻ nhỏ không tính.
Sinh nhật âm lịch của Kiến Văn, cháu ngoại cưng của tôi, trúng ngày thiêng liêng Rằm tháng Giêng - Tết Nguyên Tiêu, lại nhằm ngày chủ nhật nghỉ học níu chân ông ngoại, nên ông không đi đâu theo ý mình được, đành hỏi cháu:
"Con thích đi chơi đâu thì ông chở đi!"
"Con thích đi... chùa. Con muốn lạy Phật, thích coi rồng, kỳ lân, rùa, hạc, cá, chim..."
"Được rồi. Gì chớ đi chùa thì ông biết nhiều chùa để giới thiệu với con lắm. Mặc bộ đồ lam bà ngoại mới may cho con đi chùa nghen?!"
"Dạ!"
Tôi rất lấy làm vui và hào hứng dẫn cháu đi lễ chùa, cảm tác liền mấy câu lục bát:
Tết Nguyên Tiêu bốn tuổi tròn
Ra thăm Hòn Đỏ
Từ Tôn tên Chùa
Rời nhà đi đến tận trưa
Sinh thần an lạc
vui đùa hồn nhiên
Chí thành
Lạy Phật
Rằm Giêng
Cậu cười Me nựng Bà khen Ông bồng!
Ra đến đảo Hòn Đỏ, tức đã đặt chân lên đất của chùa. Đất đá thiêng liêng. Chùa có rất nhiều cảnh lạ, cảnh đẹp từ thiên nhiên cũng như từ đôi bàn tay và khối óc của con người thiết trí tôn tạo. Có chim hót rộn ràng, cá lội tung tăng, bướm ghẹo hoa cười, sóng vỗ bờ đá, cầu cong đá tảng... Đặc biệt là những khung tranh "Luật Nhân Quả - Nhân Quả Báo Ứng" được thiết trí bên các lối đi, cháu Kiến Văn thích thú và dừng lại xem rất lâu, chăm chú xem từng bức tranh rồi nhờ ông ngoại giảng giải... Lượt đến xem rồi, lượt về cháu lại đòi ông đứng một bên để xem tiếp bộ tranh hấp dẫn giữa dòng người qua lại dập dìu hầu như ít có ai quan tâm thưởng lãm. Đó là do từ nhỏ, cháu nhờ được kề cận gần gũi ông ngoại "thi văn nhạc hoạ" nên rất thích mảng hội hoạ, đã rất hứng thú tập tò tô màu vẽ tranh, mê say xem tranh ảnh từ sách báo của ông...
Giữa khuôn viên chùa rợp bóng mát cây xanh, lối đi từ sân trước băng ra bãi sau có thiết kế một cây cầu nhỏ bằng xi măng, hai bên thành cầu chạm trổ hoa sen trên sóng nước, bên dưới là hồ nước ngọt với đàn cá màu lượn lội hớp bọt đớp bèo. Gần bên đầu cầu bên này có tảng đá khắc thư pháp "Từng bước chân an lạc" như nhắc nhở những người con Phật hãy luôn tỉnh thức quay về với chính mình giữa cuộc sống bề bộn lo toan, nhiêu khê duyên nợ...
Bước chân thư thả qua cầu
Biết đi
Biết đứng
Hít sâu
Thở đều
Biết mình thân đã rong rêu
Biết đời ảo mộng đang nhiều đắm mê
Biết qua
Biết lại
Đi, về
Biết dừng
Lắng đọng để nghe tiếng lòng
Qua cầu biết bến đục trong
Biết con nước chảy nghẽn thông Nghiệp mình
Oán xưa nợ cũ chòng chành
Không ai phá giải cho thành nhẹ vơi
Chính mình
Và chỉ mình thôi
Không nương tha lực mà ngồi ước ao
Tự tâm tự lực
Lấp đào
Điềm nhiên nhận đón hư hao, mẻ mòn
Thiện lành gieo xuống sắc son
Yêu thương chia sẻ đầy tròn niềm vui
Qua cầu chánh niệm thảnh thơi
Oan gia trái chủ xin mời về đây
Vững tin chánh pháp giải bày
Dừng chân
Hoan hỷ trả vay rồi về....
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Mọi thứ đều có thể rời bỏ ta, nhưng chính ta thì không bao giờ bỏ rơi ta
Góc nhìn Phật tử 17:00 25/11/2024Ta thực sự không phải những tiếng nói tiêu cực trong tâm trí, cũng không phải là những điều tích cực như là những cống hiến, hy sinh, những nụ cười hạnh phúc khi bên cạnh ai đó hay khi có được, đạt được điều gì đó. Mà ta thực sự chính là nguồn ánh sáng nhận biết.
Đường về nhà
Góc nhìn Phật tử 15:40 25/11/2024Mỗi buổi sáng, tôi đều dành một khoảng thời gian để ngồi thiền trước hiên nhà, nơi có tán bồ đề xòe rộng che mát. Hơi thở nhè nhẹ, từng ý niệm trôi qua như những đám mây lặng lẽ trên bầu trời.
Thoát khỏi thói quen chỉ trích bản thân
Góc nhìn Phật tử 13:15 25/11/2024Ngày nay, trong một thế giới đầy rẫy áp lực và sự so sánh, thói quen tự chỉ trích đã trở thành một phần không nhỏ trong cuộc sống của nhiều người.
Tôi ăn chay
Góc nhìn Phật tử 08:08 25/11/2024Tôi bắt đầu ăn chay cách đây năm năm, một sự thay đổi không lớn nhưng lại khởi nguồn từ một câu chuyện sâu sắc. Tôi chưa từng nghĩ rằng việc ăn chay lại có thể tác động mạnh mẽ đến tâm thức mình đến vậy.
Xem thêm