Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 01/08/2024, 09:01 AM

Tuỳ bút: Nước chảy qua cầu

Chúng tôi rời quê hương mà đi, một năm đôi ba lần trở về. Ngày tháng rời chúng tôi mà đi, không bao giờ quay lại. Ở Sài Gòn, Hà Nội, hay một đất nước cách quê hương nửa vòng trái đất, ngược hai múi giờ sáng tối, chúng tôi nhớ, đôi khi rất nhớ và cũng chỉ có thể nhớ mà thôi.

Bằng thời gian, tôi khôn lớn, chúng tôi khôn lớn, rồi rời bỏ quê hương.

Chúng tôi rời bỏ nơi mà suốt mùa hè, những cơn gió Lào nóng hầm hập lướt qua trên những cánh đồng, những cồn cát, những nóc nhà thành phố. Ở quê tôi, có những ngày, trời lộng gió, nhưng nóng đến kinh thiên. Cái nóng làm nghèo nàn, cộc cằn dải duyên hải mảnh mai này, rồi xô bao lớp người vào hành trình biệt xứ. Hành trang mang theo, có cái cộc cằn và nóng nảy hằn sâu vào trong tính cách của họ, không chịu phai nhạt, dù có khi họ đã xa rời quê cũ gần hết đời người.

Rồi những mùa mưa dai dẳng, có cơn mưa kéo dài mấy ngày chẳng dứt. Bầu trời xám xịt kéo xoạch mọi thứ quần áo chiếu gối mùng mền vào trong khoảng không gian của thứ mùi âm ẩm, tra tấn lũ trẻ con chúng tôi ngày đó bằng việc lôi ra khỏi giấc ngủ ấm ru trong khi xung quanh còn tối mịt, đẩy chúng tôi ra giữa màn mưa và đạp xe tới trường trong cái lạnh cắt da. Nhưng bữa cơm mùa mưa thì ngon hơn hẳn, giấc ngủ cũng ngon hơn hẳn. Có ai còn nhớ cái trò nằm lên chiếc mền dày rồi cuộn tròn lại như kén sâu, lắng tai nghe tiếng lá cành cọ mình trong gió, tiếng sấm chớp đì đùng lọt qua khe cửa đóng chặt, rồi từ từ bị cơn buồn ngủ nhấn chìm?

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Và những ngày hè nghỉ học về quê, ngồi dưới đêm trời đầy sao trong sân nhà ngoại, cả nhà tụm lại ngồi trên chiếc ghế dài được khiêng ra đặt trước hiên. Tôi ngẩng mặt lên tìm sao Bắc đẩu, ông ngoại chỉ cho tôi ngôi sao sáng nhất, tìm dải sông Ngân chia đôi mối tình Ngưu lang - Chức nữ trong câu chuyện của dì Bảy từng kể. Có tiếng dế ri ri ngoài bụi cỏ, tiếng chó sủa khan vọng từ xóm trên lại, tiếng ông bà ngoại kể chuyện mùa màng chuyện giỗ chạp và chuyện ma. Những con ma “ngoài nớ đó”, lẩn khuất dưới đìa, đu trên bụi tre chờ người đi qua để bắt giấu, ngồi thu lu ngồi khóc hờ nơi ngã ba. Thằng nhỏ tôi nín thinh, nép vào giữa những người lớn. Rồi lại ngước lên nhìn vòm trời sao dày đặc, cảnh tượng chẳng được thấy ở thành phố bao giờ.

Chúng tôi rời bỏ khu vườn xum xuê của ông nội, nơi có mỗi tiếng chổi cau đưa xoèn xoẹt lẫn trong tiếng gà vọng dưới bình minh. Rời bỏ những gì đã nuôi chúng tôi lớn, đã gầy dựng nên gia tài kỷ niệm nơi chúng tôi. Kỷ niệm lấp loáng trong mắt, phản chiếu những hạt nắng lăn tăn trên mặt nước sông quanh năm tưới tắm cho đồng nội, cho tâm hồn của những cô cậu bé con khôn lớn trong nắng hạn mưa dầm. Kỷ niệm mằn mặn vị biển trên môi. Kỷ niệm phập phồng trong cánh mũi: mùi đất mới vỡ, mùi cỏ mới cắt, mùi mắm mới ủ, mùi bắp mới nấu, mùi rượu mới chưng,... Kỷ niệm khuấy đảo từng giác quan, nặng trịch dưới mỗi bước chân dù đi xa cả ngàn cây số. Đôi khi chúng tôi nhớ, nỗi nhớ cứ ẩn mình ở đó, âm thầm và dai dẳng, để rồi thi thoảng, bất chợt cuộn lên.

Chúng tôi rời quê hương mà đi, một năm đôi ba lần trở về. Ngày tháng rời chúng tôi mà đi, không bao giờ quay lại. Ở Sài Gòn, Hà Nội, hay một đất nước cách quê hương nửa vòng trái đất, ngược hai múi giờ sáng tối, chúng tôi nhớ, đôi khi rất nhớ và cũng chỉ có thể nhớ mà thôi.

Chúng tôi phải khôn lớn, quê hương phải đổi thay. Quy luật là vậy. Heraclite nói: “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”. Tôi chưa bao giờ tắm sông, tôi cũng ít tắm biển, đơn giản vì tôi không biết bơi, nên tôi sợ. Nhưng tôi có thể ngắm nhìn, từng không ít lần dừng xe lại tựa lên thành cầu để ngắm dòng nước sông Thu Bồn, sông Yên, sông Vu Gia,… bà mẹ xứ sở uốn mình trôi đi giữa hai bờ tre mướt mát. Tôi cũng từng ngồi bên bờ biển hàng giờ để ngắm mặt trời xuống dần sau Hải Vân, tung cảnh tượng huy hoàng sau chót trên mặt vịnh bồng bềnh. Sông cứ trôi đi, không ngừng biến đổi, như quê hương, như chính chúng tôi, những đứa trẻ ngày xưa đã và đang lớn.

Có ai đã từng ngồi trên bờ, hoặc đứng giữa cây cầu hàng giờ để ngắm dòng sông quê hương mình (hay những dòng sông ở mọi nơi khác) trôi đi chưa?

Ngày tôi nhỏ, ngồi bên bờ sông phía Cẩm Nam, bãi bồi ngút ngàn màu rau bắp hiền hòa, có cây cầu tre mảnh mai, xinh xắn vắt qua và có các bà các mẹ thi thoảng lại ra bờ sông giặt đồ, giặt chiếu. Giờ thì chẳng còn cây cầu tre ấy nữa, và cũng chẳng còn các bà giặt chiếu bên sông.

Ngày tôi nhỏ, sông Hàn mênh mông, “bên kia Hà Thân” là một vùng đất xa lạ, nơi mà trong lần duy nhất tôi được bước sang, trước khi cây cầu quay nối nhịp, chỉ có những nếp nhà lúp xúp cũ kỹ, bãi cát mênh mông và rừng dương bát ngát. Giờ, bên kia sông san sát những khách sạn cao ngất, có những đoạn đường chạy mải hoài mới thấy đường xuống biển.

Thời gian là thứ chúng ta chẳng thể ngăn giữ hay giam cầm được. Kỷ niệm hay ký ức, rồi lúc nào đó, cũng sẽ rời bỏ mình mà đi.

Một lần, trên đường về quê, đi ngang sông Yên, tôi chạy chậm lại, hoặc dừng lại giữa cầu ngắm nhìn. Những hàng tre rủ bóng xuống mặt nước trong xanh. Trên dòng sông này, trong câu chuyện ba từng kể, tổ tiên tôi đã ngược dòng lên dựng nhà lập tộc. Bao người con gái thời trước trong họ tôi, bên bờ sông này đã theo chồng sang bờ bên kia, rồi cùng tình nghĩa phu thê nằm lại mãi mãi giữa gió đồng vi vút. Những hàng tre xanh mượt dịu dàng rủ tóc xuống mặt nước sông, ai biết rồi ngày mai hay ngày kia, chúng có phải rời chỗ để nhường lại cho nhà cao, phố rộng hay không?

Chiếc lan can cầu bằng sắt, chạm tay vào vẫn còn nóng rẫy sau một ngày dài nung mình trong nắng. Dưới chân cầu, dòng nước vẫn cuồn cuộn trôi đi.

Nguồn: Báo Giác Ngộ 

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Sự an lạc thanh tịnh của bậc đã đoạn tận lậu hoặc

Góc nhìn Phật tử 09:49 21/09/2024

Đức Phật luôn duy trì cuộc sống du phương trong suốt cuộc đời hành đạo của Ngài. Với cách giảng dạy này, người nghe, người học sẽ tiếp thu tốt hơn, hiểu pháp nhanh hơn và thực hành đạt kết quả hơn qua sự tiếp xúc trực tiếp với Ngài.

Nhờ niệm Phật đoàn người thoát nạn

Góc nhìn Phật tử 09:33 21/09/2024

Ngày xưa có đoàn người buôn bán/ Vào biển tìm đẳng bảo, trân châu/ Sá gì bão tố, nông sâu/ Thuyền bơi trong mộng sang giàu lênh đênh

Hoa sen trong đời sống Phật tử: Thanh tịnh giữa đời thường

Góc nhìn Phật tử 14:28 20/09/2024

Trong cuộc sống hàng ngày của người Phật tử, hình ảnh hoa sen luôn gắn liền với tâm hồn và con đường tu tập. Hoa sen không chỉ đẹp mà còn chứa đựng rất nhiều ý nghĩa sâu sắc, giống như một lời nhắc nhở nhẹ nhàng về cách sống và tu dưỡng.

Kệ Quan Thế Âm

Góc nhìn Phật tử 14:02 20/09/2024

Quán Thế Âm Bồ Tát có rất nhiều nhân duyên với chúng sanh trong cõi Ta Bà này. Ngài lại đủ oai thần và phương tiện để cứu khổ, ban từ, ban bi cho muôn loài.

Xem thêm