Vài nét về mối liên hệ giữa Đại chúng bộ và Đại thừa
Một trong những lý do của sự phân phái lần đầu tiên có thể liên quan đến việc soạn thảo giới luật (vinaya) và những tranh cãi về giáo thuyết.
Vào thời Đức Phật, chư Tăng sống hòa hợp vì có sự hiện diện của Ngài. Chính sự hiện diện đầy uy lực của Đức Phật đã khiến cho hầu hết các thành viên của cộng đồng Tăng-già không khởi sanh tư tưởng “lý giáo”; và những vướng mắc về giáo thuyết cũng như giới luật trong các Tỳ-kheo luôn có người giải đáp, hạn chế tình trạng hiểu và thực hành giáo pháp và giới luật theo cách hiểu và sở thích của mỗi người, điều về sau được xem là một trong những nguyên nhân đưa đến sự phân phái.
Những tương đồng giữa kinh Đại thừa và kinh Nguyên thủy
Một trong những lý do của sự phân phái lần đầu tiên có thể liên quan đến việc soạn thảo giới luật (vinaya) và những tranh cãi về giáo thuyết. Theo Phật giáo Theravāda, nguyên nhân của sự phân phái liên quan đến “mười điều phi pháp” của Tăng chúng Bạt-kỳ (Vajji), và như vậy lý do của sự phân phái chính yếu liên quan đến giới luật, mà không phải vì sự bất đồng về giáo thuyết. Mười điều được gọi là phi pháp bao gồm:
1. Được phép cất giữ muối trong ống sừng để dùng khi cần;
2. Được phép ăn quá trưa khi mặt trời ngả bóng chưa quá hai ngón tay;
3. Ăn đã xong, rời khỏi chỗ, được phép ngồi ăn lại;
4. Ăn xong, đi sang nơi khác vẫn được phép ăn thêm;
5. Được phép dùng sữa chưa đông sau bữa ăn;
6. Được phép uống rượu chế biến từ trái cây;
7. Được phép làm tọa cụ lớn hoặc nhỏ vừa với mình;
8. Có thể làm (một số) việc mà lúc còn cư sĩ đã làm;
9. Được phép khác trú xứ, nhưng cùng một cương giới, yết-ma bố-tát riêng biệt;
10. Được phép thu nhận và cất giữ vàng bạc.
Theo Phật giáo Bắc truyền, sự phân phái xảy ra do liên quan đến năm luận điểm của Đại Thiên (Mahādeva) (T 49, 15a; Mahāvastu, 511c):
1. A-la-hán vẫn có thể bị cám dỗ (có thể xuất tinh);
2. A-la-hán vẫn còn vô tri;
3. A-la-hán vẫn còn hoài nghi;
4. Sự chứng đắc quả vị A-la-hán phải nhờ đến người khác;
5. Sự chứng đắc đạo quả có thể phải nhờ vào tiếng kêu khổ.
(Hán: 餘 所 誘 無 知, 猶 豫 他 令 入, 道 因 聲 故 起, 是 名 真 佛 教; Dư sở dự vô tri/ Do dự tha linh nhập/ Đạo nhân thanh cố khởi/ Thị danh chơn Phật giáo).
Việc thiếu giao tiếp và thiếu một quyền lực trung ương cũng như việc phát triển những trung tâm Phật giáo độc lập là một trong số những lý do khác đưa đến sự phân rẻ Tăng-già thành hai phái Thượng tọa bộ (Sthaviravāda) và Đại chúng bộ (Mahāsānghika). Như được hàm ý nơi tên gọi Đại chúng bộ, phái này được đại đa số các Tỳ-kheo theo. Địa bàn hành hoạt đầu tiên của Đại chúng bộ là ở Ma-kiệt-đà (Magadha), nhưng những người theo phái này cũng hiện diện ở Nam Ấn tại những địa danh như Amarāvati và Nagarjunakonda (thuộc bang Andhra Pradesh); trong khi những người Thượng tọa bộ hành hoạt ở Bắc Ấn. Những người Đại chúng bộ có hai tịnh xá nổi tiếng gần Amarāvati và Dhānyakaṭaka.
Vào những năm đầu, Đại chúng bộ không phát triển được bởi sự chống đối mạnh mẽ của những Tỳ-kheo theo Thượng tọa bộ. Nhưng họ đã cố gắng bám trụ ở Ma-kiệt-đà và dần trở thành một phái mạnh. Tác phẩm nổi tiếng nhất của Đại chúng bộ là Mahāvastu (Đại sự). Ở Sri Lanka, trụ sở chính của những người theo Đại chúng bộ là tịnh xá Abhayagiri; và vua Sena I được cho là đã xây tịnh xá Vīrankurārāma cho những Tỳ-kheo theo Đại chúng bộ cư trú.
Mặc dù Đại chúng bộ không phải là tiền thân của Phật giáo Đại thừa, truyền thống này có sự ảnh hưởng quan trọng vào sự sinh khởi của Phật giáo Đại thừa, đặc biệt là những người theo Thuyết xuất thế bộ (Lokottaravādin), một nhánh của Đại chúng bộ. Nhóm này được cho là đã mở đường cho Đại thừa phát triển về sau. Những người Thuyết xuất thế bộ đã biến Đức Phật trở thành một đấng siêu nhiên bằng việc cho rằng Ngài là một bậc siêu thế, và thân của Ngài có mặt khắp cả vũ trụ. Quan điểm này liên quan đến niềm tin rằng có vô số chư Phật ở trong thế giới; và nó cũng liên quan đến sự phân tách thân phàm tục và thân siêu phàm, điều về sau có thể đã đưa đến việc đồng nhất thân chân thực của Đức Phật với thực tại tối hậu.
Giáo thuyết của Đại chúng bộ
Cũng như Nhất thiết hữu bộ, Đại chúng bộ xem Đức Phật là đạo sư của họ. Cả hai phái Thượng tọa bộ và Đại chúng bộ đều thực hành theo những giáo pháp quan trọng mà Đức Phật đã giảng dạy, chẳng hạn như Tứ Thánh đế, Bát Thánh đạo, Ba mươi bảy phẩm trợ đạo, Tam pháp ấn, Duyên sinh (Pratītyasamutpāda), Nhân quả nghiệp báo v.v… Tuy nhiên, những nhà Đại chúng bộ đã không chấp nhận một số những kinh luật mà những người Thượng tọa bộ nghĩ là đã được kiết tập ở kỳ kiết tập thứ nhất, như Tập yếu (Parivara), Vô ngại giải (Paṭisambhidā), Nghĩa thích (Niddesa) v.v…
Những người Đại chúng bộ đã hệ thống hóa kinh tạng của họ thành năm phần, đó là Kinh (Sūtra), Luật (Vinaya), A-tỳ-đàm (Abhidharma), Đà-la-ni (Dhāraṇī) và phần hỗn hợp. Theo những người Đại chúng bộ, (chư) Phật là đấng siêu thế và không có những thuộc tính thế tục. Họ không trải qua giai đoạn phôi thai của những chúng sanh thông thường và không hề có tham dục. Đức Phật mà những những người Đại chúng bộ nói đến không phải là Đức Phật lịch sử mà là Ứng thân (Nirmāṇa-kāya) hay Hóa thân của Báo thân (Sambhoga-kāya) Phật. Phật tính của Đại chúng bộ là một trong những phần sớm nhất của học thuyết Tam thân (Trikāya) được phát triển về sau trong Đại trí độ luận (Prajñāpāramitā sastra) của Long Thọ và văn học Duy thức/ Du-già tông (Yogācāra).
Theo Đại chúng bộ, Đức Phật lịch sử Guatama chỉ vì lợi ích của thế giới này mà thể hiện những việc làm trần tục. Tất cả chư Như Lai đều thoát khỏi những pháp bất tịnh (hữu lậu). Những người Đại chúng bộ cho rằng thân vật lý của Đức Phật không có bất kỳ yếu tố nhiễm ô nào bởi vì tất cả phiền não (klesa) và tập khí (vāsanā) đều được đoạn diệt hoàn toàn. Như được nói trong kinh, mặc dù Như Lai sinh ra nơi thế giới này, trú nơi thế giới này, xuất hiện nơi thế giới này, tuy vậy Ngài không bị những pháp trần tục làm nhiễm ô.
Đại chúng bộ cho rằng tất cả những lời nói của Như Lai đều là đang chuyển Pháp luân (Dharmacakra). “Chuyển Pháp luân” là một cụm từ nổi tiếng được sử dụng để chỉ sự kiện Đức Phật thuyết giảng bài kinh đầu tiên cho năm anh em Tôn giả Kiều Trần Như ở Ba-la-nại (Benares). Theo Đại chúng bộ, những lời Đức Phật nói ra đều là chân lý. Tất cả những giảng thuyết của Như Lai đều là Chánh pháp và nhằm giác ngộ người nghe. Kinh điển mà Đức Phật thuyết có ý nghĩa tối hậu. Đức Phật thuyết tất cả pháp bằng một âm thanh, tức rằng Ngài có thể giảng giải tất cả giáo thuyết với một lời nói duy nhất, và trong một khoảnh khắc tất cả pháp có thể được nhận biết. Đức Phật được cho đã tu tập trong nhiều kiếp, và không ai có thể vượt qua Đức Phật trong việc hiểu các pháp (dharma).
Thân vật lý của Như Lai thực sự là vô biên, và năng lực của Ngài cũng vô biên. Đời sống và sức mạnh của Ngài là vô hạn. Ngài luôn an trú trong định. Thần lực của Phật có mặt khắp tất cả các thế giới ở mọi phương trong một sát-na.
Chính vì giác ngộ chúng sinh mà Đức Phật đã chọn cõi người để có thể giúp con người tu tập theo Ngài và cuối cùng đạt được Phật quả. Các hành giả là những người trải qua nhiều thử thách và hy sinh để tiến đến một giai đoạn tu tập cao hơn, đó là con đường Bồ-tát. Những người thực hành Bồ-tát đạo sẽ đạt được Phật quả khi đúng thời điểm. Khái niệm về nhiều vị Bồ-tát cùng tu tập hướng đến Phật quả được tìm thấy trong truyền thống Đại chúng bộ, và bằng chứng của điều này có thể nhìn thấy nơi Dị bộ tông luân luận (Samayabhedoparacanacakra), mà ở đó có trình bày những giáo thuyết của Đại chúng bộ. Những người Theravāda tu tập nhằm đến quả vị A-la-hán, không phải Phật quả; còn những người Đại chúng bộ không xem quả vị A-la-hán là quả vị tối hậu trong lộ trình tu tập của họ.
Để làm lợi ích chúng sanh, chư Bồ-tát sẽ sinh vào nơi những cõi ác và có thể đến đó theo ý muốn. Những hành giả phát khởi tâm Bồ-đề (bodhicitta) và thực hiện các ba-la-mật (pāramitā) để trở thành một vị Bồ-tát, và sau đó là một vị Phật. Tầm quan trọng của việc tu tập được đặt vào tâm Bồ-đề và lòng từ bi hơn là đặt vào phạm hạnh (brahmacariya) và Thánh đạo (ariyamagga).
Một vấn đề quan trọng khác nơi giáo thuyết của Đại chúng bộ là quan niệm về tâm. Tâm có thể nhận biết bản chất nội tại của nó, giống như một ngọn đèn có thể tự chiếu sáng nó cũng như những thứ xung quanh. Học thuyết này đã ảnh hưởng đến Duy thức tông (Yogācāra) về sau. Hai tâm có thể sinh khởi đồng thời ở nơi một người (Tham khảo kinh Sandhinirmocana). Nghiệp (karma) và quả chỉ là tâm và tâm tương ưng hành. Tâm vốn thanh tịnh. Nó được cho là bất tịnh khi bị các phiền não lậu hoặc làm ô nhiễm. Một vị Nhập lưu (sotāpanna) có thể biết về bản chất (svabhāva) của mình thông qua tâm (cittā) và tánh (citasika). Một người phàm phu và những vị hiền thánh không phải là một vị Nhập lưu thì không thể biết bản chất tâm của họ một cách rõ ràng như vị Nhập lưu nhận biết.
Những nhà Đại chúng bộ khẳng định rằng các pháp quá khứ và tương lai không phải là những thực thể có thật. Chỉ có các pháp hiện tại là có thật. Các pháp không tồn tại ở quá khứ và tương lai, mà chỉ có mặt ở hiện tại. Các pháp quá khứ đã bị đoạn diệt và các pháp tương lai chưa có mặt, vì vậy các pháp chỉ tồn tại trong sát-na hiện tại.
Có một cách hiểu khá khác nhau về khái niệm trung đạo giữa những người theo Thượng tọa bộ và Đại thừa (mà nó được cho là có liên hệ mật thiết với Đại chúng bộ). Trong Phật giáo Thượng tọa bộ, Trung đạo đề cập đến một lối sống điều độ tránh hai cực đoan là khổ hạnh ép xác và say đắm dục lạc; nhưng trong Trung Quán tông (Madhyamika), một nhánh của Phật giáo Đại thừa, Trung đạo biểu thị cho một học thuyết tương đối, không có thực tại cũng không không có thực tại của thế giới, không có hữu cũng không phi hữu, không có ngã cũng không phi ngã v.v…
Những người theo Đại chúng bộ cũng là những người khởi đầu việc thờ phụng các điện thờ (caitya) và cho rằng phước đức lớn có thể được tích tập bằng việc nhiễu quanh một ngôi tháp (stūpa). Họ cũng cho rằng khổ đau đưa một người đến con đường đạo. Trải nghiệm khổ đau (dukkha-vedanā) nơi thế giới này khiến cho con người cảm thấy nhàm chán nó. Cảm nghĩ này theo đó đưa người ta đến xuất gia và cuối cùng đi đến Thánh đạo.
Căn bản thức và Đại chúng bộ
Căn bản thức là một khái niệm quan trọng trong Duy thức tông, tuy nhiên học thuyết này đã có mặt nơi Đại chúng bộ. Nhiếp Đại thừa luận (Mahāyāna-saṃgraha) viết: “Những nhà Đại chúng bộ dạy căn bản thức (根本識), như một cái cây mà nó có gốc làm cơ sở hỗ trợ nó”. Điều này dường như đã phát triển từ học thuyết rằng tất cả sáu thức sinh khởi với mạt-na (manas) thức làm cơ sở hỗ trợ của nó. Kinh Giải thâm mật (Sandhinirmocana-sūtra) viết: “Được hỗ trợ và thiết lập bởi a-lại-da thức (阿 陀 那 識; ālaya vijñāna), sáu thức (trước) sinh khởi”.
Căn bản thức được Duy thức tông trích dẫn trong việc hỗ trợ học thuyết a-lại-da thức của họ. Sự thực, tên gọi này đôi khi thậm chí được sử dụng như một từ đồng nghĩa với a-lại-da thức. Chẳng hạn Duy thức tam thập tụng (唯識三十論) viết:
“Y chỉ căn bản thức
Ngũ thức tùy duyên hiện
Hoặc câu hoặc bất câu
Như đào ba y thủy”.
(Nương nơi thức căn bản
Năm thức hiện theo duyên
Hoặc cùng hoặc chẳng cùng
Như sóng nương nơi nước).
Hiển thức luận (顯識論) nói rằng trong Đại chúng bộ, sức mạnh của sự huân tập (熏習, vāsanā) được gọi là tàng thức (攝識): “Điều này giống như việc đọc một bản kinh: ta không thể thông thạo việc tụng đọc trong lần đầu tiên. Nơi lần tụng đọc thứ hai, (kết quả) của lần tụng đọc thứ nhất được gộp vào. Theo cách này cho đến lần tụng đọc thứ mười, lúc ấy ta hoàn toàn thông thạo (khi những kết quả tích tập của) tất cả chín lần (tụng đọc) trước được gộp vào. Theo cùng cách, sự thay đổi của lần nhận biết đầu tiên được (đưa vào) trong lần nhận biết thứ hai, theo cách này cho đến lần thay đổi thứ chín (được đưa vào) trong lần thứ mười. Lần thứ mười có thể bao gồm tất cả chín lần trước. Chính kết quả thay đổi của lần thứ mười này được gọi là ‘tàng thức’ mà nó bao gồm những kết quả [được tích tập] của chín lần trước; như vậy [những kết quả của] chín lần trước không mất đi”.
Việc tích tập kết quả này đưa đến khả năng chuyển đổi một sức mạnh quá khứ thành một hình thức hiện tại, để sức mạnh ở hiện tại được tăng thêm. Đây chính là sự huân tập.
Bản kinh Bát-nhã (Prajñāpāramitā-sūtra) đầu tiên và Đại chúng bộ
Theo truyền thống Tây Tạng, kinh Đạo hành Bát-nhã (Aṣṭasāhasrikā Prajñāpāramitā sūtra) có một phiên bản Prākrit. Và kinh Bát-nhã này được cho là bản Bát-nhã cổ xưa nhất. Nơi bản kinh này, có một đoạn như sau: “Vào lúc bấy giờ, có một Tỳ-kheo Đại chúng bộ ở Hoa Thị thành (Pataliputra), người cũng theo Đại thừa… [và] nghiên cứu [các kinh] Phương đẳng (Vaipulya)”.
Một số học giả cho rằng những giáo thuyết Bát-nhã được phát triển đầu tiên bởi phái Chế đa sơn (Caitika) thuộc Đại chúng bộ. Thượng tọa Quảng Hưng (廣興) ở nơi tác phẩm của mình, The Concept of the Buddha: Its Evolution from Early Buddhism to Trikaya Theory (Khái niệm Phật: Sự phát triển từ Phật giáo Sơ kỳ đến học thuyết Tam thân), cũng cho rằng quan điểm về Đức Phật được đưa ra trong kinh Đạo hành Bát-nhã là quan điểm của những người Đại chúng bộ.
Nguồn gốc của Đại thừa ở Nam Ấn
Trong kinh Đạo hành Bát-nhã có một đoạn nói rằng giáo thuyết Bát-nhã khởi xuất đầu tiên từ Nam Ấn, sau đó truyền đến Bắc Ấn. Hầu hết các học giả cho rằng Phật giáo Đại thừa khởi xuất ở Nam Ấn vào khoảng thế kỷ I TL. Vào thời điểm đó, Đại chúng bộ phát triển rất mạnh ở Nam Ấn và được cho có sự đóng góp rất quan trọng cho việc sinh khởi của phong trào Đại thừa khi có một vài quan điểm ở trong truyền thống Đại chúng bộ cho thấy rằng tông phái này đã ảnh hưởng đến Phật giáo Đại thừa. Mặc dù Pháp Hiển đã thu thập được một bộ luật (vinaya) của Đại chúng bộ ở Ấn Độ trong khi ngài đến quốc gia này và đã dịch bộ luật này sang Hán ngữ, truyền thống Phật giáo Trung Quốc cuối cùng đã chọn luật Tứ phần (Dharmaguptaka Vinaya: Luật tạng của Pháp Tạng bộ) làm bộ luật chính của họ. Vào thời Pháp Hiển, luật Thập tụng (十誦律; Sarvāstivāda-vinaya: Luật tạng của Nhất thiết hữu bộ) là bộ luật phổ biến nhất ở Trung Quốc.
Như ta thấy, những người Đại chúng bộ đã đưa ra một sự phân tách rạch ròi giữa A-la-hán và Phật. Họ không chỉ đưa ra quan điểm rằng A-la-hán có thể còn thối thất, mà cũng cho rằng việc trở thành A-la-hán là tương đối dễ dàng và rằng quả vị A-la-hán không phải là việc chứng đắc cuối cùng.
Một trong những lý do đưa đến việc chống lại lý tưởng A-la-hán có thể là do việc nhóm người chủ trương lý tưởng này quá chú trọng vào vấn đề học thuật và chọn lối sống “biệt cư”. Việc quá tập trung vào nghiên cứu kinh sách và mổ xẻ các vấn đề ở trong thánh điển đã làm tiêu tốn nhiều thời gian của họ, và điều này dường như đưa họ đến một đời sống phần nào ẩn dật và xa rời quần chúng. Thái độ phần nào ẩn dật và thiếu quan tâm đến những vấn đề “xã hội” của họ bị một số Tăng sĩ khác cũng như các cư sĩ quy cho là thái độ vị kỷ. Cũng có thể rằng trong số những Tăng sĩ được xem là truyền thống này (những người đề cao lý tưởng A-la-hán), có một số người tuyên bố họ là A-la-hán nhưng trong thực tế không phải như vậy, điều này dẫn đến một sự tương phản giữa một vị A-la-hán lý tưởng như được đề cập trong kinh sách sơ kỳ và hình ảnh “đời thực” của một tu sĩ tự xưng là A-la-hán (nhưng kỳ thực chưa chứng được Thánh quả).
Năm điểm phê bình chống lại lý tưởng A-la-hán của Đại Thiên có lẽ ban đầu nhắm vào những tu sĩ như vậy, nhưng về sau nó trở thành một phê bình chung được sử dụng chống lại lý tưởng A-la-hán của Theravāda. Với việc hạ thấp lý tưởng A-la-hán, Phật quả được nâng lên một tầm mức rất cao và một cách tự nhiên điều này đưa đến làm gia tăng những tác phẩm liên quan đến tiểu sử của Đức Phật và cả những câu chuyện về những tiền kiếp của Ngài. Và đây là lý do tại sao lý tưởng Bồ-tát dần trở thành nổi bật.
Vẫn chưa thể xác định được một cách chắc chắn Đại chúng bộ có phải là tiền thân của Phật giáo Đại thừa hay không, vì như chúng ta biết, khi Phật giáo Đại thừa đã hiện diện thì Đại chúng bộ vẫn còn đang hưng thịnh. Và như vậy không thể nói rằng Phật giáo Đại thừa là do Đại chúng bộ chuyển sang bằng việc “thay tên đổi họ”. Tuy vậy, nhiều giáo thuyết được tìm thấy trong Đại chúng bộ như chúng ta đã thấy ở trên có thể là cơ sở cho việc phát triển Phật giáo Đại thừa; và thực sự, có một số thành viên của các tông phái thuộc Đại chúng bộ đã chấp nhận và theo Phật giáo Đại thừa.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Chung quanh vấn đề vãng sanh
Nghiên cứu 20:00 21/11/2024Tất cả chúng sanh, nếu không được sanh về cõi Phật, tất nhiên sẽ phải đọa vào ác đạo, không trước thời sau. Nếu muốn sanh về cõi Phật, đương nhiên là phải niệm Phật. Đó là một sự thật tất nhiên không thể phủ nhận.
Luận bàn hai chữ “Cuộc đời” trong bài kệ của Thiền sư Pháp Loa
Nghiên cứu 13:32 21/11/2024“Cuộc đời của mỗi con người chỉ như một giấc chiêm bao – vô thường. Nếu không có hiểu biết, không tìm thấy cái ta chân thật, thì dù làm bao nhiêu việc cũng chỉ là làm mộng, bao nhiêu cái biết, cũng chỉ là cái biết hư vọng”.
Mối quan hệ giữa đời sống và việc tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông
Nghiên cứu 14:05 20/11/2024Phật hoàng Trần Nhân Tông luôn nhấn mạnh quan niệm tiến bộ của Phật giáo Đại Việt rằng “Phật giáo là cuộc sống, không có sự cách li, phân biệt, bởi vì Phật giáo là gì nếu không phải đó là một quá trình đi tìm chân lý.
Tiếc là con người chỉ có hai tay
Nghiên cứu 08:20 19/11/2024Ngày xửa ngày xưa, có một cô gái đến tuổi gả chồng, có hai gia đình Đông gia và Tây gia cùng đến cầu thân.
Xem thêm