Vài suy nghĩ về ý nghĩa Đức Phật chế Bát kỉnh pháp
Hiện nay, giới nghiên cứu Phật học đang lưu tâm đến vấn đề: “Bát kỉnh pháp do Đức Phật chế ra hay do người sau thêm vào trong Tam tạng giáo điển?”.
Để hiểu rõ vấn đề này, chúng ta sẽ nghiên cứu từng kỉnh pháp và liên hệ với bối cảnh mà Bát kỉnh pháp ra đời.
1. Tỳ-kheo-ni dù 100 tuổi hạ cũng phải đảnh lễ một Tỳ-kheo vừa mới thọ giới một ngày.
Kỉnh pháp đầu tiên này, mới nhìn qua ta thấy Đức Phật bất bình đẳng đối với Ni giới, nhất là quý Ni trưởng, Ni sư. Nhưng trên thực tế, nếu bất cứ Tỳ-kheo-ni nào chí thành thực hiện với lòng tịnh tín và tâm hoan hỷ sẽ có những lợi ích như sau:
Về mặt tự lợi: Sẽ giúp các Tỳ-kheo-ni tiêu trừ tâm chấp ngã và thăng hoa đời sống tâm linh, hướng đến Niết-bàn an lạc (vì vô ngã là Niết-bàn).
Về mặt lợi tha: Việc tuân giữ kỉnh pháp này của chư Ni sẽ là điều cảnh tỉnh các Tỳ-kheo, đặc biệt là tân Tỳ-kheo, luôn phải biết quán chiếu tự thân, tu tập để làm sao xứng đáng với sự cung kính của chư Ni.
Các Tỳ-kheo-ni trưởng thượng, nếu tuân thủ một cách nghiêm ngặt kỉnh pháp này thì đối với chư Ni, nhất là những vị Ni trẻ, sẽ là một tấm gương sáng để các Ni noi theo, áp dụng và tu tập đúng đường lối Đức Phật chỉ dạy thì chắc chắn sẽ hoạch thu được nhiều lợi ích.
Về mặt Tăng đoàn thì kỉnh pháp này được xem là bức tường thành kiên cố, góp phần ngăn cản những bất thiện pháp có thể xảy ra giữa hai bộ Tăng Ni, nhất là những Tăng Ni trẻ tuổi.
2. Tỳ-kheo-ni không được an cư ở một trú xứ không có chư Tăng.
Kỉnh pháp này được chế định là vì lợi ích trực tiếp cho Tỳ-kheo-ni. Dù trong thời Đức Phật hay thời hiện tại, sự sinh hoạt và tu tập của Ni đoàn nếu được Tăng đoàn bảo hộ đúng như pháp sẽ góp phần an ổn và lợi ích cho chư Ni trên lộ trình hướng đến giải thoát. Có ý kiến cho rằng, thời nay chư Ni đã có chùa, am, tịnh xá, tịnh thất…, đã có cửa đóng then gài, hoặc đã thuê được bảo vệ canh gác… thì không cần đến sự bảo hộ chư Tăng. Ý kiến này mới nghe qua có vẻ phù hợp, nhưng để tâm hơn vào nội dung tu tập của Tăng đoàn thì có điểm không hợp lý. Bởi vì sự bảo hộ ở đây không phải chỉ bảo hộ thân mạng, tài sản vật chất mà còn cả sự tu hành của chư Ni. Chẳng hạn như trong đại chúng Ni có xảy ra một sự cố bất như ý, làm mọi người phiền não; nội bộ Ni đôi khi bất lực trong việc xử lý thì phải nhờ đến sự can thiệp của Đại Tăng. Và chính nhờ tài đức của Đại Tăng sẽ góp phần ổn định cho sự sinh hoạt của Ni chúng. Vấn đề này từ xưa đến nay, thực tế đã xảy ra.
3. Mỗi nửa tháng đến ngày bố-tát, Tỳ-kheo-ni phải đến Đại Tăng cầu giáo giới.
Kỉnh pháp này được chế định cũng vì lợi ích thiết thực cho Tỳ-kheo-ni. Thời Đức Phật tại thế, Ngài giao trách nhiệm giáo giới chư Tỳ-kheo-ni cho những vị Trưởng lão Tỳ-kheo có uy tín. Thời nay những vị giáo thọ đi giáo giới chư Ni, hoặc do chư Ni thỉnh đích danh, hay do Đại Tăng đề cử thì phải đủ 10 điều kiện: Một là phải đủ 20 tuổi hạ, hai là giới luật phải vẹn toàn, ba là kiến thức phải rộng rãi, bốn là phải thông suốt hai bộ luật Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni, năm là quyết đoán rành mạch các vấn đề liên quan đến Giới luật, sáu là xuất thân từ một gia đình nề nếp, bảy là dung nghi đoan chánh, tám là thuyết pháp giỏi, chín là có khả năng thuyết pháp khiến mọi người hoan hỷ, mười là chưa từng phạm các trọng giới (Luật học tinh yếu, HT.Thích Phước Sơn biên soạn). Chư Ni được các vị giáo thọ hội đủ những điều kiện như trên giáo giới thì chắc chắn sẽ khai mở nhiều điều vướng mắc trong sinh hoạt cũng như tu tập. Chính vì mang lại nhiều lợi ích thiết thực như thế nên Đức Phật chế chư Ni phải đến Đại Tăng cầu giáo thọ trong ngày bố-tát.
4. Sau mùa an cư, chư Tỳ-kheo-ni phải đến cầu xin tự tứ với nhị bộ Tăng Ni.
Tự tứ có nghĩa là tùy hỷ thỉnh cầu, nghĩa là sau ba tháng an cư, đến giờ tự tứ, hành giả quỳ trước Đại Tăng để phát lồ (nói ra) những cái hay dở, tốt xấu… của mình, và cầu thỉnh Đại Tăng chỉ bảo cho mình ba việc: Thấy, nghe, nghi tội. Khi được Đại Tăng chỉ bảo xong, mình vui mừng đảnh lễ và xem Đại Tăng là bậc thiện tri thức đã trợ duyên cho mình tiến tu đạo giải thoát. Sau khi phát lồ và sám hối nghiệp chướng xong, tâm của hành giả tràn đầy hoan hỷ và an lạc. Đây là pháp hành giúp Tăng đoàn có sự tiến bộ tâm linh trong tinh thần thanh tịnh và hòa hợp. Điều này vô cùng lợi ích cho chư Ni, giúp chư Ni đề đạt và thỏa mãn được những nguyện vọng chính đáng của mình giữa hai bộ Tăng Ni. Đây là truyền thống tốt đẹp, mang lại nhiều ích lợi cho chư Ni nên Đức Phật đã chế kỉnh pháp này.
5. Vị Ni phạm tội Tăng tàn phải đến trước nhị bộ Tăng Ni cầu xin hành pháp Ma-na-đọa trong nửa tháng.
Kỉnh pháp này giúp chư Ni phục hồi sự thanh tịnh cho một người phạm tội, giúp vị ấy trở lại sinh hoạt trong Tăng đoàn, dưới sự chứng minh của nhị bộ Tăng Ni. Lời dạy dỗ của vị giáo thọ đại diện Tăng đoàn có thể hướng dẫn và truyền trao kiến thức cho những Ni phạm tội nói riêng, đồng thời gián tiếp giáo giới chư Ni nói chung, cố gắng tu hành, đừng để vướng vào những tội như vậy. Bởi vì khi đã phạm tội thì tự thân đã đánh mất nhân cách, thương tổn phạm hạnh…, lại còn làm phiền đến chư tôn đức trưởng thượng trong nhị bộ Tăng Ni thì mình bị hao tổn phước đức rất lớn. Chính vì vậy, Đức Phật đã chế kỉnh pháp này.
6. Thức-xoa-ma-na tuân giữ sáu giới trong hai năm, muốn thọ Tỳ-kheo-ni phải đến trước nhị bộ Tăng Ni cầu xin.
Theo thiển ý, “Thức-xoa-ma-na tuân giữ sáu giới trong hai năm” được Đức Phật bổ sung vào kỉnh pháp này, khi Ni đoàn phát triển đông đảo. Bởi khi Đức Phật trao Bát kỉnh pháp cho Di mẫu Kiều Đàm thì chỉ có “muốn thọ Tỳ-kheo-ni phải đến trước nhị bộ Tăng Ni cầu xin”. Nhưng về sau, khi Ni đoàn được thành lập và trở thành tổ chức đầu tiên thể hiện sự bình đẳng cho giới nữ thì từ giai cấp vương tộc cho đến bình dân hạ tiện, giới nữ theo Đức Phật xuất gia đông đảo, lại xảy ra một trường hợp đặc biệt được ghi trong Luật tạng như sau: Có một phụ nữ xin gia nhập Ni đoàn mà không biết mình đang mang thai. Do trường hợp đặc biệt này, cô được phép vẫn giữ nếp sống của một Tỳ-kheo-ni để sanh con. Cô phải chịu nhiều trở ngại trong việc sinh hoạt của người vừa làm mẹ, vừa làm Nữ khất sĩ. Một hôm, vua Ba-tư-nặc đi ngang qua tịnh xá của cô ở, nghe đứa bé khóc la, vua ngạc nhiên dừng ngựa rồi đi vào tịnh xá nên biết được sự việc này, vua rất đau lòng và xin đứa bé mang về cung để nuôi dưỡng, đồng thời đem sự việc này trình bày với Đức Phật. Để tránh cho việc này không xảy ra trong Ni đoàn, Đức Phật đã thêm “Thức-xoa-ma-na tuân giữ sáu giới trong hai năm” bổ sung và hoàn thiện kỉnh pháp này. Chúng ta đã biết nguyên tắc chế giới của Đức Phật là “tùy phạm tùy chế”, việc bổ sung và hoàn thiện kỉnh pháp này cũng không ra ngoài điều lệ đó. Kỉnh pháp này sau đó trở thành điều kiện tiên quyết xác định người nữ đủ tiêu chuẩn xin thọ giới Tỳ-kheo-ni.
Còn việc “muốn thọ Tỳ-kheo-ni phải đến nhị bộ Tăng Ni cầu xin” cũng là vì lợi ích của Tăng Ni nhị bộ nên Đức Phật mới chế định. Tăng đoàn được thành lập trước Ni đoàn 8 năm, và trong đoàn thể ấy có rất nhiều vị đệ tử của Đức Phật là những bậc thượng thủ đã chứng quả A-la-hán, có đủ uy đức để dạy dỗ chư Ni. Ni đoàn thành lập sau, cho nên việc chư Ni nương vào và thông qua Đại Tăng để được thanh tịnh thọ giới Tỳ-kheo-ni là một việc hoàn toàn lợi ích. Vả lại, bối cảnh xã hội trọng nam khinh nữ, phân biệt giai cấp của đất nước Ấn Độ lúc đó, nếu Ni đoàn không nương tựa vào Tăng đoàn thì sẽ không thể tồn tại. Hơn nữa, đoàn thể xuất gia đệ tử của Đức Phật bao gồm Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Thức-xoa-ma-na, Sa-di và Sa-di-ni, thế thì việc Ni đoàn thông qua Tăng Ni nhị bộ những vấn đề liên quan đến giới luật cũng là việc đúng nguyên tắc, thể hiện sự đoàn kết, thanh tịnh và hòa hợp theo tinh thần mà Đức Phật chế định. Chính những lý do nêu trên nên kỉnh pháp này có mặt để giúp cho sự tu tập và hưng thịnh của Ni giới vậy.
7. Vị Ni không được phép chửi rủa hay sỉ vả vị Tăng trong bất cứ trường hợp nào.
8. Chư Ni không được phép quở trách chư Tăng, chư Tăng được quyền quở trách chư Ni.
Kỉnh pháp thứ bảy và thứ tám cũng nói lên lợi ích trong đời sống cộng trú thanh tịnh và hòa hợp của nhị bộ Tăng Ni, cũng là điều vô cùng cần thiết nhằm đem lại uy tín và đạo hạnh cho từng cá nhân trong Ni đoàn. Tuy nhiên để giữ sự bình đẳng giữa hai đoàn thể Tăng và Ni, Đức Phật đã chế ra pháp Yết-ma cảnh cáo Tỳ-kheo cho Ni bộ trong ba trường hợp sau đây: “1. Nếu một Tỳ-kheo phá giới (trọng giới) phạm trai. 2. Nếu có Tỳ-kheo đánh mắng Tỳ-kheo-ni hoặc thóa mạ, hoặc ném hoa, tát nước, hoặc nói những lời thô bỉ, trá ngụy, khuyên dụ… làm cho chư Ni phiền não. 3. Nếu có vị Hòa thượng hoặc Thượng tọa nuôi đệ tử mà không dạy dỗ để đệ tử đến chùa Ni quậy phá, chư Ni thưa trình ba lần mà chú Sa-di không chịu sửa đổi”. Trong ba trường hợp này, chư Ni có quyền yết-ma tác pháp đối với 2 vị Tỳ-kheo và vị Hòa thượng hoặc Thượng tọa bổn sư của chú Sa-di bằng cách “không cộng ngữ, không lễ bái, không cúng dường” (Cương yếu giới luật, HT.Thích Thiện Siêu biên soạn).
Tóm lại, Bát kỉnh pháp do Đức Phật chế ra nhằm bảo hộ Ni đoàn, giữ gìn sự đoàn kết, thanh tịnh và hòa hợp cho đoàn thể đệ tử xuất gia của Ngài. Ni đoàn có sự bảo hộ này sẽ yên ổn và tinh tấn tu tập, sớm thành tựu đạo quả. Đây chính là mục đích của sự có mặt Bát kỉnh pháp.
Xuyên suốt những vấn đề trên, nhìn lại thì Tăng đoàn nói chung hay các Tỳ-kheo nói riêng chẳng có được mất, hơn thua, hay lợi ích gì trong việc này cả. Việc bất bình đẳng trong Bát kỉnh pháp có chăng chỉ là nghiệp tánh, tức là sự khác biệt về nghiệp thức của người nam và người nữ mà thôi. Cho nên, Phật tánh thì bình đẳng nhưng nghiệp tánh thì có khác biệt giữa Tăng và Ni hay nam và nữ. Do đó, chúng ta không thể vin vào đây để nói Đức Phật đã bất bình đẳng, bất công bằng khi chế ra Bát kỉnh pháp dành cho chư Ni.
Hiểu được như vậy để thấy rằng, nếu không có Bát kỉnh pháp thì giới thể của Tỳ-kheo-ni không thành tựu; mà khi giới thể không thành tựu thì làm sao đạt được sự định tĩnh và trí tuệ giải thoát. Hiểu được như vậy để chúng ta khởi lòng tri ân vô hạn Đức Thế Tôn, bởi nếu không có sự đồng thuận của Ngài thì hôm nay đã không có mặt của Ni đoàn, không có tiếng nói làm căn bản cho tất cả các nhà nhân quyền, bình đẳng quyền… trên khắp hành tinh này. Hiểu được điều đó, chúng ta, những người con trai, con gái của Đức Phật phải có bổn phận giữ gìn gia tài quý báu ấy, phát nguyện dõng mãnh, tinh tấn tu hành để báo đáp thâm ân Phật-Tổ.
Nguồn: Báo Giác Ngộ
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Trì niệm danh hiệu Địa Tạng Bồ tát, bệnh lâu năm không thuốc mà tự khỏi
Nghiên cứu 19:00 05/11/2024Dung Tông Tố bị bệnh tê liệt, có người gọi là phong thấp, chữa trị đã nhiều, nhưng vẫn không thấy hiệu nghiệm. Mỗi khi gặp thời tiết biến đổi, bệnh lại phát ra, chân tay sưng lên, đi lại bất tiện, xương cốt trong mình rất là đau nhức khổ sở.
“Chắc đây là nghiệp chướng của tôi”
Nghiên cứu 16:20 05/11/2024Tôi kể ra câu chuyện này không phải để dọa các vị, mà là muốn các vị hiểu rõ để không sát sinh và đừng kiếm sống bằng những nghề sát sinh. Mong quý vị hãy tự bảo vệ tốt cho mình!
Tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư thời nhà Đường
Nghiên cứu 09:45 03/11/2024Việc thiết lập đàn tràng và tu trì đức Phật Dược Sư trở nên quan trọng hơn dưới thời trị vì của vua Đường Túc Tông, thời kỳ triều đình nhà Đường phải vật lộn để vượt qua thách thức do những cuộc nổi dậy của quân đội trong nước gây nên...
Làm thế nào để tiêu trừ tội nạo phá thai?
Nghiên cứu 15:36 02/11/2024Trong kinh Phật Thuyết Trường Thọ Diệt Tội Hộ Chư Đồng Tử Đà La Ni có nói rằng, nạo phá thai là một tội sát sinh vô cùng lớn, quả báo cũng rất nặng. Tại sao trong cuốn Hiện Đại Nhân Quả Thực Lục do thầy viết lại không có ví dụ nào về việc này?
Xem thêm