Vấn nạn của thế giới hiện đại qua góc nhìn Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Khi tình thương và hạnh phúc có mặt thì ta có thể tạo ra sự bình an trong tự thân và góp phần vào hòa bình trên thế giới. Khi tâm ta bị cuốn đi bởi tham vọng và sợ hãi thì bất công xã hội và bạo động sẽ phát sinh.
Ngày 10/9/2014, báo La Stampa, một trong những tờ báo lớn nhất ở Ý đăng một bài phỏng vấn Thiền sư Nhất Hạnh.
– Thưa Thầy, đạo Phật có thể cống hiến được gì cho thế hệ kỹ thuật số hiện nay – thế hệ những người trẻ suốt ngày vùi đầu vào Internet?
– Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Hiện nay, những người trẻ đã bỏ quá nhiều thì giờ vào internet. Đây là căn bệnh của thời đại chúng ta. Khi ngồi hai tiếng đồng hồ trước máy vi tính, chúng ta hoàn toàn quên là mình có một hình hài. Internet là một phương tiện có khả năng mang lại rất nhiều lợi ích cho con người, nhưng đồng thời nó cũng tạo ra vô số vấn đề.
Sử dụng internet là một hình thức tiêu thụ. Ta tiêu thụ thông qua những tư tưởng, hình ảnh, âm thanh mà ta tiếp xúc được trên internet và sự tiêu thụ đó có thể lành mạnh hoặc có thể gây tàn hại cho bản thân ta. Thực tế là chỉ riêng lượng thông tin nhận được qua internet thôi cũng đủ khiến cho nhiều người rơi vào tình trạng quá tải thông tin rồi.
Cũng có nhiều người trong chúng ta trở nên nghiện internet. Ta đánh mất mình trong biển thông tin đó và ta không có mặt cho chính mình, không có mặt cho những người thương của mình và không có mặt cho thiên nhiên. Ta có ảo tưởng là thông qua mạng internet chúng ta có thể nối kết được với nhau, nhưng kỳ thực ta lại càng cảm thấy cô đơn.
Chánh niệm giúp cho ta biết điều độ khi lên mạng, đồng thời cũng giúp cho ta thấy được cái mà ta đang tiếp xúc có thật sự ích lợi hay chỉ làm cho ta càng cô đơn và tuyệt vọng thêm. Ta tiêu thụ internet để khỏa lấp sự cô đơn, nhưng thật ra nó chỉ làm cho tình trạng tệ hại hơn mà thôi. Thường thì khi tiêu thụ những tin tức, quảng cáo, những phim ảnh khêu gợi và kích thích dục tình thì ta đồng thời cũng đang đưa vào trong thân tâm ta những độc tố như giận hờn, bạo động, sợ hãi và thèm khát.
– Theo đạo Phật thì cái ta riêng biệt là một ảo tưởng, vậy trong cái thấy đó có còn sự phân biệt giữa thiện và ác hay không?
– Trong thế kỷ thứ 20, chủ nghĩa cá nhân được đưa lên vị trí hàng đầu và điều này đã tạo ra rất nhiều khổ đau. Chúng ta tạo ra sự phân biệt, chia cách giữa ta và người, giữa cha và con, giữa con người và thiên nhiên, giữa quốc gia này và quốc gia khác… Chúng ta không ý thức được mối tương quan mật thiết giữa mình với mọi người và mọi loài xung quanh mình. Đạo Phật gọi mối liên hệ đó là “tương tức” (“inter-being”).
Cái hiểu, cái thấy sâu sắc về tương tức chính là nền tảng của con đường đạo đức mà đạo Phật đóng góp cho nhân loại. Những gì xảy ra cho một cá nhân cũng ảnh hưởng tới toàn thể xã hội và cả thế giới. Với cái thấy này, sự thực tập chánh niệm giúp cho ta phân biệt được cái gì thiện, cái gì ác, cái gì đúng, cái gì sai. Có chánh niệm thì ta sẽ nhận ra được những tàn hại đối với các loài gia súc, gia cầm cũng như đối với hành tinh này do ngành công nghiệp sản xuất thịt gây ra. Ý thức được điều đó thì ăn chay là một hành động thương yêu đối với chính mình, đối với sinh môi và đối với trái đất.
Nhiều người trong chúng ta đang chạy theo danh vọng, quyền hành, tiền tài và sắc dục. Chúng ta nghĩ rằng những thứ đó đem lại cho ta hạnh phúc, nhưng thực ra nó có thể dẫn chúng ta đi tới chỗ tàn hoại thân tâm mình. Những người trẻ thường lẫn lộn giữa tình dục và tình yêu chân thật. Trên thực tế thì tình dục có thể hủy hoại tình yêu và đưa tới sự thèm khát, cô đơn và tuyệt vọng nhiều hơn.
Sự thực tập chánh niệm giúp chúng ta mỗi ngày hiểu sâu hơn về người ta thương. Cái hiểu chính là nền tảng của tình thương đích thực. Chúng ta không thể nào có được một tình thương đích thực nếu ta không hiểu được người mình thương.
– Có thể vượt thoát sự sợ hãi về cái chết hay không?
– Gốc rễ của sự sợ hãi nằm ở cái thấy sai lạc của ta về bản chất cái chết. Ta sợ hãi cái chết tại vì ta nghĩ rằng khi chết rồi thì ta sẽ trở thành không. Khoa học hiện đại đã chứng minh cho ta thấy rằng: không có gì sinh cũng không có gì diệt, tất cả đều chuyển biến không ngừng.
Quan sát một đám mây, ta có thể đặt câu hỏi: đám mây có thể chết được không? Đám mây có thể từ “có” mà trở thành “không” hay không? Nhìn cho sâu ta thấy đám mây chỉ có thể trở thành mưa, thành tuyết, thành mưa đá, rồi thành hơi nước trở lại. Bản chất của chúng ta cũng giống như bản chất của đám mây. Cũng như mưa, tuyết là sự tiếp nối của đám mây thì những hành động, lời nói và tư tưởng mà ta chế tác ra chính là sự tiếp nối của chúng ta.
– Chúng ta sống trong một thế giới đầy sự xung đột và bất công xã hội. Làm sao ta có thể cải thiện được tình trạng đó với tư cách một Phật tử?
– Sự xung đột và bất công trong xã hội phát sinh ra từ tâm chúng ta. Đạo Phật cống hiến cho chúng ta những phương pháp thực tập cụ thể để nuôi dưỡng tình thương và hạnh phúc đích thực trong ta.
Khi tình thương và hạnh phúc có mặt thì ta có thể tạo ra sự bình an trong tự thân và góp phần vào hòa bình trên thế giới. Khi tâm ta bị cuốn đi bởi tham vọng và sợ hãi thì bất công xã hội và bạo động sẽ phát sinh. Sự thực tập chánh niệm giúp cho ta nuôi lớn hạnh phúc và bình an trong giây phút hiện tại. Và đây chính là sự đóng góp tuyệt vời cho nền hòa bình thế giới và cũng đồng thời là nền tảng để chúng ta có thể làm tốt những công tác phụng sự cho xã hội.
– Thầy dạy cho mọi người về sự thực tập chánh niệm và chánh định, thế nhưng một tình trạng đáng lo ngại của thế giới hiện nay là tình trạng suy giảm khả năng tập trung của con người…
– Nhiều người trong chúng ta không biết làm thế nào để thật sự có mặt cho người mình thương và cho những mầu nhiệm đang có sẵn trong giây phút hiện tại. Tâm của ta rất dễ bị phân tán. Trong khi đó, thị trường bên ngoài không ngừng cung cấp cho ta những phương tiện để giữ cho tâm ta luôn ở trong tình trạng này. Thân của ta ở đây mà tâm của ta thì đang chạy theo những dự án ở tương lai, những sầu đau của quá khứ hay những lo lắng, buồn phiền trong hiện tại.
Cách đây không lâu, chúng tôi được mời hướng dẫn thực tập chánh niệm cho hơn 700 nhân viên của Google tại trụ sở chính của tập đoàn này ở California. Điều đầu tiên mà chúng tôi chia sẻ là sự thực tập dừng lại, tại vì trong xã hội hiện nay chúng ta luôn có thói quen rong ruổi, tìm cầu. Khi chúng ta có khả năng dừng lại, chúng ta có thể nhận diện được những gì đang xảy ra trong thân và trong tâm mình. Và đây là cách thức để ta có thể bắt đầu chăm sóc cho chính mình. Chúng ta đã có quá đủ những điều kiện để hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại. Chỉ cần dừng lại và nhận diện những điều kiện hạnh phúc đang có mặt thì ta có thể tiếp xúc được ngay với hạnh phúc đích thực.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
“Điều cần thiết nơi phẩm hạnh của người Thầy là đạo đức và tình thương”
Phỏng vấn 11:00 20/11/2024Đó là lời chia sẻ chân thành của Đại đức Thích Quảng Tịnh, trụ trì chùa Pháp Lạc ( xã Giang Điền, H.Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) với Phatgiao.org.vn nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Voice talent Nguyễn Bình Nguyên - “Kẻ Trộm Hương”: “Sách của Thiền sư Nhất Hạnh dễ hiểu, dễ ứng dụng”
Phỏng vấn 09:51 15/11/2024Nguyễn Bình Nguyên (sinh năm 1989), nickname “Kẻ Trộm Hương” - một voice talent - vừa đọc lại cuốn sách “Đường xưa mây trắng” của thiền sư Thích Nhất Hạnh được nhiều người đón nhận.
Phật tử Phạm Trọng Đạt: “Nhờ thuyền từ Bát-nhã, con vượt qua nỗi đau mất 2 người thân nhất”
Phỏng vấn 10:33 10/11/2024Phạm Trọng Đạt, sinh năm 2001, pháp danh Pháp Hạnh - là một Phật tử thuần thành, thường làm các thiện sự và đặc biệt có duyên thân cận với các bậc tôn đức đạo cao đức trọng.
Thượng tọa Tâm Định: “Phật giáo xứ Thanh để lại dấu ấn đẹp trong lòng dân tộc”
Phỏng vấn 15:43 26/10/2024Trong hai ngày 30 và 31/10 và 1/11 tới, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thanh Hóa tổ chức Đại lễ Kỷ niệm 40 năm thành lập (1/11/1984 – 1/11/2024). Nhân sự kiện đặc biệt này Cổng thông tin Phật giáo thuộc GHPGVN (phatgiao.org.vn) đã có trao đổi cùng Thượng tọa Thích Tâm Định, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh.
Xem thêm