Vạn nẻo đường thiền (2)
Những trải nghiệm trong quá trình thiền đã cho tôi cảm nhận về sự tương tác, gắn kết giữa thân và tâm nó như điều kiện tồn tại của mỗi cơ thể sống. Có dương thì có âm không có dương thì không có âm, tất cả đều không. Điều chỉnh được cái tâm thì thay đổi cái thân và ngược lại.
2. Những người ra đi...
Là một TT Thiền Dưỡng Sinh thu hút mạnh học viên cả nước, nhất là khu vực Tây Nam Bộ, cách tuần 1 khóa học, hai lớp trưa, chiều, TT chúng tôi mỗi lớp trên 130- 140 học viên. Đặc biệt, những người mắc bênh nan y: Tiểu đường, ung thư (gọi tắt là K) lớp học nào cũng có 10 đến 20 học viên. Họ lũ lượt đổ về như đã tìm được con đường sống. Có những bệnh nhân K khi đến phải đưa vào bằng cách bế hoặc khiêng. Đó là hệ quả tự nhiên, bởi lẽ các giảng huấn vẫn tuyên truyền chắc nịch: Cứ tin tưởng đi, ngồi thiền thì bệnh gì cũng sẽ hết.
Tôi tham mưu thành lập CLB K và tiểu đường. Tôi là một trong số thành viên ban tư vấn CLB K và Tiểu đường. CLB mỗi tuần sinh hoạt vào ngày chủ nhật. Việc tập trung sinh hoạt, nhằm phổ biến, tư vấn cho học viên phương pháp luyện thiền, đả thông những thắc mắc nói chung. Một mặt, tôi cố sức tìm hiểu những kiến thức mới về Y học bổ sung khí công y đạo (KCYD).
Buổi học cuối cùng mỗi khóa học, anh H. thường phân công tôi trình bày với học viên đôi điều để gây dựng niềm tin đối vơi những người bệnh K và tiểu đường. Hình ảnh mà tôi thường vẽ ra đó là đội ngũ những người K và tiểu đường khỏe mạnh trở lại phục vụ tại trung tâm giống như chúng tôi nhưng đặc biệt hơn với phù hiệu trên ngực áo là CLB K+T hay gì gì đó tương tự. Rất tiếc, chúng tôi không được phép phổ biến những kiến thức mới nào, những phương pháp hỗ trợ nào khác ngoài việc luyện thiền.
Tôi mới bắt đầu hiểu lờ mờ rằng bệnh K có nguyên nhân không đơn giản như cách mà các cơ quan truyền thông vẫn tuyên truyền, người bệnh K đơn giản trước tiên chỉ chết vì ..đói, vì kiệt sức …Thực tâm, tôi luôn day dứt với những hiểu biết chỉ “để đó” chứ không được áp dụng trong tư vấn, sinh hoạt. Với học viên, họ luôn là người bị “nhiễm độc truyền thông” với bệnh K thì không sử dụng thực phẩm bổ, ngọt để cắt nguồn lương thực của tế bào ung thư. Thậm chí, người phụ trách CLB thường dẫn ý của một bác sĩ khá nổi tiếng vốn là giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP. HCM rằng “Ai bị bệnh K mà còn ăn mặn thì ông không chữa”. CLB K của chúng tôi có người phải giấu diếm khi ăn mặn cứ như đã phạm giới. Và từng người trong CLB thì cứ rơi rụng dần.
Một lần, người phụ trách (Chủ nhiệm CLB) có việc, anh phó giám đốc TT phân công tôi sinh hoạt cùng anh em CLB. Tôi nói thẳng với anh, “Hôm nay tôi nói theo ý của tôi, anh ạ". Và tôi đã nói tất cả những thông tin mới cập nhật từ KCYD. Rằng ai có ý chí, có phước phần thì thay đổi cách sinh hoạt, thay đổi cách ăn uống, cơ may cuối cùng của anh chị là bồi bổ cơ thể.
Khi tôi nói những điều này tôi còn chưa biết đủ về cân bằng khí huyết, về các yếu tố tinh khí - thần kiến thức của tôi cập nhật tìm hiểu về KCYD không kịp với tốc độ ra đi của anh em CLB. Nhà gần TT tôi đưa cả học viên bệnh nặng về để tiện “hỗ trợ năng lượng” và hướng dẫn. Có học viên tôi phải cùng ở nhà trọ với gia đình cháu, đáng nhớ nhất là Thúy An. Thúy An quê Bình Định, tốt nghiệp đại học ngoại ngữ, K vòm họng lan xuống phổi (Tây y gọi là di căn). Suốt thời gian luyện tập, cháu chỉ hợp với tôi. Những hôm cháu ho sặc sụa , kéo dài, chỉ tôi trợ thì cháu mới ổn. Cháu ngồi tư thế kiết già đến 3 tiếng rưỡi. Ở trung tâm ai cũng nể khả năng thiền của cháu. Những đêm cuối cùng tôi ở TT với cháu cho đến khi không thể chờ đợi, tôi gọi cấp cứu. Cháu sống thêm đựơc vài hôm ở bệnh viện nhưng chuyển đến trung tâm Ung bướu có nghĩa là hóa trị, xạ trị. Mà cơ thể thì khi huyết đã tụt xuống chỉ số chết.
Tôi đến thăm cháu ở bệnh viện Ung Bướu cùng với những hy vọng cuối cùng được bác sĩ Thanh Xuân - Một thành viên KCYD tư vấn hỗ trợ với bài thuốc “gà già gừng non”. Nhưng lòng tin của gia đình dành cho TSH đã cạn, Thúy An không còn ăn uống được gì. Cháu ra đi cũng vừa lúc tôi hiểu một cách tương đối về những chỉ tiêu quyết định của một cơ thể sống. Cháu ngồi như pho tượng gỗ ba tiếng rưỡi đồng hồ. Hình ảnh ấy tôi không thể nào quên.
Lần lượt những Oanh, Hương...đều mất khi tuổi đời ba mươi, bốn mươi. Tất cả những bệnh nhân mà tôi không thể nhớ hết tên đều trải qua những cơn đau báo tử, dữ dội trước khi ra đi...
Niềm tin không phải tất cả, thiền không phải là vạn năng. Tôi kết luận từ trải nghiệm thực tiễn và trên bình diện của sự tồn tại hữu hạn.
Tôi không biết rằng, những lúc tôi trình bày, bên dưới có nhiều ánh mắt khó chịu của các giảng huấn. Cho đến khi thầy tôi, trưởng môn TSH bảo dừng lại phần trình bày của tôi trước học viên vì tôi không phải giảng huấn. À ra thế, và tôi trở về với đúng chức phận, còn CLB dần dần chỉ còn là cái vỏ trống không. Bảng lịch sinh hoạt còn trơ trên vách nhưng không còn người nữa tôi nói anh H. dừng sinh hoạt. Người mới thì vẫn tiếp tục xin vào khi nhìn thấy lịch sinh hoạt trên bảng. Tôi trải lòng với anh H Phó giám đốc..rằng: Tôi sẽ không đến nữa nếu chúng ta không thay đổi định hướng cực đoan, cứng nhắc, thậm chí lười nhác này. Thực tình tôi thấy mình quá lời khi nói đến pháp môn mà mình gắn bó bấy lâu. Nhưng tôi không chịu được cái cách dửng dưng trước số phận đồng môn, cho rằng đấy là duyên số, đấy là con đường tiến hóa…khi một người đã ra đi, xem như đã giúp họ “về với đức Tổ Sư”. Hiểu tôi, anh điềm tĩnh “Thôi thì chú cứ đến khi có lớp, còn thì mọi thứ phải có thời gian chú ạ”.
Thực tình với nhiều người, họ chấp nhận những lập luận mâu thuẫn, trái chiều rằng TSH chỉ giúp người ta tốt lên chứ không phải giúp người ta hết bệnh? Rằng chúng ta tu để rèn luyện cái tâm chứ đừng quá bận tâm đến cái thân (?). Cái thân là giả tạm rồi sẽ được vất lại như tấm áo củ, rách. Cứ thế, thân và tâm được tách ra làm đôi như hai đối tượng tồn tại độc lập trên thế gian này....Và chu trình tiến hóa được tính bằng việc tu sửa cái tâm, người ta chết trẻ ư. Đấy không phải việc của TSH. Nếu Đức Phật trong những ngày đi theo con đường khổ hạnh không có bát sữa dê, không nghĩ đến con đường trung đạo, ra đi như những đồng môn của tôi thì đã không có Phật giáo, không có Đức Thích Ca Mâu Ni.
Bất giác, tôi nhớ đến người học viên đã hỏi tôi “Mình luyện tập thiền để chữa bệnh hay để giác ngộ?”. Và tôi cũng từng trả lời theo quan điểm nhị nguyên một cách tự mãn rằng bước một hết bệnh, bước hai giác ngộ.
Những trải nghiệm trong quá trình thiền đã cho tôi cảm nhận về sự tương tác, gắn kết giữa thân và tâm nó như điều kiện tồn tại của mỗi cơ thể sống. Có dương thì có âm không có dương thì không có âm, tất cả đều không. Điều chỉnh được cái tâm thì thay đổi cái thân và ngược lại. Sự biến dịch ấy vô cùng tận, không có khởi đầu, không có kết thúc. Hầu hết người bệnh đều bế tắc trước khi đến với TSH. Cứ nhìn cái cách họ vái lạy Đức Tổ Sư một cách thành kính thì đủ biết họ xem như chết đuối vớ được phao.
Nhiều trường hợp, học viên đến ở trọ cạnh bên trung tâm vài ba tháng trời như để nhờ vào tâm lực của Đức tổ, của các đồng môn với niềm hy vòng tràn trề. Điều mà ai ai cũng hay nhắc đến là cái tâm lực. Và cái tâm lực ấy là sự lười nhác tìm hiểu, nghiên cứu bởi nghiên cứu, tìm hiểu là...phạm qui. Đối với tất cả học viên, họ tuân phục hoàn toàn vào những chỉ dẫn, dốc toàn bộ đức tin vào thiền định. Cuối cùng, lòng tin không phải là tất cả, TSH không phải vạn năng. Đối chiếu với thực tế ứng dụng TSH thực tại lại phủ phàng thế. Và các giảng huấn cứ là những cỗ máy chỉ biết thiền và biết thở.
Tôi biết không ít trường hợp, chỉ cần một chút kiến thức phổ thông về y học là có thể cứu chữa cho một bệnh nhân. Mà chữa trị thân bệnh cũng chính là điều chỉnh tâm bệnh chứ không phải bằng những nguyên lý đạo đức cứng nhắc, rập khuôn, bằng trạng thái ức chế thường trực. Tiếp nhận nguyên lý đạo đức theo chủ nghĩa hành vi, TSH luôn trong trạng thái ức chế, không kiểm soát ý thức, không kiểm soát được tư tưởng để tà kiến, biên kiến, tự ngã, tự phụ...cứ sinh sôi nảy nở tự do trong tâm thức của mình.
Cái sai lầm lớn trong việc thuyết giảng đạo đức là cố gắng chuyển đến môn sinh sự khiêm tốn. Ngay đến người đứng lớp cũng chỉ coi là mình “học bài”, không tự nhận là thầy, tức học những bài học thực tế, trong khi bắt đầu lớp cấp 4 họ lại được truyền dạy từ ngày hôm nay, chúng ta chính thức là thành viên TSH, chúng ta đang làm công việc của một bồ tát.
Và từ cấp 4 trở đi, những “bồ tát ” có khả năng chuyển năng lượng từ xa, giúp các vong linh còn lẩn khuất chưa biết về đâu theo Đức Tổ Sư để tu học...Ám thị quyền năng một Bồ tát nếu chỉ nhằm tăng thêm trách nhiệm đối với đồng môn thì cũng không hoang phí. Đáng trách ở chỗ, không ai hay, tính tự phụ lại vô tình được gieo trồng phát triển rất nhanh, bắt đầu từ đức tin tâm linh và rồi càng lên cấp đức tin về năng lực tâm linh càng hủy hoại năng lực thiền định.
Ở đây ám thị vô tình tạo nên tác dụng ngược lại. Tính khiêm tốn chỉ được thể hiện khi những học viên mới thắc mắc điều gì, các “bồ tát ” lại không được phép giải đáp mà chỉ về huấn luyện viên ( HLV). Hóa ra các “Bồ tát” cũng hiểu biết hạn chế thôi. Và...các HLV lại trên “Bồ tát” một bậc. Chính thế, không quá khó khăn để giải thích vì sao TSH với gần 40 cơ sở ở các tỉnh thành trong cả nước lại luôn luôn “có vấn đề” mà chưởng môn phải động não giải quyết không bao giờ hết.
Trên bàn làm việc của Anh H Có một câu danh ngôn đầy ý nghĩa. “người học trò giỏi không phải là người lặp lại thầy mình mà là người biết đưa con đường của thầy vạch ra tới cái đích xa hơn ”. Tôi biết anh cũng âm thầm tìm hiểu về những gì ngoài sự cho phép của pháp môn. Những kiến thức y lý, y thuật, những phép chữa trị rất phổ thông đối với một số bệnh, và những ứng dụng của anh hiệu quả. Nhưng đáng buồn, anh cũng chỉ dám thực hiện khi một mình.
Tại sao cứ dửng dưng nhìn đồng môn ra đi rồi bảo rằng chúng ta đã hoàn thành nhiệm vụ. Cứ xem như việc của TSH là hướng dẫn thiền, còn việc khác là phước chủ may thầy. Mà đã thế thì cái cách lặp lờ khi tiếp nhận học viên lại là sự lừa bịp không hơn không kém rằng TSH giúp được tất cả các bệnh. Và thực tế TSH thu hút mạnh những bệnh nhân khắp nơi.
Cần nói rõ, ở đây tất cả những môn sinh xầm xì ngoài việc luyện tập TSH bị xem là phản sư môn. Việc lặp lờ khi nhận học viên nhằm gây dựng lòng tin cũng hết sức cần thiết, song xét về khía cạnh khác, trước cái chết của hàng loạt đồng môn đó lại là sự lừa bịp trắng trợn. Đã đành, con người sinh ra để rồi lại mất đi như quy luật tuần hoàn của vũ trụ, song bài học ở cõi sống được tích hợp vào tàng thức (A-lại-ya-thức) để chuyển tiếp, tái sinh và trở thành kinh nghiệm tâm linh.
Tiến hóa hay thoái hóa khi cứ sinh ra, hưởng thụ, ngập tràn dục lạc, bệnh tật rồi lại chết...rồi tái sinh với kinh nghiệm tâm linh là những dục lạc, ác nghiệp ngập tràn, dữ dội hơn. Điều quan trọng với những người bệnh là cần được chữa lành vì sau khi trải qua thập tử nhất sinh đó là giai đoạn bắt đầu bài học giá trị của cõi người, bài học tiến hóa.
Con người cần được sống, cần vượt qua những nguy nan để chiêm nghiệm, để sửa chữa những hỏng hóc do chính mình tạo ra. Và họ ra đi khi đã sửa chữa một phần hoặc hoàn thiện chính mình, đấy mới là tiến hóa.
Trong Từ điển Phật học - Chân Nguyên, Nguyễn Tường Bách - NXB Thuận Hóa Huế 1999 lý giải từ lục đạo:...Ba thế giới gồm có dục giới, sắc giới và vô sắc giới. Dục gồm 6 cõi thiên thấp nhất loài người...Sắc giới gồm 17 tầng thiên giới và vô sắc giới gồm 4 tầng trời thiền định. Các thế giới này không khác nhau về thể tính, chỉ khác về nghiệp.
Trong cả 3 thế giới này thì thọ mệnh đều có hạn, tuy nhiên chỉ có loài người trong ba thế giới đó mới được giải thoát, vì thế đạo Phật coi trọng thân người hơn thiên giới và gọi là “thân người quý báu”. Trong luân hồi, được sinh làm người được xem là hiếm hoi và là cơ hội để giác ngộ.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Nói với Phật
Góc nhìn Phật tử 10:37 15/11/2024Tôi đã từng là một người chạy theo tham vọng. Mỗi ngày, tôi vùi đầu vào công việc, luôn tin rằng hạnh phúc và thành công chỉ có thể đến từ tiền bạc và địa vị. Cuộc sống cứ trôi qua như một dòng chảy hối hả, không chờ đợi ai, và càng lao về phía trước, tôi lại càng thấy mình kiệt quệ.
Truyện ngắn: Điều hạnh phúc nhất
Góc nhìn Phật tử 13:50 14/11/2024Bé Sony đã ngủ từ lâu. Nằm trên giường, môi con mím lại, chúm chím, trông đáng yêu vô cùng.
Mẹ là chính một kỳ quan
Góc nhìn Phật tử 16:30 13/11/2024Mẹ là vằng vặc trăng rằm/ Cho con ánh sáng soi thềm bóng đêm/ Mẹ là điểm tựa trước đèn/ Cho con tỉnh giấc ngủ quên giữa đường...
Tu tập đúng mang lại sự cân bằng và hài hòa cho gia đình
Góc nhìn Phật tử 11:20 13/11/2024Sự tu tập đòi hỏi một trái tim sâu sắc và ý thức nhạy bén để hiểu rõ về cân bằng giữa gia đình và phụng sự. Sự cân bằng này sẽ giúp người chồng và người vợ cảm nhận được sự liên kết mạnh mẽ giữa việc phục vụ xã hội và hạnh phúc gia đình.
Xem thêm