Thứ bảy, 01/06/2024, 13:18 PM

Vị thiền sư người Việt

Giữa lòng Boston, vị sư nhỏ bé trong bộ áo nâu dẫn dòng người đi bộ chánh niệm. Thầy bước chậm rãi, hàng ngàn người theo sau trong im lặng.


Mỗi bước chân là một niệm cho an lạc, hòa bình, thương yêu. Những bước đi thong dong dẫn dòng người chảy ra đường, hướng đến công viên trung tâm Boston. Xe ô tô đang rầm rập chạy bỗng dừng lại. Hàng trăm người đang hối hả sải bước trên hè cũng đứng lại, mỉm cười, nhường đường đoàn thiền hành trong im lặng giữa lòng nước Mỹ.

Tháng 9/2013, tôi được thiền sư Thích Nhất Hạnh mời theo thầy trong chuyến hoằng dương đạo Phật xuyên qua nước Mỹ.

Gần ba tháng theo chân thầy, tôi tận mắt chứng kiến sức ảnh hưởng to lớn, sự ngưỡng mộ của các tầng lớp trong xã hội Mỹ dành cho vị thiền sư người Việt.

Tôi vẫn nhớ như in buổi nói chuyện của thầy tại khách sạn Boston Park Plaza do Đại học Harvard tổ chức. Sự kiện thu hút đông đảo giới trí thức, thượng lưu, doanh nhân, chính trị gia, trong đó có gia đình cố Tổng thống Mỹ John F.Kennedy.

1.200 vé với giá 450 USD mỗi vé bán hết veo trong ba ngày. Dường như người Mỹ đang phải đối diện với bế tắc trong việc truy tìm bến bờ an lạc. Một bác sĩ tâm lý tham dự buổi nói chuyện tâm sự với tôi, ông đã điều trị thành công cho hàng ngàn bệnh nhân mắc trầm cảm. Nhưng chính ông nhiều lúc cũng căng thẳng, sợ hãi. "Tôi đến đây để nghe một trong những vị sư danh tiếng nhất thế giới nói về phương pháp chánh niệm để vận dụng trong công việc", ông nói, "trước tiên, tôi muốn trị liệu tâm lý cho chính mình".

Sảnh khách sạn đông nghẹt và im phăng phắc, tôi có thể nghe thấy tiếng thở của những người kề bên. Kết thúc buổi nói chuyện, quan khách đồng loạt đứng dậy vỗ tay. Trên bục giảng, thiền sư Thích Nhất Hạnh cười rạng rỡ. Thầy giơ đôi bàn tay lên vẫy vẫy. Cả ngàn người cũng giơ tay lên vẫy, trông như một rừng hoa.

Rồi thầy chậm rãi bước xuống, hướng dẫn mọi người đi bộ trong chánh niệm.

Tôi cũng nhớ buổi thuyết pháp tại nhà thờ lớn nhất Boston. Hơn 4.000 ghế trong nhà thờ không còn chỗ trống. Nhiều người đến muộn, phải ngồi bệt xuống thềm.

Trên vòm giáo đường, tượng chúa Giesu giang tay cứu thế. Bên dưới, thiền sư Thích Nhất Hạnh của Việt Nam mảnh khảnh trong bộ nâu sòng nói về đạo Phật.

Những lời giảng của thầy cứ nhẹ nhàng rơi, từng giọt vào những tâm hồn cằn khô: "Ai trong chúng ta chẳng có ít nhiều khổ đau. Nhiều người sợ phải đối diện khổ đau nên tìm cách trốn chạy vào phim ảnh bạo lực, rượu, ma túy hoặc vùi đầu trong núi công việc. Chúng ta không biết làm cách nào để đối diện và chuyển hóa phiền muộn. Chính vì điều này mà trong Kinh quán niệm hơi thở, Bụt khuyên trở về nhận diện những khổ đau trong ta. Nếu ta biết cách thực tập hơi thở có ý thức, đi chánh niệm, lái xe chánh niệm và ăn chánh niệm mỗi ngày, năng lượng chánh niệm sẽ đủ mạnh. Ôm lấy niềm đau một cách dịu dàng bằng năng lượng ấy, cơn đau sẽ dịu đi nhanh chóng".

Một thầy tu người Việt nói về đạo Phật trong nhà thờ cho hơn 4.000 con chiên nghe, kỳ lạ và đáng tự hào cho Việt Nam lắm chứ.

Tôi cũng nhớ như in buổi tiếp thiền sư của Tổng giám đốc Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim tại trụ sở Washington DC. Nơi đây thường đón chính khách nổi tiếng như Bill Clinton, Hillary Clinton, Tony Blair, Al Gore, Ban Ki Moon và nhiều nhà kinh tế, khoa học gia được giải Nobel tới đàm đạo.

Ông Jim Yong Kim đã đọc sách của thiền sư và thực hành chánh niệm nhiều năm. Lần này, mời thiền sư đến, ông muốn xin ý kiến trong việc ứng dụng chánh niệm để điều hành.

"Làm thế nào để không căng thẳng khi bị công việc hối thúc phải đúng hẹn?" - ông Kim hỏi. Thiền sư Thích Nhất Hạnh trả lời: "Tôi có một chiếc đồng hồ. Có điều, chiếc đồng hồ của tôi không có số 1, 2, 3, 4 mà chỉ có 12 chữ ‘now’ để nhắc nhở rằng ta đang sống. Đỉnh cao là ước vọng khó định lượng. Người ta chỉ có thể chọn một trong hai: hoặc hạnh phúc hoặc là số một".

"Hạnh phúc là an lạc, không có an thì không có lạc. Nếu con người chứa chất quá nhiều căng thẳng, thân không an thì tâm làm sao an? Lắng nghe nội tâm giúp ta giải quyết được hầu hết các vấn đề", thiền sư nói.

Rồi thiền sư Thích Nhất Hạnh kể về tuổi thơ ở Việt Nam. Những năm 1960, chiến tranh khốc liệt, thầy cùng các học trò đội bom đạn về nông thôn miền Trung giúp dân nghèo, về bao mất mát. Thiền sư nhắc đến vụ tự thiêu rúng động thế giới của Hòa thượng Thích Quảng Đức tại Sài Gòn năm 1963. Thầy cho rằng "đây là tín hiệu gửi nhân loại, hãy lắng nghe tâm tư của những người khốn khổ".

Thầy cũng kể về cuộc gặp gỡ với mục sư Martin Luther King. Hai người đã trao đổi về chiến tranh Việt Nam và thống nhất những bước đi nhằm thay đổi tư duy bom đạn bằng hòa bình. Rất tiếc, mục sư sau đó bị ám sát. Giấc mơ đấu tranh bất bạo động của họ bị dở dang.

Buổi trò chuyện diễn ra trong hai tiếng, được truyền hình trực tiếp đến tất cả chi nhánh của World bank toàn thế giới.

Tại trụ sở Google, Yahoo và những tập đoàn khổng lồ nước Mỹ, thiền sư dạy chánh niệm cho nhân viên để giúp họ giảm căng thẳng, sáng tạo hơn. Và rất nhiều khóa tu cho các thượng nghị sĩ, doanh nhân, nghệ sĩ, giáo viên... Chỉ sau 5-6 ngày, nhiều người đã tìm lại niềm vui sống.

Trong một khóa tu dành cho người Mỹ tại tu viện Mộc Lan, tôi được thiền sư Thích Nhất Hạnh làm lễ quy y. Thầy đặt cho tôi pháp danh Tâm Hiểu Thương.

Thầy giảng giải: "Hiểu và thương là nền tảng của đạo Bụt. Cái thương đích thực được làm bằng cái hiểu. Không có hiểu thì không có thương. Cha không hiểu con thì cha càng thương con càng khổ. Vợ không hiểu chồng thì vợ càng thương chồng càng khổ. Sống thế nào để mỗi ngày mình càng hiểu người và cho người kia hiểu mình hơn. Nếu cái hiểu không lớn lên, cái thương sẽ giậm chân tại chỗ. Và tình yêu sẽ từ từ chết nếu mình không biết nuôi dưỡng nó bằng hiểu và thương".

Vì sao người Mỹ lại theo học thiền sư Thích Nhất Hạnh? Theo tôi bởi thầy không đem tới cho họ đạo Phật của đức tin, của cầu nguyện, dâng sao giải hạn mà cho họ đạo Phật của sự thực tập. Đức Phật không phải thần linh mà là một con người có tuệ giác. Đạo Phật là lối sống nương vào nội lực hơn ngoại thân, không giáo điều, không mặc khải, không xung đột báng bổ với bất cứ truyền thống tâm linh nào. Và trong bản chất đích thực, nó cũng không xung đột với khoa học. Tu tập theo thầy, người ta thấy trí tuệ và từ bi tăng trưởng, nhờ thế mà thân, tâm an.

Nửa thế kỷ qua, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã xướng xuất phong trào Phật học ứng dụng ở phương Tây. Phương pháp thực tập chánh niệm của ông ảnh hưởng rộng vì thực hành đơn giản nhưng kết quả sâu sắc. Nhờ vậy, thế giới biết đến nền Phật giáo Việt Nam mà thiền sư Thích Nhất Hạnh là người tiêu biểu bên cạnh các truyền thống Phật giáo nổi tiếng lâu đời khác như Ấn Độ, Tây Tạng, Myanmar.Thế giới đang nghiêng mình về sự ra đi của sư ông. Họ, hầu hết, chỉ được gặp ông qua trang sách, các bài pháp thoại và bày tỏ tiếc thương. Nhưng hình dáng sư ông sẽ vẫn còn qua tư tưởng, lối sống, học trò xuất gia và tại gia ở khắp nơi. Nếu đọc sách, nghe giảng, mỗi chúng ta biết cách chế tác an lạc và tình thương thì thiền sư còn ở trong chính ta.Ý thức chánh niệm trong từng bước chân, hơi thở, chế tác tình thương cho mình và người là lễ vật quý nhất tưởng nhớ thiền sư Thích Nhất Hạnh.Tôi tự hào vì được làm học trò của thầy, nhưng tôi tự hào hơn hết vì sư ông là một người Việt Nam.

Nhà báo Hoàng Anh Sướng ưu tiên nghiên cứu về lĩnh vực tâm linh, đạo Phật, Thiền và trà đạo. Anh là tác giả của các đầu sách: Hạnh phúc đích thực, Tiếng vọng từ những linh hồn, Bùa ngải xứ Mường, Nhân quả và Phật pháp nhiệm màu.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Men theo hạnh phúc

Góc quán niệm 05:05 11/12/2024

Xếp hạng hạnh phúc của Việt Nam vừa tăng 11 bậc.

Câu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông: Vì người ở lại…

Góc quán niệm 12:00 10/12/2024

Dù đã 12 năm trôi qua nhưng mỗi lần nhớ lại khoảnh khắc va chạm giao thông vào ngày 11/11/2022 tôi vẫn rùng mình…

Suy ngẫm về sự ra đi của nữ văn sĩ Quỳnh Dao

Góc quán niệm 09:27 07/12/2024

Suy cho cùng thì cái chết của nữ văn sĩ Quỳnh Dao cũng là sự lựa chọn của bà ấy.

Khi chết nên chôn hay hỏa táng?

Góc quán niệm 11:18 01/12/2024

Đã rất nhiều người hỏi tôi câu hỏi ấy trong những buổi tôi nói chuyện, chia sẻ tại các khóa tu ở các chùa.

Xem thêm