Vì thương
Họp hiếc làm gì, mệt ra. Đấy, em thấy bao năm nay anh có bao giờ tham gia ba cái họp lớp cấp 2, cấp 3 gì đâu. Chỉ tổ mệt thôi chứ báu bở gì. Ở nhà cho khỏe.
Nghe chồng nói vậy, chị Ân không nói thêm gì. Trước giờ đối với chị chồng nói gì cũng đúng. Mọi chuyện trong gia đình từ trong ra ngoài đều chồng chị quyết cả. Chị chậm chạp, vụng về, có được ông chồng như vậy cũng là may phúc. Trước bố mẹ chị vẫn hay nói vậy.
Chị Ân học xong cấp 3 rồi ở nhà đi làm. Được vài năm thì quen và yêu anh Tân - chồng chị bây giờ. Anh Tân hơn chị tận mười tuổi, phong độ, đẹp trai, hiểu đời, lại là phó giám đốc công ty may chị đang làm. Con một gia đình khá giả mà lại đi yêu chị. Lúc đầu chị ngại nhà mình nghèo, ngại mình học ít hơn, ngại người ta xì xào to nhỏ chuyện đối đăng… nhưng rồi chị vẫn yêu. Rồi năm sau chị cưới. Người ta lại bảo chị chuột sa chĩnh gạo. Mà sa thật.
Cưới xong anh chẳng để chị phải đi làm, chỉ ở nhà ăn chơi, lo cơm nước, chuyện trò với mẹ chờ chồng về thôi. Sướng nhất còn gì. Ừ thì lúc đầu chị thấy sướng thật. Mưa không tới mặt, nắng không tới đầu. Nhưng được đâu chừng hai tháng, chị ngán đến tận cổ. Cuộc sống cứ quẩn quanh, tù túng, ngột ngạt, tẻ nhạt quá. Một ngày trôi đi cứ nặng nề, vô ích.
Chị xin anh cho mình đi làm lại, về nhà vẫn dọn dẹp, cơm nước như ai. Anh gạt đi. Đường đường là vợ của một phó giám đốc mà lại đi làm một công nhân may suốt ngày cắm mặt vào mấy thước vải thôi sao? Anh không lo nổi cho vợ anh, để vợ phải làm lụng vất vả sao! Không có làm gì hết, ở nhà là ở nhà. Lần đầu tiên, chị thấy chồng giận như vậy, mà cũng chỉ vì không muốn vợ phải vất vả thì chị chẳng có gì trách móc được. Vậy là chị xuôi.
Thế mà đã mười hai năm trôi qua, chị vẫn ở nhà như vậy. Nhưng không còn thấy tẻ nhạt nữa khi hai đứa con lần lượt ra đời và mẹ chồng bắt đầu yếu đi. Cứ quanh quẩn chăm lo việc nhà, chăm sóc mẹ, chăm các con đã đủ khiến một ngày của chị trôi qua thật nhanh. Chị không còn có thời gian để mà buồn hay nghĩ đến chuyện đi làm nữa. Vậy mà một tháng trở lại đây, mới nghe tin tháng 7 này lớp cấp 3 của chị tổ chức họp lớp, trong lòng chị lại chộn rộn, xao xuyến. Có khi thẩn thơ nghĩ ngợi.
Đưa hai đứa con nhỏ đến trường, chị Ân không vội trở về nhà ngay như mọi khi. Chị còn nán lại cổng trường, ngắm mãi những cây phượng trên vỉa hè, trong sân trường. Phượng đã nở rực từ khi nào mà chị không để ý. Từng bông phượng đỏ như những ngọn nến đồng loạt thắp lên cho cháy rực cả bầu trời, cháy lên trong mắt chị. Chị nhẩm tính chỉ còn hơn hai tháng nữa là tới ngày họp lớp.
Một trang facebook của lớp được lập ra, các bạn mời cả chị vào sinh hoạt cho vui. Ngày đó, lớp chị 52 thành viên, vậy mà giờ vắng mất hai bạn. Sẽ chẳng bao giờ các bạn ấy có thể về được nữa. Nghĩ vậy, tự nhiên trong lòng chị chợt rưng rưng. Ừ, sẽ chẳng bao giờ các bạn ấy về được nữa, vậy mà giờ mình có thể về, sao không về? Chị lướt xuống phía dưới xem những bài đăng của các bạn. Có những hình ảnh của ngày xưa cùng với những lời kể về những ngày thanh tân ấy, bao kỷ niệm lại ùa về trong chị. Có những bài viết giục nhau trở về thăm trường cũ, thăm thầy cô, gặp nhau mừng vui ngày hội ngộ.
Mắt chị bắt đầu nhòe đi khi đọc. Một nỗi xúc động trào dâng. “Mưu sinh cả đời, gặp nhau chỉ đôi ngày ngắn ngủi. Sẽ tiếc đấy nếu vì một lý do nào đó mà chúng ta lỡ hẹn. Liệu rằng sau lần này chúng ta còn có một dịp như này nữa? Biết đâu rồi đây, người còn, người mất. Đó là sự thật. Chẳng thể có cuộc hội ngộ nào được trọn vẹn nếu cứ mãi chùng chình. Về nhé các bạn! Ngày ấy đang đến rất gần! Về nhé các bạn! Lúc đó mình nắm tay nhau thật chặt. Chỉ cần nghĩ vậy thôi đã thấy đường về không còn xa xôi nữa!”.
Chị tủm tỉm cười khi nghĩ tới những ngày còn là cô học trò nhỏ nhắn, vừa đi học, vừa phụ giúp cha mẹ chăm sóc vườn hoa màu. Thoắt cái đã gần hai chục năm trôi qua. Nhanh thật đấy. Rồi chị nghĩ đến cô bạn học cấp ba của mình, mới mất vì ung thư. Mới đó mà đã thành người thiên cổ. Chị bỗng thở dài, đợt này mình không đi, liệu rằng sau này còn có dịp gặp lại các bạn không? Cứ nghĩ vẩn vơ như vậy khiến chị ngồi thừ ra, quên luôn cả mớ rau đang nhặt dở. Đến nỗi mẹ chồng chị - bà Thanh đã đứng bên từ lúc nào chị cũng không hay biết.
- Có điều gì khiến con mải mê suy nghĩ vậy?
Chị Ân giật mình, quay lại công việc, nhìn mẹ cười:
- Dạ, không có gì đâu mẹ.
- Đừng giấu mẹ. Từ qua đến giờ mẹ thấy con khác lắm. Có gì nói cho mẹ nghe thử, xem mẹ có giúp gì được không?
Chị kéo ghế cho mẹ chồng ngồi. Trước ánh mắt nhân từ của bà, chị chẳng muốn giấu chuyện gì nữa. Chị kể với mẹ về kế hoạch họp lớp sau mười lăm năm ra trường của lớp mình. Chị nói cũng từng ấy năm có nhiều bạn trong lớp chị chưa từng gặp lại. Chị kể có mấy bạn trong lớp đã không còn, người bệnh, người tai nạn. Rồi chị lặng đi, tự nhiên giọt nước mắt lăn nhanh trên đôi má trắng hồng.
- Từ ngày ra trường, con cũng chưa từng gặp lại các thầy cô.
- Vậy đợt này con đi đi, vừa để thăm lại thầy cô, vừa hội ngộ bạn bè.
- Nhưng anh Tân… - chị ngập ngừng.
- Nó lại bảo là ba cái chuyện tụ tập không có ích lợi gì chứ gì?
Chị Ân lẳng lặng gật đầu. Từ ngày bố chồng chị mất vì đột quỵ cách đây đã bảy năm, mọi việc trong ngoài anh Tân lo quyết cả, bà Thanh cũng không can dự nhiều. Bà bảo một người đàn ông bốn mươi đủ trưởng thành để quyết định và gánh vác mọi việc. Từ đó đến nay, cơ bản anh Tân làm gì bà cũng đồng tình, ủng hộ. Lần này cũng vậy thôi, anh Tân đã nói chị không đi họp làm gì, mất thời gian và bà cũng sẽ không nói gì nữa. Chị nghĩ vậy rồi nén trút ra một hơi thở dài. Không ngờ, bà bảo chị thế này:
- Để đó, mẹ nói nó cho. Chồng con không phải là người không hiểu chuyện. Mẹ nghĩ nó sẽ thông thôi.
Buổi tối, cả nhà ngồi ăn cơm vui vẻ. Hai đứa con ríu rít kể chuyện ở trường, ở lớp. Chúng hồ hởi nói về dự định của mình khi nghỉ hè. Chồng chị cũng hào hứng góp chuyện với hai con rồi hỏi:
- Hè này, hai đứa muốn đi chơi ở đâu nào? Để ba sắp xếp lịch. Cả nhà mình cùng đi nhé.
Hai đứa trẻ reo lên sung sướng. Bà Thanh thủng thẳng:
- Đi đâu thì đi, anh xem sắp xếp thời gian né cái lịch họp lớp của mẹ bọn nhỏ ra.
Anh Tân dường như chưa nghe bà Thanh đang nói chuyện gì, liền hỏi lại:
- Ý mẹ là sao cơ ạ?
- Thì hè ngày rộng tháng dài, đi lúc nào chẳng được, tránh cái lịch họp lớp…
- Thôi, thôi, mẹ đừng nói gì nữa! - anh Tân xua tay, cau mày, quay sang chị Ân - sáng anh đã nói rõ với em rồi, đúng không? Không có họp hành, tụ tập gì hết. Sao em còn nói với mẹ?
- Ân nó không nói, là ý của mẹ…
Không đợi bà Thanh nói hết câu, anh Tân bỏ dở bữa cơm đứng dậy, đùng đùng đi ra ngoài. Trong miệng anh vẫn phát ra những âm thanh bực dọc.
Chờ hai đứa cháu ăn xong, bà Thanh nhắc cháu gái lớn phụ mẹ dọn bát đũa rồi rủ hai đứa đi dạo với bà. Chỉ còn mình chị Ân trong bếp, chị ngồi thừ ra. Dù sao, chị cũng đã xác định rồi, không đi thì thôi, nhưng sao anh lại phải bực dọc vậy chứ. Chị nghĩ lại, ngày cưới về, anh nói chị nghỉ làm ở nhà, có người bạn đã nói như vậy mất tự do, cứ như bị giam lỏng. Ngày đó, chị không nghĩ gì, chỉ cười nói bạn nghĩ nhiều quá. Giờ thì chị thấy thấm thía câu ấy, đến việc đi họp lớp cũng phải hỏi chồng, mà chồng không đồng ý thì đành chịu. Bỗng điện thoại của chị reo lên:
- Ân ơi, Tình đây. Cậu vẫn khỏe chứ? Sắp được gặp nhau rồi nhỉ?
- Cậu cũng về hả?
- Về chứ, mười lăm năm mới có một dịp, sau này dễ gì.
- Ôi, mình có việc chút nhé. Lát mình gọi lại cậu sau.
Chị Ân cầm chặt chiếc điện thoại trong tay. Bạn ở tận trong Nam còn về được, mà mình cách có huyện nọ huyện kia. Chị bỗng cảm thấy ấm ức. Từ trước đến nay, chị chưa bao giờ làm trái ý chồng, cũng không có chuyện gì khiến chị phải khó chịu như thế này. Một điều gì đó cứ dâng mãi lên trong lòng khiến chị cảm thấy ngột ngạt. Mọi thứ xung quanh như bị cô đặc lại. Căn bếp rộng với mấy chậu hoa nhỏ trên bàn ăn cũng trở nên ngột ngạt. Chị muốn đi ra ngoài, muốn đi dạo một chút chứ cứ như này chị nghẹt thở mất.
Chị lững thững bước ra ngoài, vừa ra đến cổng chợt dừng lại khi nghe tiếng nói chuyện của mẹ chồng và chồng mình. Hai người ngồi ở chiếc ghế đá kê sát tường trên vỉa hè, nhìn ra ngoài nên không hề biết chị đang đứng phía trong. Chị đã định quay vào nhà nhưng khi nghe anh nói, lại dừng lại:
- Không đơn giản đâu mẹ. Vợ con vậy thôi nhưng cô ấy hay tủi thân lắm. Con không phải là không muốn cho cô ấy đi, nhưng con lại sợ, đi rồi về cô ấy còn buồn hơn. Gặp nhau rồi người khoe tiền, người khoe chức, Ân thật thà rồi thì…
- Anh lo cho vợ cũng phải, không muốn nó chịu thiệt thòi cũng tốt. Nhưng anh nhìn mọi việc tiêu cực quá, đâu phải ai cũng khoe vậy đâu. Quan trọng đây là dịp con bé trở về thăm trường, thăm thầy cô. Anh cứ khăng khăng không cho con bé đi, chẳng phải là độc đoán, gia trưởng lắm sao!
- Mẹ nói cũng phải. Hôm đó chắc con xin nghỉ ở nhà phụ mẹ chăm hai đứa nhỏ nhỉ.
- Chúng lớn rồi, anh cứ lo công việc của anh, bà cháu tôi khắc tính được.
- Ôi, mẹ lại dỗi rồi đấy.
Chị đứng phía trong mỉm cười khi thấy mẹ chồng và chồng cùng cười phá lên. Định bụng lát vào trong nhà, chị sẽ vào nhóm zalo của lớp nhấn vào bình chọn: “Tớ sẽ về”.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Mẹ là chính một kỳ quan
Góc nhìn Phật tử 16:30 13/11/2024Mẹ là vằng vặc trăng rằm/ Cho con ánh sáng soi thềm bóng đêm/ Mẹ là điểm tựa trước đèn/ Cho con tỉnh giấc ngủ quên giữa đường...
Tu tập đúng mang lại sự cân bằng và hài hòa cho gia đình
Góc nhìn Phật tử 11:20 13/11/2024Sự tu tập đòi hỏi một trái tim sâu sắc và ý thức nhạy bén để hiểu rõ về cân bằng giữa gia đình và phụng sự. Sự cân bằng này sẽ giúp người chồng và người vợ cảm nhận được sự liên kết mạnh mẽ giữa việc phục vụ xã hội và hạnh phúc gia đình.
Nhàn hạ đích thực
Góc nhìn Phật tử 20:08 12/11/2024Trong một buổi chiều mùa thu yên ả, khi ánh mặt trời dịu dàng rải xuống từng tia nắng ấm, tôi ngồi dưới bóng cây bồ đề trong sân chùa, lặng lẽ quan sát những chiếc lá rụng lác đác trên mặt đất.
Sự tỉnh thức mang lại sự tự do tuyệt đối
Góc nhìn Phật tử 11:50 12/11/2024Sự tỉnh thức, một trạng thái tinh thần mà mỗi con người đều có khả năng trải nghiệm và đạt tới. Đó là một con đường mở ra thế giới vô tận của ý thức sâu bên trong chúng ta, một cuộc hành trình đưa ta đến sự tự do tối thượng và khám phá sức mạnh thực sự của bản thân.
Xem thêm