Thứ sáu, 17/06/2022, 08:18 AM

Vợ chồng đồng lòng làm từ thiện - phước báo không thể nghĩ bàn

Nếu trong quốc độ này mà được nhiều người có “tâm từ” như vợ chồng Kế Sa La, thì còn đâu những kẻ tham lam ích kỷ, lường gạt đồng bào và còn đâu những kẻ bơ vơ trong xó chợ đầu đình, lê mình khắp xứ, mà không đủ chén cơm lót dạ, manh áo che thân!

Thuở Đức Phật còn tại thế ở xứ Hòa Na, dân chúng phần nhiều tín ngưỡng Phật giáo. Có vợ chồng chàng Kế Sa La cũng nhờ ảnh hưởng tinh thần ấy, mà nổi tiếng là đôi vợ chồng hiền đức.

Nhà Kế Sa La rất nghèo, hằng ngày phải vất vả hai sương một nắng, tranh đấu với bát cơm manh áo, nhưng vợ chồng vẫn vui vẻ thân mật, an phần trong cảnh thanh bần, không bao giờ vì tiền tài danh vọng, mà làm hoen ố được lòng trong sạch của đôi vợ chồng chàng.

Ngoài ra, chàng lại không quên đem chánh pháp mà mình đã hiểu biết, khuyến khích mọi người trở về đường thiện, mà chàng có thể đảm đương.

Thuở ấy, miền ngoại ô xứ Hoà Na vừa bị mất mùa, lại thêm nạn tật dịch, nên dân chúng miền ấy đói và chết rất nhiều. Các nhà hảo tâm trong xứ hiện thời, hoặc chung hoặc riêng, đến chùa tổ chức nhiều cuộc bố thí. Trước nhờ các Tăng sĩ cầu nguyện cho những kẻ vừa bỏ mình vì tật dịch được siêu thoát và nạn tật dịch đương hoành hành mau chấm dứt, sau đem các phẩm vật phân phát cho các nạn nhân đói khổ...

Vì vất vả theo sinh kế, vả lại cũng ít lui tới các phương xa, nên nạn tật dịch đói kém hoành hành ở ngoại ô mà vợ chồng Kế Sa La không hay biết gì cả.

Theo lệ thường, sáng nào Kế Sa La cũng cùng vợ chia nhau đến các nhà điền chủ để làm mướn. Nhưng lạ thay, sáng nay Kế Sa La đi một đoạn đường lại gặp những vị trưởng giả, khăn áo chỉnh tề, theo sau những tên gia đinh hì hục mang gánh gạo cơm, mền, áo…

Gặp hai ba phen như thế, Kế Sa La không ngớt ngạc nhiên, dừng lại hỏi thì chàng mới biết vùng ngoại ô đang bị nạn và những bậc trưởng giả này đem các phẩm vật đến chùa để mở cuộc bố thí.

Bị kích thích bởi tình đồng loại, lại thêm tủi cho số phận nghèo nàn của mình, trong khi đồng bào đang lâm cơn đói khổ mà mình không có một quan tiền, một đấu gạo, một viên thuốc đỡ đần...

Càng nghĩ chàng càng đau đớn sầu tủi!

Làm phước chưa bao giờ là đủ!

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trong trí chàng hiện ra nhiều dấu hỏi: Làm thế nào có tiền để giúp đồng loại?

Và chàng nguyện rằng:

"Nếu làm cách nào có tiền gạo để bố thí dù thân bị đọa đày suốt đời chàng cũng vui lòng đổi lấy".

Ðến đây, Kế Sa La không còn thiết gì đến ăn làm nữa, lủi thủi về nhà.

Tối đến vợ chàng về, thấy chồng mặt mày ủ rũ, ngồi một mình thở ngắn than dài hình như bất đắc chí vì một việc gì…

Chị vợ lo sợ hỏi chồng, nhưng chàng tìm cơ thối thoát không trả lời, vì chàng biết trước rằng:

"Nếu đem sự thật nói với vợ, đã không ích gì mà lại gieo thêm cho vợ mối sầu tủi như mình".

Nhưng sau hai ba phen thiết tha gạn hỏi của vợ, Kế Sa La không nỡ giấu giếm nữa mới đem đầu đuôi câu chuyện thuật lại vợ nghe...

Vợ chàng không kém gì chàng, cũng sầu, cũng tủi, cũng thở than như chàng!

Nhưng sau một hồi suy nghĩ, chị vợ hăng hái nói:

- Nếu chàng bằng lòng ta sẽ đến giúp việc cho các nhà phú hộ, thế nào cũng nhận đặng một số tiền, để làm việc bố thí.

Kế Sa La không tán thành, và chàng không nỡ để cho vợ, nữ nhi yết ớt một mình đem thân thể làm tôi mọi người.

Chị vợ lại nói:

- Hay là cả chúng ta đều đến ở giúp việc cho một nhà đại phú, trước nhận được một số tiền lớn để bố thí, sau có thể giúp đỡ nhau trong những công cuộc nặng nề.

Ý kiến này được Kế Sa La hoan hỷ tán đồng...

Thế là sáng mai đôi vợ chồng Kế Sa La lên đường đến một nhà đại phú ở cạnh làng, xin giúp việc và nhận trước một số tiền.

Vốn nghe vợ chồng Kế Sa La là người hiền đức, nên nhà đại phú kia bằng lòng ngay và cho vợ chồng Kế Sa La mượn trước một năm quan tiền, lại được phép về nhà bảy ngày để sắp đặt công việc, và nếu trong bảy ngày ấy vợ chồng Kế Sa La đem đủ số tiền hoàn lại ông, ông cũng vui lòng trả quyền tự do cho vợ chồng chàng.

Tiền bạc giấy tờ, vợ chồng Kế Sa La hết sức vui mừng, đi vào chợ mua các phẩm vật… Và đến chùa Ðàn Ba gần đấy, xin thiết lập cuộc bố thí ngay tại chùa, sau sáu ngày chú nguyện, đến ngày thứ bảy sẽ phân phát các phẩm vật.

Việc làm ấy rất thích hợp với hạnh Từ Bi, lại thấy lòng chí thành của vợ chồng Kế Sa La, nên các Tăng sĩ trong chùa đều tận tâm giúp đỡ, để cho cuộc bố thí này được thập phần viên mãn.

Chiều ngày ấy, Quốc vương bản xứ cũng cho người chuyên chở rất nhiều phẩm vật đến chùa Ðàn Ba mở hội và cũng định ngày thứ bảy bố thí.

Xả tài làm phước, tích phước để tiêu trừ nghiệp quả

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Vị Trụ trì chùa Ðàn Ba tâu vua:

- Ngày ấy đã có vợ chồng Kế Sa La định mở hội trước rồi, yên cầu nhà vua chung vào hội bố thí ấy, nếu không xin hoãn lại ngày sau.

Nhà vua phán:

- Trẫm thiếu gì tiền bạc mà phải chung chạ với người khác và trẫm đây đường đường một vị quốc chủ, Kế Sa La nào đó lại không vì trẫm mà nhường cho trẫm được như nguyện, hay sao?

Vị trụ trì đem lời thuật lại với vợ chồng Kế Sa La. Kế Sa La nhờ vị trụ trì tậu lại nhà vua:

- Vợ chồng chàng xin chịu tội, chứ không thể thay đổi cuộc bố thí qua ngày khác.

Với ý định kiên quyết ấy, nhà vua hết sức ngạc nhiên, cho đòi vợ chồng Kế Sa La vào hỏi.

Tiếp diện nhà vua, Kế Sa La đem hết cả sự tình tâu rõ là:

- Vợ chồng tôi đã bán mình cho một nhà địa chủ lấy tiền mở hội bố thí, đến ngày thứ tám đã chính thức làm tôi tớ cho người, không còn đi lại tự do nữa.

Nghe xong câu chuyện, nhà vua hết sức cảm phục cử chỉ của vợ chồng Kế Sa La.

Vua bùi ngùi than rằng:

- Nếu trong quốc độ này mà được nhiều người có “tâm từ” như vợ chồng Kế Sa La, thì còn đâu những kẻ tham lam ích kỷ, lường gạt đồng bào và còn đâu những kẻ bơ vơ trong xó chợ đầu đình, lê mình khắp xứ, mà không đủ chén cơm lót dạ, manh áo che thân!

Tức thì nhà vua lại sai người đem vàng bạc ra ban thưởng và hạ chiếu cấp cho vợ chồng Kế Sa La được trọn đời hưởng quyền lợi trong mười xã.

Vua lại kêu vợ chồng Kế Sa La đến phán rằng:

“Ðây là phước báo hiện tiền” của hai người đó và trẫm vui lòng nhượng hai người mở cuộc bố thí vào ngày thứ bảy để cho hai người được toại nguyện”.

Vợ chồng Kế Sa La cảm động lạy tạ ơn vua. Và đôi vợ chồng ấy, không quên niệm hồng ân đức Phật đã tác thành cho vợ chồng chàng:

“Đức tánh Từ Bi, nâng cao Ðạo sống”. Nên nay mới gặp nhà vua đức độ, đem lại cho vợ chồng chàng đến cuộc đời sung sướng giàu sang.

"Dắt một người mù qua đường, cho người đứt tay miếng giẻ rách, lượm cây gai giữa đường, cho con kiến hạt cơm, đều gọi là bố thí".

Trích "Truyện Cổ Phật Giáo"

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Kiếp người, nếu không chịu tu tập sẽ không còn kịp nữa

Tư liệu 19:45 30/11/2024

Tôi nghĩ mình nhờ có chút thiện căn, những kiếp trước cúng dường Tam Bảo, xuất gia tu hành tinh tấn, nỗ lực hoằng pháp độ sinh, nên đời nay phước duyên đó khiến tôi sớm được gặp Phật pháp tu hành.

Phát huy vai trò của Ni giới trong xã hội

Tư liệu 09:26 30/11/2024

Phật giáo cho rằng đạo đức là nền móng vững chắc Nhất để xây dựng tôn giáo của mình. Đức phật là người đầu tiên trong lịch sử khởi xướng phong trào bình đẳng nam nữ trong xã hội. Với quan điểm Này thì đức phật là Người đặt những những hòn đá tảng đầu tiên để xây dựng nên lâu đài bình đẳng giới.

Long vương và tiếng chuông chùa tiêu trừ ác tâm

Tư liệu 13:15 28/11/2024

Trên đỉnh núi Hy Mã có một cái ao lớn, trong ao có rất nhiều rồng trú ngụ, chúng thường hay làm mưa nổi gió nhổ bật cây cối, gây nguy hại cho nhân dân ở dưới núi. Bởi vậy, dân chúng ở dưới núi than khổ dậy trời, phần lo dọn dẹp, phần thì chết chóc. Một vùng hoang tàn thê lương.

Kinh Bách dụ giảng giải: Để xác trong nhà

Tư liệu 16:15 27/11/2024

Người ngu có bẩy người con, chết mất một, người ngu định để xác con trong nhà, rồi dọn đi nơi khác. Có người khuyên, sao không đem xác chết đi chôn, mà lại để trong nhà, rồi phải dọn đi nơi khác ở.

Xem thêm