Vô tướng tam muội
Như thế, nhận ra tâm này, sẽ thấy được tánh không trong vạn pháp, sẽ hiểu được diệu lý “ngộ trước, tu sau” và khi thấy tất cả tâm không, tức là thấy được pháp môn không hề có cửa vào của Thiền Tông. Đó cũng là Vô Tướng Tam Muội.
Đức Phật đã dạy đường vào giải thoát có nhiều cửa, không phải chỉ một. Học nhân thời nay, đặc biệt là tại Tây Phương, không chú ý nhiều về Vô Tướng Tam Muội, nhưng đây lại là một cửa vào giải thoát phổ biến trong Thiền Tông Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bản, và Đại Hàn. Có thể tóm tắt pháp môn này là, “Không hề có một pháp nào để làm.” Bởi vì phải thấy ngay rằng không hề có một chỗ nào trong tâm để bấu víu.
Kinh Trường A Hàm DA 12 nói về nhiều pháp dẫn tới Niết Bàn, bản dịch của Thầy Tuệ Sỹ và Thầy Đức Thắng, trích:
“Thế nào là một pháp dẫn đến Niết-bàn? Thường tinh cần tu niệm xứ về thân. Đó là một pháp dẫn đến Niết-bàn. (...)
“Thế nào là hai pháp dẫn đến Niết-bàn? Chỉ và quán.(...)
“Thế nào là ba pháp dẫn đến Niết-bàn? Ba tam-muội: không tam-muội, vô tướng tam-muội, vô nguyện tam-muội.(...)
“Thế nào là bốn pháp dẫn đến Niết-bàn? Bốn niệm xứ: thân niệm xứ, thọ niệm xứ, tâm niệm xứ, pháp niệm xứ.(...)
“Thế nào là năm pháp dẫn đến Niết-bàn? Năm căn: tín căn, tinh tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn.(...)
“Thế nào là sáu pháp dẫn đến Niết-bàn? Sáu tư niệm: niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm thí, niệm giới, niệm thiên.(...)
“Thế nào là bảy pháp dẫn đến Niết-bàn? Bảy giác chi: niệm giác chi, trạch pháp giác chi, tinh tấn giác chi, khinh an giác chi, định giác chi, hỷ giác chi, xả giác chi.(...)
“Thế nào là tám pháp dẫn đến Niết-bàn? Tám Hiền Thánh đạo: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.(...)
“Thế nào là chín pháp dẫn đến Niết-bàn? Chín thiện pháp: 1. hỷ, 2. ái, 3. duyệt, 4. lạc, 5. định, 6. thật tri, 7. trừ xả, 8. vô dục, 9. giải thoát.(...)
“Thế nào là mười pháp dẫn đến Niết-bàn? Mười trực đạo: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định, chánh giải thoát, chánh trí...” (1)
Pháp môn Vô Tướng Tam Muội như thế tương thông với Không Tam Muội và Vô Nguyện Tam Muội.
Bởi vì vào cửa bằng vô tướng, cho nên có khi quý ngài tự ngờ vực dù là đã đạt được pháp định vô tướng, thấy tâm không dao động (xa lìa các đợt sóng vọt lên, chìm xuống trong tâm), có khi giải thoát (thấy tâm lúc đó lìa tham sân si) rồi mới an trụ (sau mới thấy định), và có khi theo chiều ngược lại. Kinh Phật kể về một vị tỳ kheo đạt được vô tướng tam muội, mới đi tìm ngài Anan (một trí nhớ kho tàng kinh điển, một thư viện sống) để hỏi, nhưng tới gần ngài Anan tới 6 năm mới mở miệng hỏi. Kinh không giải thích vì sao vị này chờ 6 năm mới hỏi.
Kinh Tạp A Hàm SA 558, bản dịch của hai Thầy Tuệ Sỹ, Đức Thắng viết, trích:
“Lúc bấy giờ, có một Tỳ-kheo kia đạt được vô tướng tâm tam-muội, nghĩ rằng: “Ta hãy đến chỗ Tôn giả A-nan, hỏi Tôn giả, nếu Tỳ-kheo đạt được vô tướng tâm tam-muội, không vọt lên, không chìm xuống, sau khi giải thoát rồi an trụ, sau khi an trụ rồi giải thoát; thưa Tôn giả A-nan, Thế Tôn dạy nó là quả gì, công đức gì? Nếu Tôn giả A-nan hỏi ta: ‘Tỳ-kheo, ông đã đạt vô tướng tâm tam-muội này phải không? Đáp, tôi chưa từng có’. Hỏi thật mà đáp khác đi. Ta sẽ theo sát Tôn giả A-nan, hoặc giả có người khác hỏi nghĩa này, nhờ đó mà ta được nghe.”
Tỳ-kheo này đi theo Tôn giả A-nan suốt sáu năm, mà không có ai hỏi đến nghĩa này, nên mới tự hỏi Tôn giả A-nan:
“Nếu Tỳ-kheo hỏi vô tướng tâm tam-muội, không vọt lên, không chìm xuống, sau khi giải thoát rồi an trụ, sau khi an trụ rồi giải thoát, thì thưa Tôn giả A-nan, Thế Tôn dạy nó là quả gì, công đức gì?”
Tôn giả A-nan hỏi Tỳ-kheo này:
“Tỳ-kheo, ông đã đạt tam-muội này chưa?”
Tỳ-kheo này im lặng. Tôn giả A-nan nói với Tỳ-kheo này rằng:
“Nếu Tỳ-kheo đã đạt tâm vô tướng tâm tam-muội, không vọt lên, không chìm xuống, sau khi giải thoát rồi an trụ, sau khi an trụ rồi giải thoát, thì Thế Tôn nói đó là trí quả, trí công đức.”(2)
Trong một kinh khác, Đức Phật nói rằng trong các pháp định, đệ nhất là Không Tam Muội, từ đây dẫn tới Vô Nguyện Tam Muội, và rồi tới Vô Tướng Tam Muội. Đức Phật giải thích rằng Không Tam Muội là không thấy có mình, không thấy có người, không thấy có thọ mệnh (tức là thấy pháp vô sinh diệt), và do vậy không tạo ra gốc rễ của hành (tức gốc rễ sinh tử luân hồi; chúng ta có thể nhắc rằng các việc làm không cố ý sẽ không nhất thiết thọ quả báo, vì tác ý chính là nghiệp).
Kinh Tăng Nhất A Hàm EA 45.6 ghi lời Đức Phật dạy, qua bản dịch của hai Thầy Tuệ Sỹ, Đức Thắng, trích:
“Lành thay, lành thay, như Xá-lợi-phất mới có thể an trú nơi Không tam-muội. Vì sao vậy? Trong các tam-muội, Không tam-muội là tối thượng đệ nhất. Tỳ kheo an trú Không tam-muội không chấp trước ngã, nhân, thọ mạng, cũng không thấy có chúng sinh, cũng không thấy có bản mạt của các hành. Do không thấy có, nên không tạo gốc rễ của hành. Do không có hành nên không còn tái sinh đời sau. Do không còn tái sinh đời sau nên không còn thọ nhận quả báo khổ lạc. Xá-lợi-phất, nên biết, ngày xưa khi Ta chưa hành Đạo, ngồi dưới gốc thọ vương, suy nghĩ như vầy: Các loài chúng sinh này do không nắm bắt được pháp gì mà phải trôi lăn trong sinh tử, không được giải thoát? Khi ấy, Ta lại nghĩ, vì không có Không tam-muội nên phải trôi nổi sinh tử, không được giải thoát. Có Không tam-muội này, nhưng chúng sinh chưa đạt được, khiến chúng sinh khởi tưởng niệm đắm trước. Do khởi tưởng thế gian nên thọ nhận phần sinh tử. Nếu đạt được Không tam-muội này, không có gì là sở nguyện, do đó đạt được Vô nguyện tam-muội. Do đạt được Vô nguyện tam-muội, không mong cầu chết nơi này sinh về nơi kia; hoàn toàn không có tưởng niệm. Bấy giờ hành giả ấy lại đạt được và an trú trong Vô tướng tam-muội.” (3)
Câu hỏi nên nêu ra là: có cách nào để nhận ra tánh không trong các pháp? Đức Phật dạy rằng, nhận ra Pháp Duyên Khởi chính là tương ưng với Không. Tức là, vì cái này có, nên cái kia có. Cũng như tiếng đàn nghe được, có chẻ cây đàn ra làm trăm mảnh cũng không tìm được, vì nhiều duyên (người đàn, tài năng, học đàn nhiều năm, gỗ rừng cưa về làm đàn, dây đàn, người nghe…). Không đủ duyên, pháp không hiện lên.
Kinh SA 293, bản dịch của hai Thầy Tuệ Sỹ, Đức Thắng viết:
“Ta vì các Tỳ-kheo nói pháp tùy thuận duyên khởi xuất thế của bậc Hiền thánh tương ưng với Không. Nghĩa là cái này có nên cái kia có, cái này khởi nên cái kia khởi…” (4)
Như thế, khi nhận ra tánh không (từ luật duyên khởi), chúng ta sẽ không xem bất cứ những gì trước mắt và bên tai như là có thực nữa. Tất cả các pháp đều không thực tướng, không chỗ nào để khởi tâm bấu víu (tức là, tự nhiên sẽ thấy không còn tư lường nghĩ ngợi gì, sau khi nhận ra tánh không).
Ý nghĩa các ấn tướng qua hình tượng của Đức Phật
Kinh Tăng Nhất A Hàm EA 24.10, bản dịch hai Thẩy Tuệ Sỹ, Đức Thắng ghi lời Đức Phật dạy cách quán để vào Không:
“Có ba tam-muội này. Những gì là ba? Là Không tam-muội, Vô tướng tam-muội, Vô nguyện tam-muội.
“Thế nào là Không tam-muội? Không là quán tất cả các pháp đều là không hư. Đó gọi là không tam-muội.
“Thế nào là vô tướng tam-muội? Vô tướng là đối với tất cả các pháp tất cả đều không tưởng niệm gì, cũng không có gì được thấy. Đó gọi là vô tưởng tam-muội.
“Thế nào là vô nguyện tam-muội? Vô nguyện là đối với tất cả các pháp cũng không mong cầu. Đó gọi là vô nguyện tam-muội.
“Như vậy, này các Tỳ-kheo, ai không đạt được ba tam-muội này thì ở lâu nơi sinh tử, không thể tự giác ngộ.” (5)
Tương tự, ngài Mục Kiền Liên giải thích về pháp định vô tướng, qua Kinh Tương Ưng SN 40.9, trích bản dịch của Thầy Minh Châu:
“Vô tướng tâm định, Vô tướng tâm định” (animitto cete samādhi), như vậy được nói đến. Thế nào là Vô tướng tâm định?
Và này chư Hiền, tôi suy nghĩ như sau: “Ở đây, Tỷ-kheo không tác ý tất cả tướng, chứng và trú Vô tướng tâm định”. Ðây gọi là Vô tướng tâm định.
Rồi này chư Hiền, tôi không tác ý tất cả tướng, chứng và an trú Vô tướng tâm định. Này chư Hiền, do tôi trú với an trú này, (tôi đạt được) thức tùy thuận tướng (nimittànusarivinnànam).” (6)
Hễ đã nhận ra pháp duyên khởi, tức nhận ra tánh không trong cả nội xứ và ngoại xứ, tâm sẽ tự nhiên tịch lặng, nhìn thấy thân tâm mình y như xác chết đang đi, đang đứng, đang nằm, đang ngồi, đang nói, đang cười trong cõi huyễn hóa, và thấy được thực tướng chính là vô tướng.
Kinh EA 40.8, bản dịch hai Thầy Tuệ Sỹ, Đức Thắng viết:
“Hết thảy các hành đều rỗng lặng, cái sanh và cái diệt đều như huyễn hoá, không có chơn thật. Cho nên, Tỳ-kheo, hãy ở trong hơi thở ra vào tư duy về tưởng chết để thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, buồn rầu, khổ não.” (7)
Thấy các hành rỗng lặng, thấy sanh diệt huyễn hóa, thấy duyên khởi không tánh, thấy các pháp đều không hư, thấy niệm tưởng tư lường tự nhiên vắng bặt (vì tâm đã không, và không còn gì để khởi tưởng lành dữ, đúng sai, ưa ghét…), tức là thấy tánh, còn gọi là thấy thực tướng vô tướng, còn gọi là thấy bản tâm, còn gọi là thấy pháp thân Phật.
Chúng ta có thể lấy một thí dụ như sau để nói về bản tâm. Giả sử như trong một hý viện tại Hà Nội hay Sài Gòn, một buổi trình diễn nhạc dân tộc truyền thống, với tham dự của 500 quan khách từ nhiều quốc tịch (Việt, Pháp, Mỹ, Hoa, Nhật, Hàn…). Tất cả mọi người cùng nhìn thấy trên sân khấu có vài chục nhạc sĩ sử dụng đàn tranh, đàn đá, đàn bầu, sáo, vân vân… trong các bộ trang phục cổ truyền dân tộc Việt. Tất cả quan khách cùng nhìn thấy sân khấu rực rỡ như thế, và thấy như thế là qua tâm mỗi người, nhưng cái được thấy (hình ảnh, màu sắc…) tùy theo từng quan khách sai biệt nhau do duyên (tùy vị trí ghế ngồi, mắt bình thường hay mắt cận, viễn…). Không phải cái thấy là của riêng quan khách A hay B, dù cái được thấy hiển lộ dị biệt. Bởi vì cái thấy là do tâm, nhưng không ai chủ động được cái thấy, không ai tự bảo hình ảnh phải được thấy trễ một chút hay sớm một chút, vì không ai chủ động từng khoảnh khắc cái thấy trừ phi nhắm mắt. Tức là có cái được thấy, nhưng không có chủ thể cái thấy. Hễ lúc đó khởi niệm tư lường là lạc mất, là níu vào cái thấy của quá khứ, mất cái thấy hiện tiền. Cái thấy không phải riêng hay chung, không phải là của mình, và tương tự cũng không phải là của người nào. Nhưng lìa thân ngũ uẩn ra, không có hiển lộ từ cái thấy.
Tương tự, với tai nghe. Tất cả quan khách cùng nghe người dẫn chương trình nói tiếng Việt, nhưng chỉ người biết tiếng Việt mới hiểu (tức là, có duyên sinh làm người Việt hoặc được học tiếng Việt). Tất cả mọi người cùng nghe say mê tiếng sáo, tiếng đàn vì không có lời, nhưng thẩm âm mỗi người khác nhau tùy kiến thức âm nhạc và sở thích. Người Nam có thể ưa nghe đờn ca tài tử hơn, người Bắc có thể ưa nghe các điệu quan họ hơn. Tất cả cùng nghe, nhưng không ai chủ động được cái nghe. Không ai tự bảo là có thể hoãn nghe hay tự dặn là nghe chậm hay nghe sớm hơn, vì không ai chủ động từng khoảnh khắc cái nghe trừ phi bước ra ngoài. Tức là có cái được nghe, nhưng không có chủ thể cái nghe. Hễ khởi niệm tư lường là lạc mất, là níu vào cái nghe của quá khứ, mất cái nghe hiện tiền. Cái nghe không phải riêng hay chung, không phải là của mình, và tương tự cũng không phải là của người nào. Nhưng lìa thân ngũ uẩn ra, không có hiển lộ từ cái nghe.
Tượng tự, với cảm thọ của thân. Lúc đó có thể cảm nhận hơi gió lạnh hoặc ấm từ máy điều hòa không khí. Không ai bắt được thân mình cảm thọ nhiều hay ít hơn, nếu không mang theo áo ấm, vân vân. Tức là có cái được cảm thọ, nhưng không có chủ thể cái cảm thọ. Hễ khởi niệm tư lường là lạc mất, là níu vào cái cảm thọ của quá khứ, mất cái cảm thọ hiện tiền. Cái cảm thọ không phải là của mình, và tương tự cũng không phải là của người nào. Nhưng lìa thân ngũ uẩn ra, không có hiển lộ từ cái cảm thọ.
Thâm ý qua hình tượng chư Phật, Bồ tát
Như thế, bản tâm, hay là cái tánh thấy nghe hay biết, tuy do duyên hiển lộ khác nhau, nhưng không hề có cái gì gọi là “tôi hay người” hay “của tôi hay của người” trong đó, không hề gọi được là nhiều hay ít, không chỉ được là ở trong hay ngoài (thân tâm), không trước không sau, không hề có phân biệt ưa ghét hay lành dữ… Ngay ở bản tâm đó là lìa tham sân si, là gương tâm chiếu sáng (để thấy nghe hay biết). Thấy được tánh này sẽ thấy mình và người và các pháp không cách biệt (Huyền Quang: Hồn nhiên người với hoa vô biệt). Đó là lý do cổ đức nói rằng tâm này lìa sinh diệt, vì niệm là sinh diệt nhưng gương tâm không hề mất tánh sáng thấy nghe hay biết, và niệm (có sinh, có diệt) không phải là bản tâm. Cổ đức còn nói rằng tâm này bao trùm trời đất. Nhận ra bản tâm sẽ thấy không có gì để tu hết, vì không còn thấy có mình hay người nữa.
Lục Tổ Huệ Năng trong Kinh Pháp Bảo Đàn, bản dịch của Thầy Duy Lực, giải thích về tâm này, trích:
“Sao gọi là Ma Ha? Ma Ha là đại, tâm lượng quảng đại như hư không, chẳng có biên giới, cũng chẳng vuông tròn lớn nhỏ, cũng chẳng phải xanh vàng đỏ trắng, cũng chẳng trên dưới dài ngắn, cũng chẳng giận, chẳng vui, chẳng phải chẳng quấy, chẳng thiện chẳng ác, chẳng đầu chẳng đuôi. Các cõi Phật đều đồng như hư không, diệu tánh con người vốn không, chẳng có một pháp có thể đắc, tự tánh chơn không cũng như thế. Thiện tri thức, chớ nên nghe ta nói KHÔNG mà liền chấp KHÔNG. Trước nhất chớ chấp KHÔNG, nếu để tâm KHÔNG tĩnh tọa là lọt vào VÔ KÝ KHÔNG. Thiện tri thức, thế giới hư không bao hàm sắc tướng vạn vật, mặt trời mặt trăng, núi sông đất đai, cây cối, biển lớn, kẻ dữ người lành, pháp ác pháp thiện, thiên đàng địa ngục, tất cả đều ở trong hư không, TÁNH KHÔNG của con người cũng vậy. Thiện tri thức, tự tánh hay bao hàm muôn pháp là ĐẠI,muôn pháp đều ở trong tự tánh của con người. Nếu thấy điều dữ điều lành của người, tất cả đều chẳng lấy chẳng bỏ, chẳng chấp chẳng nhiễm, tâm như hư không gọi là ĐẠI, nên nói là MA HA. Thiện tri thức, kẻ mê miệng nói, người trí tâm hành. Lại có kẻ mê để tâm không mà tĩnh tọa, trăm điều chẳng nghĩ, tự xưng là đại, với bọn người này không thể nói gì được, vì họ bị rơi vào tà kiến. Thiện tri thức, tâm lượng quảng đại cùng khắp pháp giới, dùng thì liễu liễu rõ ràng, ứng dụng liền biết tất cả. Tất cả tức một, một tức tất cả, tới lui tự do, tâm thể vô ngại tức là BÁT NHÃ.” (8)
Thiền sư Đạo Tuân Minh Chánh ở chùa Bích Động thuộc tỉnh Ninh Bình, thời vua Minh Mạng, trong sách Bát Nhã Trực Giải đã giải thích về tâm này như sau, qua bản dịch của Thầy Thích Nhật Quang, trích:
“Nói Lớn thì không có cái gì hơn Tâm, nên nói Tâm bao trùm cả thái hư, lượng khắp các cội nước nhiều như số cát, dọc suốt ba đời, ngang giáp mười phương. Kinh Lăng Nghiêm nói: "Phải biết hư không sanh trong tâm ông giống như một đốm mây điểm trên bầu trời xanh, hà huống thế giới ở trong hư không ư!". Do đó, biết thế giới bao hàm cõi nước, hư không bao hàm thế giới, tâm bao hàm hư không, nên Rộng lớn là nói về thể lượng của tâm. Rộng lớn khắp giáp hàm dung như thế, nhưng tâm thể tuy lớn, thánh phàm bình đẳng mà lại có trong đục, mê ngộ, thuận trái khác nhau. Tại Thánh thì từ lâu đã lóng đục thành trong, bỏ mê về ngộ, bỏ trái về thuận, cho nên thường thanh tịnh giác ngộ. Quán tất cả các pháp sắc không muôn tượng, biết là sắc huyễn như hoa đốm trong hư không, chỉ do tâm tạo ra, vốn chẳng phải thật có, nên chẳng sanh tâm phân biệt phan duyên. Hễ được Như như chẳng động thì Diệu tánh chân như trong lặng, sáng ngời, sự thấy biết tròn sáng khắp cùng các cõi nước nhiều như cát bụi. Pháp giới nầy thuần là Diệu tánh chân như, không có một tướng nào, một vật gì chẳng phải là chân như. Kinh Kim Cang nói: "Chẳng chấp nơi tướng thì như như chẳng động". Còn kẻ phàm phu thì chấp tướng trái giác theo trần, mê mờ căn tánh chạy theo thức tình. Thức tánh hư vọng bị các tướng làm cho tối tăm liền có năm lớp hỗn trược. Quán tất cả pháp sắc không muôn tượng, chẳng biết là chỉ do tâm hiện ra, từ nhân duyên sanh, duyên sanh không có tự tánh, vốn chẳng phải thật có. Mê tâm vọng chấp là thật, khởi niệm phân biệt thiện ác, tốt xấu, có không, hay dở, tranh chấp, nhân ngã, buông thả tham sân si. Vừa khởi tâm động niệm bèn là chân như chẳng giữ tự tánh, theo vào vô minh. Từ đây tối tăm vẩn đục, chỉ biết có niệm lự và gọi đó là tâm, nên vĩnh viễn trái nghịch tánh chân như vắng lặng chiếu soi, trong sạch rộng lớn. Tâm niệm lự thì ở đâu cũng thiên cuộc, thế nên nhỏ hẹp, tối tăm, vẩn đục, mà chẳng phải là tâm thể rộng lớn trong sạch nầy. Muốn thấy tâm thể rộng lớn trong sạch nầy, chỉ cần dứt tâm niệm lự phân biệt kia thì tâm sẽ vắng lặng mà thường chiếu, chiếu mà thường lặng.” (9)
Như thế, nhận ra tâm này, sẽ thấy được tánh không trong vạn pháp, sẽ hiểu được diệu lý “ngộ trước, tu sau” và khi thấy tất cả tâm không, tức là thấy được pháp môn không hề có cửa vào của Thiền Tông. Đó cũng là Vô Tướng Tam Muội.
Ghi chú:
(1) Kinh DA 12: https://suttacentral.net/da12/vi/tue_sy
(2) Kinh SA 558: https://suttacentral.net/sa558/vi/tue_sy-thang
(3) Kinh EA 45.6: https://suttacentral.net/ea45.6/vi/tue_sy-thang
(4) Kinh SA 293: https://suttacentral.net/sa293/vi/tue_sy-thang
(5) Kinh EA 24.10: https://suttacentral.net/ea24.10/vi/tue_sy-thang
(6) Kinh SN 40.9: https://suttacentral.net/sn40.9/vi/minh_chau
(7) Kinh EA 40.8: https://suttacentral.net/ea40.8/vi/tue_sy-thang
(8) Kinh Pháp Bảo Đàn: https://thuvienhoasen.org/p16a682/pham-bat-nha-thu-hai
(9) Bát Nhã Trực Giải: http://thientongvietnam.net/kinhsach-thike/dirs/batnhatrucgiai/BatNhaTrucGiai.pdf
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Chú Lăng Nghiêm: Thần chú uy lực nhất trong Phật giáo
Kiến thức 22:01 22/12/2024Chú Lăng Nghiêm là vua trong các Chú, vì dài nhất và khó nhất trong Phật Giáo. Hầu hết những người xuất gia đi tu, đều phải thuộc lòng Chú Lăng Nghiêm từ lúc mới xuất gia, hoặc cũng có những người thuộc lòng trước khi xuất gia.
Cách tụng thần chú Dược Sư tại nhà Phật tử nên biết
Kiến thức 15:00 22/12/2024Thần chú là bí mật của Chư Phật. Bạn có nhân duyên với chú nào thì tụng chú ấy. Đừng nay tụng Lăng Nghiêm, mai tụng Đại Bi, mốt tụng Dược Sư…
Chép hồng danh Phật sẽ có công đức lớn
Kiến thức 10:57 12/12/2024Chép hồng danh Phật hay chép Nam mô A Di Đà Phật là một trong những phương pháp tiêu nghiệp và giúp tăng phước.
Ngày vía Phật A Di Đà là ngày nào?
Kiến thức 09:11 11/12/2024Ngày vía Phật A Di Đà là ngày tưởng nhớ Đức Phật A Di Đà, tác lễ tri ân công đức mà Ngài đã dày công tạo lập Thế giới cực lạc. Hằng năm ngày vía Phật A Di Đà được tổ chức vào ngày 17/11 âm lịch.
Xem thêm