Ý nghĩa và cách thực hành Diệu Pháp Thiền Tịnh
Diệu Pháp là phương pháp, là cách thức thực hành linh diệu, có kết quả kỳ lạ và Thiền Tịnh là cách tu tích cực và kỳ diệu mở rộng cánh cửa tâm linh.
Nói khác đi, khi thực hành Diệu Pháp Thiền Tịnh chúng ta sẽ hưởng được nguồn an vui hạnh phúc bao la với một thân thể khỏe mạnh và một tâm hồn an vui, tích cực, lành mạnh, qua sự thực hành phương pháp tu tập mầu nhiệm.
Trong phẩm Phổ Môn của Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, đức Phật Thích Ca nói rõ cho chúng ta biết về hạnh nguyện cứu độ của đức Quán Thế Âm Bồ Tát, người lắng nghe tiếng kêu, lời cầu nguyện của chúng sanh mà hiện thân đến cứu độ họ khỏi các khổ đau cùng ban cho họ được nhiều an lành sức khỏe mà chúng ta đã đề cập đến trong tập Diệu Pháp Phổ Môn. Do đó, trong phần tu tập, chúng ta niệm danh hiệu Ngài và quán thấy hình ảnh trong sáng tràn đầy hào quang của Ngài. Sau đây chúng ta nói rõ hơn về cách thức và ý nghĩa sự tu tập.
Phần thực hành gồm có Dâng Hương, Lễ Phật, Niệm Phật, Trì Chú, Ngồi Thiền, Thiền Hành, Tụng Kinh và Quán Thanh Tịnh và Quán Từ Bi. Chúng ta hãy đi sâu vào ý nghĩa của mỗi thứ nói trên:
1. Dâng hương
Trước khi tu tập chúng ta đưa thân và tâm mình trở về trạng thái thoải mái, an ổn, trong sáng, tỉnh thức. Khi thắp nhang (hương) thì chúng ta đưa tâm thức của mình trở về với hiện tại trong sáng và tươi mát. Mùi thơm của nhang sẽ làm cho căn phòng cùng tâm chúng ta trở nên thanh tịnh, trong sạch và mát mẻ. Sau đó chúng ta đọc những câu kệ nói về sự huyền diệu của Phật tánh để khai mở tâm chân thật.
2. Lễ Phật
Lễ Phật là lạy Phật. Chúng ta buông xả tất cả gánh nặng của cái tôi to lớn, kềnh càng bằng cách chắp tay cúi mình và để đầu hạ thấp xuống đất hầu cảm nhận một cách trực tiếp mình và Phật vốn rỗng lặng, rộng lớn mầu nhiệm như nhau :
‘Phật chúng sanh tánh thường rỗng lặng
Đạo cảm thông không thể nghĩ bàn
Lưới Đế Châu ví đạo tràng
Mười phương Phật Bảo hào quang sáng ngời
Trước bảo tọa thân con ảnh hiện
Cúi đầu xin thệ nguyện quy y.’
3. Niệm Phật
Đọc danh hiệu các đức Phật để có sự cảm thông mầu nhiệm, để nhận sự trợ lực, sự gia trì, sự ban cho thêm các nguồn năng lực trong lành mạnh mẽ. Phật lực, nguồn năng lực mạnh mẽ, trong lành mầu nhiệm của chư Phật tràn đầy vũ trụ, chúng ta đọc danh hiệu vị Phật nào thì có sự cảm ứng mầu nhiệm với vị Phật đó. Danh hiệu vị Phật đầu tiên là đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, vị Thầy cao quý dạy cho chúng ta con đường an vui và hạnh phúc. Kế đến là đức Phật A Di Đà, vị Phật tỏa chiếu ánh sáng vô lượng vô biên đưa chúng ta về chốn Cực Lạc khi chúng ta qua đời và cuối cùng là danh hiệu đức Quán Thế Âm Bồ Tát, Ngài tỏa chiếu hào quang an lành và tinh sạch đến mọi chúng sanh và ban cho những điều lành như ý nguyện.
Pháp môn niệm Phật trong kinh điển Phật giáo nguyên thuỷ
4. Trì Chú
Chú là lời linh thiêng của chư Phật ban cho chúng ta có sức mạnh, một nguồn năng lực kỳ diệu. Sức mạnh kỳ diệu của các câu thần chú làm cho thân thể chúng ta được an ổn, tinh thần thoải mái, cùng chuyển hóa, thay đổi tất cả sự buồn rầu, lo lắng, sợ hãi, khổ đau thành hạnh phúc. Thần chú mà chúng ta tụng đọc nơi đây là Um Ma Ni Padme Hum (đọc là Um M Ni Pat Mê Hum mà ở Việt Nam chúng ta thường đọc là Án Ma Ni Bát Di Hồng). Um là âm thanh của ba chữ đầu chỉ thân và ý từ trạng thái lo lắng, sợ hãi, buồn rầu, khổ đau được chuyển thành an vui, trong sáng và hạnh phúc. Do đó, sự tu tập này quý báu như một viên ngọc Ma Ni. Khi thực hành sự tu tập thì đóa hoa sen tinh khiết của giác ngộ hay Pát Mê khai mở đưa chúng ta vượt qua tất cả sự hiểu biết sai lầm tạo khổ đau và khai mở một thế giới tâm thức rộng lớn bao la. Đó là ý nghĩa âm thanh Hum. (Những vị nào đã quen với chú Đại Bi thì tụng thêm chú này rất tốt.)
Khi nhất tâm tụng đọc và trì chú này thì mọi vọng tưởng, mọi điều lo sợ, buồn phiền, giận dữ, khổ đau đều tan biến và tinh thần chúng ta trở nên rất thoải mái, an vui, dõng mãnh và tích cực vô cùng.
5. Ngồi Thiền và Quán Đảnh
Ngồi Thiền để trí óc mình trở nên bén nhạy, thông minh và thoải mái rồi quán thấy, thấy hình ảnh ở trên đỉnh đầu của mình, hình đức Quán Thế Âm toàn bằng ánh sáng tỏa ra tình thương yêu trong lành và sự hiểu biết chân thật cùng niềm an lạc kỳ diệu. Khi quán tưởng hình ảnh đẹp đẽ và tích cực đó, chúng ta tập trung tất cả nguồn năng lực trong sáng nhất của mình để tưởng thấy và chiêm ngưỡng hình ảnh kỳ diệu và trang nghiêm của đức Quán Thế Âm và từ đó tiếp nhận tràn đầy nguồn ánh sáng nhiệm mầu của từ bi và trí huệ của Ngài tỏa chiếu mười phương thế giới.
6. Thiền hành
Thiền hành là thiền hoạt động, đi những bước chân thoải mái, an vui trong tỉnh thức. Thiền hành gồm hai phần : Chậm và nhanh. Thiền hành chậm để chúng ta cảm nhận được niềm an vui, thích thú tự nhiên tràn đầy nơi cơ thể. Thiền hành nhanh để nhận rõ trong mọi hoạt động hàng ngày chúng ta có thể biểu lộ, bày tỏ sự thoải mái, an vui, rỗng lặng, thông minh và hạnh phúc.
7. Tụng Kinh
Là nhắc nhở chân lý mầu nhiệm mình đang thực hành và cầu nguyện để được chư Phật ban cho những điều an lành và tốt đẹp trong đời sống. Có cầu thì có ứng. Khi đem lòng thành chí thiết và tâm thức trong lành mà cầu nguyện thì thấy có sự đáp ứng tức khắc: lòng mình mở rộng bao la, tâm mình an vui kỳ diệu, trí óc trở nên trong sáng lành mạnh...
8. Quán Thân Thanh Tịnh và Quán Từ Bi
Trước hết quán thấy hình ảnh đức Quán Thế Âm tỏa chiếu ánh sáng tràn đầy thân thể của mình sau đó quán thấy hình ảnh mỗi bộ phận trong người của mình như đầu, óc, mắt, tai, tim, phổi... trong hình ảnh tươi sáng, lành mạnh và tốt đẹp nhất của chúng rồi chuyển đến chúng nguồn năng lượng trong lành, tươi mát, mạnh mẽ để tạo lập một nền tảng vững chắc cho sức khỏe, đó là phương thức của Y Đạo mà Đông Phương đã thực hành hàng ngàn năm nay và hiện được một số bác sĩ của các trường đại học Y Khoa danh tiếng như Harvard, Yale, cùng rất nhiều bác sĩ nổi danh khác đang sử dụng một phần phương pháp này. Sau đó quán thấy nguồn năng lượng từ bi tràn đầy chiếu đến mọi người, mọi loài và mọi chốn. Tình thương yêu là nguồn năng lượng mạnh mẽ nhất mà đạo Phật gọi là lòng từ bi có khả năng chữa trị mọi bệnh tật tinh thần lẫn thể chất mà vị Phật tượng trưng cho năng lượng mầu nhiệm này là đức Quán Thế Âm. Trong kinh Pháp Hoa, đức Phật dạy cách quán tưởng đức Quán Thế Âm: Chân quán, thanh tịnh quán, trí tuệ quán bao la, bi quán và từ quán...
Khi đi sâu vào thực hành Diệu Pháp Thiền Tịnh, chúng ta thấy đó là một lối thực hành rất giản dị nhưng có kết quả cực kỳ tốt đẹp vì đó là sự phối hợp những gì tinh hoa nhất của Phật giáo và khoa học cùng y khoa hiện đại.
Trích "Hạnh phúc kỳ diệu"
Thích Phụng Sơn
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Vì sao Đức Phật không cứu độ hết chúng sinh thoát khỏi khổ đau?
Kiến thức 20:09 02/11/2024Phật không thể chuyển được nghiệp của chúng sinh, mà chỉ có thể từ bi chỉ dạy chúng sinh tự mình nỗ lực để thay đổi cuộc đời của mình.
Lục hòa: Sáu pháp sống chung hòa hợp
Kiến thức 14:50 02/11/2024Đây là phép sống chung hòa hợp để tu tập hướng đến giải thoát giác ngộ. Người tu hành mà không học tập sống chung cùng đại chúng một cách hòa hợp thì khó mà tu tập thăng tiến.
Thứ lớp quả vị của Bồ tát Thập địa
Kiến thức 13:29 02/11/2024Nhờ có trí tuệ thấy rõ khổ đau và thực hành Bát chính đạo cùng giáo lý Trung đạo, hành giả phát khởi Bồ đề tâm, hành trì Lục độ Ba la mật để dần đạt các cấp độ thành tựu trên con đường Giác ngộ.
Nói về Tứ niệm xứ
Kiến thức 10:40 02/11/2024Học, hiểu và tu tập Tứ niệm xứ là rất cần thiết dù tu sĩ hay cư sĩ giúp ta sống chất lượng, sâu sắc ý nghĩa, thanh tịnh thân tâm, thành tựu đinh lực trí tuệ hướng đến an vui giác ngộ giải thoát hoàn toàn ra khỏi mọi nỗi khổ niềm đau.
Xem thêm