Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ, 14/09/2020, 09:47 AM

Ẩn số nhục thân Thiền sư người Trung Quốc tại chùa Phật Tích

Hơn 400 năm trôi qua kể từ ngày vị Thiền sư người Trung Quốc viên tịch tại một ngôi chùa cổ ở Việt Nam, cuộc đời cũng như những đạo hạnh tu hành của ngài vẫn còn vô vàn ẩn số.

 

Chùa Phật Tích với những dấu ấn lịch sử

Cách Hà Nội 20 km về phía Đông, chùa Phật tích, thôn Phật Tích, xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh cửa mở ra hướng Tây, trước mặt là sông Đuống. Chùa Phật Tích, một công trình văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, cho đến nay vẫn còn giữ được nhiều di vật cổ quý giá. Ngôi chùa có kiến trúc của thời Lý, thể hiện qua ba bậc nền bạt vào sườn núi.

Trong chùa có tượng đức Phật bằng đá thời nhà Lý lớn nhất Việt Nam. Chùa Phật Tích được xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa tại Quyết định số 313/VH-VP, ngày 28 tháng 4 năm 1962 của Bộ Văn hóa và được Thủ tướng chính phủ ký và xếp hạng 62 Di tích quốc gia đặc biệt của Việt Nam

Chùa Phật Tích là nơi diễn ra cuộc gặp gỡ giữa Phật giáo Ân Độ và tín ngưỡng dân gian Việt cổ. Trên cơ sở đó hình thành trung tâm Phật giáo đầu tiên của đất nước (trung tâm Dâu – Luy Lâu). Theo tài liệu cổ thì chùa Phật Tích được khởi dựng vào năm Thái Bình thứ tư (1057) với nhiều tòa ngang dãy dọc. Năm 1066, vua Lý Thánh Tông lại cho xây dựng một cây tháp cao. Sau khi tháp đổ mới lộ ra ở trong đó bức tượng Phật A-di-đà bằng đá xanh nguyên khối được dát ngoài bằng vàng. Để ghi nhận sự xuất hiện kỳ diệu của bức tượng này, làng đổi tên là Phật Tích và dời cả lên trên sườn núi.

Bí mật sau nhục thân các Thiền sư: Đỉnh cao thiền định

Đại tượng Phật A Di Đà chùa Phật Tích.

Đại tượng Phật A Di Đà chùa Phật Tích.

Nhục thân Thiền sư Trung Quốc tại chùa Phật Tích

Thiền sư Chuyết Chuyết vẫn còn lý lịch rõ ràng, dù ngài lạc sang đất này đã hơn 400 năm. Ngài sinh năm 1590, tại Tiệm Sơn (huyện Hải Trừng, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc), nay thuộc thành phố Dương Châu. Thiền sư mang họ Lý, tên Thiên Tộ.

Truyền rằng, người mẹ nằm mộng thấy rốn mình mọc lên một bông sen, thời gian sau tự dưng có thai. Thai nhi kỳ lạ này nằm trong bụng mẹ tròn 3 năm mới ra đời.

Tuổi thơ của Lý Thiên Tộ cực kỳ đau khổ. Mẹ mất khi mới 5 tuổi, bé Thiên Tộ phải ở với chú. Dù còn nhỏ, cha mẹ mất sớm, cuộc sống nghèo khổ, song Thiên Tộ vẫn thông minh xuất chúng, học thông cả ngũ kinh tứ thư.

Tuy nhiên, người chú không nuôi nổi, nên năm Thiên Tộ 15 tuổi, ông gửi vào chùa Tiệm Sơn. Khi được chú dắt đến chùa, trưởng lão Tiệm Sơn hỏi: “Ngươi định tạo sự nghiệp gì mà tìm về cửa Phật?”, Thiên Tộ thưa: “Giúp vua cứu dân”.

Sau khi luận về công danh, trưởng lão Tiệm Sơn thấy cậu bé còn ham danh lợi, song rất thông minh, nên đồng ý cho Thiên Tộ xuất gia, rồi giữ lại chùa để truyền dạy cho tỉnh ngộ. Thiên Tộ có pháp danh Viên Văn. Biết kiến thức Phật giáo của mình không đủ để dạy Viên Văn, Hòa thượng chùa Tiệm Sơn đã gửi sư cho Hòa thượng Tăng Đà Đà ở Nam Sơn.

Bí mật 60 năm về nhục thân bất hoại Thiền sư Như Trí

Nhục thân Thiền sư Chuyết Chuyết sau khi phục dựng.

Nhục thân Thiền sư Chuyết Chuyết sau khi phục dựng.

Sau khi luận về Phật pháp, Hòa thượng Đà Đà nói với tăng ni trong chùa: “Ngày khác ta sẽ nhường chỗ cho kẻ này, y sẽ bước khỏi đầu sào trăm trượng”. Biết rằng sư Viên Văn là một người xuất chúng, nên truyền hết yếu chỉ tâm tông cho sư.

Chỉ một thời gian ngắn theo Hòa thượng Đà Đà, sư Viên Văn đã đắc pháp, đi giáo hóa mười phương. Danh tiếng của ngài vang danh khắp thiên hạ, khiến học giả đương thời đều kính trọng.

Năm 18 tuổi, sư Viên Văn sang Campuchia hoằng pháp ròng rã 16 năm, được quốc vương xứ này quan tâm đặc biệt.

Năm 1623, ngài sang vùng Quảng Nam thuyết pháp, nhận thiền thư Minh Hành làm đệ tử.

Đến năm 1633, ngài cùng đệ tử khất thực ra đến kinh thành Thăng Long. Sau khi yết kiến vua Lê và chúa Trịnh, ngài được mời về trụ trì chùa Khán Sơn ở Thăng Long để giảng dạy Phật pháp. Từ đó, ngài được gọi là Chuyết Công hoặc Chuyết Chuyết.                                                                                     

Tượng Thiền sư Chuyết Chuyết trong tháp Báo Nghiêm.

Tượng Thiền sư Chuyết Chuyết trong tháp Báo Nghiêm.

Đi tìm nhục thân Thiền sư Từ Đạo Hạnh

Sau đó khoảng một năm, Hòa thượng Chuyết Chuyết đi về chùa Phật Tích, trụ trì tại ngôi chùa cổ này. Tuy nhiên, sau đó, chúa Trịnh Tráng cho trùng tu chùa Bút Tháp, nên lại mời sư về trụ trì, giảng đạo ở ngôi chùa này cho đến khi viên tịch.

Cũng như những Thiền sư đã tu thành chính quả, biết mình sắp rời xa nhân thế, Thiền sư Chuyết Chuyết gọi đệ tử đến bên dặn dò bằng mấy lời kệ: “Tre gầy thông vót nước rơi thơm/ Gió thoảng trăng non mát rờn rờn/ Nguyên Tây ai ở người nào biết/ Mỗi chiều chuông nổi đuổi hoàng hôn”. Lời kệ này được chép trong sách Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn.

Đọc xong lời kệ, các đệ tử thút thít khóc, Thiền sư liền bảo: “Nếu ai động tâm khóc lóc thì không phải đệ tử của ta”. Nghe lời, các đệ tử nín thinh, ngồi gõ mõ tụng kinh. Tiếng kinh kệ vang lên đều đều. Thiền sư Chuyết Chuyết lặng lẽ bước vào tháp Báo Nghiêm, đệ tử bịt cửa tháp lại. Không gian yên lặng đến kỳ lạ, con chim không hót, con khỉ chẳng thấy kêu.

Ngày rằm tháng bảy năm Giáp Thân (1644), tiếng mõ ngừng vang từ tháp. Thiền sư Chuyết Chuyết viên tịch khi tròn 54 tuổi. Điều kỳ lạ là khi Thiền sư mất, cả tháng trời khắp chùa có mùi hương thơm rất lạ.  Đệ tử chân truyền là Thiền sư Minh Hành đã dùng kỹ thuật tượng táng phổ biến thời bấy giờ để bó cốt thầy, rồi đặt ngài vào tháp Báo Nghiêm.  

Một thời gian sau, Thiền sư Minh Hành đưa nhục thân Thiền sư Chuyết Công vào một ngôi chùa tận trong Thanh Hóa để tránh chiến tranh, binh đao. Rồi không rõ nguyên nhân gì, các đệ tử lại đưa về nhà thờ tổ của chùa Phật Tích, sau đó đưa vào tháp Báo Nghiêm.

Lịch sử của Phật giáo ghi rõ thông tin về cuộc đời tu hành và nhục thân của Thiền sư Chuyết Chuyết như vậy.  

Thiền sư Chuyết Chuyết hóa trong tư thế ngồi thiền.

Thiền sư Chuyết Chuyết hóa trong tư thế ngồi thiền.

Tháng 8 năm 1989 tượng nhục thân Thiền sư Chuyết Chuyết được tìm thấy trên rừng mộ tháp, nhưng xương cốt còn tới 133 mảnh. Đống chất bồi làm tượng táng cũng cơ bản giống với chất bồi làm những pho tượng táng khác. Tuy nhiên, theo ý kiến của PGS, TS. Nguyễn Lân Cường, cách thức làm tượng táng Thiền sư Chuyết Chuyết thì hoàn toàn khác. 

Qua việc tìm thấy 7 đoạn dây đồng, PGS, TS. Nguyễn Lân Cường kết luận rằng, người ta đã không quét lớp bồi trực tiếp lên thân thể Thiền sư Chuyết Chuyết, mà dùng dây đồng dựng khung xương rồi mới quét lớp bồi.

PGS, TS. Nguyễn Lân Cường đã cùng họa sĩ sơn mài Đào Ngọc Hân, nhà điêu khắc Bùi Đình Quang, họa sĩ Nguyễn Đình Hiển bỏ nhiều tháng trời nghiên cứu, phục dựng thành công pho tượng táng Thiền sư Chuyết Chuyết. Là nhà khoa học đầu tiên của Việt Nam được theo học phương pháp phục chế lại mặt theo xương sọ của giáo sư M.M. Gheraximov, nên PGS, TS. Nguyễn Lân Cường dễ dàng phục dựng lại khuôn mặt của Thiền sư Chuyết Chuyết giống hơn cả pho tượng táng mà các nghệ nhân đã dựng cách nay mấy trăm năm. 

Điều đặc biệt, PGS, TS. Nguyễn Lân Cường đã không cần dùng những sợi đồng để dựng khung xương như cách làm của người xưa với di hài của Thiền sư Chuyết Chuyết. Ông cùng nhóm phục dựng đã gắn xương vào đúng vị trí giải phẫu trên chất liệu bồi, rồi quét tiếp lớp bồi nữa như táng tượng bình thường. 

Ngày hoàn thành pho tượng táng là ngày đặc biệt đáng nhớ với PGS, TS. Nguyễn Lân Cường và nhóm phục dựng. Hàng ngàn người đã đổ về chùa Phật Tích chen nhau chiêm ngưỡng nhục thân vị Thiền sư đầy huyền thoại này. 

Nhục thân Thiền sư hơn 20 năm vẫn nguyên vẹn

Hành trình đi tìm ẩn số của nhục thân Thiền sư Chuyết Chuyết

PGS, TS. Nguyễn Lân Cường kể lại: 

Ngày 10.10.1992, bà Nguyễn Thị Lan - Phó ban di tích, chính thức đề nghị tôi đứng ra chịu trách nhiệm phục nguyên nhục thân Thiền sư Chuyết Chuyết. Tổ công tác được thành lập ngay gồm: họa sĩ sơn mài Đào Ngọc Hân, nhà điêu khắc Bùi Đình Quang, họa sĩ Nguyễn Đình Hiển, và tôi, chịu trách nhiệm chỉ đạo trực tiếp.  Toàn bộ chi phí cho việc phục dựng được nhiều phật tử đóng góp vẻn vẹn chỉ có 5 triệu đồng! Ngồi tính toán mãi tôi thấy đúng là chỉ đủ tiền mua sơn ta, vàng lá để dát và một số nguyên vật liệu khác. Tôi nói thẳng với anh em là kinh phí quá hạn hẹp, nên việc phục dựng xin cái tâm là chính, chứ không có công xá gì cả... Anh em trong cả tổ đều vui vẻ tán thành. Có khó khăn mới thấy được họ đúng là những người bạn tuyệt vời của tôi.

Được sự giúp đỡ của Sở Văn hóa - Thông tin Bắc Ninh, Phòng Văn hóa huyện Tiên Sơn, ngày 12.1.1993, chúng tôi đã chuyển 133 mảnh xương và 209 mảnh bồi về Hà Nội để nghiên cứu.

Những mảnh xương vỡ của nhục thân Thiền sư Chuyết Chuyết.

Những mảnh xương vỡ của nhục thân Thiền sư Chuyết Chuyết.

Cả nhóm chúng tôi trao đổi, tranh luận với nhau xem nên phục dựng toàn bộ pho tượng bằng cách nào. Lúc đầu, có ý kiến đưa ra là dùng dây đồng nối các xương lại, kết hợp với khung tre làm cốt để dựng tượng. Bàn đi tính lại mãi thấy không ổn, vì bản thân tôi muốn bên trong tượng của Thiền sư chỉ nên có di cốt của ngài. Cuối cùng, cả nhóm nhất trí theo phương án từng bước như sau:

1. Tái tạo pho tượng bằng đất sét theo tư thế ngồi thiền.

2. Đổ khuôn pho tượng, bằng cách tạo các mảng khuôn.

3. Bồi sơn ta, lót vải màn, rắc mạt cưa, trộn sơn ta tất cả là 10 lớp ở mặt trong của khuôn.

4. Gắn xương vào đúng vị trí giải phẫu bằng chất liệu sơn ta trộn với mùn cưa.

5. Khi sơn ta với lớp vải màn, mạt cưa đã khô cứng lại, tiến hành phá khuôn thạch cao ở bên ngoài, gỡ các mảnh bó cốt và gắn thành hình tượng thô.

6. Tiếp theo là các công đoạn làm sơn thông thường: “bó” hai nước, “hom” ba nước, “lót” hai nước và “thí” hai nước.

7. Thếp bạc.

8. Quang dầu hai lần.

Nhục thân bất hoại của vị thánh tăng trong ngôi chùa ve chai

Phục dựng nhục thân Thiền sư Chuyết Chuyết. Ảnh PGS Nguyễn Lân Cường cung cấp.

Phục dựng nhục thân Thiền sư Chuyết Chuyết. Ảnh PGS Nguyễn Lân Cường cung cấp.

Cả nhóm chúng tôi đã miệt mài lao động trong hơn ba tháng rưỡi và sáng 1.5.1993, nước sơn quang cuối cùng đã phủ kín pho tượng, kết thúc công việc của một phương án táo bạo, mà chưa một nhà điêu khắc nào làm theo kiểu này: tượng hoàn toàn không có cốt bằng sắt, thép hay tre, gỗ làm trụ ở bên trong.

Phục nguyên nhục thân xong, tôi cứ băn khoăn mãi, vì không hiểu có chắc vị Thiền sư mà chúng tôi phục nguyên là Thiền sư Chuyết Chuyết hay không? Ban Di tích của chùa nói với tôi, vị sư trụ trì ở chùa Phật Tích trong thời gian trước chiến tranh là đại đức Hồng Đức, đã mất năm 1980 (?). Nhưng không thể chỉ có một vị sư ở chùa, nghĩ vậy nên tôi lần dò tìm mãi thì được biết còn có ông già Triệu vốn là sư bác của chùa vào những năm trước khi cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ.

Tìm đến thôn Mao Rộc, cách chùa Phật Tích 15 km, tôi gặp được cụ Nguyễn Chí Triệu, vốn là sư bác ở chùa bốn nhăm năm về trước. Tôi mở cặp lấy ra tấm ảnh chụp pho tượng mà chúng tôi vừa phục chế, đưa cho cụ xem. Nheo nheo đôi mắt, cụ trả lời ngay: “Đúng là cái tượng để trong khám rồng đấy”. Trở về Hà Nội, tôi lật tìm cuốn sách Phật Lục của Trần Trọng Kim xuất bản năm 1943, tới trang 95 thì thấy tác giả cũng khẳng định rõ “khám thờ Tổ đệ nhất bó cốt làm tượng...”. Lại có cả bản vẽ minh họa vị trí đặt pho tượng Chuyết Công trong nhà Tổ, nhưng không có ảnh chụp chiếc khám. Tiếp tục lục tìm kho tư liệu ảnh về chùa Phật Tích của Viện Thông tin khoa học xã hội, tôi không hề thấy ảnh chiếc khám nào. Nhưng thật may mắn khi lật tìm những tư liệu của chùa Bút Tháp, tôi chợt thấy bức ảnh mang ký hiệu số 7956 chụp một chiếc khám vào năm 1930 và có chú thích phía sau bằng tiếng Pháp “Khám gỗ chạm trổ thếp son giữ tượng nhà sư Chuyết Công”.

Thiền sư Chuyết Chuyết hiện được đặt trong lồng kính chân không.

Thiền sư Chuyết Chuyết hiện được đặt trong lồng kính chân không.

Chùa Bút Tháp ở Bắc Ninh, cách chùa Phật Tích chỉ độ dăm cây số theo đường chim bay. Nơi đây cũng có tháp Báo Nghiêm, nhưng không hề có chiếc khám gỗ thờ Tổ đệ nhất. Chắc chắn người ta đã xếp nhầm bức ảnh này vào số ảnh của chùa Bút Tháp. Tôi lại vội vàng phóng xe máy lên gặp sư bác Nguyễn Chí Triệu để xác nhận xem có đúng chiếc khám của chùa Phật Tích không? Ông đã khẳng định đó là chiếc khám đặt tượng tổ Chuyết Chuyết. Từ những câu chuyện trên, chúng tôi suy đoán rằng: Khi kháng chiến bùng nổ, thấy chùa bị địch pháo kích, sau đó lại bị đốt cháy, nên có thể vị sư trụ trì của chùa đã đập vỡ pho tượng cổ thành nhiều mảnh nhỏ, đưa vào vại sành rồi giấu vào tháp Báo Nghiêm.

Đây chính là nhục thân của Thiền sư Chuyết Chuyết vốn đặt trong khám rồng ở nhà Tổ. Thế là sự thật được minh chứng...

Mời quý Phật tử xem thêm video: "Tu thân theo lời Phật dạy":

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Vì sao Đức Phật không cứu độ hết chúng sinh thoát khỏi khổ đau?

Kiến thức 20:09 02/11/2024

Phật không thể chuyển được nghiệp của chúng sinh, mà chỉ có thể từ bi chỉ dạy chúng sinh tự mình nỗ lực để thay đổi cuộc đời của mình.

Lục hòa: Sáu pháp sống chung hòa hợp

Kiến thức 14:50 02/11/2024

Đây là phép sống chung hòa hợp để tu tập hướng đến giải thoát giác ngộ. Người tu hành mà không học tập sống chung cùng đại chúng một cách hòa hợp thì khó mà tu tập thăng tiến.

Thứ lớp quả vị của Bồ tát Thập địa

Kiến thức 13:29 02/11/2024

Nhờ có trí tuệ thấy rõ khổ đau và thực hành Bát chính đạo cùng giáo lý Trung đạo, hành giả phát khởi Bồ đề tâm, hành trì Lục độ Ba la mật để dần đạt các cấp độ thành tựu trên con đường Giác ngộ.

Nói về Tứ niệm xứ

Kiến thức 10:40 02/11/2024

Học, hiểu và tu tập Tứ niệm xứ là rất cần thiết dù tu sĩ hay cư sĩ giúp ta sống chất lượng, sâu sắc ý nghĩa, thanh tịnh thân tâm, thành tựu đinh lực trí tuệ hướng đến an vui giác ngộ giải thoát hoàn toàn ra khỏi mọi nỗi khổ niềm đau.

Xem thêm