Thứ bảy, 02/12/2023, 14:16 PM

Ba đại nguyện của người con Phật

Cuộc đời như một giấc mơ, đúng như vậy. Thân tứ đại nầy từ nương nhờ các duyên và bẩm thọ di thể của cha mẹ mà tạo thành, rồi phát triển, lớn lên, rồi già, bịnh, chết.

Tứ đại nương nhau mà thành, rồi tứ đại lại chống trái nhau mà hoại. Sanh, già, bịnh, để rồi trong một sát na là đã hoại diệt, đã qua một đời khác. Đời người nếu đem so với sự bao la vô cùng vô tận của vũ trụ, còn thua một ánh điển chớp, một cánh hoa sớm nở tối tàn, hoặc giả một giọt sương mai trên đầu cỏ, chợt có liền không. 

Tuy nhiên, một đời mà biết làm lành lánh dữ và cứu giúp chúng sanh là một đời xứng đáng. Vâng, một đời tu cho tròn ba đại nguyện: làm lành, lánh dữ, cứu giúp chúng sanh là một đời giải thoát. Đạo Phật đơn giản và dễ nói như vậy đó. Tuy nhiên, lắm kẻ một đời tự xưng là con Phật, hoặc giả một đời cạo tóc nhuộm áo, vẫn chưa thực hành được ba đại nguyện nầy. Miện nói làm lành lánh dữ, mà ý thì nghĩ dữ, thân thì bạo hành. Miện nói cứu giúp chúng sanh mà tay lại gom góp của chúng sanh làm của riêng cho mình. Làm sao làm lành lánh dữ khi mà hở ra là tụm ba tụm năm để nói toàn những chuyện thị phi của thường tình thế tục? Làm sao làm lành lánh dữ khi lúc nào miệng nầy cũng oang oát, ong óng? Chúng ta nào biết rằng những giây phút thị phi, oang oát, ong óng đó chẳng những chính là những nhân đau khổ của địa ngục cho chính mình, mà còn cho những người quanh mình nữa. 

Cái trục trặc của chúng ta là chúng ta cứ mãi mê chạy theo phàm tục. Đã chạy theo từ vô lượng kiếp, thế mà vẫn chưa biết kinh vì. Giờ được làm người, mà cứ để cho ngày giờ lặn mất, năm tháng trôi qua. Phật dạy làm lành lánh dữ thì ta lại làm dữ lánh lành. Phật dạy buông bỏ thì ta lại ôm đồm tất cả những gì có thể ôm đồm được. Phật dạy chớ nên hưởng dụng sung túc thì ta lại ra sức dồn chứa và trau tria xác thân hư huyễn nầy. Phật dạy ly dục thì ta lại tham đắm và say mê chẳng dứt. Phật dạy lý sự viên dung thì ta chỉ biết có lý mà không màng đến sự. Chính vì thế mà chúng ta chẳng biết gì đến thúc liễm thân tâm, đi đứng lất khất, nằm ngồi lăng xăng, chẳng biết phép tắc, chứ đừng nói chi đến oai nghi của người con Phật. Phật dạy nên thân cận thiện hữu tri thức thì ta lại thân cận thầy tà bạn ác, thử hỏi làm sao mà thói hư không tăng trưởng và tật xấu không chất chồng? 

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Người con Phật chơn thuần phải phát tân làm lành, lánh dữ và cứu giúp chúng sanh, vì đây chính là ba đại nguyện của người con Phật. Theo đúng luật nhân quả của nhà Phật, gây nhân làn ắt gặt quả lành. Làm lành sẽ mang lại kết quả trước mắt là tự thân tâm mình hoan hỷ với một sự an vui toàn vẹn, do đó mà cuộc sống của chúng ta luôn an nhiên tự tại. Hễ nói tới lành là nói tới cái gì trong trắng, tinh khiết, không ô trược, không vướng bợn nhơ của trần thế. Nếu trong xã hội nầy ai cũng làm lành thì bất công bị xóa bỏ và mọi người sẹ yêu thương nhau hơn. Chỗ nào có người làm lành, chỗ đó sẽ không có phỉnh phờ giả dối, hay vô lý bất công. Chỗ nào có người làm lành thì chổ đó có đầy đủ từ bi hỉ xả, bác ái vị tha, cũng như an lạc thái bình. Ngược lại chổ nào có ngượi làm dữ, thì cỗ đó có tương sát tương tàn, có cá lớn nuốt cá bé, thú lớn ăn thú nhỏ, người ăn thú, cá lớn nuốt cá bé, mạnh được yếu thua. Nơi đó con người sẳn sàng. Dùng đủ mọi phương kế để chèn ép và hãm hại lẫn nhau. Chính vì thế mà ngay từ những ngày đầu khai đạo, Đức Thế Tôn đã khuyên nhủ giáo đoàn của Ngài là phải luôn làm lành lánh dữ. Ngài đã khuyên điều lành dù nhỏ thế mấy cũng nên làm; điều ác dù nhỏ thế mấy cũng phải đoạn trừ. Trong Kinh Pháp Hoa, Đức Từ Phụ đã căn dặn tứ chúng rằng chỉ có phát đại nguyện làm lành mới có thể bước vào nhà Như Lai được.” Người con Phật làm lành như một tấm gương cho mọi người noi theo để chuyển hóa. Con người sanh ra, không ai trẻ mãi, không ai mạnh mãi, không ai sống mãi không chết, cũng không ai vui mãi không khổ…

Thật tình mà nói, trong cuộc sống hằng ngày không biết bao nhiêu sự dữ vây quấn lấy chúng ta. Mỗi cái nhấc chân là chúng ta đã gây tội tạo nghiệp, thế mà chúng ta vẫn khinh khỉnh lặn hụp không chút kinh vì. Người con Phật chơn thuần có thấy không? Chúng ta như những tội phạm không hơn không kém, nay muốn chuyển hóa, muốn đền bù vào tội lỗi mà mình đã gây tạo, không xin mà được, không cầu mà khỏi. Hầu hết các tôn giáo đều khuyến tấn con người phải vừa “vâng phục,” vừa “cầu nguyện ơn trên” để được ban cho ân sủng cứu rỗi. Những người con Phật chơn thuần phải vô cùng cẩn trọng! Làm gì có “ân đại xá” trên đời nầy? Ai đã từng chứng minh được là mình được đại xá? Tất cả chỉ là những cái “bánh vẽ” với mục đích đánh lạc hướng con người đi vào thần quyền mê tín. Tệ hại hơn nữa, có nhiều tôn giáo kích bác sự khuyến tấn “làm lành lánh dữ và thanh tịnh tự tâm của đạo Phật” trên những lập trường mờ ám. Họ cho rằng một con người cả đời làm phước, mà một phút lỡ lầm phạm phải tội lỗi vẫn phải suốt đời sa đọa, nếu không chịu vâng phục. Ngày xưa Đức Khổng Phu Tử có dạy rằng: “Cả đời làm lành, điều lành chưa đủ; một ngày làm ác, điều ác có dư.” Vâng! Một giây làm ác đã là nhiều, huống là một ngày.

Tuy nhiên, nói như vậy Đức Khổng Tử không có ý khuyên chúng ta buông xuôi cho trời đất, rồi không chịu làm lành lánh dữ. Những tôn giáo tin theo thần quyền mê tín đã diễn dịch sai lạc ý nghĩa của Đức Khổng Tử và họ cho rằng nếu cứ đà “làm lành chưa đủ, làm ác có dư” nầy thì còn cách nào hơn là vâng phục thần quyền để được tha tội và cứu rỗi? Quả là một sự cố ý diễn dịch sai lạc với chủ đích lôi kéo tín đồ. Những người con Phật chơn thuần hãy vô cùng cẩn trọng ! Khi cổ nhân nói “cả đời làm lành, điều lành chưa đủ” là quý ngài muốn khuyến tấn hậu bối chúng ta hãy làm lành, làm lành và làm lành, vì không biết bao nhiêu mới gọi là đủ cho việc “làm lành.” Khi quý ngài nói “một ngày lám ác, điều ác có dư” là quý ngài muốn nhắn nhủ hậu bối chúng ta đừng ỷ mình đã từng làm lành, rồi không chịu kinh vì việc ác. Những người con Phật hãy bình tâm suy gẫm lại mà xem, chúng ta đã từ vô thỉ lặn hụp trong si mê lầm lạc và đã lăn trôi gây tội tạo nghiệp không biết bao nhiêu mà kể cho xiết. Bây giờ muốn chuyển hóa thì trước tiên phải làm lành lánh dữ, nghĩa là phải chấm dứt gây tội tạo nghiệp, không có ngoại lệ, không có thần quyền nào có thể cứu vớt những kẻ gây tội tạo nghiệp không chút kinh vì. Trong các buổi thuyết pháp của Phật lúc Ngài còn tại thế, Thế Tôn đã khuyên nhủ mọi người rằng khi thân nầy chưa làm lành lánh dữ, thì khoan hẳn đi sâu vào kho tàng kinh điển Phật để bươi móc những “tánh không,” “vô thường,” “khổ,” “vô ngã,” “bất nhị,” “Bát Nhã,” vân vân. Trong kinh A Hàm, Đức Phật đã nói rõ: “Muốn đi xa phải tập đi gần, muốn lên cao phải bắt đầu từ nơi thấp, muốn cất nhà phải xây nền.” Ý của Phật đã quá rõ ràng rồi còn gì? Ngài vẫn giảng “tánh không” trong khi đó Ngài lại bảo hễ chưa làm lành lánh dữ thì khoan hẳn học tánh không. Cũng như vậy, chưa đắp nền thì khoan vội xây nhà vì làm như vậy, không chóng thì chầy căn nhà ấy cũng phải sụp đổ. Phật đã ân cần chỉ dạyqúa rõ ràng: mọi sự mọi vật ở đời rồi sẽ tan hoại, chỉ có những hạnh lành là quý báu. 

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Hơn nữa, làm lành lánh dữ trong đạo Phật còn mang một ý nghĩa thâm thúy dễ thương vô cùng. Làm lành lánh dữ là không sát sanh hại vật, là nuôi dưỡng lòng từ bi, là tôn trọng sự công bằng và bình đẳng cho mọi người. Làm lành lánh dữ là không gây thù chuốc oán, không đố kỵ ganh ghét, không gây phiền chuốc não cho ai… Làm lành lánh dữ là không trộm cướp, không ỷ mạnh hiếp yếu, không trốn xâu lậu thuế, không lường gạt giựt dọc, không cân non đong thiếu, không mua rẻ bán mắc, không đầu cơ tích trử, không cho vay nặng lãi… Làm lành lánh dữ là không vọng ngữ vạy ngôn, không nói lưỡi hai chiều, không nói lời đâm thọc, không nói lời thêu dệt và ác độc… Làm lành lánh dữ là không đắm sắc mê hình, không tà dâm tà hạnh, không nghĩ ngợi bất chánh… Làm lành lánh dữ là không dùng những chất cay độc hại thân hại người, vân vân và vân vân.

Người con Phật chơn thuần nếu không muốn tiếp tục đắm mình trong tội lỗi, lăn trôi trong ba nẻo sáu đường, phải trước tiên phát đại nguyện “làm lành lánh dữ.” Đừng hoài công nguyện cầu thần linh tha tội một cách vô ích. Hãy quay về với chính bản thân bản tâm mình mà làm lành lánh dữ rồi sẽ thấy sự lợi lạc của nó. Kỳ thật bản chất con người không phải là hoàn toàn chứa đựng những thứ xấu xa tội lỗi. Đức Thích Tôn Từ Phụ đã không từng khẳng định rằng “Ngài là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành” hay sao? Nghĩa là cho dù chúng ta có lăn trôi từ vô lượng kiếp, có gây tội tạo nghiệp bao nhiêu, hoặc cho dù chơn tâm chúng ta có bị mây mù vô minh che lấp thế mấy, thì chơn tâm ấy vẫn hiện hữu trong mỗi con người chúng ta.

Ngặt vì bị vô minh che lấp nên mầm “lành” khó nẩy. Bây giờ quyết tu theo Phật là quyết chí làm lành lánh dữ, quyết chí gạn lọc sao cho tâm tánh được thanh sạch, gội rữa hết những lỗi lầm trong quá khứ cũng như hiện tại, đồng thời phải cố gắng phát triển những đức hạnh cao thượng. Chúng ta hơn các loài hữu tình khác ở chỗ có lý trí, có tình cảm, và có bộ óc biết tư duy. Tuy nhiên, chúng ta phải tư duy làm sao cho hợp với lẽ phải và chơn lý thì mới được gọi là chánh tư duy. Nếu không có chánh tư duy thì biên kiến, tà kiến, ác kiến và đủ thứ kiến thủ tà ngụy sẽ làm chủ nhân ông tâm nầy và do đó chúng ta phải hứng chịu khổ đau phiền não triền miên. 

Muốn làm lành lánh dữ như lời Phật dạy, phải lấy chơn tâm mà suy nghĩ, nói năng cũng như thực hành; và phải vì hạnh nguyện cứu giúp chúng sanh mà làm. Người Phật tử chơn thuần nên luôn cẩn trọng rằng dù việc làm có thiện lành thế mấy, mà không vì mục đích phục vụ chúng sanh, thì tất cả đều là vọng ngụy không nên làm. Nếu ai trong cõi nước nầy cũng đều phát nguyện được ba nguyện lớn trên đây (làm lành, lánh dữ, và phục vụ chúng sanh) thì chúng ta đang tiến lần đến cọng nghiệp tốt đẹp cho toàn cõi Ta Bà. Nói là “nếu” chứ kỳ thật đây là một điều kiện tất yếu vì y như lời Phật dạy: “Rồi đây chúng sanh nào cũng phải làm lành lánh dữ và phục vụ chúng sanh, nếu không bây giờ thì cũng vạn triệu kiếp về sau nầy.”

Chư Phật và chư Tổ đều phải từng qua con đường nầy, chúng ta há có con đường nào khác sao quý vị? Người Phật tử chúng ta không chủ quan, hay tự cho rằng giáo lý đạo mình là cao tuyệt. Tuy nhiên, con đường nầy Phật Tổ đã đi qua và Ngài đã đến chỗ hạnh phúc, an lạc và tự tại ngay trong cuộc sống cuộc tu của Ngài. Chuyện Phật Tổ đã hơn hai ngàn sáu trăm năm, thế mà gương hạnh làm lành lánh dữ và phục vụ chúng sanh của Ngài vẫn còn rạng ngời như ánh quang minh của mới hôm nào. Tấm gương “văn, tư, tu” của Ngài vẫn còn đó, giáo lý Phật Đà vẫn còn đó, giáo lý ấy chính là giáo lý duy nhứt đưa con người đến giác ngộ và giải thoát. 

Người con Phật chơn thuần phải luôn thấy rõ rằng cõi nước mà chúng ta đang sống đây chỉ là một cõi Ta Bà đau khổ, con người nói riêng và chúng sanh nói chung, chỉ vui trong đau khổ, chỉ vui trong tạm bợ, vui để chờ buồn. Cuộc đời nầy được nối kết bằng một chuỗi dây xích của vô minh, ràng buộc, chấp thủ, tham ái, dục vọng, sân hận, ngã mạn, cống cao, nghi hoặc, tà kiến, ác kiến, sát, đạo, dâm, vọng, tham lam, trộm cướp, tà dâm, vọng ngữ, nói lưỡi hai chiều, nói lời đâm thọc, độc ác, khổ đau, phiền não… Con đường duy nhứt để chăt đứt những mắc xích ác nghiệt nầy là làm lành lánh dữ và phục vụ chúng sanh. Một khi ai trong chúng ta cũng làm lành lánh dữ và biết phục vụ chúng sanh thì chúng sanh còn sân hận, tham lam, trộm cướp làm chi nữa? Một khi đã làm lành lánh dữ và phục vụ chúng sanh thì vô ngã, bất tịnh, vô thường, và u mê phải chào thua, hoặc chúng chỉ còn là những từ ngữ nhạt nhẽo vô nghĩa mà thôi. Lúc đó là gì nếu không là khổ đau đoạn tận? 

Tóm lại, làm lành lánh dữ là y cứ theo lời Phật dạy mà thực hành giáo lý nhân thiên, từ đó thân tâm mới được thanh sạch, đồng thời trí tuệ và lòng từ bi cũng sẽ phát triển. Đây chính là nền tảng căn bản cho đại nguyện phục vụ chúng sanh, để tiến lên hàng Bồ Tát Đạo. Lúc nầy Bồ Tát, tại gia hay xuất gia, đều cũng phải tiếp tục làm lành lánh dữ, để khỏi sa đọa trở lại trong ba nẻo sáu đường. Bên cạnh đó, người Phật tử lúc nào cũng phải tinh tấn hành trì lục Ba La Mật, từ Bố Thí, Trì Giới, Nhẫn Nhục, đến Tinh Tấn, Thiền Định và Trí Tuệ. Bố thí chính là đức hạnh lợi tha thực tế và cao cả. Trì giới là phương cách diệt trừ phiền não cho mình và cho người thù thắng nhứt. Nhẫn nhục sẽ mang lại an hòa cho pháp giới chúng sanh. Tinh tấn thiền định sẽ giúp cho chúng sanh phát chân huệ, từ đó không còn chấp trước phân biệt, do đó mọi pháp đến đi trong tịnh lự. Lúc đó chúng ta không còn ái dục, không còn vô minh, không còn đau khổ… Lúc đó, chẳng những tự mình có đủ tiềm năng vượt thoát khỏi căn nhà lửa tam giới, mà mọi người sẽ đồng nắm tay nhau cùng vượt qua cơn giông tố bão bùng để tiến về cõi vô ưu, vô sanh và vô diệt. 

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Hạnh nguyện độ tha rạng ngời của Đức Phật A Di Đà

Góc nhìn Phật tử 11:35 14/12/2024

Hướng về ngày 17/11 AL, ngày vía kỷ niệm Ngài, là khi những điều thiêng liêng cao cả nhất được tôn vinh, là cơ hội hy hữu để ta hướng tâm về hình ảnh đức Phật, hướng về hình ảnh của một bậc xuất trần thượng sĩ và tam thiên đại thiên thế giới của Ngài.

Tập điều chỉnh chính mình khi phát hiện mình bất ổn

Góc nhìn Phật tử 08:54 03/12/2024

Này bạn, khi tâm trạng rơi vào trạng thái bất ổn, uể oải, hoặc cảm giác như năng lượng tích cực trong ta đã cạn kiệt, việc đầu tiên cần làm là ý thức rõ ràng về tình trạng của mình.

Tôi tin nhân quả

Góc nhìn Phật tử 13:57 02/12/2024

Từ ngày tôi biết đến Phật pháp, câu kinh dạy về nhân quả: “Muốn biết cái nhân trước, hãy nhìn sự thụ hưởng ở hiện tại. Muốn biết cái quả sau, hãy nhìn việc làm hôm nay” luôn khắc sâu trong tâm trí tôi.

Truyện ngắn: Hương từ chữ bay ra…

Góc nhìn Phật tử 11:17 02/12/2024

Mẹ về hưu sau mấy chục năm lăn lộn với nghề. Ngày đi làm cuối cùng để chia tay đồng nghiệp, mẹ mang về một bó hoa nhỏ và mấy tấm bằng khen đạt giải thưởng báo chí toàn quốc trong nhiều năm.

Xem thêm