Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 03/01/2023, 13:00 PM

Bà ngoại vãng sinh Cực Lạc, báo mộng cho cháu gái

Tận đáy lòng, tôi cảm thấy niềm biết ơn vô hạn đối với đức từ phụ A Di Đà Phật đã từ bi, giang tay đón mẹ tôi về cõi của Ngài, từ nay vĩnh viễn an lạc, tự tại, thẳng tiến tu hành cho đến ngày thành Phật !

Mẹ tôi đã ra đi mãi mãi. Nhưng không giống như những cuộc sinh ly tử biệt đầy nước mắt, đầy khổ não ở những đám tang khác. Niềm thương tiếc mẹ trong tôi thì vẫn da diết, xong tôi không buồn, vì tôi biết mẹ tôi đã đến được một nơi an lành, tuyệt mỹ, hạnh phúc gấp vô vàn lần nơi cõi đời đầy khổ đau này, nơi mẹ đã sống.

Tôi nói điều này, không phải là dạng một câu an ủi cho có lệ mà người ta hay nói ở đám tang, mà là một sự thật. Mẹ tôi đã được vãng sinh về Tây Phương Cực Lạc, và báo mộng lại cho con gái tôi.

Mẹ tôi tên Đoàn Thị Thanh Loan, pháp danh Diệu Hòa, thọ được 59 tuổi (2018). Bà lớn lên và dành cả cuộc đời mình nơi vùng sông nước miền Tây. Sau khi kết hôn về sống với cha tôi ở ấp Đông Thạnh, xã An Thái Đông, Cái Bè, Tiền Giang, trước nhà là sông Cái Cối lớn, sau nhà là con rạch Ông An nhỏ.

Tôi ghi rõ tên họ, địa chỉ, không phải vì tôi thích dông dài, mà là để những ai tinh thần hoài nghi cao có thêm dữ liệu để có thể xác thực lại câu chuyện.

Thủa còn sống, mẹ tôi là người hiền lành, thật thà, ngay thẳng, lương thiện, bà là tuýp người phụ nữ của gia đình, hết mực thương yêu, chăm lo cho chồng con. Dù từ ngày làm dâu, thường bị gia đình bên chồng ức hiếp, nhưng mẹ tôi vẫn luôn nhẫn nhịn để gia đình êm ấm.

Sư Giác Khang niệm Phật vãng sanh và lưu xá lợi nhiệm mầu

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Với mọi người, bà sông rất thoải mái, không so đo tính toán, cho ai được gì là bà luôn sẵn sàng, thành ra có rất nhiều người mượn tiền không trả, mà bà cũng chẳng đòi.

Sau khi tôi đi lấy chồng năm 2008, mẹ bắt đầu đi chùa thường xuyên, và quy y ở chùa Vạn Linh (mọi người còn gọi là chùa Cai Quạ) do Hòa Thượng Thích Thiện Huệ trụ trì. Hòa Thượng vốn chuyên tu Tịnh Độ, nên mẹ tôi được học và tu theo con đường cầu vãng sinh về Tây Phương Cực Lạc – một con đường tắt để có thể nhanh chóng thoát khỏi biển khổ sinh tử này.

Từ khi Quy y, mẹ tôi tinh tấn hẳn lên, đều đều tuần nào cũng đi chùa, tu tập theo thời khóa Hòa thượng đề ra, ngày rằm thì niệm Phật, ngày thường thì tụng kinh như kinh Pháp Hoa, kinh Địa Tạng, kinh Dược Sư, Hồng Danh Bảo Sám, kinh A Di Đà, kinh Vu Lan… cầu vãng sinh. Ở nhà bà thường lạy Phật sám hối theo cuốn “Sám hối 35 vị Phật”. Một số người cho rằng tu Tịnh Độ thì chỉ nên chuyên tâm niệm mỗi câu “A Di Đà Phật”, còn đọc kinh nhiều như mẹ tôi đây thì gọi là “tạp tu”, không có chuyên tâm. Vậy kết quả của cách tu như thế này ra sao, bạn sẽ có câu trả lời ở cuối chuyện.

Các việc công quả như xây chùa, tu sửa, quét dọn …bà đều rất nhiệt tình đóng góp. Ngoài ra, hàng năm mẹ tôi thường dành dụm một số tiền để mua gạo tặng những hộ nghèo trong ấp, tích chứa công đức cầu sinh về Cực Lạc.

Hành thiện tích đức là thế, xong không phải vì vậy mà nghiệp chướng có thể tiêu hết ngay được. Nhiều người hay hiểu nhầm chỗ này, tưởng cứ đi chùa tạo phước là đời sẽ bình yên ngay cho. Không có đâu bạn, nghiệp từ vô số kiếp tạo ác tích lại nhiều biết chừng nào, vài năm vài tháng sám hối tạo công đức thì chỉ mong tiêu nghiệp được chừng nào hay chừng đó, chứ sao có thể tiêu sạch nghiệp được.

Vậy nên mẹ tôi vẫn thường hay đau bệnh. Mẹ bị viêm xoang từ khi sinh con. Cơ thể yếu ớt, bệnh xoang hành hạ ngày nào bà cũng nhức đầu, chảy nước mũi, đau lưng.

Nhưng vì hiều được đó là nghiệp chướng “mình làm mình chịu”, nên mẹ tôi không oán thán, mà bình thản chấp nhận trả nghiệp, một mặt vẫn cố gắng tu hành. Chỉ cần duy trì đủ Tín – Hạnh – Nguyện, vững bước con đường tu Tịnh Độ, thì đến ngày số tận, thọ mạng hết, thì cũng chính là ngày mọi đau khổ sinh lão bệnh tử suốt vô lượng kiếp luân hồi qua cũng chấm hết.

Sinh về cõi Cực Lạc rồi, dù chưa phải đã thành Thánh ngay, nhưng được thân tâm an nhiên tự tại, muốn gì hiện ra thứ đó, tuổi thọ không giới hạn, lại được chư Phật – Bồ Tát dạy dỗ, kèm cặp tu hành cho đến khi viên mãn các tầng bậc Thánh Quả, với bao nhiêu điều vi diệu đó, thì chịu nốt vài năm, hay vài chục năm khổ sở cuối cùng ở cõi trần gian này đâu có đáng gì ?

Thời gian cuối đời, mẹ tôi ho nhiều. Sau lại được bệnh viện chuẩn đoán thêm bệnh ung thứ vú và yêu cầu phẫu thuật. Xong mẹ tôi từ chối.

Sinh - lão - bệnh - tử là quy luật mặc định của sinh mệnh con người, chưa từng có ai dù là vua chúa quyền uy hay tỉ phú nhiều tiền, nhờ chạy chữa thuốc men mà có thể sống mãi bất tử cả. Như Tần Thủy Hoàng và một số ông vua khác, sai các đạo sĩ tinh thông đạo thuật điều chế đan dược, mong trường sinh bất tử. Cuối cùng, như các bạn đã biết, họ cũng đều đã chết cả, và còn chết sớm hơn người thường.

Cụ ông vãng sanh được Phật quang chiếu sáng khắp nhà

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Khi thọ mạng đã cạn, có chữa được bệnh này thì rồi cũng sẽ phải chết vì một bệnh khác, hoặc một lí do khác mà thôi. Quy luật vũ trụ cố định như thế, không có cách phá vỡ, nên Phật Pháp không hề dạy cách làm sao sống mãi không chết cả, mà chỉ dạy cách làm sao cho hết khổ mà thôi.

Vậy níu kéo để làm gì cái kiếp người đầy phiền muộn, khổ đau này ? Bình thản đối diện với quy luật “có sinh ắt có tử” của tạo hóa, dành sức để sau khi chết, đến được một cảnh giới cao hơn, an vui hơn không phải tốt hơn là loay hoay kéo dài mạng sống một cách vô ích sao ?

Biết mẹ bệnh, tôi cũng xin thôi việc để về chuyên tâm chăm sóc mẹ. Ngày ngày tôi thường ở bên niệm Phật cho mẹ nghe, nếu không thì cũng mở máy niệm Phật để bà có thể nhiếp tâm theo. Ngoài ra tôi cũng tụng kinh, lạy Phật, làm nhiều công đức khác như ấn tống, phóng sinh để hồi hướng thêm cho mẹ.

Những ngày cuối, vì thấy sức khỏe mẹ tôi chuyển biến xấu nên gia đình cũng đưa bà đi bệnh viện, qua vài lần cấp cứu như những vớt vát cuối cùng nhưng không ăn thua, tôi và mọi người lại đưa bà về.

Tôi mời Ban Hộ Niệm đến hộ niệm cho mẹ tôi. Quả là những con người tuyệt vời, ai ai trong Ban Hộ Niệm đều rất có tâm, họ chia ca để luân phiên nhau niệm Phật cũng như khai thị cho mẹ tôi không ngưng nghỉ, hết ca này đến ca khác.

Tất cả những việc như bài trí bàn thờ Phật, sắp xếp bàn ghế, vật dụng, thậm chí cả đồ ăn nước uống, Ban Hộ Niệm cũng đều đã chuẩn bị, họ tự đem đến và sắp xếp đâu vào đấy rất chuyên nghiệp. Nhưng lại không hề đòi hỏi một xu thù lao nào cả, tất cả đều là thiện nguyện.

Tiếng niệm Phật vang rền, khiến tinh thần tôi và mọi người trong gia đình vững vàng hẳn lên. Mẹ tôi vì yếu qua nên tâm nương theo tiếng niệm Phật của mọi người thôi chứ không tự niệm được.

Sau 12 tiếng hộ niệm, mẹ tôi trút hơi thở cuối cùng, và ra đi một cách an lành. Mắt bà nhắm hờ, trên môi một nụ cười tươi tắn như đang rất vui vậy. Mọi người tiếp tục niệm Phật thêm mấy tiếng nữa không đụng chạm thân thể, và không ai than khóc, đúng theo yêu cầu Ban Hộ Niệm đã căn dặn trước.

Khi ấy tôi cũng như mọi người đều hi vọng với những năm tháng tu hành, những công đức mẹ tôi đã tích chứa, cùng với sự hỗ trợ hết mình của Ban Hộ Niệm, thì bà đã được vãng sinh về Cực Lạc. Tuy thế, dù có những thoại tướng tốt như gương mặt tươi tắn, gân khớp mềm mại không cứng lại, chúng tôi vẫn không thể khẳng định chắc chắn 100%, vẫn dừng lại ở mức phỏng đoán mà thôi. Tôi thầm mong mẹ tôi bằng một cách nào đó báo cho tôi biết bà đã sinh về nơi nào, xong chỉ mong ước vậy thôi chứ tôi biết, việc này là một cơ duyên đặc biệt, không thể cứ cầu là có được.

Một thời gian sau, cô con gái mới 8 tuổi của tôi một đêm nằm mơ thấy bà ngoại báo mộng. Sáng ra bé háo hức kể lại cho tôi.

Bé kể : trong mơ bé thấy khung cảnh nơi nhà bà ngoại cũ, mọi thứ sống động và rõ ràng như khi lúc thức. Bà ngoại mặc bộ đồ lam, hiền từ gọi bé lại và nói dẫn bé đi đến một nơi rất đẹp. Một đóa sen rất lớn hiện ra, hai bà cháu cưỡi trên đóa sen đó bay đi, ban đầu chậm, sau thì bay rất nhanh.

Khi đến nơi, một khung cảnh tuyệt mỹ, bao la bát ngát hiện ra trước mặt bé, khiến bé cảm thấy hết sức hiếu kì, và háo hức. Nào là những hàng cây bằng vàng sáng lấp lánh, nào là những hồ sen tuyệt đẹp nước trong vắt không thấy đáy. Đó đây sừng sững những lâu đài, mái vòm khổng lồ cũng bằng vàng, phát ra hào quang rực rỡ, khảm nạm ngọc và nhiều vật trang trí lộng lẫy mà bé không biết gọi là gì.

Đó đây những chú chim đủ loại, đủ màu sắc tuyệt đẹp thong dong sải cánh, cất lên những tiếng hót thánh thót. Trong không khí rơi rơi những hạt bụi vàng lấp lánh, trông rất thơ mộng. Đặc biệt, có một cái cây cổ thụ cực kì cao lớn, trên tán cây treo rất nhiều thứ gì đó bé không biết tên, phát ra âm thanh trong trẻo như tiếng chuông gió, nhưng hay hơn nhiều. Lơ lửng xung quanh cây cổ thụ có rất nhiều vị thân hình cao lớn, ai cũng tỏa hào quang, cưỡi trên những đóa sen còn lớn hơn đóa sen hai bà cháu đang cưỡi.

Bé quay sang bà ngoại, phát hiện y phục của bà đã đổi từ bộ đồ lam sang một thứ y phục rất lạ, nó trong suốt, mềm mại với những tà áo dài, phấp phới trong gió, nhìn tiêu diêu như thần tiên trong phim cổ trang vậy.

Bà dẫn bé bay đến một tòa nhà trong suốt, tọa lạc trên những tầng mây. Trong nhà có mấy vị nữa cũng giống như bà ngoại, nhưng tỏa ra hào quang sáng hơn bà, đóa sen họ cưỡi cũng lớn hơn. Dường như mọi người đang tu tập gì đó bé không hiểu.

Phóng mắt ra xa, bé trông thấy nhiều căn nhà khác cũng ngự trên mây tương tự, mỗi nhà có từ 4 đến 6 vị hợp thành một nhóm nhỏ. Có rất nhiều cầu thang ẩn hiện trong mây, nối các tòa nhà với nhau theo hình ziczac.

Tiếp theo, bà ngoại dẫn bé đến bái kiến Đức Phật A Di Đà. Khi đến nơi, được gặp Phật bé xúc động vô cùng. Thân tướng đức Phật đẹp đẽ, cao lớn vượt ngoài trí tưởng tượng của bé, cao đến mức bé không thể nhìn thấy hết, Ngài như một tòa núi uy nghi tỏa ra hào quang sáng rực rỡ. Đôi mắt Phật A Di Đà xanh biếc, sâu thẳm như biển cả. Bé cứ ngây ra ngắm Đức Phật, bà ngoại phải nhắc bé quỳ xuống đảnh lễ, bé mới y lời vội sụp xuống mà tha thiết lạy đấng từ phụ A Di Đà Phật.

Một lát sau, bé thấy có hai vị hiện ra đứng hai bên Phật A Di Đà, thân tướng cũng trang nghiêm, đẹp đẽ như Phật, nhưng không cao lớn bằng. Tôi mở video kinh Vô Lượng Thọ cho bé xem, có cảnh tam thánh Tây Phương : Phật A Di Đà và hai vị Quán Thế Âm Bồ Tát cùng Đại Thế Chí Bồ Tát, bé xác định đúng là hai vị này. Ngoài ra, ở khắp nơi bé cũng thấy có rất nhiều vị Bồ Tát cao lớn, tuyệt mỹ giống như vậy.

Lạy Phật xong, bà ngoại dẫn bé trở về. Hai bà cháu cưỡi đóa sen bay nhanh, băng qua rất nhiều tầng mây ngũ sắc kì ảo. Trên đường về bà ngoại dặn dò bé rất ân cần : “Con ráng Niệm Phật thật nhiều để được về Tây Phương với ngoại nghe con !”

Khi trở lại đến nhân gian, thì bé tỉnh dậy, vội vàng kể lại cho tôi. Tôi nghe mà tim thổn thức, mừng muốn rơi nước mắt. Quả thật người mẹ thân thương của tôi đã được sinh về Cực Lạc với Phật A Di Đà. Thành quả bao năm tu hành tinh tấn, tích lũy công đức của mẹ tôi, cùng với công sức hồi hướng của tôi và bao nhiêu người trong Ban Hộ Niệm đã được đền đáp viên mãn.

Với những ai còn có chút hoài nghi, vì đây chỉ là giấc mơ của một đứa trẻ. Thì cũng đành tùy tín tâm của quý vị, tôi cũng không có nhu cầu thuyết phục quý vị phải tin điều này. Xong có đôi điều để những ai có duyên tu học theo con đường Tịnh Độ cần xem xét để củng cố đạo tâm, đó là :

Thứ nhất, nếu chỉ là mộng mị bình thường, tại sao một giấc mơ lại có logic chặt chẽ thống nhất từ đầu đến cuối, sống động, chân thực như vậy ?

Thứ hai, cứ cho là con gái tôi nhớ bà quá mà nằm mơ, vậy sao các chi tiết miêu tả của bé đều ăn khớp với kinh điển Đức Phật Thích Ca miêu tả về cõi Cực Lạc như vậy ? Ví dụ như mắt Phật A Di Đà màu xanh như biển cả, thường có hai vị Bồ Tát ở hai bên, và rất nhiều vị đại Bồ Tát khác ở khắp nơi.

Rồi chi tiết cây cổ thụ, treo rất nhiều chuông khánh phát ra âm thanh vi diệu, bé cũng không biết cây này là cây gì, chỉ tả là cây cổ thụ. Xong những ai đã từng đọc kinh Vô Lượng Thọ thì sẽ biết ngay đây chính là cây Bồ Đề nơi Phật A Di Đà tọa thiền đắc đạo, vì mọi đặc điểm của cây đều khớp trong kinh. Và nhiều chi tiết khác ăn khớp một cách chính xác.

Giờ giả sử có cho một người đọc kinh nhiều lần, thậm chí xem video miêu tả những cảnh trên về cõi Cực Lạc thật nhiều lần để nhập tâm. Thì cũng chẳng bao giờ nằm mơ ra được chính xác, chi tiết như thế. Vì đây là do mẹ tôi báo mộng mới có thể như vậy, chứ không phải mộng mị bình thường.

Tôi chỉ nêu ra vài điểm như vậy để quý vị suy ngẫm, người có thiện căn, hiểu rõ kinh điển Phật Pháp tự nhiên sẽ nghiệm ra thực hư, mà vững tâm nỗ lực tu hành. Còn những người không đủ thiện căn, thì ngay đến ở thời Đức Phật Thích Ca, nghe trực tiếp Phật giảng cũng còn chẳng tin, thì vài lời này có nghĩa lí gì. Còn về phần tôi thì chẳng còn gì để có thể gợn lên một chút ít nghi ngại, bấy nhiêu đó đã là quá mãn nguyện rồi.

Tận đáy lòng, tôi cảm thấy niềm biết ơn vô hạn đối với đức từ phụ A Di Đà Phật đã từ bi, giang tay đón mẹ tôi về cõi của Ngài, từ nay vĩnh viễn an lạc, tự tại, thẳng tiến tu hành cho đến ngày thành Phật ! Cùng với niềm biết ơn vô vàn Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật đã mở ra con đường Tịnh Độ cho hàng chúng sinh nghiệp dày phước mỏng sớm thoát biển khổ sinh tử này, cùng với niềm biết ơn tất cả thầy tổ, ân sư đã dày công giáo hóa, cảm ân những vị trong ban hộ niệm đã hết lòng giúp sức để mẹ tôi có được như ngày hôm nay.

Nguyện cho tất cả mọi người sớm biết tỉnh ngộ, buông bỏ bám chấp nơi thế gian khổ đau này, nương theo lời Phật, tinh tấn tu hành mà sớm được như mẹ tôi, vãng sinh Cực Lạc, sớm viên thành Phật đạo.

Nam Mô A Di Đà Phật !

Quang Tử, viết lại theo lời kể của Thanh Thảo, con gái bà Đoàn Thị Thanh Loan.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Luận bàn hai chữ “Cuộc đời” trong bài kệ của Thiền sư Pháp Loa

Tư liệu 13:32 21/11/2024

“Cuộc đời của mỗi con người chỉ như một giấc chiêm bao – vô thường. Nếu không có hiểu biết, không tìm thấy cái ta chân thật, thì dù làm bao nhiêu việc cũng chỉ là làm mộng, bao nhiêu cái biết, cũng chỉ là cái biết hư vọng”.

Mối quan hệ giữa đời sống và việc tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông

Tư liệu 14:05 20/11/2024

Phật hoàng Trần Nhân Tông luôn nhấn mạnh quan niệm tiến bộ của Phật giáo Đại Việt rằng “Phật giáo là cuộc sống, không có sự cách li, phân biệt, bởi vì Phật giáo là gì nếu không phải đó là một quá trình đi tìm chân l‎ý.

Tiếc là con người chỉ có hai tay

Tư liệu 08:20 19/11/2024

Ngày xửa ngày xưa, có một cô gái đến tuổi gả chồng, có hai gia đình Đông gia và Tây gia cùng đến cầu thân.

Bay qua miền hạnh phúc

Tư liệu 17:30 18/11/2024

Phật pháp chính là diệu pháp, đã chắp cho tôi đôi cánh, giúp tôi bay lên cao, ra khỏi vực thẳm tuyệt vọng, đi đến miền hạnh phúc…Tôi xin cảm tạ Chư Phật Bồ Tát, cảm tạ tất cả những thiện hữu đã nhọc nhằn tâm lực, công sức vì tôi.

Xem thêm