Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ sáu, 15/07/2016, 14:42 PM

Bài dự thi sáng tác các tác phẩm về Đạo Hiếu: Bậc danh tăng chí hiếu

Đại sư Tông Diễn trở về vào hai ngày sau khi bà lão mất. Sư chậm rãi từng bước đi quanh quan tài bà cụ ba vòng. Đại chúng đang tụ tập trước am, ngạc nhiên từng cử chỉ lạ lùng của Thiền sư trụ trì chùa. Chẳng ai hiểu vì sao một vị Hòa thượng đạo cao đức trọng mà lại có thái độ thành kính khác thường đối với bà cụ không họ hàng thân thích. 

Thiền sư Tông Diễn đã báo hiếu mẹ theo duyên nghiệp với Phật Pháp như mình, tu học và không còn sát sinh hại vật như nghiệp sống đã gieo trước kia. Đạo hiếu không chỉ nằm ở chỗ lo cho cha mẹ no cơm ấm áo, mà còn phải giúp cho cha mẹ nhận rõ được con đường tu đạo, sớm tìm được giải thoát cho tâm hồn, đó mới là chí hiếu. 

Tọa lạc nơi giao nhau giữa phố Hàng Than và phố Hòe Nhai ở thủ đô Hà Nội có một ngôi cổ tự mang tên Hồng Phúc Tự (còn gọi là chùa Hòe Nhai), được công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia năm 1989. Chùa khởi dựng từ thời Lý, sang đến thời Hậu Lê nơi đây trở thành chốn tổ của Thiền phái Tào Động. Chùa từng là nơi trụ trì của nhiều bậc danh Tăng: thiền sư Tông Diễn thời nhà Hậu Lê; Hòa thượng Thích Đức Nhuận, Đệ nhất Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong thế kỷ 20. Chánh điện chùa hình chữ công, ngày nay hệ thống Tăng phòng, nhà Tổ, nhà khách, thư viện… bao bọc xung quanh khiến cho quy mô chùa càng bề thế. 

Độc đáo tượng “Vua sám hối Phật”
 
Chùa Hòe Nhai hiện còn lưu giữ được nhiều di vật cổ, trong đó phải kể đến đại hồng chung đúc năm Tự Đức thứ 17 (1864), khánh đồng cao 1m, rộng 1,5m đúc năm Long Đức thứ 3 (1734), nhiều sắc phong của các đời vua cho các danh tăng trụ trì, cùng nhiều tấm bia đá cổ. Trong đó, tấm bia dựng năm Chính Hòa thứ 24 (1703) do Tiến sĩ Hà Tông Mục soạn văn, ghi vị trí chùa ở tại Hòe Nhai tại Đông Bộ Đầu (nơi quân dân ta chiến thắng quân Nguyên vào năm 1258). Chùa bảo lưu được 68 pho tượng cổ tạo tác từ nhiều chất liệu như đồng hun, gỗ quý, đất nện. Trong đó, có pho tượng độc nhất vô nhị mang tên "Dĩ thân vi thăng sàng", được dân gian gọi là tượng “Vua sám hối Phật”, niên đại cuối thế kỷ 17. Tượng tọa lạc trên ban thờ phía bên trái chính điện, đăng đối với tượng Quan Âm tống tử. Đây là tác phẩm được tạc từ chất liệu gỗ cao 1,78m, tạo tác một nhà vua mặc triều phục đang trong tư thế cúi lạy và mang trên lưng một pho tượng Phật cao lớn ngồi trên tòa sen. Tượng Phật cao 1,52 m đặt trên một bệ rộng 0,84m. Phía dưới bệ là tượng vua quỳ cao 0,40m, chiều rộng hai chân vua 0,54m. Nét chạm đơn giản, mạch lạc thể hiện được thần thái riêng biệt của vua và Phật. Các nếp áo chảy dài, nhuần nhuyễn, chứng tỏ trình độ điêu luyện của nhà điêu khắc, mang đậm phong cách thời Hậu Lê. 
Pho tượng “Vua sám hối Phật”
Tương truyền, pho tượng diễn tả lại tích truyện vua Lê Hy Tông (1676 – 1680) thành tâm sám hối sau khi đã có những chính sách hạn chế Phật giáo, phế bỏ tăng lữ. Truyền rằng thời bấy giờ, Lê Hy Tông thi hành chính sách chống Phật giáo rất hà khắc.

Vào năm 1678 ông vua này đã ra lệnh cho các quan khắp nước, hễ thấy tăng, ni ở đâu đều đuổi hết về rừng núi. Một hôm, quan Đề Lĩnh gặp một nhà sư trên đường phố, bắt đem về dinh chất vấn: Lệnh Vua truyền tất cả tăng, ni đều phải vào ở trong rừng núi. Sao ông dám ngang nhiên đi lại ở nơi kinh kỳ, khinh thường pháp luật của Vua chăng? Nhà sư đó bày tỏ: “Mệnh lệnh của Vua, ai dám trái phạm. Tôi là kẻ tăng ở trong núi sâu, tên là Tông Diễn, được một viên ngọc quí, mang đến đây để dâng hiến nhà vua, xin ông tâu lên Vua cho tôi dâng ngọc, dâng xong tôi sẽ trở về núi”. Quan Đề lĩnh vào triều tâu Vua, lại được vua sai ra nhận ngọc. Đề lĩnh về gặp sư. Sư nói: Viên ngọc quí thiêng liêng vô giá, người ăn cá thịt hôi tanh không thể cầm giữ được, dám phiền ông trình lên nhà vua cho tự tay kẻ hèn này dâng lên thánh thượng. Quan Đề lĩnh vào tâu lại, nhà vua không bằng lòng. Sư than: “Mặt trời tuy sáng tỏ, không khỏi bị mây che. Mặt trăng dù rạng ngời, khó khỏi đám mây phủ”. Sư Tông Diễn trăn trở nghĩ suy, bèn viết một bài biểu, nói rõ lợi ích của việc tu hành làm yên nhà lợi nước một cách rành mạch rõ ràng.

Đạo Phật như là hòn ngọc quí soi sáng mười phương, xua tan mọi mây mờ u tối. Tại sao nhà vua đối với đạo Phật lại cho là vô dụng? Nếu ở núi rừng, dù thuyết pháp đá phải gật đầu, giảng kinh được hoa trời rơi loạn, cũng chẳng có lợi ích gì cho chúng sinh. Chỉ riêng tốt cho mình thì làm sao độ được muôn sinh linh trong bể khổ, thật uổng công vào cửa Phật, luống trôi qua một đời. Bởi vậy, tôi quyết tâm rời chốn sơn dã về kinh đô, mong cảnh tỉnh nhà vua, cứu vãn Phật pháp. Bài biểu cũng nói rằng nhà Lê (1428 - 1527) được trị vì lâu bền bởi nhờ sự độ trì của đức Phật… Viết xong, Sư để trong cái hộp đem dán kín cẩn mật. Rồi người lại cầu quan Đề lĩnh vào triều tâu lên Thánh thượng một lần nữa rằng: Xin nhà vua chọn lấy một ông quan văn trung trực thanh liêm, tắm gội và trai giới ba ngày, sẽ ra nhận ngọc quí dâng lên. Vua ưng chuẩn, cho một vị ở Hàn lâm viện thi hành. Vị quan kính cẩn nhận hộp ngọc từ tay nhà sư, vào triều dâng lên Vua. Vua mở xem chỉ thấy tờ biểu, không thấy viên ngọc nào, bèn lệnh cho vị quan đọc tờ biểu. Vua nghe biểu tâu, thấy lý lẽ rõ ràng, sự tình đầy đủ, lời văn sáng suốt, ý tứ thâm trầm, ngộ ra những sai lầm của mình.

Bấy giờ vua mới cho vời sư Tông Diễn vào triều cùng đàm đạo. Vua hỏi những sách lược trị dân, Sư ứng đối sự lý rất mạch lạc. Vua rất tâm đắc, phán: Đạo Phật là viên ngọc quí, chẳng lẽ trong nước chúng ta không dùng, Tăng Ni hay khuyên người làm thiện, tại sao lại vất bỏ đi? Người đem Phật pháp khai hóa dân chúng cũng là phương pháp tốt giúp cho triều đình trị dân. Vua bèn bãi bỏ lệnh cũ, cho tăng, ni ai nấy trở về chùa mình ở đâu tùy duyên giáo hóa.

Đồng thời, mời sư Tông Diễn ở lại chùa Báo Thiên, để vua thường xuyên cùng bàn luận đạo lý. Sư Tông Diễn được triều đình thỉnh diễn giảng kinh pháp, Vua và các quan dự nghe đều được thấu hiểu đạo lý, liền ban cho Sư được quyền ra vào nội cung để tuyên dương chánh pháp. Bấy giờ bà Quốc nhũ (mẹ vú của Vua) quê ở Hòe Nhai phát tâm cúng dường cho Sư tu sửa chùa Hồng Phúc, nay là chính là chùa Hòe Nhai. Từ đó, Thiền sư Tông Diễn trụ trì ở chùa Hồng Phúc, trở thành vị tổ truyền thừa của dòng thiền Tào Động. Sư thường tới lui giảng đạo cho vua chúa nghe. Vua Lê Hy Tông đã thấm nhuần đạo lý, thành tâm sám hối lỗi trước của mình, nên lệnh cho tạc hình Vua quì mọp cõng tượng Phật trên lưng để tỏ lòng thành sám hối, chính là pho tượng “Dĩ thân vi sàng” còn lại đến ngày nay. Tông Diễn trở thành bậc đại sư danh tiếng bậc nhất lúc bấy giờ. 

Cách báo kiếu kỳ lạ 
 
Thiền sư Tông Diễn (1640-1711) mô côi cha từ nhỏ, ở cùng mẹ trong căn nhà lá xiêu vẹo mục nát bên bờ ao. Người mẹ tảo tần mò cua bắt cá, buôn gánh bán bưng để nuôi con. Vào năm sư 12 tuổi, một hôm bà mẹ trước khi gánh hàng ra chợ bán, dặn con: Sáng nay mẹ bắt được mấy con cua, để trong giỏ treo nơi góc bếp. Con ở nhà nấu cơm trưa, giã cua nấu canh canh rau đay đợi mẹ về cùng ăn nhé. Gần trưa, theo lời mẹ dặn, cậu bé ra vườn hái rau đay, rồi vào trong bếp lấy giỏ cua xuống. Đổ cua ra chậu rửa, nhìn những đám bọt sùi trên thân cua, bất giác trong lòng cậu bé dềnh lên niềm thương cảm loài vật. Cua cũng biết khóc ư? Chúng sợ mình giết chúng đây mà, lẽ nào mình nỡ hại chúng? Cậu bé trút hết cua xuống ao cạnh nhà, không nấu món canh cua nữa. Trưa nắng gắt, người mẹ trẻ quẩy gánh hàng rong còn nặng trĩu trở về, mồ hôi vã ra ướt áo. Từ sáng tới giờ chưa có gì vào bụng, người mẹ đang đói cồn cào, giục con dọn cơm. Nhìn bát cà muối nằm chỏng chơ trên chiếc mâm tre, người mẹ ngạc nhiên hỏi: Con quên nấu canh cua à? Thằng bé ngập ngừng: Con không quên đâu mẹ ạ, nhưng lúc rửa cua định cho vào cối giã, thấy chúng khóc tội quá nên đã thả hết rồi. Người mẹ vừa ngạc nhiên, vừa uất nghẹn. Trời nóng quá nực, bán hàng vất vả mà vẫn ế ẩm, vừa mệt vừa đói, mong một bữa ăn cải thiện mà cũng vuột mất. Bà giận dữ: Đồ bất hiếu, xéo ngay khỏi nhà! Thuận tay, người mẹ cầm đòn gánh phang vào chân con. Thằng bé trúng đòn đau điếng, hoảng sợ chạy khỏi nhà. Người mẹ gục mặt vào cạnh bàn, đôi vai gầy guộc rung lên trong nỗi đau khổ xé lòng. Đến khi chợt tỉnh, gọi con, không nghe tiếng thưa, vội nháo nhác đi tìm. Nhưng tìm đâu thấy nữa. 
Tam quan chùa Hòe Nhai
Cậu bé trở thành trẻ lạc, được một nhà chùa cưu mang cho tu học. Lớn lên được theo học với đại sư Thông Giác và ngày càng đắc đạo. Học vấn uyên thâm của Ngài khiến từ vua đến các triều thần đương thời đều bái vọng. Dù đã trở thành đại sư, nhưng nỗi nhớ thương mẹ vẫn luôn canh cánh trong lòng suốt hơn bốn mươi năm. Làm sao sư Tông Diễn có thể yên lòng được khi chữ hiếu chưa đền.

Nhiều lần Ngài tìm về mái nhà tranh thân thương cạnh bờ ao rau muống, nay chỉ là mảnh đất cỏ dại. Không thấy mẹ, chẳng biết mẹ già đã phiêu bạt nơi đâu, hay đã ra người thiên cổ? Biết bao lần Ngài quảy gói đi khắp hang cùng ngõ hẻm để tìm mẹ mà chẳng thấy tin tức. Cho đến một ngày, Ngài lại tìm về làng xưa, gặp một bà cụ cô đơn, còm cõi, sống hiu quạnh nơi quán nước bên đường. Sư đã ở tuổi 50 ngồi nghỉ nơi quán nước, hỏi chuyện bà chủ quán: Bà cụ mở quán nầy lâu chưa? Bà già cho biết rằng chỉ mới mở quán vài năm nay. Rồi bà lão kể: Trước kia có một đứa con trai. Năm nó 12 tuổi, chỉ vì một chút bất hòa, nó đành đoạn bỏ con đi biệt tích. Tìm nó suốt 40 năm nay, sức mỏn hơi tàn nhưng cũng gắng sống chờ gặp lại nó. Rồi như mạch nước được khai thông, bà cụ bộc bạch hết mọi sự tình. Sư nhận ra mẹ nhưng Ngài không nói ra, mà nắm bàn tay nhăn nheo gầy guộc của mẹ. Ngài từ tốn hỏi: Cụ có muốn theo tôi về nương cửa Phật chăng? Bà lão mừng rỡ thốt lên: Được thế thì còn gì bằng? Nhưng con già yếu thế này, đâu thể làm công quả cho nhà chùa được ạ? Sư ôn tồn: “Bà cụ đừng lo. Người khỏe có việc của người khỏe, người già yếu khắc có việc cho người già. Bà cụ ở chùa, sớm hôm niệm Phật, biết đâu nhờ Phật độ trì mà sớm tìm gặp con mình”. 
 
Về chùa, Sư họp Tăng chúng hỏi ý kiến có thuận cho bà lão cô quả ấy ở chùa không. Toàn chúng đều động lòng từ bi đồng ý mời bà lão về chùa. Sư cho cất một am tranh gần chùa, rước bà lão về ở đây. Không ai biết bà là mẹ của Hòa thượng trụ trì, ngay cả bà cũng không ngờ mình đang sống cạnh người con yêu quý. Sáng nào Sư cũng đến thăm bà, hỏi han sức khỏe, nhắc bà niệm Phật. Việc công quả hàng ngày, Sư phân công bà nhặt hoa lá rụng trước am, khỏe làm mệt nghỉ. Bà cụ đã được an vui trong tuổi xế chiều, được thấm nhuần Phật pháp và đã chuyên tâm tu hành theo giáo lý nhà Phật.

Cho đến một ngày, bà cụ bỗng lên cơn sốt, đầu nhức mắt hoa, tay chân rũ liệt. Sư tận tình chăm sóc. Biết bà không sống được bao lâu, nhưng vì có phật sự phải đi vắng một tuần, sư đến am tranh ngồi với bà cụ rất lâu rồi gọi Tăng chúng đến dặn dò: “Nếu bà lão có mệnh hệ gì thì chúng Tăng nên để bà trong áo quan đừng đậy nắp, đợi tôi về sẽ đậy sau”. Hòa thượng đi rồi, đại chúng phân công nhau hàng ngày trợ niệm cho bà cụ. Bà thở yếu dần nhưng tai vẫn nghe, ý vẫn duyên theo từng tiếng niệm Phật. Bà thấy rõ đời mình quá nhiều đau khổ, chỉ đến khi gặp Hòa thượng, được nương nhờ cửa Phật, bà mới biết thế nào là hạnh phúc. Bốn hôm sau bà lão qua đời. Chư tăng tận tình tẩm liệm, đặt bà lão vào chiếc áo quan chưa đậy nắp, luôn có người bên cạnh hương khói tụng niệm suốt ngày đêm. 

Đại sư Tông Diễn trở về vào hai ngày sau khi bà lão mất. Sư chậm rãi từng bước đi quanh quan tài bà cụ ba vòng. Đại chúng đang tụ tập trước am, ngạc nhiên từng cử chỉ lạ lùng của Thiền sư trụ trì chùa. Chẳng ai hiểu vì sao một vị Hòa thượng đạo cao đức trọng mà lại có thái độ thành kính khác thường đối với bà cụ không họ hàng thân thích. Tiếng Sư vang lên làm mọi người giật mình lắng nghe: “Đức Phật từng dạy: Một người tu hành ngộ đạo cha mẹ sanh thiên, nếu lời ấy đúng thì xin cho quan tài bay lên hư không để chứng minh lời Phật”. Sư cầm tích trượng gõ ba cái, quan tài từ từ bay lên không, lơ lửng áp sát mái tranh, rồi hạ xuống. Bấy giờ, mọi người mới biết bà lão là mẹ của Sư. Mọi người đồng loạt quỳ xuống, chắp tay, ngẩng mặt nhìn lên trong một niềm kính ngưỡng tột cùng. Tâm hiếu của người con hòa lẫn trong tâm từ của một bậc chân tu đắc đạo, nở tung như đóa sen tỏa hương tinh khiết. Khi chiếc áo quan nhẹ nhàng trở về chỗ cũ, người ta thấy gương mặt bà cụ tươi nhuận rạng rỡ. 

Ngày nay, có người thắc mắc: vì sao đại sư Tông Diễn không chịu nhận mẹ khi bà còn sống để bà có được hạnh phúc "gặp lại con" mà phải đợi đến lúc mẹ mất mới công khai nhận mẹ? Vì sao Đại sư phải nói dối với mọi người mẹ mình là "bà lão nghèo không nơi nương tựa”, ngài mời về chùa để chấp tác làm công quả? Lẽ nào là sư thì không được phép cho mẹ mình ở chùa làm công quả? Thật ra, khi tìm gặp lại được mẹ, sư muốn ôm chầm ngay lấy mẹ. Thế nhưng trí tuệ và lòng từ của một bậc chân tu đã giúp ngài kìm nén. Ngài muốn độ mẹ hiền qua biển khổ sinh tử. Nếu Sư nhận mẹ ngay, đưa mẹ về chùa phụng dưỡng, thì tình cảm mẹ con sẽ khiến bà sinh tâm chiếm hữu, ỷ lại và khinh mạn đối với chư Tăng. Mẹ vẫn còn tâm chúng sinh với đủ tật tham, sân, si sao khỏi tổn phước. Như thế thương mẹ mà vô tình làm hại mẹ. Làm thế nào để trọn vẹn chữ hiếu. Sư Tông Diễn muốn gần gũi chăm sóc mẹ, hướng dẫn mẹ tu hành theo chánh pháp, mà mẹ không tổn phước khi sử dụng của tín thí đàn na. 

Trong lịch sử Phật giáo thế giới và Việt Nam, có rất nhiều câu chuyện về chữ hiếu của các bậc danh tăng được người đời ngợi ca. Mỗi người báo hiếu một cách khác nhau. Phần lớn các vị đại sư báo hiếu bằng cách phụng dưỡng mẹ, chăm sóc mẹ: Thiền sư Đại An đan áo nuôi mẹ, Thiền sư Thông Biện sau khi tu hành đắc đạo liền tìm mẹ mà báo hiếu, Thiền sư Liễu Quán kiếm củi đổi gạo nuôi cha già suốt đời… Nhiều thiền sư báo hiếu bằng cách cầu nguyện phước lành cho cha mẹ, như Hư Không Đại sư về núi Phổ Đà mỗi bước đi là mỗi lạy nguyện cầu cho mẹ.

Ngài Mục Kiền Liên khi thấy mẹ bị sinh vào cõi Ngạ quỷ, làm quỷ đói. Cứu mẹ không được, Ngài nghe lời Phật dạy, thỉnh chư Tăng cầu nguyện cho mẹ Ngài chuyển khỏi kiếp ngạ quỷ. Nếu như cách báo hiếu của Mục Kiền Liên nhờ những người khác cầu nguyện để cứu mẹ. Riêng thiền sư Tông Diễn không nhờ ai cầu nguyện, mà đã chọn cách báo hiếu là huớng mẹ theo duyên nghiệp với Phật pháp như mình, tu học và không còn sát sinh hại vật như nghiệp sống đã gieo trước kia. Tích chuyện báo hiếu của thiền sư Tông Diễn hàm ý nói rằng: đạo hiếu không chỉ nằm ở chỗ lo cho cha mẹ no cơm ấm áo, mà còn phải giúp cho cha mẹ nhận rõ được con đường tu đạo, sớm tìm được giải thoát cho tâm hồn, đó mới là chí hiếu. 

Chu Minh Khôi
-
Thời báo Kinh tế Việt Nam, 98 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội
 
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm