Bạn nên thiền khi nào và ở đâu?
Có ba phương pháp thiền chính giúp đưa chúng ta trở về với tinh túy của tâm và thân một cách cân bằng, giúp tâm thoát khỏi những vọng niệm thường xuyên, liên tục và giúp chúng ta quán sát, suy ngẫm mình thực sự là ai và mục đích cuộc sống của mình là gì:
- Thiền định
- Thiền quán
- Thiền chỉ
Nếu bạn chỉ thuần túy muốn thực hành thiền để đối trị một cách hiệu quả với căng thẳng thì pháp thiền đầu tiên rất hữu hiệu. Trong bài tập Quán niệm hơi thở hàng ngày, chúng ta tập trung toàn bộ ý thức và sự chú tâm vào hơi thở, điều đó khiến tâm được thư giãn. Rất nhiều người thường chẳng để cho tâm có giây phút nghỉ ngơi. Nếu bạn luôn sống trong hy vọng và lo sợ - đó là hy vọng đến từ những mong muốn, trông đợi và nỗi lo sợ đến từ những thất vọng – thì bạn sẽ không bao giờ được thư giãn, nghỉ ngơi.
Bằng phương pháp thiền quán và những bài thực hành về tâm, chúng ta dùng chính sự chú tâm có được từ thực hành thiền định để soi chiếu tâm. Chúng ta đào sâu hơn, quán sát cuộc sống cùng những suy nghĩ và hành vi với mục đích tìm hiểu rõ hơn về bản thân, đồng thời nhắc nhở bản thân về những gì ta đang có ngay trong phút giây hiện tại để biết trân trọng, tri ân. Chúng ta cũng dần làm quen và chấp nhận vì hiểu rằng không có điều gì trên đời này là cố định, bất biến, rằng, bất cứ thứ gì, kể cả những cảm xúc cũng như cách chúng ta nhìn nhận thế giới, đều vô thường. Bằng cách này, chúng ta trở nên linh hoạt, cởi mở và thích nghi nhanh hơn với hoàn cảnh và những đổi thay. Chúng ta không vờ như không hề có khổ đau trong cuộc đời này, nhưng biết nhìn nhận để hiểu rằng tâm ta chính là cội nguồn của cả khổ đau và hạnh phúc.
Mục đích của những phương pháp thiền này là nhằm phá bỏ bức tường rào vọng tưởng và những định kiến mà chúng ta đã xây nên từ bao lâu nay. Làm được như vậy, chúng ta sẽ ít bám chấp vào những xúc tình của bản thân và cách chúng ta nhìn nhận cuộc sống và thế giới này cũng trở nên linh hoạt hơn. Chúng ta quán chiếu mọi hành động, lời nói và ý nghĩ của bản thân và hiểu rằng tất cả những yếu tố này đều là nguyên nhân ảnh hưởng tới đời sống của chúng ta cũng như những người sống quanh ta.
Thiền chỉ giúp chúng ta lắng tâm và tập trung toàn bộ sự chú ý vào một đối tượng hoặc một âm thanh như tiếng gió chẳng hạn. Cách này giúp chúng ta vượt qua những danh xưng, nhãn mác thông thường và đi vào bản chất, cốt tuỷ của đối tượng. Chỉ trong vài phút, chúng ta ngừng bặt những vọng tưởng triền miên do tâm phóng chiếu không ngừng gắn nhãn mác, khái niệm vào tất cả những gì ta thấy, nghe, cảm nhận. Chúng ta để cho mọi xúc tình đến và đi một cách tự nhiên, không chấp nhận cũng không chối bỏ - chỉ đơn giản để mọi thứ diễn ra tự nhiên trong một khoảng thời gian.
Thiền khi nào?
Theo tôi, bạn nên thực hành vào buổi sáng vì cuộc sống luôn là một chuỗi tiếp nối các sự kiện và như vậy, chúng ta có thể tạo ảnh hưởng tích cực cho cả một ngày nếu biết khởi đầu buổi sáng bằng cách quán sát những gì mình cảm nhận và trông đợi trong ngày. Đầu tiên, hãy dành mười phút mỗi ngày, sau khoảng ba, bốn tháng, bạn có thể tăng thời gian thực hành thiền lên hai mươi phút hoặc thậm chí nửa tiếng. Ngay cả khi đó, bạn cũng thường nên thực hành những thời khóa thiền ngắn xen kẽ với xả thiền, thay vì thực hành liên tục.
Một vài người thích ngồi yên lặng để thiền định hoặc quán chiếu, trong khi một số khác lại thích thực hành những bài tập tỉnh giác liên quan tới thân thể như yoga hoặc đi bộ. Nếu mục đích đơn giản là thả lỏng tâm, một số người sẽ cảm thấy nhàm chán và khó chịu khi phải ngồi yên một chỗ, vì thực ra họ thích những hình thức năng động hơn như ca hát hay khám phá nội tâm thông qua những bức tranh, hình ảnh. Bạn hãy tìm ra phương pháp phù hợp nhất đối với bản thân, dù sao, bạn vẫn nên dành cho mình cơ hội để thực hành phương pháp ngồi thiền tĩnh lặng. Trong thế giới ồn ào, điên đảo này, gần như khó có chỗ cho sự tĩnh lặng. Nếu bạn có thể dành cho mình những thời khắc yên tĩnh mỗi ngày, chắc chắn thế giới môi trường xung quanh cũng sẽ được lợi lạc.
Thiền ở đâu?
Sẽ là lý tưởng nếu bạn có thể thực hành thiền định ở một vị trí cao ráo, sáng sủa, nơi tầm nhìn không bị hạn chế. Tuy nhiên, nếu bạn không thể tìm được một nơi như vậy, điều quan trọng là nơi bạn lựa chọn để thực hành phải đem lại cho bạn cảm giác sáng sủa, rộng mở vì chính ngoại cảnh đó cũng sẽ khiến tâm bạn dễ dàng cởi mở và trở nên khoáng đạt. Nếu bạn có thể nhìn thấy bầu trời thì sẽ rất lợi ích. Đạo Phật có một phương pháp thiền định mà mục đích là hoà nhập với không gian bao la, bởi vì khi đó chúng ta sẽ thấy mọi vấn đề của bản thân thật nhỏ bé, không đáng kể. Tương tự như vậy, một vị trí cao hay một nơi nhiều không gian và ánh sáng cũng giúp tạo nên một tầm nhìn khoáng đạt.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Vì sao Đức Phật không cứu độ hết chúng sinh thoát khỏi khổ đau?
Kiến thức 20:09 02/11/2024Phật không thể chuyển được nghiệp của chúng sinh, mà chỉ có thể từ bi chỉ dạy chúng sinh tự mình nỗ lực để thay đổi cuộc đời của mình.
Lục hòa: Sáu pháp sống chung hòa hợp
Kiến thức 14:50 02/11/2024Đây là phép sống chung hòa hợp để tu tập hướng đến giải thoát giác ngộ. Người tu hành mà không học tập sống chung cùng đại chúng một cách hòa hợp thì khó mà tu tập thăng tiến.
Thứ lớp quả vị của Bồ tát Thập địa
Kiến thức 13:29 02/11/2024Nhờ có trí tuệ thấy rõ khổ đau và thực hành Bát chính đạo cùng giáo lý Trung đạo, hành giả phát khởi Bồ đề tâm, hành trì Lục độ Ba la mật để dần đạt các cấp độ thành tựu trên con đường Giác ngộ.
Nói về Tứ niệm xứ
Kiến thức 10:40 02/11/2024Học, hiểu và tu tập Tứ niệm xứ là rất cần thiết dù tu sĩ hay cư sĩ giúp ta sống chất lượng, sâu sắc ý nghĩa, thanh tịnh thân tâm, thành tựu đinh lực trí tuệ hướng đến an vui giác ngộ giải thoát hoàn toàn ra khỏi mọi nỗi khổ niềm đau.
Xem thêm