Bất biến và tùy duyên
Đức Phật dạy chúng ta tu hành phải có hạnh tùy duyên, nhưng giữ phần bất biến bên trong mới quan trọng. Vì mất phần bất biến, là mất lập trường của đệ tử Phật, chúng ta cũng khổ đau giống y như chúng sanh.
Biểu tượng nhành dương liễu với ý nghĩa giáo lý tùy duyên bất biến
Chúng sanh bị duyên trần lôi kéo, khiến họ trôi lăn trong sanh tử, vì họ không có tư chất bất biến, nên không quan hệ được với Phật mười phương.
Hành giả Pháp Hoa thể hiện hạnh tùy duyên để gần gũi chúng sanh, đồng thời trụ ở bất biến để giữ được sự hộ niệm của chư Phật. Riêng bản thân tôi, ngay trong hiện đời, cũng có kinh nghiệm về vấn đề này. Hễ quên bất biến, tức rời bản tâm, liền rớt vô sanh tử,khổ đau. Chúng ta thấy rõ chư Phật, Bồ tát luôn luôn an trụ ở bản tâm thanh tịnh. Vì vậy, đối với các Ngài, khó khăn tự biến mất. Còn chúng ta chạy theo duyên trần, tìm cách giải quyết việc khó theo kinh nghiệm khôn dại của thế gian, thì càng chồng chất khổ đau. Cố gắng nhiều, nhưng sai lầm, phải thọ quả báo. Hành đạo mà cảm thấy khó, khổ là biết đã rời bản tâm, vào sanh tử, không giáo hóa chúng sanh được nữa.
Tôi nhắc đại chúng ý nghĩa của bất biến và tùy duyên và cái nào cần đi trước ? Đương nhiên phải bất biến trước, vì chưa bất biến mà tùy duyên thì không tránh khỏi khổ đau sanh tử. Tu hành phải đạt được bất biến, nhưng từ bất biến, chúng ta ứng vạn biến, tức tùy duyên. Không phải bất biến là chấp pháp. Chấp pháp thì nghĩ rằng phải thế này hay thế kia, không thích ứng được với người, với hoàn cảnh, công việc, phải thất bại.
Để tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến
Vua Lý Thánh Tông tiếp nhận được tinh thần bất biến để ứng vạn biến. Thật vậy, trước đó, truyền thống Phật giáo sinh hoạt với hai phái Thiền Vô Ngôn Thông và Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Nhưng đến thời kỳ của vị vua này, lại xuất hiện dòng Thiền Thảo Đường mới ứng vạn biến được, để đem lại sự thanh bình và an lạc cho đất nước.
Trên bước đường tu, ta đi tận cùng nguồn tâm để đạt đến tâm như như bất động, mới ứng được vạn biến. Chưa đi tột cùng nguồn tâm, chưa quét sạch phiền não, mà tùy duyên là rơi vô thủ đoạn của con người, thì nay thành công, mai thất bại, không phải Phật đạo.
Chỉ phát xuất từ nguồn tâm hay chơn tánh, mới có bất biến, vì đó là căn bản của sự vật. Ngài Trí Giả gọi là ngũ ấm thế gian, tức nguyên thể của sự vật trước khi vật sanh ra.
Trước khi sanh trên cuộc đời, mang thân tứ đại, ta là gì ? Phải truy nguyên được cội nguồn này. Nói cho dễ hiểu, ta nhớ xem đời trước, ta là gì. Truy nguyên từ một đời đến ba đời, cho đến nhiều đời và đi cùng tột, mới thấy được bất biến là nguyên thể hay bản thể sự vật.
Trên bước đường tu, 20 năm đầu, tôi không bận tâm phải trái hơn thua, vì biết rằng bỏ mặc tác động bên ngoài, thì chúng ta xa rời được quốc độ và chúng sanh, lần vào được ngũ ấm.
Còn kẹt việc trước mắt, tức còn nằm trong diễn biến của sự vật, không bao giờ đạt được bất biến. Chùa này trăm năm trước không có, nhưng từ không, các cô lại tạo thành có chùa và ai biết được, trăm ngàn năm sau, nó sẽ thành gì. Có không, không có, nghèo giàu, già trẻ, sang hèn, đẹp xấu… là những cái bình thường nằm trong sự biến hóa không cùng mà người tu không bận tâm. Thiên hạ nói gì, ta chấp nhận cho yên, cãi chi cho vô ích. Chúng sanh ở trong sanh tử hơn thua, tranh chấp với nhau về những việc này từ bao đời, nên ngày nay mới ra nông nổi như vậy. Chúng ta ý thức sâu sắc khổ đau này, nên tự cắt bỏ những thứ tầm thường nằm trong vòng biến đổi và tùy duyên tu hành để đi lần về bất biến.
50 chân lý bất biến của cuộc đời
Trên bước đường tu, chúng ta thấy rõ vọng tâm luôn thay đổi theo hoàn cảnh mà ta tiếp xúc. Và nhận thức của ta cũng theo đây thay đổi, tốt thì ta thích, trái thì bực. Đó là vọng thức, nó càng sanh ra, càng đẩy ta cách xa chơn tán và gần chúng ma. Khổ nhất là chúng ta nhân danh Phật, nhưng sống với ma, là phạm tội phá pháp.
Phật nhắc nhở chúng ta không nên quan tâm phải trái hơn thua, thứ này ta đã làm nhiều đời rồi mà nay quên mất lại tiếp tục nữa. Ngài kể lại câu chuyện tiền thân, nhiều đời trước Đề Bà Đạt Đa đã từng chống phá Ngài, không phải mới chống nhau trong hiện đời. Ở kiếp xa xưa, khi tiền thân Phật là con rệp và Đề Bà Đạt Đa làm con bọ chét. Con bọ chét đó đã từng phá hại con rệp kịch liệt, quả thật là điên khùng !
Đức Phật quan sát cùng tột quá khứ, chứng được túc mạng minh, nghĩa là Ngài trở về tận nguồn, biết rõ từ quá khứ đến hiện tại. Ngài biết luôn diễn biến tâm hay thủ đoạn của người chống đối ra sao, nên họ có làm gì cũng ở trong tầm giám sát của Phật, làm sao hại được Ngài.
Bước theo dấu chân Phật, chúng ta cũng phải nhận ra ý này. Tất cả việc xảy ra, ta coi như cọ xát, mài mòn cho phiền não tiêu, để đạt bất biến. Đầu tiên, chúng ta phá bỏ chúng sanh, không để ai làm bận tâm, là đạt được bất biến đối với chúng sanh. Cố gắng luyện tập, sống gần gũi người, nhưng người không tác động chúng ta, giữ cho tâm ta như như bất động là trở về nguồn.
Ý thức pháp này, khi tôi giận ông đạo sai trái, muốn rầy, thì tự nghĩ mình đã xa nguồn tâm, đã khởi phiền não. Và còn rầy mắng nữa là tạo thêm ác nghiệp, mai kia thọ quả báo, nên vội vàng cắt bỏ, để tâm nhẹ nhàng, trở về nguồn. Chúng sanh nghiệp là của chúng sanh, mình cưu mang làm chi, nên xả bỏ cho tâm hồn thanh thản. Tu như vậy, chúng sanh nghiệp, chúng sanh phiền não đối với mình tự mất.
Chúng sanh không phải là chúng sanh mới thực là chúng sanh. Thực hiện được như vậy mới không bị chúng sanh tác động. Nếu không, mình nói rằng người đó ác xấu. Ai ác xấu, tính sau, còn trước mắt rõ ràng là lòng chúng ta ác, niệm ta ác. Phật dạy chúng ta quán sát chúng sanh trở thành phi chúng sanh, thì không còn đối thủ của ta nữa, không ai gây buồn giận cho ta. Từng bước tâm chúng ta biến đổi, nên chúng sanh cũng biến đổi theo, trong khi thật sự cũng vẫn là họ, không ai khác. Biết thì họ tốt, không biết thì họ xấu với ta.
Chúng sanh tạo nên quốc độ. Mà chúng sanh thì có phiền não và nghiệp, nên quốc độ cũng theo đó biến động. Thế giới Phật mười phương đều thanh tịnh, vì tạo bằng công đức, phước báo, thiện nghiệp. Đức Phật dạy chánh báo thế nào, y báo như vậy. Chúng sanh cõi trời tạo nên thiên đường bằng 10 điều lành. Địa ngục khổ đau do chúng sanh tạo bằng 10 điều ác. Thế giới loài người là thế giới trung bình, có đủ ác thiện. Hiểu rõ sự hình thành quốc độ tùy thuộc ở chúng sanh, chúng sanh nghiệp, chúng sanh phiền não, muốn thế giới tốt đẹp, tất yếu phải tu thiệp nghiệp.
Bồ tát trở về nguồn, đạt được bất biến rồi, từ đó quán sát tùy duyên, tạo điều kiện cho người tu, không tạo điều kiện tốt cho họ hưởng thụ, gọi đó là phương tiện độ đời. Dưới mắt Bồ tát, tất cả đều là ảo hóa. Nhưng Bồ tát tùy duyên, tạo ra mọi ảo hóa tốt xấu, thiện ác. Nói chung Bồ tát làm mọi việc đều nhằm mục tiêu giúp người trồng căn lành, phát tâm bồ đề, nghĩ đến việc thành Phật của họ trong tương lai. Nếu không đạt được mục tiêu ấy, coi như việc làm mất trắng và nếu làm cho người phiền não, thối tâm thì tội càng lớn nữa.
Tất cả Bồ tát giáo hóa chúng sanh đều nhằm làm cho họ hiểu, thương mến mình và sống trong pháp Phật. Muốn vậy, Bồ tát khai ra phương tiện là bảo vệ sự sống cho mọi hàm linh. Không phải đẩy họ vào chỗ chết, họ hận muôn đời. Thực tế, tôi thấy tình trạng sai lầm, một số thầy cô bắt người công quả quá sức, khiến họ chán nản, bỏ tu, là phạm tội nặng. Bồ tát đắc đạo coi thân này như huyễn mộng, nếu cần, các Ngài sẵn sàng hy sinh thân mạng để người phát tâm, không bao giờ bắt chúng sanh hy sinh cho mình.
Bảo vệ sự sống cho mọi loài, không làm cho người khổ, phiền muộn. Ngoài ra, hành giả còn chuyên tâm tu tập Thiền quán, tức giữ tâm yên tĩnh, đừng để phiền não tác hại và quán sát thấy được sự thật của ngũ ấm, chúng sanh, quốc độ, để từ đó giúp người thoát khỏi vọng tưởng điên đảo, thâm nhập Phật đạo.
Được như vậy, tâm hành giả bừng sáng thì có Pháp Hoa, bốn biển là nhà, thân trùm pháp giới. Đến đâu cũng là nhà ta, quyến thuộc ta, tình thương bao la chan hòa tất cả. Từ đó, hành giả mới ứng vạn biến, đến mỗi nơi có cách giáo hóa thích hợp, khác nhau, khiến cho người phát tâm bồ đề, thương Phật, sống trong pháp Phật, làm cho đạo pháp cửu trụ Ta Bà, lợi lạc quần sanh.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Chép hồng danh Phật sẽ có công đức lớn
Kiến thức 10:57 12/12/2024Chép hồng danh Phật hay chép Nam mô A Di Đà Phật là một trong những phương pháp tiêu nghiệp và giúp tăng phước.
Ngày vía Phật A Di Đà là ngày nào?
Kiến thức 09:11 11/12/2024Ngày vía Phật A Di Đà là ngày tưởng nhớ Đức Phật A Di Đà, tác lễ tri ân công đức mà Ngài đã dày công tạo lập Thế giới cực lạc. Hằng năm ngày vía Phật A Di Đà được tổ chức vào ngày 17/11 âm lịch.
Vì sao ngày 17/11 âm lịch hằng năm là ngày vía Phật A Di Đà?
Kiến thức 08:00 11/12/2024Những hành giả tông Tịnh Độ hiện nay gần như ai cũng biết và tham gia lễ kỷ niệm vía Phật A Di Đà đản sanh vào ngày 17 tháng 11 âm lịch hàng năm. Tuy nhiên, trong các kinh văn có đề cập đến lịch sử Phật A Di Đà thì tuyệt nhiên không thấy nói chính xác ngày Đản sanh của Ngài.
Trước khi tụng Kinh, trì chú, nên đọc nghi thức như thế nào?
Kiến thức 09:15 04/12/2024Thực ra mỗi tông môn, thậm chí mỗi chùa sẽ có cách thức khác nhau, nên Nghi thức sau chỉ mang tính tham khảo. Đạo hữu nào thấy phù hợp có thể áp dụng, xong bạn cần hiểu đây không phải quy định bắt buộc, thậm chí không có nghi thức khai Kinh chú thì vẫn cứ trì tụng không vấn đề gì.
Xem thêm