Bát chánh đạo: Tám thánh pháp đưa đến giác ngộ
Là Phật tử dù xuất gia hay cư sĩ cũng nên học hỏi, tư duy, thực hành Bát chánh đạo trong đời sống hàng ngày. Người học Phật mà không hiểu chưa thực hành Bát chánh đạo trong đời sống thì thật đáng tiếc.
Ai có phước duyên học, hiểu và thực hành đúng theo Tám thánh đạo, sẽ từng bước chuyển hóa tâm ý, đạt được trí tuệ, định lực, thành tựu an lạc, giác ngộ giải thoát, sống đời an vui hạnh phúc bền vững cho bản thân, gia đình và giúp đỡ được những người xung quanh mình. Cho nên là Phật tử dù xuất gia hay cư sĩ cũng nên học hỏi, tư duy, thực hành Bát chánh đạo trong đời sống hàng ngày. Người học Phật mà không hiểu chưa thực hành Bát chánh đạo trong đời sống thì thật đáng tiếc.
Bát chánh đạo, chữ hán 八正道 (Pali: ariya aṭṭhaṅgika magga; Sanskrit: āryāṣṭāṅgamārga).
Còn gọi Bát thánh đạo, Bát giác đạo là con đường của tám phương pháp tu tập quan trọng bậc nhất trong Phật giáo đưa đến sự giác ngộ giải thoát khỏi vòng luân hồi khổ đau phiền não.
Bát chánh đạo là phần thứ 7 trong 7 phần - 37 phẩm bồ đề, cũng là nội dung quan trọng nhất của giáo lý Phật giáo.
Bát chánh đạo được đề cập đến nhiều trong Nikaya, A Hàm và cả các kinh Đại thừa như Đại Bát nhã, Đại Niết bàn...
Theo Kinh Chuyển pháp luân - bài kinh đầu tiên đức Phật dạy cho nhóm Kiều Trần Như 5 người tại vườn Lộc Uyển về con đường Trung đạo, tránh xa hai cực đoan, cũng chính là Bát chánh đạo.
Bát chánh đạo là đuốc sáng soi đường
Trong kinh Đại niệm xứ thuộc Trường bộ, đức Phật dạy:
Này các đệ tử, thế nào là Khổ diệt đạo Thánh đế. Đó là bát chi Thánh đạo, tức là Chánh tri kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định.
Này các đệ tử, thế nào là Chánh tri kiến? Này các Tỳ kheo, tri kiến (hiểu biết đúng) về Khổ, tri kiến về Khổ tập, tri kiến về Khổ diệt, tri kiến về Khổ diệt đạo. Như vậy gọi là Chánh tri kiến. (Hiểu biết đúng đắn).
Nói đơn giản là hiểu đúng về Tứ diệu đế, hiểu như thật về khổ và con đường diệt khổ là chánh kiến. Rộng ra hiểu biết đúng như thật về mọi thứ không sai lầm là chánh kiến.
Phật giáo Nam truyền lúc giảng Bát chánh đạo hay cảnh giác khi học tu lệch lạc dễ rơi vào Bát tà đạo. Ví dụ tu tập không có các bậc thầy đạo hạnh hướng dẫn, dễ lạc vào tà kiến cố chấp, rất nguy hại.
Đức Phật dạy tiếp: Này các đệ tử, thế nào là Chánh tư duy? Tư duy (suy nghĩ đúng) về ly dục (xa lìa tham dục), tư duy về vô sân (không giận dữ), tư duy về bất hại (không tổn hại bất kỳ ai). Này các tỳ kheo, như vậy gọi là Chánh tư duy (Suy nghĩ chân chánh).
Này các đệ tử, thế nào là Chánh ngữ? Tự chế không nói dối, tự chế không nói hai lưỡi, tự chế không ác khẩu, tự chế không nói lời phù phiếm. Như vậy gọi là Chánh ngữ (Lời nói chân chánh)
Này các đệ tử, thế nào là Chánh nghiệp? Tự chế không sát sanh, tự chế không trộm cướp, tự chế không tà dâm. Này các Tỳ kheo, như vậy gọi là Chánh nghiệp (Hành động chân chánh).
Này các đệ tử, thế nào là Chánh mạng? Này các Tỳ kheo, ở đây vị Thánh đệ tử từ bỏ tà mạng, sinh sống bằng công việc lương thiện chính đáng, như vậy gọi là Chánh mạng. (Nghề nghiệp chân chánh).
Này các đệ tử, và thế nào là Chánh tinh tấn? Ở đây Tỳ kheo, đối với các ác, bất thiện, pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn không cho sanh khởi, vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí. Đối với các ác, bất thiện pháp đã sanh, khởi lên ý muốn trừ diệt, vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí. Đối với các thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn khiến cho sanh khởi, vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí. Đối với các thiện pháp đã sanh, khởi lên ý muốn khiến cho an trú, không cho băng hoại, khiến cho tăng trưởng, phát triển, viên mãn. Vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí. Này các Tỳ kheo, như vậy gọi là Chánh tinh tấn. (Siêng năng chân chánh).
Này các đệ tử, thế nào là Chánh niệm? Này các Tỳ kheo, ở đây vị Tỳ kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời, quán thọ trên các thọ; quán tâm trên tâm;quán pháp trên các pháp, tinh cần tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời. Này các Tỳ kheo, như vậy gọi là Chánh niệm. (Nghĩ nhớ chân chánh).
Này các đệ tử, thế nào là Chánh định? Này các Tỳ kheo, ở đây Tỳ kheo ly dục, ly ác bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm, với tứ. Tỳ kheo ấy diệt tầm, diệt tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Tỳ kheo ấy ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba. Tỳ kheo ấy xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này các Tỳ kheo, như vậy gọi là Chánh định. (Thiền định chân chánh).
Này các đệ tử, như vậy gọi là Khổ diệt đạo thánh đế.
Qua đó cho thấy, ai học hiểu, thực hành đúng theo tám thánh đạo thì sẽ thành tựu giới định tuệ, vượt thoát mọi nỗi khổ niềm đau trong sanh tử luân hồi.
Tu tập Bát chánh đạo cũng chính là thực hành giới định tuệ. Chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng là giới; Chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định là định; Chánh kiến, chánh tư duy là tuệ.
Những người Phật tử từng đi chùa lễ Phật, nghe pháp, tụng kinh, khi nghe nói Bát chánh đạo không khỏi cho rằng quá quen thuộc, ai cũng biết, nhưng thật ra số người hiểu đúng, thực hành được, áp dụng hiệu quả trong đời sống thực tế thì có lẽ không nhiều lắm.
Tám yếu tố của Bát chánh đạo có mối quan hệ hỗ tương mật thiết, tương tức giúp hành giả thăng tiến trí tuệ tâm linh, thành tựu giác ngộ giải thoát Niết bàn.
Đạo bát chánh
Kiến, tư duy
Ngữ, nghiệp, mạng
Tinh tấn, niệm, định
Con đường Trung đạo
Chân hạnh phúc.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Chép hồng danh Phật sẽ có công đức lớn
Kiến thức 10:57 12/12/2024Chép hồng danh Phật hay chép Nam mô A Di Đà Phật là một trong những phương pháp tiêu nghiệp và giúp tăng phước.
Ngày vía Phật A Di Đà là ngày nào?
Kiến thức 09:11 11/12/2024Ngày vía Phật A Di Đà là ngày tưởng nhớ Đức Phật A Di Đà, tác lễ tri ân công đức mà Ngài đã dày công tạo lập Thế giới cực lạc. Hằng năm ngày vía Phật A Di Đà được tổ chức vào ngày 17/11 âm lịch.
Vì sao ngày 17/11 âm lịch hằng năm là ngày vía Phật A Di Đà?
Kiến thức 08:00 11/12/2024Những hành giả tông Tịnh Độ hiện nay gần như ai cũng biết và tham gia lễ kỷ niệm vía Phật A Di Đà đản sanh vào ngày 17 tháng 11 âm lịch hàng năm. Tuy nhiên, trong các kinh văn có đề cập đến lịch sử Phật A Di Đà thì tuyệt nhiên không thấy nói chính xác ngày Đản sanh của Ngài.
Trước khi tụng Kinh, trì chú, nên đọc nghi thức như thế nào?
Kiến thức 09:15 04/12/2024Thực ra mỗi tông môn, thậm chí mỗi chùa sẽ có cách thức khác nhau, nên Nghi thức sau chỉ mang tính tham khảo. Đạo hữu nào thấy phù hợp có thể áp dụng, xong bạn cần hiểu đây không phải quy định bắt buộc, thậm chí không có nghi thức khai Kinh chú thì vẫn cứ trì tụng không vấn đề gì.
Xem thêm