Thứ ba, 27/06/2023, 08:47 AM

Suy nghiệm về Bát chánh đạo ứng dụng vào cuộc sống hiện đại

Khi dung nạp những nội dung có giá trị ta mới có nguyên liệu để hình thành Chánh kiến. Một tâm trí khoẻ mạnh, rỗng rang, thoáng sạch mới có thể nhìn nhận sự việc thấu đáo, làm nền móng cho nhận thức suy nghĩ đúng đắn, còn gọi là Chánh tư duy.

Bài 1: Chánh Kiến 

Sự dung nạp và chuyển hoá thông tin trong thời đại truyền thông

Thầy Thích Nhất Hạnh từng nói, thông tin truyền thông cũng như thức ăn chúng ta tiếp nhận, ví cảnh vật là thức ăn của mắt, mùi hương là thức ăn của mũi, thanh âm là thức ăn của tai hay thực phẩm là thức ăn của miệng - lượng thông tin chúng ta tiếp thu vào não bộ là thức ăn của tâm thức. Thời đại mà chỉ lướt 1 clip vàichục giây cũng biết được chuyện trời tây trời ta, tôi có cảm tưởng chúng ta đang bị béo phì nội dung; rối loạn truyền thông, do ta nạp nhiều thông tin quá, nhưng tiếp nhận một cách rất thụ động và thiếu chọn lọc khiến tâm trí không kịp biến đổi thành dinh dưỡng cho tâm hồn. Điều này gây ra nhiều vấn đề trong cách chúng ta nhận thức, suy nghĩ, thậm chí thay đổi cả thế giới quan, nhân sinh quan và giá trị quan của một cá nhân. Nói cách khác, sự dung nạp và chuyển hoá thông tin sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát khởi và hình thành Chánh kiến của một người.  

Vì sao ví em bé như tờ giấy trắng? Bước vào thế giới với ánh mắt tinh khôi, bé nhỏ chưa có cơ sở hay dữ liệu để phán xét, phân biệt, thành kiến với chuyện gì trong thế giới quan của bé. Khi người lớn chúng ta chỉ dạy, cho con đi học, dần dà tâm hồn được nuôi dưỡng, tích luỹ dưỡng chất cho nội tâm phát triển. Dinh dưỡng tâm hồn của các bé giai đoạn này là lời ba mẹ ông bà thầy cô dạy bảo, những bài học cơ bản về tình cảm gia đình, những nhận thức ban sơ về thế giới, xã hội, muôn loài…Xung quanh các em đều là bạn: bạn thỏ, bạn cá vàng, bạn xe xúc… đơn giản ngây ngô mà đong đầy tình cảm thuần khiết.  

Theo thời gian và quá trình bồi dưỡng kiến thức, cũng không ngừng thu nạp thêm những “thực phẩm” bên ngoài (trường lớp, công ty, các tổ chức hội nhóm, các nền tảng xã hội, những gợi nhớ từ phim sách truyện..) cộng với môi trường chuyển hoá “dinh dưỡng tâm hồn” mỗi người mỗi khác, những em bé với tâm trí tinh khôi ngày nào dần tự thêm nhiều nét cá tính, quan điểm, suy nghĩ cá nhân.  

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Cơ bản là thế, nhưng nhìn lại thực tại ngày nay, thời đại bùng nổ công nghệ và thông tin mà chỉ cần ngồi nhà với 1 màn hình nhỏ là đủ để cả thế giới tràn vào trước mắt chúng ta. Giống như những bữa tiệc buffet không bao giờ kết thúc, và không bao giờ hết món, ta mặc tình chìm đắm vào biển thông tin qua những cái lướt, cái chạm. Chưa bao giờ đăng tải và chia sẻ thông tin dễ dàng đến vậy, và chưa bao giờ chúng ta tiếp cận “thức ăn tinh thần” đơn giản đến vậy, thế nên dẫn tới hệ quả, bên cạnh những tích cực cũng nổi lên không ít vấn đề. Mải mê theo những clip ngắn với nội dung đa dạng, ta mặc cho tâm trí thu nạp những thức ăn không nguồn, không gốc, không kiểm chứng, không được làm sạch. Thêm vào đó, bản thân chất lượng “thức ăn” cũng là điều cần suy xét.  

Một ngày ta đọc/xem rất nhiều, nhưng phần lớn là những tin tức “fast food” – thức ăn nhanh: thời gian khởi tạo ngắn gọn, kích thích thị giác nhưng nội dung hời hợt, chỉ có thể lấp đầy cơn đói hóng hớt thị phi giải trí chứ không cung cấp đủ những giá trị nội hàm sâu sắc để nuôi dưỡng và phát triển nhận thức  – chất lượng “thực phẩm” không mang lại dinh dưỡng cho tâm trí, cơ thể ta chưa kịp phản ứng đã nhận ra bản thân đã (thụ động) lướt sang tin khác, cứ thế, ngày nối ngày ta thu nạp rất nhiều thức ăn hỗn tạp, lại cất dần khả năng chọn lọc thực phẩm lành của tâm hồn.  

Không còn sử dụng nhiều kĩ năng lựa chọn nguồn tin uy tín, đọc kỹ nội dung để phân tích, tham khảo, suy nghĩ, và rút tỉa được phần tinh cốt cho chính mình, ta sẽ mất dần khả năng xuy sét và chiêm nghiệm vấn đề, dẫn đến mất khả năng tư duy độc lập và khách quan – cũng chính là làm thui mòn Chánh kiến và ngăn cản Chánh tư duy trong lời Phật dạy.  

Chánh kiến là nhận thức một cách sáng suốt, và hợp lý và khách quan trên căn bản của sự thông tuệ. Thế nhưng ngày nay có quá nhiều nền tảng và sản phẩm giải trí với các hình thức thu hút lượt xem và chia sẻ của khán giả. Đa phần chứa những nội dung bạo lực kinh dị, tình cảm sướt mướt, trả thù gia tộc, mánh khoé lừa đảo, chiêu trò chốn công sở chèn ép trên thương trường,những đấu trường sinh tử, trò chơi mạo hiểm…; hoặc những nội dung khoe khoang sự thành đạt giàu có thịnh vượng của các cá nhân..; hoặc những nội dung kích thích dục vọng, tranh cãi; hoặc những nội dung lừa đảo thao túng niềm tin và tiền bạc,… tất cả đều xuất hiện nhiều hoặc ít trên các phương tiện nghe nhìn đọc đại chúng. Với lợi thế thời lượng ngắn, nhưng tần suất dày đặc, những nội dung fast food này dần gieo vào tâm chúng ta những hạt giống khơi gợi tà kiến. Khi tâm trí bị tham dục và vọng tưởng dẫn dắt, mầm mống vô minh phát triển cũng là khi ánh sáng của chánh kiến dần bị che mờ, khiến ta không đủ nền tảng để nhìn nhận sự việc sáng suốt điềm tĩnh và thông tuệ.  

Vậy làm sao phân định được Chánh kiến? Trên có Đức Phật và các hàng Bồ Tát, dưới có Tăng đoàn và các nhà trí thức triết học, tôn giáo đã chỉ dẫn và chia sẻ chúng ta những kim chỉ nam để lần mò tìm tòi chân lí trong thế giới hỗn loạn này. Trước khi thâm nhập một nội dung, hãy chậm lại một phút để tự hỏi xem: nội dung này có làm ta hung bạo hơn không? Có khơi gợi sự tức giận, đố kị, căm ghét không? Có kích động những ham muốn sắc dục tiền tài quyền lực không? Nội dung này có giúp ta vui vẻ tích cực không, có ý nghĩa nhân văn nào ta muốn chia sẻ với bạn bè không? Có làm ta cảm thấy thế gian tốt đẹp có tình người không? có giúp ta suy nghiệm rút tỉa được bài học nhân sinh nào không?; tự đặt một hàng rào phòng bị trước khi tiếp cận thông tin, sẽ phần nào giúp gạn lọc được những nội dung rác làm mình vướng bận vô bổ.  

Khi dung nạp những nội dung có giá trị ta mới có nguyên liệu để hình thành Chánh kiến. Một tâm trí khoẻ mạnh, rỗng rang, thoáng sạch mới có thể nhìn nhận sự việc thấu đáo, làm nền móng cho nhận thức suy nghĩ đúng đắn, còn gọi là Chánh tư duy.  

(Bài tiếp theo | Chánh tư duy)  

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Hạnh nguyện độ tha rạng ngời của Đức Phật A Di Đà

Góc nhìn Phật tử 11:35 14/12/2024

Hướng về ngày 17/11 AL, ngày vía kỷ niệm Ngài, là khi những điều thiêng liêng cao cả nhất được tôn vinh, là cơ hội hy hữu để ta hướng tâm về hình ảnh đức Phật, hướng về hình ảnh của một bậc xuất trần thượng sĩ và tam thiên đại thiên thế giới của Ngài.

Tập điều chỉnh chính mình khi phát hiện mình bất ổn

Góc nhìn Phật tử 08:54 03/12/2024

Này bạn, khi tâm trạng rơi vào trạng thái bất ổn, uể oải, hoặc cảm giác như năng lượng tích cực trong ta đã cạn kiệt, việc đầu tiên cần làm là ý thức rõ ràng về tình trạng của mình.

Tôi tin nhân quả

Góc nhìn Phật tử 13:57 02/12/2024

Từ ngày tôi biết đến Phật pháp, câu kinh dạy về nhân quả: “Muốn biết cái nhân trước, hãy nhìn sự thụ hưởng ở hiện tại. Muốn biết cái quả sau, hãy nhìn việc làm hôm nay” luôn khắc sâu trong tâm trí tôi.

Truyện ngắn: Hương từ chữ bay ra…

Góc nhìn Phật tử 11:17 02/12/2024

Mẹ về hưu sau mấy chục năm lăn lộn với nghề. Ngày đi làm cuối cùng để chia tay đồng nghiệp, mẹ mang về một bó hoa nhỏ và mấy tấm bằng khen đạt giải thưởng báo chí toàn quốc trong nhiều năm.

Xem thêm