Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ bảy, 20/05/2017, 10:57 AM

Bình Dương: Người mù về chùa Thiên Quang mừng Phật Đản

Tôi về thăm chùa Thiên Quang, Dĩ An, Bình Dương vào một ngày nắng đẹp của tháng 4 nhân mùa Đại lễ Vesak PL.2561.

Mấy năm qua rồi, mặc dù chùa chưa xây dựng xong nhưng vẫn có cả ngàn phật tử về tham dự ngày lễ mừng Phật Đản. Một điều luôn làm lay động trái tim tôi chính là hình ảnh những người bị khiếm thị. Họ đã quen với nề nếp tu tập suốt thời gian qua tại ngôi chùa Thiên Quang này nên mấy trăm người lại dắt tay nhau tới trong sự thanh tịnh và niềm hân hoan. 
Người mù về chùa Thiên Quang mừng Phật Đản
Tôi tự hỏi: Những người sống trong bóng tối như thế này có gì vui? Lập tức trước mắt tôi là hình ảnh của Ni sư Hương Nhũ đang hướng dẫn các bạn sinh viên chuyển quà từ thiện ra ngoài, rồi nhẹ nhàng đến gần một cặp vợ chồng mù hỏi han... Họ đang nói gì với nhau mà nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt già nua của đôi vợ chồng mù lòa?

Tiếng nói của người vợ vang vang: “Gặp sư con mừng quá sư ơi! Đêm qua 2 vợ chồng con loay hoay cả đêm trông chờ trời sáng. Con nghe hết mấy chục bài pháp sư cho con rồi, ổng cũng nghe nữa sư ơi! Con trai con nay đi làm rồi. Nó có đem chút tiền về cho con đó sư. Con vui lắm! Sư cho con nắm tay sư một chút đi”. 

Sư trụ trì mỉm cười nắm lấy bàn tay của cả hai người dắt họ vào trong. Thật dung dị mà cảm động! Chắc vì lý do này nên mới có nhiều người nói với tôi chùa Thiên Quang là “tổ đình của người khiếm thị”. Nghe cũng buồn cười nhưng nghĩ đi nghĩ lại cái tên thật sự chứa đựng nhiều ý nghĩa cho một đạo tràng Đại bi của đức Bồ tát Quan Thế Âm.

Một pháp thoại ngắn của Thầy Đạo Quang càng làm sáng tỏ thêm ý nghĩa cho sự xuất hiện của đấng đại từ bi, đại trí huệ đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni. Bài pháp thoại đã lôi cuốn sự quan tâm của cả ngàn phật tử, những người mù vỗ tay vang dội cả một góc trời.
Hội chúng đang lắng nghe lời Sư dạy
Lễ tắm tượng Phật được tổ chức ở 2 khu vực: trong ngôi đại hùng bảo điện chưa xây dựng xong và cả ngoài sân còn lầy đất cát. 500 người mù được các tình nguyện viên hỗ trợ tiến hành nghi thức tắm tượng Phật trong niềm hân hoan hạnh phúc. Vì quá đông nên các bạn phải dành nhiều thời gian để dắt từng người lên lễ đài tắm tượng Phật. 
Lễ tắm tượng Phật tại ngôi bảo điện đang xây dựng
Có một bác mù tắm tượng Phật xong ra chờ nhận quà đã bật khóc: “Đây là lần đầu tiên tôi được tắm tượng Phật đó, tôi muốn năm sau đưa hết cả nhà về đây để được tắm tượng Phật. Vợ và con tôi đều khiếm thị. Khi về Thiên Quang thì được các cháu tình nguyện viên giúp đỡ tận tình từ lúc vừa đặt chân đến cổng”. 
Người khiếm thị vui mừng khi được tắm tượng Phật
Các bạn sinh viên và học sinh cũng được tắm tượng Phật ở khu vực dành riêng cho các bạn trẻ. 

"Con nay rưới tắm đức Như Lai
Trí sạch trang nghiêm công đức lớn"
Ni sư Hương Nhũ luôn quan tâm đến việc ươm mầm đạo Pháp
100 phần học bổng được trao tặng cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn nhưng hiếu học. Có đến 500 phần quà (tịnh tài và tịnh vật) mang nặng tình nghĩa yêu thương được tặng cho những người khiếm thị. Tôi được biết việc làm cao quý của sư không chỉ hôm nay, mà chùa còn thường xuyên giúp người khuyết tật và khiếm thị theo các khóa tu định kỳ. 

Hoạt cảnh đản sinh, lời ca tiếng hát và tiếng trống âm vang đã thu hút sự chú ý của hàng trăm khán giả tý hon đang câu hội về chùa trong ngày đại lễ. Sau hết là một bữa cơm Thiên Quang mang hương vị đậm đà, tinh khiết và khó quên với tất cả mọi người.
Ni Sư An Liên, Trưởng Ban từ thiện tỉnh Bình Dương phát học bổng cho sinh viên
Bà Mai Thị Dung, nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Bình Dương phát học bổng cho sinh viên
Lễ mừng Khánh Đản tuy tổ chức ở một ngôi chùa vẫn còn trong quá trình xây dựng bề bộn cát đá, xi măng nhưng nơi đó đã để lại trong tôi một tình cảm dạt dào khó tả. Tạm gác lại những lo toan đời thường, tôi ngồi đây nhớ lại từng khuôn mặt, từng giọng nói của những con người nơi mảnh đất của các Bồ tát đang hóa thân vào từng nhành cây ngọn cỏ, từng bát cơm và chén nước giữa trưa hè. 

Từ thuở tôi là một học sinh đi tham dự khóa tu mùa hè chùa Hoằng Pháp. Phật pháp trong những bài giảng của sư đã trao gửi nơi tôi niềm an lạc.

Khi người nở một nụ cười
Bàn chân tôi bước thảnh thơi nhịp cùng.
Ai hay một trái tim nồng
Mở ra ôm được muôn lòng thế gian!

Hãy về Thiên Quang đi bạn ơi! Nhìn cảnh chùa và phật sự nơi đây bạn sẽ cảm nhận được những điều kỳ diệu và sự nhiệm mầu trong ánh sáng của chính pháp.
Khánh Quang
 
 
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Người dân một số quốc gia Đông Nam Á đi chùa, cầu an dịp Tết cổ truyền

Ảnh 19:42 15/04/2024

Không khí lễ hội đón tết cổ truyền 2024 đang diễn ra sôi nổi tại nhiều quốc gia khu vực Đông Nam Á.

Ngắm những ngôi chùa có kiến trúc độc đáo của người Khmer tại Sóc Trăng

Ảnh 13:16 05/04/2024

Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống nhất cả nước, vì thế cũng là nơi lưu giữ những bản sắc văn hóa độc đáo của người Khmer, đặc biệt là kiến trúc tại các ngôi chùa.

Khai mạc triển lãm tưởng niệm 10 năm ngày Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh viên tịch

Ảnh 18:30 01/04/2024

Chiều 31-3, triển lãm về cuộc đời và đạo nghiệp của Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh (1917-2014), Đệ nhất Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN đã được khai mạc tại chùa Vạn Đức (TP.Thủ Đức).

Xuất gia báo hiếu, nghi lễ quan trọng nhất đời người ở Myanmar

Ảnh 11:00 17/03/2024

Hầu hết người dân ở Myanmar đều một lần trải qua nghi lễ Shin Pyu để lên chùa tu tập, báo hiếu cha mẹ.

Xem thêm