Các hình thức cầu nguyện có tác dụng tốt cho nhiều người
Khi nói đến cầu nguyện, chúng ta thường nghĩ là phải nhờ đến tha lực của chư Phật, hiền Thánh Tăng; nhưng cầu nguyện trong đạo Phật nhằm hỗ trợ niềm tin và tinh thần, chính yếu vẫn là tự lực nhiều hơn là tha lực.
Cho nên, đức Lục tổ nói: “Khi mê thì thầy độ, khi ngộ thì tự độ”. Tại sao có người cầu nguyện linh ứng, có người lại không? Điều đó tuỳ thuộc vào lòng thành tâm, tự lực vẫn nhiều hơn tha lực, và người đó có biết gieo trồng phước đức trong hiện tại và quá khứ hay không.
Cầu an: là cầu nguyện cho tất cả mọi người dù thân hay sơ được an vui, hạnh phúc, bình yên, an lành, vượt qua các tai ương bất hạnh trong đời. Vì vậy, tinh thần cầu an nhằm xoa dịu nỗi đau, thể hiện sự quan tâm, lo lắng và thương yêu, giúp đỡ cho nhân loại bằng tình người trong cuộc sống. Cầu an cũng nói lên tinh thần nhân bản đạo đức của người Phật tử, khi đứng trước hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, bệnh tật, nhằm làm giảm bớt nỗi đau bất hạnh cho tha nhân.
Cầu siêu: là cầu nguyện cho ông bà, cha mẹ, người thân đã qua đời được siêu thoát, cầu cho các hương linh, vong linh, các oan hồn uổng tử, được siêu thoát về các cõi an lành. Như vậy, tinh thần cầu siêu là biểu lộ sự quan tâm, lo lắng, sự thương yêu, giúp đỡ cho người thân và cộng đồng xã hội. Sự quan tâm, thương tưởng đối với người đã chết không thể làm gì khác hơn là cầu nguyện, là mong mỏi, là mong muốn cho người đó được tái sinh và an vui chỗ mới tốt đẹp.
Cầu sám hối: là cầu nguyện cho những lỗi lầm cố ý hay vô tình từ vô thủy kiếp đến nay, ta đã không biết nên làm tổn hại mình, người và chúng sinh. Ta nguyện cầu không cho chúng tái phạm và bày tỏ sự ăn năn, hối hận lỗi lầm, mong sự chứng giám và tha thứ của các Bồ tát, các bậc hiền Thánh và tất cả chư Phật về những gì mình đã gây khổ đau cho nhân loại, muôn loài. Cầu nguyện sám hối là nhu cầu cần thiết nói lên sự mong muốn phục thiện của bản thân, nhằm phát huy nhân cách đạo đức, từ bi và trí tuệ.
Cầu dứt ác làm lành: là cầu nguyện cho mình và người được phát khởi tín tâm thiện ích với tinh vô ngã, vị tha, bằng trái tim yêu thương và hiểu biết, để giúp ta vượt qua dòng đời nghiệt ngã với muôn vàn khổ đau, mà thành tựu được mục tiêu giác ngộ, giải thoát, trên cầu thành Phật dưới cứu độ chúng sinh. Cầu nguyện dứt ác, làm lành là nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống, nói lên tinh thần yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau bằng sự chia vui sớt khổ, nhằm làm giảm bớt nỗi đau bất hạnh cho mọi người.
Nói tóm lại, mục đích của sự cầu nguyện là mong muốn mang đến lợi ích thiết thực cho người sống tai qua nạn khỏi, bệnh tật tiêu trừ, bình yên hạnh phúc; kẻ chết đều được tái sinh cảnh giới tốt đẹp.
Bốn trường hợp của hiệu lực cầu nguyện
Lợi ích và tác dụng của cầu siêu
Cầu siêu là cầu nguyện Tam bảo gia hộ cho thần thức người đã mất được nhẹ nhàng, siêu thoát về các cõi lành. Trong kinh Địa Tạng có nói rõ tác dụng của sự cầu nguyện cho người chết rằng: Trong 7 phần công đức, người cầu siêu được hưởng sáu phần, người chết chỉ hưởng được một phần mà thôi.
Tại sao người chết chỉ hưởng được một phần? Điều này dễ hiểu thôi, vì khi tụng kinh để cầu siêu, người tụng kinh phải tập trung cao độ để lắng tâm trong sạch, nên ngay khi đó ba nghiệp thân, miệng, ý được thanh tịnh; miệng đọc lời kinh, tai lắng nghe và ý chỉ chú tâm vào lời kinh; do đó, phát sinh năng lực công đức trước nhất là cho người tụng, rồi những người tụng đó sử dụng năng lượng công đức ấy để hướng đến người đã chết. Vì vậy, người mất chỉ nhận được một phần tâm linh thanh tịnh ấy mà thôi.
Như trường hợp của Tôn giả Mục Kiền Liên, sau khi xuất gia làm đệ tử Phật, nhờ siêng năng, tinh cần tu tập, nên Tôn giả đã chứng quả giác ngộ giải thoát. Vì nhớ thương mẹ mình sau khi chết không biết tái sinh nơi đâu, Tôn giả vận dụng thần thông tìm kiếm khắp nơi, cuối cùng thấy mẹ đang bị đọa trong loài quỷ đói, thân thể tiều tụy, ốm o gầy mòn, đói khát, vật vờ, trông rất thảm thương.
Động lòng thương xót mẹ, Tôn giả trở lại trần gian xin được một bát cơm, hai tay cung kính dâng lên mẹ. Bà Thanh Đề thấy bát cơm mừng quá vì đói khát lâu ngày, nên vội vàng lấy một tay che bát cơm lại, sợ các quỷ khác thấy xin ăn, tay còn lại bà bốc cơm ăn. Nhưng nghiệt ngã thay, bỗng dưng cơm hóa thành lửa, bà ăn không được, trong lòng thèm khát, khổ sở vô cùng, làm cho Tôn giả xúc động, nghẹn ngào mà hai hàng lệ rơi. Bát cơm của Tôn giả dâng lên cho mẹ bằng tất cả tấm lòng, tưởng làm no lòng mẹ, ngờ đâu cơm hóa thành lửa ăn không được, nên bà phải chịu khổ sở, đớn đau vô cùng.
Bà Thanh Đề lúc còn sống, vì không tín kinh Tam bảo, nên lúc nào cũng tham lam, bỏn sẻn, keo kiết, ích kỷ, không biết bố thí hay giúp đỡ cho ai, nên sau khi chết phải bị đọa vào loài quỷ đói. Nhìn cảnh mẹ đói khát, khổ sở, mà không có cách nào giúp được, Tôn giả đành thương xót, ngậm ngùi trở về bạch Phật tìm cách cứu mẹ.
Phật dạy: “Nhân mùa an cư kiết hạ và lễ tự tứ của chư Tăng, ông hãy phát tâm cúng dường trai Tăng, nhờ công đức tu hành của đại chúng, vì đa số quý thầy tâm thanh tịnh, trong sáng, nên có thể làm cho mẹ ông thức tỉnh, buông xả tâm ích kỷ nhỏ nhoi, mà được thác sinh về cõi an lành”.
Tôn giả nghe lời Phật dạy, trở về quê nhà, vận động gia đình, người thân phát tâm tịnh tài, tịnh vật cúng dường trai tăng; nhờ vậy, mẹ ngài thoát khỏi quỷ đói, sinh về cảnh giới an lành. Nhìn từ góc độ thực tế cuộc đời loài quỷ đói cũng có trong loài người, người hay thiếu trước hụt sau, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, chết đói chết khát, bị gông cùm xiềng xích.
Người giàu có chứa nhiều của cải, để cho mục nát, hư hại, mà không dám đem ra giúp người, cứu vật, hoặc đã giàu rồi mà còn tham lam tìm cách vơ vét về cho riêng mình. Tâm ham muốn và thèm khát quá đáng cũng là loài quỷ đói. Chúng ta làm người, hãy nên chiêm nghiệm, suy xét kỹ chỗ này. Thà rằng một miếng khi đói bằng một gói khi no, cúng dường, hồi hướng công đức cho những người đã mất, sẽ được lợi ích lớn lao như vậy.
Tại sao bà Thanh Đề được siêu thoát nhờ lực thanh tịnh của chư Tăng? Ở đây, có hai điểm chúng ta cần phải lưu ý và suy xét. Thứ nhất, nhờ sức thanh tịnh của Chư tăng hướng tâm về bà, làm bà thức tỉnh, biết nhân dính mắc, tham chấp, hại người, hại vật là khổ đau; do đó, bà liền được sinh về cõi an lành. Trường hợp thứ hai, nếu trong nhiều đời và hiện tại, bà không gieo nhân phước đức, thì dù có chư Phật hộ trì cũng không thể nào cứu được bà.
Như trong kinh đã nói, nếu một người tạo mười nghiệp ác như giết hại, trộm cướp, lừa gạt, tà dâm, phá hoại hạnh phúc gia cảnh của người khác, nói dối hại người, nói lời mắng chửi, nói lời mê hoặc dụ dỗ, nói lời đòn xóc hai đầu, tham lam quá đáng, nóng giận đánh đập và cuối cùng là si mê, thì ví như tảng đá lớn quăng xuống nước sâu, dù có ngàn người cầu cho nó nổi lên vẫn không được.
Điều chính yếu của sự cầu nguyện trong đạo Phật là sự chuyển hóa và thay đổi nghiệp lực. Nếu mình đã gây quá nhiều ác nghiệp, thì việc cầu nguyện là vô ích. Cầu nguyện theo cách thức chuyển ác thành thiện, thì sự cầu nguyện ấy được đạo Phật khuyến khích và chấp nhận, nhằm giúp cho những người chưa đủ niềm tin về nhân quả và chính mình, để họ có chỗ hướng tâm mà từng bước quay về con đường thiện lành tốt đẹp.
Cầu siêu cho ông bà, cha mẹ, người thân, còn nói lên ý nghĩa bày tỏ lòng biết ơn và đền ơn đối với các liệt vị tiền nhân đã sinh ra và nuôi dưỡng ta nên người. Chim có tổ, người có tông, ăn trái nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ nguồn là chân lý đạo đức làm người. Con người nếu không biết rõ cội nguồn, giống như cây bị bứng gốc rễ. Cho nên, cầu nguyện, cúng bái, tưởng nhớ ông bà cha mẹ, bà con thân quyến, nói lên sự kết nối yêu thương, mong cho họ được siêu thoát là bài học đạo lý hiếu thảo, thể hiện sự biết ơn và đền ơn, đã ăn sâu vào trong tâm thức của con người Việt Nam.
Tuy nhiên, theo lời dạy của Thế Tôn trong kinh cúng thí người mất, chỉ khi nào cha mẹ người thân bị đọa vào cảnh giới quỷ đói, thì sự cúng thí đó mới được tương xứng và người đó được thọ nhận thức ăn cúng thí. Ngoài ra, những người nào sau khi qua đời bị đọa vào địa ngục, súc sinh, người, thần Tu La và chư thiên, thì không nhận được các thức ăn đó. Chính vì vậy, trong kinh Địa tạng nói người mất chỉ hưởng một phần là lý do đó, còn chúng sinh trong các loài khác, đã có thức ăn phù hợp với hoàn cảnh tương xứng rồi.
Sự cầu siêu chỉ mang tính cách biểu tượng, thể hiện tấm lòng thương kính và biết ơn đối với người đã chết; về phương diện đạo đức, nhằm nhắc người đã mất không bám víu vào gia đình, vợ con, tiền bạc, tài sản, để dễ dàng ra đi và tái sinh cõi an lành. Cúng bái, tổ tiên ông bà, cha mẹ theo tinh thần biết ơn và đền ơn, thì người sống và kẻ mất đều được lợi lạc, là nét đẹp văn hóa tâm linh của người cư sĩ tại gia và đạo pháp dân tộc.
Nói tóm lại, đối với nghi thức cầu siêu, cũng nên giản đơn mà trang trọng, tránh mọi sự rộn ràng không cần thiết, có thể làm cho vong linh người thân dao động, luyến ái, hoặc tức giận nên khó siêu sinh Tịnh độ, hoặc tái sinh vào các cõi an lành. Nếu có thể, hạn chế sự khóc lóc làm ảnh hưởng đến người chết, không nên tổ chức nhạc kèn trống, hoặc tất cả những hình thức phô trương lãng phí. Lại càng không nên mở tiệc tùng, giết trâu bò, heo gà, uống rượu, cờ bạc sáng đêm, rồi nói rằng “thức để canh đám ma”.
Thay vào tất cả những hình thức không có lợi ích thiết thực, chúng ta nên mời chư Tăng đến khai thị, nhắc nhở, khuyên nhủ, niệm Phật, tụng kinh, làm nhiều phật sự thiện ích như phóng sinh, bố thí, cúng dường Tam bảo và bố thí giúp đỡ người bệnh tật già yếu, nhằm chia sẻ và nâng đỡ để làm vơi bớt nỗi đau bất hạnh. Cúng thí cầu nguyện như vậy là thể hiện tình người trong cuộc sống, bằng sự kết nối yêu thương; kẻ âm, người dương đều được lợi ích.
Lợi ích và tác dụng của cầu an
Cầu nguyện cho ta và người được bình yên hạnh phúc là thể hiện tấm lòng thương yêu bình đẳng, bằng sự kết nối sẻ chia và nâng đỡ. Nhưng sự cầu nguyện như vậy có hiệu quả thiết thực hay không? Khi ta có niềm tin và ước muốn chân thành vì mọi người, thì ta sẽ có sức mạnh vô biên. Sức mạnh tinh thần đó là sự nhiệm mầu của tâm linh; nhờ vậy, ta chuyển năng lượng đó làm ảnh hưởng đến người ấy. Cầu an có nghĩa là cầu cho một người nào đó được tai qua nạn khỏi, bệnh tật tiêu trừ và sống bình yên, hạnh phúc.
Như vậy, cầu an là sự mong muốn, là ước vọng được khỏe mạnh, an lạc và hạnh phúc. Để được khỏe mạnh, tai qua nạn khỏi và sự an lạc nội tâm, mỗi người phật tử phải tự rèn luyện đời sống đạo đức và trí tuệ, bằng cách giữ gìn năm giới, mở rộng tấm lòng nhân ái, yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ mọi người và sẵn sàng chia vui, sớt khổ với tinh thần vô ngã, vị tha.
Niệm Phật, cầu nguyện hạnh phúc bình an có phải đi ngược với quy luật nhân quả?
Người ta có thể dùng sức mạnh tâm linh để tác động hay cảm hóa đến các sinh vật. Các vị thiền sư có thể cảm hóa các loài thú dữ, ngay cả loài cỏ cây nếu được thương yêu, chúng cũng tươi tốt hơn. Các nhà khoa học đã làm nhiều thí nghiệm để chứng minh cho sức mạnh tinh thần này. Khi một người hoặc nhiều người cùng nhất tâm cầu nguyện, luồng năng lượng tâm linh ấy sẽ tạo ảnh hưởng lên thể chất và tinh thần của người bị bệnh. Trong đời sống hằng ngày, ta thường gặp nhau và chúc phúc cho nhau được mạnh khỏe, bình an. Nếu những lời chúc ấy có chú tâm, có nhất tâm và định tĩnh, nó sẽ tạo ra nguồn năng lượng lành mạnh để giúp ích cho người được chúc cảm thấy an ổn, nhẹ nhàng.
Trong những hoàn cảnh đặc biệt, như gia đình có người thân bệnh hoạn, ốm đau, hay có những sự việc khó khăn, đặc biệt, thì nhu cầu ước muốn và cầu nguyện nhằm mong mỏi cho người thân được tai qua nạn khỏi, tránh được tai họa hiện tại là điều cần thiết đối với mọi người.
Như chúng ta đã biết, Phật giáo không chấp nhận có một cái gì cố định do đấng sáng tạo hoặc thần linh, thượng đế hay ông trời ban phước, giáng họa. Do đó, muốn đạt được mục đích cầu an thực sự, chúng ta cần phải chú tâm mạnh mẽ hướng về người ấy với tất cả tình thương. Cầu an như vậy, không có gì là mâu thuẫn đối với đạo lý nhân quả của Phật giáo. Tai nạn đến với người thân, gia đình không phải là ngẫu nhiên hay đương nhiên khi không mà có.
Chính sức mạnh của nghiệp ác quá khứ đã đem lại tai nạn cho gia đình, người thân trong hiện tại. Thế nhưng, các việc làm hiện nay như giảng nói chính pháp, từ thiện giúp người nghèo khổ, bất hạnh, phóng sinh, làm lễ cầu an, đều là những nghiệp thiện có sức mạnh chuyển hóa nghiệp xấu ác và làm cho thế nhân ý thức được mà tin sâu nhân quả.
Chúng ta nên hiểu rằng, đạo Phật không chấp nhận có một đấng thần linh tối cao, sáng tạo ra thế giới, vũ trụ này, để rồi chấp nhận số phận đã an bài; nhưng đạo Phật thừa nhận có nhiều vị Bồ tát làm thiện và tu chứng, là những bậc hiền Thánh đã giác ngộ và giải thoát, thường xuyên gia hộ tất cả chúng sinh, hướng dẫn mọi người bỏ ác làm lành để cùng nhau chia vui, sớt khổ theo tinh thần của Bồ tát Quán Thế Âm, phát tâm đi vào đời vì lợi ích chúng sinh. Lễ cầu an, hay cầu siêu cũng có thể tổ chức ở chùa, những nơi có cảnh trí yên tĩnh, càng làm cho nội dung của các nghi thức thêm phần hiệu quả.
Cầu nguyện cho người khác được bình an là thể hiện tinh thần thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau với tấm lòng từ bi, trí tuệ và vị tha. Cầu an đúng nghĩa theo tinh thần đạo Phật là chuyển hóa nghiệp lực xấu bằng việc làm tốt đẹp, an ủi sẻ chia. Cho nên, cầu nguyện chỉ là mặt tiêu cực, còn mặt tích cực thì ta phải làm bằng những hành động thiết thực như bố thí, giúp đỡ, chia sẻ, phóng sinh, chăm sóc và động viên, an ủi người bệnh.
Chúng ta muốn được sức khỏe và sống an lạc hạnh phúc, trước tiên ta phải biết siêng năng làm các việc thiện lành, tốt đẹp, sống tiết chế, ngủ nghỉ ăn uống có chừng mực, điều độ và không vui chơi hoạn lạc quá sức. Ta thể hiện lòng từ bi, yêu thương, bình đẳng bằng cách không giết hại, trộm cướp, lừa gạt, sống chung thủy một vợ một chồng, không nói dối hại người và không dùng rượu say sưa, cùng các chất độc hại như xì ke, ma túy.
Muốn vậy, ta phải an trú trong giờ phút hiện tại, lấy chính niệm tỉnh giác làm phương châm của cuộc sống. Ai sống được như vậy, sự an lạc sẽ có mặt ngay tại đây và bây giờ, thì sự cầu nguyện chỉ là phụ mà thôi. Tuy nhiên, sự cầu nguyện vẫn không thể thiếu trong cộng đồng xã hội, vì số đông con người chưa có đủ niềm tin về nhân quả và còn quá nhiều lo âu, sợ hãi về những bất hạnh trong đời.
Cầu nguyện không phải muốn gì được đó, không phải là chúng ta xin ơn trên giúp cho mình các yêu cầu bất thiện, hay sự hy vọng và mong muốn quá đáng của mình. Cầu nguyện về mặt tâm lý, giải toả các ức chế nội tại, hoặc tình trạng bức xúc cao độ, hay sự tuyệt vọng quá mức, dẫn đến không còn lối thoát; cầu nguyện có thể làm giảm bớt các áp lực căng thẳng, nặng nề ấy. Mặt khác, cầu nguyện là bày tỏ những hy vọng thay đổi, nhằm có đời sống tốt hơn, tạo thêm sinh lực và niềm tin cho con người vốn gặp nhiều đau khổ, bất hạnh.
Có một chàng trai nọ đang buồn chán vì công việc và cuộc sống bấy lâu nay, trong lòng luôn nặng trĩu những nỗi khổ, niềm đau, đang miên man với dòng suy tư tuyệt vọng. Bỗng dưng, có một chiếc xe tải dừng lại, anh tài xế lật đật bước xuống xe, cầm tấm ảnh một chú bé khoảng năm sáu tuổi, giơ lên và nói rằng: “Con tôi đang bệnh nặng”. Chàng trai nọ tưởng ông ta cần xin tiền, liền móc túi ra định giúp đỡ, nhưng ông ta bảo: “Tôi chỉ mong anh cầu nguyện cho con tôi mau lành bệnh”. Nói xong, anh ta lên xe và chạy mất hút.
Thái độ của người lái xe làm cho chàng trai liền thức tỉnh và bừng lên một tia hy vọng. Cuộc sống này luôn có niềm vui và nỗi buồn, vấp ngã và đứng lên, thành công và thất bại… Con người chúng ta đều có ưu điểm và khuyết điểm, cuộc sống này luôn có hai mặt song hành với nhau. Từ đó, chàng trai phấn chấn hơn, nên cảm thấy trong lòng an ổn, nhẹ nhàng, không còn đau thương, buồn khổ như trước nữa. Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)Khi nói đến cầu nguyện, chúng ta thường nghĩ là phải nhờ đến tha lực của chư Phật, hiền Thánh Tăng; nhưng cầu nguyện trong đạo Phật nhằm hỗ trợ niềm tin và tinh thần, chính yếu vẫn là tự lực nhiều hơn là tha lực. Cho nên, đức Lục tổ nói: “Khi mê thì thầy độ, khi ngộ thì tự độ”. Tại sao có người cầu nguyện linh ứng, có người lại không? Điều đó tuỳ thuộc vào lòng thành tâm, tự lực vẫn nhiều hơn tha lực, và người đó có biết gieo trồng phước đức trong hiện tại và quá khứ hay không.
Nói tóm lại, nội dung chủ yếu của nghi thức cầu an, là người đương sự và cả nhà thành tâm sám hối, bỏ ác làm lành, làm nhiều phật sự như phóng sinh, từ thiện, bố thí, cúng dường Tam bảo… để hồi hướng công đức ấy cho người thân mau tai qua nạn khỏi. Đồng thời, chúng ta mời chư Tăng đến tiến hành nghi thức cầu an đúng pháp, khai thị, nhắc nhở, khuyên nhủ, tụng kinh, niệm Phật. Nghi thức nên đơn giản, gọn nhẹ và có ý nghĩa thiết thực. Điều quan trọng là người được cầu và gia đình người thân nên thành tâm sám hối, bỏ ác, làm lành.
Ý nghĩa cầu an và cầu siêu theo dân gian
Tác dụng và lợi ích của cầu sám hối:
Trong cuộc sống, vì chén cơm manh áo, tiền tài của cải, quyền thế, danh vọng, sắc đẹp và biết bao nhu cầu khác của con người, nên không ít thì nhiều, ai cũng có thể gây tạo tội lỗi. Do đó, nhu cầu sám hối rất cần thiết trong đời sống cộng đồng xã hội.
Đạo Phật không dạy chúng ta trốn tránh cuộc đời, mà dạy chúng ta dũng cảm đối diện với hiện tại, dùng trí tuệ và từ bi để chuyển hóa lỗi lầm.
Nghi thức sám hối sáu căn tại các thiền viện do Hòa thượng Thích Thanh Từ sáng lập đều có lễ sám hối mỗi ngày, nhằm giúp cho các thiền sinh và quý phật tử thấy được lỗi lầm do cố ý hay vô tình đã tạo ra trong quá khứ, cũng như trong hiện tại. Sám là sám lỗi trước, cầu không cho chúng tái phạm nữa; hối là ngăn ngừa lỗi sau, không cho chúng phát sinh. Cho nên, cầu sám hối là một việc làm nhân bản, đạo đức giúp chúng ta ý thức được việc làm xấu xa, có hại cho người, vật, mà cố gắng chừa bỏ.
Một con người, một gia đình, một cộng đồng xã hội, ai cũng ý thức, trong thân tâm luôn cầu sám hối để dừng hẳn những điều tội lỗi, thì thế gian này sẽ là thiên đường của hạnh phúc. Bởi chúng ta không phải là Phật hay các bậc hiền Thánh, nên ta dễ dàng gây tạo tội lỗi dù ít hay nhiều, do cố ý hay vô tình. Nội chỉ việc ăn để sống hằng ngày, mà chúng ta đã giết hại không biết bao nhiêu con vật, huống hồ là còn vô số việc khác vì sự sống của chúng ta.
Sám hối đúng nghĩa là phải có tâm hổ thẹn và cầu tiến. Người biết hổ thẹn không để cho tội lỗi phát sinh hoài. Ở đây, mục đích của cầu sám hối không phải là chúng ta cầu khẩn, van xin các bậc hiền Thánh giúp cho hết tội; chính chúng ta phải ý thức việc làm đó là tội lỗi, nên cố gắng chừa bỏ, không tái phạm nữa, nhờ vậy mà tội lỗi dần được tiêu trừ và dứt sạch.
Sám hối là tinh thần cầu tiến giúp ta ngày càng mở rộng tấm lòng thương yêu và hiểu biết. Nhờ vậy, ta vui sống, hòa hợp với nhau, để vươn lên vượt qua cạm bẫy cuộc đời, mà làm mới lại chính mình. Ai trong chúng ta không một lần vấp ngã? Với tinh thần cầu tiến biết hổ thẹn, nhờ sám hối, ta sẽ cố gắng không tái phạm lỗi lầm xưa, nhưng thế gian này có được mấy người ý thức như vậy. Với lòng chí thành thiết tha sám hối, dù tội lỗi có nặng nề tới đâu cũng từ từ giảm bớt và lần hồi được hết sạch.
Như vua A Xà Thế, do tham tàn, bạo ngược, nên giết cha; nhờ gặp Phật chỉ dạy và sám hối, ông là người đầu tiên phục hưng toàn cõi Ấn Độ, sống theo lời Phật dạy. Dám sám hối, chừa bỏ mọi điều tội lỗi là việc làm của những người có hiểu biết và lương tâm đạo đức, khiến tâm cống cao, ngã mạn, khinh người, tự ti, mặc cảm, lần lần thuyên giảm; nhờ vậy, tâm ta ngày càng được trong sạch.
Tu mà không gan dạ sám hối quả thật là một người hèn nhát, không xứng đáng là phật tử. Sám hối là phương pháp sách tấn mạnh mẽ nhất giúp ta ngăn dừng tội lỗi, ai làm được như thế là người tốt trong hiện tại và mai sau.
Tóm lại, cầu sám hối là một phương pháp tu hành rất thiết thực, có lợi ích hiện tại và mai sau, nhằm chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc. Người đời vì không biết nên một khi vấp phải lỗi lầm, thì tìm cách ém nhẹm, giấu diếm, không cho ai biết; do đó, tội lỗi càng thêm chồng chất; cuối cùng, phước hết, họa đến, bị sa hầm, sụp hố, chịu vô lượng khổ đau.
Tác dụng và lợi ích cầu dứt ác làm lành:
Nói lên tinh thần vô ngã, vị tha, mong muốn mọi người và muôn loài không gây đau khổ lẫn nhau, nên lúc nào cũng sống bằng trái tim hiểu biết, để kết nối yêu thương bằng tất cả tấm lòng. Cầu an, cầu siêu, cầu sám hối, chúng ta dễ dàng thực hiện, nhưng muốn dứt ác làm lành phải là các bậc Bồ Tát mới được. Trước nhất, ta cầu dứt ác làm lành để bản thân được sống hoàn thiện, sau đó dấn thân đóng góp, sẻ chia, làm lợi ích cho đời.
Cầu dứt ác làm lành là hạnh nguyện cao cả của các vị Bồ tát. Ý thức được thế gian này là một dòng đời nghiệt ngã, đang chìm đắm trong biển khổ, sông mê. Chính vì vậy, mọi người sống không có tình nghĩa hay tàn sát giết hại lẫn nhau, để tranh giành quyền lợi, từ đó dẫn đến thù hằn, vay trả, không có ngày thôi dứt.
Bồ tát có nghĩa là người giác ngộ, cũng là một chúng sinh đang giác ngộ từng phần, chưa đầy đủ công hạnh lợi mình lợi người, trên cầu thành Phật, dưới cứu độ chúng sinh. Muốn thành Phật viên mãn, Bồ tát phải dứt ác làm lành và siêng tu trí tuệ.
Bồ tát vì thấy chúng sinh ở cõi Ta bà vui ít khổ nhiều, bị phiền muộn khổ đau chi phối, nên động lòng thương xót, dấn thân đi vào đời, lấy tứ nhiếp pháp làm nền tảng, để cùng chia vui sớt khổ, mà giúp đỡ sẻ chia đúng tâm tư, nguyện vọng của mọi người.
Bồ tát thấy chúng sinh vì tham lam, ham muốn quá đáng, nên lúc nào cũng bỏn sẻn, keo kiệt, ích kỷ, nhỏ mọn, do đó hay bóc lột, lừa gạt, tìm cách vơ vét về cho riêng mình, mà làm khổ đau cho người và vật. Bồ tát sẵn sàng đem tiền bạc của cải và sức lực của mình giúp đỡ sẻ chia, phát tâm bố thí cúng dường rộng rãi, để giúp chúng sinh biết được cách thức gieo trồng phước đức, mà diệt trừ tâm địa hẹp hòi, tham lam.
Bằng sự giúp đỡ nhiệt tình không tính toán, nên Bồ tát dễ dàng gần gũi mọi người, nhờ vậy có cơ hội hướng dẫn, chỉ dạy, khuyên nhủ những điều hay, lẽ phải, giúp họ biết yêu thương, nâng đỡ, sẻ chia bằng trái tim hiểu biết.
Bồ tát thấy chúng sinh hay nói lời thô lỗ, cộc cằn, nói lời mắng chửi, nói lời ác độc, nói lời phù phiếm, nói lời dụ dỗ, nói lời chia rẽ, nói lời phá hoại, do đó sinh ra nóng giận, thù hằn và dẫn đến đánh đập, giết hại lẫn nhau; nên Bồ tát phải dùng lời nói từ ái, hòa nhã, dịu dàng, nhỏ nhẹ, dễ nghe; nhờ vậy, Bồ tát dễ dàng nhiếp phục họ tin sâu nhân quả mà biết sống yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau.
Bồ tát thấy chúng sinh giải đãi làm biếng, làm ít mà muốn hưởng thụ nhiều, nên Bồ tát tích cực, nhiệt tình làm những công việc có lợi ích cho đời, chứ không phải nói suông vô ích. Nhờ vậy, chúng sinh có đủ niềm tin mà cố gắng làm việc, đóng góp, phục vụ gia đình và xã hội. Chính vì thế, Bồ tát mới có cơ hội gần gũi và dễ dàng hướng thiện cho họ.
Bồ tát muốn giúp cho tất cả chúng sinh sống tốt theo lời Phật dạy, thì phải giỏi nhiều ngành nghề, để cùng làm việc và vui sống với họ. Có một Bồ tát mà ai cũng biết, ngài đã thành phật từ vô thủy kiếp; vì thương xót chúng sinh còn mãi chìm đắm trong biển khổ sông mê, nên đã phát tâm dấn thân đi vào đời để cứu khổ chúng sinh.
Đó là Bồ tát Quán Thế Âm, vì lòng từ rộng lớn, thường đem niềm vui lắng trong thanh tịnh, để san sẻ cùng mọi người; với bi nguyện lớn lao cứu vớt người còn mải chìm đắm trong biển khổ sông mê, Bồ tát hay quán sát, xem xét, lắng nghe tiếng kêu cứu khổ, để tùy duyên cứu độ chúng sinh. Bồ tát luôn quán chiếu cuộc đời, lắng nghe âm thanh theo nguyên lý duyên khởi và vô ngã, vị tha; nhờ vậy, Bồ tát giúp mọi người vượt qua lo âu, sợ hãi và thoát khỏi sự ràng buộc của khổ đau.
Trong đạo Phật, cầu nguyện hay ước muốn dù là đạo đức và cao thượng cũng có giá trị rất giới hạn, nhằm chỉ giúp cho nhiều người còn yếu đuối chưa đủ niềm tin về nhân quả. Do đó, đạo Phật chủ yếu đề cao học thuyết nhân quả bằng hành động có nhân cách đạo đức, như điều tất yếu làm nền tảng của sự thành công và toại nguyện trong cuộc sống. Nói cách khác, cầu nguyện hay ước muốn, dù tốt đẹp hay cao thượng đến đâu, cũng không có lợi ích thiết thực, nếu chúng ta không biết gieo nhân thiện lành, tốt đẹp, tu tập và chuyển hóa.
Đạo Phật không dạy ta sống với những ước muốn hay cầu nguyện suông, trái lại khuyên nhủ ta nên áp dụng thực tiễn bằng những hành động cụ thể, như không giết hại, trộm cắp, lừa gạt, tà dâm, nói dối và sử dụng các chất độc hại như rượu, xì ke ma túy. Cho nên, chính yếu hành động là quan trọng, cầu nguyện ước muốn là phụ thuộc, vì khả năng của nó rất giới hạn. Đạo Phật dạy chúng ta muốn sống tốt thì phải tin sâu nhân quả mà làm chủ chính mình, cố gắng làm các việc thiện để mang lại hạnh phúc cho bản thân, gia đình và xã hội.
Một khi chúng ta đã hiểu được lý nhân quả của Phật Đà rồi, nghĩa là không ai có đủ quyền năng để ban phước, giáng họa, ngoài chính việc làm thiện ác của ta. Chẳng qua, việc cầu nguyện nhằm mục đích hỗ trợ cho người chưa đủ niềm tin mà thôi. Người phật tử ý thức sâu sắc rằng, một khi đã tạo nhiều ác nghiệp rồi, dù có van xin cũng vô ích, như trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu. Không ai có đủ khả năng để cầu nguyện mà thay đổi được nghiệp xấu ác.
Nên tụng kinh gì để cầu an và tụng kinh gì để cầu siêu?
Cầu nguyện chân chính để thiết lập tình yêu thương
Cầu nguyện là một nhu cầu tâm linh có năng lực làm lắng dịu các nỗi lo âu, sợ hãi, thất vọng và phiền muộn, khổ đau. Hơn nữa, cầu nguyện làm tăng thêm nghị lực, củng cố niềm tin để giúp chúng ta quyết tâm đi theo con đường sáng suốt và lý tưởng cao thượng. Cầu nguyện cũng là một cách thể hiện những ước mơ thầm kín, niềm hy vọng, niềm tin vào cuộc sống. Như vậy, cầu nguyện là một loại hình văn hóa đem lại niềm tin, ý chí và nghị lực, nhằm chuyển hóa những khó khăn khốn khổ, làm vơi bớt nỗi đau bất hạnh cho người khác. Ta chỉ cần có sự thành tâm hướng về mục đích lợi ích cho tha nhân, thì sự cảm ứng không thể nghĩ bàn.
Trong các buổi cầu nguyện, người ta thường hay mong muốn các điều sau đây: có được sức khỏe dẻo dai, có được sắc đẹp dài lâu, có được danh thơm tiếng tốt, hạnh phúc trọn vẹn và sinh cõi trời; nhưng Phật dạy năm điều này không bao giờ cầu nguyện suông mà được.
Ta muốn có sức khỏe thì phải ăn uống có chừng mực, ăn vừa đủ để nuôi mạng sống, không đam mê, say đắm sắc dục, không rượu chè, hút sách, đàn điếm, siêng năng tập thể dục thể thao, làm việc điều độ, hài hòa và ngủ nghỉ thích hợp. Sức khỏe là điều căn bản trong cuộc sống, thân thể này có khỏe khoắn, lành mạnh thì ta mới có đủ khả năng dấn thân đóng góp, phục vụ vì lợi ích tha nhân, không biết mệt mỏi, nhàm chán. Muốn làm điều gì mà thiếu sức khỏe là một thiệt thòi to lớn, có sức khỏe cùng với sự nhiệt tình và tâm sáng suốt thì không việc gì mà làm chẳng xong.
Muốn có sắc đẹp được bền lâu thì ta phải biết gìn giữ sức khỏe, biết đưa vào cơ thể những thức ăn cần thiết, vừa phải, chừng mực, ngủ nghỉ hợp lý, không nên vui chơi hoan lạc quá mức và làm việc điều độ.
Muốn có danh thơm tiếng tốt, ta phải cần mẫn, siêng năng học tập, nhiệt tình năng nổ làm việc vì lợi ích người khác, sống có nhân cách đạo đức, mở rộng tấm lòng thương yêu, đùm bọc giúp đỡ nhân loại và nhiệt tâm làm nhiều việc tốt đẹp.
Muốn được an lạc, hạnh phúc, ta phải bỏ ác làm lành, gìn giữ năm điều đạo đức, nên ta không giết hại, trộm cướp, lừa gạt của người, tà dâm, phá hoại hạnh phúc gia đình người, không nói dối hại người và uống rượu say sưa cùng các chất xì ke, ma túy và các thứ độc hại khác. Biết bố thí cúng dường, cung kính hiếu thảo với cha mẹ, hay giúp đỡ sẻ chia vì tình người trong cuộc sống.
Muốn sinh các cõi trời, ta phải biết tu nhân tích đức, tu tâm dưỡng tính, tu mười nghiệp lành, thường xuyên tu tập thiền định và biết buông xả các thói hư tật xấu, tích cực làm các việc thiện lành tốt đẹp, nhằm tự hoàn thiện bản thân và đóng góp lợi ích nhân loại. Nói chung, theo tinh thần của đạo Phật, muốn được quả an vui, hạnh phúc thì ta phải biết gieo trồng phước đức, chứ ta không thể nào cầu nguyện suông mà có được. Mục đích của cầu nguyện nhằm an ủi động viên một số người chưa đủ niềm tin về nhân quả, để giúp họ từng bước vượt qua cuộc sống khổ đau nhiều hơn hạnh phúc, mà vươn lên làm mới lại chính mình.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Chú Lăng Nghiêm: Thần chú uy lực nhất trong Phật giáo
Kiến thức 22:01 22/12/2024Chú Lăng Nghiêm là vua trong các Chú, vì dài nhất và khó nhất trong Phật Giáo. Hầu hết những người xuất gia đi tu, đều phải thuộc lòng Chú Lăng Nghiêm từ lúc mới xuất gia, hoặc cũng có những người thuộc lòng trước khi xuất gia.
Cách tụng thần chú Dược Sư tại nhà Phật tử nên biết
Kiến thức 15:00 22/12/2024Thần chú là bí mật của Chư Phật. Bạn có nhân duyên với chú nào thì tụng chú ấy. Đừng nay tụng Lăng Nghiêm, mai tụng Đại Bi, mốt tụng Dược Sư…
Chép hồng danh Phật sẽ có công đức lớn
Kiến thức 10:57 12/12/2024Chép hồng danh Phật hay chép Nam mô A Di Đà Phật là một trong những phương pháp tiêu nghiệp và giúp tăng phước.
Ngày vía Phật A Di Đà là ngày nào?
Kiến thức 09:11 11/12/2024Ngày vía Phật A Di Đà là ngày tưởng nhớ Đức Phật A Di Đà, tác lễ tri ân công đức mà Ngài đã dày công tạo lập Thế giới cực lạc. Hằng năm ngày vía Phật A Di Đà được tổ chức vào ngày 17/11 âm lịch.
Xem thêm