Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 17/10/2023, 09:00 AM

Các yếu tố làm tiêu hại đời người tu

Có những người xuất gia không tự biết mình là giàu có, là may mắn mà lại đi tìm hạnh phúc và sự giàu có ở một phương hướng khác. Họ đi tìm hạnh phúc ở những chỗ lợi dưỡng và cung kính. Lợi dưỡng và cung kính là hai cái bã dục vọng có thể làm hư đời của một người xuất gia.

Lợi dưỡng tức là tiền bạc, của cải, những phẩm vật cúng dường, làm cho đời sống của mình có vẻ xa hoa, có vẻ sung túc. Chính cái đó làm cho đời sống của người xuất gia hư hỏng. Bụt dạy rằng người xuất gia thì cái tâm và cái hình phải khác người thế tục, và việc ăn uống, ăn mặc, và ăn ở đều phải đơn giản, và luôn luôn phải hơi thiếu một chút. Hơi thiếu một chút về ba điều trên, chữ Hán gọi là Tam thường bất túc, nghĩa là ba cái mình sử dụng hàng ngày là cái ăn, cái mặc và cái ở, đừng khi nào đầy đủ, dư dật quá. Nếu sung túc dư dật quá, sẽ có hại cho đời sống xuất gia của mình. Vì vậy người tu phải nằm lòng bốn chữ Tam thường bất túc. Nếu để thì giờ và công sức để lo cho có nhiều lợi dưỡng, nghĩa là lo cho ba thứ đó càng ngày càng nhiều, thì mình làm hại đời xuất gia của mình.

Yếu tố thứ hai cũng làm hại đời người xuất gia là sự cung kính của người tại gia đối với mình. Khi mặc áo của người xuất gia vào thì mình trở nên biểu tượng của Tăng Bảo. Vì vậy mà người ta nghiêng mình hành lễ. Nếu mình ngu si, mình sẽ tưởng người ta cung kính cái ngã của mình. Sự thật là người ta đang cung kính cái chất liệu Bụt, Pháp và Tăng mà mình đang đại diện.

Hãy tưởng tượng có một lá cờ. Lá cờ đó có thể có nhiều màu sắc, nhưng nó chỉ là một lá cờ thôi. Sở dĩ người ta chào cờ là vì người ta muốn chào một cái gì to lớn hơn lá cờ, đó là một tổ quốc, một bà mẹ của một đất nước. Nếu lá cờ đó dương dương tự đắc thì rất là buồn cười. Tại vì thực sự người ta đang không chào miếng vải đó mà người ta đang chào một thực tại to lớn và quan trọng hơn, chào một đất nước, một dân tộc, mà lá cờ là biểu tượng.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Cũng vậy, nếu người xuất gia mặc áo thầy tu vào, được cung kính mà tưởng là oai lắm, tưởng là tất cả những sự cung kính đó là hướng vào cái ngã của mình, thì mình sai lầm hoàn toàn. Người ta hướng về mình là tại mình là biểu trưng cho Tam Bảo. Khi Phật tử xá mình là lúc họ tiếp xúc với cực hướng thượng trong người của họ. Vì vậy, những lúc Phật tử xá mình thì mình phải biết thực tập như thế nào để lúc đó mình cũng hướng về cực hướng thượng trong mình. Nếu mình chỉ ngồi đó, nhận những lễ lạy của Phật tử và dương dương tự đắc thì lúc đó mình đang hướng hạ. Người đang lạy mình thì đang hướng thượng, mình là người bị lạy lại đang hướng hạ. Đó là một điều rất chua chát, rất trái ngược, rất là buồn cười.

Trong truyền thống Nam tông cũng như Bắc tông, ở đâu cũng có sự cung kính đối với người xuất gia. Những vị xuất gia phải biết rằng sự cung kính đó rất tốt, tại vì khi người ta nghiêng mình trước Tam Bảo thì người ta tự động được đi về cực hướng thượng. Rất tốt cho họ. Nếu mình không thực tập đàng hoàng thì mình đi ngược lại, mình phụ ân Tam Bảo và mình cũng phụ những người đang yểm trợ cho mình trong sự tu học. Cho nên mỗi khi có một sư cô hay sư chú mới xuất gia, tôi thường căn dặn liền lập tức là khi con đã xuống tóc, con đã mặc chiếc áo của người tu rồi thì tự nhiên con trở thành biểu tượng của Tam Bảo.

Khi người ta lạy con, thì con bắt buộc phải để cho họ lạy, con không thể chạy trốn được tại vì con là biểu tượng của Tam Bảo. Vì vậy con phải thực tập ngay ngày đầu tiên con trở thành một vị xuất gia, con phải ngồi đó, con phải thực tập đi về cực hướng thượng ở trong con. Con nên làm điều tối đa mà con có thể làm được. Con ngồi cho thật trang nghiêm, con tiếp xúc với Tam Bảo, con nuôi dưỡng ý thức rằng người ta lạy đây là đang lạy Tam Bảo qua hình tướng xuất gia của con, và người ta không lạy con đâu. Nhờ vậy cái tự hào ở trong con nó sẽ không khởi ra, cho nên dù người ta có lạy mình đến ba ngàn lạy, mình vẫn không tốn một chút phước đức nào hết. Tại vì tất cả những cái lạy mà người ta đang lạy đó, đi qua mình và đi lên Tam Bảo, không vướng bận vào thân tâm ta. Các con phải thực tập điều đó ngay từ khi mới xuất gia thì cuộc đời xuất gia của các con mới không bị hư hỏng. Còn nếu ngay lúc ban đầu mà mình đã vướng vào chuyện lợi dưỡng và cung kính, thì đời tu của mình sẽ hư hỏng liền.

Sự thật là trong giới xuất gia có những người đã trở thành đối tượng của sự kiêu căng, ngã mạn, là tại họ không thực tập chánh niệm, cho nên ngỡ rằng người ta đang quỳ lạy cái ngã của mình. Nghĩ như vậy là sai lầm vô cùng. Đó là một cái bẫy mà người tu phải cẩn thận, rất dễ bị kẹt vào.

Phương pháp để giữ thân, để đừng kẹt vào bẫy lợi dưỡng và bẫy cung kính vẫn là pháp Quy Y Tam Bảo. Có những lúc tôi ngồi truyền giới, có hàng ngàn người thọ giới một lượt, trong đó có những người tai mắt ở trong xã hội, ấy vậy mà tất cả những điều đó không động được đến tôi, tại tôi quán chiếu rằng tất cả những người đang quỳ dưới đó, là đang tỏ lộ sự cung kính đối với Tam Bảo. Mình chỉ là biểu tượng, mình đang giúp họ thực tập sự quay về nương tựa Tam Bảo, và mình phải làm cho tròn bổn phận của mình. Vì vậy mà đối với phương diện cả hình thức lẫn nội dung, mình phải xứng đáng để cho họ có cơ hội tu tạo công đức và tiếp nhận giới Pháp. Như vậy dù có cả mười ngàn người lạy, tôi vẫn thấy an nhiên, bất động.

Sự cung kính của người cư sĩ có thể tưới tẩm hạt giống ngã mạn nơi người xuất gia. Đó là một sự thật, vì vậy người xuất gia phải cẩn thận lắm. Người xuất gia, theo nguyên tắc là phải khiêm nhường hơn các người cư sĩ, tại vì người xuất gia là người anh ở trong đạo Pháp, là người thầy ở trong đạo Pháp, vì vậy những đức tính tốt của mình phải lớn hơn của những người học trò. Nếu người học trò của mình có sự khiêm nhường mà mình không có sự khiêm nhường thì mình đâu có thể là thầy của họ được? Do đó đức khiêm nhường của người xuất gia phải lớn hơn đức khiêm nhường của những người tại gia. Đó mới thật là đúng nguyên tắc.

Trong thực tập hàng ngày, mình phải dùng chánh niệm để quán chiếu, để thấy những hạt giống của rác ở trong mình có càng ngày càng lớn lên không? Chúng có đang càng ngày càng được chuyển hóa để tiêu diệt hay không? Điều này rất là quan trọng. Đồng thời chúng ta cũng phải quán chiếu để xem những chất liệu của vững chãi, của thảnh thơi, của hạnh phúc, có đang càng ngày càng phát triển trong chúng ta hay không.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Thân và tâm chính là cánh cửa để người học Phật bước vào chân lý

Kiến thức 17:05 22/11/2024

Người học Phật phải lấy thân này làm nơi để thực hành giới, lấy tâm này làm nơi để thực tập định và tuệ. Khi thân và tâm được thanh lọc qua quá trình thực hành, thì người học Phật cũng từng bước đi đến sự giác ngộ và giải thoát.

Tu hành là gì? Như thế nào gọi là tu hành?

Kiến thức 10:00 22/11/2024

Mọi người nhất định không nên hiểu lầm, hiểu sai đi ý nghĩa của hai chữ tu hành này. Như thế nào gọi là tu hành?

Bố thí sinh phiền não

Kiến thức 09:32 22/11/2024

Thuở xưa, khi mà Ngài Xá-lợi-phất đang tu Bồ-tát đạo, công phu tu tập chưa được vững. Một hôm có người Bà-la-môn đến thử Ngài. Họ nói: - Người tu hạnh Bồ-tát cần phải bố thí. Tôi nay có chút việc đến xin Ngài giúp cho.

Tâm là gì?

Kiến thức 09:16 22/11/2024

Trong chữ Hán, chữ (心) được mô tả bằng bốn câu thơ như sau: “Tam điểm như tinh tượng/ Hoành câu tợ nguyệt tà/ Phi mao tùng thử đắc/ Tố Phật dã do tha”.

Xem thêm