Cảm xúc thiền để đạt được giác ngộ cao nhất
Thiền và cảm xúc có một mối quan hệ mật thiết với nhau trong quá trình tu tập, chuyển hoá tâm cho đến khi đạt được mục đích giác ngộ và giải thoát.
>>Phật tử có thể đọc thêm loạt bài về Thiền định
Thiền, có xuất xứ từ Ấn Độ cổ đại, được xem là một phương pháp giáo dục con người một cách toàn diện, hướng con người đến chân – thiện – mỹ, rèn luyện con người phát triển thể lực và trí lực một cách hài hoà và tốt đẹp. Giá trị lý luận và thực tiễn của nó càng được khẳng định khi hiện nay trên toàn thế giới, nhất là các nước phương Tây đã và đang quan tâm, và hướng về nó một cách tích cực.
Khoa học ngày nay với những thí nghiệm tiên tiến về hai khía cạnh tâm lý và sinh lý của con người càng thấy rõ sự tương tác qua lại rất chặt chẽ giữa chúng với nhau: một nỗi buồn, vui, giận hờn, thương yêu, lo lắng hay an nhiên tự tại… đều làm cơ thể tiết ra những hóc môn tương ứng có thể dẫn đến những nguy cơ bịnh tật, tử vong hoặc ngược lại có thể làm cho con người vượt qua những khổ đau của tâm sinh lý, của bịnh tật.
Nhật Bản, một nước châu Á nhưng là một cường quốc kinh tế thứ nhì hay thứ ba của thế giới hiện nay, đã từ lâu biết ứng dụng thiền vào mọi hoạt động của con người và ta được biết như là: trà đạo, kiếm đạo, nhu đạo, cung đạo, hoa đạo…Đạo ở đây có nghĩa là thiền và cũng có nghĩa là nghệ thuật. Vào buổi chiều, sau khi tan việc trên đường về nhà, vị thương gia ghé vào một phòng trà đạo, và chỉ sau khoảng nửa giờ với những nghi thức dùng trà là vị ấy hầu như hồi phục lại toàn bộ sinh lực đã mất trong ngày. Cũng vì “tự mặc cảm” thấy mình không xinh đẹp như một nữ diễn viên Mỹ mà hơn 80% số nữ sinh học lớp Tám ở Anh Quốc mắc bịnh trầm cảm. Tâm trí quả thật đóng một vai trò sinh tử đối với sức khoẻ của con người.
Tiến sĩ Girish D. Patel là bác sĩ tâm lý học tại Mumbai (Ấn Độ), đã có trên 5.000 buổi thuyết trình ở 40 nước với những bài nói thu hút về “Sức khỏe trong tầm tay bạn” – những kỹ năng quản lý cuộc sống cho những cá nhân.
Thông qua Trung tâm Các giá trị sống (TP.HCM), ông đã có những buổi nói chuyện ở Việt Nam. Ông trao đổi về phép luyện tâm hồn như sau:
Một câu chuyện như thế này: Có một cô bé 12 tuổi bị tai nạn và mất. Người cha khóc nhiều tháng trời vẫn chưa nguôi nỗi đau. Một đêm, ông ta khóc rồi chìm vào giấc ngủ, mơ thấy rất nhiều thiên thần. Người cha mừng rỡ và vui mừng vì thấy con gái mình cũng trở thành một trong những thiên thần đó. Song niềm vui vụt tắt khi ông nhìn thấy tất cả ngọn nến trên tay các thiên thần đều sáng, chỉ riêng ngọn nến trên tay con gái ông là tắt. Ông tiếp tục buồn rầu và khóc.
Ông hỏi cô con gái: “Tại sao ngọn nến của con không sáng?”. Người con trả lời: “Cha yêu quý, những người bạn thiên thần của con rất tốt bụng, họ cứ thắp mãi cho ngọn nến của con cùng cháy. Nhưng hễ nến vừa sáng lên thì giọt nước mắt của cha nhỏ xuống lại làm nó tắt đi, không sáng được”. Người cha từ đó không khóc nữa và sống hạnh phúc.
Câu chuyện cho thấy trái tim hiểu ngôn ngữ của cảm xúc và thường bị vùi dập bởi những cảm xúc đau buồn. Còn những xung đột thường nảy ra từ cái đầu: suy đoán, tổn thương… Chỉ có tìm ra logic hợp lý mới chữa trị được cái đầu của mình. Nhưng phải biết kết hợp giữa cái đầu và trái tim để kiểm soát tâm trí. Muốn vậy phải có phương pháp luyện tâm hồn. Các nhà khoa học cũng đã nghiên cứu cho thấy 70% bệnh của con người là từ tâm bệnh mà ra, 30% còn lại mới do di truyền, thể xác, môi trường…
Cơ sở lý luận của Thiền là: Sự tập trung tư tưởng. Khi bộ óc được tập trung vào một đối tượng thì tạo ra một sức mạnh nội tâm như một ngọn đèn pha chiếu sáng, khiến thấy rõ mọi sự vật; trong khi đó nó làm ức chế và khiến những phần còn lại của vỏ não được nghỉ ngơi, thanh thản. Tâm trí người thường tán loạn, vọng tưởng, chạy theo những tham muốn bất thiện gây ra những hậu quả đáng tiếc về mặt đạo đức, luật pháp… Phương pháp thực hành Thiền có nhiều cách, nhưng có một cách đơn giản mà hiệu nghiệm, đó là: Quán tưởng hơi thở. Vị ấy ngồi yên lặng, lưng thẳng, mắt khép lại và để ý hơi thở vô, ra. Hơi thở này đang đi vào, vị ấy rõ biết như vậy; hơi thở này đang đi ra, vị ấy rõ biết như vậy. Trong khi đang theo dõi hơi thở như vậy, nếu có những hình ảnh, kỷ niệm, suy nghĩ, cảm xúc dù chúng có đẹp hay xấu, vui hay buồn thì vị ấy đừng để ý hay bận tâm, phê phán. Sau một thời gian lâu hay mau, tuỳ theo sự nỗ lực của từng người mà sẽ có hiệu quả sớm hay muộn.
Thước đo kết quả của sự luyện tâm là vị ấy cảm thấy sức khoẻ thân tâm của mình ngày càng được tốt hơn: ngủ ngon giấc không chiêm bao mộng mị, bớt lo lắng phiền não, vui vẻ, tập trung vào công việc đang làm một cách tự nhiên. Một sự luyện tâm như vậy sẽ dần tạo ra một phản xạ có điều kiện mới thay thế cho những thói quen xấu cũ.
Đức Phật dạy, cảm xúc là một phần hoạt động của quá trình duyên sinh của tâm. Do sáu căn tiếp xúc với sáu trần mà có sáu thức, sáu thức duyên sinh sáu xúc, xúc duyên sinh thọ, thọ duyên sinh tưởng, tưởng duyên sinh hý luận và vọng tưởng. Cảm xúc hay cảm thọ do các yếu tố cấu thành nên nên chúng không có tính bền vững và chỉ hiện hữu tạm thời.
Thiền có hai phần: Chỉ và Quán. Ta có thể áp dụng xen kẻ Chỉ và Quán trong khi ngồi thiền. Nếu chỉ áp dụng Chỉ thôi thì tâm dễ bị hôn trầm và nếu chỉ áp dụng Quán thôi thì tâm dễ bị tán loạn. Đức Phật dạy, một người nội trợ khéo tay thì khi xào nấu một món ăn người này thường dùng thìa trở qua trở lại món ăn nếu không thì món ăn sẽ bị cháy khét.
- Chỉ là an trú hay cột tâm hay tâm rõ biết hơi thở này vô, hơi thở này ra. Có hai cách an trú tâm vào hơi thở: a) Tâm rõ biết hơi thở trên một đường thẳng từ mũi đến bụng dưới , hoặc b) Tâm rõ biết một điểm ở giữa hai ống mũi mà hơi thở đi qua. Thời gian đầu, người ta thường đếm hơi thở từ 01 đến 10 rồi tiếp tục đếm lại từ 01 đến 10. Việc đếm hơi thở này giúp hành giả dễ tập trung tư tưởng và tránh được hai chướng ngại là hôn trầm và tán loạn. Trong khi an trú tâm như vậy, nếu có bất kỳ hiện tượng nào như hình bóng, cảm xúc, kỷ niệm, lo âu… hiện ra trong đầu thì cứ để chúng xuất hiện tự nhiên, không đè nén chúng, không có khen, chê hay phê phán chúng và hãy quay về an trú và đếm hơi thở. Sự huấn luyện tâm hay thiền chỉ này sẽ đưa đến định lực hay tâm giải thoát.
- Quán là phân tích, xem xét và thâm nhập vào hay sống với ý nghĩa của 16 đề tài thiền quán, 4 đề tài liên hệ đến thân, 4 đề tài liên hệ đến cảm thọ, 4 đề tài liên hệ đến tâm và 4 đề tài liên hệ đến pháp. Phép thiền quán như vậy sẽ giúp hành giả thấy được bản chất vô thường, sinh diệt, mỏng manh của mọi thứ như trong tay cầm một cục nước đá đang tan chảy. Do vậy tâm trí rời bỏ, không tham đắm hay bám víu và thành tựu tuệ giải thoát.
Thật sự, Chỉ và Quán luôn được sử dụng chung trong khi hành thiền và đưa hành giả chứng đạt đích cuối cùng là giác ngộ và giải thoát khỏi mọi phiền não, khổ đau.
Thiền là một pháp môn đặc biệt mà đức Phật gọi là “Eko maggo” (độc lộ dẫn đến giải thoát) và Pháp của ngài giảng có tính thiết thực hiện tại, đến để thấy và chứng nghiệm “Ehi passiko”, không phải đến để tin một cách mù quáng như đoàn người mù dắt nhau đi, người đầu tiên không thấy và người đi cuối cùng cũng chẳng thấy! Thiền hẳn sẽ mang lại niềm hạnh phúc vô biên ngay hiện tại cho tất cả mọi người.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Các bài Phục nguyện sau khi tụng kinh
Kiến thức 19:30 31/10/2024Dưới đây là mẫu bài phục nguyện cho những người sơ khai, mới tu theo Phật. Còn những vị tu lâu, với đức độ sâu dày, chỉ cần nguyện một câu, cũng hơn ngàn lời của những người thường.
Tứ như ý túc: Bốn pháp đầy đủ như ý
Kiến thức 18:30 31/10/2024Nói như ý là vì khả năng làm chủ, hướng tâm thành tựu các pháp theo ý muốn. Nói là thần vì linh diệu thông suốt không chướng ngại.
Tu hành theo hạnh Dược Sư, chữa lành thân tâm bệnh của chính mình
Kiến thức 13:10 31/10/2024Phật Dược Sư hiểu rõ được những tâm tư nguyện vọng mong muốn của chúng sanh con người, nên phát ra lời nguyện đáp ứng được mọi ước mơ thực tế. Chỉ cần chúng sanh thật tâm tin tưởng biết tu tâm dưỡng tánh nương theo nguyện lực của ngài thì sẽ đạt như ý nguyện.
Yêu thương hơn, hạnh phúc hơn bằng phương pháp “Quán từ bi”
Kiến thức 12:00 31/10/2024Thực hành phép "Quán Từ Bi", một pháp môn rất vi diệu trong Phật Pháp, được Đức Phật hết sức tán thán, ca ngợi về cả công đức thù thắng, lớn lao, cũng như ý nghĩa quan trọng trong việc tu hành viên mãn đức hạnh.
Xem thêm