Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 07/11/2024, 14:12 PM

Chính ngữ: giải pháp phòng, chống bạo hành bằng lời nói

Đức Phật đã coi việc rèn luyện chính ngữ rất quan trọng đến sự phát triển cá tính và tâm linh.

Chánh ngữ là một trong tám yếu tố của Bát chánh đạo bao gồm: Chánh kiến (P: sammādiṭṭhi, C: 正見), Chánh tư duy (P: sammāsaṅkappa, C: 正思惟), Chánh ngữ (P: sammāvācā, C: 正語), Chánh nghiệp (P: sammākammanta, C: 正業), Chánh mạng (P: sammāājīva, C: 正命), Chánh tinh tấn (P: sammāvāyāmo, C:正精進), Chánh niệm (P: sammasati, C: 正念), Chánh định (P: samāsamādhi, C: 正定). Tám yếu tố với mục đích là phát triển và kiện toàn ba khía cạnh cốt yếu trong sự tu tập gồm: Giới-định-tuệ, trong đó Chánh ngữ là một trong ba chi phần (Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng) thuộc về giới.

Chánh ngữ được hiểu là lời nói chân chánh. Đức Phật đã coi việc rèn luyện chánh ngữ rất quan trọng đến sự phát triển cá tính và tâm linh. Ngài dạy, chánh ngữ có bốn đặc tính: chúng là những lời nói chân thật; chúng khiến người ta phấn khởi; chúng nhẹ nhàng, không thô lỗ hay cộc cằn; chúng khiêm cung, không vô ích hay vô nghĩa (1). Chánh ngữ trong Tứ diệu đế giống với điều đạo đức thứ tư trong năm điều đạo đức (ngũ giới) gồm có bốn phương diện: Lời nói đúng với sự thật; lời nói xây dựng và đoàn kết; lời nói có văn hóa; lời nói có giá trị và mang lại lợi ích. Như vậy, giới thứ tư này không chỉ không được nói dối mà còn có ba phương diện được xem là rất quan trọng trong truyền thông.

Trong xã hội ngày nay, khi mà “truyền thông có một sức mạnh, sự tương tác rất cao trong thiết chế xã hội hiện tại, nó định hướng dư luận, điều tiết xã hội, giáo dục xã hội… không đơn giản” (2). Do đó, những lời nói dối, lời nói không mang tính xây dựng, những lời nói vô văn hóa, không mang lại lợi ích như bịa đặt, nói xấu người khác; vu khống, hăm dọa; đăng những thông tin không đúng, sai với sự thật lên mạng xã hội,… chính là một trong những dạng bạo hành gây ra những hiểm họa không thể lường được.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Do đó, cần phải chấn chỉnh lại tình trạng này, không thể để hành vi bạo hành trên mạng xã hội cứ mặc sức hoành hành, ngày càng gia tăng và ra sức tàn phá các giá trị, nền tảng xã hội, gây hại cho rất nhiều người, làm suy thoái các giá trị đạo đức của con người cũng như xã hội (3).

Theo cách chấn chỉnh của Phật giáo là vấn đề giáo dục đạo đức cho mọi người thông qua việc thực hành chánh ngữ, dùng những lời nói đúng với sự thật; lời nói xây dựng và đoàn kết; lời nói có văn hóa và nhân cách; lời nói có giá trị và mang lại lợi ích trong đời sống, trong các mối quan hệ xã hội là để phát triển những giá trị đạo đức con người cũng chính là để đẩy lùi nạn bạo hành bằng lời nói.

Lời nói đúng với sự thật: Đặc tính đầu tiên của chánh ngữ

“Đức Phật dạy chúng ta đừng bao giờ nói dối dầu vì lợi ích của bản thân, hay lợi ích của ai đó, hay vì bất cứ sự lợi ích gì” (4). Nói đúng sự thật để tạo uy tín cho người phát ngôn, tránh được sự hiểu lầm, để giá trị của sự thật được hiển bày. Đức Phật đã đưa ra những tình huống mà Ngài nói hay không nói. Nếu lời nói nào không như thật, không có mục đích, khiến những người khác không ưa, không thích thì Ngài không nói. Lời nói nào đúng sự thật, nhưng không có mục đích và khiến những người khác không ưa, không thích thì Ngài không nói. Và lời nói nào như thật, có mục đích, nhưng khiến những người khác không ưa, không thích thì đức Phật vẫn chọn thời điểm thích hợp để nói. Lời nói nào không như thật, không có mục đích, nhưng lại khiến những người khác ưa thích, dù vậy đức Phật vẫn quyết không nói. Lời nói nào như thật nhưng không có mục đích, và được những người khác ưa thích, đức Phật vẫn không nói. Và lời nói nào như thật, có mục đích, được những người khác ưa thích thì đức Phật tuyên bố (5).

Với đặc tính đầu tiên của chánh ngữ là lời nói đúng với sự thật, đức Phật muốn con người phải biết tôn trọng nhau trong các mối tương tác bằng lời nói, với uy tín rằng, những gì mình nói không bao giờ là giả dối, bịa chuyện, không có nói cho có, có biến thành không… vì những thêu dệt, mô tả sự vật hiện tượng không đúng với bản chất của chúng sẽ làm cho người phát ngôn mất đi uy tín đối với mọi người cùng với những hậu quả không lường đằng sau những phát ngôn không đúng sự thật.

Lời nói xây dựng và đoàn kết: Đặc tính thứ hai của chánh ngữ

Ở đặc tính này, lời nói được hiểu là phải từ bỏ tình huống nói lưỡi đôi chiều, đến người này nói xấu người kia, đến người kia nói xấu người này, gây sự hiểu lầm giữa hai người, làm cho hai bên đang thuận hòa trở thành gây hấn, đang đoàn kết trở nên chia rẽ, đang thân trở nên thù. Ngoài việc không nói lưỡi đôi chiều thì ở nội dung này cũng được hiểu là cả những gì khi không hiểu rõ về nó, không biết đó có đúng với sự thật không thì cũng không nên phát biểu, truyền bá nó, tung tin lên mạng xã hội, gây hoang mang cho cộng đồng, hoặc gây thù hiềm, có khi dẫn đến tình trạng khẩu chiến, thậm chí là đánh đập, đâm chém… Các mối tương quan có thể xây dựng trong một thời gian dài, nhưng chỉ cần một vài lời nói hai lưỡi thì mối quan hệ đó xem như sụp đổ. Do vậy, dùng lời nói xây dựng và đoàn kết là một trong những giải pháp để chấm dứt nạn bạo hành xã hội, mà cụ thể ở đây là bạo hành bằng lời nói.

Lời nói có văn hóa: Đặc tính thứ ba của chánh ngữ

Ở thời đại nào thì lời nói trong văn hóa ứng xử vẫn được xem là thước đo về phẩm chất đạo đức của một con người, và là chìa khóa đưa đến sự thành công. Dựa vào lời nói mà người ta đánh giá những chuẩn mực đạo đức và nhân cách của người đó. Điều này được thấy qua rất nhiều câu ca dao xưa như:

“Chim khôn kêu tiếng rảnh rang/ Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”, “Người thanh tiếng nói cũng thanh/ Chuông kêu chuông đánh bên thành cũng kêu”.

Từ những lời không hay, không đẹp, thậm chí là lố bịch, vô văn hóa mà xảy ra những chuyện lục đục trong gia đình, nghi ngờ thắc mắc trong cơ quan, bất ổn trong dư luận xã hội. Có người nói ra rồi muốn hối, muốn sửa thì đã muộn, bởi vì lời nói phát ra rồi sẽ không bao giờ thu lại được. Không ít trường hợp chỉ vì một lời nói vội vàng, nóng nảy, thiếu suy nghĩ mà đã gây nên sự thù hận, oán ghét suốt cả đời, thậm chí xung đột, gây ra tai họa.

Vì thế, đặc tính thứ ba của chánh ngữ là tránh xa những lời nói thiếu văn hóa, cộc cằn, thô lỗ, chính là để chấm dứt những xung đột, những hành vi bạo hành do những lời nói thiếu văn hóa, cộc cằn, thô lỗ gây ra.

Lời nói có giá trị và mang lại lợi ích: Đặc tính thứ tư của chánh ngữ

Lời nói có giá trị và mang lại lợi ích là tiêu chí quan trọng của lời nói. Trong Kinh Tăng Chi Bộ đức Phật đã dạy: “Thành tựu năm chi phần, này các Tỳ kheo, các lời là thiện thuyết, không phải ác thuyết, không có phạm lỗi và không bị những người có trí chỉ trích. Thế nào là năm? Nói đúng sự thật, nói đúng thời, nói lời nhu hòa, nói lời liên hệ đến lợi ích, nói lời với từ tâm” (6).

Nói đúng sự thật để tạo uy tín cho người phát ngôn, tránh được sự hiểu lầm, để giá trị của sự thật được hiển bày. Tuy nhiên, cũng tùy từng trường hợp mà sự thật đó nên nói hay không nên. Không phải bất cứ sự thật nào khi nói ra cũng đều mang lại giá trị lợi ích cho mình và người, do đó phải chờ đúng lúc mới nói, không giấu nhẹm hay tuyên bố sai sự thật.

Lời nói phát ra cũng phải nhu hòa, lời nói dễ nghe, không có tính chất gây sốc, khiêu khích, gây chiến… làm cho người ta hoang mang, lo sợ. Lời nói nhu hòa không mang tính chất áp đặt, cho rằng mình có quyền được phát ngôn như vậy, người nghe không được quyền phản bác mà phải chấp nhận. Chính thái độ nói này đã làm cho bạo hành phát sinh, cụ thể như bạo hành gia đình do thói gia trưởng của người chồng, bạo hành nơi công sở do thói cậy quyền, ỷ thế của người ở địa vị cấp trên,…

Mục đích của mọi sự chia sẻ thông qua truyền thông là làm thế nào để người nghe được lợi ích an vui và hạnh phúc. Lời nói khi phát ra phải là lời nói mang lại giá trị lợi ích. Nếu lời nói không phải là sự thật, không có mục đích, làm cho người nghe không thích thì không nên nói. Nhất là hiện nay, khi truyền thông có một sức mạnh vô cùng to lớn. “Nhờ truyền thông mà con người được gắn kết với nhau. Truyền thông cung cấp thông tin đời sống, pháp luật, mang toàn bộ tri thức trên thế giới cho toàn dân. Truyền thông là tiếng nói, là phương tiện bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân…(7) Nhưng nhiều người lại lạm dụng truyền thông, dùng những lời lẽ khiếm nhã để xúc phạm người khác, hành vi này không những vi phạm về đạo đức mà còn là hành vi phạm tội theo quy định của pháp luật.

Đối với từ tâm thì lời nói phải được xuất phát từ tình thương và thái độ thiện chí, để người nghe cảm nhận được tình thương đó và nghe theo những lời nói mang tính chất góp ý, khuyên bảo của mình, để họ tháo gỡ những khúc mắc hoặc bế tắc trong cuộc sống của họ. Và mục đích của lời nói từ tâm là làm sao đạt được kết quả như mình mong muốn là mang lại những giá trị chuyển hóa tâm linh cho người nghe

Như vậy, đạo đức trong lời nói (chánh ngữ) như lời Phật dạy, đó là những lời khi phát ngôn phải luôn được cân nhắc: “Đúng thời hay phi thời, chơn thực hay không chơn thực, nhu nhuyến hay thô bạo, có lợi ích hay không lợi ích, với từ tâm hay với sân tâm” (8) để phát triển những giá trị đạo đức của một con người, cũng chính là để chấm dứt nạn bạo hành bằng lời nói, là một trong những vấn nạn xã hội hiện nay.

Chú thích:

1. Henepola Gunaratana (2009), Bát chánh đạo con đường đến hạnh phúc, Diệu Liên Lý Thu Linh (dịch), Nxb Phương Đông, tr. 151.

2. Thích Nhật Từ (2019), Quan điểm Phật giáo về cách mạng công nghiệp 4.0 & môi trường bền vững, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr. 65.

3. Vu khống, nói xấu trên mạng xã hội: Chẳng lẽ bó tay! http://ptbeta.mastercms.org/vu-khong-noi-xau-tren-mang-xa-hoi-chang-le-bo-tay-559613.html. Truy cập ngày 26 thg 12, 2019.

4. Henepola Gunaratana (2009), Bát chánh đạo con đường đến hạnh phúc, Diệu Liên Lý Thu Linh dịch, Nxb Phương Đông, tr. 154.

5. Kinh Trung Bộ, tập I, Thích Minh Châu dịch, (2017), tr. 484.

6. Kinh Tăng Chi Bộ, tập II, Thích Minh Châu dịch, (1996), Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr. 701.

7. Truyền thông là gì và sức mạnh của truyền thông hiện nay. http://vietintravel.com/truyen-thong-la-gi-va-suc-manh-cua-truyen-thong-hiennay. Truy cập ngày 29 thg 2, 2020.

8. Kinh Trung Bộ, tập I, Thích Minh Châu dịch, ( 2017): tr. 167.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Tuổi nào cho em

Góc nhìn Phật tử 13:43 22/11/2024

Tôi vác ba lô trên lưng trở về sau chuyến hành trình nơi đất khách, trong hành trang tôi mang vài thứ từ quê xa làm quà cho anh em. Vừa bước vào cổng chùa nghe hơi lạnh… thoáng mùi chia ly.

Đạo Phật là lối sống đẹp để hướng đến việc hoàn thiện bản thân

Góc nhìn Phật tử 10:24 22/11/2024

Trong cuộc hành trình tìm kiếm ý nghĩa đích thực của cuộc đời, Đạo Phật xuất hiện như một ánh sáng soi đường, giúp con người thấu hiểu chính mình và hoàn thiện bản thân.

Để Sư nấu

Góc nhìn Phật tử 10:06 22/11/2024

Cách đây chừng sáu năm, ngày đó tôi đang là một sinh viên năm thứ ba, sống chung phòng trọ với bảy người bạn nữa ở khu Làng Đại Học Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy chung trọ nhưng chẳng ai cùng quê với nhau cả, Bắc – Trung – Nam đều có.

Nói xấu người

Góc nhìn Phật tử 09:51 22/11/2024

Đã nhiều lần tự hứa với bản thân sẽ không bao giờ nói xấu người khác, thế nhưng đâu cũng lại vào đó, cứ hễ tụm năm tụm ba là không nói chuyện của người này cũng nói người khác, hoặc khi ai đó nói về chuyện của người khác dù không nói ra nhưng vẫn có những ý nghĩ xấu, không tốt về họ.

Xem thêm