Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 11/01/2024, 13:30 PM

Chùa tôi - cõi về

Chẳng biết tự bao giờ, xấp xỉ những hai ngàn năm có lẽ… hình ảnh ngôi chùa thân thương ngự giữa xóm thôn, hay nơi phố xá sầm uất đã là trung tâm tín ngưỡng, đã là điểm tựa văn hóa tâm linh của dân tộc Việt.

Đúng như Huyền Không – Mãn Giác từng trải nghiệm: “Mái chùa che chở hồn dân tộc. Nếp sống muôn đời của tổ tông” (Nhớ chùa). 

Trên nền tư tưởng từng được minh định qua quá trình lịch sử vượt ngưỡng thời gian ấy, thầy Thích Thiện Đạo với thủ pháp trực khởi đã minh thị cụ thể mồn một hình ảnh ngôi chùa ngay nơi những câu thơ đầu tiên của bài thơ Chùa tôi - Cõi về.

Chùa tôi ngự ở giữa làng

Lũy tre ấm áp, trăng vàng lung linh

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Vâng, hình ảnh mái chùa về mặt địa lý có thể tọa lạc nơi nào đó giữa xóm thôn bình dị, giữa làng nước Việt Nam; nhưng về mặt tâm linh, hình ảnh thân thương cố kết sắt son ấy từng đã in đậm dấu ấn trung tâm lên tâm thức nhiều người Việt, nơi nếp nhớ, nếp nghĩ của mỗi người dân đầu thôn cuối xóm. Đâu đấy, hay lúc nào đó có thể có những người lỡ bước tha phương, dặm ngàn viễn khách, bất giác đôi khi nhớ làng, nhớ quê, nhớ nước ngay lập tức hình ảnh đầu tiên mà họ nhớ đến chính là hình ảnh mái chùa, và lập tức họ cảm nhận ra, tiếp xúc được với nguồn hạnh phúc ngỡ là mộc mạc đơn sơ, nhưng tác động của nó lại vô cùng phấn chấn dào dạt. Niềm hạnh phúc ngọt ngào ấy hệt như một nguồn năng lượng nhiệm mầu dang vòng tay ôm trọn lấy mình:

Ai về ghé mái chùa xinh

Tắm trăng giữa tháng… thắm tình quê xưa

Vì sao mỗi khi về lại quê nhà, lên thăm mái chùa xinh xinh thì lại được mơ màng tắm trăng giữa tháng, lại nghe lòng mình thắm lại tình quê? Thật vậy, có lẽ đã tự ngàn xưa ngôi chùa làng dãi dầu bao nắng bao mưa, đã gắn bó máu thịt, cố kết với dân làng, một nắng hai sương, đầu tắt mặt tối, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời... Ẩn mình sau lũy tre xanh, núp bóng dưới cội bồ đề, mái chùa quê với thầy tu chân quê, nâu sồng chân đất, đầu tròn áo vuông, thủy chung làm tròn vai trò sứ giả Như Lai, chung chịu gian nan, chung vui hạnh phúc cùng mười phương thiện tín, cùng chú bác bà con nơi ngôi chùa thân thương nhỏ bé của mình:

Chùa tôi cõng nắng gánh mưa

Chia cơm sẻ áo cho vừa thương nhau

Chùa tôi vọng tiếng kinh cầu

Thôn trên xóm dưới thuộc câu nhiễu điều.

Thầy Thích Thiện Đạo – tác giả bài thơ – đã xuất thần khắc họa đường nét ngôi chùa nơi bài thơ Chùa tôi - cõi về điêu luyện, tài tình đến thế, hỏi mấy ai làm được? Câu hỏi người thưởng lãm đặt ra như một thách thức để chiêm nghiệm, tự thân nó đã ngầm có một câu trả lời: Tất cả những ông thầy chơn chất, giàu lòng từ bi, đồng sự với bà con làng xóm dân dã… thảy đều dễ dàng cảm thụ, nhận biết những gì thầy Thích Thiện Đạo với ngôn phong bình dị biểu cảm nơi bài thơ nầy. Đôi khi các vị chơn tu đạo hạnh, họ không nói được cách nói của thầy, nhưng tiếng lời ái ngữ thân thương của các vị ấy bộc lộ ra chất trực nơi hành vi, cử chỉ đẹp nên thơ, các vị không làm thơ… nhưng phong cách chư vị hình như nhập một vào thơ, nhập một với hành ảnh mái chùa:

Chùa tôi bóng ngả về chiều

Khói lam vương nhẹ, bao nhiêu tự tình

Chùa tôi ngập ánh bình minh

Sen từ thơm ngát, đinh ninh lối về.

Thật đẹp thay, mái chùa Việt Nam thân thương giữa xóm thôn, chiều chiều quyện làn khói lam nhè nhẹ như mọi mái nhà trong xóm trong thôn, mỗi sớm mai chùa cùng chung chia ánh nắng huy hoàng rực rỡ. Đã từ muôn thuở, mái chùa làng vẫn ngan ngát hương sen đón đưa hạ về, thu đến… Chính hương sen ấy là sử giả dắt đường chỉ nẻo cho thiện tín nhận ra, và đinh ninh thấy rõ duy nhất một lối về cho cả đời mình, không nơi nào khác, không chỗ nào khác. Chốn ấy, cõi về ấy phải chăng là bỉ ngạn, là bến giác ngộ, là bờ giải thoát!

Chùa tôi như một con đê,

Ngăn dòng nước đục tràn về lợi danh.

Lại là một thủ thuật ý tại ngôn ngoại, dĩ văn tải đạo? Thơ cứ như chẳng chở đạo chút nào… mà thực là chở đạo thật nhiều nhiều đấy. Tác giả chẳng cần đưa ra một lời khuyên nhủ bảo ban nào cả, mà chỉ cần mượn thơ, mượn thi ảnh… cho người đọc thấy sức mạnh đạo đức tiềm tàng nơi ngôi chùa ấy. Hình ảnh mái chùa chỉ như là một con đê nhỏ, nhưng con đê nhỏ ấy đủ sức mạnh, thừa năng lực ngăn bao dòng nước đục tràn về. Ôi những thứ nước đục lợi danh, thứ nước đục làm hư đốn nhân sức mạnh ấy ai đã về được chỗ về, ai đã về được cõi về ấy thảy đều thấy lòng mình thảnh thơi, an lạc, thảy đều được an trú trong pháp lạc nhiệm mầu:

Chùa tôi rợp bóng tre xanh

Chở che ấp ủ dân lành sớm khuya

Ai đã về đến thì thảy đều thấy mình được vỗ về, an ủi, được bảo vệ chở che những chiều, những sớm, những khuya. An trú bình yên trong phép lục hòa, không ai cạnh tranh hơn thua với mình, không ai kèn cựa cao thấp với mình. Tất cả đều được an trú nơi niềm vui hiện pháp, thực tại. Ngan ngát đâu đó hương hoa cau như ôm ấp lấy cả thân mình. Chập chờn trong mắt chúng ta thấy ẩn hiện những cánh chim, loài chim cánh trắng, văng vẳng đâu đây tiếng hót ca lăng tần già ngọt lịm nhắc nhở chúng ta về thế giới tánh cảnh thậm thâm. Tự thân chúng ta như đang được trở về hội nhập với suối nguồn vi diệu của đời sống xưa:

Chùa tôi nhẹ thoảng hương cau

Nhẹ điều thương ghét, niệm câu Di Đà

Chuông khuya lay bóng trăng tà

Con chim cánh trắng la đà cõi tâm

Ai về ngọt lịm pháp âm

Ta về tự tánh, thậm thâm suối nguồn

Năm mươi năm trước, thi sĩ Thiền sư Huyền Không – Mãn Giác như đã nói ở trên, từng viết bài thơ nhớ chùa, nhờ có lý tưởng xuất gia, thầy bỏ quê nhà mà đi, bỏ thôn bỏ xóm, xa mái chùa làng, nhớ thương mái chùa quê hương bé nhỏ, thầy đã lưu lại tuyệt tác nhớ chùa với những câu thơ hay, biết bao Phật tử từng thuộc nằm lòng:

Tự thuở ra đi vắng bóng chùa

Đường đời đã nhọc chuyện hơn thua

Trong tôi bừng dậy niềm chua xót

Xao xuyến mơ về lại cảnh xưa

Thầy Huyền Không – Mãn Giác đã phải xa chùa rồi mới nhận ra nỗi nhớ thương, niềm an lạc hạnh phúc mái chùa đã khắc ghi trong tâm, nay thầy Thiện Đạo ngay nơi chùa mình đang ở, thầy đã thấy rõ mặt mũi xưa nay của ngôi chùa, Thầy gọi đích xác mái chùa thân thương ấy chính, là cõi về của mình, trụ xứ an lạc, an nhiên của mình:

Sắc không hiện giữa chân thường

Trời chân như ấy ngát hương cõi về

Hình tượng ngôi chùa thân thương trong nền thi ca văn học Phật giáo Việt Nam, sau tuyệt tác nhớ chùa của thầy Huyền Không, ngày nay lại có thêm chùa tôi - cõi về của thầy Thích Thiện Đạo.

Chúng ta hãy thử chiêm nghiệm, gạt bỏ mọi khái niệm nhận thức, gạt bỏ mọi cám dỗ lục trần, lục thức hãy thử khe khẽ ngâm nga những câu thơ, lắng lòng mà nghe âm hưởng vọng về, từ cấu trúc câu thơ lục bát Việt Nam:

Sắc không hiện giữa chân thường

Trời chân như ấy ngát hương cõi về

Phải chăng đây là tiếng hát ru của mẹ thuở nào đã ngấm sau vào tâm thức, máu thịt mình. Rồi phản văn tự tính, cứ như một kẻ du ca, biết đâu sẽ về tới cõi về của chính mình. Thật hạnh phúc thay!

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Sự tiến hóa nào cũng cần đánh đổi

Góc nhìn Phật tử 09:50 02/11/2024

Nhân duyên quả là một tiến trình mà không phải mắt thường có thể nhìn thấy, nếu không nội quán huân tu, khai mở tâm trí để thấy rõ cội nguồn tử sinh mà thôi tạo tác, thì mỗi chúng sanh phải chịu từng khổ vui của sự sống chết để học hết bài học của nhân quả, ái luyến, chấp thủ, luân hồi...

Hạnh phúc khi biết an trú tâm trong hiện tại, bây giờ và ở đây

Góc nhìn Phật tử 08:30 02/11/2024

Có một người khi sanh tiền rất hiền lương, hay giúp đỡ người khác nên sau khi chết sanh lên thiên giới và được phong làm thiên sứ. Thiên sứ thường xuống trần gian làm việc thiện, giúp đỡ người khác để cảm nhận hương vị của hạnh phúc.

Thấy rõ nhân - duyên - quả để an nhiên

Góc nhìn Phật tử 13:04 01/11/2024

Lập gia đình, xây dựng cuộc sống ấm no, có con cái sum vầy và nuôi dạy chúng nên người là niềm vui, hạnh phúc đồng thời cũng là mong muốn chính đáng của mọi người. Tuy nhiên, không phải ai mong muốn gì cũng đều được như nguyện.

Trăm năm thoáng chốc mộng nhân sinh

Góc nhìn Phật tử 19:00 31/10/2024

Gom lấy trăm năm đổi tình, tiền/ Lòng trần được mấy phút an yên? / Lợi danh rồi cũng vô thường mất/ Để cả hư tâm gánh muộn phiền...

Xem thêm