Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Chủ nhật, 27/03/2016, 05:29 AM

Chuyện về người phật tử “Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”

Sau khi được bén duyên với Phật pháp, chú nhìn thấy cuộc sống đơn giản hơn mình nghĩ, ấy thế mà nhiều người xung quanh mình vẫn cứ phải phiền não về nó, vậy nên chú quyết định, mình biết, mình ngộ được điều gì hay thì nên chia sẻ lại cho mọi người xung quanh để cùng nhau hoan hỷ.

Đó là chú Đặng Viết Đà, sinh năm 1963, quê ở Chương Mỹ, Hà Tây cũ. Dáng người chú gầy nhưng trông rắn rỏi. Năm nay cũng đã ngoài 50 nhưng trông chú còn khá trẻ, nước da hồng hào và điều quan trọng là nụ cười luôn thường trực trên môi. 
 Ảnh minh họa
Chú có kể, cách đây hơn 2 năm, vào thời điểm năm 2013, chú bắt đầu biết tới Phật pháp thông qua một đĩa CD giảng pháp mà chú may mắn được tặng. Sau khi nghe xong, chú thấy rất tâm đắc, rất đúng, liền chia sẻ đĩa cho anh bạn hàng xóm, rồi từ anh bạn hàng xóm lại thêm “ những anh bạn hàng xóm nữa” cùng may mắn được nghe lời dạy của Phật như chú. Từ kỷ niệm đầu tiên đó, chú bắt đầu dành thời gian nhiều hơn cho việc tìm hiểu đạo Phật. Gia đình chú có 2 người con trai. Ngày xưa khi các con lên Hà Nội học, chú cùng vợ khăn gói lên theo. Chú làm xe ôm, vợ chú đi bán rau ở chợ. Hai vợ chồng tần tảo sớm hôm nuôi 2 người còn học xong đại học. Giờ đây con cái trưởng thành rồi, anh lớn thì làm bên công nghệ thông tin, anh hai thì cũng lập nghiệp trong Nam, đã lấy vợ và có con nữa. “Chú được đứa con cả cho cái máy tính cũ của nó để tra mạng nên chú càng chuyên tâm” chú chia sẻ mà khuôn mặt rạng rỡ lắm.

Giờ chú ở nhà chăm sóc cụ bà năm nay đã 93 tuổi ở quê, vợ chú thì đi giúp việc trên Hà Nội, thi thoảng có khách quen gọi thì chú đi chở xe, còn lại, chú dành toàn bộ thời gian để tu tập, nghe kinh. Có mạng internet, chú chăm chỉ tìm hiểu đạo Phật thông qua kinh sách, rồi qua các bài giảng pháp của các tổ sư, các thầy. Càng tìm, càng học chú càng thấy an vui, như là được thức tỉnh vậy. Kể từ đó chú chuyển sang ăn chay trường luôn, thời gian đầu còn gặp nhiều lời nhận xét của mọi người xung quanh, nhiều lần chú đi ăn cỗ toàn bị bạn bè gọi trêu với cái tên: “ Thằng không ăn thịt”. Nhưng chú vẫn quyết tâm trường chay, tính tới giờ cũng được hơn 2 năm, chẳng thế mà với từng đó thời gian, chú thấy người mình thanh tịnh, tâm hồn thoải mái, sức khoẻ cũng ổn định nhiều.

Sau khi được bén duyên với Phật pháp, chú nhìn thấy cuộc sống đơn giản hơn mình nghĩ, ấy thế mà nhiều người xung quanh mình vẫn cứ phải phiền não về nó, vậy nên chú quyết định, mình biết, mình ngộ được điều gì hay thì nên chia sẻ lại cho mọi người xung quanh để cùng nhau hoan hỷ. Vốn là người thân thiện, chú thấy bạn bè mình, người thân mình gặp vấn đề phiền não gì thì chú ghi lại, sau đó về tìm tài liệu thông qua các bài giảng pháp của các thầy.

Từ đây chú tổng hợp lại những ý chính, kết hợp với ví dụ từ thực tế, pha thêm chút hài hước, hóm hỉnh trong đó thành một tài liệu đơn giản, ngắn gọn dễ hiểu để chia sẻ với mọi người (thường thì những bài viết của chú chỉ khoảng 1 tờ A4 đổ lại). Chú bảo, với những gì chú ghi ra, chú mất nhiều thời gian tìm kiếm lắm, vừa đọc vừa suy nghĩ xem với ý này thì nên diễn giải như thế nào cho dễ hiểu nhất có thể. Và với những tài liệu đó của chú thì cả bà bán rau hay ông xe ôm cũng đều hiểu được hết. Nào là vấn đề sinh con, đốt vàng mã, tiêu tiền, ăn uống, đi chùa… tất cả đều đầy đủ, bởi có vấn đề gì trong cuộc sống chú gặp là chú lại tìm hiểu liền. Viết được tài liệu đã kỳ công, truyền tài liệu đó tới tay người khác cũng lại thêm một quá trình không đơn giản, bởi đâu phải cứ tài liệu hay mà được mọi người đón đọc đâu.

Chú luôn tâm niệm, tuỳ duyên mà thuyết pháp, bởi thế mà với mỗi đối tượng, chú lại suy nghĩ một cách khác nhau để chia sẻ. Với người nóng tính, chú sẽ kích vào lòng tự ái, rằng họ chắc không thể đọc đâu, như thế thì những người đó sẽ đọc ngay. Hay có người thì chú nghe tỉ mỉ câu chuyện, vấn đề của họ, sau đó dẫn dắt, gợi ý mà chia sẻ… Nhưng tựu chung lại, tôi nhận thấy bí quyết lớn nhất giải thích cho việc chú chia sẻ được nhiều thế là bởi cái “Tâm”. Chú luôn chia sẻ với một thái độ hăng say, nhiệt huyết, đa số những người được nhận tài liệu là chú đều tự tay mang tới tận nhà tặng. Và như hôm tôi có duyên gặp chú là do hôm đó chú tranh thủ qua gửi tặng tài liệu cho người chủ phòng trọ cũ ở Hà Đông, nơi mà ngày xưa gia đình chú thuê, hồi các con trai chú còn đang đi học tình cờ chú nhớ tới tờ rơi về cuộc thi chú nhận được ở chùa hôm trước nên chú qua gửi bài luôn. Tính tới thời điểm bây giờ, cứ mỗi lần có một bài mới là chú lại in ra làm 500 bản và đi phát cho mọi người. Chú bảo, có nhiều nhà, cả hai vợ chồng chỉ nhìn thấy chú đi gần đến cổng là biết lại có điều gì mới chú soạn ra để chia sẻ, cười tít cả mắt.

Có gia đình người bạn chú, người vợ sinh được 3 người con gái rồi, ông chồng vẫn nhất quyết không chịu, đòi sinh cố thằng cò, tới lần sinh sau thì lại sinh đôi 2 cô công chúa, tổng cộng là 5 cô con gái lận. Từ đó, ông này tỏ ra cáu bẳn, hận đời, suốt ngày chửi mắng vợ con, bố mẹ ông ta cũng nhiều lúc cũng phải hứng chịu, thậm chí khách hàng tới nhà ông ta mua thuốc cũng bị mắng oan. Thấy thế, chú về tìm và soạn ra một bài về sinh con rồi đưa cho ông này đọc, một bài rồi hai bài, chú cứ kiên trì đi xe tới tận nơi để chia sẻ, và kỳ diệu thay, gần một năm trở lại đây người đàn ông đó đã thay tính đổi nết, không còn nóng nảy như xưa, hôm  trước bố của ông ta chia sẻ với chú: Không biết thẳng Hải nhà tôi thế nào mà nó thay đổi hẳn so với ngày xưa bác ạ. Chú cười tươi, không nói gì và thầm hạnh phúc. Rồi ở làng, có nhiều người không ăn chay, hay lễ lạt mê tin dị đoan, chú cũng kiên trì chia sẻ, tính tới giờ, nhờ những bài viết chú soạn mà ở làng đã có thêm nhiều “thằng không ăn thịt”, “con không ăn thịt” giống chú nữa. 

Có nhiều người thấy bài viết chú hay, đã hỏi mua, rồi biếu tiền nhưng chú đều không nhận, họ lo lắng nếu chú không nhận tức là họ đã nợ chú, nhưng chú chỉ cười và bảo: Chú làm việc này với cái tâm, không mong cầu gì lợi lộc cả, họ thấy hay, họ áp dụng vào cuộc sống thấy tốt hơn rồi chia sẻ cho người khác là chú thấy hạnh phúc rồi. Tính từ thời điểm bắt đầu cho tới bây giờ, số lượng bài chú soạn tính ra đã cả mấy trăm bài, chỉ có một phần khiêm tốn bài được đánh máy do chú nhờ được thằng cháu họ, còn lại đều lại chú nắn nót viết tay hết thảy.

Chú chia sẻ, bây giờ cuộc sống với chú vui lắm, chú chẳng phải buồn phiền vì điều gì. Hằng ngày chú tu tập, chăm sóc cụ già, sau đó thì đi thăm nom bạn bè, bà con, thấy vấn đề gì nảy sinh là chú lại lao vào tìm hiểu và soạn tài liệu rồi mang đi chia sẻ với mọi người, tất cả là nhờ ánh sáng của Phật pháp nhiệm màu…

Tôi mong câu chuyện này có thể được chia sẻ với bạn, để chúng ta cùng lắng đọng, để chúng ta cùng ấm lòng vì những hạnh phúc giản đơn, để thấy mình cần cố gắng thêm chút nữa với những gì mình đã có, xuất phát đầu tiên từ cái tâm chân thành, như thế thì há chẳng phải chúng ta đã cùng toả những “ Hương Từ Bi” cho đời rồi, và phải chăng khi đó “đời thường” ở đây cũng trở thành “Tây Phương cực lạc” giữa trần thế?

Hãy cùng chia sẻ nhé bạn.

Nguyễn Thị Diệu Linh
(Bài dự thi “Hương từ bi giữa đời thường”)
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm