Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 26/11/2020, 08:00 AM

Có cần hiện đại hóa Phật giáo?

Có nhiều vị tương đối có chút trí thức và ngay cả một vài Phật tử cũng thường cho mình là trí thức Phật giáo, đã gặp tôi nói chuyện và đề nghị tôi nên góp phần vào việc “hiện đại hóa Phật giáo”

Tôi đã cười và nói với các vị ấy rằng: “Đạo Phật không cần hiện đại hóa, mà các anh nên hiện đại hóa cách nhìn và cách tu của các anh cho thích hợp với đạo Phật”.

Ở trong kinh đức Phật đã từng dạy: Những gì Ngài đã trình bày ở trong giáo pháp, phần đầu là thiện, phần giữa là thiện và phần sau là thiện.

Thiện do đức Phật trình bày, thiện ấy là tốt đẹp, cao thượng và hoàn chỉnh. Thiện ấy là xuyên suốt mọi thời gian chứ không phải tồn tại trong từng giai đoạn. Và thiện ấy là xuyên suốt mọi không gian mà không phải bị đóng khung trong một xứ sở. Vậy, ta hiện đại hóa đạo Phật là ta hiện đại hóa cái gì nơi đạo Phật?

Những gì đức Phật dạy là khế lý. Vì chính nó là chân lý do tự thân Ngài chứng nghiệm và giác ngộ. Nó như vậy là như vậy. Ta muốn làm cho nó cũ cũng không được và muốn làm cho nó mới cũng không xong. Vậy, ta hiện đại hóa cái gì nơi chân lý mà đức Phật đã chứng ngộ?

Những gì đức Phật đã dạy là khế cơ. Lời dạy khế cơ là lời dạy thích ứng với thực tế, không viển vông, mơ hồ, đúng với trình độ và hoàn cảnh của con người hay chúng sanh.

Lời dạy khế cơ là lời dạy thích ứng với nghiệp lực của chúng sanh và có khả năng làm thay đổi nghiệp lực ấy thành nguyện lực. Vì do nghiệp lực chúng sanh sai khác, nên căn cơ, trình độ của họ sai thù, vạn biệt, vì vậy trước khi chuyển pháp luân, đức Phật đã quán chiếu tường tận về nghiệp duyên của chúng sanh, để chuyển vận giáo pháp cho thích ứng, nhằm giúp chúng sanh chứng nghiệm và giác ngộ chân lý theo điều kiện và tầm mức của họ.

Đạo Phật không cần hiện đại hóa. Ảnh minh họa.

Đạo Phật không cần hiện đại hóa. Ảnh minh họa.

Vai trò của người trụ trì trong thời hiện đại

Tầm mức trình độ của họ ngang đâu thì họ hiểu lời Phật dạy ngang đó, chứ không phải đức Phật và lời dạy của Ngài ngang nơi tầm mức họ hiểu. Đức Phật và lời dạy của Ngài không một ai có thể hiểu hết, ngay cả những vị Bồ-tát còn một đời nữa sẽ được bổ xứ thành Phật, vậy  ta là ai mà đòi hiện đại hóa đạo Phật? Vì Phật thì không cần phải hiện đại, vì Ngài là xuyên suốt cho mọi thời đại.

Và những gì đức Phật dạy là khế thời. Vì nghiệp lực và quả báo của chúng sanh không nhất định, không có người nào giống người nào, và cũng không có loài nào giống loài nào, và cũng không có thời đại nào giống thời đại nào. Tại sao? Vì nó luôn luôn vô thường và biến chuyển theo duyên để khởi hiện hay ẩn tàng. Và tuy nó hiện khởi hay ẩn tàng, nhưng nó vẫn luôn luôn thống nhất trong một dòng chảy của nghiệp. Thời đại nào cũng liên hệ đến nghiệp của chúng sanh, và từ nơi nghiệp thiện ác của chúng sanh mà biểu hiện.

Nên, pháp của đức Phật dạy là để chuyển hóa nghiệp chủng xấu ác của chúng sanh, chứ không phải chạy theo nghiệp chủng của chúng sanh để hiện đại hóa đạo Phật.

Và thời đại nào chúng sanh cũng cần có an lạc và hạnh phúc, cũng cần có tự do và giải thoát. Họ muốn vậy, nhưng không thể, là vì do nghiệp chủng xấu ác của họ. Vậy, muốn có hạnh phúc và an lạc, giải thoát và tự do, thì  tự thân của họ phải chuyển hóa nghiệp chủng xấu ác; họ phải biết đặt gánh nặng nghiệp chủng xấu ác của họ xuống để bước tới và đi lên.

Thiện do đức Phật trình bày, thiện ấy là tốt đẹp, cao thượng và hoàn chỉnh. Ảnh minh họa.

Thiện do đức Phật trình bày, thiện ấy là tốt đẹp, cao thượng và hoàn chỉnh. Ảnh minh họa.

Bố thí Pháp trong thời hiện đại

Pháp của Phật, nếu ai thực hành, thì sẽ có khả năng giúp họ chuyển hóa những nghiệp chủng xấu ác ấy để thành tựu đời sống an lạc và hạnh phúc, giải thoát và tự do. Và vì vậy, pháp của Phật là thích ứng cho mọi thời đại của chúng sanh.

Vì vậy, ở đâu và lúc nào trong ba cõi, pháp của Phật cũng thích ứng với những khát vọng cao quý của chúng sanh, nên pháp của Phật dạy gọi là khế thời.

Lại nữa, pháp của Phật không phải chỉ có một pháp môn mà có đến vô lượng pháp môn để đáp ứng nhu cầu tu học cho hết thảy chúng sanh. Nếu ta là người tu học có chất liệu của trí tuệ và từ bi và là người có tâm nguyện hoằng pháp, thì ta trình bày pháp môn này cho chúng sanh tu học, nếu không thích ứng, thì ta hãy trình bày pháp môn khác; nếu ta trình bày bằng phương pháp này mà họ không hiểu, thì ta trình bày bằng những phương pháp khác. Nghĩa là chân lý giác ngộ thì chỉ có một, mà phương pháp để đạt ngộ lại có nhiều cách, có nhiều pháp môn. Vì vậy, ta không nên quá cứng nhắc ở pháp môn này mà chỉ trích pháp môn kia, vì làm như vậy, dù vô tình, ta vẫn tạo ra sự phân cắt, chia rẽ và bè phái, tạo nên sự bất ổn cho xã hội.

Một người muốn hoằng pháp theo pháp của đức Thế Tôn, điều kiện trước hết là vị ấy phải học pháp và hành pháp do đức Thế Tôn giảng dạy, để tự thân giác ngộ và thể nhập chân lý tối hậu của pháp mà Ngài muốn nói.

Sự thể nhập ấy gọi là khế lý. Nếu không có khế lý, lấy gì để khế cơ và khế thời? Khế cơ và khế thời phải từ nơi khế lý mà biểu hiện. Và vì vậy, người hoằng pháp biết khế cơ và khế thời cũng phải có khả năng chuyển tải nội dung của khế lý.

Pháp của Phật là thích ứng cho mọi thời đại của chúng sinh. Ảnh minh họa.

Pháp của Phật là thích ứng cho mọi thời đại của chúng sinh. Ảnh minh họa.

Đức Phật và con người hiện đại

Nên, khế cơ và khế thời cũng chỉ là cách nói của khế lý mà thôi. Nếu không, thì khế cơ và khế thời cũng chỉ là những sáng tạo tùy tiện, chúng có tác dụng gây mê, làm dịu thần kinh cho những người khó ngủ mà không phải là đạo lý chân thực.

Và nếu ta không học pháp và hành pháp để chứng nhập lý tính chân thực và từ nơi lý tính chân thực ấy mà biểu hiện cuộc sống của trí tuệ và từ bi, thì ta lấy gì để hoằng pháp?

Phải chăng hoằng pháp là mượn ngôn ngữ của trí tuệ và từ bi để phơi bày kiến thức về đạo Phật của mình cho người khác? Hoằng pháp như vậy, thì chẳng có pháp nào của Phật để hoằng, mà ta chỉ phơi bày bản ngã của ta, tạo ra những rối rắm và phe nhóm cho xã hội vậy.

Tại sao? Vì ngôn ngữ trí tuệ không phải là trí tuệ và ngôn ngữ từ bi không phải là từ bi. Cũng vậy, ngôn ngữ diễn tả cái nón, tự thân của nó không phải là cái nón. Cái nón phải là cái nón của tự thân, nó không dính dáng gì đến những ngôn ngữ của người đang diễn tả về nó. Vì nón và người đang diễn tả về nón là hai thực thể khác biệt, hai nhân duyên khác nhau vậy.

Nên, tôi đã nói với quý vị ấy rằng: Mình cứ thực tập những  gì đức Phật đã dạy, ngay trong những điều kiện mà mình đang sống, để có thể tháo tung những hạt giống kiêu mạn và chấp ngã đang ràng buộc nơi tâm mình, khiến cho tâm mình càng lúc càng sáng và càng có tự do.

Ta đem tâm trong sáng và tự do ấy để tiếp xúc với mọi sanh vật, ta sẽ phát hiện được nhiều cái mới nơi ngoại cảnh, qua cách nhìn của ta. Và một lần tiếp xúc lại là một lần mới, mới ngay từ nơi cách nhìn và cách ứng dụng của ta.

Ta hãy đem cái mới ấy để nhận diện và yêu mến cuộc đời.

Ta hãy đem cái mới ấy để nhận diện và yêu mến cuộc đời.

Đạo Phật đi vào đời sống hiện đại

Cũng vậy, khi ta đặt la bàn xuống một điểm và ta nhìn mọi vật từ một điểm của la bàn, thì mọi vật sẽ hiện nguyên hình cho ta từ một điểm ấy để ta nhận diện. Và cũng la bàn ấy, ta chỉ cần nhích cái kim của la bàn sang một điểm khác, thì cũng từ nơi một điểm khác ấy của la bàn, mọi vật sẽ hiện nguyên hình cho ta từ một điểm mới ấy để cho ta nhận diện. Và cứ như vậy, ta chỉ cần thay đổi một điểm, một cự ly là ta có một cách nhìn mới, một cách phát hiện mới đối với mọi sự vật qua cái la bàn của ta. Nên vua Trần Nhân Tông nói: “Nhất hồi niêm xuất, nhất hồi tân”. Nghĩa là một lần đưa ra là một lần mới tinh. Một lần nhích la bàn là một lần ta có cách nhìn mới đối với mọi sự vật.

Vì vậy, nếu tâm ta đầy những hạt giống vô minh, kiêu mạn và chấp ngã thì ta cố gắng nói cho mới, trình bày cho mới và nỗ lực làm cho mới, thì nó vẫn là cũ. Và mỗi khi ta biết ứng dụng lời Phật dạy vào trong đời sống của ta, thì những hạt giống vô minh, kiêu mạn và chấp ngã nơi tâm ta tự nó lắng xuống, bấy giờ tâm giải thoát và sự sáng trong nơi tâm ta biểu lộ một cách tự nhiên, thì cho dù ta nói chuyện cũ mà vẫn thành chuyện mới, ta làm việc cũ mà vẫn thành việc mới, hay khi ta nói hoặc làm, ta chẳng cần quan tâm đến cũ và mới gì cả, mà lời nói của ta vẫn khế lý, khế cơ và khế thời như thường.

Nên, mới hay cũ, hợp thời hay không hợp thời là do khả năng diệt trừ hay không diệt trừ những mê lầm của phiền não và vô minh nơi tâm ta.

Mỗi ngày ta nhận diện những phiền não nơi tâm ta và làm cho chúng càng lúc càng lắng yên là mỗi ngày tâm ta đều mới. Ta hãy đem cái mới ấy để nhận diện và yêu mến cuộc đời.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Thuận cảnh chưa phải là hạnh phúc, nghịch cảnh chưa phải là bất hạnh

Kiến thức 13:50 27/11/2024

Con người ở đời, gặp cảnh thuận thì lòng vui thích an ổn, gặp cảnh nghịch thì tâm tư ưu sầu muộn chẳng yên. Song mà, thuận chưa phải là hạnh phúc, nghịch chưa phải là bất hạnh. Muôn điều đau khổ qua lại ở trước mắt, nên dùng trí tuệ chân chính quan sát...

Ngày sinh nhật dưới góc nhìn của đạo Phật

Kiến thức 13:43 27/11/2024

Ngày sinh nhật dưới góc nhìn của đạo Phật không chỉ là ngày vui hay sự kiện để mừng tuổi, mà là thời khắc sâu sắc để mỗi người tự nhắc nhở về sự vô thường của cuộc đời, bày tỏ lòng tri ân đến cha mẹ và sống đúng với trách nhiệm tu tập, bằng những hành động thiết thực và ý nghĩa.

Thiền sỏi

Kiến thức 10:30 27/11/2024

Thiền hành là một phương pháp rất hay, rất dễ để buông bỏ sự lo lắng căng thẳng. Chiều hôm nay thế nào mình cũng được học thiền nằm, thiền buông thư.

Ánh sáng Phật tánh vẫn luôn chờ đợi để được hiển lộ

Kiến thức 08:45 27/11/2024

Có bao giờ bạn ngồi lặng yên giữa dòng đời hối hả, tự hỏi bản thân: “Ta là ai? Ta từ đâu đến và sẽ đi về đâu?” Những câu hỏi ấy dường như vô tận như một dòng sông miên man chảy về nguồn cội.

Xem thêm