Đạo Phật đi vào đời sống xã hội hiện đại
Tầm quan trong và cần thiết phải đưa Phật giáo hòa nhập và thấm sâu vào tiềm thức của quần chúng nhân dân. Mỗi người khi hiểu được nhân quả, nghiệp báo, luân hồi, về bổn phận và trách nhiệm của mình trong gia đình và xã hội thì những tệ nạn sẽ giảm đi. Phật giáo sẽ ngày càng phát triển hơn nữa.
Tại sao phải đưa Đạo Phật vào đời sống?
Trong nền kinh tế thị trường như hiện nay, đời sống vật chất của người dân được nâng cao cũng đồng thời kéo theo các tệ nạn xã hội đang ngày gia tăng. Chúng ta có thể thấy nhan nhản ngoài thực tế và trên báo chí những trường hợp trái với luân thường đạo lý như cháu giết bà, con giết cha, giết mẹ, vợ giết chồng… Điều đó cho thấy đạo đức của con người đang xuống dốc trầm trọng. Nếu xã hội chỉ nghiêng về phát triển kinh tế và khoa học mà ít chú trọng về đạo đức thì nguy hại biết chừng nào. Trong “Phụng hoàng cảnh sách”, Hòa thượng Thích Thanh Từ có viết “Khoa học mà phát triển không cùng với đạo đức học thì khoa học phát triển chừng nào là nguy hiểm cho xã hội chừng đó”. Vì vậy, việc đưa Phật giáo áp dụng vào đời sống của con người là điều vô cùng cần thiết.
Một tội phạm gây án có thể lý giải động cơ gây án như sau: “Trong hoạt động phạm tội cũng thế, khi con người có nhu cầu về mặt vật chất hoặc tinh thần, nhưng nhu cầu vật chất hoặc tinh thần này dựa trên cơ sở những đặc điểm tâm lý, giáo dục, đạo đức lệch chuẩn, trái giá trị chuẩn mực xã hội, từ đó hình thành nên động cơ thúc đẩy nhằm thỏa mãn nhu cầu. Khi đó động cơ sẽ thúc đẩy, duy trì và tạo ra những hành vi cụ thể nhằm đạt được mục đích. Trên tiến trình phát triển ấy, từ nhu cầu trái chuẩn mực làm nảy sinh hành vi trái chuẩn mực, vi phạm pháp luật, người thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật trở thành người phạm tội.[1].
Theo quan điểm của nhà Phật, một người làm việc bất thiện là do xuất phát từ lòng tham, sân, si, chỉ biết sống cho mình. Chủ nghĩa cá nhân của kẻ tạo tội quá cao nên mới dẫn đến việc sẵn sàng gây hại người khác. Nếu một người tin sâu, hiểu rõ luật nhân quả, biết rằng dù pháp luật có trừng phạt những tội lỗi mà họ gây ra hay không thì cũng đều phải thọ nhận quả báo về tội ác đó. Ai cũng hiểu như vậy thì xã hội này sẽ giảm đi rất nhiều những kẻ phạm tội. Hơn thế nữa, nếu một người thấm nhuần Phật pháp thì họ sẽ không đợi mình gây nên tội chướng mới biết sợ mà là luôn tu sửa từng ngày, biết kính trên nhường dưới, làm con ngoan trong gia đình và một công dân tốt ngoài xã hội.
Tuy Phật giáo đã tồn tại từ rất lâu trên đất nước Việt Nam nhưng trong tâm thức của nhiều người, đạo Phật vẫn còn quá xa vời, khô khan với những học thuyết khó hiểu. Bên cạnh đó, nhiều người còn phản đối đạo Phật vì cho rằng, Phật giáo chỉ luôn cho cuộc đời này là khổ đau, khuyên con người hãy vứt bỏ hết thân bằng, quyến thuộc mà mong cầu giải thoát ở Tây phương cực lạc. Chính những cách hiểu và nhận thức sai lầm như trên nên mới dẫn đến Phật giáo có khoảng cách với quần chúng nhân dân.
Lại nữa, giáo lý nhà Phật có câu “Nước mắt chúng sanh nhiều hơn nước biển, thân chúng sanh là ô uế, bất tịnh, và giả tạm như một tia chớp.” Nói như thế không có nghĩa là hàng Phật tử là những người có tư tưởng bi quan, yếm thế, tuyệt vọng … Những vị Thầy chân chính với công phu tu tập và hiểu rốt ráo Phật giáo, Quý Thầy luôn vui tươi, điềm đạm và có cái nhìn xác thật về cuộc đời này. Dẫu biết đời là vô thường, bậc chân tu vẫn nhìn thẳng vào sự thật và đối diện với nó, thắp sáng ngọn đuốc trí huệ để đi đến chỗ giải thoát rốt ráo.
Nhiều người lại cho rằng cần gì phải giải thoát vì cuộc đời này vốn dĩ đã là như thế: có hạnh phúc tất phải có khổ đau, có thành công ắt phải nếm mùi thất bại. Có từng trải qua những cung bậc cảm xúc tức giận, buồn thảm hay khổ đau, chúng ta mới thấy dư vị của chiến thắng và hạnh phúc là tuyệt vời. Đó cũng là quan niệm rất có lý. Tuy nhiên, con người với lòng tham cầu không có hạn định của mình, thật khó để biết điểm dừng. Chẳng hạn, ta đã thành công sẽ muốn thành công hơn nữa, đã ăn no lại muốn ăn ngon, trẻ thì cứ muốn trẻ mãi… Ta cứ bị chi phối bởi những ham muốn đó mà không dám hay không chịu nhìn thẳng vào quy luật vô thường sanh già bệnh chết của đời người. Chính những cái muốn ấy tạo ra những mâu thuẫn trong cuộc sống hằng ngày của ta. Theo nhà Phật thì ngược lại với những gì ta mong cầu là khổ. Đó là điểm chính yếu mà đạo Phật muốn chỉ cho chúng ta thấy.
Đức Phật từng dạy “Này các Tỳ kheo, hãy lên đường thuyết pháp vì hạnh phúc, vì an lạc cho chúng sinh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người.” (Kinh Đại Bổn, Trường Bộ Tập 1, Đại tạng kinh Việt Nam, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1991, tr.502). Như vậy, ngay từ thời còn tại thế, mong mỏi của Như Lai là vì hạnh phúc, an lạc của chúng sinh mà các Chư tôn đức, Tăng – Ni và Bậc thiện tri thức hãy đem giáo lý đức Phật phổ biến đến tất cả mọi người.
Đạo Phật có cần thiết phải đưa vào đời sống hay không?
Trong kinh Bách dụ, Đức Phật Thích Ca có thuật câu chuyện: Một người bị tên độc, khi thấy người ta bảo rút mũi tên ra, thì ngăn lại, bảo: “Khoan, để tôi hỏi xem ai bắn mũi tên nầy, người đó tên họ là chi, ở xứ nào, và thuốc độc nầy lấy ở đâu, công hiệu ra sao đã.” Nếu người đó dần dà tìm hiểu cho hết từng ấy thứ thì thuốc độc đã thấm vào làm cho người ấy chết rồi. Mới nghe câu chuyện, chúng ta thấy thật phi lý nhưng ngẫm kỹ lại, nhiều người trong chúng ta đang rơi vào tình trạng đó. Bởi vì, những lời Đức Phật dạy là chân lý, Người là bậc giác ngộ được chân lý. Vậy thì còn có gì để bàn cãi nữa đâu, vậy mà nhiều người còn e dè với Đạo Phật, còn không chịu tu học. Họ cứ mãi so sánh Phật giáo với các tín ngưỡng khác, tìm hiểu Đức Phật dạy như thế nào, tu để làm gì, các câu hỏi cứ nối tiếp nhau cho đến khi vô thường ập đến, chết đi rồi, chúng ta đâu có tu hành được gì? Bởi vậy, Phật giáo đi vào cuộc đời, để mọi người biết và thực hành theo lời Phật dạy là điều vô cùng quan trọng.
Làm thế nào để đưa Đạo Phật vào cuộc sống?
Trước hết, người Phật tử Việt Nam là người đã hiểu rõ về thực tế tâm lý, kinh tế và xã hội của thời đại thì phải khéo léo, uyển chuyển lồng ghép và vận dụng linh hoạt giáo lý Thích Ca vào hoàn cảnh cụ thể. “Trong suốt lịch sử của Phật giáo, ta thấy xuất hiện nhiều hệ thống giáo lý mới phát xuất từ Phật Giáo Nguyên Thỉ, như giáo lý Tịnh Độ, giáo lý Thiền, giáo lý Duy Thức, giáo lý Thiên Thai. Những giáo lý này vừa khế hợp với căn bản đạo Phật vừa khế hợp với những điều kiện tâm lý và xã hội của con người đương thời.[2] Phật giáo chỉ thực sự tồn tại và phát triển khi những giáo lý được áp dụng trong đời sống hàng ngày, trong mọi lĩnh vực giáo dục, y tế, chính trị, kinh tế, tổ chức, trong đời sống cá nhân cũng như trong đời sống gia đình, quốc gia và xã hội.
Nói một cách dễ hiểu hơn, đưa đạo Phật vào cuộc sống tức là thực hành theo lời đức Phật dạy. Chẳng hạn, một người khi mua một bó rau thì cũng đừng kỳ kèo mặc cả từng đồng từng cắt với người bán. Bởi vì để làm được sản phẩm đó, họ phải bỏ biết bao nhiêu mồ hôi, công sức. Mỗi ngày, chúng ta thực hành tâm từ bi ở mỗi một hành động dù nhỏ nhất cũng đã là hành theo lời Phật dạy rồi.
Thứ hai là, thông qua những pháp thoại khéo léo, uyển chuyển, giáo lý của đạo Phật được lồng ghép vào bài giảng đúng với tâm lý của từng cá nhân, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh xã hội. Như vậy, người học Phật mới thấy đạo Phật không còn phi thực tế, xa rời và khô khan nữa.
Đưa đạo vào cuộc sống còn là bổn phận và trách nhiệm của Quý Tăng – Ni, các tu viện, các chùa không chỉ chăm lo về mặt đời sống tâm linh cho con người mà còn cả về mặt vật chất. Sự giúp đỡ về vật chất lồng ghép cùng những bài pháp thoại nhẹ nhàng, thân tình mà chí lý sẽ giúp gieo mầm chủng tử Phật trong lòng mỗi người. Đó cũng là một cách đưa đạo vào đời vậy.
Tóm lại, thông qua bài viết này, chúng tôi muốn nói đến tầm quan trong và cần thiết phải đưa Phật giáo hòa nhập và thấm sâu vào tiềm thức của quần chúng nhân dân. Mỗi người khi hiểu được nhân quả, nghiệp báo, luân hồi, về bổn phận và trách nhiệm của mình trong gia đình và xã hội thì những tệ nạn sẽ giảm đi đáng kể. Đồng thời, Phật giáo sẽ ngày càng phát triển hơn nữa.
Tài liệu tham khảo:
1. Thạc Đức (1957), Đạo Phật qua nhận thức mới, Nguyệt San Phật Học, Louisville, Hoa Kỳ, tái bản lần thứ nhất, 1998. Nguồn: http://www.budsas.org
2. Thiện Phúc (1994), Đạo Phật trong đời sống, Hồ Chí Minh. Nguồn: thuvienhoasen.org.
3. Thích Huyền Quang – Thích Nhất Hạnh, Đạo Phật áp dụng trong đời sống hằng ngày, Viện Hóa Ðạo xuất bản lần thứ nhất – 1973. Nguồn: thuvienhoasen.org
4. Đại Đức Thích Phước Tiến, bài pháp thoại Đưa đạo vào đời giảng tại Tu viện Tường Vân, 2013.
5. Nguyễn Thị Thuận (2007), Luận văn Động cơ phạm tội của tội phạm, tr 13, 14.
Chú thích:
[1] Nguyễn Thị Thuận (2007), Luận văn Động cơ phạm tội của tội phạm , tr 13, 14.
[2] Thích Huyền Quang – Thích Nhất Hạnh, Đạo Phật áp dụng trong đời sống hằng ngày, Viện Hóa Ðạo xuất bản lần thứ nhất – 1973. Nguồn: thuvienhoasen.org
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Hạnh nguyện độ tha rạng ngời của Đức Phật A Di Đà
Góc nhìn Phật tử 11:35 14/12/2024Hướng về ngày 17/11 AL, ngày vía kỷ niệm Ngài, là khi những điều thiêng liêng cao cả nhất được tôn vinh, là cơ hội hy hữu để ta hướng tâm về hình ảnh đức Phật, hướng về hình ảnh của một bậc xuất trần thượng sĩ và tam thiên đại thiên thế giới của Ngài.
Tập điều chỉnh chính mình khi phát hiện mình bất ổn
Góc nhìn Phật tử 08:54 03/12/2024Này bạn, khi tâm trạng rơi vào trạng thái bất ổn, uể oải, hoặc cảm giác như năng lượng tích cực trong ta đã cạn kiệt, việc đầu tiên cần làm là ý thức rõ ràng về tình trạng của mình.
Tôi tin nhân quả
Góc nhìn Phật tử 13:57 02/12/2024Từ ngày tôi biết đến Phật pháp, câu kinh dạy về nhân quả: “Muốn biết cái nhân trước, hãy nhìn sự thụ hưởng ở hiện tại. Muốn biết cái quả sau, hãy nhìn việc làm hôm nay” luôn khắc sâu trong tâm trí tôi.
Truyện ngắn: Hương từ chữ bay ra…
Góc nhìn Phật tử 11:17 02/12/2024Mẹ về hưu sau mấy chục năm lăn lộn với nghề. Ngày đi làm cuối cùng để chia tay đồng nghiệp, mẹ mang về một bó hoa nhỏ và mấy tấm bằng khen đạt giải thưởng báo chí toàn quốc trong nhiều năm.
Xem thêm