Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ bảy, 08/04/2023, 16:21 PM

Con đường đến với Phật giáo

Nhìn vào đồng hồ gần 14 giờ, hôm nay tôi có cuộc hẹn đến trường tình thương hỗ trợ các em nhỏ khó khăn có điều kiện được biết đến con chữ. Tôi nhìn vào gương buộc lại tóc cho gọn gàng, nhìn lại chính tôi của lúc này đã khác tôi của 7 năm trước đây rất nhiều.

Gương mặt luôn sáng rỡ nhiều niềm vui và quan trọng sau khi đến với đạo Phật, tôi chỉ đang cố gắng hết mình sống tốt cho hiện tại. 

Tại sao mốc thời gian 7 năm, có lẽ là cột mốc lần đầu tiên tôi xa gia đình đi học đại học và sống một mình tại một thành phố xa lạ. Gia đình tôi vốn là những Phật tử ngoan đạo, nhưng đối với tôi đó không phải lý do để tôi nhất quyết phải theo đạo Phật. Tôi là đứa trẻ cứng đầu và ít nhất là tôi biết mình có quyền lựa chọn cuộc sống của chính mình. Năm lớp 7, tôi thường xuyên gặp ác mộng và tỉnh giấc giữa đêm làm đầu óc không thể tập trung học hành. Tôi thường xuyên mơ thấy những vụ nổ, thảm cảnh trái đất tận thế hay cảnh giết chóc, nên nếu có đi xem phim viễn tưởng tôi cũng sẽ chọn những thể loại như vậy.

Một khoảng thời gian lâu tôi mới đem câu chuyện kể cho mẹ, mẹ khuyên tôi niệm Phật trước khi ngủ hoặc ít nhất là nên nghe kinh Phật. Tôi bỏ ngoài tai vì nghe vô lý nhưng vì tò mò tôi bật nghe được một đoạn thuyết pháp của một sư thầy mà không rõ pháp danh, hôm đó tôi bớt mộng mị hơn. Khoảng thời gian nghe pháp dài, tôi không bị giấc mơ khủng bố nữa, mà sau này tôi mới ngộ ra rằng khi đó tâm hồn tôi chưa thật sự yên tĩnh, những thay đổi tâm sinh lý tuổi mới lớn làm tôi khủng hoảng và nó thể hiện qua những giấc mơ. Những bài giảng làm tôi bình tâm và dễ chịu hơn, chính lý do đó mà tôi đã thật thoải mái khi tự nguyện lựa chọn tôn giáo của mình là đạo Phật khi đăng ký hồ sơ làm chứng minh nhân dân lần đầu tiên. 

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Tôi đến với đạo Phật tự nhiên và thấm từng bài học. Trước đó nhiều người xem tướng bảo tôi là số phải xa gia đình, cuộc sống phải trải qua nhiều khó khăn, vất vả mới thành công. Tôi hay mất tinh thần vì những lời như vậy và chính vào lúc khi đến với giảng đường đại học tôi bị lạc lỏng, chưa có bạn bè thân và khó chia sẻ cùng gia đình. Không dưới một lần tôi có ý định muốn quay về, nhưng lại sợ. Cuối tuần nếu người ta đi cà phê, vui chơi thì tôi dành thời gian đọc sách. Tôi muốn tìm thấy một chỉ dẫn hay ít nhất một điều gì đó định hướng cho mình trong lúc hỗn loạn nhất. Một vài cuốn sách tôi đọc được lúc đó có liên quan đến Phật giáo, và câu nói khiến tôi có động lực lúc đó là “hãy làm điều gì mà trái tim mách bảo”, “các vị luôn bên cạnh để chỉ hướng cho chúng ta”. Tôi biết bên cạnh ở đây chính là những chỉ dấu của vũ trụ theo nhân duyên để bản thân mình biết mình là ai và mong muốn điều gì nhất. Thế nhưng tôi chưa có nhân duyên trở thành  Phật tử sau một thời gian dài tôi hay đến chùa tu học, hành thiền. Vì cứ hễ đến lễ quy y tam bảo thì sẽ có công việc hoặc một sự kiện khác xuất hiện để tôi không tham dự được.

Đến với Phật pháp, tôi chỉ nghĩ đơn giản vì tôi chưa đủ nhân duyên và Đức Phật muốn thử thách tôi thêm nhiều lần nữa. Trước đó tôi là đứa dễ bỏ cuộc, hay suy nghĩ nhiều. Những năm học đại học và vài năm đi làm gần đây, tôi vẫn liên tiếp nhận được những tin không lành từ gia đình, khi ông bà tôi qua đời lúc tôi đang làm việc ở xa. Một là tôi bị đưa về sống với những kỷ niệm xưa, hai là tôi tưởng tượng đến những năm tháng sau đó không còn những người mình yêu thương bên cạnh. Cả hai điều đó đều khiến tôi đang chết dần trong suy nghĩ. Tôi dễ xúc động và tiêu cực, cộng với những áp lực ở chỗ làm có lúc trong tâm tôi đang thực sự kêu cứu. Khoảng thời gian từ công ty về nhà lúc đó tôi chỉ nghe Pháp thoại, lúc đó tôi chỉ mong cầu nhỏ nhoi đó là “liều thuốc” cho tôi yên bình tạm thời. Lúc đó tôi đưa tín hiệu cầu cứu với một vài người tôi tin tưởng nhưng cuộc sống mọi người cũng vô cùng bận rộn, may mắn tôi đã tìm được câu trả lời cho mình qua những bài pháp thoại của các thiền sư, đại đức.

Một thời gian, tôi tự lọc lại tâm hồn mình bằng cách thiền và đọc kinh. “Đức Phật đã cứu tôi như thế”- tôi hay tự nhủ như thế. Tôi bớt đau và biết cách tự chữa lành cho chính  mình. Tôi giác ngộ được những điều vô thường của cuộc sống, mọi vật kể cả chính tôi đều phải thay đổi và biến hóa, nên chẳng có niềm vui hay nỗi buồn nào “đóng đinh” chính bản thân lại một  chỗ được. Cơ duyên đưa đẩy, tôi đã trở thành một Phật tử sau những biến động từ tình hình dịch bệnh của thế giới, lúc đó tôi có thời gian để tìm hiểu sâu về chính mình và biết suy nghĩ đến người  khác hơn. 

Dạo gần đây tôi có xem một bộ phim về những đạo giáo cuồng tín khiến con người ta bị xâm hại cả về thể xác và tổn thương tinh thần nghiêm trọng. Một phần nào đó tôi có thể hiểu được vì cuộc sống đầy bận rộn, áp lực này rất dễ đánh gục và đẩy tinh thần con người ta vào thế yếu, vào đường cùng. Việc con người ta cần là một điểm tựa để cảm thấy được bảo vệ, giải thoát. Điều đó rất dễ bị lợi dụng dẫn ta vào con đường tà giáo. Nhiều biến tướng đạo Pháp hiện tại làm con người ta hoang mang và lo lắng.

Đối với tôi, đạo Phật không phải là việc Đức Phật đưa ta đến một  thế giới thần tiên nào hay chỉ cần ta theo ngài sẽ được giải thoát, mà đạo Phật là con đường hướng chúng ta đến sự hoàn thiện chính bản thân mình, làm chủ tâm trí, an yên trước những biến động  của cuộc sống. 

Một điều rất hay mà tôi đã học được từ Thiền sư Thích Nhất Hạnh đó là người tu hành thì phải có trí và bi. Có trí để hiểu biết, và phải hiểu thì mới có bi. Bi ở đây là lòng từ bi, yêu thương, thấu hiểu. Tôi nhận ra rằng người ta dễ phán xét người khác vì người ta chưa hiểu và chính tôi cũng nhiều lần như vậy. Nếu như đặt bản thân vào hoàn cảnh đó mình sẽ như thế nào, trước khi ứng xử nghĩ được như vậy con người ta nếu không thấu hiểu hay thông cảm được thì ít nhất sẽ ngừng phán xét, miệt thị. Nhờ trí và bi, mà chính tôi không những hiểu về chính mình mà còn hiểu hơn những sự sống khác. Tôi lựa chọn việc ăn chay nhiều nhất có thể và từ bỏ hẳn những món ăn trực tiếp sát sinh đến sinh linh một loài khác. Có người sẽ cho là tự làm cuộc sống mình khổ sở, nhưng chỉ nghĩ đơn giản ta chỉ bỏ một bữa ăn ngon, thì một sinh linh tiếp tục tồn tại.

Tôi tham gia nhiều hoạt động cộng đồng hơn và điều đó khiến tôi thấy cuộc sống mình ý nghĩa. Khi chúng ta  làm được điều tốt hay giúp đỡ được cho người khác, không phải vì chúng ta cao thượng mà hãy  biết ơn vì cuộc sống đã cho chúng ta cơ hội được hy sinh và sống tử tế. Bởi vì “hãy trở nên tử tế bất cứ khi nào có thể, trên thực tế ai cũng có thể trở nên tử tế” – Đức Đạt Lai Lạt Ma.

*Bài dự thi được gửi từ tác giả Phạm Thị Mỹ Khanh; địa chỉ: Đào Duy Từ, Phường 4, Thành phố Đà Lạt. 

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Thư gửi Thế Tôn: “Dù thế nào, con vẫn vững bước đi trên đường này”

Đạo Phật trong trái tim tôi 16:16 28/04/2024

Con biết là “một cánh hoa đào rơi không làm cho sự có mặt của cây hoa đào suy giảm”, “sự biểu hiện hay ẩn tàng của hình tướng con sóng không làm suy giảm sự có mặt của đại dương”.

Thí dụ bảo châu trong áo

Đạo Phật trong trái tim tôi 09:37 11/05/2023

Pháp Hoa cửu dụ bao gồm: thí dụ nhà lửa, thí dụ con nghèo của phú ông, thí dụ dược thảo, thí dụ hóa thành, thí dụ bảo châu trong áo, thí dụ viên bảo châu trong tóc, thí dụ thầy thuốc chữa bệnh cho con, thí dụ người thợ gốm và thí dụ người mù từ thuở nhỏ.

Lá thư gửi chính tôi ở tương lai

Đạo Phật trong trái tim tôi 09:15 11/05/2023

Bản thân yêu quý! Thời gian gần đây tớ đã nhận phải rất nhiều phiền não từ chính gia đình nhỏ của mình. Tớ vớ phải một anh chồng gia trưởng, vũ phu. Tớ đi làm bị người khác bắt nạt. Tớ về nhà công việc chất đống. Thu nhập tớ không đủ trang trải cho gia đình nhỏ của mình.

Hạnh Di Lặc

Đạo Phật trong trái tim tôi 08:29 11/05/2023

Vậy làm cách nào để tâm ta an lạc, hoan hỷ? Đó chính là học hạnh tùy hỷ của Phật Di Lặc. Tùy hỷ là từ bi và hỷ xả. Tu tập chánh pháp, rèn luyện lòng từ, không nổi tâm sát sanh, đấy là từ bi.

Xem thêm