Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

Con nối nghiệp cha

Mấy mươi năm về trước, thuở mới bi ba bi bô tập nói, ta biết gọi bố ơi, mẹ ơi, bà ơi, ông ơi...như là tiếng gọi ngọt ngào đầu đời đánh dấu sự hiện hữu của ta trên cõi đời này.

Dòng chảy của gia đình, dòng họ và của dân tộc vì thế tương tục, nối dài tưởng chừng như vô tận. Thế hệ này nối tiếp thế hệ kia, truyền thống này nối tiếp truyền thống kia để tạo thành một nền văn hóa riêng.

Tục ngữ Việt Nam có câu: “Sinh con rồi mới sinh cha; Sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông”. Nghe có vẻ vô lý nhưng ngẫm nghĩ sâu xa, đó là một sự thật hiển nhiên. 

Có điển tích viết về câu ca dao này như sau: Ngày xưa có Giáp và Ất là hai người kết bạn với nhau. Nhà Giáp có của ăn của để, còn Ất thì túng bấn lắm, thường phải nhờ vả Giáp. Một hôm, để có vốn, Ất nằn nỉ vay của Giáp mười nén bạc rồi bán nhà cửa đưa vợ đi chỗ khác làm ăn. Đến một cái chợ vùng Nam, hắn và vợ xoay ra buôn bán và cho vay lấy lãi. Hắn rất hà tiện và chịu khó trong mọi việc. Gặp mấy dịp may, hắn phất to, tiền của đổ về như nước.

Không đầy mươi năm vợ chồng hắn trở nên khá giả, có cơ nghiệp lớn ở vùng đó. Tuy giầu có, nhưng hắn cố tình quên mất người bạn cũ và số tiền nợ của bạn.

Từ ngày bạn bỏ ra đi, mãi không nhận được một tin tức gì, Giáp ngờ là bạn bị số nghèo đeo đẳng mãi chưa thôi, nên sống vất vưởng ở một nơi nào đó. Hơn nữa, lại vì nợ của mình một số tiền nhiều chưa có cách gì trả được, nên vợ chồng bạn không dám ghé về chơi hay nhắn tin tức gì. Nghĩ thế, Giáp rất thương bạn. Một hôm ông ta mang theo mấy nén bạc lên đường đi tìm Ất, hy vọng gặp bạn để giúp bạn thoát cơn chật vật. Giáp hỏi thăm mãi mới tìm đến nhà Ất.

Ngạc nhiên và mừng rỡ khi thấy vợ chồng bạn không còn nghèo đói sa sút như mình tưởng, mà trái lại có nhà ngói cây mít, có ruộng đất ao chuôm v.v... ông nghĩ bạn mình bây giờ không cần đến mình giúp đỡ nữa. Cho nên trước khi vào nhà, ông ta đào đất chôn số tiền mang theo ở cổng nhà bạn. Ất gặp bạn, ngoài mặt vui vẻ chào mừng nhưng trong bụng chỉ nghĩ đến món nợ mình còn thiếu của bạn. Hắn vừa ngượng mặt vừa tiếc của. 


Tự nhiên phải bỏ ra một số tiền lớn để trả một món nợ từ đời nảo đời nào, hắn thấy xót ruột. Nghĩ thế, hắn bỗng có bụng muốn nuốt trôi số bạc thơm thảo bạn ứng cho làm vốn ngày xưa. Thế là đến nửa đêm, hắn đánh thức vợ dậy, bàn với vợ. Được vợ đồng tình, hắn làm ngay. Nhân lúc Giáp ngủ say ở nhà ngoài, cả hai vợ chồng lén tới cầm dao đâm chết. Đoạn hắn và vợ mang xác Giáp bí mật đào lỗ chôn dưới một gốc khế sau vườn. 
 
Cây khế nhà Ất từ đó tự nhiên xanh tốt rườm rà hơn trước. Nhưng lạ thay năm ấy chỉ có một quả rất lớn. Hai vợ chồng có hơi ngạc nhiên nhưng cũng chẳng mấy quan tâm. Khi quả khế chín, vợ Ất hái ăn, và trong năm đó vợ Ất có thai, đến kỳ sinh ra một đứa con trai. Vì hiếm con nên Ất rất mừng thấy thằng bé khôi ngô và chóng lớn. Nhưng đứa con của hắn có một tật câm, lên bảy tuổi mà không biết nói, làm cho hai vợ chồng hết sức lo buồn. Ất cố tìm thầy chạy thuốc, lễ chùa lễ đền nhưng đều vô hiệu. Một hôm, vợ Ất xới cơm cho con, than với con rằng: 

-Con ơi! Mẹ mong con khôn lớn để học hành đỗ đạt cho cha mẹ mở mày mở mặt. Sao con chẳng nói chẳng rằng làm cho mẹ khổ. Tự nhiên thằng bé bật ra một câu: "Mẹ cứ mời một ông quan về đây, ông ta sẽ làm cho con nói được".

Thế rồi nó lại nín bặt, hỏi mấy cũng không nói nữa. Túng thế, hai vợ chồng Ất nghe lời con, sắm lễ vật đi mời quan huyện về xem thử thế nào. Nể lời mời mọc khẩn khoản của hai vợ chồng, quan huyện cho sắp võng, dắt một đoàn lính tráng theo hầu về thẳng nhà Ất. Thằng bé thấy mặt quan quả nhiên nói được.

Nó tự xưng là Giáp, kể hết sự tình cho mọi người nghe: nào là Ất vay tiền, nào mang tiền đi kiếm bạn để toan giúp bạn, nào giấu tiền ở đâu, bị giết như thế nào, v.v... Nghe thủng câu chuyện, quan huyện sai lính đào gốc khế và đào ở mé cổng nhà Ất, quả thấy đúng như lời thằng bé. Lập tức quan sai giam cổ vợ chồng Ất lại chờ ngày ra pháp trường. Còn bao nhiêu tài sản của tội nhân đều giao cả cho thằng bé. Và, thằng bé, vốn là Giáp tái sinh, sau đó lại trở về nhà Giáp. Khi Giáp ra đi đứa cháu nội của mình mới đẻ, bây giờ thì nó đã lên 8, hơn mình một tuổi. Vì thế mới có câu: 

“Sinh con rồi mới sinh cha, 
Sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông”.

Ở đời, có vay ắt có trả, gieo gió thì gặp bão. Câu chuyện trên có tính giáo dục nhân quả rất sâu sắc. Có nhân thì ắt có quả, không có nhân thì không có quả và nhân quả báo ứng xưa nay không bao giờ sai khác, có chăng sai biệt chỉ là sự nhanh hay chậm mà thôi. Lại có câu: “Cha nào, con ấy”; “Cha từ thì con hiếu; Mẹ thảo thì con hiền”...Tất cả đều là sự tương tục, tiếp nối nhau từ đời này sang đời khác. Vì nó là đứa con do mình mang nặng đẻ đau mà ra nên bậc làm cha, làm mẹ phải có bổn phận nuôi nấng và dạy dỗ con nên người.

Vì đứa con ấy là của mình, là sự tiếp nối của mình, là tấm gương phản chiếu hình ảnh của mình nên mình là thế nào thì đứa con mình là thế ấy. Mình muốn con mình thành đạt thì mình truyền cho con mình cơ hội để trở thành một người thành đạt trong tương lai, mình muốn con mình là thầy giáo, bác sỹ, hay thành một nhân vật quyền chức nào đó thì mình phải phát hiện ra các tố chất thiên bẩm của con mình để nâng đỡ, truyền thụ, gửi gắm hay định hướng cho con. Nhưng ngược lại, “danh của mình bất chính, thì ngôn bất thuận, ngôn bất thuận thì việc bất thành, việc bất thành thì xử phạt không đúng”, vậy thì con mình biết để chân tay vào đâu. “Đời cha ăn mặn đời con khát nước” phải chăng cũng mang nguyên nhân sâu xa như thế.

Cha và con theo nhau như hình với bóng, như cá với nước, như trăng sao với bầu trời, như quá khứ với hiện tại, như hiện tại với tương lai. Người con mình gieo hôm nay cũng chính là kết quả - người con của mình trong tương lai.

Khi thấy người con của mình đi lạc đường, sai hướng thì trách nhiệm của mình là phải nâng đỡ, chở che và hướng con mình về với nẻo thiện, về với tình thương yêu vô bờ bến của bố mẹ. Gia đình luôn là mái ấm đầu tiên và cuối cùng ôm ấp đứa con ấy vào lòng.

Xin trích ra đây Bức thư của Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln (1809 - 1865) gửi thầy hiệu trưởng ngôi trường nơi con trai ông theo học như để nói lên lòng bi mẫn của bố mẹ đối với con cái:

“Con tôi sẽ phải học tất cả những điều này, rằng không phải tất cả mọi người đều công bằng, tất cả mọi người đều chân thật. Nhưng xin thầy hãy dạy cho cháu biết cứ mỗi một kẻ vô lại ta gặp trên đường phố thì ở đâu đó sẽ có những con người chính trực; cứ mỗi một chính trị gia ích kỷ, ta sẽ có một nhà lãnh đạo tận tâm. Bài học này sẽ mất nhiều thời gian, tôi biết, nhưng xin thầy hãy dạy cho cháu biết rằng một đồng đôla kiếm được do công sức lao động của mình bỏ ra còn quý giá hơn nhiều so với 5 đô la nhặt được trên hè phố...

Xin thầy dạy cho cháu biết cách chấp nhận thất bại và cách tận hưởng niềm vui chiến thắng.

Xin hãy dạy cháu tránh xa sự đố kỵ.

Xin dạy cháu biết được bí quyết của niềm vui chiến thắng thầm lặng. Dạy cho cháu biết được rằng những kẻ hay bắt nạt người khác nhất lại là những kẻ dễ bị đánh bại nhất...
 
Xin hãy giúp cháu nhìn thấy thế giới kỳ diệu của sách... nhưng cũng cho cháu có đủ thời gian để lặng lẽ suy tư về sự bí ẩn muôn thuở của cuộc sống: đàn chim tung cánh trên bầu trời, đàn ong bay lượn trong ánh nắng và những bông hoa nở ngát bên đồi xanh.
 
Xin giúp cháu có niềm tin vào ý kiến riêng của bản thân, dù tất cả mọi người xung quanh đều cho rằng ý kiến đó hoàn toàn sai lầm...
 
Xin hãy dạy cho cháu biết cách đối xử dịu dàng với những người hòa nhã và cứng rắn với những kẻ thô bạo. Xin tạo cho cháu sức mạnh để không chạy theo đám đông khi tất cả mọi người đều chỉ biết chạy theo thời thế.
 
Xin hãy dạy cho cháu biết phải lắng nghe tất cả mọi người những cũng xin thầy dạy cho cháu biết cần phải sàng lọc những gì nghe được qua một tấm lưới chân lý để cháu chỉ đón nhận những gì tốt đẹp...

Xin hãy dạy cho cháu biết cách mỉm cười khi buồn bã, xin hãy dạy cháu biết rằng không có sự xấu hổ trong những giọt nước mắt.

Xin hãy dạy cho cháu biết chế giễu những kẻ yếm thế và cẩn trọng trước sự ngọt ngào đầy cạm bẫy.

Xin hãy dạy cho cháu rằng có thể bán cơ bắp và trí tuệ cho người ra giá cao nhất, nhưng không bao giờ cho phép ai ra giá mua trái tim và tâm hồn mình...

Xin hãy dạy cho cháu khoanh tay làm ngơ trước một đám đông đang gào thét... và đứng thẳng người bảo vệ những gì cháu cho là đúng…

Xin hãy đối xử dịu dàng với cháu nhưng đừng vuốt ve nuông chiều cháu bởi vì chỉ có sự thử thách của lửa mới tôi luyện nên được những thanh sắt cứng rắn.

Xin hãy dạy cho cháu biết rằng cháu phải luôn có niềm tin tuyệt tối vào bản thân, bởi vì khi đó cháu sẽ luôn có niềm tin tuyệt đối vào nhân loại.

Đây quả là một yêu cầu quá lớn, tôi biết, thưa thầy. Nhưng xin thầy cố gắng hết sức mình, nếu được vậy, con trai tôi quả thật là một cậu bé hạnh phúc và may mắn”.

Ngoài đứa con bằng xương bằng thịt ra, chúng ta còn có những đứa con khác, cũng quan trọng không kém. Đó là suy nghĩ, tư tưởng của mình, là lời nói của mình và là hành động của mình. Có nhà minh triết thường nói: Lời nói không che giấu nổi bản tính của mình.

Quả đúng như vậy, suy nghĩ, lời nói, hành động, thể xác và tâm hồn nữa cũng là những đứa con của mình, là sự tiếp nối của mình nên mình không thể buông lung, tùy tiện hay hồ đồ với những đứa con ấy. Chúng cũng cần được ôm ấp, chở che, được nâng đỡ, khích lệ và chăm chút rất nhiều. Mình càng có trách nhiệm với những đứa con của mình bao nhiêu, mình càng trở nên thánh thiện và được xã hội tôn trọng, quý kính bấy nhiêu.

Nên nhớ, đứa con bằng xương bằng thịt của mình, sớm hay muộn thì nó cũng sẽ rời xa mình như con chim khi đã đủ lông đủ cánh, nó sẽ bay đến một miền đất lạ để sinh sống theo quy luật thường hằng. Tình cảm “xa hay gần” của cha và con lúc này tỷ lệ thuận với sự “từ mẫn” của người cha, người mẹ đã gieo trồng từ trước đó. Còn những người con khác của mình, dù là vật chất - mình sáng tạo ra một công trình cụ thể, hay là tinh thần - suy nghĩ, lời nói của mình đều gắn bó với mình như môi với răng, như chân với tay, như hình với bóng không bao giờ rời xa. Những đứa con này sẽ theo mình đến cuối cuộc đời và thậm chí, còn đi xa hơn nữa. Có những đứa con như thân xác thì theo quy luật của tạo hóa mà tan biến ra thành đất, nước, gió, lửa, nhưng cũng có những đứa con như suy nghĩ, lời nói, việc làm của mình đã tạo thành “Nghiệp” - cái còn đọng lại đằng sau tập quán, thói quen, sẽ tồn tại từ đời này sang đời khác, từ kiếp này sang kiếp khác. Người xưa vẫn thường nói: “Sinh nghề tử nghiệp” - “Nghề nào nghiệp ấy” là vì lẽ như vậy. Mình không lựa chọn được nơi mình đã sinh ra nhưng môi trường sống và cách sống đều do mình quyết định cả. Hãy thận trọng lựa chọn nghề nghiệp cho mình.

Như vậy, Nghiệp cũng chính là đứa con của mình, là sự liên tục của mình trong dòng chảy thời gian vô tận về sau. Đức Phật đã từng tuyên thuyết: Trên thế gian này có 4 loại người, (i) - Loại người đi từ tối đến tối; (ii) - Loại người đi từ tối đến sáng; (iii) - Loại người đi từ sáng đến tối; Và (iiii) - Loại người đi từ sáng đến sáng. 

Hãy cẩn thận gieo mầm đứa con của mình ngay từ bây giờ, lúc này, tại đây để không phải hối hận gặt những quả đắng của mình trong thời vị lai.

Đinh Hồng Cường
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Con không sợ cô đơn, nhưng không rõ lúc về già?

Phật giáo thường thức 17:05 23/04/2024

Hỏi: Con không sợ cô đơn, nhưng không rõ lúc về già, khi cơ thể mình bắt đầu thoái hoá đi, chân yếu tay run, hoặc không may đau ốm vào viện không có ai chăm sóc thì không biết phải làm sao? Xin Thầy chia sẻ cho con ít kinh nghiệm trong đời sống một mình khi về già ạ.

Về con chim hai đầu ở chùa Bút Tháp

Phật giáo thường thức 15:05 23/04/2024

Đây là con chim ở cõi Tây Phương Cực Lạc, có tên là Cộng Mệnh điểu (Chim đôi cùng mạng sống), được kinh điển Phật giáo ghi chép.

Một thiền giả rối trí đến gặp Đức Phật

Phật giáo thường thức 14:07 23/04/2024

Có một vị trưởng lão đáng kính vào thời Phật. Ông là người tu thiền nghiêm túc. Ông muốn tìm ra nguồn gốc mọi vấn đề nên đã đi đến nơi ẩn dật để thiền định.

Tâm nguyện của Đức Phật

Phật giáo thường thức 13:35 23/04/2024

Có tối và có sáng; có nóng và có lạnh; có sinh và có tử, và chắc hẳn phải có một trạng thái vượt trên cả sự sinh tử đó. Đức Phật, trước khi giác ngộ, đã suy xét và lý giải theo cách suy luận như vậy.

Xem thêm