Công phu đi ngàn dặm của các Thiền sư Nhật Bản
Nhà sư tiến hành chuyến đi kéo dài trong 7 năm, vượt quãng đường lớn hơn một vòng quanh trái đất, chỉ bằng đôi chân mang giầy cỏ.
Dưới chân ngọn núi Hiei hiểm trở phía đông bắc cố đô Kyoto, ngày nay vẫn tồn tại một ngôi đền 1.200 tuổi được gọi là Enryakuji. Các vị Thiền sư theo trường phái Tendai-shu (Phái Thiên Thai - một dòng tu thuộc Phật Giáo Đại Thừa), từ xa xưa đã nổi tiếng là những bậc “thần hành” với khả năng đi bộ đến hàng ngàn dặm.
Những kỳ tích công phu của họ không phải chỉ là lời đồn mà từng nhiều lần được kiểm chứng và ghi chép trong lịch sử. Nó khiến cho ngay cả những vận động viên marathon Olympic hàng đầu ngày nay cũng phải ngả mũ chào thua. Tendai-shu vừa là một trường phái tu hành, lại vừa giống một “công phu” huyền bí được các bậc cao tăng nơi đây lưu truyền đời này sang đời khác.
Không phải mọi nhà sư tại đền Enryakuji đều có thể tu tập Tendai-shu. Chỉ một số ít người sau khi lựa chọn cẩn thận mới được phép tham gia “khóa học” gọi là Sennichi Kaihogyo, hay “Thử thách một ngàn ngày” kỳ bí.
Sennichi Kaihogyo xứng danh là một trong những thử thách nghiêm ngặt và khó khăn nhất thế giới, về cả thể chất lẫn tinh thần.
Những thử thách khắc nghiệt kéo dài liên tục trong vòng 7 năm. Người tham gia sẽ phải vượt qua quãng đường lớn hơn một vòng quanh trái đất, chỉ nhờ đôi chân cùng với đức tin.
Các nhà sư thực hiện cuộc hành trình cam go này với ý nghĩa để tôn kính Fudo-myo-o, vị thần quan trọng nhất của trường phái Tendai (Thiên Thai). Nó giống như một cuộc hành hương với các điểm đến là những di tích linh thiêng rải rác khắp ngọn núi Hiei hùng vĩ.
Hành trình của các “Gyoja” (tên gọi những nhà sư tham gia thử thách) bao gồm hơn 250 điểm đến, phần lớn nằm giữa những vùng rừng núi thâm u. Tổng cộng quãng đường mà họ phải trải qua được ước tính dài gấp 1.000 lần cự ly marathon tiêu chuẩn (cự ly marathon tương đương 26 dặm hay 42 km).
Gyoja thường duy trì một tốc độ rất ổn định suốt cả chuyến đi. Họ không chạy, nhưng một người đi bộ bình thường sẽ không thể nào theo kịp. Đối với những nhà sư kỳ lạ này, đi bộ cũng chính là một phương pháp thiền định, chủ yếu dựa vào sự tập trung và sức mạnh tinh thần.
Tư thế khi đi cũng là một điều rất quan trọng. Nhà sư phải giữ cho lưng và hông luôn luôn thẳng đứng. Họ di chuyển rất nhanh trong khi chiếc mũ trên đầu gần như bất động, ngay cả trên những đường dốc hoặc mấp mô. Trong 3 năm đầu của cuộc hành trình, những nhà sư thường đi bộ khoảng 30-40 km một ngày trong 100 ngày liên tục, bất kể thời tiết ra sao.
Đến năm thứ 4 và thứ 5, quãng đường phải đi trong ngày dần tăng lên. Đồng thời mỗi khi gặp các địa điểm linh thiêng, họ đều phải dừng lại để tiến hành tụng niệm đầy đủ theo lễ nghi quy định.
Hơn 250 địa điểm linh thiêng trên đường đi mà các nhà sư bắt buộc phải tìm đến để làm lễ, trong đó bao gồm các thác nước, dòng suối, những cây cổ thụ, giếng thiêng, đền miếu.
Trang phục hành hương của các Gyoja cũng hết sức giản dị. Họ mặc một bộ đồ bằng vải thô, khoác bên ngoài chiếc áo choàng màu trắng, đầu đội mũ rơm truyền thống có tên gọi renge-gasa, mang vớ tách ngón chân và một đôi giầy cỏ.
Mỗi Gyoja có thể đem theo một tiểu đồng, chủ yếu để cầm đèn soi đường cho nhà sư khi di chuyển vào ban đêm. Vào những ngày mưa gió, họ có thể đi cho đến rách nát một đôi hài cỏ chỉ trong vòng một ngày. Cuộc hành hương của các Gyoja quả thực là một thử thách hết sức đáng sợ, đến nỗi nó được mệnh danh là “chuyến đi địa ngục”.
Các nhà sư thường xuyên phải đối mặt với nhiều khó khăn, những vết thương mưng mủ không được chữa trị, hai bàn chân phồng rộp lở loét, thậm chí có thể bị nhiễm trùng thành các vết thương rất nặng… Tuy nhiên, không gì có thể ngăn cản những bậc chân tu kỳ lạ này tiếp tục cất bước.
Vào năm thứ 5 của cuộc hành trình, các Gyoja còn phải tiến hành một nghi thức chay tịnh đặc biệt, gọi là “do-iri”. Trong 9 ngày liên tiếp, họ sẽ không ăn, không uống và không ngủ, chỉ miệt mài tụng niệm một câu thần chú suốt ngày đêm.
Hai giờ sáng hàng đêm, họ sẽ ra ngoài lấy nước để dâng cúng. Khi đó nhà sư được phép hớp một ngụm nước, nhưng lại không được uống mà chỉ súc miệng sau đó nhổ ra.
Cho đến ngày thứ 9, Gyoja đã trở nên quá yếu nhưng phải dựa vào sự trợ giúp của người khác để tiếp tục lên đường. Quá trình nhịn ăn lâu ngày khiến cho cơ thể họ dường như đã cận kề cái chết.
Đây có thể coi là thử thách khổ hạnh nhất, mà người ta thường gọi là “đám tang sống” trong cuộc hành trình. Cách duy nhất để có thể vượt qua là hoàn toàn tin tưởng vào Fudo-myo-o hiển linh phù trợ.
Năm thứ 6, các Gyoja thực hiện những chuyến đi 60 km mỗi ngày, trong 100 ngày liên tiếp. Năm thứ 7 cũng tương tự nhưng quãng đường đi tăng lên thành 84 km mỗi ngày.
Giai đoạn cuối cùng của cuộc hành trình vẫn là thử thách đi bộ 100 ngày liên tiếp, nhưng quãng đường được rút ngắn xuống còn 30-40 km mỗi ngày, cho đến khi về tới đích.
Cho đến ngày nay, chỉ 50 nhà sư đã hoàn thành trọn vẹn “Thử thách một ngàn ngày”, kể từ khi truyền thống này được bắt đầu vào năm 1585. Rất nhiều người thậm chí đã chết trong cuộc hành trình đi tìm giác ngộ.
Một khi đã bắt đầu chuyến đi, nhà sư sẽ không được phép dừng lại vì bất cứ lý do gì. Các Gyoja thực sự mang theo một sợi dây thừng và một con dao nhỏ. Chỉ những thứ đó mới giúp họ kết thúc cuộc hành trình khi chưa tới cái đích đặt ra.
Nhưng khi một Gyoja hoàn tất “Thử thách một ngàn ngày”, ngay lập tức ông sẽ trở thành “Dai-ajari”, một vị Bồ tát sống.
Một trong những Dai-ajari nổi tiếng nhất là Yusai Sakai, vị thiền sư sinh năm 1926 và mới chỉ viên tịch vào năm 2013. Yusai Sakai thậm chí còn thực hiện thành công “Thử thách một ngàn ngày” đến hai lần trong cuộc đời.
Trước khi trở thành tu sĩ, Sakai từng là một phi công phục vụ quân đội Nhật trong Thế Chiến II. Chính những ám ảnh về chiến tranh đã khiến ông quyết định đi tu và sau đó trở thành một Gyoja. Câu chuyện cuộc đời của ông đã trở thành cảm hứng cho rất nhiều cuốn sách.
“Thông điệp tôi muốn truyền đạt là, hãy sống mỗi ngày như thể đó là toàn bộ cuộc đời của bạn. Nếu bạn bắt đầu một điều gì đó hôm nay, thì hãy hoàn thành nó hôm nay. Ngày mai là một thế giới khác. Hãy sống một cách tích cực”, ông răn dạy.
Các nhà sư “thần hành” trên đỉnh núi Hiei được coi là những anh hùng vĩ đại ở Nhật Bản. Rất nhiều người xem họ như là nhà lãnh đạo tinh thần.
Chỉ có điều là mấy chục năm nay vẫn chưa một Gyoja thế hệ mới nào dám dấn thân vào con đường thử thách, để tiếp bước những vị chân tu tiền bối.
Nguồn: VTC News
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Ác nghiệp đã trót gieo, phải làm sao để ác báo không trổ ra?
Kiến thức 10:35 05/11/2024Mỗi ngày chúng ta đều gieo trồng những nhân thiện, ác lẫn lộn. Những nhân này tuyệt đối không hề mất đi, nó được lưu trữ trong tàng thức của chúng ta. Quá trình từ nhân đi đến quả đều cần phải có duyên. Vậy làm sao để tránh được duyên ác?
Đi về phía an lạc hạnh phúc
Kiến thức 09:20 05/11/2024Kinh Trường bộ ghi: Đường này đến an lạc giải thoát Niết bàn, chấm dứt khổ đau; Đường kia đến ưu phiền não loạn khổ đau trong sinh tử luân hồi, các người muốn đi đường nào?
Muốn mau lành bệnh
Kiến thức 07:03 05/11/2024Ai cũng biết Đức Phật ngoài mười hiệu tôn quý còn được xưng tán là Y vương, bậc thầy của các thầy thuốc trong việc trị liệu tâm bệnh của chúng sanh. Không chỉ chữa trị tâm bệnh, Đức Phật còn là một vị thầy thuốc đúng nghĩa chữa trị cả thân bệnh nữa.
Hãy từ bỏ những nghề tạo ra ác nghiệp
Kiến thức 19:30 04/11/2024Trong cuộc sống, mỗi người có một công việc, một nghề nghiệp riêng. Xét về phương diện tác nghiệp thì những nghề như đồ tể, đao phủ là những nghề tạo ra ác nghiệp, không có lợi ích cho tự thân ở đời này và đời sau.
Xem thêm