Cúng dường vòng ngọc quanh trán, gặp Phật xuất gia thành đạo
Phật lại dạy rằng: “Người cúng dường vòng ngọc quý đang đeo trên trán hồi thuở ấy, nay là tỳ-kheo ni Chân Châu Man. Do công đức cúng dường vòng ngọc, nên nay được gặp Phật, xuất gia thành đạo quả.”
Lúc ấy, Phật ở gần thành Xá-vệ, trong vườn Kỳ thọ Cấp Cô Độc. Trong thành có một người trưởng giả giàu có vô cùng, tên là Phất-sớ. Người ấy chọn được người vợ cũng thuộc dòng hào phú, cùng nhau chung sống rất ấm êm, hạnh phúc.
Không bao lâu người vợ có thai, rồi sinh được một bé gái xinh đẹp đoan trang. Khi sinh ra, trên trán tự nhiên có một cái vòng kết bằng những hạt ngọc quý. Cha mẹ thấy vậy vui mừng khôn xiết, mời các vị thầy tướng đến xem tướng cho con. Do có vòng ngọc bao quanh trán nên đặt tên là Chân Châu Man.
Ngày càng khôn lớn, tánh tình hiền từ nhân ái, hay thương xót những kẻ khốn cùng. Nhiều lần gỡ vòng ngọc trên đầu ra mà bố thí cho người đến xin. Cứ gỡ rồi thì lại sinh ra một vóng khác cũng giống như trước.
Bấy giờ ông trưởng giả Tu-đạt nghe ông Phất-sớ có cô con gái thông minh hiền đức, muốn đến hỏi về làm vợ cho con trai mình.
Khi Chân Châu Man nghe được việc ông Tu-đạt cho người đến cầu hôn, cô liền thưa với cha mẹ rằng: “Nếu cha mẹ thương con, trước khi cưới buộc họ phải có lời thề trước, rằng về sau hai vợ chồng sẽ cùng xuất gia theo Phật. Bằng không thì xin đừng nhận lời. Bởi con không tham muốn phú quý sang giàu nơi cõi trần, chỉ một lòng muốn xuất gia theo Phật thôi.”
Cha mẹ thương con không muốn trái ý, liền đến nói với ông Tu-đạt ý nguyện của con gái mình. Ông Tu-đạt hoan hỷ lắm, thuận theo lời ấy, liền tiến hành ngay việc cưới xin.
Vợ chồng sống với nhau chưa bao lâu, cả hai đều sinh lòng nhàm chán việc thế tục, liền đưa nhau đến chỗ Phật cầu xin xuất gia. Phật bảo Chân Châu Man rằng: “Lành thay đó, tỳ-kheo ni!” Tức thì, tóc trên đầu tự nhiên rụng sạch, áo cà-sa hiện ra nơi thân, nghiễm nhiên thành một vị tỳ-kheo ni oai nghi đầy đủ. Lại bảo người chồng rằng: “Lành thay đó, tỳ-kheo!” Tức thì, râu tóc tự nhiên rụng sạch, áo cà-sa hiện ra nơi thân, thành một vị tỳ-kheo.
Chuyên cần tu tập, chẳng bao lâu cả hai đều được chứng quả A-La-hán, đủ Ba trí sáng, Sáu phép thần thông, Tám môn giải thoát, khắp cõi trời người ai gặp cũng đều kính trọng, ngưỡng mộ.
Bấy giờ, chư tỳ-kheo thấy vậy liền thưa hỏi: “Bạch Thế Tôn! Vị phu nhân Chân Châu Man này, trước đây đã tạo phước đức như thế nào, mà nay khi sinh ra trên đầu tự nhiên có vòng ngọc quý, lại được gặp Phật, xuất gia chưa bao lâu đã được đắc đạo?”
Phật bảo chư tỳ-kheo: “Các ngươi hãy chú tâm lắng nghe, ta sẽ vì các ngươi mà phân biệt giảng nói. Về khoảng giữa Hiền kiếp này, xứ Ba-la-nại có vị Phật ra đời hiệu là Ca-diếp, cùng với chư tỳ-kheo hội nơi vườn Lộc mà thuyết giảng giáo pháp, độ thoát chúng sanh.
Có người trưởng giả tên là A-sa-la, muốn cho mọi người đều phát tâm cúng dường Phật và chư tăng, liền có ý nghĩ rằng: “Ta sẽ đích thân đi khuyến hóa hết thảy nhân dân trong thành.” Nghĩ vậy rồi, liền tâu lên đức vua xin được làm việc ấy. Vua ưng thuận.
Ông trưởng giả A-sa-la liền cưỡi một con voi trắng lớn, đi khắp trong thành, khuyến hóa nhân dân góp phần cúng dường Phật với chư tỳ-kheo tăng.
Có người phụ nữ kia đang đeo một chiếc vòng kết bằng những hạt ngọc rất quý trên trán, gặp ông trưởng giả khuyến hóa liền cởi vòng ấy ra mà cúng dường.
Người chồng đi xa về thấy trên trán vợ không có vòng ngọc quý, liền hỏi rằng: “Em đã mang vòng ngọc quý đưa cho ai vậy?” Vợ đáp: “Ông trưởng giả A-sa-la đi khuyến hóa nhân dân trong thành cúng dường Phật với chư tỳ-kheo, em đã lấy vòng ngọc ra cúng dường rồi.” Người chồng nghe vậy liền hoan hỷ, khen ngợi.
Người vợ ấy, cúng dường vòng chuỗi ngọc đeo trán rồi, phát lời nguyện rằng: “Nhờ công đức này, nguyện trong đời vị lai tôi chẳng sinh vào các đường ác. Khi sinh ra trong chốn trời người, có vòng ngọc quý ấy sinh ra cùng tôi.”
Phật lại dạy rằng: “Người cúng dường vòng ngọc quý đang đeo trên trán hồi thuở ấy, nay là tỳ-kheo ni Chân Châu Man. Do công đức cúng dường vòng ngọc, nên nay được gặp Phật, xuất gia thành đạo quả.”
Các vị tỳ-kheo nghe Phật thuyết nhân duyên này xong thảy đều vui mừng tin nhận.
Trích Một trăm truyện tích nhân duyên (Trăm bài kinh Phật)
Đoàn Trung Còn – Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Thân người sầu khổ nhưng chưa đến nỗi cùng cực?
Phật giáo thường thức 20:15 23/12/2024Hỏi: Đức Phật nói con người suốt ngày vùng vẫy, thoi thóp trong biển khổ sóng sầu, nhưng vì sao lại nói thân người khó được?
Thực tập Chánh niệm như thế nào?
Phật giáo thường thức 19:10 23/12/2024Thói quen chính là số phận. Thói quen tự nó mang trong nó một sức mạnh lớn, có thể chi phối và dẫn dắt cuộc sống.
Bố thí độ
Phật giáo thường thức 19:02 23/12/2024Khi giận một người nào ta liền đau khổ. Nếu ta thực tập hiến tặng (bố thí), thì niềm sân hận trong ta được chuyển hóa và ta vượt sang được bờ bên kia ngay tức khắc, đó là bờ của vô sân, của an lạc, hạnh phúc và từ bi.
Sự nghiệp của Bồ tát là gì?
Phật giáo thường thức 18:06 23/12/2024Các vị phải nên hiểu, sự nghiệp Bồ Tát chính ở ngay trong đời sống hiện tại của chính mình, ở ngay trong nghề nghiệp trước mắt. Nếu như bạn là một người chủ gia đình, bạn gìn giữ gia đình này thì đó là sự nghiệp của bạn.
Xem thêm