Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ sáu, 23/06/2023, 05:08 AM

Đối trị chướng ngại tham và sân trong tu tập, thiền tập

BBT: Khi thiền định, tham và sân luôn nổi lên gây trở ngại cho quá trình thiền định và tu tập của các thiền sinh. Bài giảng của thiền sư Ajahn Brahm sẽ giúp các thiền sinh đối trị chướng ngại tham và sân trong tu tập, thiền tập

ajahnbrahm
 

Tham dục và Sân hận là nặng nhất và khó trị nhất (*)

Trong năm chướng ngại lớn nhất của con đường tu tập, hai chướng ngại đầu tiên là Tham dục và Sân giận là nặng nhất và khó trị nhất. Tham có nghĩa là muốn có, muốn có thêm, muốn được thêm. Muốn mà không được theo ý mình thì sân giận, kháng cự, bực tức, ác cảm. Do vậy cả hai thứ tham và sân đều thuộc gốc tham-muốn. Và khi ta muốn có được thứ khác—dù đó là muốn đạt tới tầng thiền định cao hơn, muốn có đồ ăn ngon, muốn mau hết thời gian khóa thiền, hoặc muốn gì gì đó …—mỗi lần có tham muốn như vậy là nó dẫn bạn đi xa khỏi nơi mình đang ở. (Chẳng hạn, khi bạn đang bình an, nếu có tham thì nó dẫn bạn tới động vọng vì bạn cố làm để có được, hoặc nó dẫn tới sân giận khi bạn làm không được, không có được. Khi tâm bạn còn tham dục, có tham nữa thì nó càng dẫn bạn gia tăng thêm tính tham).

Trong thần thoại Hy Lạp có những sinh vật được cho là “những con vật hát quyến rũ”. Chúng hát hay để dụ những thủy thủ thiếu cảnh giác chèo thuyền vào chỗ có đá ngầm và làm chìm thuyền. Đó cũng giống như cách tham dục làm với ta: chúng dụ dỗ ta, lôi kéo ta về hướng đối tượng tham dục và nhấn chìm sự thiền tập của ta. Làm ta bị mất phương hướng, làm ta mất hạnh phúc và mất sự bình an. Những tham dục lôi kéo ta ra khỏi nơi ta tìm thấy sự bình an và hạnh phúc đích thực. Do vậy đừng để cho mình bị lôi kéo bởi những tham dục, hãy nhớ rằng: ta không bao giờ làm thỏa mãn hết những tham dục của mình. Và ta không thể dùng sức mạnh để tiêu diệt nó. Ta chỉ cần ngồi đó. Không cần cử động, không cần hành động: chỉ cần quan sát nó.

Tham muốn dục vọng tạo tác ra cái sự-làm; sân giận ác ý cũng tạo tác ra sự-hành-động. Tham và sân là những thứ làm cho ta chuyển động và hành động, nó làm ta mệt mỏi. Chúng tạo ra cái hoạt động tạo tác trong tâm làm quấy nhiễu ta và kích động ta làm này làm nọ. Một khi bạn đã biết cách hoạt động và tạo tác của tham và sân, bạn có thể tâm niệm: “Không, ta sẽ không dính vào chúng nữa; ta đã có quá đủ tham-sân rồi, đã quá đủ và quá khổ với chúng rồi”.

“Đang có (đang ở trong) bây-giờ và tại-đây” là đủ tốt rồi.

“Đủ rồi”—tiếng Thái là “por dee”—đó là một “niệm chú” đẹp. Dùng chữ chú này sẽ rất hay trong khi thiền tập mỗi khi bạn trải nghiệm bất cứ sự gì. Nếu khi bạn rất mệt mỏi, khi đầu bạn đang gục rớt xuống sàn nhà, hãy niệm “Đủ rồi”. Khi bạn đang thở vào và thở ra, nói: “Đủ rồi”. Nhưng bạn cần phải nhất-quán và làm cho mỗi giây phút được đủ-tốt như vậy. Đây là cách để bạn khống chế những tham dục đang lôi kéo bạn đi và khống chế những sân giận đang không cho bạn ở yên; làm vậy bạn sẽ được tĩnh tại và hạnh phúc. Bạn không cần gì nữa, không tham muốn gì nữa; bạn chỉ “đang có (đang ở trong) bây-giờ và tại-đây” là đủ tốt rồi.

Giờ bạn bắt đầu nhận biết và trải nghiệm cái sự khoái sướng của thiền, đó là sự khoái lạc được tạo ra từ sự được -tĩnh- tại và sự không-tham-muốn gì. Bạn thấy rằng cách tu dùng niệm chú “Đủ rồi” chỉ là mới bắt đầu. Khi bạn đã thuyết phục được mình rằng “giây phút-hiện tại là đủ tốt rồi” và ta an trú trong cái ta đang có, thì lúc đó không còn thứ gì là “đủ tốt” hơn nữa: đây chính là cái “đủ tốt” thực sự và đẹp đẽ vô vàn. Dù bạn bắt đầu từ đâu, khi bạn đang ở cùng (an trú) với cái mình đang có, thì điều đó làm tăng sự đẹp đẽ, tăng niềm khoái lạc, và làm tăng sự thâm sâu của trí tuệ thiền.

Nhiều năm trước đây tôi có làm một ví dụ về hoa sen ngàn cánh (lớp). Dù bạn có bắt đầu bằng loại hoa sen nào. Ngay cả một hoa sen không triển vọng, dơ bẩn, hư cánh, bầm dập, méo móp cũng làm được, bởi bên trong nó luôn có một lõi-sen đẹp đẽ. Ý tôi muốn nói rằng sự trải nghiệm của bạn —trải nghiệm đang-có hoặc thậm chí những trải nghiệm tệ nhất trong khóa thiền tập dài—cũng là tuyệt vời nếu bạn có thể chỉ an trú duy nhất với trải nghiệm đó. Đừng thay đổi nó, đừng chuyển dời hay cố loại bỏ nó. Đừng tham muốn nó cũng đừng ác cảm với nó. Cứ ở (an trú) với nó cho dù nó là gì—dù đó là sự đau đớn, sự chán nản, hay sự tuyệt vọng. Dù cái hoa sen đó là đen đủi, dơ bẩn, xấu xí bên ngoài, nó vẫn hé nở từ từ và trở thành niềm hạnh phúc nếu bạn biết an trú với nó. Bạn càng an trú với nó, nó càng nở ra nhiều lớp cánh. Khi bạn càng nói: “Đủ tốt rồi”, thì hoa sen càng mở thêm những cánh thô xấu bên ngoài để lộ ra những cánh ít thô xấu hơn bên trong. Rồi những lớp cánh ít thô xấu bên trong lại mở ra để lộ những lớp cánh đẹp đẽ hơn bên trong nữa; rồi sau đó bạn có thể đi vào cái phần đẹp-đẽ-nhất ở bên trong chỗ lõi hoa sen.

Sẽ cực kỳ hữu ích nếu biết rằng đây chính là cách cái tâm vận hành. Dù bạn đang trải nghiệm sự gì, hay dù bạn bắt đầu bằng gì—mọi thứ đều có thể chuyển hóa. Bạn không cần phải loại bỏ hết những khó khăn rắc rối rồi sau đó mới bước vào thiền. Hãy bắt đầu bằng những khó khăn rắc rối đó; cứ ở với chúng và cứ để chúng hiện diện. Làm như vậy đã đủ tốt. Nếu ta không động vọng, nếu ta không có tham hay sân, ta sẽ thấy tâm của mình thâm nhập vào vấn đề khó khăn đó, mở nó ra, và cái khó khăn khó chịu sẽ trở thành thứ dễ chịu. Rồi sau đó nó sẽ trở thành thứ đẹp đẽ hoàn toàn, và sau khi trở thành đẹp đẽ hoàn toàn, nó trở thành an lạc vui sướng. Và tất cả được bắt đầu từ những sự khó khăn, từ những thứ không triển vọn g như vậy! Vì vậy, bất cứ sự gì ta đang trải nghiệm, chỉ cần luôn-biết nó “đủ tốt”. Tu tập theo cách này bạn sẽ trừ bỏ được những chướng ngại trong thiền tập.

Biết sống “hài lòng và dễ dàng vui lòng”

Chướng ngại khó khăn nhất trong thiền có thể là sân giận, ác ý—khi ta nói: “Tôi không thích” gì đó là ta luôn so sánh và tiêu cực. Cách khó chịu và luôn tìm lỗi và bất hài lòng thì nên được đối trị và trừ bỏ bằng cách tu dưỡng những tâm tính ngược lại—như biết chấp nhận, bao dung, biết hài lòng, luôn tìm vẻ đẹp và niềm hỷ lạc bên trong mọi thứ, (hơn là cứ đi tìm những khuyết điểm lỗi sai của chúng). Cách này cũng dễ làm. Chỉ cần thử nhìn những cảnh đệp xung quanh ta. Ở Úc châu, bạn có thể nhìn thấy hình ảnh con chuột túi (kang-gu-ru) và con của nó ló đầu ra khỏi túi, và nhìn nó nhảy lên xuống khi đi. Nhìn ngắm những giọt mưa từ trên lá cây, hoặc ra ngoài trời đêm nhìn ngắm những ngôi sao. Có rất nhiều vẻ đẹp trong tự nhiên. Nếu bạn biết đi tìm những vẻ đẹp đó, đó là niềm vui hạnh phúc, thì bạn sẽ tập được thói quen không khó chịu, không bắt lỗi tìm lỗi này nọ trong mọi thứ mọi sự. (Bạn sẽ có thói quen nhìn vào mặt tốt, mặt tích cực và đẹp đẽ của mọi thứ). Rồi do bạn thường nhìn thấy vẻ đẹp trong mọi thứ cho nên những gì bạn nghĩ là thô xấu khó ưa sẽ trở thành dễ mến dễ thương—và thậm chí rất đẹp đẽ. Người ta thường nói vẻ đẹp là do mắt của người nhìn, và sự thành công trong thiền tập là do thái-độ của người thiền!. Nếu bạn có thái độ đúng đắn, nó dẫn tới sự hiền-từ, sự nhẹ-nhàng và sự buông-bỏ. Bạn sẽ trở nên tốt bụng hiền từ đối với mọi thứ mọi sự.

Cũng giống như lòng mẹ lúc nào cũng yêu thương con mình, cho dù đứa con có quái dị ra sao. Mẹ vẫn cõng con đi và chăm sóc cho con, cho dù nó có trèo lên cổ bóp cổ mẹ, mẹ vẫn hiền từ thương yêu đứa con. Nếu một người mẹ có thể thương con như vậy, chắc chắn bạn cũng có thể thương lấy tâm mình như vậy! Cho dù tâm có lăng xăng, tiêu cực, bất thiện, xấu xa ra sao, ta vẫn có thể chấp nhận nó là “đủ tốt” và hiền từ và nhẹ nhàng với nó, và dần dần tu tập nó tốt hơn và chuyển hóa nó.

Hãy tự hỏi mình liệu ta có đang thúc ép hay chỉ chỏ (cái tâm) trong khi thiền tập hay không? Liệu ta có đang nghĩ nghĩ: “Ta phải đắc được tầng thiền định (jhāna) trong khóa tu này, hoặc ta phải thiền được tới giai đoạn tâm ảnh nimitta, hoặc tối thiểu cũng phải đạt được một mức độ bình an nào đó”? Nếu cứ nghĩ như vậy, nếu cứ thúc ép, đòi hỏi hoặc ra lệnh như vậy thì sự thiền tập của bạn sẽ chẳng đi tới đâu. Ngược lại, nếu bạn biết giảm thiểu sự đòi hỏi và sự thúc ép, thì bạn sẽ dễ dàng đạt tới một thái-độ luôn-biết mọi sự là “đủ tốt rồi”. Nếu bạn không đòi hỏi quá nhiều từ bản thân mình, từ cuộc sống, hoặc từ thế gian, thì bạn sẽ dễ dàng trân quý chúng và sống tốt với chúng. Như trong bài kinh Tâm Từ (Mettā Sutta; Sn. 144) có nói, bạn không nên đòi hỏi hay điều khiển tự nhiên, mà phải biết sống “hài lòng và dễ dàng vui lòng”. Hãy tu tập cái tâm như vậy. Biết hài lòng và xây dựng tính hài lòng; biết dễ dàng vừa lòng, rồi bạn sẽ dễ dàng hướng tới trạng thái đẹp đẽ của tầng thiền định (jhāna).

Nếu bạn cứ muốn đắc được tầng thiền định thì bạn không thể đạt được. Nói cách khác, bạn không thể đạt tới tầng thiền định nếu bạn đòi hỏi điều đó khi thiền tập. Tầng thiền định chỉ xảy ra theo tiến trình tự nhiên, đó là tiến trình nhân-quả chứ không phải theo ý muốn người thiền. Do vậy, bạn phải tạo ra nhiều nhân giúp nó khởi sinh kết quả. Một nhân chính đó là sự tĩnh tại của tâm, được duy trì trong một thời gian dài. Năng lượng chảy vào sự-biết, sự thuần-biết, và tâm sẽ đi sâu vào bên trong hoa sen và dần dần mở bung các cánh sen ra.

Dần dần, từng bước từng bước, từng giai đoạn—nó xảy ra theo tiến trình dần dần chứ không theo kế hoạch thời gian của bạn, nó không xảy ra như ý bạn muốn; nó chỉ xảy ra theo tiến trình nhân-quả tự-nhiên của nó. Nó xảy ra bởi vì ta tĩnh tại; ta tĩnh tại bởi vì ta biết hài lòng với sự thiếu ít, bởi vì ta dễ dàng vui lòng với mọi thứ và không đòi hỏi điều gì. Nếu bạn biết tu tập theo tinh thần như vậy là bạn đang tạo ra những nhân giúp khởi sinh những sự thiền thâm sâu.

Khi bạn khó hài lòng, ít chịu thỏa mãn, thì bạn thường đòi hỏi này nọ và có đầy những tham muốn, thì lúc đó tâm bạn cũng bất an, động vọng. Khi bạn không được cái mình muốn, thì những tham muốn càng tăng, và bạn sẽ dính vào cái vòng tham muốn đầy khổ sở. Bạn có biết đôi lúc bạn tuyệt vọng thì sẽ ra sao không: bạn không muốn đi đâu, không muốn ngồi, không muốn ngủ, và bạn nghĩ: “Sao ta chẳng muốn làm gì hết, và ta đang làm cái gì đây, ta cũng chẳng muốn biết”. Đó là một tình trạng khủng khiếp khi không có điều gì làm bạn vừa lòng. Điều đó xảy ra bởi vì bạn đã làm cho nó xảy ra, bởi vì bạn đã tạo những nhân với những thái-độ sai trái và sự chú-tâm sai lệch. Nhưng nếu bạn tu tập sự tĩnh tại và bình an bằng cách biết hài lòng và dễ dàng được thỏa mãn, thì bạn đang tạo ra những nhân giúp cho sự thiền định thâm sâu diễn ra. Nếu bạn chỉ cần ngồi đó, hài lòng, tĩnh tại, và chấp nhận điều đang có là đủ-tốt rồi, thì mọi sự thiền tốt đẹp sẽ bắt đầu xảy ra. Khi sự thiền tốt đẹp thực sự đang diễn tiến, thì coi như bạn đã làm được rồi!

Để Yên Cho Cái ‘Ta’ Biến Mất

Nhưng, hãy luôn nhớ rằng không phải do bạn có thể làm được điều này; mà đúng nghĩa là bạn không có mặt trong đó. Tiến trình diễn ra khi cái ‘ta’ biến mất. Khi bạn còn đòi hỏi này nọ, thì bạn vẫn còn đó. Khi bạn còn sân, là bạn còn ở đó. Khi bạn còn tham, là bạn còn ở đó. Khi bạn chán nản, là bạn còn ở đó. (Khi còn những chướng ngại gắn liền với cái ‘ta’, thì ta còn ở đó). Tất cả những điều đó còn tạo kèm thêm một cảm nhận về một cái ‘ta’, và cái ‘ta’ đó cho rằng nó sở hữu mọi thứ của nó và nó vẫn luôn can dự vào mọi thứ mọi sự. Bạn chính là chướng ngại của mình. Và bạn không thể đơn giản trốn đi đâu được: có đi đâu bạn cũng mang theo cái ‘ta’ theo bạn. Vì vậy, mọi người hãy cố cởi bỏ hết lớp áo ngoài: cởi bỏ cái áo-‘ta-đây’. Bạn nhận lầm cái ‘ta’ đó là chính mình, đó là cảm nhận về một cái ‘ta’ như là một cái bản-ngã cố định của mình; nên giờ bạn nên cởi bỏ nó đi, và biến mất. Khi cái cảm nhận về cái ‘ta’ biến mất thì không còn sân giận hay tham muốn gì nữa, bởi vì tham và sân chỉ là những thứ đi kèm với cái ‘ta’ đó thôi. (Tham muốn là tham muốn cho cái ‘ta’; sân giận là sân giận vì không có được cho cái ‘ta’ hay sự gì không theo ý của cái ‘ta’). Vậy sau khi đã cởi bỏ lớp áo cái ‘ta’ đó thì đâu còn sự tham-sân đi kèm nữa, lúc đó chỉ còn lại sự hài-lòng và sự bình-an, vô-sự.

Hồi nhỏ còn đi học ở Anh Quốc, tôi từng là một Hướng Đạo Sinh. Chúng tôi thường có đủ thứ phù hiệu, huy chương: phù hiệu vì có khả năng pha trà ngon, phù hiệu vì có khả năng nhóm đốt lửa trại nhanh. Đó là những việc các hướng đạo sinh tập làm trong những kỳ cắm trại—Cũng giống như những người thiền muốn có được gì đó trong một khóa tu hay một kỳ tu tập hoặc sau mấy năm tu tập vậy: họ muốn có ‘phù hiệu’ đã chứng đắc tầng thiền định, họ muốn được ‘phù hiệu’ đã chứng đắc thành một bậc thánh Nhập Lưu… Nhưng đích thực thì không có phù hiệu danh nghĩa nào trong con đường đạo Phật!. Ngược lại, chúng ta tu là cố gắng dẹp bỏ tất cả mọi thứ phù hiệu danh nghĩa—Dù chúng ta có nghĩ chúng ta là gì hoặc danh nghĩa gì, thì chúng ta chỉ cần biến mất khỏi nó. Khi chúng ta bất an động vọng, chỉ cần biến mất; khi chúng ta mệt mỏi buồn ngủ, chỉ cần biến mất. Khi ta biến mất, mọi thứ trở thành đẹp đẽ và bình an. Khi chúng ta bị chán nản, hãy tự hỏi: “Mà ‘ai’ đang chán nản?”. Chỉ cần cái ‘ta’ biến mất và sự chán nản cũng biến mất. (Rồi tham và sân cũng biến mất).

Biết Kiên Nhẫn

Nếu bạn biết hài lòng và dễ dàng được thỏa mãn, và luôn có một thái-độ rằng cái mình hiện có [tại-đây và bây-giờ] là đủ- tốt rồi, thì những vấn đề trở ngại khó khăn chỉ có mặt ở phần giai đoạn đầu của con đường tu tập. Sau một thời gian ngắn chúng sẽ biến mất, và bạn như đang bay bổng—bay vào bên-trong sự thiền định đẹp đẽ và trải qua hàng giờ hạnh phúc và hài lòng trong đó. Nhưng nếu tu hoài mà trạng thái đó chưa xảy đến thì phải biết kiên nhẫn—nó sẽ xảy đến thôi. Nó không tùy thuộc thời gian biểu cho dù bạn đã tu tập miệt mài suốt nhiều năm tháng. Ngay cả đối với những vị thánh đệ tử của Phật, như ngài A-nậu-lâu-đà (Anuruddha), họ phải mất rất rất nhiều năm mới thành tựu kết quả tu tập. Cần có thời gian. Trong các bài kinh có ghi ai đó xuất gia tu hành và sau “một thời gian không lâu” người đó trở thành một bậc thánh A-la-hán – điều đó nhiều khi đó có nghĩa là mấy chục năm chứ không phải mấy ngày mấy tháng đâu. 15, 20 năm cũng đâu phải khoảng “thời gian dài” gì cho lắm, đó chẳng là gì nếu đem so với những khoảng thời gian vô định vô cùng của những vòng luân hồi sinh tử…

Do vậy, đừng cố mong cầu kết quả xảy ra tức thì. Công việc của bạn là giữ im lặng, tĩnh lặng, tĩnh tại, và bình an. Đừng nắm giữ hay thúc ép cái tâm, đừng nắm giữ con trâu nước đó. Đừng đuổi theo nó. Chỉ tu tập sự buông-bỏ, tu tập sự biết-hài- lòng, và tu tập thái độ biết “cái hiện có là đủ-tốt rồi”. Tu tập được những điều đó coi như bạn đã tu tập được những công cụ để làm hoàn thiện sự nghiệp thiền của bạn.

Nhiều lúc, một thái độ hoặc một công cụ bạn đang dùng bị mất tác dụng. Vậy hãy chọn công cụ khác, rồi nếu nó cũng hết công dụng, cứ chọn tiếp công cụ khác. Từng bước từng bước, dùng những chiến thuật khác nhau thì bạn sẽ vượt qua những khó khăn trở ngại ban đầu. Một khi tâm đã được phát triển một cách đúng đắn và bạn đã bắt đầu trải nghiệm được sự bình an và hạnh phúc, thì lúc đó bạn đã thực sự bước vào sự nghiệp thiền. Cho tới lúc đó bạn cũng không cần phải có tất cả mọi công cụ hỗ trợ. Chắc chắn rằng tôi chỉ mới gửi cho quý vị một số hướng dẫn tu tập như trên, nhưng với bấy nhiêu đó quý vị cũng có thể tu tập để đạt được những thời gian trải nghiệm đẹp đẽ và tuyệt vời. Và đó chính xác là điều tôi mong muốn quý vị có được.

Thiền sư Ajahn Brahm

Lê Kim Kha chuyển ngữ

(Trích trong quyển Nghệ Thuật Biến Mất)

(*) Các tít phụ trong bài do Ban biên tâp đặt 

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Cách ăn chay tốt cho sức khỏe tim mạch

Sống an vui 16:50 22/11/2024

Chế độ ăn chay có thể tốt cho huyết áp, cải thiện mức cholesterol và duy trì cân nặng khỏe mạnh, tất cả đều giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Tuy nhiên, nên biết cách ăn chay phù hợp để mang lại những lợi ích sức khỏe.

Những cảnh giới cao nhất

Sống an vui 13:15 22/11/2024

Cảnh giới cao nhất của sự nghiệp, của kỷ luật, của tình bạn, tình yêu và cảnh giới cao nhất trong sinh mạng con người là gì, bạn có biết không?

Buông xả những nỗi lo âu

Sống an vui 11:00 22/11/2024

Ta hay nhân danh sự bận rộn, bổn phận, trách nhiệm để cho phép mình rời bỏ chính mình bất cứ lúc nào. Khi thức dậy là ta đã bắt đầu phóng tâm đi lang thang bên ngoài, tìm kiếm cái này, nắm bắt cái kia.

Học chim làm tổ

Sống an vui 07:30 22/11/2024

Nhìn những chú chim cần mẫn siêng năng tước từng cọng cây, ngọn lá về đan tổ, chúng ta học được rất nhiều đạo lý.

Xem thêm