Danh Tăng Việt Nam sinh vào năm Tý
Phatgiao.org.vn xin giới thiệu tới quý Phật tử bài viết tổng hợp các vị Thiền sư sinh vào năm Tý.
>>Phật tử có thể đọc thêm loạt bài về những gương Chân dung từ bi
Thiền sư Pháp Thuận (Bính Tý 918): Thiền sư đời Tiền Lê, thuộc dòng thiền Tỳ-Ni-Đa-Lưu-Chi, không rõ gốc gác quê quán và tên thật, chỉ biết rằng Sư họ Đỗ, xuất gia từ thuở nhỏ ở chùa Cổ Sơn (Thanh Hóa), sau theo học đạo Thiền sư Phù Trì ở chùa Long Thọ, nổi tiếng là uyên thâm đức độ. Tương truyền rằng chính Sư đã dùng nghệ thuật phù sấm, làm cố vấn giúp vua Lê Đại Hành nắm quyền bính, dẹp yên được hỗn loạn trong triều cuối đời nhà Đinh, được vua Lê vô cùng trọng vọng. Năm 990 niên hiệu Hưng Thống thứ 2, Sư không bệnh mà viên tịch, thọ 76 tuổi, để lại cho đời các tác phẩm: “Bồ Tát sám hối văn”, “Thơ tiếp Lý Giác”, và một bài kệ.
Thiền sư Đại Xả (Canh Tý 1120): Thiền sư thuộc thế hệ thứ 10 dòng thiền Vô Ngôn Thông, nổi tiếng vào thời nhà Lý. Thế danh không rõ, chỉ biết Sư mang họ Hứa, quê ở phường Đông Tác (Thăng Long), xuất gia từ thuở nhỏ, theo học Thiền sư Đạo Huệ, chuyên tâm trì tụng kinh Hoa Nghiêm và Đà-la –ni của Bồ tát Phổ Hiền. Sư thường xõa tóc quên ăn, đi ở bất định, được các bậc vương công như Kiến Ninh Vương, và Thiên Cực Công Chúa (con gái vua Lý Anh Tông) tôn làm bậc thầy. Sư từng dựng chùa ở gò Hồ Nham núi Tuyên Minh để giáo hóa độ sanh, có rất đông học trò theo học đạo. Tục truyền rằng có vị thiền tăng nước Tống là Nham Ông cảm mộ danh tiếng của Sư mà lặn lội đường xa tìm đến thỉnh vấn, rồi tự chặt một ngón tay dâng lên để tỏ lòng thành. Vào ngày mồng 5 tháng 2 niên hiệu Trinh Phù thứ 5 đời Lý Cao Tông (1180), Sư đọc 2 bài kệ cho chúng đệ tử nghe, rồi viên tịch vào lúc canh năm, thọ 61 tuổi.
Thiền sư Nguyên Thiều (Bính Tý 1636): Sư họ Tạ, pháp danh Nguyên Thiều, hiệu Hoán Bích, quê quán ở Triều Châu (Quảng Đông- Trung Quốc), thuộc đời pháp 13 dòng thiền Lâm Tế. Sư xuất gia năm lên 10 tuổi, thọ giới với Hòa thượng Khoáng Viên ở chùa Báo Tự. Đời chúa Nguyền Phúc Tần (1665), theo tàu buôn sang Việt Nam, Sư đến trú ở Quỳ Ninh (Bình Định) rồi lập nên chùa Thập Tháp Di Đà, mở trường dạy giáo lý. Sau, Sư ra Thuận Hóa lập chùa Hà Trung, lên Xuân Kinh-Huế lập chùa Quốc Ân và dựng tháp Phổ Đồng. Đến đời chúa Nguyền Phúc Chu, Sư phụng mệnh sang Trung Quốc để tìm mời các vị danh tăng như Hòa thượng Thạch Liêm (tác giả cuốn sách “Hải ngoại ký sự”) cùng các Hòa thượng Minh Hoằng, Từ Dung sang Việt Nam giảng pháp… Sư cũng mang về cho nước nhà được nhiều Kinh điển, cũng như Pháp tượng-Pháp khí. Năm Ất Mùi 1715, Sư viên tịch, thọ 79 tuổi, được an táng trong khuôn viên chùa Quốc An (Huế) và được truy tặng là Hạnh Đoan Thiền Sư.
Thiền sư Như Trừng (Bính Tý 1696): Sư xuất thân là một vương công họ Trịnh, sinh quán ở Thanh Hóa, con của Tấn Quang Vương, thế danh là Trịnh Thập, tự Lân Giác, hiệu là Cứu Sinh Thượng Sĩ, pháp hiệu Như Như. Khi tuổi vừa trưởng thành, được vua Lê Hy Tông gả cho con gái thứ tư, gia đình ra ở riêng tại tư dinh thuộc phường Bạch Mai, huyện Thọ Xương. Phía sau tư dinh có một cái gò cao, một hôm ông cho người đào ao trên gò để thả cá vàng, khi đào sâu xuống thì thấy một cành sen lớn, cho đó là điềm lạ, liền cho “cải gia vi tự”, đặt tên chùa là Ly Trần Viện (sau đổi là Liên Tông Tự). Từ đó, Sư bắt đầu ăn chay niệm Phật, tham thiền nhập định. Khi được vua cho phép xuất gia, Sư lên núi Yên Tử làm lễ bái sư với thiền sư Chân Nguyên tại chùa Long Động, đến khi đắc pháp thì Sư trở về lại Ly Trần Viện. Sau này, Sư còn lập thêm chùa Hộ Quốc ở vùng An Xá cùng huyện, và cả chùa Hàm Long ở Quế Dương (Bắc Ninh). Sư từ bỏ cõi trần vào năm 1733, khi ấy mới 37 tuổi.
Thiền sư Minh Vi Mật Hạnh (Mậu Tý 1828): Sư quê quán không rõ, húy Minh Vi, thuộc đời thứ 38 dòng thiền Lâm Tế, thọ giới quy y với Hòa thượng Tiên Giác Hải Tịnh tại chùa Giác Lâm ở xã Phú Thọ-huyện Tân Bình- dinh Phiên Trấn (thành phố Hồ Chí Minh ngày nay). Năm 1852, Sư được Hòa thượng Tiên Giác Hải Tịnh cử làm trụ trì chùa Giác Viên, có nhiệm vụ “ứng phú” cho chùa Giác Lâm vốn chỉ chuyên lo việc giáo pháp, không tiếp xúc với Phật tử. Năm Quý Tỵ 1839, nhận thấy sức khỏe suy yếu, Sư trao quyền trụ trì chùa Giác Viên cho sư đệ là Thiền sư Hoằng Ân, rồi nhập thất tu thiền. Đến giờ Thìn ngày 14 tháng 11 năm Mậu Tuất 1898, Sư quy tịch tại chùa Giác Lâm, thọ 71 tuổi.
Thiền sư Thanh Hanh (Canh Tý 1840): Sư quê quán ở làng Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội), thế danh Nguyền Thanh Đàm, pháp danh Thanh Hanh. Sư xuất gia năm lên 10 tuổi, tu học tại chùa Hòe Nhai, đến năm 1958 được gửi về Tổ đình Vĩnh Nghiêm (được xây dựng ở kinh đô Thăng Long từ đầu thế kỷ XI đời Lý Thái Tổ) thọ giáo với Thiền sư Tâm Viên, trở thành một vị Tỳ-kheo rường cột của Tổ đình. Năm 1900, kể từ khi Sư được cung thỉnh làm trụ trì Tổ đình, thay cho Hòa thượng Thanh Huyền đã viên tịch, Tổ đình ngày càng được khuếch trương lớn mạnh trở thành một ngôi chùa lớn tiếng thơm lan tỏa trong công cuộc hoằng dương Phật pháp, nên Sư được xưng tụng là Sư Tổ Vĩnh Nghiêm. Chính vì vậy mà sau năm 1954, một số Phật tử ở miền Bắc di cư vào Nam đã xây dựng tại Sài Gòn một ngôi đại tự lấy tên là Vĩnh Nghiêm (nằm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa ngày nay), làm trụ sở hành đạo cho Phật tử thuộc Miền Vĩnh Nghiêm. Thiền sư Thanh Hanh viên tịch vào năm 1936, thọ 96 tuổi.
Thiền sư Từ Phong (Giáp Tý-1864): Thiền sư quê ở huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định, thế danh Nguyễn Văn Tường, xuất thân từ một gia đình nông dân chất phác. Năm 16 tuổi, chàng thanh niên tên Tường bỏ nhà lên chùa xin thế phát quy y, thọ giới với Thiền sư Minh Đạt. Một thời gian sau, khi đã thông hiểu kinh sách, Sư xuống chùa Giác Viên xin thọ giáo với Thiền sư Minh Khiêm Hoằng Ân, được ban pháp danh là Từ Phong, húy Như Nhãn. Năm 1887, một phật tử ở Tân Hòa Đông (Phú Lâm) phát tâm bồ đề xây dựng xong cả một ngôi chùa, rồi triệu thỉnh Thiền sư Hoằng Ân về trụ trì để truyền bá chánh pháp. Thiền sư Hoằng Ân đặt tên chùa là Giác Hải, cử Sư về trù trì chùa này. Từ năm 1920 đến 1925, Thiền sư Từ Phong đã xây dựng nên ngôi chùa Thiền Lâm ở thôn Gò Kén gần tỉnh Tây Ninh, chính ngôi chùa này là nơi đạo Cao Đài đã xin sư cho phép họ đến tạm trú trong khi chờ đợi xây dựng xong Thánh Thất ở Long Hoa Tây Ninh. Sư tuy học vấn không uyên thâm, nhưng đạo hạnh cao sáng, tinh tấn nhiệt tâm góp công rất lớn trong công cuộc chấn hưng Phật giáo ở Nam Kỳ. Năm 1938, Sư viên tịch tại chùa Thiền Lâm, thọ 74 tuổi, được đồ chúng lập tháp thờ tại 2 chùa Giác Hải và Thiền Lâm.
Hòa thượng Khánh Hòa (Bính Tý 1876): Sư họ Lê, thế danh không rõ, pháp danh Như Trí, pháp hiệu Khánh Hòa, nên thường được gọi là Hòa thượng Khánh Hòa, quê ở huyện Ba Tri- tỉnh Bến Tre. Thuở nhỏ Sư có theo học cụ Đồ Chiểu, đến năm 16 tuổi thì xuất gia thọ giáo Hòa thượng Long Triều tại chùa Kim Cang (Tân An- Long An). Sư từng được An Nam Phật Học Hội mời đến giảng kinh tại các chùa ở Long Khánh, Bình Định… và có mối thâm giao với cụ Nguyền Sinh Sắc (thân sinh Bác Hồ). Năm 1930, sau nhiều năm đi vận động chấn hưng Phật giáo nước nhà, Sư cùng các Hòa thượng và cư sĩ khác đứng ra thành lập Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học Hội, xuất bản tạp chí Từ Bi Âm tại chùa Linh Sơn ở Sài Gòn. Ba năm sau, Sư cùng là một trong những người đứng ra thành lập Lưỡng Xuyên Phật Học Hội tại Trà Vinh, xuất bản tạp chí Duy Tân Phật Học, đào tạo được nhiều danh tăng cho Phật giáo Việt Nam. Sư mất tại chùa Tuyền Linh (Bến Tre) vào năm 1947, được an táng tại đó, thọ 71 tuổi.
Hòa thượng Thích Huệ Quang (Mậu Tý 1888): Sư quê quán ở huyện Ô Môn- tỉnh Cần Thơ, thế danh Nguyền Văn An, pháp hiệu Huệ Quang, tự Thiên Hải. Sư xuất gia năm 1902 (14 tuổi) tu học tại chùa Long Thành (Trà Vinh), về sau trụ trì chùa Long Hòa. Trong khoảng thời gian 10 năm (từ 1919- 1929), Sư đã cũng các vị hòa thượng Khánh Hòa, Pháp Hải, Khánh Anh vận động và thành lập Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học Hội, xuất bản tạp chí Từ Bi Âm tại chùa Linh Sơn ở Sài Gòn. Cũng từ đó, Sư làm Giảng sư kiêm Tổng lý Hội Lưỡng Xuyên Phật Học tại Nam Kỳ. Năm 1945, Sư làm Chủ tịch Hội Phật giáo Cứu quốc tại Miền Tây Nam Bo. Năm 1953, Sư được Giáo hội Tăng già Việt Nam suy tôn làm Pháp chủ Giáo hội. Sau năm 1954, Sư tham gia các tổ chức vận động hòa bình, cơ sở đặt tại chùa Phật Quang ở Chợ Lớn-Sài Gòn. Năm 1956, Sư được suy cử chức Phó Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam (Miền Nam), cùng lúc làm Chủ nhiệm Tập San Phật Giáo. Vào năm 1956, khi đi dự Hội nghị Phật giáo Thế giới tại Népal, trên đường trở về ghé thăm Ấn Độ, Sư lâm trọng bệnh mà mất tại bệnh viện Willintong ở New Delhi (ngày 03-12), thọ 69 tuổi, được an táng tại vườn chùa A-Dục, cho đến năm 1964 thì được hỏa táng, hài cốt rước về quê hương.
Thiền sư Mật Thể (Nhâm Tý 1912): Sư có nguyên quán ở Tống Sơn-Thanh Hóa, sinh quán tại huyện Hương Thủy-tỉnh Thừa Thiên, thế danh Nguyền Hữu Kê, pháp danh Tâm Nhất, pháp hiệu Mật Thể. Sư xuất gia năm 12 tuổi, tu học tại chùa Diệu Hi (Huế). Từ đó, Sư học qua các Thiền viện lớn ở Huế và nổi danh là một học tăng thông minh, được đặc cách theo học lớp Cao đẳng Phật học tại Thiền Viện Trúc Lâm, Tây Thiên khi tuổi chưa trưởng thành. Năm 1935, Sư được sang Trung Quốc tu học tại Phật học viện Tiêu Sơn. Năm 1941. Sư giảng dạy tại Phật học đường Lưỡng Xuyên (Trà Vinh). Sau, Sư được cử làm trụ trì chùa Phổ Quang ở Huế, vừa tu vừa giảng dạy, đồng thời trước tác được công trình “Việt Nam Phật Giáo Sử Lược”- một công trình được xem là sớm nhất về lịch sử Phật giáo nước nhà. Sư từng tham gia 9 năm kháng chiến chống Pháp trên cương vị một tăng sĩ, từng làm Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Phật giáo Cứu quốc tỉnh Thừa Thiên, cho đến khi hòa bình lập lại thì về sống tại Nghệ An. Trong thời gian này, Sư đã hoàn thành tác phẩm “Thế giới quan Phật giáo”. Năm 1961, Sư thanh thản đi về cõi Phật khi được 50 tuổi.
Đặc biệt, ngoài danh sách những vị thiền sư, danh tăng kể trên, có một nhân vật lịch sử không hề xuất gia đầu Phật, nhưng vẫn được kinh sách Phật giáo nước nhà nhắc đến như một vị danh tăng đã đóng góp rất nhiều trong công cuộc hoằng dương Chánh pháp, xin giới thiệu đó là:
Lý Phật Mã (Canh Tý 1000): Tên húy là Đức Chính, quê ở Châu Cổ Pháp (Bắc Ninh), nối ngôi vua cha là Lý Thái Tổ, lấy hiệu là Lý Thái Tông khi 28 tuổi. Ông là vị vua thông minh, có tài trị nước an dân, mở mang văn hóa, mang lại một thời thái bình thịnh vượng. Ông rất sùng thượng và am hiểu Phật giáo, ưu đãi tăng đạo, từng cho dựng hàng loạt 150 sở quán, xây tự viện Từ Thị Thiên Phúc ở núi Tiên Du, thường lên núi ấy để vào tự viện tham vấn những yếu chỉ của đạo Thiền với Thiền sư Thiền Lão. Ông có để lại một bài thơ nổi tiếng “Truy tán Thiền sư Tỳ-Ni-Đa Lưu-Chi” (Sư tổ khởi đầu Thiền tông nước Nam), và bài “Thị chư Thiền Lão tham vấn Thiền chỉ”. Năm 1054, ở ngôi được 26 năm thì ông mất, hưởng dương 54 tuổi.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Hạnh nguyện độ tha rạng ngời của Đức Phật A Di Đà
Góc nhìn Phật tử 11:35 14/12/2024Hướng về ngày 17/11 AL, ngày vía kỷ niệm Ngài, là khi những điều thiêng liêng cao cả nhất được tôn vinh, là cơ hội hy hữu để ta hướng tâm về hình ảnh đức Phật, hướng về hình ảnh của một bậc xuất trần thượng sĩ và tam thiên đại thiên thế giới của Ngài.
Tập điều chỉnh chính mình khi phát hiện mình bất ổn
Góc nhìn Phật tử 08:54 03/12/2024Này bạn, khi tâm trạng rơi vào trạng thái bất ổn, uể oải, hoặc cảm giác như năng lượng tích cực trong ta đã cạn kiệt, việc đầu tiên cần làm là ý thức rõ ràng về tình trạng của mình.
Tôi tin nhân quả
Góc nhìn Phật tử 13:57 02/12/2024Từ ngày tôi biết đến Phật pháp, câu kinh dạy về nhân quả: “Muốn biết cái nhân trước, hãy nhìn sự thụ hưởng ở hiện tại. Muốn biết cái quả sau, hãy nhìn việc làm hôm nay” luôn khắc sâu trong tâm trí tôi.
Truyện ngắn: Hương từ chữ bay ra…
Góc nhìn Phật tử 11:17 02/12/2024Mẹ về hưu sau mấy chục năm lăn lộn với nghề. Ngày đi làm cuối cùng để chia tay đồng nghiệp, mẹ mang về một bó hoa nhỏ và mấy tấm bằng khen đạt giải thưởng báo chí toàn quốc trong nhiều năm.
Xem thêm