Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ sáu, 28/04/2017, 10:34 AM

Đạo làm người (P.2)

Cuộc sống này vô cùng quý giá, ai cũng tham sống sợ chết, cớ sao ta lại đành lòng nhẫn tâm giết hại các loài vật. Giết hại là nhân gây thù chuốc oán làm khổ đau cho nhau không có ngày cùng. Tôi và các em có nhân duyên lớn nên mới được sống trong vòng tay từ bi yêu thương của đấng cha lành. Tôi chỉ mong các em mai sau nếu không phải là viên ngọc quý cho đời thì ít ra các em cũng là những viên thuốc bổ cho nhân loại.

Sống hiếu thuận, thương yêu mọi người

Anh chị em nương tựa nhau,
Sống nhường nhịn, biết chia sẻ,
Sống vui vẻ, cùng thuận thảo,
Sống chan hòa cùng mọi người.

Kính chú bác như mẹ cha.
Trọng anh em, quý bạn bè.
Tình thân quyến phải gìn giữ.
Với mọi người sống yêu thương.

Với người trên phải kính cẩn,
Với kẻ nhỏ phải dung hòa,
Sống tiết độ, biết lễ nghi,
Thương kính người trong bình đẳng.
 
Biết giúp đỡ, không ích kỷ,
Sống khiêm tốn, không phô trương,
Sống giữ mình, không sa ngã,
Sống vị tha vì mọi người.
Giải thích:
Anh chị em nương tựa nhau,
Sống nhường nhịn, biết chia sẻ,
Sống vui vẻ, cùng thuận thảo,
Sống chan hòa cùng mọi người.

Là anh chị em chúng ta phải khuyên nhau sống vui vẻ, thuận thảo với tất cả mọi người, không tranh giành, cãi cọ nhau. Trong gia đình các em hãy là một người con hiếu thảo, biết kính trên nhường dưới, thuận hòa, vui vẻ với mọi người.

Trong nhà trường các em là một học sinh gương mẫu, không gây gỗ đánh nhau với bạn, hòa đồng với tập thể, biết lắng nghe lời khuyên của những người hiểu biết hơn mình, biết giúp đỡ các em nhỏ còn non nớt, yếu kém.

Các em phải sống vui vẻ, không nên buồn giận một ai. Nhờ vui vẻ, cởi mở với nhau nên mỗi người chúng ta dễ gần gũi với bạn bè, các anh chị em. Các em cũng không nên nũng nịu, giận hờn hay la khóc, làm như vậy ta sẽ dễ bị anh chị em, bạn bè xa lánh, không dám gần gũi.

Các em hãy luôn sống hoà đồng và biết sẻ chia trên tinh thần đoàn kết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, biết thương yêu, nhường nhịn nhau và cùng chia vui sớt khổ, nhường cơm xẻ áo, khi em ngã thì chị nâng bằng trái tim hiểu biết.

Kính chú bác như mẹ cha.
Trọng anh em, quý bạn bè.
Tình thân quyến phải gìn giữ.
Với mọi người sống yêu thương.

Chú bác, cô dì là anh em ruột với cha hoặc mẹ. Chúng ta cung kính, hiếu thảo với cha mẹ như thế nào thì cũng phải kính trọng chú bác, cô dì như thế đó. Ta cũng phải biết tôn trọng anh chị em, bạn bè thân hữu như thương quý chính bản thân mình. Chúng ta phải luôn giữ gìn mối thâm tình với họ hàng, bà con cô bác gần xa, phải sống gắn bó, yêu thương nhau và sẵn sàng giúp đỡ hay sẻ chia khi cần thiết.

Là bạn bè các em phải tin tưởng, thương mến nhau, cùng nhắc nhau luôn tin Phật là một con người cũng giống như mỗi người chúng ta. Các em hãy thương yêu mọi người như thương yêu chính bản thân mình, phải tin kính lời người lớn, những anh chị huynh trưởng, và nhất là tin vào Ðức Phật vì những lời dạy của Ngài sẽ hướng dẫn cho các em trở thành người tốt trong hiện tại và mai sau.

Với người trên phải kính cẩn,
Với kẻ nhỏ phải dung hòa,
Sống tiết độ, biết lễ nghi,
Thương kính người trong bình đẳng. 

Đối với ông bà, thầy tổ, chú bác, cậu dì các em phải biết cung kính, tôn trọng, cẩn thận trong lời ăn tiếng nói, trong đối nhân xử thế. Đối với người nhỏ các em phải biết thương yêu giúp đỡ, nhường nhịn lẫn nhau. Các em hãy sống biết điều hoà chừng mực về mọi phương diện, biết tôn trọng phép tắc lễ nghi, sống có tôn ti trật tự, bình đẳng thương yêu, tôn kính với tất cả mọi người.

Biết giúp đỡ, không ích kỷ,
Sống khiêm tốn, không phô trương,
Sống giữ mình, không sa ngã,
Sống thương yêu, vì mọi người.

Sống ở đời sự san sẻ, giúp đỡ qua lại là điều cần thiết. Các em không nên tham lam, ích kỷ mà làm mất đi tình người trong cuộc sống. Ta phải sống biết khiêm tốn thấp mình thưa hỏi những điều hay lẽ phải; không khinh khi, coi rẻ mọi người; không phô trương, khoe khoang, chứng tỏ đẳng cấp giàu sang hoặc có tâm cống cao ngã mạn; luôn thương yêu, nhường nhịn lẫn nhau.

Các em sống có ý thức trách nhiệm và bổn phận đối với gia đình, xã hội nên sẽ không bị sa ngã mà rơi vào vòng tệ nạn xã hội. Chúng ta sống không chỉ biết thương yêu, kính trọng ông bà cha mẹ, vợ chồng con cái, thân bằng quyến thuộc mà còn phải biết thương yêu tất cả mọi người.

Hãy sống với trái tim yêu thương và hiểu biết

Một kiếp người thoáng qua mau,
Sống cho đúng, không hối tiếc,
Với bản thân biết điều hòa,
Biết thúc liễm thân-miệng-ý.

Sống làm việc, biết hy sinh,
Sống giữa đời, biết phụng sự,
Sống yêu thương trong hiểu biết,
Sống hết mình vì người khác.

Trước học lễ, sau học chữ,
Siêng học hỏi những điều hay.
Biết kính thầy, quý trọng bạn,
Biết kính trên, nhường người dưới.

Với thầy cô phải lễ phép,
Với bạn bè phải hòa hợp,
Với cộng đồng phải thuận ý,
Với mọi người biết yêu thương.

Cùng vui vẻ kết bạn hiền
Cùng học tập, lao động tốt,
Cùng giúp nhau, cùng tiến bộ,
Cùng sẻ chia vì mọi người.

Khi học bài phải tập trung,
Học và hành phải đi đôi.
Sách nhảm nhí chẳng nên đọc,
Sách Thánh hiền phải nên xem.

Ăn với uống chỉ để sống,
Ăn vừa đủ, không nên quá.
Không cố tâm giết hại vật,
Không xúi bảo người giết hại.

Đồ của người không tự lấy,
Nếu không hỏi cũng như trộm.
Không tà hạnh, đỡ hư thân.
Giữ thủy chung, đồng hạnh phúc.

Sống ở đời cần chữ tín,
Nói chân thật, lời từ ái,
Không nói tục, lời xảo trá,
Không gian dối để hại người.

Không dùng chất có độc hại
Gây say sưa, loạn thân tâm.
Không kết tình cùng bạn xấu,
Hãy kết bạn với người tốt.

Luôn gần gũi bậc hiền Thánh,
Để học hỏi những điều hay.
Chi tiêu đúng việc cần xài,
Không xa hoa, hay lãng phí.

Việc không tốt chớ xúi người,
Việc thiện lành nên khuyến khích.
Biết khen ngợi người làm tốt,
Biết khuyên nhủ người làm xấu.

Không chê bai người phạm lỗi,
Nên động viên người làm thiện.
Ai giúp đỡ phải nhớ ơn,
Ai gieo oán cũng chớ buồn,

Không thấy ai là kẻ thù,
Chỉ có người chưa thông cảm.
Cho và nhận phải biết rõ,
San sẻ người không mong trả.

Không trách móc, không giận hờn,
Nhẫn nhịn nhường trong vui vẻ.
Biết cảm thông và tha thứ,
Bằng tình người trong cuộc sống.

Không cậy quyền, ỷ thế lực,
Tin nhân quả, biết làm lành.
Luôn kính Phật, quý trọng Tăng,
Siêng học hỏi, năng thực hành.

Sống thương yêu người bình đẳng,
Bằng trái tim có hiểu biết.
Giải thích:
Một kiếp người thoáng qua mau,
Sống cho đúng, không hối tiếc.
Với bản thân biết điều hòa,
Biết thúc liễm thân-miệng-ý.

Sống có hiểu biết là sự nhận thức đúng đắn về đạo lý làm người. Đời sống con người vốn rất mong manh, mới thấy đó rồi mất đó, chỉ một hơi thở ra mà không thở vào thì coi như thân mạng này tan rã. Nhưng chết không phải là hết, chết chỉ là sự thay hình đổi dạng tùy theo nhân đã gieo tạo trong hiện tại mà cho ra kết quả trong tương lai.

Thời gian cứ âm thầm trôi qua lặng lẽ, đến khi có được miếng ăn thức uống đầy đủ, nhà cửa đàng hoàng thì con người cũng bắt đầu tuổi già sức yếu. Đến lúc này chúng ta lại hay nhớ nghĩ về quá khứ mà tiếc nuối quãng đời, sự nghiệp đã qua. Khi còn trẻ ta không biết gìn giữ thân-miệng-ý cho trong sạch nên tới tuổi già ta lo lắng, sợ hãi, phiền muộn, khổ đau đủ mọi chuyện.

Mọi việc nên hư, thành bại, tốt hay xấu trong hiện đời là do mình tạo lấy bằng thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp. Mình làm lành được hưởng phước, mình làm ác chịu khổ đau, không ai có quyền ban phước giáng hoạ cho ta cả.

Vậy nghiệp là gì? Nghiệp là năng lực, là hành động được lặp đi lặp lại nhiều lần do thân-miệng-ý của mỗi người, lâu ngày trở thành thói quen có sức mạnh lôi cuốn, chi phối và sai sử chúng ta. Những em nào siêng năng, chăm chỉ học hành rồi sau này trở thành bác sĩ, kỹ sư, thầy giáo thì ta gọi là nghiệp bác sĩ, kỹ sư, thầy giáo v.v…

Thân nghiệp lành có 3 yếu tố: Không sát sinh hại vật, không gian tham trộm cướp lường gạt và không tà dâm. Thân nghiệp dữ gồm 3 điều: Sát sinh hại vật, trộm cướp lường gạt và tà dâm dan díu với vợ chồng người khác.

Nghiệp thiện của miệng có 4 yếu tố: Không nói dối hại người, không nói lời thêu dệt, không nói lời đòn xóc hai đầu, không nói lời hung ác. Nghiệp ác của miệng gồm 4 điều: Nói dối, nói thêu dệt, nói gây chia rẽ, nói mắng chửi ác độc.

Ý nghiệp lành có 3 yếu tố: Không tham lam ích kỷ, không oán giận thù hằn và không si mê mờ tối. Ý nghiệp ác gồm 3 điều: Tham lam, sân giận và si mê. 

Sống làm việc, biết hy sinh,
Sống giữa đời, biết phụng sự,
Sống yêu thương trong hiểu biết,
Sống hết mình vì người khác.  

Khi còn trẻ ta phải biết dấn thân đóng góp vì lợi ích gia đình và xã hội, biết hy sinh tận tụy với nghề nghiệp mình đang làm, lãnh trách nhiệm nào ta phải hoàn thành trách nhiệm đó. Ta sống hết mình vì mọi người bằng sự thương yêu có hiểu biết, không câu nệ bất cứ công việc nào, miễn là có lợi ích vì cái chung.

Trước học lễ, sau học chữ,
Siêng học hỏi những điều hay.
Biết kính thầy, quý trọng bạn,
Biết kính trên, nhường người dưới.

“Tiên học lễ, hậu học văn” là phương châm giáo dục của người xưa. Tuy vậy, đến ngày nay nó vẫn giữ nguyên được giá trị thiết thực giúp các em học sinh biết cách sống làm người. “Lễ” có nghĩa là cách ứng xử trong mối quan hệ giao tiếp có văn hóa giữa người với người theo chuẩn mực đạo đức được mọi người trong xã hội chấp nhận. Chúng ta phải biết kính trên nhường dưới và biết đặt lợi ích chung lên trên hết.

“Văn” có nghĩa là chữ, là kiến thức của loài người được học hỏi, tích lũy qua nhiều thế hệ. Muốn trở thành người biết lễ nghĩa nhân cách sống thì phải học, mà học thì phải học chữ, tức là học kiến thức qua lời thầy cô giáo dạy, qua bè bạn và tự học trong sách vở. Tuy nhiên, học nhiều là để trau dồi kiến thức hiểu biết chớ không phải học nhiều là có đạo đức. Nếu một người có học mà không có phép tắc lễ nghĩa, không biết kính trên nhường dưới thì cũng được xem là hạng không có hiểu biết. Như vậy, học chữ và học lễ phải luôn song hành với nhau. Chúng tôi có hai câu đối nói về việc tu học để tự răn nhắc chính mình như sau:

“Học mở rộng tầm nhìn kiến thức
Tu sửa tâm ngày một sáng trong’’.

Ông cha ta từ ngàn xưa đến nay đã quán triệt sâu sắc tinh thần giáo dục “tiên học lễ, hậu học văn”. Thật vậy, trong giáo dục, trong ứng xử, trong mối quan hệ giao tiếp con người phải lấy nền tảng đạo đức làm trọng.    

Trong thời kỳ xã hội đang trên đà văn minh tiến bộ, sự phát triển về tiện nghi vật chất lên đỉnh cao, thì con người dường như bị giảm thiểu về phẩm chất đạo đức. Bên cạnh cuộc sống tiến bộ với đầy đủ tiện nghi, vật chất thì hình thức giáo dục lại chỉ chú trọng đến truyền đạt kiến thức mà ít chú trọng đến việc giáo dục nhân cách sống đạo đức con người.

Các em muốn học chữ trước tiên phải biết học phép tắc lễ nghĩa, kế đến mới học văn hay chữ giỏi; phải siêng năng, ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành, biết kính trên nhường dưới, tôn sư trọng đạo. Ngoài việc học ở thầy các em còn phải học nơi bạn bè, gia đình, và xã hội nhưng chính yếu vẫn là tham khảo tự học.

Chúng ta kính trọng thầy mới được làm thầy, quý trọng bạn mới có bạn hiền giỏi. Ta kính trọng thầy để được học hỏi những điều hay lẽ phải vì “không thầy đố mày làm nên”. Do đó, biết kính trên nhường dưới là đạo lý chân thật luôn giúp chúng ta sống có phép tắc và biết lễ nghĩa.

Yếu tố nền tảng quan trọng của giáo dục là biết kết hợp hài hoà giữa học chữ và đạo đức. “Tiên học lễ, hậu học văn” là nguyên tắc đào tạo con người ưu việt đã có từ ngàn xưa được ông cha ta đúc kết qua nhiều thế hệ. Để đào tạo ra một người vừa có tài năng và đức độ thì vai trò của thầy cô giáo phải mẫu mực trong hai mặt tri thức và đạo đức.

Với thầy cô phải lễ phép,
Với bạn bè phải hòa hợp,
Với cộng đồng phải thuận ý,
Với mọi người biết yêu thương.

Thầy cô giáo là người dạy ta học hỏi để nâng cao trình độ hiểu biết. Do đó, khi gặp thầy cô các em phải cung kính, lễ phép chào hỏi. Với bạn bè các em phải vui vẻ hòa đồng, cùng nhau học hỏi, không gây chia rẽ làm mất đoàn kết lẫn nhau. Đối với sinh hoạt chung của nhà trường và cộng đồng xã hội các em phải biết giữ gìn phép tắc, thuận ý với nhau để cùng học hỏi, cùng thương yêu dìu dắt nhau bằng tình người trong cuộc sống.

Biết chọn bạn kết thân tình,
Cùng giúp nhau, cùng tiến bộ,
Cùng học tập, lao động tốt,
Cùng sẻ chia vì mọi người.   

Các em phải biết chọn lựa bạn tốt mà chơi, biết kết tình bằng hữu và lập ra một tổ học tập để hướng dẫn, chỉ dạy nhau và giúp đỡ những bạn còn yếu kém. Ngoài việc học các em cũng nên tham gia sinh hoạt công ích của lớp và nhà trường, phải tích cực lao động tốt mỗi khi có kế hoạch đặt ra. Các em phải cùng chia sẻ, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trên tinh thần cầu tiến và cùng nâng đỡ cho nhau bằng trái tim yêu thương có hiểu biết.

Khi học bài phải tập trung,
Học và hành phải đi đôi.

Khi học bài các em phải chú ý, tập trung, phải xoáy sâu vào việc cần học, không xao lãng theo kiểu vừa học vừa chơi là không được. Chúng ta học mục đích là để hiểu biết, để nâng cao trình độ nhận thức và chọn cho mình một nghề nghiệp chân chính, thích hợp với hoàn cảnh cuộc sống mà dấn thân đóng góp vì lợi ích chung.

Học là tiếp thu kiến thức, lý thuyết từ thầy cô giáo hướng dẫn, học qua sách vỡ, và những người xung quanh. Học theo thứ tự từ thấp đến cao, từ dễ đến khó. Học phải suy ngẫm, tìm hiểu để biết rõ được giá trị và mục đích. Hành là quá trình vận chuyển, áp dụng kiến thức đã học vào trong cuộc sống thực tế.

Nhiều người có rất nhiều bằng cấp, nhưng chỉ lý thuyết suông mà không thực hành thì chỉ có lý luận suông. Các kiến trúc sư sử dụng kiến thức đã học vào việc thiết kế bản vẽ, để giúp cho những người khác xây dựng công trình. Các nhà nông dân đã vận dụng vốn hiểu biết đã học được vào đồng ruộng, trang trại của mình.

Học và hành luôn đi đôi với nhau. Như ông bà chúng ta đã từng nói, học mà không hành thì không làm được gì, hành mà không học thì cũng khó hoàn thành tốt đẹp. Học và hành luôn đắp đổi và nối tiếp nhau để đi đến thành công và không thể tách rời nhau.

Sách nhảm nhí chẳng nên đọc,
Sách Thánh hiền phải nên xem.

Sách nhảm nhí là những loại sách khi đọc vào sẽ làm tổn thương thân tâm như các loại sách đồi trụy, những tiểu thuyết tình cảm ủy mỵ, khiêu khích chiến tranh, bạo động, hận thù. Các em chỉ nên đọc các loại sách Thánh hiền, nhất là sách về lời Phật dạy các em phải nên tham khảo, học hỏi để thấm nhuần đạo lý làm người mà sống có nhân cách đạo đức tốt, phát triển tấm lòng từ bi thương yêu bình đẳng mà hay giúp người cứu vật bằng trái tim hiểu biết.

Ăn với uống chỉ để sống,
Ăn vừa đủ, không nên quá.

Mục đích của việc ăn uống là để thân này có sức khoẻ mà làm việc nuôi sống bản thân, gia đình và đóng góp lợi ích cho xã hội. Các em phải quan niệm rằng mình ăn để mà sống chứ không phải sống để mà ăn. Những người sống để ăn thường hay giết các loài vật còn sống, để thỏa mãn thú ăn uống của bản thân mà đánh mất lòng từ bi của chính mình, chỉ vì muốn ăn cho sướng cái miệng mà làm cho các loài vật phải chịu khổ đau khi bị giết hại.

Do đó, chúng ta ăn vừa đủ no mà không nên ăn quá nhiều. Thời nay, bệnh béo phì là do chúng ta không khéo điều hòa trong ăn uống, nhất là các chị em phụ nữ. Ăn quá no, quá nhiều là nguyên nhân sinh ra nhiều chứng bệnh. Khi mập quá thì phải uống thuốc giảm cân, tập thể dục thẩm mỹ, mất nhiều thời gian lại hao tiền tốn của.

Không cố tâm giết hại vật,
Không xúi bảo người giết hại.

Trong các tội thì tội giết người là nặng nhất và có thể bị tử hình, lãnh án tù chung thân, hoặc nhẹ lắm cũng từ 15 cho đến 20 năm tù giam. Giết người thì có luật pháp nghiêm khắc trừng trị, giết hại các loài vật thì chưa có luật pháp ban hành; nhưng chúng ta là những người có hiểu biết nhờ tin sâu nhân quả nên không thể tự tay giết hại hay xúi bảo người giết hại, hoặc vui vẻ khi thấy người giết hại.

Hỡi các em, các người trẻ! Các em là mầm sống của bao thế hệ loài người trong hiện tại và tương lai, nên các em hãy là người sống có văn hóa, có đạo đức, có nhân cách, có hiểu biết, có kết nối, có yêu thương, có đức tính từ bi, biết tôn trọng, bảo vệ sự sống chung của muôn loài.

Các em ngay tại đây và bây giờ phải ý thức được sự khổ đau do giết hại gây ra, không giết người và hạn chế tối đa việc giết hại các loài vật; bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên, không khai thác phá hủy bừa bãi làm ảnh hưởng chung cho thế giới loài người. Các em không trực tiếp giết hại hay phá hủy môi trường, không xúi bảo người giết hại, không vui vẻ hay tán đồng khi thấy người giết hại dù chỉ là trong tâm tưởng.

Cuộc sống này vô cùng quý giá, ai cũng tham sống sợ chết, cớ sao ta lại đành lòng nhẫn tâm giết hại các loài vật. Giết hại là nhân gây thù chuốc oán làm khổ đau cho nhau không có ngày cùng. Tôi và các em có nhân duyên lớn nên mới được sống trong vòng tay từ bi yêu thương của đấng cha lành. Tôi chỉ mong các em mai sau nếu không phải là viên ngọc quý cho đời thì ít ra các em cũng là những viên thuốc bổ cho nhân loại.

Nhận thấy được những khổ đau do sự giết hại gây ra, tất cả chúng ta phải quyết tâm tôn trọng, bảo vệ sự sống cho tất cả muôn loài. Trước tiên, chúng ta không được giết người, sau phải hạn chế tối đa giết hại các loài vật cho đến khi nào không còn tâm niệm giết hại nữa. Muốn được như vậy ta phải tự biết xấu hổ khi cố ý hoặc vô tình làm tổn hại loài vật khác. Ta cũng phải biết hổ thẹn khi thấy người khác biết tôn trọng và bảo vệ sự sống còn mình không làm được.

Sự sống vô cùng quý giá, từ con người cho đến muôn vật ai cũng tham sống sợ chết. Niềm vui căn bản của tất cả chúng sinh là được sống an lành, mạng sống không bị đe dọa. Chính vì thế, chúng ta cần đem niềm vui, tình yêu thương chân thật đến cho mọi người, mọi loài. Khi thấy một ai bị bất hạnh khổ đau, đang sống trong phập phòng lo sợ thì chúng ta phải tìm cách chia sẻ nhằm xoa dịu bớt nỗi khổ niềm đau giúp người qua cơn hoạn nạn.

Bốn tâm niệm lớn của một vị Bồ tát là thực hiện đầy đủ 4 pháp: không giết hại; biết xấu hổ, thẹn thùng khi làm hại đến sự sống của muôn loài; biết hiến tặng niềm vui cho kẻ khác để mọi người đều được sống an vui, hạnh phúc; biết san sẻ nỗi khổ niềm đau để làm vơi bớt lo lắng và sợ hãi cho mọi người. Một vị Bồ tát là người giác ngộ từng phần cho đến khi nào viên mãn bằng Phật, nếu các em thực hiện được những việc này thì các em cũng đang là Bồ tát trong hiện tại và mai sau.

Các em nên biết và cần phải biết, tất cả mọi sự vật trên thế gian này muốn bảo tồn mạng sống phải nương nhờ lẫn nhau, không một sự vật nào tách rời mà bảo toàn được mạng sống. Các em không làm ruộng nhưng vẫn có gạo ăn, các em không dệt vải nhưng vẫn có quần áo mặc, và tương tự như thế các thứ khác cũng đều như vậy. Đó là nguyên lý duyên khởi tương sinh, tương quan mật thiết. Vạn vật nương tựa vào nhau để tồn tại trong bầu vũ trụ bao la này nên “cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt.”

Các em biết yêu quý mạng sống của mình như thế nào thì người và các loài vật khác cũng yêu tiếc mạng sống như thế đó. Giết hại là sự hủy diệt mạng sống của một chúng sinh, quả báo đền trả tương xứng trong hiện tại và mai sau là bệnh hoạn và chết yểu. Các em cần phải suy xét cho thấu đáo giới “không giết hại” này vì nó là nhân của người không có lòng từ bi, dẫn đến quả báo là người ác độc hại người, hại vật.

Đồ của người không tự lấy,
Nếu không hỏi cũng như trộm. 

Ý thức được những khổ đau do gian tham trộm cướp, lường gạt lấy của người dưới nhiều hình thức, chúng ta nguyện mở rộng tấm lòng từ bi thương xót để đem lại niềm vui sống đến với tất cả người và vật. Các em hãy nguyện “dù là một cây kim cọng chỉ, nếu không phải của mình hay người khác không cho thì các em cũng không tự lấy làm của riêng mình”.

“Trộm” có nghĩa là canh me, rình rập lén lấy, không để cho người khác thấy. “Cướp” có nghĩa là công khai, ngang nhiên cưỡng đoạt lấy trước mặt mọi người. Cân non bán thiếu, trốn thuế, lường gạt đều gọi là trộm. Lợi dụng quyền cao chức trọng tham ô, hối lộ, ăn chặn, bắt chẹt người phải đưa tiền của đều gọi là cướp. Tham lam muốn chiếm lấy của người làm của riêng mình là do thói quen lười biếng của kẻ ăn không ngồi rồi, làm ít mà muốn hưởng thụ nhiều, là nhân dẫn đến nghèo cùng khốn khổ trong hiện tại và mai sau.

Có biết bao người đau khổ vì bị mất của, vì bị lừa đảo mà túng quẫn đến tự sát. Lại nữa, tiền bạc là phương tiện để nuôi sống bản thân và gia đình, bao nhiêu năm tháng chắt chiu dành dụm mà nay lại tiền mất tật mang. Sự mất mát tài sản làm cho gia đình trở nên thiếu thốn, khó khăn, nghi ngờ lẫn nhau, có thể dẫn đến đổ vỡ hạnh phúc gia đình. Sự đền trả xứng đáng của quả báo này là nghèo cùng vô số kiếp, có nhiều tiền của mà cũng không thể tự do sử dụng.

Các em nên nhớ, tài sản của cải bất chính có được do mưu mô lương lẹo thì khó bao giờ nắm giữ được vì đã có bằng sự đau khổ của người khác. Nhan nhản mỗi ngày đều xảy ra những vụ trộm cướp, lừa đảo, lường gạt được báo chí đăng tải đều do lòng tham muốn quá đáng của con người. Con người vì lòng tham nên mới dễ bị người khác lường gạt. 

Quả báo của sự trộm cướp nặng thì nghèo cùng vô số kiếp, hoặc làm thân súc vật để đền trả cho người; nhẹ thì ruộng vườn, nhà cửa, tài sản bị thiên tai lũ lụt, hỏa hoạn, sóng thần, động đất phá hủy.

Các em hãy nên tin sâu nhân quả, tin mình làm lành được hưởng phước, mình làm ác chịu khổ đau. Trộm cướp là việc làm xấu ác mà cả thế giới loài người đều không chấp nhận nên có luật pháp chế tài, huống hồ là luật nhân quả luôn âm thầm chi phối.

Không tà hạnh, đỡ hư thân.
Giữ thủy chung, đồng hạnh phúc.

Ý thức được những khổ đau do xâm phạm tiết hạnh của người khác nên chúng ta chỉ sống một vợ một chồng chung thủy có đôi, không dan díu ăn nằm với người khác nếu không phải là vợ hoặc chồng. Các em phải ý thức rõ tà dâm là hành động sai lầm về tình dục nam nữ làm mất đi nhân cách đạo đức của con người. Khi lớn khôn các em ai cũng có quyền cưới vợ, lấy chồng xây dựng cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, ngoài vợ chồng chính thức các em không được quan hệ tình dục với người khác, còn gọi là ngoại tình, là phá hoại hạnh phúc gia đình người.

Việc tìm thú vui trong chốn thanh lâu, cho đến cưỡng bức xâm hại người khác đều là tà hạnh. Nam và nữ đã có gia đình hoặc chưa có mà hay phóng tâm đam mê tửu sắc, chơi bời trác táng đều thuộc hạnh tà dâm. Xưa nay, từ vua chúa quan quyền cho đến thứ dân bần cùng nghèo khổ bị tan nhà nát cửa, mất nước mất thành, gia đình đổ vỡ đều do hạnh tà dâm mà ra.

Ở Việt Nam ta có vua Lê Ngọa Triều cũng vì tửu sắc quá độ mà thân thể bệnh hoạn, suy nhược không ngồi được nên bị mất nước. Nhiều vụ án xảy ra vì ghen tuông mà hủy hoại nhan sắc tình địch, hoặc giết người dã man. Bản chất của chúng sinh là ái dục nên chúng ta mới có mặt trong cuộc đời, nhưng ta đừng vì thế mà quá lạm dụng trong vấn đề tình dục.

Ai ham hưởng thụ quá đáng vấn đề khoái lạc xác thịt và đi quá đà trong chừng mực cho phép sẽ dễ bị mất nhân cách, phẩm chất đạo đức. Thường như thế sẽ kéo theo sự đổ vỡ hạnh phúc gia đình là ghen tuông, giận dỗi, chửi mắng và đánh đập, quả báo hiện đời không bao giờ có được mái ấm gia đình hạnh phúc. Vì vậy, các em hãy sống chung thủy một chồng một vợ để không bị người khác phá hoại hạnh phúc gia đình mình.

Ngoài ra, trường hợp có những sinh hoạt tình dục với người cùng huyết thống, tức là người thân trong gia đình thì gọi là loạn luân, quan hệ này còn tệ hại hơn cả tà dâm. Quan hệ tình dục giữa người và thú thì gọi là cuồng dâm vì mất hết tính người. Một vấn đề hết sức tréo ngoe khác là quan hệ tình dục giữa người nam với người nam, còn gọi là pê đê; hoặc quan hệ tình dục giữa người nữ với người nữ, còn gọi là đồng tính luyến ái. Hai trường hợp này đều phá bỏ tập tục truyền giống của loài người. Còn một điều tệ hại hơn nữa là quan hệ tình dục giữa người trưởng thành và trẻ em thiếu niên nhi đồng, xã hội gọi là bạo dâm và không còn từ ngữ nào khác để diễn tả.

Nói chung, do hưởng thụ khoái lạc xác thịt quá đáng và sai lầm trong quan hệ tình dục nên phát sinh ra những trường hợp lắc léo trên. Các em nếu muốn có một nhân cách, phẩm chất đạo đức tốt để không rơi vào trường hợp ngoại tình và các quan hệ tình dục bất chính khác thì phải phát nguyện làm đệ tử Phật, gìn giữ 5 Giới pháp trong sạch. Nhờ vậy, các em mới có thể không bị rơi vào hố sâu của đam mê, tội lỗi.

Sống ở đời cần chữ tín,
Nói chân thật, lời từ ái,
Không nói tục, lời xảo trá,
Không gian dối để hại người. 

Bồ tát Quán Thế Âm là một người do tu hạnh nhĩ căn viên thông “phản văn văn tự tính”, trở về tính nghe của mình mà thành tựu đạo quả; sau đó phát tâm đi vào đời để cứu độ chúng sinh bằng hạnh lắng nghe và dùng lời nói nhẹ nhàng, êm dịu để giúp mọi người vượt qua sợ hãi, khổ đau và bất hạnh. Ngài là một con người mẫu mực đã mở ra cánh cửa “Phổ Môn” rộng khắp thế giới Ta bà để mang đến niềm vui, tình yêu thương chân thật và làm vơi đi biết bao nỗi khổ niềm đau của tất cả chúng sinh với tấm lòng từ bi rộng lớn nhờ có nhiều phước và đức.

Nếu các em biết thực tập hạnh lắng nghe và nói theo hạnh Bồ tát Quán Thế Âm thì các em cũng sẽ là một Bồ tát đích thực trong hiện tại và mai sau. Ý thức được những khổ đau do lời nói thiếu tỉnh giác gây ra, các em hãy học và làm theo hạnh lắng nghe cùng nói lời hòa nhã, dễ thương để đem đến niềm vui chân thật, sẵn sàng chia sẻ nỗi khổ niềm đau nhằm xoa dịu bớt nỗi đau bất hạnh của tha nhân.

Lời nói rất quan trọng và có thể tác động tới tâm tư con người làm họ hạnh phúc hay đau khổ. Lời nói có thể mang lại niềm an vui hạnh phúc cho nhiều người, giúp họ có niềm tin, ý chí và nghị lực trong cuộc sống để vượt qua cạm bẫy cuộc đời. Do đó, các em hãy nguyện sẽ nói lời chân thật và không nói dối hại người hại vật; nguyện lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và nói lời từ ái, hòa nhã, dễ thương để làm người khác thoải mái, bình tĩnh, tự tin hơn.

Lời nói có thể làm con người hiểu lầm nhau dẫn đến hận thù và có thể giết nhau khi không làm chủ được bản thân. Chính vì thế, các em hãy nguyện không nói dối, chuyện có nói không, chuyện không nói có; hoặc hứa với người mà không giữ lời, hoặc hứa rồi mà tráo trở, lật lọng. Các em cũng không được nói lời ly gián làm hai bên hiểu lầm nhau mà sinh ra thù hận. Việc này còn độc hại hơn cả rắn độc vì làm cho người thân chia lìa, gia đình ly tán, bạn bè trở thành kẻ thù, xã hội trở nên loạn lạc, lầm than vì không còn tin tưởng lẫn nhau.

Các em cũng không dùng lời nói thêu dệt, nịnh hót để làm xiêu lòng người. Xưa nay từ vua quan cho đến các thứ dân bần cùng đều bị mê hoặc bởi lời nói nịnh hót, tâng bốc. Chính lời nói nịnh hót đã làm hại oan rất nhiều người. Các em cũng không dùng lời nói thô ác như nói nặng, mắng nhiếc, chửi rủa, dùng lời lẽ thô tục để lăng nhục người khác. Đó là các em đã học và thực hành theo hạnh nguyện của Bồ tát Quán Thế Âm luôn lắng nghe, nói lời hòa nhã từ ái đem niềm vui đến với mọi người.

Không dùng chất có độc hại
Gây say sưa, loạn thân tâm.

Cuộc sống thiên về vật chất ngày nay khiến cho con người ngày càng sa đọa vì những thói quen hưởng thụ không lành mạnh như hút thuốc, uống rượu, dùng các chất kích thích độc hại như xì ke ma túy. Một khi đã nghiện rượu và ma túy thì con nghiện sẽ làm bất cứ điều gì khi cơn ghiền đến như nói dối, lường gạt, ăn trộm, ăn cướp, hiếp dâm và ngay cả giết người.

Do đó: 

Tai nạn giao thông chiếm 60% là do uống rượu lái xe. Trộm cướp, hiếp dâm, giết người do uống rượu chiếm 10%. Bạo hành gia đình chiếm 20% cũng do uống rượu. Gây mất trật tự an toàn lối xóm cũng chiếm 10%. Rượu là chỉ chung cho những chất gây say, gây nghiện làm con người mất hết lý trí, mất bình tĩnh khi đã quá đà.

Rượu làm con người nóng nãy dẫn đến tranh chấp, cãi vã, nói nặng lời với nhau làm tự ái phát sinh, giận dỗi rồi đưa đến xô xát gây thương tích và có thể giết người. Rượu còn là nguyên nhân gây bạo hành trong gia đình làm khổ lụy vợ con. Uống rượu rất có hại cho sức khỏe và là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh tật nguy hiểm làm hao tài tốn của và mau chết sớm.

Ma túy làm hao tiền tốn của, hủy diệt con người khi không còn lý trí, lương tâm và là tệ nạn nguy hiểm số một của nhân loại. Tác hại của nó còn gấp trăm ngàn lần rượu. Vì lòng tham của con người với lợi nhuận quá cao nên việc mua bán ma túy là một hiểm họa diệt vong trong tương lai nếu xã hội không có biện pháp ngăn trừ thích đáng.

Bản chất của chúng sinh là ái dục và đam mê hưởng thụ, chỉ có các bậc hiền thánh và các vị Bồ tát mới biết ngăn ngừa từ nhân vì thấu rõ sự tác hại của nó. Ma túy là nhân hủy diệt mầm sống con người nhanh nhất trong hiện tại và mai sau, làm tổn thất tài sản lớn nhất hiện nay và làm con người mất hết phẩm chất đạo đức, nhân cách sống bình thường.

Người mua bán ma túy vì lợi nhuận quá cao mà bất chấp luân thường đạo lý, đem cái thứ chết người gieo rắc vào lòng thiên hạ. Ai đã nghiện ma túy thì trước sau gì cũng trở thành tội phạm đến 95%. Con nghiện có thể trộm cướp, lường gạt và giết người một cách vô tội vạ. Khi dính vào vòng này một ngàn người chỉ có một hai người mới thoát ra được.

Rượu tác hại một nhưng ma túy tác hại gấp trăm ngàn lần. Chính vì vậy, các em hãy ý thức được những khổ đau do uống rượu say sưa, nghiện ngập và sử dụng các chất ma túy độc hại gây ra làm con người mất hết lý trí, lương tâm, tự hủy diệt chính mình và làm hại nhiều người khác. Các em phải nguyện sẽ không dùng những chất độc hại đó để tâm trí được sáng suốt lắng trong, để có cơ hội hoàn thiện chính mình và giúp ích cho gia đình, xã hội.

Rượu chè, ma túy, xì ke,
Say sưa, nghiện ngập khiến người ngu si.
Túng cùng chẳng biết làm sao,
Lường gạt, trộm cướp, giết người như chơi.

“Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” là câu tục ngữ người xưa thường nhắc nhở các thế hệ con cháu về sau. Các em còn nhỏ nên phải biết chọn bạn mà chơi, nếu không sẽ hỏng cả một đời người. Chơi bạn bè xấu như chứa giặc cướp trong nhà, chúng sẽ lấy đi tất cả tiền tài, công danh sự nghiệp mà còn trở lại làm chúng ta “thân tàn ma dại”.

Không kết tình cùng bạn xấu,
Hãy kết bạn với người tốt.

Những người bạn tốt sẽ luôn được mọi người yêu mến và đối xử tốt lại. Người bạn tốt là người bạn thật thà, sướng vui khổ sở đều một lòng chung thủy, thấy bạn lêu lổng thì tìm cách khuyên can, hay động viên khuyến khích bạn cùng làm những điều thiện lành, tốt đẹp. Người bạn tốt khi mắc lỗi sẽ luôn biết xin lỗi và cố gắng sửa chữa lỗi lầm, ngoài ra còn biết tha thứ và bao dung những người lầm lỗi khác.

Ở đời ai cũng thích được tâng bốc, nịnh hót nên một số người có quyền cao chức trọng bị chết chìm trong lời nói ngọt ngào nhưng chứa đầy gươm đao; chính vì vậy sống trên thế gian mấy ai vượt qua chỗ này, ngoại trừ các vị Bồ tát phát tâm đi vào đời để cứu độ chúng sinh. Thèm khát, tham ái, ganh tị, tật đố, thù hận, giết hại lẫn nhau cũng vì lời ngon tiếng ngọt mà quên đi ân nghĩa thuở nào.

Vào thời xa xưa tại một đất nước nọ, con người và các loài vật thường sống gần gũi với nhau. Có một gia đình sư tử sống bên nhau rất hạnh phúc với hai đứa con một trai, một gái. Cậu sư tử sau nhiều năm sống bên cha mẹ nay đã khôn lớn nên kết hôn cùng cô vợ xinh đẹp, kiều diễm. Gia đình sư tử có thêm miệng ăn nên mỗi ngày chú phải ra khỏi hang để kiếm thức ăn về nuôi cha mẹ, vợ và em gái.

Một hôm trên đường đi kiếm thức ăn, chú nhìn thấy một con chồn nằm sát dưới cỏ, đầu cúi chào rất lễ phép. Sư tử ta làm bộ ra oai rống lên như sấm nổ rồi hậm hực hỏi rằng: “Con chồn bé kia, ngươi đang làm gì vậy?” Chồn con ra vẻ khép nép, cung kính: “Dạ bẩm chúa công, hôm nay con biết ngài đi ngang đây nên con quỳ kính cẩn từ sớm đến giờ để chúc mừng ngài sống lâu trăm tuổi”.

Vốn sẵn tính kiêu căng tự phụ, sư tử nghe mấy lời tâng bốc bợ đỡ của chồn rất lấy làm kiêu hãnh và hài lòng, đắc ý. Chú ta lần đầu tiên bước chân ra đường được chồn tôn vinh, ca ngợi nên tưởng mình như vua của muôn loài thú. “Thôi được, ta miễn lễ cho chồn đấy, hãy đứng dậy đi về cùng ta!” Chồn ta liền “dạ, dạ” liên hồi rồi khép mình đi theo sau sư tử.

Sư tử cha thấy con mình dẫn loài chồn theo sau liền bỉu môi tỏ vẻ không hài lòng. “Hỡi con yêu quý của ta, chồn là giống loài quỷ quyệt, xảo trá vô cùng, chúng thường bất nhân, bất nghĩa, con hãy nên cẩn thận đề phòng. Con mà chứa chấp loài đó thì coi chừng mang họa vào thân.” Sư tử con chẳng nghe lời cha khuyên bảo, chỉ dạy, một mực giữ chồn ở lại làm bạn đồng hành.

Một hôm, chồn ta nói với sư tử rằng bấy lâu nay quá thèm thịt ngựa nhưng không biết phải làm sao để có ăn. Sư tử mới hỏi: “Loài ngựa chúng đang ở đâu?” “Dạ, chúng ở đồng cỏ gần đây ạ.” “Vậy ngươi hãy dẫn đường, việc ấy đối với ta đâu có khó khăn gì.” Chồn ta mừng quá liền hối hả dẫn đường, chẳng bao lâu cả hai đã đến chỗ loài ngựa đang ở.

Bầy ngựa lớn có, nhỏ có đang cùng nhau vui đùa gặm cỏ non rất thú vị, chẳng hề hay biết tai họa sắp đến nên vẫn vô tư đùa giỡn. Nhanh như chớp nhoáng, sư tử ta phóng mình vồ chú ngựa con đang mải mê gặm cỏ rồi nhanh chân chạy về hang động. Chồn ta chạy theo sau vừa mừng vừa vui, trong lòng cảm thấy hạnh phúc tràn trề.

Sư tử cha thấy con bắt ngựa về trong lòng rất lo sợ vì đây là ngựa của nhà vua nuôi. “Con đã vô tình gây ân oán, hận thù với ông vua loài người, coi chừng mất mạng như chơi con ạ. Từ xưa đến nay chưa có ai ăn thịt ngựa mà bảo tồn được mạng sống vì đụng đến chỗ ham thích của nhà vua.”

Mặc dù được cha khuyên nhủ, chỉ dạy kinh nghiệm quý báu trong cuộc sống nhưng sư tử con chẳng hề quan tâm đến, chỉ một bề nghe theo lời nịnh hót và tâng bốc của chồn. Cứ thế hễ vài ba hôm sư tử lại cùng chồn mang một chú ngựa con về đánh chén rất no say và tỏ ra thích thú lắm vì khỏi cần phải đi kiếm mồi đâu xa.

Sự việc đến tai nhà vua. Tức quá, vua liền cho người bố trí, sắp đặt giăng bẫy để chờ con mồi đến. Quá kiêu căng và tự phụ, sư tử con nghĩ mình là chúa tể loài thú nên chẳng mảy may đề phòng và còn hiên ngang tung hoành ngang dọc. Đã quen ăn nhậu, vui chơi trác táng nên đêm hôm đó sư tử và chồn cùng đi nhưng chồn khôn ngoan, xảo quyệt chỉ ở đầu bìa rừng chờ đợi. Lần này sư tử ăn quen chẳng lường trước sự việc xảy ra, một mặt cứ nghĩ mình tài ba lỗi lạc, không ai có đủ khả năng làm gì được mình nên sư tử đã bị bắn trọng thương.

Tuy vậy, chú ta vẫn cố gắng nhanh chân thoát khỏi vòng vây bao hãm của con người. Chồn thấy sư tử trở ra toàn thân máu me bê bết, biết chuyện không may đã đến nên chỉ còn cách duy nhất là nhanh chân chạy về hang động của mình, mặc tình để cho sư tử ra sao thì ra. Máu ra quá nhiều nhưng sư tử con vẫn cố gắng về tới nhà để nhìn thấy được cha mẹ, vợ và em gái rồi ngã lăn ra chết.

Sư tử mẹ thấy con mình vì quá mê muội nên nghe những lời xúi quẩy, nịnh hót của chồn mà ra nông nổi như thế. “Con ơi là con, mẹ đã nói trước rồi mà con không nghe, hễ giao du với kẻ ác là trước sau gì cũng gây nên tội lỗi tày trời để bây giờ phải chịu chết chóc, đau thương một mình.”

Lúc này, sư tử cha mới lên tiếng: “Cha đã nói rồi mà con chẳng chịu nghe, kết bạn với kẻ xấu thì có ngày sẽ mang họa vào thân. Con nghe chi loại chồn gian dối hay dua nịnh đó mà bây giờ chết chẳng toàn thây. Con thấy không, gieo gió thì gặt bão, người xưa nói chẳng sai chút nào.”

Sư tử vợ nghe cha nói vậy cũng không cầm được nước mắt, vừa khóc vừa phân trần: “Anh thấy chưa, chỉ vì anh chẳng nghe lời cha mẹ dạy nên giờ đây anh em phải chịu xa cách, chia lìa, kẻ ở người đi biết bao giờ gặp lại.” Vợ sư tử nghe thế càng khóc lớn hơn: “Bấy lâu nay em sống được và hạnh phúc biết bao là nhờ chàng mà giờ đây chàng vĩnh viễn ra đi vì nghe lời bạn xấu ác, để lại mình em côi cút, bơ vơ, lạc loài. Em bây giờ cô đơn buồn tủi, biết nương tựa vào ai đây? Chàng chết đi để lại tiếng đời bêu rếu, chỉ vì giao du và kết thân với bạn bè xấu ác mà ra cớ sự thế này. Hu hu!”

Câu chuyện ngụ ngôn trên là một bài pháp sống đã được Phật dạy trong các bản Kinh để răn nhắc tất cả mọi người không nên thân cận và gần gũi bạn bè không tốt. Các em cần phải biết tránh duyên thì mới có thể vượt qua cạm bẫy cuộc đời, không thì uổng công học hỏi của mình. Nhất là trong thời hiện đại khi sự tiến bộ về văn minh vật chất dễ làm con người sa ngã và bị dòng đời cuốn trôi.

Còn nữa...
Thích Đạt Ma Phổ Giác

TIN, BÀI LIÊN QUAN:



CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Làm thế nào để thực hành tâm từ (Mettā) khi gặp khó khăn

Ứng dụng 17:20 11/11/2018

Thiền Tâm từ (Mettā) không phải là một pháp thuật hay ma thuật mà có thể giúp người dân Hoa Kỳ có đời sống tinh thần lạc quan và tốt đẹp hơn nhưng không hề sử dụng bất kỳ sự đàn áp hay quyền lực nào. Thiền Tâm từ (Mettā) tịnh hóa trái tim và tâm trí của người thực hành bằng sự kiên nhẫn.

Sử dụng của cải một cách hợp lý

Ứng dụng 16:49 11/11/2018

Đối với đa số, một người, một cộng đồng hay một quốc gia, giàu có có nghĩa là 'giàu có' trong ý nghĩa có nhiều tài sản hay tiền bạc do sự đạt được từ vật chất. Nghĩa chữ của cải nguyên thủy là trạng thái hạnh phúc. Khối cộng đồng thịnh vượng mang ý nghĩa ấy. Nhưng bây giờ người ta sử dụng danh từ này vào ý nghĩa tài sản thường để khuyếch trương phúc lợi vật chất hơn là mở mang trạng thái tinh thần.

Tu hành là tìm lại bản lai diện mục...

Ứng dụng 15:55 30/10/2018

Tu đạo là vì giải thoát, không bị chìm đắm trong luân hồi. Coi bạn có thể tu đến chỗ "Ngũ Uẩn" sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều "Không" chăng?

Quán niệm vô thường để xả ly, buông bỏ

Ứng dụng 21:53 26/10/2018

Vô thường là không có gì thường hằng, tồn tại mãi mà phải thay đổi. Đổi thay từ hình thức đến nội dung, từ vật chất cho đến tinh thần, từ hiện tượng cho đến bản chất. 

Xem thêm