Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo Hiến pháp và pháp luật Việt Nam
Theo Hiến pháp 2013, công dân Việt Nam có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Vậy xin Ban biên tập cho biết Hiến pháp và pháp luật Việt Nam quy định chi tiết về quyền tự do này ra sao?
Khi đề cập đến 'hiện tượng sư Thích Minh Tuệ" đang gây ồn ào trên mạng xã hội nhiều ngày nay, trong văn bản ngày 16/5 của Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Nội vụ) có nhắc đến "quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo". Chế định pháp lý "quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo" cũng được nhiều Phật tử, bạn đọc và công chúng quan tâm.
Nhân việc này, chúng tôi xin giải đáp về chế định pháp lý "quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo" theo Hiến pháp và pháp luật (cụ thể là Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016) để đại chúng có thêm kiến thức, hòng tăng thêm sự hiểu biết và làm lợi lạc trong đời sống.
Hiểu tín ngưỡng, tôn giáo như thế nào cho đúng?
- Theo khoản 1 Điều 2 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016, tín ngưỡng là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng.
- Theo khoản 5 Điều 2 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016, tôn giáo là niềm tin của con người tồn tại với hệ thống quan niệm và hoạt động bao gồm đối tượng tôn thờ, giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức.
Pháp luật quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân Việt Nam như thế nào?
Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đã được nhà nước quy định tại Điều 24 Hiến pháp 2013, cụ thể như sau:
- Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.
- Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
- Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.
Cụ thể, quyền tự do này đã được quy định chi tiết tại Điều 6 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 như sau:
- Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào.
- Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo.
- Mỗi người có quyền vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng của tổ chức tôn giáo. Người chưa thành niên khi vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.
- Chức sắc, chức việc, nhà tu hành có quyền thực hiện lễ nghi tôn giáo, giảng đạo, truyền đạo tại cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm hợp pháp khác.
- Người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo.
Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo
Khi pháp luật công nhận quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, ngoài việc thực hiện quyền của mình thì các tổ chức, cá nhân phải có nghĩa vụ thực hiện quyền tự do này theo đúng pháp luật.
Theo Điều 9 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 quy định về nghĩa vụ thực hiện như sau:
- Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo phải tuân thủ Hiến pháp 2013, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 và quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Chức sắc, chức việc, nhà tu hành, người đại diện, ban quản lý cơ sở tín ngưỡng có trách nhiệm hướng dẫn tín đồ, người tham gia hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo thực hiện hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo đúng quy định của pháp luật.
Trách nhiệm của Nhà nước bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo
Về trách nhiệm bảo đảm thực hiện quyền tự do tín ngưỡng tín, tôn giáo của Nhà nước, theo Điều 3 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 quy định như sau:
- Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.
- Nhà nước tôn trọng, bảo vệ giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng đáp ứng nhu cầu tinh thần của Nhân dân.
- Nhà nước bảo hộ cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và tài sản hợp pháp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo.
"Việt Nam là quốc gia đa dạng về tín ngưỡng, tôn giáo, theo ước tính có khoảng 95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo. Để bảo đảm quyền và nghĩa vụ của các tôn giáo, trong giai đổi mới đất nước Việt Nam đã thực hiện việc cấp đăng ký hoạt động và công nhận tổ chức cho các tôn giáo đủ điều kiện. Đến tháng 11-2023 Việt Nam đã có 40 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động gồm: Khối du nhập từ nước ngoài gồm 9 tôn giáo: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Hồi giáo (Islam), Bà La môn, Baha’i, Giáo hội Cơ đốc Phục lâm Việt Nam, Giáo hội Các Thánh hữu ngày sau của Chúa Giê-su Kytô, Minh Sư đạo. Khối nội sinh gồm 7 tôn giáo: Cao Đài, Phật giáo Hòa hảo, Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn, Bửu Sơn Kỳ Hương, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam, Minh Lý đạo Tam Tông miếu. Tổng số tín đồ các tôn giáo hiện nay khoảng 26,5 triệu, chiếm 27% dân số; trên 54 ngàn chức sắc; trên 135 ngàn chức việc; hơn 29 ngàn cơ sở thờ tự; hàng nghìn điểm, nhóm được cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung. Các tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động xây dựng và thực hiện đường hướng hành đạo đậm chất nhân văn tôn giáo và trách nhiệm với đất nước.
Thành tựu đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam đã thúc đẩy và tạo đà cho chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tổ chức tôn giáo xây dựng và thực hiện đường hướng hành đạo gắn bó đồng hành cùng dân tộc. Tạo lập mối quan hệ gắn bó giữa nhà nước và các tổ chức tôn giáo, tạo sự hiểu biết, tin tưởng lẫn nhau giữa cán bộ các cấp và chức sắc, chức việc, nhà tu hành tôn giáo, tạo sự đồng thuận trong thực hiện chính sách tôn giáo và chính sách xã hội.
Thông qua công tác tôn giáo đã vận động cá nhân, tổ chức tôn giáo tích cực tham gia vào các cuộc vận động thi đua yêu nước ở địa phương, thực hiện tốt các hoạt động an sinh xã hội, góp phần cùng chính quyền địa phương chăm lo cho một bộ phận người dân có hoàn cảnh khó khăn, trực tiếp góp phần giảm tải gánh nặng cho đất nước".
(Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, Tạp chí Xây dựng Đảng, tác giả: Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ).
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Sám hối thay cho ba mẹ có nên không?
Hỏi - Đáp 20:00 15/11/2024Trong trường hợp ba tôi nghiệp báo sâu dày và tôi muốn lạy sám hối thay cho ba mẹ thì phải hành trì như thế nào? Tôi mong được làm tròn chữ hiếu với ba mẹ theo đúng tinh thần của đạo Phật.
Vì sao “không cần tha thứ cũng tha thứ”?
Hỏi - Đáp 14:35 15/11/2024Có câu hỏi của một thiền sinh, làm sao để buông xuống, tha thứ cho người đã gây ra lỗi lầm, khổ đau cho mình?
Từ trong nội tâm phát nguyện làm một người tốt mới là chân sám hối
Hỏi - Đáp 15:05 14/11/2024Cách sám hối như thế nào vậy? Trước đây, đối với vấn đề này tôi đã từng thỉnh giáo qua với đại sư Chương Gia là phải lạy mấy bộ kinh sám hối phải không? Hay cầu xin Phật Bồ-tát tha thứ? Đại sư Chương Gia lắc đầu, nói: “Không phải như vậy!”.
Vì sao khi phá thai, trách nhiệm nhân quả của người mẹ nặng hơn?
Hỏi - Đáp 09:00 13/11/2024Hỏi: Xin hỏi về tội phá thai, vì sao tất cả tội lỗi đều đổ lên thân của người mẹ? Lẽ nào người làm cha không chịu chút nhân quả nào?
Xem thêm