Chủ nhật, 24/04/2022, 12:58 PM

Đạo nghĩa thầy trò qua lời Tổ dạy

“Trong đạo Phật, thì một Khất sĩ, mỗi lúc chỉ dạy cho một tập sự thôi, khi một tập sự này đã được đưa vào hàng Khất sĩ rồi, thì mới được thâu dạy một kẻ khác nữa, tiếp tục mãi như vậy”

Con thành kính dâng tặng đức Tổ sư nhân 67 năm ngày vắng bóng của Người.

Con thành kính dâng tặng đức Tổ sư nhân 67 năm ngày vắng bóng của Người.

“Ơn Thầy như biển rộng sâu,

Công Thầy non Thái khó hầu sánh qua”

(HT Pháp sư Giác Nhiên)

Hai câu thơ ấy đã gói trọn tâm tình và lòng biết ơn của một người học trò có danh xưng Khất sĩ , thành kính dâng tặng đức Tôn sư. Tâm tình ấy cũng là nỗi lòng , là hạnh tu của các thế hệ môn đồ đệ tử đối với vị Tổ đã khai sinh ra đạo Phật Khất sĩ Việt Nam.

Trong giáo lý nhà Phật, lòng biết ơn và tri ơn luôn được đề cao. Đức Phật đã xem lòng biết ơn như phẩm cách của một bậc chân nhân (Tăng chi bộ kinh). Ngài cũng chỉ rõ, ân Tổ Thầy là một trong tứ trọng ân của người con Phật. Trên tinh thần ấy, Tổ sư Minh Đăng Quang cũng đã dành cho chúng đệ tử những lời giáo huấn sâu sắc về đạo nghĩa Thầy trò.

Một nội dung quan trọng trong nghệ thuật giáo dưỡng mà Đức Tôn Sư đã nhấn mạnh , đó là trọng trách của người thầy đối với học trò, chứ không chỉ là nhiệm vụ của trò đối với thầy. Đây là sự tương tác qua lại một cách chặt chẽ, tạo nên nề nếp chốn thiền môn, góp phần gìn giữ mạng mạch Phật pháp, mà cũng là nhân tố làm đậm chất tình trong đạo nghĩa thầy trò.

Người dạy: trách nhiệm của ông thầy rất khó. Con không biết dạy lỗi tại cha, dạy không nghiêm lỗi tại thầy (Chơn lý- Đại thừa giáo). Ngày nay, đọc lại những lời này, nhìn lại thực trạng của giáo dục thế học, giáo dục Phật học, càng thấm thía hơn chiều sâu trong lời dạy ấy.

Thật vậy, dù ở môi trường nào (ngoài đời hay trong đạo),  thì vai trò của người thầy cũng hết sức quan trọng, góp phần hình thành nên nhân cách của các thế hệ học trò. Người thầy thế học truyền trao tri thức khoa học và mang theo trong từng con chữ ấy là cách nhìn, cách nghĩ, cách sống ở đời. Do đó, học trò không chỉ nhận kiến thức từ thầy, mà còn cảm nhận một cách trọn vẹn nguồn năng lượng thầy đã thổi hồn vào từng tiết giảng. Năm tháng đi qua, dấu ấn về người thầy in lên nhân cách những thế hệ tương lai. Dấu ấn ấy sẽ theo học sinh suốt cả cuộc đời !

Nơi nhà đạo, ảnh hưởng của người thầy tâm linh đến môn đồ đệ tử càng sâu sắc hơn nữa. Không phải ngẫu nhiên mà Tổ dạy : ông thầy là bao gồm tất cả việc phải quấy, tội phước, nên hư của học trò” (Chơn lý- Đại thừa giáo) . Một người khi đã phát tâm xuất gia, nương theo thầy học đạo, là đã gởi trọn cả giới thân huệ mạng cho thầy. Người đệ tử có được sự thành tựu trong quá trình tu tập, đạt được lý tưởng ban đầu xuất gia hay không phần lớn đều nhờ nơi vị thầy của mình.

Bởi vì, không chỉ dưỡng nuôi về vật chất, điều quan trọng là phải giáo huấn, đào tạo nên những vị Tăng tài trong Phật pháp. Muốn được như thế, người thầy phải thường xuyên quan sát đệ tử trong từng hơi thở, trong từng suy nghĩ, từng bước đi để dìu dắt, sách tấn, uốn nắn học trò không đi lệch hướng.“thầy phải chăm nom trò từ chút, phải một thầy một trò, học trò mỗi mỗi phải nối dấu chơn y theo thầy, thầy trò phải ở khít nhau luôn…”

Tổ cũng dạy “Trong đạo Phật, thì một Khất sĩ, mỗi lúc chỉ dạy cho một tập sự thôi, khi một tập sự này đã được đưa vào hàng Khất sĩ rồi, thì mới được thâu dạy một kẻ khác nữa, tiếp tục mãi như vậy” (Chơn lý- sđd) . Qua đó, người thầy mới có thể truyền cho học trò niềm  an lạc, thảnh thơi, vững chãi và ngọn lửa của sự tinh tấn trên con đường giác ngộ, giải thoát. Cũng qua đó, người thầy, bằng kinh nghiệm tu tập của mình, sẽ truyền pháp học, trao pháp hành cho đệ tử.

Những điều ấy cho thấy Ngài rất quan tâm đến vai trò, trách nhiệm của người Thầy trong việc giáo dưỡng đệ tử. Với sứ mệnh của vị Tổ khai sơn hệ phái, đức Tôn sư đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người thầy tâm linh, khi chỉ trong vòng mười năm, Ngài đã độ được hơn 100 vị xuất gia và hàng vạn tín đồ. Trong đó, nhiều vị xuất thân từ những người lao động bình thường trong xã hội, sau vài năm dưới sự giáo hóa của Tổ, đã trở thành những bậc Thầy lớn, tiếp bước Tổ, xây dựng và mở mang mối đạo.

Đó là nhiệm vụ, vai trò dạy dỗ của Thầy đối với trò. Còn ở chiều ngược lại, người đệ tử có những bổn phận gì đối với Thầy ?

Những người con Khất sĩ, không ai là không thuộc lòng những lời này trong bài  kệ  “Ý”:

“Bước đầu bổn phận làm trò

Cả thân tâm trí dâng cho người thầy

Mặc người uốn nắn chuyển xây

Đặng mình diệt hẳn riêng tây ý xằng”.

Cũng trong quyển Đại thừa giáo (Chơn lý), Tổ sư luận giải như sau:  “cơm ăn, chỗ ở , áo mặc, thuốc men của tập sự, là do người ta cúng dường cho khất sĩ, khất sĩ mới cho lại tập sự…..Thế cho nên học trò tập sự , là mang chịu ơn thầy rất nặng, ơn dạy dỗ và ơn đùm bọc . Vì vậy mà tập sự, giao hết tánh mạng mình cho khất sĩ uốn nắn sửa trau, do lẽ thầy độ, mà ông thầy ấy, là tập sự đã ưng lòng lựa chọn trước”

tsmdq1

Lời Tổ thật giản dị, dễ hiểu, đúng chơn lý, đúng lẽ đạo. Thật vậy, cha mẹ  có công sinh thành và nuôi dưỡng. Thầy giáo thế học rèn nhân cách và cho tri thức để vào đời. Nhưng thân đó là thân ngũ uẩn sanh diệt. Tri kiến đó là tri kiến thế gian. Thầy dạy đạo truyền trao giới thân huệ mạng bất sanh bất diệt, trưởng dưỡng hạnh lành, đưa đệ tử dự vào dòng thánh. Công ơn ấy sâu nặng biết bao !

Chính vì lẽ đó, người đệ tử cũng phải thực hiện đầy đủ bổn phận với thầy, bằng tâm thành kính, thương yêu và phụng sự. Trong mục Sa-di thờ thầy (Chơn lý-  Bài học Sa-di)  đã ghi chép rất đầy đủ và cụ thể những bổn phận đó.

Trước hết, vị Sa-di xem thầy cũng như Phật vậy. Được gần Phật, được nghe lời Phật dạy, thì còn niềm an lạc và hạnh phúc nào bằng ? Khi trong tâm người đệ tử luôn kính thầy như kính Phật, thì nhất nhất những lời dạy của thầy , đệ tử sẽ ghi lòng tạc dạ và nỗ lực hành trì. Cũng như vậy, khi đệ tử luôn niệm ân giáo dưỡng của Thầy, thì việc hầu thầy, chăm sóc thầy là phước duyên thù thắng.

Trong Sa-di thờ thầy, Tổ đã dạy rất chi tiết từng cách ăn, nếp ở, từng cử chỉ của học trò đối với thầy, sao cho phải đạo. Thiết nghĩ, hầu thầy như vậy, đã là một pháp tu.

Thời Tổ, những bài học ấy , chắc chắn đã được quý đức Thầy thọ nhận và hành trì nghiêm túc, đúng thanh qui. Nổi bật trong bổn phận làm trò, là tấm gương y giáo phụng hành  ở Nhị Tổ Giác Chánh và Đệ nhất Ni trưởng Huỳnh Liên.

Đức Nhị Tổ là một trong những người học trò tâm đắc của Tổ sư. Do thiện duyên , Ngài xuất gia theo Tổ và trọn lòng đặt niềm tin nơi những điều Tổ dạy.

Những trang sử của hệ phái đã ghi lại những điều thể hiện rất sâu sắc sự cung kính vâng lời Thầy của Nhị Tổ:

“Có một đặc điểm hết sức kỳ diệu: những gì đức Tổ sư khai sơn hành trì, giáo hoá….Ngài hết lòng kính mộ, thọ nhận, hành trì. Và những gì Ngài thọ nhận, hành trì, đức Tôn sư cũng rất hoan hỷ chứng minh, tán thán.

Từ khi xuất gia nhập đạo, Ngài luôn được gần gũi, hầu cận đức Tôn sư. Với tâm nguyện một lòng tinh tấn, Ngài đã thể hiện công hạnh sâu dày nhiều đời, góp phần với đức Tôn sư khai sơn mở mang giáo pháp.

Trước ngày thọ nạn và vắng bóng, đức Tôn sư đã có lời phân định, giao trách nhiệm trong Tăng đoàn: Thượng tọa Giác Chánh là Thượng tọa thay Tổ hướng dẫn Đoàn Du Tăng đi hành đạo.

Từ đó trở đi, đại chúng Tăng Ni và tín đồ Phật tử hệ phái tôn xưng Ngài là Đức Thượng tọa Nhị Tổ , có trách nhiệm kế thừa, lãnh đạo tinh thần tập thể hệ phái Phật giáo Tăng-già Khất Sĩ Việt Nam.

Lúc còn hiện tiền, Nhị Tổ thường học và đọc giảng Chơn Lý của đức Tổ sư cho Tăng Ni và Phật tử nghe trong những ngày hội lễ. Đồng thời, tự thân Ngài thực hành thân chứng lời dạy của Tổ Thầy qua bộ Chơn Lý.

Khi Ngài tuổi đã cao, các vị trong hệ phái thỉnh Ngài đến trụ xứ này, trụ xứ kia có thời tiết và không khí tốt để Ngài tịnh dưỡng cho mát và khỏe. Ngài đáp: “Nơi nào người tu hành trì đúng Chơn Lý thì nơi đó mát và khỏe”.

Bên cạnh Nhị Tổ, đệ nhất Ni trưởng Huỳnh Liên cũng là tấm gương sáng ngời về lòng tôn kính Tổ thầy. Những trang sử của Ni giới Khất sĩ vẫn còn ghi lại những mẫu chuyện cảm động về điều này:

Trong quá trình tu học, Ni Trưởng vừa đảm nhận vai trò dìu dắt Ni đoàn non trẻ làm khuôn mẫu cho lớp hậu học, vừa là bậc thầy mô phạm cho hàng cư sĩ tại gia. Điều tuyệt vời hơn, Người cũng vừa là một học trò ngoan hiền, khiêm hạ đối với Tổ Thầy, luôn y giáo phụng hành mọi trọng trách mà Thầy giao phó.

Có một lần, tại Tịnh xá Ngọc Lâm (Phú Lâm), không biết Ni Trưởng phạm lỗi gì, bị Tổ phạt phải đi giáp vòng Tịnh xá bằng hai đầu gối. Nền Tịnh xá lúc bấy giờ là nền đất lồi lõm. Quỳ gối đi trên nền đất ấy sẽ đau đớn vô cùng. Ni Trưởng bặm môi, nhích từng bước một . Các tín nữ trông thấy cảnh ấy khóc như mưa, đồng loạt quỳ lạy xin Tổ chịu phạt thay cho Ni Trưởng. Tổ dạy: “Quý bà đừng buồn, tôi luyện cổ (chỉ Ni Trưởng) là để nữa tôi giao việc lớn”. Nghe Tổ nói vậy, các tín nữ mới ngưng khóc.

Một lần khác, tại Tịnh xá Ngọc Quang (Sa Đéc), Ni Trưởng nhập thất, tuyệt cốc (không ăn cơm), viết giấy dán ngoài cửa: “Không thành đạo quyết không mở cửa”. Được tin, Tổ lập tức gởi giấy về bảo Ni Trưởng phải mở cửa ra ngay không được chậm trễ.

Ni Trưởng đã trải qua bao thử thách. Bị Tổ quở phạt trước hội chúng là việc thường. Dầu vậy, Người vẫn luôn luôn tỏ thái độ mềm mỏng, nhu thuận, không bao giờ lộ vẻ buồn phiền, còn nêu cao tinh thần học tập, sửa sai.

Nhắc lại chuyện xưa, để hiểu và cảm kích về đạo nghĩa thầy trò mà những đệ tử xuất sắc của Tổ sư chính là những tấm gương để đời cho các thế hệ hậu học.

Nhưng có lẽ, biểu hiện sâu sắc nhất thể hiện lòng biết ơn ấy ở quý Ngài chính là quyết tâm dũng mãnh trên con đường giải thoát, là việc hoàn thành trọng trách mở mang mối đạo như lời dặn dò của Tổ trước lúc đi xa.

Đức Nhị Tổ đã thọ nhận lời phó pháp và di huấn của Đức Tôn sư. Bằng gương hạnh và đức độ sáng ngời, Ngài đã nhiếp phục đại chúng và vững tay chèo đưa con thuyền Khất sĩ vươn xa. Đệ nhất Ni trưởng Huỳnh Liên , người thuyền trưởng tài ba của Ni giới Khất sĩ cũng đã thực hiện xuất sắc sự phó thác của Tổ trong vai trò trưởng tử Ni. Đó phải chăng là lòng biết ơn và tri ơn cao đẹp nhất quý Ngài đã dâng lên cúng dường bậc Đạo sư?

Hơn bảy mươi năm ngày thành lập hệ phái Khất sĩ.

Hơn sáu mươi năm ngày Tổ vắng bóng.

Giờ đây, nơi quê Tổ, Tổ đình Minh Đăng Quang đang trong giai đoạn hoàn thành những hạng mục cuối cùng. Tại thành phố Hồ Chí Minh, ngôi Pháp viện đã trở thành trung tâm văn hóa, giáo dục, tu học và hoằng pháp của đạo Phật Khất sĩ Việt Nam.

Tịnh xá Mộc Chơn nơi làng Phú Mỹ, tịnh xá đầu tiên được xây dựng theo sự chỉ dạy và chứng minh của Tổ, cũng đã được phục dựng.

Mũi Nai (Hà Tiên), nơi Tổ đã tham thiền nhập định và bừng ngộ trí tuệ Bát nhã - cũng đang được chư Tôn đức tiến hành những thủ tục cần thiết để khởi công tôn tạo nhằm hoàn chỉnh những di tích gắn liền với hành trạng của Tổ và lịch sử của hệ phái.

Tất cả những điều đó cũng là một trong những cách để báo ơn Tổ, Thầy !

Ngày nay, những người con Khất sĩ  vẫn tiếp tục đọc, học và hành theo Chơn lý , ghi khắc và làm theo những lời dạy của Tổ về đạo nghĩa thầy trò. Quý ngài vẫn mãi niệm trong tâm:

“Ân Phật,

Ân Tổ, ân Thầy…

Ánh Từ Quang

đức sâu dày xưa sau

                                            (HT Giác Toàn)

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Hạnh nguyện độ tha rạng ngời của Đức Phật A Di Đà

Góc nhìn Phật tử 11:35 14/12/2024

Hướng về ngày 17/11 AL, ngày vía kỷ niệm Ngài, là khi những điều thiêng liêng cao cả nhất được tôn vinh, là cơ hội hy hữu để ta hướng tâm về hình ảnh đức Phật, hướng về hình ảnh của một bậc xuất trần thượng sĩ và tam thiên đại thiên thế giới của Ngài.

Tập điều chỉnh chính mình khi phát hiện mình bất ổn

Góc nhìn Phật tử 08:54 03/12/2024

Này bạn, khi tâm trạng rơi vào trạng thái bất ổn, uể oải, hoặc cảm giác như năng lượng tích cực trong ta đã cạn kiệt, việc đầu tiên cần làm là ý thức rõ ràng về tình trạng của mình.

Tôi tin nhân quả

Góc nhìn Phật tử 13:57 02/12/2024

Từ ngày tôi biết đến Phật pháp, câu kinh dạy về nhân quả: “Muốn biết cái nhân trước, hãy nhìn sự thụ hưởng ở hiện tại. Muốn biết cái quả sau, hãy nhìn việc làm hôm nay” luôn khắc sâu trong tâm trí tôi.

Truyện ngắn: Hương từ chữ bay ra…

Góc nhìn Phật tử 11:17 02/12/2024

Mẹ về hưu sau mấy chục năm lăn lộn với nghề. Ngày đi làm cuối cùng để chia tay đồng nghiệp, mẹ mang về một bó hoa nhỏ và mấy tấm bằng khen đạt giải thưởng báo chí toàn quốc trong nhiều năm.

Xem thêm