Đạo thầy trò trong Phật giáo (IV)
Đức Phật là người có tinh thần vô ngã trong truyền trao. Ngài dạy chân lý chính Ngài đạt được, không phải do Ngài sáng tạo ra nó. Ngài nói Ngài chỉ là người đi trên con đường tìm ra phương pháp, đến nơi đầu tiên, và công bố công trình đó bằng cách vẽ lại, hướng dẫn để mọi người cùng đến.
4. Truyền trao không giấu nghề
Việc này hơi khó, một số thầy cô giáo phải mất đến hai ba chục năm để có được lượng kiến thức quý hiếm nào đó, thậm chí tài liệu dẫn đến nguồn tri thức quí hiếm đó được họ giấu rất kỹ vì hơn thua nhau chỉ ở nguồn tài liệu. Họ có thể nghĩ rằng, mình đã tốn công, tiền bạc, thậm chí trả bằng xương máu, nên không lý gì lại đi truyền trao hết những gì mình có.
Người Trung Hoa cũng vậy, đa số có thói quen giấu nghề. Họ dùng từ “nghề gia truyền”, tức cha mẹ truyền lại cho đứa con tâm đắc nhất trong nhà. Những đứa con khác chưa chắc được trao. Cứ như thế, nguồn tri thức quý hiếm trong lịch sử phát triển của loài người ngày càng mất dần theo năm tháng thời gian do những con người bỏn xẻn tri thức cứ khư khư giấu giữ nó, chưa kịp truyền trao thì đã bị vô thường kéo đi, thần chết gõ cửa. Trong các lọai bỏn xẻn, bỏn xẻn về tri thức là xấu nhất.
Dân gian Việt Nam có câu, cho tài vật chứ không cho kiến thức tạo ra tài vật. Người ta sợ kẻ khác học được nghề thì mình sẽ bị cạnh tranh, mất tầm ảnh hưởng, bị thay đổi vị trí, và uy tín trong xã hội ngày càng giảm dần. Đó là nhận định ích kỷ và thiển cận.
Ngày nay, ta thấy các khu chợ bán theo loại mặt hàng chuyên dùng, nếu chỉ có một tiệm bán thì lượng du khách và người đi chợ sẽ không nhiều. Vì có nhiều quầy bán cùng một mặt hàng, tính cạnh tranh cao nên du khách đến đông hơn. Vậy tính liên kết trong nhóm có cùng chủng loại, đầu tư cho cùng một nghề nghiệp hay công việc càng đưa xã hội phát triển hơn. Dĩ nhiên sự loại trừ nào cũng có cái giá đắt của nó.
Tri thức cũng vậy, nếu ta truyền trao cho nhiều người thì nhiều người cùng gánh vác công việc thay thế cho ta. Nếu ta biết cấy tạo thêm nhiều cây rừng, thì những cây rừng mới giúp những cây rừng đã có chống lại phong ba bão táp, lũ lụt do thiên tai.
Trong kinh Duy Ma, đức Phật dạy kỹ năng truyền trao tri thức qua hình ảnh vô tận năng. Từ một ngọn đuốc, ta thắp sáng sự truyền trao cho mười ngọn đuốc, rồi mười ngọn đuốc lại được nhân bản thành hàng trăm, hàng nghìn ngọn. Đức Phật dạy ta cách phân tích, số lượng n lần tức là vô cực ngọn đuốc được mồi thắp sáng có tính năng, không hề cướp đi cơ hội thắp sáng của ngọn đuốc đầu. Hay nói cách khác, ngọn đuốc đầu mồi như thế không có nghĩa nó bị tước đi cơ hội thắp sáng.
Xã hội loài người khác với xã hội loài động vật ở chỗ có lòng tri ân và đền ơn. Dĩ nhiên cũng có một số người vô tình, bạc nghĩa, phản thầy, phản chủ, nhưng số lượng đó không đáng kể. Đừng vì vài con sâu mà biến cả nồi canh mất đi cơ hội sử dụng. “Mía sâu có mắt, nhà dột có nơi”, người xấu A không phải là người xấu B và ngược lại. Bằng tinh thần đó ta mới mở rộng nỗ lực truyền trao tri thức và hãnh diện tự hào với việc làm như thế.
Đức Phật là người có tinh thần vô ngã trong truyền trao. Ngài dạy chân lý chính Ngài đạt được, không phải do Ngài sáng tạo ra nó. Ngài nói Ngài chỉ là người đi trên con đường tìm ra phương pháp, đến nơi đầu tiên, và công bố công trình đó bằng cách vẽ lại, hướng dẫn để mọi người cùng đến. Có Ngài hay không có Ngài, quá khứ chân lý cũng như vậy, hiện tại nó không hề thay đổi, tương lai nó vẫn như thế. Tứ Diệu Đế vĩnh viễn ba đời chư Phật phải nương vào để làm đạo, truyền bá, độ sinh, và giải quyết nỗi khổ niềm đau của kiếp người. Đó là sự khiêm tốn và vô ngã về tri thức khám phá. Ngài truyền trao không giấu nghề và cũng không bao giờ có tác quyền.
Trong kinh Viên Giác, đức Phật khẳng định, bốn mươi chín năm thuyết pháp, Ngài chưa từng tuyên bố một lời nào. Thực tế Ngài đã thuyết giảng hơn ba trăm nghìn bài pháp thoại, kể cả những bài kinh ngắn. Không phải vì Ngài thiếu trách nhiệm nhân sự và pháp lý về những gì đã dạy. Chân lý của đức Phật siêu việt hơn tất cả các tôn giáo khác, điều đó không có gì bàn cãi. Ở đây, ý Ngài muốn nói rằng, chân lý là của chung chứ không phải của riêng Ngài. Ai cũng có quyền tiếp nhận nó, truyền bá nó, sở hữu nó và nguồn tài nguyên tri thức chân lý của đức Phật là vô tận, không sợ bị tranh giành. Vì thế, Ngài phủ định tính tác giả về chân lý của Ngài, để mọi người dễ dàng tiếp nhận mà không phải băn khoăn về tác quyền như chúng ta hiện nay.
5. Giúp trò trưởng thành, hạnh phúc
Vai trò này giống như làm cha mẹ. Trưởng thành về tri thức, trưởng thành về nhân cách, trưởng thành về đạo đức là ba điều mà thầy cô giáo không thể bỏ qua.
Ngày nay, sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình được phân định rõ, nhà trường quản lý tri thức và đạo đức của học sinh trong phạm vi trường lớp. Gia đình quản lý đạo đức, quan hệ dân sự, quan hệ luật pháp tại nhà cũng như ngoài xã hội. Do vì sự phân công đó mà phần lớn thầy cô giáo không hề bận tâm khi phát hiện học trò có thói quen sử dụng lời nói văng tục, hằn học, chua chát đối với bạn bè. Thầy cô xem nó không phải bổn phận cần điều chỉnh của mình. Dần dà các em trở nên hư đốn. Dù có kiến thức nhưng thiếu đạo đức thì về sau đi đến đâu, các em cũng sẽ ngạo mạn, hống hách, ngang tàng, không tôn ti trật tự, không biết tôn trọng ai, đó là mối đe dọa cho sự phát triển xã hội.
Phương châm giáo dục của Việt Nam: “Tiên học lễ, hậu học văn” còn quá nhiều giới hạn. Lễ nghĩa chẳng qua chỉ ngoại giao, liên hệ đến văn hóa. Chẳng hạn, gặp thầy cô giáo khoanh tay cúi đầu chào; vào lớp, ra về đều thưa gởi. Đó là sự tôn kính thông thường. Đức Phật muốn cao hơn, Ngài giúp học trò mình trưởng thành về ba phương diện tri thức, nhân cách và đạo đức. Do đó thầy cô giáo cũng phải đóng vai trò như cha mẹ, khích lệ học sinh khắc phục điểm yếu kém, đặc biệt đối với học sinh nghịch ngợm, không biết tôn trọng bạn bè, không tôn trọng người truyền trao tri thức, chểnh mảng học hành.
Cách đây vài hôm, Sở giáo dục Huế kỷ luật một giáo viên đã phạt học sinh bằng cách đánh đòn. Cô giáo này vốn đang chịu áp lực trong thai kỳ, cộng với áp lực đạt chỉ tiêu loại giỏi ở kỳ thi sắp tới, nên khi kiểm tra bài những học sinh không thuộc, cô đã dùng hình phạt đòn roi, một điều đại tối kỵ trong giáo dục. Trừng phạt không được cho phép, mà thầy cô phải khích lệ niềm đam mê học tập ở học sinh, giúp các em thấy rõ việc trưởng thành về tri thức bằng nỗ lực học, miệt mài học là một nhu cầu, là chiếc chìa khóa dẫn đến thành công.
Dân gian dạy: “Mười năm đèn sách không ai biết. Đến lúc thành danh thiên hạ hay”, đó là qui luật. Ta cũng không thể trách cuộc đời này vô tình khi ta khó khăn trong học tập, không được trợ giúp; chỉ đến lúc thành công thì hàng vạn nhân duyên xuất hiện, kẻ mời mọc, người xin hợp tác. Cuộc đời là vậy. Vấn đề còn lại là trong suốt mười năm đèn sách ấy, ta phải biết ẩn mình.
Một số người vừa học vừa làm, như thế hiệu quả sẽ không cao. Tuy có thể đỗ đạt nhưng không thể xuất sắc được. Còn vừa học vừa chơi lại càng khó thành công hơn. “Mười năm đèn sách không ai biết” nghĩa là mình tự giữ mình, chứ không phải lên án thái độ khinh thường của người đời. Ngày ngày ở giảng đường, giờ nghỉ ở thư viện, về nhà phụ giúp gia đình, chăm lo trách nhiệm bản thân; không la cà, chơi bời, hưởng thụ,… tính trách nhiệm với cam kết đó giúp ta trưởng thành về tri thức.
Trưởng thành về nhân cách, ta phải học lễ, học văn hóa và tôn giáo. Ba phương diện này giúp ta phát triển nhân cách rất tốt. Đức Phật có hàng trăm, hàng nghìn bài kinh dạy về phát triển nhân cách. Nếu các bậc cha mẹ chỉ cần chọn lọc những câu danh ngôn Phật dạy, chẳng hạn 423 câu trong kinh Pháp Cú. Mỗi ngày ta tặng con mình một câu, đó là phương châm sống, để tư duy, thì lợi lạc biết chừng nào.
Chùa Giác Ngộ đã xuất bản quyển sách “Trí tuệ của đức Đạt Lai Lạt Ma”, chia thành 365 ngày, trích dẫn từ hàng chục tác phẩm nổi tiếng của ngài, được thuyết giảng và ghi chép lại trong mấy chục năm qua. Mỗi ngày ta chỉ cần mở một trang, chiêm nghiệm suy nghĩ một câu, nó liền trở thành một món thực phẩm tinh thần cực kỳ quý giá, giúp ta phát triển nhân cách, khắc phục những yếu kém, vượt qua những thói quen, làm mới nhận thức và thay đổi được cuộc đời.
Để phát triển đạo đức, thầy cô giáo cũng cần khuyên học trò của mình thực hành năm điều đạo đức Phật dạy:
- Không giết người và động vật, bảo vệ hòa bình.
- Không trộm cắp, chia sẻ sở hữu.
- Không ngoại tình, chung thủy vợ chồng.
- Không lừa đảo, có trách nhiệm đạo đức trong truyền thông, lịch sự, văn hóa, hòa hợp, đoàn kết, nói những lời có lợi.
- Không rượu chè ma túy, cam kết bảo vệ sức khỏe cho mình và người thân.
Ngoài ra, Thập Thiện trong đạo Phật cũng là nguồn dữ liệu đạo đức vô cùng quý giá. Nhiều quốc gia Hồi giáo, bao gồm Bangladesh, Pakistan đã đưa môn đạo đức Phật giáo trở thành môn học bắt buộc trong nhà trường, bởi vì họ hiếm tìm thấy nền tảng đạo đức nào như những gì đức Phật dạy, rất chuẩn và quan trọng trong ứng dụng.
Mấy chục năm qua, trường lớp Việt Nam nhồi sọ về chủ nghĩa yêu nước và chiến tranh, đưa ra nhiều tấm gương tiêu biểu về tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm như Lê Văn Tám, Phan Đình Giót,... Có thể những kiến thức đó tốt trong thời kỳ chiến tranh, để ai ai cũng thể hiện trách nhiệm và tinh thần yêu nước, sẵn sàng chết và đóng góp cho Tổ quốc. Nhưng áp dụng chương trình giáo dục đó vào thời bình vốn đang cần cho sự phát triển là một sai lầm về phương pháp. Phương tiện có thể chấp nhận trong một giai đoạn, nhưng biến nó thành cứu cánh là một đe dọa.
Gần đây, ta có bổ sung môn giáo dục đạo đức công dân mà còn đặt nặng quá nhiều về luật pháp cũng là điều chưa cần thiết. Những đạo đức về nhân cách, lối sống mới cần được triển khai nhiều hơn. Như thế thì các thế hệ học trò, khi ra đời lập nghiệp đỡ rơi vào tình trạng gây khủng hoảng, bất ổn cho xã hội và cộng đồng. Sự nhận thức và trở về môn đạo đức công dân dù quá muộn màng sau mấy chục năm, dù sao vẫn được xem là dấu hiệu tích cực cho nền đạo đức Việt Nam ở hiện tại, cũng như tương lai.
Bên cạnh đó, ta nên xóa bỏ cái nhìn xa lạ, sợ hãi và dè dặt về việc đưa đạo đức Phật giáo vào trường học tại các quốc gia. Tôi tin rằng, nơi nào thầy cô giáo thấm nhuần đạo đức Phật giáo, trong lúc giảng dạy văn học, lịch sử hoặc những môn thuộc khoa học xã hội và nhân văn, thậm chí trong khoa học tự nhiên, lồng ghép các tư tưởng đạo đức Phật thì biết bao nhiêu thế hệ học trò sẽ được lợi lạc. Học trò được lợi lạc đồng nghĩa gia đình và xã hội được bình an hạnh phúc.
Tóm lại, năm điều đạo đức Phật dạy cho hàng học trò và năm điều đạo đức cho nhà giáo, theo tôi dù trải qua hai mươi sáu thế kỷ vẫn còn chỗ đứng vững trong bối cảnh giáo dục hiện đại. Rất mong tất cả chúng ta phát tâm trở thành truyền thông viên, thông điệp viên cho những lời Phật dạy đến với cộng đồng giáo dục trên toàn cầu nói chung, và tại Việt Nam nói riêng; gần gũi thiết thực nhất là cho con cái trong gia đình mình. Mỗi bậc cha mẹ nên làm truyền thông viên, vừa đóng vai trò làm cha mẹ vừa đóng vai trò làm thầy cô giáo thì chắc chắn rằng con cái chúng ta sẽ trở thành trò ngoan giỏi trong việc học, tốt trong việc nhà, và có đạo đức trong tương quan xã hội.
Trích: Gia đình, xã hội và tâm linh - Ứng dụng kinh Thiện Sanh trong cuộc sống
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Tuổi nào cho em
Góc nhìn Phật tử 13:43 22/11/2024Tôi vác ba lô trên lưng trở về sau chuyến hành trình nơi đất khách, trong hành trang tôi mang vài thứ từ quê xa làm quà cho anh em. Vừa bước vào cổng chùa nghe hơi lạnh… thoáng mùi chia ly.
Đạo Phật là lối sống đẹp để hướng đến việc hoàn thiện bản thân
Góc nhìn Phật tử 10:24 22/11/2024Trong cuộc hành trình tìm kiếm ý nghĩa đích thực của cuộc đời, Đạo Phật xuất hiện như một ánh sáng soi đường, giúp con người thấu hiểu chính mình và hoàn thiện bản thân.
Để Sư nấu
Góc nhìn Phật tử 10:06 22/11/2024Cách đây chừng sáu năm, ngày đó tôi đang là một sinh viên năm thứ ba, sống chung phòng trọ với bảy người bạn nữa ở khu Làng Đại Học Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy chung trọ nhưng chẳng ai cùng quê với nhau cả, Bắc – Trung – Nam đều có.
Nói xấu người
Góc nhìn Phật tử 09:51 22/11/2024Đã nhiều lần tự hứa với bản thân sẽ không bao giờ nói xấu người khác, thế nhưng đâu cũng lại vào đó, cứ hễ tụm năm tụm ba là không nói chuyện của người này cũng nói người khác, hoặc khi ai đó nói về chuyện của người khác dù không nói ra nhưng vẫn có những ý nghĩ xấu, không tốt về họ.
Xem thêm