Đạo Phật có sứ mệnh đem ánh sáng của trí tuệ và tình thương đến với muôn loài chúng sanh. Ánh sáng của tinh tú, của mặt trời. mặt trăng giúp cho con người thoát khỏi cảnh tối tăm mờ mẫm.
Ánh sáng của chính pháp Trí Tuệ và Tình Thương tạo cho con người sống an vui tự tại, biết thương yêu tất cả mà không gây khổ đau cho nhau. Trí Tuệ và Tình thương là hai cốt tính của đạo Phật. Nền văn hóa Nhân Bản của đạo Phật được thể hiện trọn vẹn trên hai tiêu chuẩn ấy.
Nội dung của nguồn giáo lý đạo Phật được xây dựng trên nền tảng Nhân bản hết sức thực tại và uyển chuyển. Vì vậy, nói tới "Nhân Bản" tức là nói tới đạo Phật.
Một Đạo Phật Sinh Động Của Nguồn Văn Hóa Nhân Bản Đích Thực. Đạo Phật là một thực tại sinh hoạt tinh thần và vật chất hiện hữu trong cuộc đời, là hướng tính, lối sống, lẽ sống... của con người muôn loài vạn vật.
Đạo Phật chú trọng lấy Tình Thương làm động tâm xử thế, lấy Trí Tuệ làm ngọn đuốc soi đường cho con người hướng về chính đạo. Trên hai nghìn rưỡi năm lịch sử truyền bá, nguồn văn hóa đạo Phật luôn luôn phát triển với không-thời gian, hòa hợp chặt chẽ với cuộc sống từng thời đại - Một nền văn hóa thực tại, quán thông vũ trụ nhân sinh, lấy con người làm đối tượng để giải quyết những việc của con người; lấy nhân tính làm cơ chỉ kiến thiết một xã hội người công bằng và hợp lý: thừa nhận giá trị trí thức và khả năng sáng tạo của con người, và khuyên con người thương yêu tất cả, làm việc cho tất cả... Con người trong đạo Phật là con người dễ hòa nhập "tiểu ngã" của mình làm một với "đại ngã" rộng lớn của vũ trụ vạn hữu. Không có Cái Này thì chẳng có Cái Kia, cũng như cái này có thì cái kia có: cả hai. Hiểu được tiểu ngã cũng chính là hiểu được đại ngã khám phá được chính nội tại nơi ta, là thấy được toàn thể vũ trụ. Cho nên đức Phật ân cần khuyên con người:
Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi!
Hãy im lặng là rất sống, rất sáng!
Hãy đem lòng mình đối diện với hồn của lịch sử!
Mỗi sầu thảm, mỗi khổ đau đều bắt rễ bén mầm trong cái tối tăm, tham lam, ác độc, thù hận, nghi kỵ, thấp hèn sợ sệt của con người cả. Con người đang xô đẩy nhau vào cái nghiệp chướng cuồng loạn khổ đau dể rồi phiêu lưu trong cuộc luân hồi phiền não vô tận.
"Sao không cứu lấy họ?
Sao không đưa họ đến Thắng Địa?
Không ai cứu nổi họ đâu! Chỉ có họ tự cứu lấy mình. Không thần thánh nào cứu nổi nhân loại hết. Chỉ có nhân loại tự cứu lấy mình thôi. Con người làm thần thánh lấy chính mình và làm thần thánh lấy vũ trụ. Chỉ có con người mới thực hiện được mọi sự tốt đẹp của mình trong vũ trụ mà thôi".
Con người có toàn quyền định đoạt cuộc sống của chính mình. Trước hết con người phải gột rửa tâm hồn cho trong sạch, biết nhóm lên ngọn lửa thương yêu, tin tưởng, và vui sống, không còn mang thành kiến phân biệt chủng tộc, màu da, tiếng nói, quốc gia hùng hay nhược tiểu để tất cả cùng kiến tạo một xã hội văn minh tốt đẹp hơn.
Con người là một chủng loại trung giới nối liền Phật giới với chúng sanh giới, nên con người có đầy đủ dữ kiện để tự giải thoát mình và giải phóng đời.
Để đạt được mục tiêu cao cả ấy, con người cần hiểu và thực chứng bốn nguyên lý.
1. Nhân sinh là khổ (Khổ Đế)
2. Những nguyên nhân gây ra sử khổ (Tập Đế)
3. Chấm dứt sự khổ (giải thoát) (Diệt Dế)
4. Phương pháp triệt tiêu sự khổ (Đạo đế)
Hai đế Khổ, Tập thuộc về nhân quả thế gian.
Hai đế Diệt, Đạo là nhân quả xuất thế gian.
Đó là bài thuyết pháp đầu tiên của đức Phập tại vườn hoa Lộc Uyển để hình thành ngôi Tam Bảo: Phật, Pháp Tăng.
Đó cũng là nguyên nhân để Pháp lý hội đủ điều kiện thành lập một nền văn hóa Nhân Bản Toàn Diện, gồm hai phần:
a. Phần nội dung là Tam tạng thánh điển và những chứng lý được trình bày trong đó hết sức minh bạch,
b. Phần hình thức mà ta thường thấy ở đạo Phật ngày nay là các chùa, tháp, lễ nghi v.v... Tất cả những thứ đó chỉ là phương tiện (tạo không khí) đưa con người trở về với Phật tính sẵn có của mỗi chúng sinh. Mà nói tới văn hóa tức phải đề cập ba mặt:
"Nghệ Thuật, Học Thuật, Kỹ thuật".
*Về Nghệ Thuật: Do sự rung cảm suy tư của người nghệ sĩ đã sáng tạo ra những công trình nghệ thuật, và được người đời đồng cảm nhìn nhận, nên những công trình nghệ thuật đó trở thành (dấu ấn tinh thần của các thời đại). Riêng về nghệ thuật thuộc các tôn giáo thì chẳng có vị giáo chủ nào nói tới. Nhưng chính cuộc sống và những điều truyền dạy của các Ngài đã là nhưng tác phẩm tuyệt mỹ rồi vậy. Thế nên mỗi tôn giáo đều có nhưng nét nghệ thuật độc đáo khác nhau, do những rung cảm suy tư của các tín đồ nghệ sĩ hướng về tôn giáo mình tạo ra. Thế nên có nền nghệ thuật mang đặc tính tôn giáo qua các thời đại.
Đạo Phật vốn mang bản chất bao dung, trí tuệ và khai phóng nên đã không thành lập hội thánh giáo quyền duy nhất, mà chỉ khuyến lập những giáo đoàn của con người tự tu tự giác (đi vào đời giáo hóa chúng sanh bằng những cơ duyên sẵn có của chúng sanh "Tự tu Tự giác").
Chính vì vậy những kiến trúc thờ tự của Phật giáo không mang một sắc thái duy nhất, mà là đã đang thuận theo với sự thờ phụng của các nước mà đạo Phật truyền vào. Các chùa cảnh vùng Nam Á chụi ảnh hưởng của văn minh Ấn Độ, thì vẩn giữ kiểu cách vòm cao tháp tròn. Còn các nước Á Đông lại giữ dáng vẻ văn minh Trung Hoa mái cong tháp vuông.
Những nét chung khi nói đến chùa là phải nói tới cảnh. Cảnh và chùa tuy hai mà một. Chính chùa cảnh là công trình phối hợp giữa thiên nhiên và nhân tạo khiến cho người đặt chân tới nơi đó điều có chung một cảm nhận như thấy tâm hồn mình được thanh thoát, tự tại.
Hình ảnh đức Phật thì tướng mạo phải là tướng mạo cao đẹp nhất mà người bản địa cảm nhận. Thế nên xét về phong độ của Phật lại mang tính cách thống nhất, dù ngồi, nằm hay đứng trong tượng Phật đều toát lên vẻ an nhiên thoải máy thoát tục, nhất là nụ cười đọng trên môi, chỉ có thể gọi đó là nụ cười Phật, dịu hiền, hoan hỷ, thanh thoát.
Ở bất kỳ nơi đâucác nghệ sĩ Phật giáo cũng để lại cho đời những pho tượng Phật siêu thoát, những cảnh chùa thoát tục. Để rồi những tiếng chuông ngân dài như những đợt sóng hải triều theo nhau nổi lên rồi ngân xa chìm xuống. Như tiếng gọi vô thường giữa cảnh giới vô biên.
Văn chương thi ca Phật giáo vốn đa dạng, phong phú, nhưng nét chung ở đâu lúc nào cũng mang nội dung gợi ý cho con người nhận rõ thân phận của mình, tự chủ, tự do bước trên con đường thoát khổ.
Tóm lại, những đường, nét, hình dáng, âm sắc, thơ, văn Phật gíáo đều có những điểm chung là từ bi, trí tuệ, và giải thoát, có thể nói Nghệ Thuật Đạo Phật Không Chỉ Là những nét sắc bén của rung cảm, suy tư của con người không thôi mà.. còn vươn lên mục đích cao đẹp là, Thăng Hóa Con Người, Đổi Mới Cuộc Đời.
* Về Học Thuật: Với một nhận thức quan tổng hợp rộng lớn, với một căn bản tự do tư tưởng và trên hai thiên niên kỷ tồn tại, đạo Phật không lúc nào ngừng phát triển để mãi mãi xứng đáng là nguồn Văn Hóa Nhân Bản Đích Thực, vĩ Đại, với mục đích phục vụ con ngưới và xây dựng một cuộc sống an lành, hạnh phúc ở ngay cõi đời ngũ trược ác thế này.
Kinh Pháp Hoa, phẩm Thí Dụ, đức Phật dạy Tam giới vô an do như hỏa trạch (ba cõi không an ví như nhà cháy.) Hiện nay nhân loại đang sống trong "thời đại nhiễu nhương") tâm tư con người bị giằng xé bởi những mâu thuẫn của cuộc đời: kiếp sống thì khổ đau cơ cực, kiến thức sai lầm, tâm địa xấu xa, con người ác độc, và cuộc đời lại quá ngắn ngủi. Đó là những sự thật hiển nhiên bày ra trước mắt mỗi người, "Nỗi khổ đau của chúng sanh là nỗi khổ đau của mình".
Do đó, nền tảng học thuật của đạo Phật là dạy cho con người thực hành ba yếu lý cơ bản (Tín, Hành, Nguyện) để gây nhân lành sẽ hái quả tốt trước hết là phải có đức "Tin" vững chắc: Tin đức Phật là bậc Thầy sáng suốt. Tin đạo Phật là đạo Giác Ngộ Giải Thoát, có công năng đưa (chuyên chở) chúng sanh từ bến Mê (khổ não, tối tăm, lầm lạc) tới bờ Giác (được tự tại an vui ). Thứ nữa, “Hành”, làm tất cả mọi việc (không luận là việc lớn hay nhỏ ) khi xét thấy hữu ích cho cuộc đời, cho chúng sanh, không trái với lẽ phải, không gây ra oan nghiệt làm hại ngươì tổn vật. Sau cùng là phát "Nguyện" lớn cứu độ hết thảy chúng sanh.
Là những tâm hồn lớn, muốn thực hiện hạnh nguyện Bồ Tát "cứu thế độ sinh" (mà) điều tiên quyết đòi hỏi ở người đó: là lòng phải rộng, trí phải sáng, phải tự chết đi những thói hư tật xấu, như tính ghen ghét, ngu dốt, ích kỷ, dối trá,hận thù, tự cao tự đại... để tái sanh một con người mới: Con người thánh thiện, sống bằng tâm hồn Phật một cuộc sống đẹp như bông sen (sinh ư nê bất nhiễm ư nê) mới có đủ Thắng Nghĩa để làm những công việc hữu ích cho đạo và đời.
Phần tinh hoa của đạo Phật lưu trú trong ba đại tạng kinh, một nền văn hóa nhân bản thực tại đã hướng dẫn cho gần một phần ba nhân loại sống an vui và biết thương yêu nhau hơn.
* Về Kỹ Thuật: Khoa học kỹ thuật vốn là kết quả của công phu "suy tư thực nghiệm" của con người. Sau khi thành đạo bên gốc Bồ Đề, lần đầu tiên, đức Phật long trọng tuyên bố với thế gian: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tính”. Cũng lần đầu tiên ấy, thật vô tiền khoáng hậu, đức Phật đã giải thích những lẽ huyền bí về vũ trụ vạn hữu một cách tinh tường quán triệt. Ngài nói: trong cõi ta bà có tam thiên đại thiên thế giới (cũng gọi là “Thập Phương vi Trần Thế giới”) và đã mở ra con Đường Sáng cho nhân loại chúng sanh đi theo. Những nhà thiên văn học hiện đại cũng thừa nhận: trong vũ trụ không chỉ riêng có thế giới chúng ta ở, mà có hằng hà sa số thế giới, Khoa học tìm được năng lực tiềm ẩn trong vạn vật.
Chính năng lực chuyển động không ngừng mới giữ cho vạn vật thành hình phát triển mà khỏi phải bị triệt tiêu. Đấy là lúc các nhà trí thức quan tâm nhiều tới luận chứng của đạo Phật, vì đức Phật quả quyết rằng: trong mỗi loài mỗi vật đều có phần năng lực tiềm ẩn, đó là Phật tính. Khoa học ngày nay đã gặp đạo Phật ở những điểm chung, như chúng ta thấy. Tuy nhiên khoa học chưa thể theo kịp cái biết của đấng Giác Ngộ Viên Mãn. Đây cũng là điều để lưu ý các nhà khoa học kỹ thuật cần nghiên cứu những cái thật Cao, Đẹp ở đạo Phật để bồi bổ cho kiến thức khoa học thêm giàu có, sáng, đẹp.
Chúng tôi tin tưởng văn minh nhân loại ngày nay với tinh thần gặp gỡ giữa khoa học và Phật học, rất có thể còn tiến xa hơn nữa trên ngành kỹ thuật, để tạo dựng một cuộc sống văn minh cho con người mỗi ngày thêm hoàn thiện.
Với một tinh thần cởi mở, bao dung và truyền cảm hết sức mầu nhiệm, đượm sắc thái hiếu sinh, hiếu hòa và giải thoát, nên đạo Phật truyền vào quốc gia nào cũng được quần chúng nhân dân ở quốc gia đó nhiệt liệt hoan nghênh, tin tưởng cổ vũ và phụng sự. Ngoài các nước Á đông, đạo Phật đang trên đà phát triển tại các nước Âu Mỹ và khắp toàn thế giới. Những tư tưởng gia, những nhà bác học hiện đại cuối thế kỷ XX đã bày tỏ sự tán đồng thuyết lý Từ Bi, Trí Tuệ và Tự chủ rất nhân bản của đạo Giác Ngộ, và lấy làm cảm kích, nguyện nghiên cứu, học hỏi nguồn giáo lý vô thượng của đạo Phật, chỉ vì tinh thần giáo lý ấy không bao giờ trái với sự việc nào, bất cứ ở đâu, hạng người nào, khi họ hướng đến chân lý.
Trong khi con người thời đại đang khao khát tiềm hiểu sự thật nghĩa sống của cuộc đời Đạo Phật chính là chất liệu cho con người tìm hiểu nghĩa sống cuộc đời. Đạo Phật truyền tới đâu cũng dung hợp được với dân tộc tính Dân tộc tình, Dân tộc trí của các nước tiếp nhận để làm giàu, Làm mới cho con người và cuộc đời.
Với tư tưởng cao đẹp ấy mà Nguồn văn hóa đạo Phật đã thấm sâu trong tim, óc quần chúng, từng thời đại, làm thỏa mãn những nhu cầu khát vọng tâm linh của nhân loại trí thức ngày nay.
Đạo Phật vốn không tự đóng khung, nên không bị thoái hóa, do đó, xứng đáng tiêu biểu cho nền văn hóa thực tại, bao dung, toàn thiện của nhân loại ở hiện tại và tương lai, vì tự bản thân đạo Phật đã viên mãn Văn Hóa tính rồi vậy.
Đạo Phật, Nguồn Văn Hóa sinh Động Của Nhân Loại
Sức Mạnh của Đạo Phật thể hiện trong ba đức tính:
Đại Bi, Đại Trí, Đại Hùng, một đạo có ảnh hưởng lớn đã thấm sâu vào Đời sống dân tộc Việt.
Hoa sen (tượng trưng Đạo Phật) sinh trưởng ở trong bùn mà không nhiễm bùn. Đạo Phật xuất hiện ngay ở cõi đời ngũ trược này để làm đẹp cho cuộc đời. Đó là sức mạnh tinh thần của đạo Phật đã thể hiện trong cuộc sống con người từ hơn hai thiên niên kỷ nay và mãi mãi về sau. Khi ta mở trang sử vàng son của đạo Phật và xét định giá trị đích thực của nó, sẽ thấy rằng kể từ khi đạo Phật truyền bá trên trái đất và riêng tại Việt Nam: sự hiện diện của đạo Phật đã có hai mươi thế kỷ, trải qua nhiều thăng trầm biến thiên lịch sử, đạo Phật đã cùng với dân tộc Việt cùng chung cảnh ngộ, gặp khi biến đạo Phật bị chìm đi cùng với vận nước nổi trôi, nhưng chỉ như cơn gió để quét đi những rác rưới cặn bã xấu xa. Cũng có những thời kỳ đạo Phật cực thịnh, như hai triều đại Lý-Trần (thế kỷ XI – XIV) cũng chính là lúc quốc gia Việt Nam hùng mạnh, chân tinh thần đạo Phật quả đã thấm sâu đậm trong đời sống toàn thể quốc dân. Đạo Phật do đó đã trở thành một Đạo Phật Việt Nam, nên dù cho có gặp những thời gian mưa nắng thì đạo Phật bao giờ cũng vẫn là đạo Phật của quần chúng Việt Nam.
Nói đến sức mạnh tinh thần là nói đến nội dung nguồn giáo lý cao diệu trong Ba Đại Tạng Kinh to lớn của đạo Phật. Sức mạnh ấy được hiển lộ qua ba đức tính: Đại Bi, Đại Trí, Đại Hùng.
1. Đại Bi: Là lòng tương yêu rộng lớn và sáng suốt. Là sự tôn trọng sự sống và quyền sống của hết thảy chúng sanh. Lòng thương yêu ấy được biểu thị qua đức Từ bi, lòng vị tha, những đức tính trong sáng mà mọi người, mỗi người cần ghi nhớ và thực hành. Trong sự trau dồi đức hạnh đạo Phật khuyên con người diệt trừ mọi thói hư, nết xấu, như phiền não, thù hận, ganh ghét, tham lam, ích kỷ, và tự phụ. Không lợi dụng lòng tốt của người. Chỉ biết tận tâm phục vụ cho công ích, bằng tình thương ngay thẳng, không hạn cuộc ở thời gian, phương sở. Cuộc đời vốn dĩ đã phức tạp, khổ đau, kiếp sống con người thì ngắn ngủi và đầy bất trắc. Chúng ta hãy thương yêu nhau, xin đừng bao giờ làm khổ nhau... Vì mỗi con người đều đáng thương và cần được phụng sự. Từ Bi là yếu tố căn bản làm khuôn mẫu sống cho con ngườivà cuộc đời vậy.
Đấy là một lòng thương yêu chân chánh.
2. Đại Trí: Là tâm trí trong sáng. Nhưng thế nào là trong sáng? Dựa trên những lý giải của đạo Phật để nhận thức, tìm hiểu sự vật một cách chính xác hòng chuyển hóa sự vật ấy. Như tin vào giáo lý của đức Phật đã dẫn giải trong kinh là chân lý, rồi nương theo đó để thực hành mới mong chứng ngộ chân lý (đạt đạo quả Bồ Đề). Nhờ có trí tuệ mà con người có những cái nhìn, thấy và hiểu rõ sự thật, lẽ sống muôn mặt của cuộc đời, căn cứ trên hai tiêu chuẩn:
1. Lấy sự giác ngộ niên mãn làm đối tượng chính của cuộc sống con người.
2. Lấy giải thoát mọi phiền não, khổ đau làm mục đích tối thượng.
Thì đó gọi là thực hiện bát nhã trí - Trí sáng tròn đầy.
3. Đại Hùng: Là sự biểu tượng của ý chí và hành động. Nhưng phải là hành động trong minh động khế lý và khế cơ. Hành động minh động là hành động bao giờ cũng kèm theo bằng tấm lòng nhiệt thành với một khối óc sáng, một nghị lực quả cảm, và luôn tỏ ra mình là Người (chữ người viết hoa) có một ý chí cao thượng, biết làm, dám làm, làm cho kỳ được. Đấy gọi là Đại Hùng.
Ở đời, không có gì là khó. Khi xưa, đức Thích Ca Mâu Ni sau phút ngộ đạo bên gốc Bồ Đề rồi do tình thương yêu (đại bi) trí sáng suốt (đại trí) và lòng quả cảm (đại hùng) nên Ngài đã tự nguyện dấn thân vào đời để hóa độ chúng sanh. Đức Phật đã chu du khắp xứ Ấn Độ, cứu cho hết thảy. Đạo Phật là ánh sáng mặt trời buổi giữa trưa làm ấm áp những tâm hồn cóng lạnh, khổ đau, đem an vui, hạnh phúc đến cho muôn loài vạn vật, và do đó, đã gây được niềm Tin Tưởng nơi con người.
Bằng vào sức mạnh tinh thần, đạo Phật mỗi ngày thêm phát triển lớn mạnh, sáng, đẹp.
Nói tắt, lý thuyết và thực hành của đạo Phật là Như Thật.
Sức mạnh của đạo Phật là sức mạnh của toàn thể. Bởi sức mạnh tinh thần ấy lấy Con Người (Nhân Bản) làm cứu cánh để xây dựng một xã hội người văn minh, giác ngộ và giải thoát. Ảnh hưởng của xã hội tốt hay xấu là do sự điều hành của con người, chỉ có con người mới làm chủ cuộc sống của chính mình. Cho nên, giá trị con người trong đạo Phật là căn cứ trên việc làm và sự tu chứng trên công hạnh: Biết thực là làm được. Làm những việc khó làm. Biết những điều khó biết. "Sức mạnh tinh thần" ấy thể hiện trong ba đức tính: Đại Bi, Đại Trí, Đại Hùng. Một sức mạnh vạn năng. Có thể nói đấy là mục tiêu hướng thượng của con ngươì, và là Nguồn Sống làm nở hoa cuộc đời.
Một (đạo) hợp tình, hợp lý, hợp cảnh và hợp thời.
Hòa thượng Thích Đức Nhuận