Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ bảy, 27/04/2024, 16:17 PM

Đi tìm lõi cây

Ngày nay, khi đạo Phật ngày càng phát triển thì việc học Phật được quan tâm và chú trọng đặc biệt.

Audio

Khi tri thức loài người ngày càng cao, khoa học ngày càng tiến xa hơn trên nhiều lĩnh vực khám phá thì hành giả tu Phật cần phải có một nguồn tri thức Phật học ngày càng cao để phù hợp với sự tiến bộ của xã hội.

Không phải ngày nay vấn đề học Phật mới được đặt ra, mà ngay từ thời truyền đạo, đức Tôn sư đã đề cập rất nhiều đến vấn đề này. Thế nhưng, Phật giáo không phải là môn triết học để người ta học hỏi nhằm thỏa mãn tri thức. Giáo pháp chắc chắn phải được học hỏi nhưng hơn hết giáo pháp phải được thực hành và trên hết phải tự mình trải nghiệm và chứng ngộ.

Trong biển Phật học mênh mông và giữa rừng kinh sách Phật học đồ sộ ngày nay, thật hạnh phúc biết bao khi đọc lại Chơn Lý, nguồn Pháp bảo chứa đựng bao lời vàng ngọc của Tôn sư về các vấn đề học Phật. Trong Chơn Lý, quyển 11 “Khất sĩ”, Tôn sư dạy:

“Muốn học, không phải ở một chỗ, mà cần phải bước lên đi tới, phải đi theo thời duyên cảnh ngộ, của nước gió không ngừng chớ đừng cố cượng... Vì chính sự ở một chỗ giữ một bài, một lớp, là sự khổ não, vô minh, si mê thất học. Càng đứng ngồi nằm một chỗ, càng thấy nóng nảy sân hờn, và lại bụi lấp xấu dơ, tham lam đen nặng. Vậy muốn được học, nếu là kẻ thật học, thì phải ra người Khất sĩ, khó hèn, để hạ lòng tự cao dốt nát, đặng rèn nuôi chí nhẫn, và thong thả học hành, ngao du thiên hạ. Vừa là tự mình đi tới, và dẫn lần những kẻ khác cùng theo, cho đúng theo lẽ trước sau thời gian khác tạm vô thường vô ngã”.[1]

Có sự xuyên suốt, hầu như không tách rời giữa vấn đề học Phật và tu Phật trong lời dạy của Tôn sư. Mục đích của học là để áp dụng lời Phật dạy vào vấn đề hành trì hay thực tập. Cho nên, con đường học của người tu là đi trên một lối mòn tiến hóa ở cả hai phương diện học và hành, còn được Tôn sư gọi là con đường tiến hoá của chúng sanh. Con đường ấy là sự tiến bước đi tới, không chấp chặt một chỗ, giữ một bài hay thỏa mãn một tri thức nào đó dù tri thức ấy là do sự học tập hay tự mình ngộ ra. Ngay cả vấn đề tu tập cũng vậy, cái mà bản thân hành giả tu được chưa hẳn là sự giải thoát cuối cùng.

Con đường tu tập từ một chúng sanh đến giác ngộ giải thoát là con đường chông gai và xa thẳm mịt mù.

Con đường tu tập từ một chúng sanh đến giác ngộ giải thoát là con đường chông gai và xa thẳm mịt mù.

Có thể hình dung con đường tiến hóa mà Tôn sư dạy ấy như một dòng nước chảy mà hành giả là người chèo thuyền. Hành giả phải học cách chèo và ra sức chèo không ngơi nghỉ. Nếu dừng tay, vừa lòng với quãng sông mình vừa chèo qua thì lập tức thuyền sẽ dừng lại và bị con nước cuốn trôi đi. Cũng vậy, trên đường tu, chấp chặt một tri thức, một pháp mà mình thực tập được là đứng ngồi nằm một chỗ  và như vậy sẽ càng nóng nảy sân hận và lại bụi lấp xấu dơ, tham lam đen nặng.

Con đường tiến hóa mà Tôn sư dạy cho một người Khất sĩ có thể ví như hành trình của một người thợ gỗ đi tìm lõi cây. Có thể thấy hình ảnh ấy trong Đại kinh ví dụ cái lõi cây thuộc Kinh Trung Bộ[2] Người tìm lõi cây phải hiểu cho rõ lõi cây, phải phân biệt cho được đâu là lõi cây, đâu là cành lá, vỏ hay giác cây. Phải biết cách tìm ra lõi cây và đặc biệt phải lấy cho đúng lõi cây. Người đi tìm lõi cây là hình ảnh ẩn dụ đầy sống động cho một người tu Phật cất từng bước đi tìm con đường giác ngộ và giải thoát.

Theo con đường tiến hóa từ thấp đến cao mà Tôn sư đã dạy thì bài kinh Ví dụ cái lõi cây này được Đức Phật dạy có năm hạng người tìm lõi cây, ẩn dụ cho năm hạng người xuất gia tìm con đường giải thoát cũng theo thứ lớp từ thấp đến cao.

Hạng người thứ nhất đi tìm lõi cây, đến trước một cây lớn có lõi cây nhưng người ấy chặt toàn cành lá mang về và vui mừng vì nghĩ rằng mình tìm được lõi cây. Điều ấy chỉ cho một người xuất gia tu học, do tín tâm trong sạch ban đầu được tín chủ cúng dường tôn trọng. Vị ấy hoan hỷ tự thỏa mãn và tự khen mình chê người. Như vậy, vị ấy do danh vọng này trở thành mê say, tham đắm, phóng dật. Do phóng dật, vị ấy bị đau khổ. Rõ ràng, con đường giác ngộ đã bị chướng ngại, cái mà vị ấy đạt được chỉ mới là cành lá của phạm hạnh mà thôi.

Hạng người thứ hai đi tìm lõi cây, đến trước cây lớn có lõi cây nhưng người ấy gỡ những vỏ cây bên ngoài mang về và tự vui mừng vì tin rằng mình tìm được lõi cây. Điều này chỉ cho người xuất gia thành tựu được giới luật. Do tín tâm trong sạch ban đầu, người xuất gia quyết tâm trì giới giữ hạnh một thời gian. Sau đó, tự thỏa mãn với giới mà mình trì giữ vị ấy đã nhòm ngó những người xung quanh. Vị ấy tự cho mình trong sạch hơn người nên đã khởi lên tâm khen mình và chê bai những người tu khác. Như vậy, con đường giác ngộ bị ngưng trệ.

Hạng người thứ ba đi tìm lõi cây, đến trước cây lớn có lõi cây nhưng người ấy lột vỏ bên trong mang về rồi tự mừng thầm rằng ta đã tìm được lõi cây. Điều này ví như người xuất gia nỗ lực hành thiền và đạt được khả năng về thiền định. Vị ấy tự thấy mình đạt được như vậy đã tự khen mình và chê bai mọi người xung quanh. Như thế, vị ấy đã bị đứng lại và thối lui trên con đường tu tập.

Hạng người thứ tư đi tìm lõi cây, đến trước cây lớn có lõi cây nhưng người ấy lấy giác cây mang về rồi tự mình vui vẻ cho là đã tìm được lõi cây. Điều này dụ cho người xuất gia thành tựu được tri kiến. Do khả năng học tập và tri thức của bản thân, vị ấy đạt một tri kiến Phật học nhất định. Lẽ ra phải dùng nguồn tri kiến ấy để áp dụng tu tập thì vị ấy lại nhận xét về khả năng của những người tu xung quanh và tự thấy rằng tri kiến của mình cao hơn mọi người. Thế là, vị ấy khen mình và chê bai người đồng tu tập. Kết quả vị ấy cũng bị lui sụt trên lộ trình tu Phật.

Hạng người thứ năm đi tìm lõi cây, người này biết rõ lõi cây nên đến trước cây, người ấy bỏ qua cành lá, vỏ ngoài, vỏ trong, giác cây để cuối cùng lấy được lõi cây mang về một cách vui vẻ. Hạng người thứ năm này dụ cho người xuất gia hiểu rõ con đường tu tập đạt được sự giải thoát thật sự. Vị ấy không hoan lạc trong phẩm vật cúng dường của tín thí. Vị ấy hành trì giới luật để thuần tịnh tam nghiệp thân khẩu ý mục đích để dễ dàng tu tập thiền định. Vị ấy tu thiền để an lạc nội tâm và phát sanh tuệ giải thoát. Vị ấy đạt được tri kiến do thiền định để đoạn trừ lậu hoặc trong tâm. Khi đạt được từng vấn đề trên đường tu mà một người thực hành cần phải trải qua, điều quan trọng ở vị xuất gia thứ năm là hoan hỷ mà không tự mãn. Hoan hỷ tức là tự vui niềm an lạc do mình hành trì được một giai đoạn tu tập. Không tự mãn là kiềm chế bản ngã trong tâm để không khởi lên lòng ngạo mạn chê bai mọi người. Như vậy, vị xuất gia này đã đạt được sự giải thoát cuối cùng như người thợ gỗ tìm được lõi cây.

Tóm lại, con đường tu học mà Tôn sư dạy trong bộ Chơn Lý là sự tiến hóa không ngừng trong việc học Phật và tu Phật. Chúng ta phải tỉnh thức học tập để hiểu rõ các vấn đề Phật học rồi dùng kiến thức ấy áp dụng tu tập hàng ngày. Phải biết tự mình nghiệm chứng chứ đừng khoe khoang tri thức hay khoe khoang cái mà mình tu được. Con đường tu tập từ một chúng sanh đến giác ngộ giải thoát là con đường chông gai và xa thẳm mịt mù. Chúng ta may mắn có duyên lành được sống trong Phật pháp, cần phải học để biết cách hành trì mà đi trọn vẹn con đường ấy. Hòa thượng Giác Huệ đã dùng hình ảnh chuyến tàu vượt qua bao sân ga trên đường để đến phương trời tự do giải thoát để diễn tả tiến trình giải thoát này. Người viết ghi lại đây những dòng thơ đầy hình ảnh và vô cùng sống động ấy thay cho lời kết của bài viết này:

Đời là đường sắt dài vô tận,

Ta một thế nhân một chuyến tàu,

Hết đến ga này ga khác đến,

Thì tàu đâu trụ ở ga nao…

[1] Minh Đăng Quang, Chơn Lý tập 1, Khất Sĩ (Hà Nội: NXB Tôn giáo, 2009), 261-262.

[2] Xem Thích Minh Châu (dịch), Trung Bộ I, Đại Kinh Ví Dụ Cái Lõi Cây, (TP. Hồ Chí Minh: Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1992), 423 – 434.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Ý nghĩa Phật đản sanh (Phật đản PL.2568 - DL.2024)

Kiến thức 10:20 08/05/2024

Cách đây 2648 năm, vào ngày trăng tròn tỏ rạng của tháng Vesak thiêng liêng, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đản sinh tại vườn Lâm Tỳ Ni thuộc xứ Ấn Độ xưa, nay là Nepal.

Trì niệm danh hiệu Phật Dược Sư để được gia hộ

Kiến thức 10:05 08/05/2024

Phật Dược Sư, Phạn ngữ Bhaisajyaguru Buddha, Hán dịch là Dược Sư Như Lai, Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, Đại Y Vương Phật, Y Vương Thiện Thệ, Thập Nhị Nguyện Vương…

Dáng người Khất sĩ

Kiến thức 09:37 08/05/2024

Bước chân trầm vững khoan thai như nhắc nhở chúng ta chậm lại, thưởng thức từng khoảnh khắc hiện tại tươi mát. Từng bước thắp lên ánh sáng chánh pháp, từng bước thổi ngọn gió thanh lương vào thế gian nóng bức. Ta bà thành lạc quốc.

Vượt qua bất hạnh bởi may mắn hay do có phước?

Kiến thức 08:58 08/05/2024

Trên báo chí thường thuật nhiều tai nạn thảm khốc xẩy ra nhưng vẫn có người sống sót hay không hề hấn gì trong khi tất cả những người chung quanh chết hay bị thương nặng... Nhiều người cho đó là may mắn, hay "phước đức ông bà để lại" hay... "phước 70 đời".

Xem thêm