Đóng góp của Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội trong 30 năm qua
Tong 30 năm qua Tạp chí Nghiên cứu Phật học đã in được 165 số, khoảng 2500 bài đã được công bố, phần nào đáp ứng được nhu cầu phật tử và giới tri thức miền Bắc. Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội cũng đã cho in và phát hành một số công trình quan trọng.
Thành tựu
Phật giáo miền Bắc có lịch sử lâu đời, mà Luy Lâu là trung tâm nổi tiếng đầu tiên. Một kho tàng tài liệu đồ sộ về Phật giáo còn để lại ở miền Bắc trong các ngôi chùa, thể hiện qua các tấm bia, điêu khắc, nghệ thuật, truyền thuyết, lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán,… Bốn thiền phái nổi tiếng đầu tiên của Phật giáo Việt Nam đều được thành lập ở miền Bắc; bởi vậy, cần phải nghiên cứu các trước tác, các văn bản gốc của Phật giáo Việt Nam qua các đời, các sơn môn, trường phái; qua các triều đại. Nghiên cứu Phật học, trước hết phải nghiên cứu Tam tạng kinh điển; nhưng đồng thời phải chú ý tới tất cả các mặt của Phật giáo như lịch sử, văn học, triết học, tôn giáo, nghệ thuật, hội họa, kiến trúc, điêu khắc.
Tạp chí Nghiên cứu Phật học trong 30 năm qua, đã in được 165 số, khoảng 2500 bài đã được công bố, đã phần nào đáp ứng được nhu cầu trên. Qua những số trên, các chủ đề mà Tạp chí Nghiên cứu Phật học tập trung là:
1. Những tin tức Phật giáo ở Việt Nam và thế giới.
2. Giáo lý – Lịch sử -Triết học Phật giáo
3. Nghiên cứu – Trao đổi
4. Phật giáo và đời sống
5. Văn hóa – Danh thắng
6. Văn học, nghệ thuật Phật giáo
Qua các chủ đề trên, Tạp chí Nghiên cứu Phật học đã phần nào làm rõ được đặc điểm của một số ngôi chùa cổ ở miền Bắc; đi sâu nghiên cứu một số sơn môn; phân tích và chỉ ra nét đặc trưng tư tưởng của thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi (Vinitaruci), Vô Ngôn Thông, Thảo Đường, đặc biệt là thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Ngoài ra Tạp chí còn nghiên cứu Phật giáo thế giới như Phật giáo Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Nhật Bản, Bhutan và một số nước khác trên các khía cạnh phong phú đã chỉ ra ở trên; nghiên cứu Phật giáo từng vùng, từng miền ở Việt Nam; nghiên cứu những tư tưởng đặc sắc của Phật giáo, đặc biệt là Phật giáo Việt Nam.
30 năm Tạp chí Nghiên cứu Phật học chuyển tải thông điệp gắn kết giữa Đạo và Đời
Nhìn chung, giới tri thức miền Bắc nghiên cứu Phật giáo trên quan điểm, phương pháp luận của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam, nên đã đạt được một số thành tựu nổi bật; chỉ ra logic lịch sử hình thành mỗi thiền phái Phật giáo ở Việt Nam; đặc điểm của mỗi thiền phái trên cơ sở phân tích đời sống xã hội của mỗi thời kỳ tương ứng. Trên cơ sở phương pháp luận này, họ đã chỉ ra những điểm tương đồng về mặt tư tưởng giữa Phật giáo và C.Mác, giữa Phật giáo và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; chỉ ra cái hay của Phật giáo; chỉ ra sự khác nhau giữa Phật giáo và các tôn giáo khác; chỉ ra nét đặc trưng của Phật giáo Việt Nam.
Ở đây tôi chỉ đơn cử một số công trình do cá nhân tôi viết theo hướng nêu trên, như:
1. Góp phần tìm hiểu tư tưởng triết học Phật giáo Trần Thái Tông. Nxb. Khoa học xã hội; H. 1996;
2. Lược khảo tư tưởng Thiền Trúc Lâm Việt Nam. Nxb. Khoa học xã hội; H. 1997;
3. Đại cương triết học Phật giáo Việt Nam. Nxb. Khoa học xã hội; H. 2002;
4. Góp phần nghiên cứu một số tư tưởng triết học Phật giáo của thiền phái Vinataruci. T/c Triết học, số1, 1990;
5. “Lý hoặc luận”- cuộc đụng độ đầu tiên giữa Nho Phật Lão ở Giao Châu dưới chính quyền Sĩ Nhiếp. T/c Triết học, số 2, 1992;
6. Biện chứng pháp trong kinh Kim Cương. Nội san Nghiên cứu Phật học, số 9, 1993;
7. Triết lý “Vô ngôn” của nhà Phật. Nội san Nghiên cứu Phật học, số 11, 1993;
8. Biện chứng trong tư tưởng Huyền Quang. T/c Nghiên cứu Phật học, số 2, 1996;
9. Nét đặc trưng của Phật giáo Việt Nam. T/c Nghiên cứu tôn giáo, số 4, 2001;
10. Một vài suy nghĩ về Phật giáo Thăng Long thời Lý. T/c Nghiên cứu Tôn giáo, số 76, 10-2009;
11. Minh triết phương Đông và triết học phương Tây – Một vài điểm tham chiếu. T/c Khoa học xã hội Việt Nam, số 4 (77) 2014;
12. Phật giáo với việc bảo vệ môi trường ở Việt Nam hiện nay. Hội thảo KH cấp Học viện ngày 13.05.2015;
13. Tính nhân văn trong tư tưởng Karma – Samsara của Phật giáo. T/c Nghiên cứu Tôn giáo, số 09(147), 2015;
14. Nét đặc sắc trong tư tưởng Trần Nhân Tông (tr.702-710). Trong cuốn Trần Nhân Tông và Phật giáo Trúc Lâm. Đặc sắc tư tưởng, văn hóa. Nxb Đại học quốc gia Hà Nội. 4.2019;
15. Những phát hiện của C.Mác về Ấn Độ và tôn giáo Ấn Độ. T/c Nghiên cứu Tôn giáo, số 4 (196), 2020;…
Chào mừng sự ra mắt của Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội, tôi cùng Ngô Văn Doanh đã dịch và in cuốn Phật giáo, Những vấn đề triết học của O.O.Rozenberg, người đã sống ở Nhật Bản gần 20 năm và chuyên nghiên cứu đạo Phật. Cũng nhân sự kiện này Phân viện còn cho ra mắt cuốn Phật giáo Chính tín, Thiền Uyển Tập Anh.
Phải nói rằng đứng trên quan điểm, phương pháp luận của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng Công Sản Việt Nam nghiên cứu Phật giáo trên góc độ triết học, tôi là người đầu tiên; còn trên góc độ lịch sử, tư tưởng thì Hà Văn Tấn, Nguyễn Tài Thư, Nguyễn Đức Sự là những người tiên phong. Hà Văn Tấn có những công trình khá tiêu biểu như Từ một cột kinh Phật năm 973 vừa phát hiện ở Hoa Lư; Chùa Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 1993. Nguyễn Tài Thư có sách Lịch sử Phật giáo Việt Nam. (Chủ biên và đồng tác giả). H- Khoa học Xã hội, 1988.
Viện nghiên cứu PHVN ra mắt ấn phẩm Kinh Trường Bộ và Kinh Trung Bộ
Bây giờ ta đi sâu vào hướng nghiên cứu triết học Phật giáo Việt Nam. Nghiên cứu Phật giáo ở Việt Nam trong mấy chục năm qua ở miền Bắc, đã thu được những thành tựu đáng kể, gặt hái nhiều thành công trên nhiều lĩnh vực, thể hiện sự phong phú đa dạng trong nghiên cứu Phật giáo trên các góc độ chủ yếu như lịch sử, tín ngưỡng, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật, thơ văn, tư tưởng, triết học,… kể cả theo không gian cũng như theo thời gian. Một số công trình chuyên sâu đi vào các nhà tu hành, các tổ đình, thiền phái, các ngôi chùa, các hệ phái trong Phật giáo. Một số khác lại tập trung nghiên cứu ảnh hưởng của Phật giáo tới các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Điều này nói lên sự quan tâm lớn, thiện cảm, thiện tâm của mọi người, nhất là các nhà khoa học đối với Phật giáo, một tôn giáo đã đồng hành cùng dân tộc trong hầu hết các chặng đường lịch sử; một tôn giáo đã thấm sâu vào máu thịt của đại bộ phận con người Việt Nam, đặc biệt là con người Việt Nam truyền thống. Trong bài tham luận này, tôi chỉ đi vào một khía cạnh, một lĩnh vực trong nghiên cứu Phật giáo ở Việt Nam, đó là lĩnh vực triết học.
Phải nói rằng nghiên cứu triết học Phật giáo trên thế giới, đặc biệt là triết học Phật giáo Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Tạng,… thì đã có nhiều học giả với nhiều công trình nổi tiếng. Triết học Phật giáo còn nằm rải rác trong các công trình triết học chuyên biệt về triết học Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản. Ở Việt Nam cũng có học giả nghiên cứu triết học Phật giáo nói chung. Nhưng nghiên cứu triết học Phật giáo Việt Nam thì tôi là người đầu tiên và đã xuất bản được ba cuốn sách với một số bài báo đăng trên các tạp chí trong và ngoài nước.
Cuốn đầu tiên có tiêu đề Góp phần tìm hiểu tư tưởng triết học Phật giáo Trần Thái Tông, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1996. Thực ra tôi đã ấp ủ nghiên cứu triết học Phật giáo Việt Nam, đặc biệt là Trần Thái Tông từ những năm 1982. Sau 14 năm mới ra được cuốn sách này, trong đó mất không ít thời gian đi khảo cứu văn bản ở các thư viện, đặc biệt là thư viện Khoa học xã hội và thư viện Hán nôm. Từ đó tôi đi phân tích những điều kiện, tiền đề cho sự ra đời triết học Trần Thái Tông và chứng minh sự ra đời của triết học Trần Thái Tông là tất yếu khách quan do lôgíc tất yếu của lịch sử cũng như những điều kiện tiền đề kinh tế, chính trị, xã hội, tư tưởng quy định. Từ đó tôi đi phân tích bản thể luận, nhận thức luận, đạo đức học trong triết học Trần Thái Tông, và đi đến khẳng định rằng ở Việt Nam có triết học. Những ai cho rằng ở Việt Nam không có triết học thì hãy đọc tác phẩn Khóa Hư Lục của Trần Thái Tông sẽ rõ. Nghiên cứu tác phẩm này tôi phát hiện ra học giả Đào Duy Anh mà tôi vô cùng kính mến, đã dịch không đúng chữ “biện tâm” (dịch thành “thành tâm”). Tôi đã nói điều này với nhà Phật học Minh Chi và ông Minh Chi đã viết một số bài nghiên cứu đăng trên các tạp chí Phật học về vấn đề Biện tâm. Và tôi còn chứng minh, tác phẩm Khóa Hư Lục là tập đại thành đầu tiên của Phật giáo Việt Nam nói riêng và triết học Việt Nam nói chung; chỉ ra Trần Thái Tông đã đưa ra con đường đi đến giác ngộ với cách tiếp cận có nét khác với Phật giáo Ấn Trung với một hệ thống luyện tập vô cùng độc đáo (Lục thì sám hối khóa nghi tự). Đặc biệt tôi đã trình bày, phân tích triết học Trần Thái Tông bằng ngôn ngữ toán học, tức toán học hóa triết học Trần Thái Tông theo phương châm của C.Mác, khoa học chỉ đạt được sự hoàn thiện khi sử dụng toán học.
Một năm sau, tôi ra cuốn thứ hai có tiêu đề Lược khảo tư tưởng thiền Trúc Lâm Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1997. Đây là thiền phái mang lại niềm vinh dự, tự hào cho dân tộc Việt Nam, để trao đổi lại luận điểm cho rằng ở Việt Nam không có nhà tư tưởng, không có các trường phái, không có triết học, mà chỉ bắt chước, chỉ “ăn theo, nói leo”. Trong chuyên khảo này tôi đã chứng minh sự ra đời của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là một tất yếu lịch sử để hoàn tất sự nghiệp vang dội ở bến Chương Dương, cửa Hàm Tử, sông Bạch Đằng, và nó do những điều kiện, hoàn cảnh kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, tư tưởng ở Việt Nam lúc bấy giờ quy định. Tôi đã chỉ ra, Trần Thái Tông, người đặt nền móng cho thiền Trúc Lâm Yên Tử; còn Tuệ Trung Thượng sỹ là người thầy tư tưởng vĩ đại của thiền phái này. Từ đó tôi đi phân tích triết học Phật giáo của ba vị tổ của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, đó là Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang. Cuối cuốn sách có phân tích triết học Phật giáo của Ngô Thì Nhậm với Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh. Qua cuốn sách của mình, tôi đã chỉ ra tính độc đáo trong triết học của thiền phái Trúc Lâm Yên tử, chứng minh một cách rõ ràng rằng ở Việt Nam có triết học, vấn đề là triết học nào, chứ không phải hiểu một cách cứng nhắc, máy móc, siêu hình về triết học như một số học giả Việt Nam hiện nay.
Cuốn thứ ba Đại cương triết học Phật giáo Việt Nam Tập I. Từ khởi nguyên đến thế kỷ XIV, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội 2002. Trong cuốn này tôi đã trình bày lược sử Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến thế kỷ XIV và đã chứng minh thời Bắc thuộc, văn hóa chủ đạo của Việt Nam là sự kết hợp giữa văn hóa bản địa với văn hóa Ấn Độ mà đại diện là Phật giáo Ấn Độ; đến thế kỷ thứ IX, ở Việt Nam diễn ra sự tranh giành ảnh hưởng giữa văn hóa Ấn Độ và văn hóa Trung Hoa, và văn hóa Trung Hoa ngày càng chiếm ưu thế, để đến thế kỷ XV-XIX, văn hóa Trung hoa mà đại diện là Nho giáo chiếm thế thượng phong. Sau đó tôi trình bày triết học Phật giáo Việt Nam trên góc độ thế giới quan, nhân sinh quan, và chỉ ra tính độc đáo trong những quan niệm này so với Phật giáo Ấn Trung.
Đó là ba công trình chủ yếu, tiêu biểu của tôi về triết học Phật giáo Việt Nam. Có người hỏi tôi, đã ra tập 1, tại sao không ra những tập tiếp theo? Đây cũng là mảng trống của triết học Phật giáo Việt Nam. Phải nói rằng năm 2000, tôi chuyển sang Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh công tác, phần phải tập trung sức nghiên cứu, giảng dạy chủ nghĩa Mác-Lênin; phần bận vì tham gia lãnh đạo, quản lý; phần bận vì tập trung nghiên cứu triết học Hồ Chí Minh; nên công việc nghiên cứu triết học Phật giáo Việt Nam đành bỏ dở. Đến bây giờ “tâm muốn”, nhưng sức lại “không cho”, đành giành việc này cho thế hệ sau.
Họp báo về chương trình kỷ niệm 30 năm thành lập Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội
Ngoài ba công trình chính tôi còn viết khá nhiều bài về Phật giáo Việt Nam, chẳng hạn như Nét đặc trưng của Phật giáo Việt Nam, Đặc điểm của Phật giáo Việt Nam, Triết lý vô ngôn của nhà Phật, Nét đặc trưng của tư duy Ấn Độ, Đặc điểm của triết học Trung Quốc, Lý hoặc luận – cuộc đụng độ đầu tiên giữa Nho, Phật, Lão ở Giao Châu dưới chính quyền Sỹ Nhiếp, Biện chứng pháp trong kinh Kim Cương, Ảnh hưởng của Phật giáo lên tư duy của người Việt,…
Đó là một số đóng góp nhỏ bé đóng góp vào quá trình nghiên cứu Phật giáo ở Việt Nam, đặc biệt là triết học Phật giáo Việt Nam. Những gì tôi nghiên cứu chưa sâu, hoặc chưa làm được mong được thế hệ sau tiếp tục, tiếp nối.
Định hướng
Đã là Phân viện nghiên cứu thì phải có bộ phận nghiên cứu
Hiện nay, nói thật, Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội chưa có bộ phân nghiên cứu chuyên sâu, ngoài Tạp chí Nghiên cứu Phật học. Tạp chí chỉ là bộ mặt, đăng tải những kết quả nghiên cứu của Phân viện. Chính vì chưa có bộ phận nghiên cứu, nên Tạp chí chưa có những bài viết mang tính nghiên cứu chuyên sâu. Những công trình nghiên cứu được liệt kê ở trên hoàn toàn chưa phải do Phân viện chủ trì, mà ai thích, ai có khuynh hướng gì thì cứ tự làm theo đăng ký chuyên môn của cơ quan nơi mình công tác. Thiết nghĩ đã đến lúc cần phải thành lập các bộ phận nghiên cứu, nhất là những bộ phận phát huy thế mạnh của Phật giáo miền Bắc, Phật giáo Thăng Long.
Đã là Phân viện nghiên cứu thì phải có cơ sở đào tạo
Tôi đơn cử, cùng đào tạo cao học triết học, tiến sĩ triết học, ở Việt Nam có nhiều cơ sở đào tạo, như Viện Triết học, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam; Viện Triết học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; các Khoa Triết học ở một số trường Đại học, như Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (ở cả ba miền), Đại học Sư phạm, …Hiện nay, Viện Trần Nhân Tông mới thành lập cho phép đào tạo Tiến sĩ Phật học và cho đến hiện nay chỉ có cơ sở đào tạo này được phép đào tạo Tiến sĩ Phật học. Trong khi đó ta đã có bề dày 30 năm nhưng không có cơ sở đào tạo, thật là uổng phí. Viện Nghiên cứu Phật học trong Nam, tôi không biết có cơ sở đào tạo hay không; còn trong Giáo hội Phật giáo theo tôi biết thì không có cơ sở nào được đào tạo Cử nhân, Thạc sĩ và Tiến sĩ Phật học. Bởi vậy, sắp tới tôi đề nghị thành lập cơ sở đào tạo, bao gồm đào tạo Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ Phật học. Khi tuyển sinh có thể tuyển sinh cả ở bên ngoài, vấn đề là Phân viện có quyết tâm thực hiện hay không.
Tạp chí Nghiên cứu Phật học được cấp mã số chuẩn quốc tế ISSN
Khi đã có cơ sở đào tạo, bộ phận nghiên cứu
Đề nghị tiếp theo là nâng cấp Phân viện nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội thành Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội, vừa thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, vừa thuộc Nhà nước với biên chế cố định khoảng từ 10 đến 15 người; trong đó bao gồm 1 Viện trưởng, 2 Phó Viện trưởng, ngoại trừ phòng Tạp chí, văn phòng, Viện có 3 phòng nghiên cứu, tên của 3 phòng này sẽ bàn sau, nhưng theo hướng phát huy thế mạnh của Phật giáo miền Bắc nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung.
Muốn hoạt động được phải có kinh phí, vừa từ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, vừa từ Nhà nước
Tất nhiên ta cũng cần có những mạnh thường quân; nhưng cần phải có những nguồn kinh phí cố định để duy trì sự ổn định lâu dài của Viện. Điều này chúng ta nên tham khảo kinh nghiệm của Viện Nghiên cứu Phật học ở phía Nam.
Để tiến hành hợp tác quốc tế có hiệu quả
Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội và Tạp chí Nghiên cứu Phật học cần tập trung nghiên cứu đặc điểm, đặc trưng của Phật giáo Việt Nam.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Chung quanh vấn đề vãng sanh
Nghiên cứu 20:00 21/11/2024Tất cả chúng sanh, nếu không được sanh về cõi Phật, tất nhiên sẽ phải đọa vào ác đạo, không trước thời sau. Nếu muốn sanh về cõi Phật, đương nhiên là phải niệm Phật. Đó là một sự thật tất nhiên không thể phủ nhận.
Luận bàn hai chữ “Cuộc đời” trong bài kệ của Thiền sư Pháp Loa
Nghiên cứu 13:32 21/11/2024“Cuộc đời của mỗi con người chỉ như một giấc chiêm bao – vô thường. Nếu không có hiểu biết, không tìm thấy cái ta chân thật, thì dù làm bao nhiêu việc cũng chỉ là làm mộng, bao nhiêu cái biết, cũng chỉ là cái biết hư vọng”.
Mối quan hệ giữa đời sống và việc tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông
Nghiên cứu 14:05 20/11/2024Phật hoàng Trần Nhân Tông luôn nhấn mạnh quan niệm tiến bộ của Phật giáo Đại Việt rằng “Phật giáo là cuộc sống, không có sự cách li, phân biệt, bởi vì Phật giáo là gì nếu không phải đó là một quá trình đi tìm chân lý.
Tiếc là con người chỉ có hai tay
Nghiên cứu 08:20 19/11/2024Ngày xửa ngày xưa, có một cô gái đến tuổi gả chồng, có hai gia đình Đông gia và Tây gia cùng đến cầu thân.
Xem thêm