Đức Thế Tôn và hạnh vô úy
Cuộc sống vốn có những mối quan hệ chằng chịt, đan chéo lẫn nhau. Sự tương tác ấy đã tác động đến mọi lãnh vực của cuộc sống xã hội, từ lối sống cho đến văn hóa…mà kinh, sách lại là những sản phẩm, gia tài văn hóa của các bậc tiền nhân đã lưu lại.
Đồng thời chúng đã phần nào phản ánh, trình bày những kinh nghiệm sống cho hậu thế. Chính giá trị của chúng như vậy nên người viết muốn mượn câu chuyện đối thoại giữa đức Thế Tôn với Dạ-xoa Àlavaka được ghi lại trong Kinh Tương Ưng Bộ, ở chương X Tương Ưng Dạ-xoa để chia sẻ những kinh nghiệm sống, cách hành xử mà Đức Như Lai đã truyền dạy lại cho những người hữu duyên với Ngài. Nội dung cuộc đối thoại đó được trình bày như sau:
Một thời Thế Tôn trú ở Àlavi, tại trú xứ của Dạ-xoa Àlavaka. Rồi Dạ-xoa Àlavaka nói với Thế Tôn: “Này Sa-môn, hãy đi ra!” Thế Tôn nói: “Lành thay, Hiền giả” và đi ra. Rồi lần thứ 2, lần thứ 3 Dạ-xoa đã yêu cầu đức Thế Tôn như thế và đức Như Lai cũng đã thực hiện việc đi ra, đi vào như vậy một cách hoan hỷ. Nhưng ở lần thứ tư, Dạ-xoa Àlavaka lại nói với Thế Tôn: “Này Sa-môn, hãy đi ra” và Thế Tôn đã đáp lời: “Này Hiền giả, Ta không đi ra. Hãy làm gì ông nghĩ là phải làm”. “Này Sa-môn, ta sẽ hỏi ông một câu hỏi. Nếu ông không trả lời ta được, ta sẽ làm tâm ông điên loạn, hay ta làm ông bể tim, hay nắm lấy chân, ta sẽ quăng ông qua bờ bên kia sông Hằng”. Và Thế Tôn trả lời: “Này Hiền giả, Ta không thấy một ai, ở thế giới chư Thiên, Ma giới hay Phạm thiên giới, với chúng Sa-môn, Bà-la-môn, với chư Thiên và loài Người có thể làm tâm Ta điên loạn, hay làm bể tim ta, hay nắm lấy chân quăng Ta qua bờ bên kia sông Hằng. Tuy vậy, này Hiền giả, hãy hỏi đi như ông muốn”.
Dạ-xoa hỏi: “Cái gì đối với người đời là tài sản tối thượng? Cái gì khéo hành trì đem lại chơn an lạc? Cái gì giữa các vị là vị ngọt tối thượng? Phải sống như thế nào để được gọi là sống tối thượng? ”
Đức Thế Tôn đáp: “Lòng tin đối với người đời là tài sản tối thượng. Chánh pháp khéo hành trì sẽ đem lại chơn an lạc. Chân lý giữa các vị là vị ngọt tối thượng. Phải sống với trí tuệ được gọi là sống tối thượng”.
Qua cuộc đối thoại, đức Thế Tôn đã cho chúng ta thấy cuộc đấu sức mạnh quyền uy lẫn đấu trí của Ngài với Dạ-xoa Àlavaka. Nhưng ở đây người viết không đi sâu vào tư tưởng giáo lý được truyền tải mà chỉ muốn chia sẻ một vài phẩm chất, đức tính về cách hành xử được đức Thế Tôn thể hiện trong khi đối thoại và để thấy được lối sống mà đức Từ Phụ muốn truyền trao cho chúng ta.
Đầu tiên chúng ta có thể thấy được đức tính hòa nhã thanh thoát, tự tại qua ngôn hành của Ngài. Tuy Dạ-xoa Àlavaka nói những lời thô ác, xem thường nhưng Ngài vẫn giữ sự khoan thai, tự tại bằng ngôn hành: "Lành thay hiền giả". Ngài đã hành xử với tâm từ để nhiếp phục và chuyển hóa Dạ-xoa với ngôn hành từ ái, đầy pháp vị của mình.
Đồng thời cách hành xử của Ngài cũng đã dạy cho ta một bài học về phẩm hạnh của vị Sa-môn: tự tại đối với sức mạnh quyền uy lẫn sức mạnh vật chất; nghĩa là vị sa-môn phải tự tại hay đúng hơn là không bị sự chi phối bởi những vấn đề không liên quan đến những phương pháp, con đường dẫn đến hạnh phúc giải thoát tối thượng. Điều này được minh chứng bằng thân hành tự tại, vô úy của đức Phật đối vối sức mạnh quyền uy của Dạ-xoa Àlavaka. Ngài đã từ chối không làm theo lời yêu cầu một cách thái quá của Dạ-xoa ở lần thứ tư.
Đây chính là bài học về thân hành vô úy của đức Thế Tôn. Sau này Tổ Huệ Viễn đã luận giải lại vấn đề vô úy, không luồn cúi trước sức mạnh thế tục bằng tác phẩm Sa Môn Bất Kỉnh Vương Giả Luận[1]. Tác phẩm này ra đời nhân sự kiện Thái úy Hoàn Huyền dựa vào vua mà ban chiếu bắt sa môn phải cúi lạy, khuất phục trước sức mạnh thế tục nhằm nhắc nhở hàng tu sĩ đương thời lẫn hàng hậu học về gia tài pháp bảo cũng như nhằm giúp cho đạo pháp sẽ không bị mai một về sau. Và hơn thế nữa, Huệ Viễn đại sư đã nhấn mạnh rằng:
“Sa môn là thượng sĩ xuất trần đâu thể uốn gối quỳ lạy quân vương! Bởi hàng sa môn đã đem những điều cao đẹp mà thiên hạ lãng quên hòa vào dòng đời thế tục, khiến cho những kẻ có tham vọng cao phải uốn mình theo lề lối, làm cho kẻ yếu hèn cũng nhận được lợi lạc”[2].
Và Ngài còn giải thích thêm về lý do vì sao hàng sa-môn không nên luồn cúi trước sự giàu sang, uy quyền, sức mạnh từ bên ngoài:
“Sa môn là người thấu triệt mọi âu lo trói buộc nơi thân, đoạn dứt thói thường của thân tâm nhằm nhổ tận gốc rễ âu lo. Biết thân trong nhiều đời do bẩm thọ mà có, nên họ chẳng thuận theo thói đời để cầu chỗ thú hướng, cầu nơi thú hướng chẳng thuận theo dòng chuyển lưu. Nay Sa-môn sở dĩ không quỳ lạy quân vương[3] là nhằm nêu cao diệu đạo”[4].
Đồng thời qua cách hành xử đó, chúng ta còn thấy được sự kiên nhẫn của Ngài đối với mọi hoàn cảnh bên ngoài mà ở đây chính là lòng nhẫn nại bằng tâm từ đối với Dạ-xoa. Sự kiên nhẫn ấy được thể hiện bằng hành xử với 3 lần đi ra, đi vào nhưng trong tâm của Ngài không hề có một chút tâm niệm thù hằn, oán trách Dạ-xoa Àlavaka và làm cho tham vọng, sức mạnh uy quyền của Dạ-xoa phải rúng động, lay chuyển. Cho nên Dạ-xoa đã không thể tiếp tục dùng sức mạnh quyền uy để uy hiếp và làm cho Thế Tôn khiếp sợ mà đã chuyển hướng sang đấu trí với đức Như Lai.
Chính sự đấu trí ấy đã tạo điều kiện, nhân duyên thuận lợi giúp cho đấng Toàn Giác có cơ hội giáo hóa, mang ánh sáng chân lý đến để chuyển hóa sự tăm tối của Dạ-xoa Àlavaka. Ngài đã thể hiện một tinh thần phụng sự, hoằng truyền chánh pháp, mang lại lợi ích cho tất cả chúng sanh, không phân biệt giai cấp, bạn hay thù. Điều này được Thế Tôn minh chứng bằng lối đối đáp, dạy lại con đường trí tuệ, lối sống minh triết cho Dạ-xoa một cách hiền hòa từ ái “Này Hiền giả ….” cho dù Dạ-xoa có dùng sức mạnh thiên thần để hại Người. Và Ngài cũng tái khẳng định rằng: sức mạnh tinh thần nội tâm sẽ không bị khiếp sợ bất cứ sức mạnh nào từ bên ngoài; đồng thời chúng có đủ sức mạnh để nhiếp phục và giáo hóa ác ma. Cho nên, chính thân hành của Ngài đã nhiếp phục được tham vọng, sự kiêu căng ngạo mạn của Dạ-xoa.
Đây chính là bài học vô giá về thân giáo mà đức Thế Tôn đã sử dụng để truyền trao cho hàng sa-môn đệ tử của ngài; nhằm giúp cho chúng ta thấy được con đường hạnh phúc tối thượng là phải phá tan tà kiến, đoạn tận mọi kiết sử để thân chứng đời sống tự tại giải thoát. Chỉ có thân chứng bằng con đường trí tuệ mới có đủ khả năng loại bỏ, nhiếp phục những ác ma từ bên ngoài như tiền tài danh vọng… lẫn ác ma bên trong với sự chỉ huy của tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến… để làm chủ đời sống của mình như đức Thế Tôn đã hành xử với Dạ-xoa Àlavaka.
Chú thích:
[1] Tác phẩm này được ghi lại trong Hoằng Minh Tập và được lưu trong Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh.
[2] Thích Đồng Ngộ (dịch), Luận về việc Sa-môn không quỳ lạy quân vương, Huệ Viễn Đại sư, trang web www. quangduc.com.
[3] Quân vương ở đây chính là sức mạnh từ bên ngoài như quyền uy… và cũng muốn ám chỉ đến tiền tài, danh vọng…những thứ làm điên đảo những người đầy tham vọng và thiếu trí tuệ.
[4] Thích Đồng Ngộ (dịch), Luận về việc Sa-môn không quỳ lạy quân vương, Huệ Viễn Đại sư, trang web: www. quangduc.com.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Tam học giới định tuệ là cốt lõi của Phật giáo
Kiến thức 19:00 23/11/2024Tam học, còn được gọi là Tam vô lậu học ý muốn nói ba môn học này rất cao thượng hoàn mỹ, trọn vẹn, không có khiếm khuyết, không có sơ hở giúp hành giả thành tựu các thánh quả giác ngộ không còn rơi rớt trong ba đường ác, trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi chịu khổ vô cùng.
Kinh Phật nói ân nặng cha mẹ khó báo đáp
Kiến thức 09:36 23/11/2024Hiếu thuận không chỉ có một đời, duy chỉ có siêng năng thực hành bố thí giúp người, tu tạo nhiều công đức hồi hướng cho song thân, như thế cha mẹ mới hưởng được tư lương phước tuệ vĩnh hằng, như thế mới được xưng là đại hiếu của con cái!
Thân và tâm chính là cánh cửa để người học Phật bước vào chân lý
Kiến thức 17:05 22/11/2024Người học Phật phải lấy thân này làm nơi để thực hành giới, lấy tâm này làm nơi để thực tập định và tuệ. Khi thân và tâm được thanh lọc qua quá trình thực hành, thì người học Phật cũng từng bước đi đến sự giác ngộ và giải thoát.
Tu hành là gì? Như thế nào gọi là tu hành?
Kiến thức 10:00 22/11/2024Mọi người nhất định không nên hiểu lầm, hiểu sai đi ý nghĩa của hai chữ tu hành này. Như thế nào gọi là tu hành?
Xem thêm