Đường về Câu Thi Na hôm nay
Từng là một vương thành trù phú, thịnh vượng, nhưng đến khi tôi có cơ hội đến được Câu Thi Na miền Tây Trúc, chốn ấy chỉ còn là phế tích đổ nát, nhà cửa tiêu điều, nghèo xơ xác và mù mịt bụi đất trong cái nắng đổ lửa tháng 5.
Tôi được nghe về Câu Thi Na - Kushinagar, nay là miền quê hẻo lánh thuộc bang Uttar Pradesh xứ Ấn, qua những trích đoạn trong lời Phật thoại cùng tôn giả A Nan trước khi ngài nhập diệt. Khi biết Phật Thích Ca sẽ nhập niết bàn tại thành Câu Thi Na, tôn giả A Nan đã ngấn lệ thưa: “Sao Thế tôn lại quyết định nhập niết bàn ở Câu Thi Na, một thành nhỏ nhất trong các thành?”. Đức Phật trả lời: “Người chớ nói rằng đây là thành đất nhỏ hẹp, vì thuở quá khứ, Câu Thi Na tên gọi là Câu Thi Vương thành, giàu có tột cùng, dân cư đông đúc”.
Đức Phật cũng đề cập đến cuộc sống thường nhật của Câu Thi Na qua âm thanh: “Này A Nan, tại kinh đô này ngày đêm vang dậy chín loại tiếng, là tiếng voi, tiếng ngựa, tiếng xe, tiếng trống lớn, tiếng trống nhỏ, tiếng tỳ bà, tiếng hát, tiếng xập xõa, tiếng chuông”. Ấy là thời điểm Câu Thi Na thuộc kinh đô nước Kusavati, dưới triều vua Mahasudassana (Đại Thiện Kiến), cả vương thành giàu có, cư dân đông đúc, thực phẩm dư thừa. Và những ngày tháng 5, khi cái nóng xứ Ấn đang vào mùa đỉnh điểm, nhờ chút cơ duyên, tôi có dịp tìm đến Câu Thi Na theo một hành trình gian khổ và bụi bặm đúng nghĩa đen của nó.
Mất một đêm lắc lư con tàu đi, cùng thưởng thức màn trễ chuyến và chen chúc - nhồi nhét kinh điển kiểu Ấn từ thủ đô New Delhi, tôi đặt chân xuống ga Gorakhpur trong niềm hân hoan tột độ khi thoát khỏi toa tàu ngột ngạt, đậm mùi ngoài sức tưởng tượng. Từ miền đô thành Gorakhpur, để đến được Kushinagar chỉ còn hơn 50 cây số, một cung đường quá xá ngắn cho chuyện phải lo toan, suy nghĩ. Thế nhưng tôi đã lầm, và từ cái lầm tai hại ấy, tôi chợt ngộ ra khi chu du miền Tây Trúc, những bất trắc của hành trình bao giờ cũng đem lại nhiều bất ngờ đến khó tin, nhưng thật lạ là không hề mang lại cảm giác bực dọc, khó chịu.
Điều bất ngờ đầu tiên chính từ khi ngồi vào chuyến xe khách miền quê, cà xịch cà tàng rời bến, nhưng rồi lại lòng vòng tới lui trong Gorakhpur mãi để tiếp tục vớt khách. Nhớ lại những chuyến xe khách thời xưa đi học, những chuyến xe quê nhà mỗi lần đón khách bến cũng lòng vòng mãi mới chịu khởi hành, tôi ngồi bó gối mỉm cười.
Mất hơn tiếng đồng hồ, chiếc xe khách mới thực sự nhắm hướng Câu Thi Na thẳng tiến. Đang bon bon, xe chậm lại rồi dừng hẳn, tắt máy, nhìn ra phía trước là cả một đoàn xe rồng rắn dài hàng cây số. Hành khách trong xe nhốn nháo, tôi nhủ thầm theo chiều hướng xấu như ở xứ mình: chắc phải có tai nạn nghiêm trọng!
Đợi hơn nửa tiếng, xe không nhúc nhích, khách lục tục xuống xe đi vào hai cánh ruộng bên đường giải quyết nỗi buồn, phì phèo thuốc lá, khi ấy mới biết nguyên do gây thảm họa kẹt xe là một đoàn tàu đi ngang bỗng dưng chết máy, chắn luôn ở đó. Mất thêm gần hai tiếng nữa đường mới thông, tôi lại ung dung thẳng tiến Câu Thi Na.
Thêm khoảng một tiếng rưỡi lắc lư, chiếc cổng với mái xếp cong ba tầng trên đó có ghi chữ “Kushinagar” lộ diện ngay trước mặt, khá giống với cổng làng miền quê nước Việt. Tôi vào làng, đang mùa nóng khủng khiếp với hơn 40 độ, đường vắng tanh vắng ngắt, thi thoảng gặp vài chiếc xe ba bánh, xe đạp thồ của nông phu trú nắng bên đường. Chợt nhớ chuyện xưa kia người làng Kushinagar bỏ đi hết, bởi lời nguyền ai sinh ra và lớn lên nơi mảnh đất này, kiếp sau sẽ biến thành con lừa cái. Kushinagar gần như bị bỏ quên đến hoang tàn dù đây chính là nơi đức Phật nhập diệt - một trong bốn thánh tích quan trọng của Phật giáo. Dân số Kushinagar hiện khoảng 25.000 người, và hơn hai thập niên trở lại đây, nhờ có nhiều tăng ni Phật tử từ khắp thế giới đến dựng chùa, xây tu viện đã khiến Kushinagar dần hồi sinh.
Rủng rỉnh quỹ thời gian, tôi thong dong tìm đến các di chỉ trọng yếu, đã được phục chế và tôn tạo để phục vụ du lịch và lữ khách hành hương, đấy là bảo tháp Niết Bàn nơi đánh dấu Đức Phật nhập diệt, đấy là Tháp trà tỳ - nơi hỏa táng kim thân đức Phật cùng 8 tháp gạch nhỏ kế cận, ghi dấu 8 quốc gia đã được nhận xá lợi Đức Phật ngay sau khi hỏa táng Ngài... Bên cạnh các thánh tích liên quan đến cuộc đời đức Phật, Câu Thi Na có thêm những ngôi chùa mới được xây dựng của tăng đoàn từ Campuchia, Nhật Bản, Sri Lanka, Thái Lan, Việt Nam, Miến Điện, Tây Tạng... Mỗi ngôi chùa mang một câu chuyện, một nét đặc trưng của kiến trúc bản địa cùng phương thức tu tập gắn liền với các quốc gia xây dựng chùa.
Những ngày lang thang ở Kushinagar, bao ham hố xa hoa chốn hồng trần nhường chỗ cho nắng gió bụi đường, cho những bữa cơm chay nơi linh tự, cho những tối ngả lưng nơi khách xá, cho tô mì gói đầy hạnh phúc nhờ thêm vài lá rau húng do ni sư Trí Thuần tự trồng và thiết đãi ở ngôi chùa Việt Linh Sơn Tự...
Lữ khách chợt nghiệm ra rằng trong nỗi vất vả nhọc nhằn trần thế, trong dấu ấn tàn phá bởi thời gian, bởi vô thường hủy diệt, Câu Thi Na bao giờ cũng ẩn chứa trong đó những niềm vui nho nhỏ, niềm hạnh phúc giản đơn mà chỉ khi đến miền vương thành xa xôi ấy, mới có cơ hội khám phá, chiêm nghiệm và tận hưởng.
(Theo Người Đô thị)
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Sự tiến hóa nào cũng cần đánh đổi
Góc nhìn Phật tử 09:50 02/11/2024Nhân duyên quả là một tiến trình mà không phải mắt thường có thể nhìn thấy, nếu không nội quán huân tu, khai mở tâm trí để thấy rõ cội nguồn tử sinh mà thôi tạo tác, thì mỗi chúng sanh phải chịu từng khổ vui của sự sống chết để học hết bài học của nhân quả, ái luyến, chấp thủ, luân hồi...
Hạnh phúc khi biết an trú tâm trong hiện tại, bây giờ và ở đây
Góc nhìn Phật tử 08:30 02/11/2024Có một người khi sanh tiền rất hiền lương, hay giúp đỡ người khác nên sau khi chết sanh lên thiên giới và được phong làm thiên sứ. Thiên sứ thường xuống trần gian làm việc thiện, giúp đỡ người khác để cảm nhận hương vị của hạnh phúc.
Thấy rõ nhân - duyên - quả để an nhiên
Góc nhìn Phật tử 13:04 01/11/2024Lập gia đình, xây dựng cuộc sống ấm no, có con cái sum vầy và nuôi dạy chúng nên người là niềm vui, hạnh phúc đồng thời cũng là mong muốn chính đáng của mọi người. Tuy nhiên, không phải ai mong muốn gì cũng đều được như nguyện.
Trăm năm thoáng chốc mộng nhân sinh
Góc nhìn Phật tử 19:00 31/10/2024Gom lấy trăm năm đổi tình, tiền/ Lòng trần được mấy phút an yên? / Lợi danh rồi cũng vô thường mất/ Để cả hư tâm gánh muộn phiền...
Xem thêm