Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Chủ nhật, 14/02/2021, 09:00 AM

Giá trị của Thiền (II)

Thiền giúp Phật giáo hội nhập với văn hóa phương Tây và lan tỏa rộng rãi trên thế giới. Thiền Phật giáo có hai giai đoạn chính: Thiền thể nhập và Thiền giác ngộ.

Giá trị thứ nhất, tiếp cận Thiền từ góc nhìn triết học

Giá trị đích thực của Thiền là hướng nội, điều chỉnh dòng ý thức và tập trung tư tưởng, phát triển tư duy trừu tượng. Mục đích của Thiền Phật giáo là nhận ra bản thể, chân tâm của chính mình tức giác ngộ giải thoát. Để đạt được mục đích ấy, người học đạo phải tự mình chứng ngộ chân lý thông qua con đường trực giác. Song chứng ngộ như thế nào? Đây là vấn đề rất khó vì không phải ai cũng có năng lực để tự mình chứng ngộ. Để đạt được mục đích giác ngộ giải thoát những đau khổ tinh thần nơi trần thế cho con người, Phật giáo còn đưa ra con đường Tam học. Kết quả của thực hành Tam học, người học đạo sẽ có trí tuệ sáng suốt. Tuy nhiên, trí tuệ này không phải là những tri thức khoa học con người đạt được thông qua con đường biện chứng của quá trình nhận thức, mà là trí tuệ vô sư. Trí này tiềm ẩn trong mọi người, khi mây mù phiền não tan đi thì nó hiện ra. Nói theo ngôn ngữ nhà Phật, người tu hành phải lấy Thiền định để nhiếp trì (nhiếp tâm, trì giới) mọi căn, tập trung tư duy, bỏ hết tạp niệm, lập tức trí tuệ Bát Nhã xuất hiện. Do đó, giới, định, tuệ có quan hệ mật thiết với nhau. Ngoài ra, đạo Phật cho rằng, quá trình giác ngộ (nhận thức được chân lý của đạo) cần phải dựa vào căn cơ, trình độ của mỗi người. Bởi vậy, việc chứng ngộ chân lý đạo phải chia ra làm nhiều giai đoạn khác nhau. Người lợi căn thì dùng phép đốn ngộ, hiện thân chứng được quả hữu dư Niết bàn, người độn căn thì phải dùng phép tiệm giáo, phải tu nhiều kiếp mới chứng ngộ được.

Để nhận thức được chân lý của đạo, chúng ta phải phân tích từ góc độ triết học. Triết học Phật giáo không triển khai vấn đề bản thể luận, nhận thức luận như triết học phương Tây cũng như các hệ thống triết học phương Đông khác. Triết học Phật giáo cho rằng, thế giới các sự vật, hiện tượng chỉ là ảo ảnh của bản thể, được gọi bằng các thuật ngữ “vô thường”, “vô ngã”. Bản thể trong triết học Phật giáo là một cái gì đó không có tính quy định cụ thể, không có hình danh sắc tướng, con người không thể nhìn thấy. Bản thể là Không, bản thể (Không) thì không thể dùng ngôn ngữ, văn tự diễn đạt được. Không để chỉ một cái chẳng phải là chính nó, chẳng phải là cái khác, mà cũng chẳng phải là hai. Không là bản thể của vạn vật, là nguồn gốc của thế giới hiện tượng. Không còn để chỉ mọi sự vật trong vũ trụ đều do nhân duyên tạo thành, không có nhân duyên thì sự vật tan rã. Không để chỉ mọi vật trong Tam giới đều không có tự tính, mà đã không có tự tính tất phải là Không. Song đằng sau thế giới các sự vật, hiện tượng có một thực tại tối hậu, thường còn, bất biến, gọi là Không, Chân như – bản thể của vũ trụ, nơi sinh ra và trở về của mọi hiện tượng.

Thiền giúp Phật giáo hội nhập với văn hóa phương Tây và lan tỏa rộng rãi trên thế giới. Thiền Phật giáo có hai giai đoạn chính: Thiền thể nhập và Thiền giác ngộ.

Thiền giúp Phật giáo hội nhập với văn hóa phương Tây và lan tỏa rộng rãi trên thế giới. Thiền Phật giáo có hai giai đoạn chính: Thiền thể nhập và Thiền giác ngộ.

Trên cơ sở bản thể luận tính Không, Thiền Phật giáo giải quyết mặt thứ hai của triết học – nhận thức luận trên lập trường hư vô chủ nghĩa. Thiền tập trung vào một vấn đề nan giải của triết học, đó là làm thế nào để nắm bắt thực tại không chia chẻ thành chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức. Nếu chia chẻ thực tại là làm cho thực tại trở nên nghèo nàn, khô khan, chết cứng trong những suy luận phức tạp. Thiền thừa nhận có hai con đường nhận thức: Con đường hướng ngoại, nhận thức thông thường bằng tư duy khái niệm và kinh nghiệm; con đường hướng nội để đạt tới trạng thái thống nhất tuyệt đối không – thời gian, chủ thể – khách thể không phân biệt. Thiền hướng tới con đường thứ hai. Nếu lý luận nhận thức mácxit phân tích con đường nhận thức đi từ trực quan sinh động tới tư duy trừu tượng, từ hiện tượng đến bản chất, từ nông đến sâu, từ đơn giản đến phức tạp… thì trái lại, Thiền Phật giáo tìm con đường khác cho chu trình nhận thức bản thể tuyệt đối. Thiền không phủ nhận khả năng nhận biết bản thể tuyệt đối, tối hậu, trái lại còn đặt ra mục đích của nhận thức là phải nắm bắt được bản chất đích thực của thực tại tuyệt đối nhưng không phải bằng con đường nhận thức thông thường. Thiền chia chân lý thành hai cấp bậc: chân lý tuyệt đối (chân đế, paramarthasatya) và chân lý tương đối (tục đế, samvritisatya). Thông thường, nhận thức cũng bị phân đôi thành chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức. Chủ thể càng nỗ lực phân tích đối tượng thì càng giết chết đối tượng vì phân tích, suy luận là con đường vô tận, chỉ giúp con người tiệm cận tới chân lý tuyệt đối. Nghĩa là, phân tích, suy luận phải dùng tới ngôn ngữ, mà ngôn ngữ là cái bẫy do nhận thức tạo ra và bị mắc vào. Mặt khác, nhận thức thông thường chỉ nắm bắt được thế giới hiện tượng hữu hình, luôn vận động, biến đổi, không thể là hình ảnh chân thực của bản thể tuyệt đối. Về bản chất, nhận thức thông thường đạt được bằng cách tích lũy kinh nghiệm, bằng học tập… song chỉ dừng ở khả năng nắm bắt, phản ánh các lớp hiện tượng chứ không thể đột phá vào thực tại tuyệt đối. Đó là con đường vô tận, đi từ biết ít đến biết nhiều, từ nông đến sâu, song luôn bị mắc kẹt trong hệ khái niệm do nó thiết kế và sử dụng. Thiền đã đề cập tới tính tương đối của nhận thức trong quan hệ với đối tượng nhận thức. Tuy nhiên, khác với lý thuyết “Vật tự nó” của I.Cantơ (1724-1804), lý thuyết về tính tương đối của chân lý trong triết C.Mác, Thiền Phật giáo khẳng định khả năng con người đạt tới bản thể tuyệt đối tính Không bằng con đường giác ngộ trực tiếp thông qua trực giác (trí Bát Nhã, Prajna Paramita). Trí Bát Nhã không phải là tri thức có được nhờ sự phản ánh thực tại cuộc sống mà là cái có sẵn, “ngủ ngầm” trong tiềm thức của con người như mạch ngầm vô tận của đời sống. Đó là sự hướng nội, tự chứng ngộ của mỗi người, là sự quét sạch ý thức, nắm bắt thực tại trong chỉnh thể như một thực thể bất phân, không chia chẻ. Để đạt tới điều này, phải hướng nội, tu tập thiền định, đảo ngược dòng nhận thức thông thường, từ bỏ hiện tượng, thoát khỏi khái niệm. Thao tác ngược dòng nhận thức để trực giác được bản thể tuyệt đối là chu trình thiền định. Trong chu trình đó, chủ thể nhận thức phải làm chủ toàn bộ quá trình nhận thức. Bát Chính đạo hướng dẫn toàn bộ quá trình nhận thức, đó là sự kết hợp tâm – sinh lý với đạo đức và niềm tin, từ ý thức chính kiến đến chính tư duy, từ đó làm chủ các hoạt động cảm giác, sinh lý và tâm lý (chính nghiệp, chính ngữ, chính mệnh), một cách liên tục (chính tinh tiến) để trở lại với tâm thức siêu khái niệm (chính niệm) và duy trì sự tập trung cao độ của tâm thức (chính định). Thiền không phủ nhận giá trị nhận thức và quá trình nhận thức thông thường mà nhấn mạnh vào sự khác biệt giữa nhận thức thông thường và trực giác để khẳng định khả năng nắm bắt thực tại tuyệt đối của trực giác.

Từ nhận thức luận, Thiền Phật giáo phát triển tới đích giải thoát luận. Tinh thần cốt lõi của Phật giáo là giải thoát con người khỏi nỗi đau khổ của cuộc đời. Theo Phật giáo, đời là bể khổ mà nguyên nhân chính của khổ là do vô minh (mờ tối). Màn sương vô minh đã che mờ tâm thức, khiến con người tưởng lầm thế giới ảo ảnh là có thực để đuổi theo đuổi cái ảo ảnh đó, chiều theo dục vọng của thân xác, từ đó tạo nghiệp xấu. Phật giáo cho rằng, đời người là bể khổ, nỗi khổ ở mỗi người là đầy nước mắt, nỗi khổ ở nhân loại là biển nước mắt, “nước mắt chúng sinh còn nhiều hơn nước mắt các đại dương cộng lại”. Nguyên nhân khổ bắt nguồn từ ái dục (1) dẫn đến vô minh (2)-> tham, sân, si (3) thúc đẩy-> vọng (4), vọng (dục vọng biểu hiện thành hành động gọi là nghiệp) -> nghiệp (5) nghiệp xấu buộc con người nhận lấy quả khổ (6). Theo luật nhân quả, nghiệp báo cứ như vòng luân hồi không thoát ra được. Để diệt khổ (thoát khổ) con người phải tu luyện, nghĩa là phải trừ bỏ dục vọng (diệt đế), phải từ bi, nhẫn nhục, hỷ xả (vui vẻ hy sinh thân mình), phải nhận thức được tâm, Phật, phải theo tám con đường,… ngọn đèn của trí Bát Nhã xuất hiện. Quá trình này con người phải huy động mọi khả năng vốn có tiềm ẩn thì mới đạt được. Chính quá trình này giúp con người phát triển tư duy trừu tượng và lôgic. Thiền Phật giáo giúp con người đánh thức Phật tính trong tâm mình, thoát khỏi khổ đau do vô minh và ái dục.

Trên cơ sở bản thể luận tính Không, Thiền Phật giáo giải quyết mặt thứ hai của triết học – nhận thức luận trên lập trường hư vô chủ nghĩa.

Trên cơ sở bản thể luận tính Không, Thiền Phật giáo giải quyết mặt thứ hai của triết học – nhận thức luận trên lập trường hư vô chủ nghĩa.

Tiếp thu kỹ thuật tu luyện từ thời Veda của Ấn Độ và Trung Quốc cổ về cách đạt được tâm tĩnh lặng, Thiền Phật giáo khẳng định công dụng của Thiền là nhờ sự tĩnh lặng của tâm mà thấu tỏ thực tướng sự vật như nó đang tồn tại. Nếu nguyên nhân khiến tâm không bình lặng là vì ngoại trần và dục vọng, thì con đường độc nhất đưa đến sự thanh tịnh, vượt sầu não, diệt khổ đau, chứng ngộ Niết bàn là bằng Thiền định, hướng nội để đạt tới cảnh giới tam muội – nội tâm hoàn toàn tĩnh lặng, không còn cảm giác về thân, không còn cảm thọ, vọng tưởng nữa.

Niềm tin giác ngộ bằng trực giác được Phật giáo cụ thể hóa thành con đường tu dưỡng cá nhân. Đó là sự kết hợp tu luyện tâm thức với đạo đức trong Bát Chính đạo. Đến đây, vấn đề giải thoát bị đẩy ra khỏi phạm vi tôn giáo, vì quá trình tu luyện và sự am hiểu giáo lý mất dần ý nghĩa tôn giáo ban đầu. Khuynh hướng này dễ dàng được giới trí thức chấp nhận và ứng dụng như một mô hình tu luyện nội tâm, tâm thức ngoài tôn giáo. Tinh thần Thiền đã đi vào đời sống, vào nhiều môn nghệ thuật phương Đông, thành hoa đạo, trà đạo, võ đạo, thư pháp… Thiền cũng tác động đến bản chất sâu thẳm bên trong mỗi con người, giúp ta hiểu rõ hơn về chính mình, nên Thiền định có khả năng phục hồi năng lượng. Trong cuộc sống, do vô minh nên con người không hiểu được bản thân mình, cố tranh giành, làm mất đi sinh mệnh thuần khiết ban sơ của mình. Thiền định giúp con người vứt bỏ những gì liên quan đến thế giới bên ngoài, tập trung vào cảm nhận bên trong của sinh mệnh. Con người không còn bị lệ thuộc vào những được mất bên ngoài, xác định được ý nghĩa tự thân, giữ gìn sự thanh khiết, yên tĩnh, trong sự thể nghiệm bình thản của sinh mệnh. Qua Thiền định, sức mạnh của tâm hồn được bồi dưỡng, con người giữ được sự an lạc trong tâm. Thiền còn giúp con người biết cách khai phá, phát huy nguồn năng lượng có sẵn bên trong và phát triển chúng theo hướng tích cực. Khi thực sự hiểu rõ về năng lượng và bản ngã, con người sẽ sáng suốt hơn, biết cách điều khiển về nhận thức, trí tuệ và cảm hứng qua các cấp độ khác nhau để đạt được hiệu quả mong muốn. Thiền giúp thúc đẩy sản xuất serotonin trong cơ thể, khiến tâm trạng vui vẻ, tràn đầy năng lượng, đặc biệt vào buổi sáng. Các kết quả nghiên cứu gần đây còn cho thấy, quá trình tập luyện kỹ thuật Thiền sẽ phát triển tính độc lập của tư duy. Tính độc lập này tương quan với khả năng tiếp thu tri thức, giúp trí nhớ được cải thiện, tăng khả năng sáng tạo của tư duy.

Thiền cũng làm gia tăng sử dụng các chất dự trữ não, tăng khả năng tập trung chú ý của con người. Trong suốt quá trình thiền định, các tế bào cảm giác trên võ não – tác nhân kích thích cảm giác cơ thể sẽ được phân bố rộng khắp vỏ não, nhờ vậy, cả bộ não sẽ tham gia tạo ra các hoạt động phản ứng trước một tác nhân kích thích. Khi tâm trí hướng vào bên trong, con người sẽ không còn bị chi phối bởi hoàn cảnh. Khả năng nhận thức thấu đáo, khả năng tập trung chỉ đến từ trạng thái tĩnh lặng. Kỹ thuật Thiền làm gia tăng sự tĩnh lặng. “Giữ tâm vắng lặng là chìa khóa của mọi thành công” (Steven Job). Toàn bộ năng lực chú ý tập trung cao nhất sẽ làm tăng hiệu quả của học tập, công việc(10).

Ngày nay, giá trị của Thiền đã được các nhà khoa học thừa nhận như: “Thiền là một sự tỉnh thức của con người trước những ảo mộng của trần gian”, “Thiền là phát minh, là sáng tạo,…. Và sự ra đời định luật Vạn vật hấp dẫn của Niu Tơn (1642-1727) là kết quả của sự dồn hết tâm lực vào một vấn đề, đến khi chín muồi bỗng dưng phát sáng”, “Thiền cốt yếu nhất là nghệ thuật kiến chiếu vào thể tính con người, nó chỉ cho ta con đường đi đến giải thoát. Thiền cũng là phương pháp khai thác, giải phóng một khả năng tiềm ẩn trong tâm thức của con người. Thiền là triết lý hay đạo đưa con người đến chỗ triệt ngộ và in sâu vào trong tâm thức”,… Bởi vậy, Thiền đã trở thành nét văn hóa độc đáo, đặc sắc của phương Đông.

Giá trị thứ hai, tiếp cận Thiền từ góc nhìn sức khỏe

Nếu đặt mục đích Thiền để rèn luyện nội tâm, làm chủ các cảm xúc, thư giãn tuyệt đối, điều chỉnh dòng ý thức và tập trung tư tưởng… thì kỹ thuật Thiền định là một hướng khả thi đã được tâm sinh lý học hiện đại kiểm chứng. Khi làm chủ được nội tâm và tập trung cao độ dòng suy nghĩ vào một việc thì con người sẽ không bị tổn phí năng lượng vào những việc tản mát mà vẫn đạt được những kết quả kỳ diệu, đặc biệt trong những lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật.

Sức khỏe con người gồm hai phần: sức khỏe thể xác và sức khỏe tinh thần. Theo cách nhìn của Phật giáo, sức khỏe thể xác là khi những bộ phận của thân thể hoạt động bình thường và giữ đúng chức năng của chúng. Khi một trong những bộ phận của thân thể không hoạt động đúng chức năng hay bị khiếm khuyết, thì sự suy nhược hay bệnh tật xảy ra. Chỉ khi bốn yếu tố chính (tứ đại/ dhatu) ở trong cơ thể giữ được sự hòa hợp và thăng bằng thì thân thể mới hoạt động bình thường. Trong một số bài kinh, tâm (ý) được xem là nguồn tạo tác nên đời sống của con người, và khổ đau hay an lạc cũng từ tâm mà xuất khởi. Cho nên, dù có được một thân thể khỏe mạnh, nhưng tâm vẫn có thể không khỏe mạnh vì chất chứa đầy nhiễm ô, phiền não, tham lam, sân hận, si mê, cao ngạo, nghi ngờ… Theo cách nhìn của Phật giáo, khi một người chất chứa trong tâm những thứ phiền não, tham lam, sân hận, si mê thì người đó được xem là không có một tâm thần mạnh khỏe, hay nói cách khác là người đó đang bị tâm bệnh. Và ngược lại, khi một người không có những phiền não trong tâm, không bị những khổ đau dày xé trong lòng thì người này được coi là có sức khỏe tâm thần. Rõ ràng, trạng thái tâm bệnh có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, và rộng hơn còn ảnh hưởng đến đời sống của người khác và xã hội mỗi khi nó được thể hiện qua hành động.

Thiền cũng làm gia tăng sử dụng các chất dự trữ não, tăng khả năng tập trung chú ý của con người.

Thiền cũng làm gia tăng sử dụng các chất dự trữ não, tăng khả năng tập trung chú ý của con người.

Thiền định giúp nhà sư Phật giáo thoát cảnh hoại tử chân phải

Nghiên cứu của GS Herbert Benson, Trường Đại học Harvard, người sáng lập Viện Y học Tâm thể ở Boston cho biết, Thiền giúp điều trị các bệnh tâm lý rất tốt. Nhiều bệnh nhân đáp ứng rất kém với thuốc và phẫu thuật đã có kết quả tốt khi điều trị bằng liệu pháp tâm thể, trong đó có Thiền. Ngồi thiền có tác dụng giảm bớt áp lực tâm lý, giải tỏa lo âu, căng thẳng, tâm tính bất an, khiến cho sinh mệnh cảm thụ hết sự bình an, vui sướng, an nhiên, tự tại. Khí chất này là sản phẩm của sự cân bằng giữa thân và tâm. Tâm tính càng nhu hòa, thân thể càng được thanh lọc tốt hơn. Niềm vui trong công việc, tính sáng tạo, khả năng trực giác tăng lên, niềm lạc quan về cuộc sống cũng gia tăng và cảm xúc tiêu cực giảm xuống (11).

Thiền định khôi phục sức khỏe của thân thể. Khi Thiền định, tập trung cao độ, hô hấp êm dịu, đều đặn, sự tiêu hao năng lượng giảm xuống, tiêu hao dưỡng khí cũng giảm đi so với bình thường. Thiền giúp tuần hoàn tự nhiên của máu được tăng cường, giúp thanh lọc những gì gây tắc nghẽn mạch máu, thanh lọc cặn bã tồn trữ, tăng khả năng phục hồi của nội tạng… Hệ thống tuần hoàn đi qua da, có thể giúp da thanh lọc chất dư thừa, cải thiện khí sắc. Thiền định giúp con người có cảm giác nhẹ nhàng dâng lên từ cơ thể, năng lượng thư thái giống như bên trong thân thể cũng đang được xoa bóp. Thiền định có tác dụng rất tốt đối với các căn bệnh mãn tính như cao huyết áp, bệnh thận, bệnh phổi, tắc nghẽn mạch máu não, đau nửa đầu, béo phì, phong tê thấp, mất ngủ, mồ hôi trộm… Tư thế ngồi song bàn (kiết già, kim cương tọa, cát tường tọa…) là tư thế ngồi thiền vững chắc nhất, giúp nhanh chóng nhập định, khai thông kinh mạch bị tắc nghẽn, tạo dáng vẻ thanh xuân. Một nghiên cứu mới đây còn cho thấy, người ngồi thiền có lượng kháng thể tăng thêm 50% so với những người không ngồi thiền. Như vậy, thực hành thiền thường xuyên có tác dụng làm tăng hệ miễn dịch, cả khi chỉ tập trong thời gian ngắn.

Thiền đã được chính thức đưa vào giảng dạy và thực hành lâm sàng tại nhiều trường đại học và bệnh viện ở phương Tây với tên gọi Mindfullness Based Stress Reduction – MBSR (phương pháp giảm stress dựa trên sự tỉnh giác)(12). “Thực hành Thiền chánh niệm giúp điều chỉnh rối loạn tâm trạng và lo âu. Thiền làm giảm stress và lo lắng. Đây cũng là kết luận của hơn 20 nghiên cứu kiểm soát ngẫu nhiên lấy từ PubMed, PsycInfo và Cochrane Databases, liên quan đến các kỹ thuật Thiền định, Yoga…Một nghiên cứu của Đại học Wisconsin-Madison cũng chỉ ra rằng, thực hành Thiền Minh Sát (như Vipassana) làm giảm mật độ chất xám ở các vùng não liên quan đến lo lắng và căng thẳng”(13). Thiền vốn được xem là một nét văn hóa Đông phương, nhưng giờ đây phổ biến trên toàn thế giới. Người người đã hưởng lợi ích từ Thiền. Họ có thể kể lại câu chuyện của họ cho bạn biết làm thế nào Thiền đã thay đổi con người họ về cả thể chất lẫn tinh thần. Lợi ích của Thiền đã được rất nhiều nghiên cứu trong hàng thiên niên kỷ qua chứng minh. Theo tác giả, có đến 20 lợi ích của Thiền đã được khoa học chứng minh:

1. Thiền làm giảm trầm cảm, 2. Thiền làm giảm stress và lo lắng, 3. Thiền giúp giảm chứng rối loạn hoảng sợ, 4. Thiền giúp giảm nhu cầu ngủ, 5. Thiền trong thời gian dài làm tăng khả năng tạo sóng gamma trong não, 6. Thiền cải thiện, 7. Thiền cải thiện xử lý thông tin và ra quyết định, 8. Thiền mang đến sức mạnh tinh thần, 9. Thiền giúp bạn chống lại đau đớn,10. Thiền làm giảm đau hơn cả morphine, 11. Thiền giúp điều trị chứng tăng động, 12. Ngồi thiền giúp tinh thần an định, 13. Giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, 14. Thiền cải thiện trí nhớ, 15. Thiền giúp ngủ sâu và ngon hơn, 16. Thiền giúp cải thiện hệ miễn dịch, 17. Thiền làm chậm quá trình lão hóa, 18. Thiền làm tăng đồng cảm và các mối quan hệ tích cực, 19. Thiền làm tăng trưởng lòng từ bi và giảm lo lắng, 20. Thiền giúp buông bỏ cám dỗ và hiểu rõ bản thân (14).

Một số nhà nghiên cứu cho rằng, Tâm của chúng ta luôn bị tác động bởi thế giới ngoại tại và như một kết quả, những suy nghĩ vọng động sinh khởi và mất đi như một dòng chảy không ngừng nghỉ. Dòng chảy liên tục của suy nghĩ mà chúng ta kinh nghiệm có thể ảnh hưởng đến khả năng tập trung của chúng ta và có thể có những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống hàng ngày. Đối với Phật giáo, việc thực hành Thiền là để giải thoát khỏi tham ái, chấp thủ, để phát triển trí tuệ và đạt đến an lạc giải thoát. Theo cách nhìn của Phật giáo, chỉ có thực hành thiền với mục đích như vậy, con người mới có thể giải trừ được tâm (15).

Tuy nhiên, nếu tập Thiền không đúng cách có thể sẽ dẫn đến đau đầu, mất ngủ, rối loạn tâm thần. Thiền không đúng cách còn làm đảo lộn các trật tự tạm thời của hệ thống năng lượng trong các kinh mạch, trung tâm năng lượng cơ bản – trạng thái tẩu hỏa nhập ma, một trạng thái đảo cực của cơ thể. Vì vậy, không nên tập Thiền tùy tiện mà phải có sự hướng dẫn bài bản, đúng cách thì Thiền mới phát huy tác dụng đối với con người.

Thiền định khôi phục sức khỏe của thân thể.

Thiền định khôi phục sức khỏe của thân thể.

Giá trị thứ ba, tiếp cận Thiền từ góc nhìn đạo đức và đời sống tinh thần

Thiền Phật giáo góp phần vào sự ổn định và phát triển xã hội, làm phong phú tâm hồn dân tộc. Sở dĩ tác giả đặt vấn đề này, bởi Phật giáo là toà nhà được xây dựng trên cơ sở của giáo lý giác ngộ thì Thiền là cột trụ trung ương chống đỡ toàn thể cơ cấu của Phật giáo. Như vậy, khi nói đến những giá trị của Phật giáo cũng đồng nghĩa chúng ta thừa nhận những giá trị của Thiền.

Khi Phật giáo du nhập vào nước ta, chính văn hóa tín ngưỡng của người Việt xưa đã tiếp nhận và biến đổi nó để tạo thành một thứ văn hóa Phật giáo rất Việt Nam. Vì vậy, ở nước ta, đã có thời kỳ (thời Lý – Trần), Phật giáo được coi là quốc giáo. Ảnh hưởng qua lại lẫn nhau giữa chế độ phong kiến tự chủ và Phật giáo đã in đậm trong các sinh hoạt xã hội. Một thời đại mà các thiền sư, những triết gia hoà đạo vào đời, tham gia chính trị, góp phần tạo nên ý chí kiên cường, bất khuất cho dân tộc. Tác giả Lịch sử Phật giáo Việt Nam viết: “Các nhà thiền học uyên thâm như Thái Tông, Tuệ Trung, Thánh Tông, Nhân Tông, vào lúc vận nước nguy nan, đều trở nên những anh hùng lập nhiều chiến công hiển hách. Phật giáo thế kỷ XIII cũng vì thế mà trong sạch hơn và nhập thế hơn. Có thể nói, tinh thần dân tộc đã thổi một luồng sinh khí mới vào Phật giáo thời Trần” [16, tr.215]. Những tư tưởng thân dân, lấy dân làm gốc, mà sau này chúng ta thấy biểu hiện trong những lời nói của Trần Nhân Tông, của Trần Hưng Đạo, thì đã gặp trong lời quốc sư Trúc Lâm dặn Trần Thái Tông năm 1236. Trần Thái Tông là vị vua tiêu biểu của sự kế thừa, vận dụng tư tưởng “thân dân, lấy dân làm gốc” trong sự nghiệp đời, đạo của mình.

Về phía nhà nước phong kiến, do thấy rõ vai trò, ảnh hưởng của Phật giáo trên các mặt của đời sống xã hội, nên đã sử dụng Phật giáo để giải quyết một số nhu cầu thời đại đạt ra. Tác giả Lịch sử tư tưởng Việt Nam, viết: “Phật giáo là một yếu tố quan trọng trong kiến trúc thượng tầng ở Việt Nam từ thế kỷ thứ X đến nửa đầu thế kỷ XIV. Nó đã đáp ứng được nhu cầu củng cố địa vị của giai cấp phong kiến Việt Nam, đã được giai cấp phong kiến Việt Nam sử dụng để thu phục nhân dân và ổn định trật tự xã hội. Vả chăng, đó cũng là công việc không thể thiếu được trong những bước đi đầu tiên của công cuộc dựng nước và giữ nước” [17, tr. 219].

Về phía thời đại, suốt thời kỳ dài, học thuật trong nước đều nằm trong tay các nhà sư và Phật giáo luôn luôn chi phối lĩnh vực này. Những sư tăng này không chỉ uyên thâm về đạo, mà còn có vai trò to lớn trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước. Vì thế, khi vua Trần triệu tập hội nghị Diên Hồng, để cùng với các nhà kỳ lão bàn việc chống giặc ngoại xâm đã được quần chúng nhân dân ủng hộ. Trên nền tảng của quan hệ xã hội ấy, nhà Trần đã phát huy được sức mạnh toàn dân trong công cuộc dựng nước và giữa nước. Sau ba lần đánh bại quân Nguyên – Mông, tinh thần dân tộc được nâng cao thêm, giúp cho văn hoá nói chung, trong đó có Phật giáo càng phát triển mạnh mẽ. Nếu như cuối thời Lý còn tình trạng hỗn loạn, cát cứ phong kiến thì nhà Trần đã thống nhất được toàn bộ đất nước. Sau kháng chiến thắng lợi, việc xây dựng một hệ tư tưởng thống nhất lại được đặt ra. Trần Thái Tông đã đứng ra gánh vác nhiệm vụ ấy: xây dựng được một hệ thống lý luận triết học Thiền khá hoàn chỉnh, làm cơ sở cho sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm. Phái này được mở đầu và xây dựng như một Giáo hội thống nhất hoàn toàn Việt Nam, dứt bỏ các truyền thừa cũ có nguồn gốc từ bên ngoài. Những tư tưởng của Thiền phái trúc Lâm đã góp phần làm cho Phật giáo thời Trần nói riêng, Phật giáo Việt Nam nói chung phát triển có sắc thái riêng, khác hẳn Phật giáo Ấn Độ – Trung Hoa.

Ở nước ta, triết lý đạo gắn với đời thể hiện rất rõ trong đời sống tinh thần người Việt. Phật giáo Việt Nam không chỉ chăm lo đời sống tâm linh, mà còn quan tâm đến đời sống thế tục của cộng đồng: nhiều chùa có Tuệ Tĩnh đường chữa bệnh cho người dân, nuôi dưỡng trẻ mồ côi và người già không nơi nương tựa, nhiều chùa xưa kiêm luôn việc dạy chữ cho con em trong làng. Bù đắp lại công lao của nhà chùa, cộng đồng làng xã đóng góp sức của xây chùa, xây tháp, đúc chuông đúc tượng, tổ chức hội chùa. Có những địa phương nghèo, do muốn sư gắn bó với làng mình để giữ chùa, cúng lễ, dân làng đã tổ chức cưới vợ cho sư, khiến cho ngôi chùa trở thành một gia đình. Ngoài ra, có những chùa Mường còn giữ nguyên tên gọi nguyên sơ của nó như: Bụt đực, Bụt cái. Nàng Man, cô gái làng Dâu – Hà Bắc, một trong những đệ tử đầu tiên của Phật giáo đã trở thành Phật Mẫu Việt Nam (tương truyền nàng Man sinh vào ngày 8/4). Đại đa số các Phật tử tại gia là các bà, các cô. “Trẻ vui nhà, già vui chùa” (tục ngữ) là nói cảnh sinh hoạt Phật giáo vui vẻ của các bà, các cô. Các Phật tử coi đây là việc công đức, giúp hoằng dương Phật Pháp để cứu độ được thêm nhiều chúng sinh.

Đến đây, có thể khẳng định, Phật giáo là một yếu tố hợp thành nền văn hoá – tư tưởng của dân tộc Việt Nam. Quá trình đấu tranh giải phóng khỏi ách thống trị của bọn phong kiến phương Bắc, cũng như trong xây dựng nhà nước độc lập tự chủ, giai cấp phong kiến Việt Nam đã thấy được vai trò của Phật giáo trong lịch sử tư tưởng dân tộc. Do đó, Phật giáo đã đã phát triển mạnh mẽ và để lại nhiều dấu ấn trên các mặt văn hoá tinh thần của đất nước. Ngày nay, Phật giáo Việt Nam không chỉ làm tốt việc đạo mà còn tích cực tham gia có trách nhiệm trong công cuộc xây dựng đất nước. Những hoạt động của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (tổ chức Đại lễ cầu siêu cho các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông, Lễ đăng ký hiến mô tạng để cứu người và hiến xác cho Y học, cho thấy, Phật giáo Việt Nam đang đóng vai trò là những “hoằng pháp viên” truyển tải đạo lý đến với mọi người, giúp họ ứng dụng vào cuộc sống.

Thiền Phật giáo góp phần vào sự ổn định và phát triển xã hội, làm phong phú tâm hồn dân tộc.

Thiền Phật giáo góp phần vào sự ổn định và phát triển xã hội, làm phong phú tâm hồn dân tộc.

Kết luận

Thiền thuở sơ khai là khát vọng hòa điệu đại đồng giữa linh hồn cá nhân với linh hồn vũ trụ bao la. Tới Phật giáo, Thiền trở thành khát vọng chinh phục nội tâm để làm chủ bản thân mình trong vũ điệu giao hòa thân – tâm bất tận, thiền góp phần giảm bớt áp lực tâm lý, cân bằng giữa thân và tâm, đem lại sự an nhiên, tự tại, gia tăng khả năng tập trung, sáng tạo, niềm lạc quan trong cuộc sống. Thiền cũng góp phần chữa trị những căn bệnh hiểm nghèo do áp lực của cuộc sống hiện đại mang lại. Với những giá trị to lớn đó, Thiền đã trở thành một giá trị văn hóa đặc sắc toàn nhân loại.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

[1,3]. DAISETZTE ITARO Suzuki (1994), Thiền luận (Trúc Thiên dịch), quyển Thượng, Đại cương triết học Trung Quốc, Nxb TP. Hồ Chí Minh.

[2]. Kim Cương Tử (1994), Từ điển Phật học Hán-Việt, Tập 2, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phân viện nghiên cứu Phật học xuất bản, Hà Nội.

[4]. Nguyễn Tài Thư (1988), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

[5]. Tuệ Trung Thượng Sĩ với Thiền tông Việt Nam (1993), Mạch thiền trong văn hoá – tư tưởng Việt Nam, Trung tâm nghiên cứu Hán – Nôm.

[6]. Nguyễn Đăng Thục (1997), Thiền học Việt Nam, Nxb Thuận Hoá.

[7]. Thích Thanh Từ (1992), Thiền Tông Việt Nam cuối thế kỷ XX, Thành hội Phật giáo TP. HCM.

[8]. Nguyễn Hùng Hậu (1997), Lược khảo tư tưởng Thiền Trúc Lâm Việt Nam. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

[9]. Nguyễn Đức Diện (2014), Tư tưởng triết học Thiền của Tuệ Trung Thượng sỹ. Nhà xuất bản KHXH, HN.

[10]. Nguyễn Đức Diện (2016), Thiền Phật giáo và vai trò đối với sức khỏe của con người trong xã hội hiện đại. Tạp chí Khoa học Trường đại học sư Phạm Hà Nội, số 3.

11, 12]. Nguyễn Đức Diện (2016), Thiền Phật giáo và vai trò đối với sức khỏe của con người trong xã hội hiện đại. Tạp chí Khoa học Trường đại học sư Phạm Hà Nội, số 3.

[13,14]. Diễm Trang, 20 lợi ích của thiền đã được khoa học chứng minh.https://nhipcaudautu.vn/phong-cach-song/20-loi-ich-cua-thien-da-duoc-khoa-hoc-chung-minh-3322642/

[15]. Nghiệp Đức, Quan điểm của Phật giáo về sức khỏe tâm thần. https://giacngo.vn/PrintView.aspx?Language=vi&ID=37C40B

[16]. Nguyễn Tài Thư (1988), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

[17]. Nguyễn Tài Thư (1993), Lịch sử tư tưởng Việt Nam, Nhà xuất bản KHXH, HN.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Mẫu hình người cư sĩ lý tưởng

Nghiên cứu 15:55 17/04/2024

Trong những chúng đệ tử Phật, thì chúng cư sĩ tại gia chiếm số lượng đông đảo và có những ảnh hưởng nhất định đối với diện mạo của Phật giáo nói chung.

Phẩm tính quan trọng của một người học trò từ trường hợp Tôn giả Angulimala

Nghiên cứu 10:10 05/04/2024

Angulimala là một người cực ác trong xã hội khiến ai ai cũng khiếp sợ với danh xưng kẻ sát nhân, chỉ duy nhất tình thương của Phật pháp mới khiến tên cướp quay đầu sám hối, từ một kẻ đại ác trở thành Sa môn Thích tử.

Đạo đức của Phật giáo với đạo làm người

Nghiên cứu 18:00 02/04/2024

Với tư cách là hình thái ý thức xã hội, Phật giáo cũng như mọi tôn giáo, cũng mang trong nó những giá trị tư tưởng, như là sự phản ánh khát khao vươn tới chân - thiện - mỹ của chính loài người, song đặc biệt hơn ở chỗ chú trọng mục tiêu giải thoát khỏi khổ.

A lại da thức và Mạc na thức

Nghiên cứu 09:00 16/03/2024

Trong kinh Duy Thức thuộc tạng kinh phát triển, để chỉ cho sự huân tập thành khối nghiệp lực (A Lại Da Thức và Mạc Na Thức,) được xem là người giữ kho (librarian) và cái kho (library) tích trữ tạo thành nghiệp lực.

Xem thêm