Thứ ba, 15/11/2022, 08:44 AM

Gian nan vượt thoát tự ngã

Tự ngã, cần bứng từ gốc rễ kiêu mạn. Đến một người tầm thường nhất thế gian, tàn ác đến đâu, trong đời họ vẫn có một cái gì đó hơn ta. Chắc chắn.

Ở đây không thiên lệch chuyện hơn thua, cái chính nếu thực sự thấy ai cũng dường như là Phật và Bồ-tát tái sanh đóng đủ loại vai hóa độ, trí tuệ và phước báo của ta ắt tăng trưởng. Thấy mình hơn người, hơn ở một lĩnh vực nào là chưa thực sự thấu lý kinh. Một nhà thơ giỏi và một nhà thơ tầm tầm, cả hai đều vắt óc làm thơ, theo luật hấp dẫn, họ đều chiêu cảm năng lượng vũ trụ, nhưng người chắt ra câu thơ hay, người kia thì tàm tạm, điều này phụ thuộc chủ yếu vào phước báo. Phước lớn chiêu vời được cái hay cái đẹp cái sâu sắc triết lý, phước nhỏ chỉ đổi được thứ bình phàm. 

Có nhiều tác phẩm nổi tiếng, tác giả bảo chữ cứ tuôn trào đến viết không kịp. Nó từ đâu ra? Những con người lọt lòng chưa có cơ hội vẫy vùng tạo nghiệp, sao đã dị tật méo mó? Nguyên nhân từ đâu? Những thân súc vật với cái đầu người, những người khoác mảng da của vật, vật đẻ ra tợ người…, nó từ đâu ra? Những đứa trẻ thông tường Phật pháp, những người nhớ lại tiền kiếp; những vị Lạt-ma hơn chục lần tái sanh với đầy đủ vật chứng. 

Những thiên tài lúc còn trẻ nhỏ, tác phẩm ấy từ đâu ra? Người kia chẳng hay tưởng mình giỏi, sanh tự mãn. Có ngã chắc đã có sự xem thường đối phương. Không những trong cùng ngành nghề, ta phải quán rộng. Mình viết cuốn sách cũng khác gì người chế tạo một nông cụ. 

Bạn thấy mình hơn người ngủ đầu đường xó chợ, hãy thử qua đêm dưới gầm cầu xem sao. Ta hơn kẻ ăn mày, sao không một lần thử ăn mặc rách rưới hành nghiệp cái bang. Khó thay. Bởi ngã. Ta là kẻ trí thức đường hoàng. Ta được đào tạo bài bản. Ta có học hàm học vị. Ta là nghệ sĩ, là ông chủ, là tổng quản. Ta là tầng lớp bậc cao trong xã hội. Ta nổi danh thiên hạ. Ngồi đầu này nghe bàn cạnh bên nhắc tên mình đã lắng xem họ nói xấu gì không. Cái tên nhạy cảm số một. Cái tên này phải được đặt ở nơi sang trọng. Cái tên này hễ nhắc đến nhiều người đều nể. Ta là... Một khi xã hội cấp cho danh vị, chính là ngã rồi. Dẫu ngắt được chữ là thì vẫn còn chữ ta lù lù đó. Ta ta ta ta. Cái ta luôn chìa ra trước lúc đưa tay bắt người, trước lúc ta cúi mình trước một nghĩa cử cao đẹp, thậm chí trước lúc ta lễ Phật.

Sự hơn thua là do thức hoạt động, hoàn toàn không có phần của trí. Thức luôn phân biệt, chấp trước, Trí thì bình đẳng. Trang Tử trong Đạo gia từng nghiệm: trời người, vạn vật và ta vốn cùng một thể. Phật thấy mình bình đẳng với mọi chúng sanh. Chấp ngã, ta luôn thấy mình hơn người. Nhớ một lần con chó hàng xóm nằm xoải trước hiên, đi ngang nó liếc mắt ơ hờ, đi lại nó chỉ chuyển cái tròng; những người khác qua nó vẫn vậy; liền “ô” lên tự biện đến khi nào tâm tôi được như con chó kia. Nó như đang thiền. Tôi có hơn nó lúc này chăng. Rồi tôi liệu có hơn loài quỷ, mới nghĩ gì chúng đã biết. Tôi tham dục trong bóng tối cũng đâu qua mắt chúng. Hổ thẹn nhường nào đến ma quỷ cũng khinh mình lại đòi Phật rước. 

Lại nghe có hành giả tu đến nhập định cả ngày, không khéo chỉ mới đủ để ma trêu chọc chứ chưa đủ mức để ma quấy phá, cản trở đường tới Phật, tức “ra đề” khó hơn hầu ta thăng sức nhẫn. Sao ma cao vậy? Bởi ma biết, công sức định của hành giả kia cao nhưng sâu xa vẫn mê cõi tạm; khởi tâm được về với Phật ngay lúc đó hành giả bỗng vội vàng xuất định; hay đó là công phu tăng trưởng theo cái ngã dẫu là chút chút, ngã ấy khiến Hộ pháp khước từ, để ma đi guốc trong bụng nên ma túm chuôi dao. Cao hơn ma đã khó; hoặc giả bạn có cơ duyên tu thành Phật, thì bao người khác cũng thế. Lúc bạn và họ đều thành Phật, chẳng lẽ bạn còn tu được cao hơn quả vị Phật để hơn thua?

Tôi có duyên lành thân cận với một vị hiện đang ẩn tu. Bởi thấy mình tu quá tệ, tuổi tác so với họ lại không lệch nhiều nên cái sự xưng hô rất ái ngại; gọi ngang tên chỉ là xin cái tướng, còn với tánh sợ mắc tội bất kính. Có lần gửi email hỏi pháp, nửa đùa nửa thật tôi có đặt hai chữ sư phụ ở đầu, liền bị quở: “Trong tam giới ai có thể làm sư phụ? Là bậc từ A-la-hán trở lên các Đại Bồ-tát, Như Lai quả địa. Còn mình ngay quả Tu-đà-hoàn chưa với nổi, thậm chí bậc thiện nhơn thế gian cũng không bằng thì sao làm sư phụ đây. Được người gọi sư phụ mà chẳng xứng thì tổn phước biết bao. 

Trong các bản kinh Đại thừa, thường nghe Phật gọi các vị Đại Bồ-tát đẳng giác như Văn Thù, Phổ Hiền là ‘này Phật tử’, các Đại Bồ-tát còn là đệ tử, nếu ta làm sư phụ thì các Ngài ấy gặp ta phải chân mỏi gối chùn ư? Lại luận theo thật tướng bình đẳng, chư Phật thấy trong chúng sanh đều có ông Phật khổng lồ; riêng sư thừa của tổ truyền là mô hình giáo dục. Ngay Krishnamurti đương thời cũng được gọi là vị sư phụ luôn xua đuổi đệ tử như đuổi tà, ông không công nhận khái niệm sư - đệ như truyền thống sư thừa Á Đông; ngài nói các vị nhận làm đệ tử thường hay hủy hoại ông thầy! 

Phật dạy mọi người từ vô thỉ kiếp đều từng làm cha mẹ ta. Có lại thân người ta phải nặng mang ơn.

Phật dạy mọi người từ vô thỉ kiếp đều từng làm cha mẹ ta. Có lại thân người ta phải nặng mang ơn.

Còn nói như Đức Đạt-lai Lạt-ma ‘phải làm đệ tử tất cả chúng sanh’ là tinh thần Bồ-tát đạo, cũng là tu hạnh lễ kính của Phổ Hiền. Những ai làm đệ tử của tất cả chúng sanh mãn ba đại a-tăng-kỳ kiếp, công phu dồi dào thâm hậu rồi thì mới có thể... có thể làm gì đây? Vừa cảm thấy mình không tệ, mới cảm thấy tư cách sư phụ trỗi dậy thì Bồ-tát Địa Tạng liền trao cho cái kính “chiếu yêu”, người đó nhìn vào gương thì thấy gì? Thấy hiện ra gương mặt hồng hào quắc thước, tiên phong đạo cốt, sắp sửa mỉm cười tự hào thì bỗng ngước nhìn lên, bóng của ma vương Ba Tuần đang phủ chụp! Cho nên các vị tu Bồ-tát đạo mãi mãi là đệ tử, cho đến quả vị Bồ-tát vẫn còn vô lượng vô biên sư phụ có thể dạy bảo mình là chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai. Nhà tui được đọc qua kinh Hoa nghiêm nên vĩnh viễn chẳng dám làm thầy người”.

Tôi thầm xin phép trích ra nguyên văn như trên cũng là để thấy mình đáng thương xót xiết bao! Mộng siêu xuất tam giới còn đưa cán cân thế gian đo lường tự ngã. Chợt nghĩ cái thằng Bờm nếu biết Phật pháp chắc chắn chẳng ngại ngần một phen đại ngộ. Đã thành phú ông rồi, thấu lý nhân quả sao còn không quay lại học cho thành thằng Bờm. Sao tôi không ngu ngu như Bờm được nhỉ. 

Thấm thấu kinh điển phải là người mà tự ngã bị đánh sập. Bước ra đường nhìn ai cũng thấy là ân nhân. Phật dạy mọi người từ vô thỉ kiếp đều từng làm cha mẹ ta. Có lại thân người ta phải nặng mang ơn. Trách IS ác, sao tôi không lập trình lại ý niệm khởi lòng thương đến những kẻ đã gây tội nghiệp quá nặng để tương lai trong kiếp này hoặc kiếp khác họ sẽ nhận quả báo thảm sầu. Khoa học đã thấy giữa người với người đều “nối mạng” tư tưởng với nhau, không ai đứng độc lập giữa vũ trụ bao giờ. 

Lên án IS, sao không biết mỗi ngày tôi cũng đang phát ý niệm “thập ác” góp phần gia tăng động đất sóng thần bão tố hại vô số tha nhân. Ta chống IS là chống ngay bản tánh lương thiện trong mình. Ai đó nói, bảo “đừng chống chiến tranh hãy ủng hộ hòa bình”, vậy chúng nó ác thế không tiêu diệt sao. Ừ, với người đã thuần tâm cầu giải thoát, hãy đừng chống lại sự chống IS, là ta đã góp ý niệm thiện vào từ trường vũ trụ. Ta đến đời này để trả ơn nghĩa; trả ân nhưng ta nhận lại phước báo, tăng trí huệ qua việc nhìn thấu muôn mặt nhân sinh cùng với mình ‘đồng thể đại bi’. Một nụ cười, một ánh mắt tin cẩn, một miếng ăn chia sớt, cùng ấm áp chỗ nằm trong hành lang bệnh viện giữa người nhà các bệnh nhân, nhường một chỗ ngồi trên xe bus chật chội; nấu thêm chút cơm âm thầm cho những con chó bị chủ bỏ đói v.v…, đều là trả ân.

Buông không nổi thì tụng kinh bái sám, tham thiền niệm Phật cho đến trì chú suốt ngày đêm tâm ấy vẫn trơ như núi. Bởi ta vẫn tham vọng tưởng. Bởi ta phân biệt chấp trước.

Buông không nổi thì tụng kinh bái sám, tham thiền niệm Phật cho đến trì chú suốt ngày đêm tâm ấy vẫn trơ như núi. Bởi ta vẫn tham vọng tưởng. Bởi ta phân biệt chấp trước.

Sống trong nỗi cảm ân là đang hướng về tha nhân, đang nhẹ dần tự tư tự lợi, là đã buông dần tự ngã. Ngũ dục lục trần buông bao nhiêu ta sẽ nhìn thấu bấy nhiêu. Thấu rồi thì ánh sáng vô lượng trong tự tánh rọi chiếu chan hòa. Buông rồi sờ tới pháp môn nào cũng dễ chứng dễ ngộ như nhau. 

Buông không nổi thì tụng kinh bái sám, tham thiền niệm Phật cho đến trì chú suốt ngày đêm tâm ấy vẫn trơ như núi. Bởi ta vẫn tham vọng tưởng. Bởi ta phân biệt chấp trước. Tâm hiện cục đá, ta không thấy bản tánh nó như như, lại để mắt soi mói, khởi ý cục đá này cần đẽo thế này tạc thế kia cho đặng. Rồi cứ thế bỏ chân theo vọng lấy cớ mê đắm cõi trần kết thêm nhiều duyên mới biến hiện trong cảnh giới của ma vương, trong lâu đài của vũ điệu luân hồi ai oán. 

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Hạnh nguyện độ tha rạng ngời của Đức Phật A Di Đà

Góc nhìn Phật tử 11:35 14/12/2024

Hướng về ngày 17/11 AL, ngày vía kỷ niệm Ngài, là khi những điều thiêng liêng cao cả nhất được tôn vinh, là cơ hội hy hữu để ta hướng tâm về hình ảnh đức Phật, hướng về hình ảnh của một bậc xuất trần thượng sĩ và tam thiên đại thiên thế giới của Ngài.

Tập điều chỉnh chính mình khi phát hiện mình bất ổn

Góc nhìn Phật tử 08:54 03/12/2024

Này bạn, khi tâm trạng rơi vào trạng thái bất ổn, uể oải, hoặc cảm giác như năng lượng tích cực trong ta đã cạn kiệt, việc đầu tiên cần làm là ý thức rõ ràng về tình trạng của mình.

Tôi tin nhân quả

Góc nhìn Phật tử 13:57 02/12/2024

Từ ngày tôi biết đến Phật pháp, câu kinh dạy về nhân quả: “Muốn biết cái nhân trước, hãy nhìn sự thụ hưởng ở hiện tại. Muốn biết cái quả sau, hãy nhìn việc làm hôm nay” luôn khắc sâu trong tâm trí tôi.

Truyện ngắn: Hương từ chữ bay ra…

Góc nhìn Phật tử 11:17 02/12/2024

Mẹ về hưu sau mấy chục năm lăn lộn với nghề. Ngày đi làm cuối cùng để chia tay đồng nghiệp, mẹ mang về một bó hoa nhỏ và mấy tấm bằng khen đạt giải thưởng báo chí toàn quốc trong nhiều năm.

Xem thêm