Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ hai, 17/04/2017, 14:01 PM

Gieo trồng phước đức (P.3)

Bố thí, cúng dường là con đường dẫn đến tình yêu thương nhân loại bằng tình người trong cuộc sống, là cách thức xóa bỏ ân oán, hận thù để ta cùng ngồi lại bên nhau bằng trái tim yêu thương và hiểu biết. Bố thí, cúng dường là nấc thang đầu tiên của hàng Bồ tát để từng bước tiến lên con đường Phật đạo. Nhờ bố thí, cúng dường mà tâm ta được an lạc, thảnh thơi, thấy ai cũng là người thân thương của mình, không còn thấy ai là kẻ thù, nên mọi người dễ dàng thương yêu và đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau hơn.

Bố thí phải tùy duyên

Có một gia đình muốn mở tiệc nhân ngày sinh nhật của đứa con nhưng nhà quá nghèo, không biết xoay sở sao cho đủ phương tiện đãi khách. Còn khoảng một tháng nữa là tới ngày sinh nhật, nhà có nuôi một con bò sữa nên gia đình muốn bữa tiệc hôm ấy phải có món sữa bò tươi; thế là hai vợ chồng nhất trí từ nay đến ngày sinh nhật con, không vắt sữa hàng ngày mà để dành đến ngày sinh nhật vắt luôn một thể. 

Đến ngày sinh nhật, hai vợ chồng vui mừng tin chắc rằng gia đình sẽ vắt được rất nhiều sữa đãi khách. Nào ngờ, cả hai vợ chồng cố vắt mãi mà chẳng được giọt sữa nào. Hai vợ chồng buồn bã: “Hỡi ôi! Xem như trận này gia đình mất cả chì lẫn chài, uổng công cả tháng trời để dành mà nay con bò không cho lấy một giọt sữa”. Cũng từ đấy, con bò bị tắc sữa luôn, không có khả năng sản xuất sữa được nữa vì lâu ngày không vắt sữa.

Câu chuyện ngụ ngôn trên đã cho ta một kinh nghiệm sống trong cuộc đời. Với quan niệm chờ giàu có rồi mới thực hành bố thí không khác gì chuyện để dành sữa của gia đình kia. Nếu ta muốn thực hành bố thí mà nghĩ như vậy thì suốt đời, suốt kiếp ta không giúp gì được cho ai; vả lại, nó sẽ làm mất đi hạt giống từ bi trong ta. Nếu không có tiền của nhưng thấy người khác bố thí, cúng dường ta sinh tâm hoan hỷ, vui theo thì mình và người bố thí đều có phước báu như nhau.
 
Ngày xưa, một vị tỳ kheo nghe nói như vậy mới thắc mắc hỏi Phật: “Bạch Thế Tôn! Người bố thí, cúng dường có phước là lẽ đương nhiên; còn người tùy hỷ vui theo tại sao có phước ngang bằng?” 

Đức Phật đưa ra ví dụ: “Có người đang đốt một ngọn đèn, rồi có hàng trăm người đem đèn tới mồi theo. Ta thấy, ngọn đèn kia vẫn cháy sáng không mất và hàng trăm ngọn đèn khác cũng được cháy lên tỏa sáng khắp nơi. Cũng vậy, người cúng dường được phước giàu sang trong hiện tại và mai sau là lẽ đương nhiên; còn người tùy hỷ khi thấy người khác thực hành bố thí, cúng dường không sinh tâm tật đố, ganh ghét được phước không nóng giận, bởi nóng giận dễ dẫn đến hận thù rồi tìm cách trả đũa không có ngày dứt. Do không ganh ghét, tật đố, oán giận nên người ấy sống được an lành, hạnh phúc”. Vì thế, đức Phật nói hai người phước báu bằng nhau là vậy.

Bố thí có hai dạng: Bố thí trong sạch và bố thí không trong sạch.

Bố thí vì cầu danh muốn ai cũng biết đến mình, thấy mình là trung tâm của vũ trụ, mình hơn người không ai bằng; hoặc vì ganh ghét mà bố thí, bố thí cho bỏ ghét; hoặc bố thí vì muốn dụ dỗ người ta, mê hoặc lòng người, bố thí để chứng tỏ mình là người giàu có hơn người hay bố thí để lấy lòng cấp trên. Nói tóm lại, tất cả hành vi bố thí vì tư lợi cá nhân, vì tâm xấu xa, ích kỷ, vì tâm muốn hơn người được gọi chung là bố thí không trong sạch.

Các hành động bố thí vì thương người mà cho, vì bổn phận mà cho, vì hy sinh mà cho, vì giác ngộ mà cho đều vì lợi ích cho người nên được gọi là bố thí trong sạch. Ta vì tâm từ bi, vì lòng thương người mà bố thí, không có tâm mong cầu người biết ơn hay đền ơn đáp nghĩa. Người bố thí cúng dường với tâm bình đẳng không phân biệt thân sơ, tùy duyên cúng dường giúp đỡ không tính toán lợi hại thì mới được phước báu không thể nghĩ bàn.

Tóm lại, người bố thí cúng dường với tâm bình đẳng không phân biệt thân sơ, tùy duyên mà bố thí cúng dường thì người đó được gọi là người đại bố thí hay đại thí chủ.

Bố thí với tâm thành

Thời đức Phật còn tại thế, có một trưởng giả tên Tu Đạt là người giàu nhất nước Kiều Tát La do vua Ba Tư Nặc trị vì. Một hôm, sau chuyến buôn hàng sang nước Ma Kiệt Đà, ông về nhà người anh rể nghỉ ngơi. Thường lệ, khi ông về tới mọi người trong nhà đều ra ngõ đón tiếp ân cần, nhưng hôm nay ông thấy không ai để ý đến ông, chuyện thật lạ lùng. Ông lấy làm ngạc nhiên hỏi người anh rể mới biết cả nhà đang bận rộn việc chuẩn bị đồ ăn, thức uống để cúng dường 1250 vị tỳ kheo trong Tăng đoàn của đức Phật. 

Lần đầu tiên nghe đến đức Phật, Tu Đạt thắc mắc hỏi người anh rể: “Phật là gì mà mọi người tôn kính đến thế?” Người anh rể bảo rằng: “Đức Phật trước đây là Thái tử Tất Đạt Đa, con vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma Da; ông là người được kế thừa ngôi vua nhưng đã từ bỏ ngôi vị, cung điện nguy nga, vợ đẹp, con xinh để xuất gia tu hành, nay đã chứng quả Bồ đề vô thượng Chánh đẳng Chánh giác”. Tu Đạt nghe qua bỗng trong lòng cảm thấy bồn chồn muốn được gặp Phật ngay tức khắc, nhưng trời đã về đêm nên ông đành chờ đến sáng mai. Vì mong mỏi gặp Phật mà cả đêm ông không ngủ được vì trong lòng cứ thổn thức, bồn chồn.

Tờ mờ sáng hôm sau, ông đã có mặt tại tịnh xá Trúc Lâm- nơi đức Phật tịnh dưỡng. Vừa vào tới, ông nghe một giọng nói trầm hùng: “Này Tu Đà Cấp Cô Độc, thời cơ đã đến rồi đó!” Tu Đạt rất đỗi ngạc nhiên, tại sao cái tên Tu Đà của ta chỉ có người trong gia tộc ta mới biết và không ai được gọi, thế mà ở đây lại có người biết và gọi ông như vậy. Tu Đạt nghĩ hay là ở đây có người bậc trên của gia tộc ông? Trong lúc còn đang ngơ ngẩn, ông thấy một người tướng mạo trang nghiêm, điềm đạm đi tới gần ông và nói: “Ta là người mà ông muốn gặp đây”. 

Tu Đạt liền quỳ xuống đảnh lễ đức Phật, trong lòng cảm thấy dấy lên niềm phấn khởi vô biên đến rơi nước mắt. Ngay lúc đó, ông được đức Phật khai thị pháp môn căn bản cho người tại gia. Nghe xong bài pháp, Tu Đạt Cấp Cô Độc chứng quả Tu Đà Hoàn, nghĩa là được vào dòng Thánh, không còn đọa lạc trong ba đường dữ: địa ngục, súc sinh và ngạ quỷ. Sau đó, ông phát nguyện quy y Tam bảo, giữ năm điều đạo đức và phát tâm cúng dường hộ trì Tam bảo, suốt đời giúp đỡ người nghèo khó. Nhờ tín tâm thuần thục, ông xin đức Phật cho xây dựng một tịnh xá lớn để chư Tăng có chỗ tu hành. Đức Phật chấp nhận lời thỉnh cầu của ông.

Cấp Cô Độc có nghĩa là cung cấp sự cần thiết cho người cô độc, côi cút, không nhà cửa, không người nuôi dưỡng, nghèo khổ. Trong đời, ông vốn cũng đã có lòng nhân từ, thường giúp đỡ mọi người không phân biệt thân, sơ. Đến khi gặp Phật, ông càng mở rộng tấm lòng bao la, rộng lớn hơn. Từ đó, ông trở về nước để tìm mua một khu đất rộng rãi, địa điểm thuận lợi, nhằm xây dựng một tịnh xá lớn cho chư Tăng tu học, giáo hoá và hành trì. 

Ông tìm mãi mà không thấy nơi nào có miếng đất vừa ý ngoài khu vườn của Thái tử Kỳ Đà, con vua Ba Tư Nặc. Thái tử Kỳ Đà giàu có nên đâu cần bán đất để làm gì, nhưng vì quá ưa thích, ông bạo gan đến hỏi mua. Thái tử Kỳ Đà bảo rằng: “Tôi sẵn sàng bán khu vườn cho ông với một điều kiện duy nhất, ông phải trải vàng lót đầy đất”. Nghe Thái tử nói thế, Cấp Cô Độc mừng quá nên đồng ý liền và cho người nhà chở vàng đến lót gần kín khu vườn, chỉ còn một khoảnh nữa là xong. Cấp Cô Độc đang suy nghĩ nên lấy số vàng trong kho nào để lót cho đủ, Thái tử Kỳ Đà đến hỏi: “Bộ ông tiếc của hay sao mà đứng ngẩn người ra như thế?” 

Cấp Cô Độc trả lời: “Thưa Thái tử, không phải thế đâu! Tôi đang tính xem phải xây dựng tịnh xá như thế nào để chứa đủ chư Tăng và phật tử các nơi về đây nghe pháp và tu tập”. Nghe vậy, Thái tử Kỳ Đà cảm phục tấm lòng cao cả của ông đối với đức Phật và Tăng đoàn, Thái tử tuyên bố: “Kể từ giờ phút này, ông khỏi cần lót vàng nữa, đất khu vườn này thuộc về ông, còn rừng cây trong vườn tôi xin hoan hỷ cúng dường cho đức Phật”.

Trưởng giả Cấp Cô Độc sau khi gặp đức Phật đã luôn hết lòng tôn kính cúng dường Tam bảo và giúp đỡ người cô độc, bần cùng với lòng thành kính của mình. Suốt mấy chục năm thực hành bố thí, cúng dường, tài sản nhà ông cuối cùng cũng cạn kiệt do bị lũ lụt cuốn trôi. Gia tài, sự nghiệp đã tan tành theo mây khói, cho đến khi cả nhà ông phải dùng cháo thay cơm mỗi bữa, nhưng ông vẫn một lòng tín tâm, chia bớt phần ăn của mình để cúng dường chư Tăng. 

Nhờ phước đức bố thí, cúng dường quá lớn lao cùng với lòng thành kính của ông trong quá khứ và hiện tại, chẳng bao lâu sau, gia đình ông làm ăn được khấm khá trở lại, và ông vẫn tiếp tục thực hành bố thí, cúng dường như trước đây mà không phân biệt thân, sơ.

Đạo lý nhân quả nhà Phật giúp ta sáng ngời tình nhân loại trong hạt giống từ bi của hạnh bố thí, sẻ chia. Qua đó, chúng ta thấy hành động bố thí quan trọng ở tâm chân thành và lòng tôn kính như trường hợp của ông Cấp Cô Độc một lòng gieo duyên với ruộng phước lớn. Ông đã chứng quả “bất thoái chuyển” ngay trong hạnh này. Chúng ta nên nhớ rằng, phát tâm bố thí, cúng dường như gửi tiền vào ngân hàng, tuy không thấy có tiền nhưng khi cần xài liền rút ra. 

Cấp Cô Độc phát tâm cúng dường Tam bảo không biết mệt mỏi, nhàm chán, ông còn giúp đỡ những người cô độc, nghèo khó không nơi nương tựa. Vì vậy, ông được quần chúng nhân dân tặng cho danh hiệu là Cấp Cô Độc. Trong lịch sử Phật giáo, Cấp Cô Độc là tấm gương sáng về hạnh bố thí, cúng dường để chúng ta học hỏi, noi theo. Con người muốn hoàn thiện nhân cách, lối sống, đạo đức… phải có sự học hiểu và tu tập, hành trì. Người có đủ niềm tin Tam bảo được chứng quả bất thối chuyển thì dù có gặp nghịch cảnh, khó khăn như thế nào, họ cũng giữ vững tấm lòng tốt của mình.

Bố thí, cúng dường là con đường dẫn đến tình yêu thương nhân loại bằng tình người trong cuộc sống, là cách thức xóa bỏ ân oán, hận thù để ta cùng ngồi lại bên nhau bằng trái tim yêu thương và hiểu biết. Bố thí, cúng dường là nấc thang đầu tiên của hàng Bồ tát để từng bước tiến lên con đường Phật đạo. Nhờ bố thí, cúng dường mà tâm ta được an lạc, thảnh thơi, thấy ai cũng là người thân thương của mình, không còn thấy ai là kẻ thù, nên mọi người dễ dàng thương yêu và đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau hơn.

Phật dạy, người biết gieo trồng phước đức thì trong hiện tại và tương lai được đầy đủ, giàu sang, như ta có tiền gửi ngân hàng rút dần ra xài; còn người không biết gieo trồng phước đức thì như người có đồng nào xài đồng nấy, luôn phải chịu nghèo khó, vất vả cả đời mà chẳng có của dư.

Cấp Cô Độc là người giàu có, ngoài việc biết bố thí, cúng dường, giúp đỡ, sẻ chia, ông còn là tấm gương sáng trong việc tu học và còn hướng dẫn toàn thể gia tộc tin sâu nhân quả và tín tâm Tam bảo. Nhờ vậy, trước khi mạng chung, ông được Tôn giả Xá Lợi Phật và Tôn giả A Nan đến khai thị và sau đó an nhiên, tự tại ra đi mà được sinh về cõi trời.

Nhân quả như hình với bóng

Thuở quá khứ, có năm người giả làm tỳ kheo lạm dụng sự cúng dường của đàn na tín thí để nuôi sống bản thân và gia đình. Sau khi chết, họ tái sinh trở lại làm người thân phận nghèo hèn. Cả năm người đều phải ở đợ, phục dịch cho gia đình Hoàng hậu Mạt Lợi, phu nhân của vua Ba Tư Nặc.

Một hôm, ở tịnh xá có lễ cúng dường chư Tăng, Hoàng hậu Mạt Lợi đến dự dẫn theo đoàn tùy tùng giúp việc, phục dịch cho bà. Sau khi các phật tử cúng dường tứ sự, đảnh lễ giáo đoàn Như Lai Thế Tôn xong, Mạt Lợi phu nhân ngồi sang một bên cung kính đảnh lễ bạch hỏi đức Phật nguyên nhân vì sao bà được làm Hoàng hậu. Đức Phật cho biết, trong đời quá khứ bà là một phật tử thuần thành, tín tâm cúng dường cho năm thầy tỳ kheo với lòng chí thành, chí kính; nhờ phước báu đó, ngày nay bà được sinh vào gia đình quyền quý và được tại vị trên ngôi Hoàng hậu mẫu nghi thiên hạ. 

Nhân đây, đức phật cũng cho bà rõ năm vị tỳ kheo được bà cúng dường đời trước không phải là thầy tu thật mà năm vị này giả làm tỳ kheo để ăn của cúng dường. Do nghiệp báo giả làm tỳ kheo, lạm dụng tài vật cúng dường của đàn na tín thí để nuôi thân và gia đình nên đời nay năm người ấy được sinh lại làm người phải chịu thân phận nghèo hèn; năm người đó nay đang có mặt trong đoàn người giúp việc phục dịch cho Hoàng hậu đang đứng bên ngoài.

Nghe đức Phật nói vậy, Hoàng hậu Mạt Lợi với lòng từ bi và đức khoan dung muốn phóng thích năm người đó ra khỏi đoàn tùy tùng để tự do làm ăn. Bà xin đức Phật cho biết danh tính của năm người ấy. Đức Phật bảo: “Đó là bốn người khiêng kiệu và người lo vệ sinh riêng cho bà đấy”. Vừa nghe qua bà giật mình liền ra lệnh cho năm người ấy tự do đi tìm công việc làm ăn sinh sống, nhưng họ không biết phải làm gì và đi đâu nên cả năm người đều xin ở lại phục vụ cho bà suốt đời. Đó là cách trả nợ theo luật nhân quả của người xuất gia không tu hành chân chính, đàng hoàng.

Qua câu chuyện, ta thấy thực hành bố thí, cúng dường với tâm thành kính và hoan hỷ cho thầy tu giả dối vẫn được phước lớn như vậy, huống hồ gì là cúng dường cho các vị cao tăng tu hành chân chính hay các vị Thánh tăng thì phước lực không thể nghĩ bàn. Cho nên, trong kinh có ví người cúng dường như con dao, người nhận cúng dường như cục đá mài, hành động cúng dường như việc mài dao. Dao càng mài càng sắc. Đá càng mài càng mòn. 

Phật tử chúng ta ai may mắn gặp được các vị Thánh tăng mà phát tâm cúng dường sẽ được phước báu vô lượng, vô biên không thể nghĩ bàn. Tuy nhiên, trong thời hiện đại khoa học văn minh vật chất ngày càng cao, ta lại bị nghiệp vô minh huân tập từ nhiều đời, nhiều kiếp che khuất nên việc tìm một vị chân tu đạo cao đức trọng không phải dễ. Do phước mỏng, nghiệp dày nên ta thường gặp và gần gũi với phàm phu tăng là nhiều, bởi họ tu học tới đâu thì hướng dẫn chúng ta tu hành theo tới đó.

Vì vậy, chúng ta phát tâm cúng dường cho chư Tăng trong hiện tại là điều cần thiết, trách nhiệm nhân quả của họ và ta vẫn luôn công bằng và hợp lý, dù trăm ngàn kiếp cũng không bị mất đi hay sai lệch; đến khi hội đủ điều kiện thì phước báu của ta sẽ trổ ra và khi kết quả của việc tu tập thực hành hội đủ nhân duyên thì việc chứng quả của mình cũng sẽ tự hiện.

Ngoài cách trả nợ như trên, người xuất gia còn phải trả nợ bằng nhiều hình thức khác. Ví như người xuất gia tu hành không cầu giác ngộ, giải thoát mà lạm dụng màu áo tu hành để làm chính trị, làm người đệ tử mất tín tâm đối với Tam bảo; hạn chế phát triển đạo đức tâm linh khiến nhiều phật tử mất niềm tin, thoái tâm Bồ đề, trở lại làm điều phi nghĩa, thất đức, gây tổn hại cho người và vật, phạm điều giới cấm của Phật. 

Tuy hiện đời họ dường như có phước, nhưng đến khi hết phước thì họa tới khôn lường, chắc chắn ngày sau họ phải đọa vào loài súc sinh để trả món nợ này. Nhân quả là một định luật tất yếu, chúng ta có thể qua mặt luật lệ thế gian nhưng không thể nào trốn tránh được nhân quả “gieo gió gặt bão”. Là hành giả Phật giáo, chúng ta phải suy nghĩ kỹ chỗ này, đừng để đến khi mang lông, đội sừng thì hết đường cứu, phải chịu nghiệp làm súc sinh đời đời, kiếp kiếp để trả nợ.

Vì pháp quên mình được ngộ đạo

Thuở xưa, A Dục là một ông vua độc ác; nhờ gặp Phật pháp, ông cải tà quy chính trở thành đệ tử nhà Phật. Ông thường xuyên cung thỉnh chư Tăng vào cung thuyết giảng Phật pháp cho cung phi mỹ nữ nghe nhưng cấm họ không được nhìn vị pháp sư. Vì vậy, mỗi lần thuyết giảng, vị pháp sư phải ngồi sau một tấm màn che. Một hôm, khi vị pháp sư đang giảng đề tài “lợi ích cúng dường”, một cung nữ bỗng đứng dậy tiến đến vén tấm màn che và quỳ trước pháp sư thưa rằng: “kính bạch pháp sư, con nghe nói đức Phật thành đạo dưới cội Bồ đề nhờ thiền định mà giác ngộ, giải thoát, không phải do tu bố thí, trì giới?” 

Vị pháp sư giải đáp: “Đời người có bốn cái khổ gọi là Tứ đế gồm sinh-lão-bệnh-tử; khổ vì xa lìa người thương, khổ vì gặp người không ưa, khổ vì mong cầu không được, khổ vì điều không muốn mà đến; chúng sinh do tham-sân-si-chấp ngã nên thấy mình là trên hết, sinh ra thù hận, tàn sát lẫn nhau”. Sau khi nghe vị pháp sư giảng giải, người cung nữ này ngộ đạo và chứng quả Tu Đà Hoàn. Cô biết mình vén màn nhìn vị pháp sư để hỏi đạo là phạm lệnh cấm của vua nên khi hết thời giảng, mọi người ra về nhưng cô vẫn quỳ tại chỗ chờ vua ban lệnh xử tội; phạm lệnh cấm của vua theo luật triều đình lúc bấy giờ là phải bị tội chết.

Vua A Dục từ khi cải tà quy chính trở thành phật tử đã không còn ban xử tội chết. Nhờ vậy, cô cung nữ ấy không bị xử tội, lại được vua ban lời khen và khuyến khích mọi người nên bắt chước cô tìm hiểu Phật pháp, cố gắng áp dụng trong đời sống hằng ngày cho có kết quả. 

Qua đó, chúng ta thấy Phật pháp có khả năng nâng đỡ những ai vấp ngã, xóa tan bóng tối mê lầm, tội lỗi, đem ánh sáng giác ngộ đến cho muôn loài. Nếu người cung nữ đó không dám quên mình vì Pháp thì làm sao nhận ra được đạo lý chân thật? Làm sao giác ngộ và chứng được Tu Đà Hoàn, một quả vị có giá trị cao đối với đời sống con người.

Cũng như bản thân tôi nhờ gặp được Phật pháp mới có đủ duyên tu hành. Bây giờ tôi mới có cơ hội chia sẻ cùng quý vị những lời Phật dạy. Nếu chúng ta không dám chấp nhận những lỗi lầm, sai trái của mình trước đây để quay về làm mới chính mình thì chắc chắn suốt đời ta phải sống trong đau khổ, lầm mê. Vì vậy, trong các hạnh bố thí chỉ có bố thí Pháp mới giúp cho người vượt qua biển khổ, sông mê, khiến người bỏ ác làm thiện, hướng đến chân-thiện-mỹ, tin sâu nhân quả, nghiệp báo mà không dám làm điều xấu ác.

Pháp thí dứt phiền não
Pháp thí phá ngu si
Pháp thí mở trí tuệ
Pháp thí thoát sinh tử.

Thực hành Pháp thí giúp người sinh trí tuệ thấy biết đúng như thật. Nhờ có trí tuệ ta bớt lầm mê chấp thân này là thật, do đó biết cách buông xả phiền não thâm, sân, si mà sống đời an vui, hạnh phúc.

Cúng dường được phước báo vô lượng

Trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương, đức Phật dạy: “Bố thí cho người ác hưởng không bằng cúng dường cho người giữ năm giới. Cúng dường cho người giữ năm giới không bằng cúng dường cho người tu Thập thiện (mười điều tốt.) Cúng dường cho người tu Thập thiện không bằng cúng dường cho Phật”. Ý nghĩa câu này chỉ cho sự lợi ích cúng dường đúng cách.
 
Vào thời đức Phật, có hai vợ chồng là phật tử rất tín tâm Tam bảo nhưng hoàn cảnh gia đình lại nghèo khó, bữa đói, bữa no. Một hôm, người chồng đến chùa thấy nhiều người đem vật thực đến cúng dường, anh phát tâm hoan hỷ vô cùng. Về nhà, anh thấy nhà mình quá nghèo không có cái gì có thể mang đến chùa cúng dường, anh tủi thân, buồn rầu, đau khổ đến nỗi không muốn ăn, cũng chẳng muốn làm. Người vợ biết được bèn đưa ra ý kiến: “Hay là anh đem em bán đi lấy tiền cúng dường, khi nào có tiền thì anh chuộc em về”. 

Người chồng suy nghĩ thấy làm như vậy thì quá nhẫn tâm nên cả hai vợ chồng bàn nhau đi vay tiền cúng dường, nếu không trả nỗi thì đến ở đợ làm việc cho họ để trừ nợ. Sau khi suy tính, chọn lựa, hai vợ chồng đến nhà một phú hộ trong làng trình bày sự việc và được đồng ý cho vay một số tiền với điều kiện trong 7 ngày phải mang đến trả, nếu không cả hai vợ chồng phải đến đây làm việc ở đợ suốt đời.

Nhận được tiền, hai vợ chồng vui mừng mang đến cúng dường cho lễ trai tăng với tâm thành kính hoan hỷ. Mấy ngày sau, hai vợ chồng đều cảm thấy thật hạnh phúc vì được góp phần vào công đức này nên sẵn sàng tinh thần đến nhà phú hộ ở đợ vào ngày mai. Hôm ấy, nhà vua hay tin nhà chùa thiết lễ cúng dường trai tăng, ngài thân hành đến chùa xin được cúng dường cho lễ này. Sau khi được biết đã có hai vợ chồng nhà nghèo muốn cúng dường, vua yêu cầu hai vợ chồng phải nhường phần lễ cúng dường này cho ngài. 

Hai vợ chồng nghe lệnh vua như vậy bèn đến trình bày: “Chúng con nhà quá nghèo, may mà có nhà phú hộ trong làng cho vay tiền cúng dường, xin đức vua cho chúng con lo trọn vì lần này chúng con không được cúng dường thì e rằng suốt đời con không có cơ hội nào nữa, bởi chúng con phải đi ở đợ làm việc suốt đời cho nhà phú hộ để trả món nợ này. Xin đức vua nhân từ ban ân để chúng con được làm trọn công đức với Tam bảo”. Tuy bị từ chối nhưng nhà vua rất cảm phục tấm lòng cao thượng của hai vợ chồng. 

Về triều, vua đem chuyện này thuật lại cho các quan quân, quần thần nghe, ai cũng đem lòng cảm phục; và ngài truyền lệnh cấp phát tiền bạc, nhà cửa, ruộng vườn cho hai vợ chồng làm ăn sinh sống để có cơ hội làm việc phước thiện. Từ đó, hai vợ chồng trở nên giàu có, càng tin sâu Tam bảo hơn và thường xuyên phát tâm bố thí, cúng dường, nguyện đời đời kiếp kiếp đi theo con đường vì lợi ích tha nhân.

Thật là “nhân quả nhãn tiền”, người thực hành bố thí cúng dường với tâm thành kính, hoan hỷ, dám hy sinh như hai vợ chồng trong câu chuyện thật là hiếm thấy trong thời chúng ta. Một vị minh quân, một ông vua sáng suốt biết phát huy những việc làm phước đức như ông vua kể trên thật là hạnh phúc cho dân, cho nuớc. 

Lịch sử nhân loại đã có rất nhiều vị lãnh đạo quốc gia làm được những việc như thế. Ở Việt Nam có vua Trần Nhân Tông, một vị vua lãnh đạo đất nước bằng tinh thần Bi-Trí-Dũng của đạo Phật, hướng dẫn dân chúng tu hành theo tinh thần Phật dạy, xây dựng nên một nước Việt Nam hùng cường về mọi mặt, bên ngoài chiến thắng ngoại xâm, bên trong dân chúng sống thanh bình, no ấm, an vui như đang sống trong cõi Cực lạc hiện tiền.

Đạo lý nhà Phật dạy con người sống có ích cho đời và đạo, không vì lợi ích riêng tư mà làm khổ mình, khổ người. Người phật tử khi thực hành bố thí cho người dù là người ăn xin hay kẻ tật nguyền cũng đều cung kính, tôn trọng, không cho mình là người cao quý mà có thái độ xem thường hay khinh rẻ. Tuy hành động bố thí vẫn có phước báu nhưng bố thí với tâm không trong sáng lại làm tăng trưởng tâm cống cao, ngã mạn làm cho người nhận không vui, ắt phải chịu quả báo không tốt về sau.

Khi phát tâm bố thí
Tùy nhân quả chiêu cảm
Như vì thương mà thí
Quả chắc được an vui.

Tóm lại, thực hành bố thí cúng dường với lòng hoan hỷ, chân thành, kính trọng người nhận, đồng thời khởi tâm nguyện cầu Tam Bảo luôn thường trụ thế gian để ta có cơ hội học hỏi đạo lý, phẩm chất làm người, để không bị đoạ lạc vào ba đường ác: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.

Còn nữa...

Thích Đạt Ma Phổ Giác

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Làm thế nào để thực hành tâm từ (Mettā) khi gặp khó khăn

Ứng dụng 17:20 11/11/2018

Thiền Tâm từ (Mettā) không phải là một pháp thuật hay ma thuật mà có thể giúp người dân Hoa Kỳ có đời sống tinh thần lạc quan và tốt đẹp hơn nhưng không hề sử dụng bất kỳ sự đàn áp hay quyền lực nào. Thiền Tâm từ (Mettā) tịnh hóa trái tim và tâm trí của người thực hành bằng sự kiên nhẫn.

Sử dụng của cải một cách hợp lý

Ứng dụng 16:49 11/11/2018

Đối với đa số, một người, một cộng đồng hay một quốc gia, giàu có có nghĩa là 'giàu có' trong ý nghĩa có nhiều tài sản hay tiền bạc do sự đạt được từ vật chất. Nghĩa chữ của cải nguyên thủy là trạng thái hạnh phúc. Khối cộng đồng thịnh vượng mang ý nghĩa ấy. Nhưng bây giờ người ta sử dụng danh từ này vào ý nghĩa tài sản thường để khuyếch trương phúc lợi vật chất hơn là mở mang trạng thái tinh thần.

Tu hành là tìm lại bản lai diện mục...

Ứng dụng 15:55 30/10/2018

Tu đạo là vì giải thoát, không bị chìm đắm trong luân hồi. Coi bạn có thể tu đến chỗ "Ngũ Uẩn" sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều "Không" chăng?

Quán niệm vô thường để xả ly, buông bỏ

Ứng dụng 21:53 26/10/2018

Vô thường là không có gì thường hằng, tồn tại mãi mà phải thay đổi. Đổi thay từ hình thức đến nội dung, từ vật chất cho đến tinh thần, từ hiện tượng cho đến bản chất. 

Xem thêm