Giữ lòng kham nhẫn
Mặc dù không phổ biến và được trì tụng rộng rãi đến mức gần giống một bản kinh đơn hành như phẩm Phổ môn, nhưng xét về mặt ý nghĩa và tính biểu tượng, Tùng địa dũng xuất có lẽ là một trong những phẩm kinh nổi bật nhất của Pháp hoa.
Hạnh kham nhẫn của thiên nhiên kỳ diệu
Tùng địa dũng xuất nghĩa là từ dưới đất mà trỗi dậy. Trong đại hội, khi các Bồ-tát Đại sĩ đến từ các quốc độ khác ngỏ lời nguyện ở lại quốc độ Kham nhẫn mà diễn giảng Pháp hoa, Đức Thích Tôn liền từ chối, bởi lẽ “… quốc độ này của Như Lai tự có sáu vạn hằng sa Bồ-tát Đại sĩ, mỗi vị lại có sáu vạn hằng sa tùy thuộc. Thầy trò các vị này có thể, sau khi Như Lai nhập diệt, kính giữ Pháp hoa bằng cách đọc tụng, công bố rộng rãi...” (Kinh Pháp hoa - chính văn, HT.Trí Quang dịch). Để chứng minh cho lời tuyên bố ấy của Đức Thích Tôn, mặt đất Kham nhẫn nứt ra và muôn vạn các vị Bồ-tát Đại sĩ từ dưới đất trỗi dậy.
Vào giữa cuộc đời
Nếu không đi sâu vào những diễn giải mang tính triết lý và kinh viện, hình ảnh các vị Bồ-tát trỗi dậy từ bên dưới mặt đất Kham nhẫn, một cách gọi khác của chốn Ta-bà, là một ẩn dụ rất đẹp. Ở ngay quốc độ Kham nhẫn đầy dẫy phiền trược, thống khổ và tăm tối, Đức Thích Tôn đã thị hiện để hành hoạt, kiến lập đạo tràng, diễn dương thánh pháp. Việc Ngài tuyên bố về sự hiện diện của muôn ngàn vị Bồ-tát cũng đang có mặt và hành hóa giữa lòng quốc độ Kham nhẫn gây nên sự ngạc nhiên cho chúng hội. Làm sao trong chốn ô trược này lại có thể hiện diện vô lượng vô số những vị Bồ-tát đầy đủ công hạnh, sắc tướng đoan nghiêm và đông đảo đến như vậy?
Thế nhưng xét kỹ, nếu vắng đi những ô trược, thống khổ và trầm luân trong đời, chúng sinh có khi chẳng thấy được ý nghĩa cao tột của Chánh pháp, Bồ-tát cũng không có được một môi trường lý tưởng để hành động. Tịnh độ của chư Phật trước hết phải được xây dựng ở ngay chính nơi chốn này và lý tưởng của Bồ-tát cũng chẳng thể tách rời thực tế đời sống của chúng sinh. Tựa như hoa sen chẳng thể sinh trưởng và đơm hương được nếu tách khỏi bùn lầy.
Nhẫn nhịn và chịu thiệt mang lại phúc báo đời người
Chính những ô trược nơi Ta-bà là chất liệu để dưỡng nuôi Bồ-tát đạo, cũng chính cõi người với tất cả những kém hèn và tật đố là địa hạt lý tưởng để thực hiện Bồ-tát hạnh. Bồ-tát không tìm cầu sự tịch tĩnh trong chốn non cùng nước thẳm hay đằng sau những bức tường kín đáo của tu viện, Bồ-tát là bậc đi vào cuộc đời, lấy cuộc đời làm đạo tràng tu tập và hành hóa, lấy bốn pháp nhiếp phục chúng sanh làm phương tiện. Và bốn pháp nhiếp phục ấy chỉ mãi là lý thuyết nếu Bồ-tát không đặt chân vào chốn chợ đời.
Cũng chính vì chen lẫn trong nhân quần, thực hiện sự hóa độ theo những cách giản đơn nhất tùy thuận không gian và thời gian, Bồ-tát không biểu hiện theo một hình tướng cụ thể nào. Đó có thể là một người lui tới hóa độ ở những chốn tưởng chỉ có tệ nạn và sự trác táng như Duy Ma, có thể là một người trẻ tuổi như Thiện Tài, có thể là một người nữ như Thắng Man,… Hình tướng của họ có khác nhau, nhưng tất cả đều thể hiện lý tưởng và hành động không phân biệt của một vị Bồ-tát.
Những tháng ngày gần đây, khi cả thế giới như “ngừng lại” bởi đại dịch, cuộc sống của hàng triệu người, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khốn khó, lại càng trở nên bức bách, chúng ta cũng đồng thời chứng kiến biết bao hành động, nghĩa cử cao đẹp giữa người với người: bữa ăn miễn phí dành cho người bán vé số hay vô gia cư, những gói vật phẩm thiết yếu đặt trước cửa để sẻ chia với kẻ khó, những tấm biển thông báo miễn giảm tiền thuê trọ cho những công nhân, người lao động nghèo hay những thùng nước ngọt được chuyển đến người dân vùng hạn mặn miền Tây,… Có thể nói, tất cả những điều tưởng như đơn giản đó lại chính là biểu hiện cụ thể nhất của Bồ-tát hạnh, biểu hiện ngay giữa đời thường đang bị bủa vây trong khổ nạn, chứ không phải ở nơi chốn xa xôi nào khác.
Hóa giải ác nghiệp trên nguyên tắc chữ Nhẫn của nhà Phật
Từ đất trỗi dậy
Nhưng tại sao các vị Bồ-tát của cõi Kham nhẫn này lại trỗi dậy từ đất?
Phải chăng bởi đại địa này chính là mạch nguồn nuôi dưỡng muôn loài, trong đó có cả con người?
Từ xa xưa, đất đã hiện diện xuyên suốt trong huyền thoại và kinh điển của mọi nền văn hóa trên thế giới. Thần thoại Hy-lạp kể về việc con người được Prometheus nặn nên từ bùn đất, người Do Thái ghi lại trong Sáng Thế ký việc Thiên Chúa Jehovah sáng tạo con người từ bụi đất, hay huyền thoại Trung Hoa thuật lại chuyện Nữ Oa lấy bùn sông Hoàng Hà nặn nên con người,… Cứ như vậy, đất có mặt trong huyền sử như yếu tố quan trọng bậc nhất khởi nguồn cho sự sống.
Đất cũng xuất hiện trong chuyện kể và những kinh văn của đạo Phật. Đất chứng tri cho quả vị Vô thượng của Đức Thích Tôn khi Ngài chạm tay lên trong giờ phút Thành đạo, đất in dấu chân trần không mỏi mệt của Ngài trong suốt mấy mươi năm du hóa quần sinh. Tâm được ví như đất mà hành giả cần phải vun xới để gieo trồng hạt giống giác ngộ. “Đất cứng chắc sâu dày và có khả năng hàm chứa tất cả” - Trong kinh điển Đại thừa, chúng ta thấy hiện lên hình tượng của Bồ-tát Địa Tạng, vị Bồ-tát với chí nguyện rộng lớn, vững chãi và kiên trì như đất…
Trên hết, đất là biểu trưng cho sự lặng lẽ và ẩn tàng. Bên dưới đất sâu, bao nhiêu mạch nguồn âm thầm luân chuyển dưỡng nuôi cho sự sống, cất chứa vô số hạt giống cả tốt lẫn xấu, cả hoa thơm lẫn cỏ dại. Đất làm mục hoại những gì tàn lụi, cũ kỹ rồi chuyển hóa thành dưỡng chất tiếp tục nuôi nấng cuộc tồn sinh. Đất âm thầm làm công việc của mình, không lo âu, không dao động, không nắm giữ.
Phẩm hạnh của Bồ-tát cũng ví như đất, đi vào đời, len lỏi giữa đời và âm thầm làm những công việc cần thiết, bất kể sang hèn sướng khổ. Ngay trong đời thường, chúng ta có biết bao nhiêu những vị Bồ-tát. Đó có thể là những người sẵn sàng hiến cả công sức và tài sản của mình để cứu giúp cho tha nhân; hay những người sẵn sàng tìm tới những nơi hang cùng ngõ hẻm, chịu đựng đủ mọi khó khăn, thiếu thốn để đem tri thức tới cho những đứa trẻ; hoặc có thể là những bác sĩ đang ngày đêm đối đầu với hiểm nguy, hy sinh cả bản thân để cứu giúp cho người bệnh; những vị tu sĩ tìm tới chốn biên địa xa xôi để cùng sống, sẻ chia và vun trồng thiện pháp,… Hàng trăm hàng vạn cánh tay Bồ-tát như vậy ẩn hiện giữa đời để làm những việc lợi ích cho tha nhân. Chúng ta có thể biết tên hay không biết tên họ và ngay chính họ cũng không cần ai phải biết đến tên tuổi hay công việc của mình.
Nhẫn nhịn một chút mọi điều thuận hòa
Tất nhiên, mỗi người chúng ta có thể có một cách riêng để tri nhận hình tượng và lý tưởng của Bồ-tát, giáo nghĩa của kinh văn theo những chiều hướng khác nhau. Nhưng nói cho cùng, “Phật pháp bất ly thế gian giác”, nếu đem giáo pháp trói buộc trong giới hạn của kinh viện, giáo pháp sẽ mất đi sức sống và sự linh hoạt vốn có. Đặt giáo pháp vào trong cuộc đời, trong dòng tương tục của sự sống không ngừng nghỉ, con người có cơ hội hiểu được giáo pháp một cách sâu rộng và gần gũi. Cũng vậy, chúng ta chẳng thể hiểu được lý tưởng và hành động của Bồ-tát nếu chúng ta tách rời tất cả khỏi cuộc đời, bởi như đã nói, chính cuộc đời với đủ mọi thống khổ, trầm luân là môi trường thích đáng để thực hiện lý tưởng và hành động của Bồ-tát.
Các Đại sĩ trong chúng hội Pháp hoa thuở xưa từng ngạc nhiên khi thấy hằng sa các vị Bồ-tát hiện lên từ đất, chúng ta hôm nay cũng không thể thấy và biết hết được hằng sa các vị Bồ-tát đang đi đến giữa cuộc đời. Lặng lẽ và âm thầm, Bồ-tát đã và đang có mặt ở mọi ngóc ngách trong cõi đất mang tên Kham nhẫn.
Và quốc độ ấy dẫu đầy gió bụi nhưng cũng là nơi ẩn chứa vô số tuyệt kỳ.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Trăm năm thoáng chốc mộng nhân sinh
Góc nhìn Phật tử 19:00 31/10/2024Gom lấy trăm năm đổi tình, tiền/ Lòng trần được mấy phút an yên? / Lợi danh rồi cũng vô thường mất/ Để cả hư tâm gánh muộn phiền...
Nguyện ước của mẹ
Góc nhìn Phật tử 17:59 31/10/2024Mẹ tôi lúc sinh tiền thường tỏ bày với con cháu 3 nguyện ước: 1. Trước khi chết, mẹ không bị bệnh hoạn phải làm khổ con cháu. 2. Ngày giỗ của mẹ, con cháu có mặt đông đủ. 3. Khi mẹ chết thì đem chôn chứ không hỏa táng.
Vì sao Phật và Bồ tát không còn giới nam hoặc giới nữ?
Góc nhìn Phật tử 10:35 31/10/2024“Bồ Tát không phải nam, cũng không phải nữ, Ngài ứng hiện vô số hoá thân để cứu độ chúng sinh tuỳ theo nỗi lời cầu nguyện” – Kinh Phổ Môn; cũng vậy, theo Tỳ kheo Thích Pháp Hoà: “Phật là bản tính giác ngộ chứ không phải tướng nam".
Truyện ngắn: “Vòng đời của chiếc lá”
Góc nhìn Phật tử 06:35 31/10/2024Mùa xuân, những chồi non hồng hào lại nhú lên thật tươi mát và đẹp đẽ. Hạ cánh trên một cành đầy nụ biếc, tôi bỗng nghe thật dịu dàng tiếng cây mẹ thô ráp, đen đúa, xù xì đang thầm trò chuyện với những chồi lá non tơ xinh xắn.
Xem thêm