Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 17/10/2018, 16:30 PM

Hành trạng về Thiền sư Từ Đạo Hạnh qua Thiền Uyển Tập Anh

Qua tác phẩm Thiền Uyển Tập Anh chúng ta thấy hành trạng Thiền sư Từ Đạo Hạnh được phân làm ba thời kỳ khá rõ ràng; Thuở thiếu thời, thời kỳ tu luyện pháp thuật trả thù cho cha, thời kỳ giác ngộ đạo Phật và hành đạo theo giáo lý đạo Phật.

Dẫn nhập

Theo các nhà nghiên cứu Thiền Uyển Tập Anh (Anh tú vườn Thiền) là cuốn sử học Phật giáo đầu tiên của Việt Nam.Tác phẩm đề cập tới tiểu sử 68 vị Thiền sư tiêu biểu của dòng Thiền Kiến Sơ và dòng Thiền Pháp Vân, đồng thời cung cấp danh sách 05 thế hệ của dòng Thiền Thảo Đường tại Việt Nam. Trong bài viết ngắn này, chúng tôi tập trung khảo sát nghiên cứu về hành trạng Thiền sư Đạo Hạnh (道行禅師), thuộc thế hệ thứ 12, dòng Thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi trên phương diện văn bản học.

1. Thiền sư Từ Đạo Hạnh qua các bản in Thiền Uyển Tập Anh

Nghiên cứu về Thiền sư Đạo Hạnh, chúng tôi sử dụng nguồn tư liệu ngay trong tác phẩm Thiền Uyển Tập Anh. Nhưng tác phẩm lại có nhiều bản in và mỗi bản có những sự ưu khuyết khác nhau, vậy nên lấy bản in nào làm nguồn tư liệu chính không phải điều dễ chọn.

Lê Mạnh Thát trong tác phẩm “Nghiên cứu về Thiền Uyển Tập Anh” liệt kê các truyền bản sau: - Truyền bản đời Trần: Ra đời vào khoảng năm 1337, chưa khẳng định được tác giả.

- Truyền bản đời Hồ: Bước sang thế kỷ thứ 15, khi Hồ Quý Ly lên nắm quyền thì tác phẩm vẫn được phổ biến rộng rãi, khi quân Minh sang xâm lược nước ta (1407), tác phẩm đã bị chúng thu gom lại và sau này dùng một phần để viết “An Nam chí nguyên”.

- Truyền bản 6 quyển: Nhìn chung về cơ bản vẫn giống bản đời Trần nhưng được chia làm 6 phần nên Phan Huy Chú cho rằng có 6 quyển.

- Truyền bản đời Lê sơ: Nhìn chung sử học Phật giáo thời kỳ này được giới trí thức quan tâm nên tác phẩm được phổ biến khá rộng rãi. Tác phẩm in năm 1715, đây là bản in xưa nhất hiện còn, gồm 72 tờ, mỗi tờ 2 trang, mỗi trang 11 dòng, mỗi dòng 17 chữ. Chữ in khá đẹp, gồm 2 loại, loại chữ cỡ lớn dùng để in chính văn, cỡ chữ nhỏ dùng để in chú thích. Sách chia làm 02 quyển, gọi là Thiền Uyển Tập Anh Ngữ Lục quyển hạ. Quyển thượng nói về dòng Thiền Kiến Sơ. Quyển hạ nói về dòng Thiền Pháp Vân và danh sách các Thiền sư dòng Thiền Thảo Đường.

- Truyền bản đời Lê II: Sách có 74 tờ, mỗi tờ 2 trang, mỗi trang 11 dòng, mỗi dòng 16 chữ, chữ in chân phương dễ đọc. Sách đã được nhập vào kho sách của Trường Viễn Đông Bác Cổ (VĐBC), với ký hiệu A.1782 và được truyền lại cho đến ngày nay. Bản Lê II đã hiệu chỉnh và bổ sung những chữ thiếu đối với bản Lê I.

- Truyền bản đời Nguyễn: Có tên là “Truyền đăng ngũ quyển tân tự” hay còn gọi là “Đại Nam Thiền uyển truyền đăng tập lục” do An Thiền tức Phúc Điền Hòa thượng, trụ trì chùa Đại Giác ở Bồ Sơn, Tp.Bắc Ninh thực hiện, in năm 1858. Về nội dung, truyền bản đời Nguyễn cơ bản là vẫn giống với bản đời Lê I và Lê II. Nhưng nó có hai sự xuất nhập sau:

Một là nó hoàn toàn thay đổi truyện của Thiền sư Dương Không Lộ bằng một nội dung mới, khác với bản đời Lê I và Lê II.

Hai là thiếu truyện của Thiền sư Nguyễn Minh Không, thế hệ thứ 13 dòng Thiền Pháp Vân. Đồng thời, mất một nửa truyện của Thiền sư Viên Chiếu.

- Bản chép tay A.2767. Bản này do Trường VĐBC thuê người chép lại bản đời Nguyễn, sau đó dùng vi phim chụp lại trước khi rời Hà Nội vào năm 1954. Do là bản sao của bản đời Nguyễn nên nó cũng mang đầy đủ những thiếu sót như bản đời Nguyễn. Thậm chí vì để được trả nhiều tiền hơn, người chép đã tự ý thêm chữ vào, khiến cho sau này nhiều nhà nghiên cứu và dịch giả bị lầm. Bởi vậy, nó không đáng tin cậy.

Tuy Lê Mạnh Thát có liệt kê ra 8 bản như vậy nhưng truyền bản đời Trần, đời Hồ, đời Lê sơ và bản 6 quyển của Phan Huy Chú nói tới, ngày nay đã hoàn toàn tán thất. Bởi vậy, về nguồn tư liệu, người viết quyết định chọn truyền bản đời Lê I (1715) làm bản đáy rồi tham khảo thêm bản Lê II và các bản còn lại cũng như các tài liệu có liên quan khác. Vì truyền bản đời Nguyễn có một số thiếu sót quan trọng như đã nói ở trên. Còn bản Lê II tuy có ưu điểm là sửa lại những chỗ sai và thiếu của bản Lê I nhưng vì nó ra sau và không phải lúc nào nó cũng đúng cả. Đồng thời, nó đã có sự pha tạp làm mất đi khá nhiều độ tin cậy. Ví dụ ở tờ 7, 8, 9 nó đã khắc chân dung và tiểu sử ba vị Tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

2. Những nghiên cứu về Thiền sư Từ Đạo Hạnh
2.1.Việc đi Ấn Độ cầu pháp

Trong chính văn Thiền Uyển Tập Anh truyện của ba nhân vật là Dương Không Lộ (空露), Nguyễn Giác Hải (覺海), Từ Đạo Hạnh (道行) không hề nói cùng nhau đi cầu pháp ở Ấn Độ như những gì mà phụ lục và chú thích đã nói. Để lý giải việc này, chúng ta đi vào tìm hiểu như sau:

Trong phần truyện của Dương Không Lộ thì chỉ nói ngài đi cùng Nguyễn Giác Hải ra nước ngoài sam học và đến xứ Kim xỉ xưa (vùng Vân Nam Trung Quốc ngày nay), do vì đường xá hiểm trở liền không đi nữa, đến chùa Hà Trạch, y vào Thiền sư Lôi Hà Trạch ẩn tu một thời gian ở đây, chứ không hề nói gì đến Từ Đạo Hạnh. Vì vậy, trong Thiền Uyển Tập Anh đã viết: “…Chương Thánh Gia Khánh trung dữ Giác Hải vi đạo hữu giai du phương ngoại lịch chí Hà Trạch tự…彰聖嘉慶中 與覺海道友偕遊方外替至荷澤寺...”.2 Đồng thời, trong truyện của Giác Hải cũng chỉ nói: mới đầu ngài và ngài Không Lộ đều thờ Thiền sư Hà Trạch làm thầy. Sau đó Giác Hải lại kế thừa dòng pháp của ngài Không Lộ nên trong Thiền Uyển Tập Anh đã viết: “… sơ dữ Không Lộ câu sự Hà Trạch…初與 空路俱事荷澤…”3.

Như vậy, qua hai truyện của hai người mà chúng ta thường cho là cùng đi Ấn Độ học đạo với Từ Đạo Hạnh thì không nói gì về ngài Đạo Hạnh. Tại sao truyện của ngài Không Lộ có nhắc tới ngài Giác Hải và truyện của ngài Giác Hải có nói đến ngài Không Lộ, còn về ngài Đạo Hạnh lại không hề được nói tới một chút nào? Đồng thời, chính phần truyện của ngài Đạo Hạnh trong Thiền Uyển Tập Anh cũng không nói tới việc ngài cùng với Không Lộ và Giác Hải đi ra nước ngoài học đạo, mà chỉ nói ngài đi một mình, đến xứ Kim xỉ do vì đường xá hiểm trở liền quay về ẩn tu trong động núi Từ Sơn (nay là núi Sài Sơn, huyện Quốc Oai), Hà Nội chuyên tâm trì tụng Đại Bi Tâm Đà La Ni … Thiền Uyển Tập Anh viết về việc này như sau: “… Dục vãng Ấn Độ cầu linh dị thuật kháng Điên đồ, chí Kim xỉ man trở hiểm, nhi hoàn ư Từ Sơn nham nội ẩn yên, nhật thường chuyên trì Đại bi tâm Đà - la - ni … 欲往印度求靈異術抗顛塗至金 齒蠻阻險而還乃於慈山岩内隐焉日常專持大悲心 陀羅尼...”4.

Bản trùng khắc Đại Nam Thiền Uyển Tập Anh Truyền Đăng Tập Lục (大南禅婉集英傳登集綠) quyển thượng, đời Nguyễn do An Thuyền chủ trì. Tờ 20a6 - 22a9 có nói tới việc Không Lộ - Giác Hải - Đạo Hạnh kết làm bạn hữu. Nhưng qua nội dung truyện, chúng tôi thấy có sự lộn xộn, không tin tưởng được.
 
Từ Đạo Hạnh Đại Thánh Sự Tích Thực Lục (徐道行大聖事跡實錄), chép phụ vào Việt Điện U Linh Tập, tờ 221 - 225 lại nói Từ Đạo Hạnh đi ra nước ngoài học đạo cùng với Minh Không và Giác Hải chứ không phải là Không Lộ. Nhưng khi xét truyện của ngài Minh Không trong Thiền Uyển Tập Anh lại không thấy nói đến việc này, mà lại nói rõ Nguyễn Minh Không là đệ tử của Từ Đạo Hạnh, đã từng thị giả ngài Đạo Hạnh 17 năm trời (có tài liệu nói 19 năm), ngài Đạo Hạnh khen là người có chí và đặt tên là Minh Không. Đồng thời, còn nói rõ là mình (tức Từ Đạo Hạnh) do hạnh nguyện nên sẽ tái sinh làm người, giữ ngôi quốc chủ, mắc bệnh hiểm nghèo lúc đó hãy đến cứu giúp. Vì vậy, trong Thiền Uyển Tập Anh viết: “… Thiên Phúc Tự, Từ Đạo Hạnh Thiền sư hành phục ứng cấp thị lịch thập thất niên nẫm, Hạnh tương kì hữu chí, thâm vi ấn khả thả tứ danh yên. Cập tương tạ thế vị sư viết: “Tích ngô thế tôn đạo quả ký viên, do hữu kim xả chi báo, huống vi mạt pháp công vi, khởi năng tự bảo ngã. Kim do hiện thế gian, tại nhân vương vị, lai sinh bệnh trái, quyết định nan tổn. Ư nhữ hữu duyên vi tư tương cứu ... 天福寺徐道行禪師 行服應給侍歷十七年稔行獎其有至深為印可且賜 名焉及將謝世謂師曰昔吾世尊道果既圓猶有金捨 之報况於末法公微豈能自保我今猶現世間在人王 位來生病債決定難逊於汝有緣為緦相救...”5. Điều này chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng được vì ngài Nguyễn Minh Không (1066 - 1141), trong khi đó ngài Đạo Hạnh (? - 1117), tức là Từ Đạo Hạnh sinh trước ngài Minh Không và viên tịch trước 24 năm.

Những dẫn chứng trên cho thấy ngài Đạo Hạnh không đi cùng với ngài Không Lộ và Giác Hải ra nước ngoài sam học, mà Ngài chỉ đi có một mình, khi đến Kim xỉ thì quay về núi Từ Sơn ẩn tu.

2.2. Việc trì tụng thần chú Đại bi

Các tài liệu liên quan cho biết ngài Từ Đạo Hạnh là người thôn Đồng Bụt, huyện Yên Sơn, tỉnh Sơn Tây. Cha là Từ Vinh, mẹ là Tăng Thị Loan. Từ Vinh làm quan đến chức Tăng quan Đô án nhưng lại dùng tà thuật làm mất lòng Diên Thành Hầu (em trai vua Lý Nhân Tông) nên bị Diên Thành Hầu nhờ pháp sư Đại Điên đánh chết, vứt xác xuống sông Tô Lịch. Ngài Đạo Hạnh vì muốn báo thù cho cha nên đã tìm đường sang Ấn Độ học phép thuật để về chống lại Đại Điên. Song đi đến sứ Kim xỉ vì đường xa và hiểm trở nên Ngài liền quay về núi Từ Sơn ẩn tu và chuyên trì tụng thần chú Đại Bi Tâm Đà La Ni đủ 10 vạn 8 ngàn biến thì thấy thần nhân hiện ra, biết là đạo lực đã linh nghiệm có thể đi giết Đại Điên để báo thù…

Như vậy một vấn đề nữa cần được làm sáng tỏ ở đây, đó là ngài Từ Đạo Hạnh đến sứ Kim xỉ học được những gì? Có đúng là Ngài được truyền thụ pháp trì tụng Đại Bi Tâm Đà La Ni không?

Theo người viết, việc ngài Đạo Hạnh đi Ấn Độ học phép thuật linh dị để về giết Đại Điên báo thù cho cha là một hành động có thể chấp nhận được dưới góc độ tư duy của một người thế tục, vì lúc đó Ngài chưa gặp được Phật pháp, chưa tu học theo giáo lý đạo Phật. Nếu chúng ta cho rằng Ngài được truyền thụ pháp trì tụng Đại Bi Tâm Đà La Ni rồi sau đó về núi Từ Sơn tu luyện đến độ đắc đạo và mang pháp đó đi giết người thì điều đó hoàn toàn trái với tinh thần từ bi của đạo Phật, của thần chú Đại Bi Tâm Đà La Ni.

Coi kẻ oán cũng như ruột thịt Thả thuyền từ cứu vớt si mê. (Chưa nói đến việc cha Ngài đã dùng tà thuật tạo ra một tội rất lớn đối với một vị vương quan thời phong kiến thì bị trừng phạt thì đó là chuyện dễ hiểu).

Vì vậy, người viết cho rằng ngài Đạo Hạnh chỉ học được một pháp thuật nào đó của người xứ Kim xỉ, rồi quay về núi Từ Sơn tu luyện, đến khi trả được thù rồi thì chí tâm tu học theo đạo Phật. Điều này sẽ được tác giả phân tích kỹ hơn trong phần sau.

2.3. Việc ngộ đạo của Thiền sư Từ Đạo Hạnh

Qua tác phẩm Thiền Uyển Tập Anh chúng ta biết ngài Từ Đạo Hạnh sau khi trả thù cho cha xong liền đi khắp nơi tìm thầy ấn chứng. Khi nghe danh Thiền sư Kiều Trí Huyền đang hóa đạo ở Thái Bình liền đến tham yết, trình hỏi chân tâm bằng một bài kệ:

“Lâu lẫn bụi đời chửa biết vàng
Chẳng hay đâu chốn ấy lòng chân
Nguyện xin chỉ rõ bày phương tiện
Thấy trọn như như khỏi nhọc tìm”.
Kiều Trí Huyền đáp lại bằng bài kệ:
“Tiếng ngọc lặng đưa lời nhiệm màu
Ở trong tỏ rõ ý thiền nao
Bồ đề đạo đó hà sa cõi
Muốn tới còn xa mấy vạn sào”.

Sư mù mịt không hiểu, mới đến giảng hội của Sùng Phạm ở chùa Pháp Vân (Bắc Ninh) hỏi: “Thế nào là chân tâm?”.

Phạm liền hỏi lại: “Cái gì chẳng phải là chân tâm?”.

Sư tỉnh ngộ, nói: “Làm thế nào bảo đảm?”.

Phạm đáp: “Đói ăn, khát uống”.

Sư lễ tạ, từ giã ra đi. Từ đấy pháp lực thêm lớn, duyên thiền càng thục, có thể sai rắn núi, thú rừng, cùng nhau đến thuần phục. Sư đốt tay cầu mưa, đọc chú dùng nước chữa bệnh, không gì là không tức khắc ứng nghiệm6.

“…遍歷叢林訪求印證聞喬智玄於太平化導躬往 掺謁且呈問真心偈云久混凡塵未識金不知何處是 真心願垂指的開方便了見如如断苦尋喬答偈云玊 裏秘聲演妙音箇中满目露禅心河沙境是菩提道疑 向菩提隔萬尋師茫然不契遂之法雲崇範會下問云 如何是真心範云阿那那箇不是真心師豁爾自得云 如何保任範云飢飧渴飲師礼拜辞而退自是法力有 加禅緣愈熟能使山陀野獸群来馴擾燃指禱霖咒水 治病無不立驗…”7.

Qua đoạn chính văn trên chúng ta thấy rõ là sau khi trả thù cho cha xong, ngài Đạo Hạnh đi tìm thầy ấn chứng cho sự giác ngộ của mình nhưng khi được Thiền sư Kiều Trí Huyền khai thị cho thì lại mù mịt không hiểu gì cả. Chỉ đến khi được Thiền sư Sùng Phạm tiếp tục khai thị cho thì Ngài mới ngộ đạo và từ đó đạo lực ngày càng lớn, duyên thiền càng thục. Điều này, theo tác giả nó đồng nghĩa với việc trước đó Thiền sư Đạo Hạnh tu chưa đúng với tinh thần giáo lý đạo Phật, chưa phải là người trì tụng thần chú Đại Bi Tâm Đà La Ni của đạo Phật đến độ linh diệu, cảm ứng đến các vị Hộ pháp Thiện thần nên đưa đến kết quả là ngài chưa hề ngộ đạo.

Một người trì tụng Đại Bi Tâm Đà La Ni đến 10 vạn 8 nghìn biến, khiến các vị Hộ pháp Thiện thần hiện thân để hộ trì, thế mà khi nghe một bài kệ khai thị lại mù mịt không hiểu gì cả thì liệu có đúng không?

Tuy trong Thiền Uyển Tập Anh không có rõ ràng cụ thể nhưng dựa vào sử liệu Phật giáo Ấn Độ, người viết cho rằng khi ngài Đạo Hạnh đến sam học với ngài Sùng Phạm, ngoài việc khai thị ra, ngài Sùng Phạm đã truyền pháp tu Mật tông cho ngài Đạo Hạnh. Vì ngài Sùng Phạm đã từng sang Ấn Độ tu học 09 năm và thời gian ngài tu học ở Ấn Độ chính là giai đoạn Phật giáo Mật tông đang phát triển cực thịnh ở Ấn Độ. Do đó, chắc chắn ngài đã học được phương pháp tu tập của Mật tông và truyền lại cho ngài Đạo Hạnh. Ngài Đạo Hạnh vốn đã có sẵn nhân duyên với việc trì tụng thần chú nay lại được ngài Sùng Phạm truyền cho pháp tu Mật tông nên việc tu học và hóa độ chúng sinh ngày càng linh nghiệm.

Như vậy, theo tác giả tiến trình ngộ đạo của Thiền sư Đạo Hạnh là ở tại Việt Nam và do ngài Sùng Phạm khai thị, truyền dạy chứ không phải là một bà lão nào truyền trao như trong Từ Đạo Hạnh đại thánh sự tích thực lục do “Đạo nhân tam quán Tam Thanh” chép phụ vào Việt Điện U Linh tập tờ 221-225 thuật.

3. Thử bàn lại về hành trạng Thiền sư Từ Đạo Hạnh

Từ trước đến nay chúng ta vẫn thường hiểu rằng ngài Không Lộ - Giác Hải - Đạo Hạnh cùng đi ra nước ngoài học đạo và sau khi học đạo về, ngài Đạo Hạnh liền ẩn tu ở núi Từ Sơn (chùa Thầy ngày nay) chuyên tâm trì tụng thần chú Đại Bi đến 10 vạn 8 nghìn biến thì có phép thuật nhiệm màu, giết chết được pháp sư Đại Điên trả thù cho cha… Nhưng sau khi nghiên cứu một số tài liệu liên quan, tác giả thấy việc này có một số điểm chưa rõ ràng, xin trình bày ra đây để mọi người cùng tham khảo và cho ý kiến một cách khách quan nhất.

Trước hết là chuyện ngài Đạo Hạnh có cùng với ngài Không Lộ và Giác Hải đi ra nước ngoài sam học hay không?

Về vấn đề này, như ở những phần trên, tác giả đã trình bày: trong phần truyện của ngài Không Lộ thì chỉ nói Ngài đi cùng Giác Hải ra nước ngoài sam học và đến xứ Kim xỉ xưa (vùng Vân Nam Trung Quốc ngày nay) thì do vì đường xá hiểm trở liền không đi nữa, đến chùa Hà Trạch (Trung Quốc), y vào Thiền sư Lôi Hà Trạch ẩn tu một thời gian ở đây, chứ không hề nói gì đến ngài Đạo Hạnh.

Đồng thời, trong chuyện về ngài Giác Hải cũng chỉ nói mới đầu Giác Hải và Không Lộ đều thờ Thiền sư Hà Trạch làm thầy. Sau đó ngài Giác Hải lại kế thừa dòng pháp của ngài Không Lộ.

Như vậy, là qua hai chuyện của hai người mà chúng ta cho là cùng đi Thiên Trúc học đạo với ngài Đạo Hạnh thì không nói gì về ngài Đạo Hạnh. Tại sao chuyện của ngài Không Lộ có nhắc tới ngài Giác Hải và truyện của ngài Giác Hải có nói đến ngài Không Lộ, còn về Từ Đạo Hạnh lại không hề được nói tới một chút nào? Đồng thời, chính phần truyện của ngài Đạo Hạnh trong Thiền Uyển Tập Anh cũng không nói tới việc Ngài cùng với Không Lộ và Giác Hải đi ra nước ngoài học đạo, mà chỉ nói Ngài đi một mình, đến xứ Kim xỉ thấy đường xá hiểm trở liền quay về ẩn tu trong động núi Từ Sơn chuyên tâm trì tụng Đại Bi Tâm Đà La Ni.

Bản trùng khắc Đại Nam Thiền Uyển Tập Anh Truyền Đăng Tập Lục quyển thượng (đời Nguyễn) do An Thuyền chủ trì. Tờ 20a6 - 22a9 có nói tới việc Không Lộ - Giác Hải - Đạo Hạnh kết làm bạn hữu, đi học đạo. Nhưng qua nghiên cứu, tác giả thấy lộn xộn và đầy yếu tố thần thánh, kỳ quái nên không thể tin tưởng được8.

Từ Đạo Hạnh Đại Thánh Sự Tích Thực Lục, chép phụ vào Việt Điện U Linh Tập, tờ 221 - 225 lại nói ngài Đạo Hạnh đi ra nước ngoài học đạo cùng với Minh Không và Giác Hải chứ không phải là Không Lộ. Nhưng khi xét chuyện của ngài Minh Không trong Thiền Uyển Tập Anh lại không thấy nói đến việc ngài Đạo Hạnh, Giác Hải, Minh Không cùng đi ra nước ngoài học đạo, mà lại nói rõ Minh Không là đệ tử của ngài Đạo Hạnh, đã từng thị giả ngài 17 năm trời. Ngài Đạo Hạnh khen có chí và đặt tên là Minh Không. Đồng thời, còn nói rõ là mình do hạnh nguyện nên sẽ tái sinh làm người, giữ ngôi quốc chủ, mắc bệnh hiểm nghèo lúc đó hãy đến cứu giúp.

Như vậy qua các dẫn chứng ở trên ta thấy ngài Đạo Hạnh không đi cùng với ngài Không Lộ và Giác Hải ra nước ngoài sam học, mà Ngài chỉ đi có một mình, khi đến xứ Kim xỉ thì do vì đường xá hiểm trở liền quay về núi Từ Sơn ẩn tu.
 
Vậy vấn đề cần làm sáng tỏ ở đây là ngài Đạo Hạnh đã học được gì khi đi sam học và trong thời gian ẩn tu ở núi Từ Sơn, Ngài tu theo phương pháp nào? Thiền Uyển Tập Anh và các tài liệu liên quan đều nói Ngài trì tụng thần chú Đại bi đến 10 vạn 8 ngàn biến thì có được phép thuật nhiệm màu. Ngược lại trong sự tích về đức Thánh Từ ở chùa Đồng Bụt, Quốc Oai, Hà Nội, thì lại nói Ngài tu tiên trên núi Từ Sơn rồi sau khi trả thù xong mới đi tầm sư học đạo. Vậy đâu là đúng? Theo tác giả thì thuyết ở chùa Đồng Bụt nghe có lý hơn. Vì nếu đã là thần chú của nhà Phật thì không có chuyện giúp cho Ngài làm việc ác giết người, ngay cái tên của bài chú đã nói lên điều đó: Thế nào là tâm đại bi? Hơn nữa lúc đó Ngài chưa là đệ tử của Thiền sư nào, vậy ai là người truyền dạy chú Đại bi cho Ngài? Mặc dù trong "Từ Đạo Hạnh đại thánh sự tích thực lục" do “Đạo nhân tam quán Tam Thanh” chép phụ vào Việt Điện U Linh tập tờ 221 - 225, có nói tới việc Ngài cùng với Giác Hải, Minh Không đi ra nước ngoài học phép thuật và Ngài được một bà lão dạy cho một ít phép thuật9. Nhưng qua cốt truyện, tác giả thấy đây là một truyện bị pha trộn nhiều yếu tố tín ngưỡng dân gian, không đúng với tinh thần giáo lý đạo Phật nên không thể cho là sử học Phật giáo được. Ngược lại, tuy các tài liệu có tính sử học đều không nói Ngài đã học được phép thuật gì khi đi sam học nhưng đã cho chúng ta biết là Ngài đã đến xứ Kim xỉ. Theo Lê Mạnh Thát “Mọi răng vàng hay Kim xỉ man là tên một dân tộc ít người, vào đời Đường thì đang còn ở phần đất thuộc vương quốc Pyu, nhưng đến đời Nguyễn và cho đến nay thì phần đất ấy thuộc tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Gọi là mọi răng vàng vì dân tộc ấy dùng vàng lá mà trang sức răng mình, “khi ăn lấy ra”. Họ có nhiều giống, mà Tân đường thư 222 hạ tờ 15b - 16a liệt ra giống Tú cước, giống Tú diện, giống Điêu đề, giống Xuyên tỷ. An nam chí lược 1 tờ 19 nói “Đà Giang Lộ tiếp giáp với Kim xỉ”. Kim xỉ đây đương nhiên là Kim xỉ man ...”.10 Nếu như vậy thì Ngài mới chỉ vượt qua biên giới nước ta thời đó thôi và sau đó quay về ẩn tu ở núi Từ Sơn một thời gian mới đủ sức đánh thắng Đại Điên Pháp sư. Và như chúng ta đã biết trong bài kệ của Ngài trình Kiều Trí Huyền Thiền sư đã thể hiện rõ sự chưa giác ngộ của Ngài.

Nếu như Ngài đã trì tụng thần chú Đại bi đến 10 vạn 8 ngàn biến như vậy rồi thì chắc chắn sẽ được đức Quan Âm Đại Sĩ thị hiện khai thị đâu để cho Ngài lấy oán thù báo oán thù, trái với giáo lý đạo Phật như vậy.

Vì vậy, theo tác giả có khả năng khi đến xứ Kim xỉ, ngài Đạo Hạnh đã học được một chú thuật nào đó của ngoại đạo rồi sau đó quay về ẩn tu ở núi Từ Sơn để tu luyện …Và người biên soạn Thiền Uyển Tập Anh lần đầu vào năm 1337 cũng như các sách sau đó nhầm với chú Đại bi của đạo Phật chăng? Trên đây chỉ là quan kiến của tác giả, kính mong Chư tôn thiền đức và các bậc thức giả, quan tâm nghiên cứu làm sáng tỏ vấn đề, trả lại sự trong sáng cho Phật giáo và Mật giáo.

Kết luận

Có thể nói, theo các nghiên cứu trước, đã có nhiều tài liệu viết về sự du nhập và phát triển của Phật giáo Việt Nam từ thế kỷ thứ VI đến thế kỷ thứ XIII nhưng nổi bật nhất là tác phẩm Thiền Uyển Tập Anh. Tác phẩm này được coi là một cuốn lịch sử Phật giáo Việt Nam sớm nhất, ghi lại tiểu sử 68 vị Thiền sư tiêu biểu của dòng Thiền Pháp Vân (Tỳ Ni Đa Lưu Chi) và dòng Thiền Kiến Sơ (Vô Ngôn Thông) cũng như danh sách 05 đời dòng Thiền Thảo Đường tại Việt Nam.

Như chúng ta đã biết, thần chú Đại Bi Tâm Đà La Ni hay còn gọi là Thiên Thủ Thiên Nhãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni, là một bài chú nổi tiếng trong đạo Phật. Vì vậy, đối với Phật giáo Việt Nam từ xưa đến nay, thần chú Đại Bi Tâm Đà La Ni được trì tụng ở hầu hết các khóa lễ, từ thời khóa công phu hàng ngày cho đến các khóa lễ cầu an, cầu siêu. Trong quá trình hoằng dương Phật pháp - lợi lạc quần sinh, đôi khi chư vị Bồ tát, chư vị Tổ sư cũng sử dụng nhiều phương tiện thiện xảo để khai thị, đưa chúng sinh vào đạo. Song, có một chân lý bất biến đó là dù sử dụng phương tiện như thế nào đi nữa cũng không được đánh mất tinh thần từ bi cứu khổ, giải thoát giác ngộ của đạo Phật. Bởi vậy, việc ngài Đạo Hạnh dùng thần chú Đại Bi Tâm Đà La Ni đi giết người để trả thù cho cha liệu có đúng không?

Qua tác phẩm Thiền Uyển Tập Anh chúng ta thấy hành trạng Thiền sư Từ Đạo Hạnh được phân làm ba thời kỳ khá rõ ràng; Thuở thiếu thời, thời kỳ tu luyện pháp thuật trả thù cho cha, thời kỳ giác ngộ đạo Phật và hành đạo theo giáo lý đạo Phật.

Nhân vật và các tác phẩm văn học hay sử học thời phong kiến thường bị ảnh hưởng, chi phối bởi môi trường sống, thể chế chính trị và tín ngưỡng dân gian của thời đại đó. Thời Lý là thời thực thi tư tưởng “Tam giáo đồng nguyên”, các vua thời Lý bên cạnh việc tôn kính Phật giáo cũng rất sùng kính Đạo giáo, một đạo thiên về bùa chú, phép thuật. Vì vậy, tiểu sử (hành trạng) của một số vị Thiền sư được chép trong Thiền Uyển Tập Anh bị ảnh hưởng bởi các yếu tố trên là điều dễ hiểu.

Việc thần thánh hóa, kỳ quái hóa đôi khi làm sự thật bị bóp méo, người sau khó xác định cho đúng chính pháp. Vì Phật giáo từ Trung Quốc khi du nhập và tiếp biến tại Việt Nam có sự hòa trộn với tín ngưỡng dân gian và văn hóa bản địa. Bởi vậy, người viết nghiên cứu về Thiền sư Từ Đạo Hạnh qua tác phẩm Thiền Uyển Tập Anh những mong đánh giá lại một số nghi vấn nhằm xác định tính xác thực về vấn đề cường điệu thần thông màu nhiệm. Qua đây, những mong trạch vấn lại các vấn đề trước đây để việc tu tập Tông phái được điều chỉnh theo hướng sát với giáo lý đạo Phật.

Thích Minh Thuận (1)
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 9/2018
-
CHÚ GIẢI:
(1) Trụ trì chùa Bảo Ngạn, tỉnh Phú Thọ.
(2) 禪苑集英 tờ 24a9 - 10. Vĩnh Thịnh 1715.
(3) 禪苑集英 tờ 33b10. Vĩnh Thịnh 1715.
(4) 禪苑集英 tờ 54a5 - 6. Vĩnh Thịnh 1715.
(5) 禪苑集英tờ 59b4 - 9. Vĩnh Thịnh 1715.
(6) Lê Mạnh Thát (1999), Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, Nxb TP. Hồ Chí Minh, tr.273.
(7) Lê Mạnh Thát (1999), sđd, tr.732 - 733.
(8) Lê Mạnh Thát (1999), Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, Nxb TP. Hồ Chí Minh, tr.423 - 430.
(9)Lê Mạnh Thát (1999), Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, Nxb TP. Hồ Chí Minh, tr.556 - 561.
(10) Lê Mạnh Thát (1999), sđd, tr.550.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- A2767, Trùng Khắc Đại Nam Thiền Uyển Truyền Đăng Tập Lục Quyển Thượng, Viện Nghiên Cứu Hán Nôm, Hà Nội.
- A3101, Sài Sơn Từ Thần Tăng Thực Lục, Viện Nghiên Cứu Hán Nôm Hà Nội.
- A3144, Thiền Uyển Tập Anh, Viện Nghiên Cứu Hán Nôm, Hà Nội.
- Ấn Thuận, Thích Hạnh Bình dịch (2014), Phật Giáo Và Cuộc Sống, Nxb Phương Đông.
- Hoàng Văn Lâu, Ngô Đức Thọ dịch (2017), Đại Việt Sử Ký Toàn Thư - Kỷ Thời Lý, Nxb Văn Học.
- Đặng Thị Phong Lan, Chùa Thầy - Sự Kết Hợp Hài Hòa Kiến Trúc Dân Gian Và Kiến Trúc Phật Giáo, Tạp Chí VHNT, tháng 4 năm 2012.
- Lê Mạnh Thát (1999), Nghiên Cứu Về Thiền Uyển Tập Anh, Nxb Tp. HCM.
- Phân VNCPHVN (2013), Thiền Uyển Tập Anh, Nxb Tôn Giáo.
- Thích Gia Quang, Chùa Thầy Và Thiền Sư Từ Đạo Hạnh, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học: Chùa Thầy Và Chư Thánh Tổ Sư. Hà Nội ngày 25/3/2012.
- Thích Giác Toàn, Chùa Thầy Vi Diệu, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học: Chùa Thầy Và Chư Thánh Tổ Sư. Hà Nội ngày 25/3/2012.
- Lê Đình Phụng, Đại thánh Từ Đạo Hạnh - Một hiện tượng văn hóa Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học: Chùa Thầy Và Chư Thánh Tổ Sư. Hà Nội ngày 25/3/2012.
- Nguyễn Đăng Duy (1999), Phật giáo với văn hóa Việt Nam, Nxb Hà Nội.
- Nguyễn Hữu Sơn, Thánh tổ Từ Đạo Hạnh trong bối cảnh Phật giáo thời Lý xứ Đoài, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học: Chùa Thầy Và Chư Thánh Tổ Sư. Hà Nội ngày 25/3/2012.
- Lê Đức Hạnh, Hành trạng Thiền sư Từ Đạo Hạnh: Hiện thực và huyền thoại, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học: Chùa Thầy Và Chư Thánh Tổ Sư. Hà Nội ngày 25/3/2012.
- Lê Thị Lan, Quan hệ giữa Phật giáo và triều đình thời Lý qua trường hợp thiền sư Từ Đạo Hạnh - Một cách giải huyền thoại, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học: Chùa Thầy Và Chư Thánh Tổ Sư. Hà Nội ngày 25/3/2012.
- Trần Đình Sơn, Dấu ấn Mật giáo trong bối cảnh Phật giáo thời Lý (1010 - 1225), Kỷ yếu Hội thảo Khoa học: Chùa Thầy Và Chư Thánh Tổ Sư. Hà Nội ngày 25/3/2012.
- Nguyễn Mạnh Cường, Từ Đạo Hạnh - Lý Thần Tông, từ sư đến vua, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học: Chùa Thầy Và Chư Thánh Tổ Sư. Hà Nội ngày 25/3/2012.
- Nguyễn Thị Dung - Trường Phong, Chùa Thầy và Thiền sư Từ Đạo Hạnh qua di sản văn Hán Nôm thời Lý - Trần, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học: Chùa Thầy Và Chư Thánh Tổ Sư. Hà Nội ngày 25/3/2012.
- Thích Hạnh Bình (2013), Nghiên Cứu Về 5 Việc Của Đại Thiên”, Nxb Phương Đông.
- Thích Thiền Tâm, Thích Giác Hải, Thích Đức Niệm dịch (2012), Kinh Đại Bi Sám Pháp, Đại Bi Tâm Đà La Ni, Quán Âm Xuất Tượng, Nxb Tổng Hợp Tp. HCM.
- Thích Trí Quảng (2008), Phật Giáo Nhập Thế Và Phát Triển, Nxb Tôn Giáo.
- Thích Tuyên Hóa (2006), Đại Bi Chú Giảng, Nxb Tôn Giáo.
- Thích Viên Thành (1998), Danh Thắng Chùa Thầy, Sở VHTT tỉnh Hà Tây.
- Thích Phước Đạt, Ý nghĩa yếu tố huyền thoại và hiện thực của đức Thánh tổ Từ Đạo Hạnh, tài liệu lưu hành nội bộ.
- Viên Trí (2011), “Khái niệm về Bồ tát Quán Thế Âm”, Nxb Tổng Hợp Tp. HCM.
- Thích Thanh Thắng, Hai sự kiện người “hóa hổ” xảy ra trong triều Lý, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học: Chùa Thầy Và Chư Thánh Tổ Sư. Hà Nội ngày 25/3/2012.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Mẫu hình người cư sĩ lý tưởng

Nghiên cứu 15:55 17/04/2024

Trong những chúng đệ tử Phật, thì chúng cư sĩ tại gia chiếm số lượng đông đảo và có những ảnh hưởng nhất định đối với diện mạo của Phật giáo nói chung.

Phẩm tính quan trọng của một người học trò từ trường hợp Tôn giả Angulimala

Nghiên cứu 10:10 05/04/2024

Angulimala là một người cực ác trong xã hội khiến ai ai cũng khiếp sợ với danh xưng kẻ sát nhân, chỉ duy nhất tình thương của Phật pháp mới khiến tên cướp quay đầu sám hối, từ một kẻ đại ác trở thành Sa môn Thích tử.

Đạo đức của Phật giáo với đạo làm người

Nghiên cứu 18:00 02/04/2024

Với tư cách là hình thái ý thức xã hội, Phật giáo cũng như mọi tôn giáo, cũng mang trong nó những giá trị tư tưởng, như là sự phản ánh khát khao vươn tới chân - thiện - mỹ của chính loài người, song đặc biệt hơn ở chỗ chú trọng mục tiêu giải thoát khỏi khổ.

A lại da thức và Mạc na thức

Nghiên cứu 09:00 16/03/2024

Trong kinh Duy Thức thuộc tạng kinh phát triển, để chỉ cho sự huân tập thành khối nghiệp lực (A Lại Da Thức và Mạc Na Thức,) được xem là người giữ kho (librarian) và cái kho (library) tích trữ tạo thành nghiệp lực.

Xem thêm