Hãy niệm Phật khi chúng ta đang còn khoẻ
Tôi muốn kể về người bạn thân, đã qua đời cách đây gần 3 năm. Tôi gặp bạn lần cuối vào năm 2006. Khi ấy tôi về phép thăm nhà. Gặp bạn, thấy anh gầy rộc, da dẻ xám xanh, lại thường húng hắng ho.
Tôi nhìn bạn, ái ngại khuyên: Ông nên kiểm tra tổng thể xem phổi phèo ra làm sao, chứ nghe tiếng ho của ông, không bình thường đâu. Bạn tôi cười xoà, đáp: Không sao đâu! Vô tư đi! Tao còn khoẻ chán. Thấy giọng bạn chắc nịch, nên tôi cũng có phần yên tâm.
Cuộc sống sau những ngày học tập từ nước ngoài trở về, rồi hoà mình, vật lộn trong dòng đời lam lũ nơi quê hương khiến bạn tôi càng trở nên già nua, đen đủi. Tôi trả phép vào lúc đứa con thứ 3 của anh, một thằng con trai chào đời vừa tròn một tháng. Vợ chồng anh hoan hỉ lắm. Chả là trên cậu con út là hai “thị mẹt”. Sống nơi thôn quê, nên anh vẫn chưa vượt qua nổi ải “phải có thằng con trai chống gậy”. Thật phước đức, ước nguyện của vợ chồng anh đã viên mãn. Cửa nhà cũng vừa xây cất, cao ba tầng, 5 phòng, rộng thênh thang. Lúc chia tay, tôi dặn bạn: Nhà cửa ổn thoả rồi; có con trai nối dòng rồi; ông hãy lo cho mình một chút. Đừng ham hố quá, kẻo ông ngã ngựa là mấy mẹ con nó ra “đê” hết. Bạn tôi vẫn cười xoà, đáp: Yên trí đi! – Anh giơ bắp tay, làm ra vẻ còn gân lắm, nói – Ông về tôi còn đủ sức để đón và tiếp ông…
Vì sao chúng ta niệm Phật lâu ngày vẫn chưa nhất tâm?
Tôi trả phép với niềm tin: bạn tôi sẽ còn “gân” mãi cho những lần tôi về kế tiếp… Nhưng không ngờ đó là lần cuối cùng tôi được gặp bạn.
Cuộc sống bộn bề nơi đất khách khiến tôi cũng không thường xuyên liên lạc cùng bạn. Thi thoảng phôn cho bạn, hỏi thăm dăm ba câu về sức khoẻ, và cuộc sống. Bạn tôi vẫn cười xoà, đáp: Yên trí đi! Lo kiếm đủ tiền về phép. Tôi và ông sẽ hàn huyên nhiều… Thế rồi năm 2010, trong một lần phôn về thăm bạn, nghe bạn tôi đáp nhát gừng, giọng uể oải như người vừa ốm dậy, thi thoảng lại húng hắng ho. Thấy vậy, tôi vội hỏi bạn:
– Ông không sao chứ? Sao giọng như hết hồn thế? Ho rũ rượi như thế là triệu chứng gì đấy?
Bạn tôi nén cơn ho, úp mở, đáp:
– Không sao! Bị ho chút thôi! Ít bữa là lành mà. Thôi nhé! Hôm nay tao mệt lắm, hẹn bữa khác đi.
Tôi ừ ào, rồi chưa kịp định hình về những lời đối đáp của bạn thì anh đã cúp máy. Thấy không yên tâm, tôi bèn gọi điện cho người nhà, gia đình tôi báo: Nó (bạn tôi) bị ung thư thực quản giai đoạn cuối rồi. Bây giờ đang xạ trị, những khối u chạy tùm lum trong cơ thể, đà này khó qua nổi…
Tôi hơi sững sờ khi nghe tin bạn bị ung thư, và di căn giai đoạn cuối. Sợ gọi điện ngay cho bạn sẽ bất tiện, vả lại xem ý như bạn tôi không muốn nhiều người biết mình bị bệnh nan y. Tôi ráng gác lại tới tuần sau, rồi gọi phôn cho bạn. Lần này chị vợ bạn tôi nhấc máy. Nhận ra tôi, chị nói giọng nghẹt đi vì nước mắt:
– Anh nhà em yếu lắm rồi anh ơi!
Tôi trấn an chị, rồi hỏi:
– Nó bị bao lâu rồi?
Chị đáp:
– Có lẽ lâu rồi anh ạ! Từ bữa anh về, gia đình đã thấy anh ấy yếu rộc đi, lại húng hắng ho suốt, khi ăn uống thì hay bị nghẹn. Gia đình lo lắm, bảo anh ấy đi khám thì cứ đùn đẩy nay lại mai… rồi cứ lo đi kiếm sống. Đến khi kiệt sức, đi khám thì mới biết là bị u ác tính, và ở giai đoạn cuối rồi. Em lo quá! Nếu anh ấy không qua khỏi thì mấy mẹ con em, biết sống làm sao hả anh?
Thú thực khi thấy bạn tôi húng hắng ho khan, tôi nghi anh bị phổi nhiều hơn là ung thư di căn. Không ngờ sự thể lại ập đến nhanh hơn tôi tưởng, khiến anh và vợ con khốn đốn đến vậy. Tôi an ủi vợ bạn, rồi hỏi, liệu bạn tôi còn nói chuyện nổi không? Chị vợ bạn tôi đáp:
– Có đấy! Anh ý mong anh lắm! Anh nói chuyện nhé. Nói rồi chị vội trao máy nghe cho chồng. Bạn tôi chào, tiếng thở thều thào và một tràng ho tưởng vỡ banh lồng ngực.
– Ông sao rồi? Tôi hỏi bạn.
– Yếu lắm rồi! Bạn tôi đáp. Đà này chắc ông về tôi không đón được đâu…
Tôi động viên bạn:
– Gác chuyện đón tôi sang bên đã. Cho tôi biết bệnh tình của ông đi?
Bạn tôi thều thào đáp:
– Kém lắm rồi! Chụp cắt lớp, họ bảo ung thư thực quản ác tính. Xạ trị gần 4 tháng, tốn tiền quá. Mất cả gần trăm triệu rồi, nhưng bị di căn rồi. Khối u chạy khắp vùng bụng rồi. Giờ tôi đã bỏ xạ trị, chuyển sang uống thuốc nam. Nghe người ta mách, có người bị như tôi, uống 5-6 tháng là khỏi. Tôi uống gần hai tháng rồi, chưa thấy biến chuyển gì. Đà này chắc cũng bỏ thôi…
Trong những lần về phép trước, khi trò chuyện cùng bạn, tôi cũng định bụng nếu có cơ duyên sẽ khuyên vợ chồng anh tu theo pháp môn niệm Phật. Nhưng cuộc sống của người lao động nơi quê nhà thực sự lam lũ và vất vả quá. Hình như mọi người chỉ còn lo làm sao kiếm cho thật nhiều tiền, để tạo dựng một cuộc sống vật chất thật hoành tráng, vậy là mãn nguyện. Bạn tôi sau những ngày trở về nước, vật lộn với đủ mọi nghề. Số vốn mang về không đủ để trang trải cho một đại gia đình lại làm nghề nông. Ráng lắm anh mới mua được một mảnh đất, rồi làm căn nhà cấp 4, cho cậu em kế đến ở để giữ nhà. Còn anh lại tiếp tục lặn lội khắp nơi, vừa cứu mình, vừa cứu gia đình. Rốt cuộc, thì anh cũng cưới được vợ và tậu thêm được mảnh đất khoảng 100m2, mở nghề điện nước. Rồi hai cô con gái cũng lần lượt ra đời. Sẵn có nghề cơ khí, nên anh đã chạy chọt đủ nơi, kiếm người kết hợp làm ăn, rồi làm công trình. Quanh năm, suốt tháng nay đây, mai đó, ăn uống vạ vật, lại lo kiếm tiền nuôi vợ con, làm nhà… nên mắc bệnh lúc nào anh cũng chẳng hay… Nghĩ vậy, nên sau nhiều lần đắn đo, tôi đành gác lại ý định khuyên nhủ bạn… Nay bạn tôi đang mắc bệnh thập tử, nhất sinh, tôi nghĩ, có lẽ đó là cơ duyên duy nhất và cũng là thích hợp nhất để tôi khuyên bạn, chí ít cũng là giúp cho bạn có được chút ít bình an để dưỡng bệnh. Sau một hồi hỏi thăm về bệnh án, rồi cách chữa trị, tôi mới lựa được lời để nói với bạn. Tôi nói:
– Bệnh đã mắc rồi! Vấn đề ông phải đối diện là ông phải chấp nhận sự thật. Ông đang mắc bệnh, lại là bệnh nan y. Thứ hai: Ai cũng có bệnh! Không bệnh nọ thì bệnh kia. Thứ ba, bệnh không chừa một ai và không phải chờ tới lúc ông già nó mới hỏi thăm. Tôi dừng lời, thoáng cân nhắc, rồi quyết định hỏi thẳng bạn:
– Ông có sợ chết không?
Bạn tôi cười xoà, nhưng không có tiếng, vì tôi nghe anh thở hổn hển trong máy. Anh đáp:
– Không!
Tôi hỏi lại bạn:
– Có thật không?
Bạn tôi đáp:
– Bệnh thế này, chết quách cho rảnh. Chứ ông tính, tôi cứ xạ trị, rồi lại uống đủ thứ thuốc vào người, đau lồng lộn, muốn chết luôn. Nhưng mà… tôi chết lúc này thì vợ con tôi khổ quá. Nói rồi bạn tôi lặng đi trong máy nghe.
Tôi an ủi bạn:
– Ông phải bình tĩnh, bởi nếu lúc này ông nghĩ quẩn, thật vô phương. Bệnh của ông bác sĩ chê rồi; thuốc ông uống cũng không công hiệu. Bây giờ còn một cách, tôi hỏi thật, ông có muốn thử không?
– Xì… bạn tôi khẽ cười xoà trong máy, đáp – Cách gì thì cách, miễn sao tôi đỡ đau, và chết sớm là được.
Nghe lời vợ anh kể thì những cục di căn chạy trên cơ thể khiến anh đau đớn quằn quại. Đã 6-7 tháng nay bạn tôi chỉ còn uống cháo cầm hơi, vì nhiều khi đồ ăn nuốt vào đều bị ứ nghẹn, khiến anh đau lồng lộn…
Tôi nói với bạn:
– Ông dám chắc không?
Bạn tôi đáp:
– OK đi! Ông cho tôi biết bài thuốc nào, để tôi thử.
Tôi đáp:
– Không phải thuốc, mà là cách đối trị cái đau của ông.
Bạn tôi hỏi gấp:
– Ông bảo sao? Đối trị mà không dùng thuốc thì đối trị kiểu gì? Nhiều người cũng khuyên tôi ngồi thiền, nhưng tôi đau lắm. Cũng thử rồi, không ngồi được. Chỉ nhắm mắt lại thôi là cơn đau nó đã ập đến hành tôi tơi bời rồi. Tôi chịu thôi.
Vậy là con người ta khi mắc bệnh, và bệnh thập tử nhất sinh, vì ham sống, sợ chết nên ai cũng đều tìm mọi cách để sinh tồn cả. Nghe bạn nói vậy, tôi bèn lựa lời, bảo:
– Cách tôi muốn nói với ông, đơn giản hơn ngồi thiền, nhưng cũng đòi hỏi ông phải kiên nhẫn mới làm nổi.
Bạn tôi nói:
– Cách gì thì ông cứ nói đi! Đằng nào cũng chết. Tôi thử hết.
Nghe bạn nói vậy, tôi thấy thương bạn quá. Đời người quả là mong manh. Khi hơi thở gần như cạn kiệt, con người ta có thể bám víu vào tất cả, miễn sao duy trì được sự sống. Dù sao nghe bạn nói, tôi cũng thấy tạm yên tâm, nên dè dặt hỏi bạn:
– Từ trước tới nay vợ chồng ông có bao giờ niệm Phật không?
– Không! Bạn tôi đáp chắc nịch. Thắp nhang cúng Phật chúng tôi còn chưa biết làm bao giờ, làm sao tôi biết niệm Phật được.
Vậy là khó rồi, bạn ơi!… Ý nghĩ đó thoáng vụt nhanh trong đầu tôi. Nhưng để bạn đỡ hoang mang, tôi vội nói:
– Không sao! Chưa biết thì bây giờ, nhân cơ hội ông bị bệnh, ông làm thử xem, nếu có duyên, biết đâu lại chẳng giúp ông vượt qua được bệnh hiểm nghèo?
– Được rồi! Ông nói đi! Bạn tôi đáp. Tôi sẽ ráng làm thử xem.
– Tốt rồi! Tôi nói với bạn – bây giờ ông hãy ngồi xuống, thử theo cách này: Hai mắt nhắm hờ lại; tạm quên mọi chuyện xung quanh; không nghĩ ông đang bị mắc bệnh tật gì cả; cho dù có chuyện gì xảy ra ông cũng tiếp tục làm. Được không?
Bạn tôi đáp:
– Được! Ông nói đi!
Tôi nói nhỏ, đủ để cho bạn nghe thấy:
– Ông nghe thật rõ 4 câu tôi nói nhé! Tôi khẽ niệm vào ống nghe: A Di Đà Phật! Rồi hỏi lại – Ông nghe được không?
Bạn tôi ấp úng đáp:
– Nghe, nghe được!
Tôi nói:
– Ông nhớ 4 câu đó không?
Bạn tôi đáp:
– Nhớ được. Giờ tôi phải làm sao?
Tôi đáp:
– Giờ thì ông cứ ngồi yên đấy, hai mắt vẫn nhắm hờ, thử hít thật sâu từng hơi một; hít ba lần, rồi sau mỗi lần, ông ráng thở ra thật từ từ. Ông hình dung như mình đang đẩy dần những phiền não, những cơn đau ra bên ngoài…
Tôi nghe tiếng bạn làm thử trong máy nghe, nhưng chưa được một hơi thì bạn tôi đã thở dốc, quằn quại, nói:
– Không được đâu! Đau lắm ông ơi! Có cách khác không?
Tôi cảm được cơn đau của bạn qua ống nghe. Rồi nói gấp. Không sao! Giờ ông tiếp tục ngồi yên, mắt nhắm hờ, rồi nhẩm thử 4 câu tôi vừa nói xem sao. Ông nghe tôi làm mẫu: A Di Đà Phật! Tôi thầm niệm chầm chậm vào ống nghe, rồi hỏi bạn – Ông nghe được không?
Bạn tôi đáp:
– Nghe được! Nhưng niệm thế nào?
Tôi đáp:
– Thật chậm rãi! Từng câu một! Niệm tới khi ông cảm thấy nhuần nhuyễn thì thôi.
Bạn tôi nghe lời, cất tiếng niệm, nhưng chỉ được hai ba câu, khi thì mới cất tiếng “A”; khi thì “A Di” và khi thì “A Di Đà” thì anh phải bỏ dở, vì cơn đau đã dồn dập ập đến.
– Đau lắm! Ông ơi! Không được đâu! Cách này tôi cũng chịu thôi.
Nghe bạn kêu đau quá, tôi chực ứa nước mắt. Bạn ơi… tôi thầm nói với chính mình – vậy là Phật pháp đã không thể cứu bạn được rồi. Thấy tôi im lặng, bạn tôi thều thào nói:
– Ông còn đấy không?
Tôi vội đáp:
– Tôi vẫn nghe đây.
Bạn tôi nói nhanh:
– Thôi đi ông! Cả đời tôi chưa bao giờ thắp hương cho Phật, bây giờ bảo tôi niệm Phật, mồm miệng làm sao đó, không thể niệm được. Thôi, để tôi tiếp tục uống thuốc nam xem sao. Nếu đỡ, thì may ra lúc ông về, tôi còn đi đón được; ngược lại, nếu tôi có chuyện gì, ông đừng quên mấy mẹ con nó nhé. Tôi mệt lắm rồi. Phải đi nằm đây…
Nghe bạn tôi nói vậy, vợ anh liền cầm máy, vội chào tôi, rồi dìu chồng vào giường. Bạn tôi đã cầm cự được thêm gần 6 tháng nữa. Trong những lần gọi điện về hỏi thăm, sức khoẻ của anh đã ngày một yếu dần. Anh đã bỏ hẳn uống thuốc và quyết định nằm thoi thóp để chờ chết. Lần cuối cùng tôi gọi điện thăm bạn, vợ anh nhấc máy, giọng mếu máo:
– Anh nhà em chắc chết thôi anh ơi! Mấy tuần nay, chỉ húp vài thìa cháo; Thuốc bỏ không uống nữa; người bây giờ chỉ còn hơn 30kg thôi.
Tôi động viên vợ người bạn, rồi cũng lựa lời, khuyên chị thử niệm Phật, rồi hộ niệm cho chồng, nhưng vừa nghe tôi nói, chị đã vội đáp:
– Em chịu thôi! Nhà em có bao giờ cúng Phật đâu! Thi thoảng lắm tụi em mới đến chùa thắp hương, nhưng cũng chỉ để cầu cho chuyện làm ăn, chuyện con cái, chứ có biết Phật thế nào đâu. Bây giờ bảo em niệm Phật, nó làm sao ấy, em không làm được.
Tôi nói động viên:
– Ngày xưa mình không biết, nên mình không làm. Bây giờ anh chỉ cho cách, em thử làm xem sao? Có mất mát gì đâu?
Chị vợ bạn tôi đáp, giọng thiếu tự tin:
– Em cũng biết thế! Nhưng từ bé đến giờ em và ông xã nhà em chưa thắp một nén hương cúng Phật, bây giờ tự nhiên làm, em thấy nó làm sao ý. Thực lòng em không làm được, anh ạ!
Nghe chị vợ bạn tôi đáp vậy tôi thấy đau xót quá. Câu nói: “Phật không độ người vô duyên” bỗng văng vẳng trong đầu. Thực tình, tôi chỉ muốn giúp bạn, và mong vợ bạn thử nghiệm một phương pháp nhỏ để giúp chồng vượt qua cơn đau của thế xác. Đơn giản vậy thôi, nhưng cả bạn tôi, và người vợ của anh cũng từ chối. Lúc đó tôi thực buồn lắm, nhưng rồi nghĩ lại: Vợ chồng bạn tôi đã rất chân thật khi nói lên những điều mình nghĩ. Nhìn ra xung quanh, trong đó có cả những người thân của tôi, cũng chẳng được mấy người tin và tha thiết với Phật pháp. Hình như mọi người đều nghĩ: Phật và Phật pháp là cái gì đó thuộc về một thế giới viễn tưởng, hay siêu phàm, hay có chăng cũng là để dành cho các ông bà cụ tuổi đã xế chiếu; hay dành để tụng cho những người chết…v.v. Có lẽ vợ chồng bạn cũng nằm trong số đó, vô duyên với Phật pháp, vì thế vợ chồng anh không có đủ lòng tin, không vượt qua khỏi những kiến chấp rất nhỏ nhoi: Cả đời chưa thờ, chưa cúng Phật, tất sẽ chẳng thể niệm Phật được. Đây là một định kiến thực sự sai lầm, bởi nó chẳng khác nào mình tự tay giăng, đắp thành luỹ xung quanh mình, rồi lại tự khẳng định: Mình chẳng thể nào vượt qua nổi thành luỹ đó… Trong nhà Phật gọi đó là vô minh, nhưng làm cách nào để vén, để phá tan bức màn vô minh đó để đến với Phật Pháp, thật không dễ cho mỗi ai. Nghe chị vợ bạn tôi nói vậy, tôi đành chuyển hướng câu chuyện. Tôi nói:
– Anh muốn nói chuyện với chồng em được không?
Chị vợ đáp:
– Anh chờ nhé! Em đưa máy! Anh ấy bây giờ không ngồi dậy được nữa đâu.
Bạn tôi cầm máy, nằm thều thào, nói:
– Mày đấy à?
Tôi đáp nhỏ:
– Ừ, tao đây! Mày sao rồi?
Bạn tôi đáp:
– Yếu lắm rồi! Chắc tao sắp đi thôi! Chán sống lắm rồi! Nếu tao đi, đừng quên mẹ con nó nhớ… nói tới đây thì cơn đau lại ập tới, khiến vợ anh phải nhoài người, lấy ống nghe, rồi nói gấp, như lời tạm biệt giúp chồng:
– Anh à! Chắc nhà em không qua được rồi. Lần tới anh về, chắc anh ấy không đón anh được đâu…
Tôi cúp máy, rồi ngồi chết lặng. Cái cơ hội giúp cho bạn giảm bớt cơn đau bằng cách niệm Phật vậy là tôi cũng không còn cơ hội…
Khi tụng kinh, niệm Phật có vọng niệm thì hồi hướng có lỗi không?
Thay lời kết
Bạn tôi mất tháng 09.2011 (AL). Người nhà gọi điện báo tin, bạn tôi qua đời. Tôi vội gọi phôn về đúng ngày gia đình đưa anh ra nghĩa địa. Đứa con trai út của anh lúc này vừa tròn một năm tuổi. Ngày bố mất, cậu út không hề biết. Mẹ cu cậu và cả nhà đều giấu, không ai hé nửa lời. Lúc đưa bố ra nghĩa địa, nó cũng chẳng biết chuyện gì đang xảy ra xung quanh nên miệng vẫn bi bô, nói nói, cười cười, thật tội nghiệp.
Mùa hè 2013 tôi về Việt Nam thăm người bệnh. Ghé tới nhà bạn thăm chỉ có hai cô con gái và cậu út ở nhà. Thấy tôi đến chơi, con bé lớn liền vội gọi phôn cho mẹ về. Thi trượt đại học, nên hàng ngày con bé ở nhà phụ với mẹ bán hàng và trông hai em.
Căn nhà từ ngày bạn tôi mất trở nên lạnh lẽo và tối hẳn. Ngồi một lát thì chị vợ bạn tôi trở về. Nhận ra tôi, chị cười, nụ cười buồn đầy trong khoé mắt.
Tôi thắp hương cho bạn, rồi trở xuống trò chuyện cùng cả nhà. Lúc ra về, chị vợ bạn tôi giọng bùi ngùi, xót xa nói: Anh nhà em vẫn chưa chịu đi. Hằng đêm em vẫn thấy anh ấy nằm ngủ bên cạnh.
Tôi biết, anh vẫn chưa đi và cũng chưa thể đi, bởi anh chưa chuẩn bị và chưa lý giải được về cái chết của mình…
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Để Sư nấu
Góc nhìn Phật tử 10:06 22/11/2024Cách đây chừng sáu năm, ngày đó tôi đang là một sinh viên năm thứ ba, sống chung phòng trọ với bảy người bạn nữa ở khu Làng Đại Học Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy chung trọ nhưng chẳng ai cùng quê với nhau cả, Bắc – Trung – Nam đều có.
Nói xấu người
Góc nhìn Phật tử 09:51 22/11/2024Đã nhiều lần tự hứa với bản thân sẽ không bao giờ nói xấu người khác, thế nhưng đâu cũng lại vào đó, cứ hễ tụm năm tụm ba là không nói chuyện của người này cũng nói người khác, hoặc khi ai đó nói về chuyện của người khác dù không nói ra nhưng vẫn có những ý nghĩ xấu, không tốt về họ.
Nhất tâm niệm Phật
Góc nhìn Phật tử 10:07 21/11/2024Trong giáo lý của đạo Phật, pháp môn niệm Phật được xem là con đường dễ hành trì, nhưng lại mang đến lợi ích lớn lao cho những ai chí tâm tu tập.
Nhớ về một người Thầy
Góc nhìn Phật tử 09:12 21/11/2024Trong cuộc sống, ắt hẳn rằng mỗi người ai trong chúng ta cũng mong muốn có một cuộc sống thật tốt đẹp và hạnh phúc nhưng đối với tôi một cuộc sống hạnh phúc đã không còn tồn tại vào năm tôi lên ba tuổi khi thần chết đã cướp đi người mẹ mà tôi yêu quý và người cha mà tôi luôn kính trọng.
Xem thêm