Hiểu đầy đủ về giới “không sát sanh”
Hỏi: Những điều răn mà Ðức Thế Tôn đã dạy, hàng Phật tử phải thừa hành như thế nào?
Đáp:
Theo Phật pháp gọi đó là điều học. Người Phật tử phải học cho hiểu rõ lời dạy của Ðức Thế Tôn rồi hành theo cho thật đúng.
Ðối với hàng tại gia cư sĩ, Ðức Phật khuyên giữ năm điều học:
1. Tránh xa sự sát sinh (Pànàtipàtà veramanì).
2. Tránh xa sự trộm cắp (Adinnàdànà-veramanì).
3. Tránh xa sự tà dâm (Kàmesu-michàcàrà veramanì).
4. Tránh xa sự nói dối (Musàvàdà veramanì).
5. Tránh xa sự dể duôi, uống rượu bia và các chất say nghiện
Và mỗi điều học đều có chia ra bốn phần khái quát:
1. Trọng điểm của điều học.
2. Ý nghĩa của điều học (cũng gọi là giới răn).
3. Chi tiết của điều học. Nghĩa là tất cả mọi khía cạnh, mọi trường hợp phụ thuộc để dễ biết khi nào phạm và khi nào không phạm.
4. Nhân và Quả của mỗi điều học.
Điều ảnh hưởng nhất đối với điểm công đức là sát sanh
Ðiều học thứ nhất: Tránh xa sự sát sinh (Pànàtipàtà veramanì).
Trọng điểm: Trọng điểm đây có nghĩa là sự quan trọng của điều học mà mình đã thọ trì. Ta nên đặt câu hỏi: Tại sao Ðức Phật khuyên không nên sát sinh? Có phải Ngài sợ thú vật chết hết không? Vậy điều học thứ nhất này có mục đích gì?
Ðức Phật dạy không nên sát sinh, và cần phải tự nguyện không giết hại một sinh vật nào, dù là một con kiến nhỏ. Ðó là Ðức Phật muốn dạy cho con người phải có lòng Từ (là thương lẫn nhau dù người hay thú).
Ý nghĩa của điều học thứ nhất:
Không nên sát sinh, nghĩa là không nên giết hại chúng sinh có thức tánh. Ðiều này dạy cho chúng ta có lòng thương yêu nhau. Người trì giới phải tránh xa ba điều hành động:
- Sự giết.
- Sự hủy hoại thân thể của người và thú.
- Sự hành hạ người hay thú.
Giải rộng thêm:
Sự giết có nghĩa là làm cho chúng sinh không còn sống.
Tội của sự giết: Giết chúng sinh có thức tánh là phạm vào giới sát. Nhưng còn tùy theo trường hợp tội lỗi có nặng nhẹ khác nhau.
Ðối tượng của giới sát: Nói về thú, giết thú vật nuôi trong nhà hữu ích cho nhân loại tội nặng hơn thú rừng thú dữ.
Nói về giết người, giết người hung ác như trộm cướp, hay người không có giới đức, tội nhẹ hơn giết người lương thiện, giết những người lương thiện tội còn nhẹ hơn giết người tu sĩ hay bậc ân nhân của mình (như ông bà, cha, mẹ, thầy tổ). Giết cha, mẹ, A La Hán hay làm cho Ðức Phật chảy máu vì ác ý phải phạm vào ngỗ nghịch đại tội. Sau khi chết phải đọa vào a tỳ.
Tác ý của người phạm giới: Khi giết mà cố tâm vì sân hận, oán thù hay giết mướn, tội nặng hơn khi bị bắt buộc phải giết để tự vệ.
Phương pháp giết: Nếu giết bằng cách hành hạ cho phải thật khổ sở chết từ từ trong sự rên siết đau đớn, tội này rất nặng.
Ngoài ra còn có hạng người si mê giết thú để tiêu khiển (như đi săn) giết để khoe tài như đấu bò, đem thú thả cho chạy rồi thì đua nhau bắn xem ai bắn giỏi. Hạng người này mua vui bằng cách không lương thiện đã phạm vào điều ác mà không hay. Nếu những người này đến lò sát sinh họ sẽ trông thấy con thú biết chảy nước mắt khi bị đem đi giết, vì chúng nó cũng biết tham sống sợ chết như người vậy.
Ba tội ác trên đều do sự hành động khác nhau, dĩ nhiên hậu quả cũng sẽ nặng nhẹ không đồng nhau.
- Sự hủy hoại thân thể như chặt tay, chân, hay khoét mắt,... làm cho người bị tàn tật suốt đời.
- Sự hành hạ là sự đày đọa khổ sở đánh đập người dưới quyền hoặc kẻ thù của mình.
Sự hành hạ có nhiều cách:
1. Sử dụng như bắt thú kéo xe nặng quá sức mà còn đánh đập không hề thương hại, không cho ăn uống đầy đủ. Ðối với người cũng xử sự như với loài vật.
2. Nhốt thú lại để tự mình xem chơi, hoặc cho người khác coi, nhưng nếu nuôi dưỡng tử tế, không để thiếu thốn, cực khổ tạm cho là được. Nhưng về một phương diện khác là muốn làm cho vừa lòng mình mà làm mất sự tự do của chúng sinh khác, thì cũng không tránh khỏi nghiệp ác. Thử hỏi nếu có ai nuôi ta đầy đủ, nhưng chỉ cho ở trong phạm vi một căn phòng nhỏ hẹp, thiếu sự tự do, ta có bằng lòng không?
Nhốt thú dù với dụng ý nào, mà không cho ăn uống đầy đủ đều thuộc về việc làm khổ hay hành hạ.
3. Ðem đi, như đem gà vịt đi bằng cách cột chân tréo cánh, treo theo xe, phơi nắng không cho ăn uống ... đều phạm vào tội hành hạ súc vật.
Sát sanh chiêu cảm nghiệp báo thống khổ
Chi tiết của điều học thứ nhất.
Muốn biết có phạm giới hay không, coi theo năm chi phần dưới đây:
1. Pànà, chúng sinh có thức tánh.
2. Pànasannito, biết chúng sinh có thức tánh.
3. Vadhakacittam, có ý định giết.
4. Upakkamo, ráng sức giết.
5. Tena maranam, chúng sinh chết bởi sự ráng sức ấy.
Tự mình giết, bảo kẻ khác giết hay nói khéo bằng cách này cách khác, hay ra dấu cho người khác biết để giết. Khi thấy giết được rồi lấy làm thỏa thích. Cả hai, kẻ xúi giết cũng như người giết, đều phạm vào tội sát sinh.
Nhân và quả:
Thông thường hay nói Tội và Phước cho gọn và để lãnh hội. Thật ra, hiểu theo giáo lý của Ðức Thế Tôn chỉ có trạng thái vui buồn, hoặc sướng hay khổ của thân tâm mà thôi. Ðức Phật dạy không có một đấng uy quyền tối cao nào hay một vị Thiên vương nào có thể ban phước cho ta như phần đông ta lầm tưởng. Sự thật thì mọi việc gì đến với ta đều do ta mà có hết. Chỉ có sự hành động và kết quả của sự hành động mà thôi.
Nói và hiểu theo Phật pháp là luật Nhân quả, làm lành được vui, làm ác gặp khổ. Thân này khi già thì phải chết, có người chết trước tuổi già, nhưng trái lại tâm là phần vô hình thì không bao giờ chết, khi chết tư tưởng cuối cùng đưa con người đi tái sinh một cảnh nào tùy theo tốt xấu mà mình đã tạo.
Cái gọi là tư tưởng cuối cùng ấy có nghĩa là khi mình sắp chết có hiện tượng sinh ra trước mắt người sắp lâm chung. Phạm ngữ gọi Gatinimitta nghĩa là Kiển mộng. Sở dĩ có kiển mộng là vì do chúng ta tạo nghiệp. Khi sắp lâm chung, nghiệp ấy hiện ra một cảnh vui hay khổ tùy theo nghiệp mà mình đã tạo.
Tóm lại, luân hồi hưởng cảnh an vui hay chịu khổ cũng do nơi ba phiền não tham lam, sân hận, si mê. Khi tâm thanh cao được sinh về cảnh an vui, tâm xấu xa đê hèn phải sinh về cõi khổ. Con người đang tu hành tinh tấn, tâm đang trong sạch mà bị phiền não ấy sinh lên rồi thiếu trí nhớ, không kiểm soát được tâm để phiền não xâm nhập làm cho tâm tối mê quên giới răn, không khác nào như người xuống thang vậy. Bậc thang cuối cùng của tâm là khi đã phạm giới.
Mỗi một bước xa giới răn là một bậc thang của tâm và đi gần đến nơi khổ sở là ác đạo.
Tội thật ra là hậu quả xấu của sự hành động trái với giới luật làm cho thân tâm trở nên nhơ bẩn và con người phải đau khổ mãi mãi.
Trích từ "Giải đáp thắc mắc của người cư sĩ".
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Có khái niệm vong linh, có vong nhập trong Phật giáo không?
Hỏi - Đáp 20:34 23/11/2024Khẳng định: Kinh điển Phật giáo có nói đến vong linh và ma nhập; nếu ai chưa rõ có thể cần đọc lại kinh Phật (Kinh tạng Pali).
Lá Bối có nghĩa là gì?
Hỏi - Đáp 19:38 23/11/2024Corypha umbraculifera, còn gọi là cây lá buông, cọ talipot, cây lá bối, bối đa thụ..., là loài cọ nguồn gốc từ miền đông và miền nam Ấn Độ và Sri Lanka, nơi Phật giáo từng rất thịnh hành.
Phóng sanh có thể hóa giải sát nghiệp?
Hỏi - Đáp 10:30 23/11/2024Con người ở trong lúc bệnh hoạn, thậm chí trong tình trạng nguy kịch thì phương pháp cầu cứu nhanh chóng nhất chính là phóng sinh phải không ạ?
Cầu an có phải là pháp của đạo Phật?
Hỏi - Đáp 15:05 22/11/2024Hỏi: Tôi là người theo đạo Phật và muốn hiểu rõ hơn về giáo pháp. Tôi muốn hỏi là cầu an có phải là pháp của đạo Phật? Nếu có thì xin vui lòng chỉ giúp Đức Phật dạy trong những kinh nào?
Xem thêm